Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Đại gia (đình) anh tôi

Đó là anh họ tôi, con thứ của người bác ruột. Anh tên Nguyễn Văn Trác, năm nay đã ngoại bát thập, tuy không còn khỏe như mấy năm trước (có mấy ai ở tuổi đó mà khỏe được) nhưng rất minh mẫn, vẫn nhớ chi li hồi bé đi học như thế nào, đánh nhau với con nhà ai...

Gọi anh Trác là đại gia cũng được bởi trần đời tôi chưa thấy ai nhiều... con như bác ấy. Dững 10 đứa, đều tăm tắp như băng đạn AK, đủ cả trai gái âm dương, theo thứ tự: Trí, Liêm, Liễm, Linh, Lanh, Luyên, Trịnh, Trai, Trường, Lan, 4 trai 6 gái. Con trai tên theo phụ âm TR, con gái phụ âm L. Cậu cả Trí đã lên chức ông nội lẫn ngoại, cô út Lan xinh xắn nhỏ nhắn cũng lấy chồng đã lâu. Chỉ trừ cu Thịnh bị bệnh từ nhỏ không yêu iếc vợ viếc gì, còn lại tất tật đã vướng vào vòng hôn nhân. Và hạnh phúc.

Gọi gia đình anh tôi là đại gia đình chẳng sai bởi tính đến thời điểm này, từ xuất phát điểm là anh tôi đến đứa bé nhất mới sinh (con thằng cháu Sơn) thì đã lên con số 45 công dân nước Việt, gồm đủ các thế hệ: cụ, ông bà, bố mẹ, con, cháu. Nói không ngoa, không có sự đóng góp của anh chị tôi, kết quả tổng điều tra dân số bị thiếu gần nửa trăm người chứ chả ít.

Nhà đông người vui lắm. Mỗi lần sum họp gia đình, cứ gọi là tối thiểu 5 mâm, ngồi tràn từ trong nhà ra ngoài sân. Thậm thịch bếp nước như hội làng.


Họ nhà tôi có duyên với nghề dạy học. Thời nào cũng có thầy cô (ngay cả tôi đây cũng theo nghề những 17 năm, rồi xin nghỉ một cục, tự "mất dạy" để sau đó phải làm lại từ đầu, vài năm nữa lại buộc thôi việc chứ không được chế độ hưu). Cao thì hiệu trưởng, xoàng thì giáo viên, đủ các cấp, các môn. Đóng góp nhiều nhất cho sự nghiệp sư phạm trồng người cao quý ấy là nhà anh Trác tôi. Xem nào, nếu tính cả con cháu, dâu rể có nhẽ hơn hai chục kẻ cầm thước gõ đầu thiên hạ. Hai hiệu trưởng THPT (thường gọi là cấp 2), còn tổ trưởng bộ môn, giáo viên cấp 3, cấp 2 thì vô thiên lủng. Ai đời, sống ở nông thôn mà hễ cứ túm tụm lại với nhau một chốc một nhát là lôi toàn chuyện trường lớp, dạy này dạy nọ ra nói, chả khác gì họp hội đồng nhà trường, hội đồng giáo viên, hoặc semina khoa học. Đủ chuyện vui buồn trong nghề. Vị nào cần viết Bài ca sư phạm tập mới (tập 1 là của nhà sư phạm lỗi lạc Makarenko) thì tôi khuyên nên tìm về làng Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng hỏi nhà ông Trác. Nhớ mang theo nhiều giấy bút hoặc thẻ ghi âm bởi tư liệu nhiều như biển cả, kẻo về lại hối tiếc.

Anh tôi hồi nhỏ học chữ Pháp (có phải trường Pháp không thì tôi chả rõ). Chữ viết đẹp tuyệt vời, nức tiếng một vùng. May mà hồi đó chưa có máy vi tính, viết chữ đẹp còn nổi tiếng tăm, chứ bi giờ mà khoe chữ đẹp chả bị bọn trẻ con xì một cái ngay. Sau đó anh đi làm cho nhà nước (đoạn này tôi sẽ nói phần cuối), về già vẫn ở quê nhà vui cùng cháu con.

Cậu trưởng nam của anh tôi là Nguyễn Minh Trí, hắn hơn tôi 1 tuổi nhưng đương nhiên vẫn phải gọi tôi bằng chú. Nay hắn lên chức ông cho nên tôi mặc nhiên vào hàng cụ. Kể cũng sướng, mình được hưởng cái mà mình không làm ra (cái này là tự nhiên chứ chả phải bóc lột). Trí học xong lớp 10 (tốt nghiệp cấp 3) thì đi bộ đội, năm 1971. Y bị thương, cụt một tay, bị tháo khớp đến gần vai. Và thật trớ trêu, y thuận tay phải thì bị cụt tay phải, anh Vê cùng làng cùng lớp cùng đi bộ đội một đợt với Trí, cùng bị thương, thuận tay trái lại bị cụt tay trái. Sau giải phóng cả hai ra quân, về học sư phạm 10+3 Kiến An, ra trường dạy học cho đến giờ. Khi y ở chiến trường, có một người con gái xinh đẹp bạn học cũ phổ thông (tôi gọi là hoa hậu xã Đại Hà) cứ chờ đợi, chờ đợi, bất chấp tháng năm và cả những tán tỉnh này nọ bởi thị rất xinh. Và y về chỉ còn một tay. Và người đầu tiên đến thăm y ở trại thương binh Vĩnh Bảo là Hương, người con gái ấy. Suốt mấy chục năm, tuy chỉ có 3 tay nhưng vợ chồng Trí xây đắp hạnh phúc còn giỏi hơn cả những người... mấy chục tay chứ lị. Tôi chưa thấy gia đình nhỏ nào lại hạnh phúc như thế. Hương sau mấy chục năm dạy học, nhiều năm đóng chức hiệu trưởng, giờ đã nghỉ hưu, Trí đương nhiệm hiệu trưởng trường xã quê vợ một hai năm nữa cũng vui thú điền viên, học trò của cặp vợ chồng này cứ gọi là đông như quân Nguyên.

Các con đẻ của anh chị tôi hầu hết đi dạy học, còn dâu rể hệt ti vi đa hệ. Bộ đội thì cỡ quan năm (thượng tá thâm niên), trí thức thì bác sĩ, giáo viên, rồi doanh nhân, nhà quản lý, cả nhà là một xã hội thu nhỏ. Chỉ có điều xã hội lớn hay sinh chuyện lộn xộn, nhiều nỗi ai bi chứ xã hội con này ngay cả lúc khó khăn vẫn luôn đầm ấm, yêu thương. Tôi chưa bao giờ nghe trong nhà này một tiếng cãi cọ; rất nền nếp, lễ nghĩa, trật tự, tôn trọng nhau. Và không bao giờ thiếu tiếng cười, tình thương yêu.

Nhiều nhất là giáo viên, cái đó rõ rồi, còn đứng hàng thứ nhì là lính. Nhà anh tôi, 4 cậu trai thì 3 trải qua đời lính (trừ cu Thịnh, nó mà không ngố thì chắc anh chị cũng động viên đi bộ đội), cộng thêm vài thằng rể đủ các quân chủng binh chủng, lên tới gần tiểu đội. Nếu có huy chương cho ông bố nhiều con bộ đội, tôi chả chần chừ gì mà không giơ cả hai tay bầu cho anh tôi.

Đấy, đóng góp nhiều thế nhưng anh tôi phải chịu thiệt thòi. Có lẽ chế độ này chưa bỏ được cái thói vắt chanh bỏ vỏ. Có lẽ do quê tôi là đất Hải Phòng còn đủ thứ quan tham, hay nhũng nhiễu vòi vĩnh. Sau hơn hai mấy năm công tác ở ngành thương nghiệp huyện, những năm 90, đến tuổi, người ta cho anh tôi về nghỉ, không giải quyết bất cứ chế độ gì. Thà vi phạm, kỷ luật đã đi một nhẽ, đằng này giấy khen, bằng khen kín cả tường, không ai điều ra tiếng vào, không ai chê trách được điều gì. Đã đôi lần anh tôi cùng các cháu đi hỏi cho ra  nhưng các bậc quan phụ mẫu chi dân cứ ỡm ờ hò hẹn, lần khân. Là người khí khái (chất của dòng họ tôi là thế, bố tôi là người khí khái nổi tiếng trong vùng), anh tôi bảo "nó" không giải quyết thì thôi, tuyệt đối không xin xỏ gì. Từ bấy anh tôi chả thèm nhắc lại.

Tuy anh ấy không nhắc nhưng tôi vẫn cứ nhắc: một chính quyền mà đối xử tệ với những con người, những gia đình có biết bao đóng góp với dân với nước, với xã hội như thế, thì cái chính quyền ấy là loại chả ra gì.

22.2.2012
Nguyễn Thông






 (Bận quá, chú thích ảnh sau).

8 nhận xét:

  1. A!Chào cụ Thông Cào! Ấy lên chức cụ, thì chúng tớ là bạn ấy cũng lên chức cụ (Cụ "ăn theo"! Không ngờ mình lại được oai đến thế!)
    Chúc cụ và tất cả các cụ "ăn theo" của cụ mạnh khỏe, hạnh phúc, và đương nhiên, chúng ta đều là những công dân rất trách nhiệm, rất hữu ích với đời, như các thành viên nhà anh Trác. Việc đó, như mặt trời mọc ở đằng Đông(K17)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thế thì cả trăm cụ được phong một đợt cơ à?

      Xóa
  2. Xin cám ơn bác Dân Nam đã quan tâm và có lời chúc, tuy nhiên trong nội dung comment của bác có những điều không hợp, liên quan đến chính trị phiền phức, nhà cháu phải bỏ, mong bác đừng phiền.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn Nguyễn Thông ơi,

      Lão già hơn bảy bó rưỡi này không phiền bạn xoá bài góp ý. Chỉ thất vọng về từ kép “chính trị” đã bị hiểu sai lầm, dẫn đến tình trạng ngu dân. Người dân chỉ biết nhắm mắt, bịt tai xuôi theo lãnh tụ và đảng phái, không thể có ý kiến khác hơn. Không dám nêu lên sự thật hầu đem lại công bình hạnh phúc chung cho mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội.

      Trong cuốn Chính trị của mình, triết gia Hy Lạp cổ đại Aristotle (384–322 TCN) quả quyết rằng “về bản chất, con người là một động vật chính trị. Ông ta cho rằng luân thường và chính trị có liên kết chặt chẽ với nhau, và một đời sống thật sự đạo đức chỉ có thể có ở những người tham gia vào chính trị”.
      Đúng như lời triết gia Aristotle đã nói. Chánh trị được đời thường áp dụng từ khi con người có mặt trên quả địa cầu. Cha mẹ làm chánh trị tạo thành công, hạnh phúc và niềm tin chung cho con cháu. Anh em làm chánh trị nâng đỡ giúp nhau cầu tiến trong hài hoà, đồng đều. Vợ chồng làm chánh trị giúp nhau xây dựng tình yêu, hạnh phúc gia đình,.vv. Từ đó dẫn đến chánh trị được áp dụng rộng hơn đối với bạn bè, hàng xóm, cộng đồng, quốc gia và quốc tế.

      Thế thì chánh trị đã được nhân loại (trong đó có chúng ta) áp dụng vào mọi sinh hoạt hàng ngày. Từ đó chánh trị mang ý nghĩa tốt, tích cực nếu con người biết áp dụng chánh trị theo vương đạo. Thí dụ cha mẹ dạy con cái phải yêu thương, đùm bọc, giúp nhau chớ không được đánh giết cướp bóc của nhau. Không có cha mẹ nào áp dụng chánh trị bá đạo, xúi con cái giết hại và cướp bóc lẫn nhau.

      Đó là lý do, lão già này đặt vấn đề đàn con trăm trứng của hai ông bà tổ Lạc Long Quân và Âu Cơ đã đi lạc hướng, bịt tay, nhắm mắt làm chánh trị bá đạo. Năm mươi con theo mẹ lên núi mở mang vùng cao xây dựng hạnh phúc gia đình. Năm mươi con theo cha khai mở miền xuôi, phát triễn đồng bằng, tạo dựng gia đình tốt. Thế thì đâu có lý do gì để phá bỏ hạnh phúc chung của Lạc Long và Âu Cơ mà tự diệt.

      Nguyễn Thông là nhà giáo, và trong đại gia đình rất nhiều nhà giáo mà nghề giáo rất cao quí. Thế nên có lẽ đã đến lúc chúng ta đứng lên làm chánh trị vương đạo, giúp cho người trẻ thoát màn đêm tăm tối của hạng người và xã hội chuyên làm chánh trị bá đạo. Nếu ta né tránh sự thật, mặc cho giới trẻ ngu si, liệt kháng, bịt tai, nhắm mắt xuôi theo chánh trị bá đạo thì e rằng ta đã không làm tròn chức năng nhà giáo nói riêng và đạo làm người nói chung. Lão già này không có ý phê bình Nguyễn Thông, mà chỉ hy vọng dùng lời ngay thẳng mời gọi bạn Thông và các bạn khoá K17 gồm các trí thức hãy cương quyết dấn thân, dùng trí thức mà thôi thúc dân tộc liệt kháng đó can đảm cất lên tiếng nói, đòi chánh trị vương đạo, giúp cho đất nước của chúng ta không phải là đất nước chỉ biết làm chánh trị bá đạo.

      Các quốc gia văn minh là nhờ vào dân tộc họ can đảm dám làm chánh trị vương đạo. Trong số đó nước Úc tiên phông áp dụng chánh trị theo mô thức chủ nghĩa “đa văn hoá” (Multiculturalism) và cơ hội bình đẳng (Equal opportunity) cho mọi sắc tộc và từng lớp khác nhau trong xã hội. Vì thế Hoa Kỳ, Canada, Úc và các quốc gia tự do dân chủ Tây phương nói chung họ đã bỏ các nước nhược tiểu xuống hạng chót, bỡi các dân tộc nhược tiểu chỉ biết cúi đầu, nhắm mắt, bịt tai ăn theo và tôn thờ chánh trị bá đạo.

      Xóa
    2. (tt) Lão già này có đời sống đầy đủ, nhà cao cửa rộng, xe hơi hạng sang, con cái đỗ đạt nên người và thăng tiến thật tốt trên đường sự nghiệp. Cháu nội ngoại đang tiến tốt trên đường học vấn, theo gương tốt của gia đình ông bà, cha mẹ. Theo lẽ lão an phận sống hưởng thụ cho khoẻ, tội gì vào đây góp ý. Nhưng làm người mà thấy đất nước nát tan, dân tộc chia lìa, anh em đánh giết hãm hại nhau, biến xã hội bất công tột cùng, đẩy dân tộc vào đường vô cảm, chết ai nấy chịu, thật là đau lòng. Mỗi khi nghe tiếng hát của Việt Khang, nhìn hình ảnh màn trời chiếu đất của gia đình ông Vươn và biết bao đau khổ của dân oan và lớp người nghèo khổ, lão thấy có lẽ chúng ta nên làm chánh trị bạn Nguyễn Thông à. Xin gởi lại đây ba bài hát, để cùng nhau lắng động tâm hồn, xem thử ta nên làm gì cho hết nửa đời sau.

      Nhạc Phẩm : Việt Nam Tôi Đâu của NS Việt Khang
      http://www.youtube.com/watch?v=_KEPmduvlAg

      Nhạc Phẩm : Anh Là Ai của NS Việt Khang
      http://www.youtube.com/watch?v=R4L1grczk6E&feature=player_embedded

      Gải Từ Vũ khí- Sáng Tác : Trịnh Lâm Ngân – Trình Bày: Việt Khang
      http://www.youtube.com/watch?v=QMp8Cs9n-FY&feature=related

      Sau cùng, xin cám ơn Nguyễn Thông đã góp ý. Hy vọng lời chân thật thẳng ngay này không làm bạn Nguyễn Thông phiền.

      Xóa
    3. Bác ơi, em xóa của bác một cái thì lại may mắn nhận được nhiều cái trong một, thật hay và sâu sắc. Cám ơn bác.

      Xóa
  3. Cám ơn Nguyễn Thông đã khen ngợi. Dân Nam sẽ trở lại đề tài “chính trị” để hỏi ý kiến chung là tất cả chúng ta – nhứt là giới nhà giáo và trí thức đáng quí – có nên hợp nhau lấy chánh trị vương đạo để dẹp bỏ chánh trị bá đạo không? Nhứt là những người từ 40 trở lên sẽ làm gì cho hết nửa đời sau?

    Bây giờ lão già này mến chúc bạn “trẻ” Nguyễn Thông và gia quyến vui cuối tuần.

    Trả lờiXóa
  4. To cung len cu cung Thong. Chuc Thong khoe va vui ve nha. Doc bai nao cua Thong cung thay thich. Gia ma Thong co thoi gian de diu dat cac ban phong vien tre viet duoc nhu Thong.

    Trả lờiXóa