Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 17 tháng 12, 2015

Nhà báo Nguyễn Công Khế, như tôi đã biết

    Hôm trước, có người hỏi mà cũng như trách tôi rằng sao với trường hợp phóng viên Nguyễn Hoài Nam bị báo Thanh Niên sa thải, tôi không có lấy một lời. Đúng là tôi từng làm ở báo Thanh Niên, từng biết Nguyễn Hoài Nam là phóng viên rất giỏi của báo, nhưng thực ra với vụ việc lùm xùm ấy, tôi lại không tường tận, nhất là chính tôi đã nghỉ việc ở đó gần cả năm nay rồi. Cùng cơ quan với nhau nhưng mỗi người mỗi phận, ở bộ phận khác nhau, ít có cơ hội tìm hiểu về nhau, chỉ ráng làm sao đối xử với nhau tốt cũng là mừng lắm. Tôi có nghe chuyện Nam bị trù dập, rất thương anh ấy, nhưng bảo rằng tôi phải lên tiếng thì hơi khó, bởi mình có nắm được mô tê thực chất gì đâu mà bày tỏ này nọ. Nếu Nam đọc được những điều này, tôi nghĩ Nam hiểu tôi nói thực.

    Vào báo Thanh Niên năm 1996, ra khỏi báo đầu năm 2015, tôi có gần 20 năm gắn bó với tờ báo này. Với khả năng, trình độ có hạn, lại cộng thêm bản tính “hung hăng chẳng chừa ai”, tôi suốt đời chỉ làm lính. Phận làm thuê cho nhà nước (báo Thanh Niên là tờ báo của nhà nước), làm được thì làm, không làm được thì nghỉ, ai đối xử thế nào mặc họ, tôi chả lăn tăn. Có lẽ cũng chính vì thế mà dù suốt 20 năm ấy tôi biết ơn báo Thanh Niên đã cho tôi công ăn việc làm, tay làm hàm nhai, có chút thu nhập nuôi sống gia đình, nhưng may mắn là không phải chịu ơn bất cứ cá nhân nào. Nếu được nâng đỡ thế này thế khác như người ta, bây giờ lại khó ăn khó nói. Thiên hạ vẫn nhắc nhở “chả ai cho không ai cái gì”.

    Tháng 5.1996, sau khi trúng tuyển vào báo, tôi được nhận về Ban Văn nghệ, anh Phan Bá Chức làm trưởng ban. Giữa năm 1997, có lẽ ai đó nhận ra sự cẩn thận, chỉn chu của mình, tôi được về Ban Thư ký tòa soạn, do anh Nguyễn Khắc Nhượng đóng chức trưởng ban, anh Nguyễn Quang Thông làm Phó ban. Kể từ đó, tôi miệt mài như anh thợ cạo giấy, làm biên tập viên tới khi đủ tuổi và nhận quyết định nghỉ việc. Gần hai thập niên làm lính, qua hai trào Tổng biên tập là anh Nguyễn Công Khế và anh Nguyễn Quang Thông, chưa kể có một thời gian ngắn “không có vua” chỉ do anh Đặng Thanh Tịnh “Phó tổng biên tập phụ trách”, tôi là kẻ có cũng được mà không có cũng chẳng sao.


    Những ngày qua, trên mạng internet xuất hiện nhiều thông tin về anh Nguyễn Công Khế. Nhiều ý kiến trái chiều, khen chê đủ cả. Dư luận đang đánh giá rất khác nhau về một con người. Điều nguy hiểm là có những thông tin không chính xác (theo như tôi biết) nhưng lại được phổ biến rộng rãi, gây đúng sai, trắng đen lẫn lộn. Và đáng nói nữa là rất nhiều người đã từng hiểu, từng nắm rõ thực chất vấn đề, kể cả từng “chịu ơn” Nguyễn Công Khế (những người dạng này ở báo Thanh Niên hiện nhiều lắm) lại nín thinh, không hề lên tiếng nói ra sự thực khách quan, ngoại trừ anh Nguyễn Quốc Phong, từng là Phó tổng biên tập phụ trách tòa soạn Hà Nội, người đã sát cánh với ông Nguyễn Công Khế nhiều năm trời. Tôi chả dám chê ai, biết đâu người ta có cái lý của riêng mình để ngậm miệng, nhưng thấy buồn cho nhân tình thế thái. Các cụ xưa chả nói rồi “Khi vui thì vỗ tay vào/Đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai”, hình như khá đúng trong vụ này.

    Như trên đã nói, tôi những năm làm công ăn lương ở Thanh Niên chả phải chịu ơn ai, kể cả anh Khế tổng biên tập. Giờ tôi có viết gì đi chăng nữa cũng chả phải để trả ơn bởi có ơn đâu mà trả. Với một người phận lính lác quá bình thường như tôi, anh Khế cũng không cần tôi phải này nọ. Người ta bảo “phù thịnh chứ không phù suy”, tôi không phù ai, chỉ nói ra những điều mình biết. Biết thế nào, nói thế ấy, không thêm thắt, bịa đặt.

    Những bài “đánh” nhà báo Nguyễn Công Khế trên mạng, tôi có đọc, thậm chí đọc kỹ. Họ bảo rằng ông Nguyễn Công Khế làm giàu từ mồ hôi nước mắt cán bộ công nhân viên, phóng viên báo Thanh Niên, lừa “táng tận lương tâm” với đội ngũ của tờ báo này. Nghe rất kinh. Ai không biết, thì có thể tin đó là thật hoặc có thể hồ nghi. Là người ở báo Thanh Niên suốt thời ông Khế làm Tổng biên tập, tôi dám chắc đó là nói lấy được với ý đồ xấu. Nhân vô thập toàn, ông Khế không phải người toàn diện, được ai cũng yêu cũng quý. Có người ghét, thậm chí thù ông bởi ông đụng chạm đến quyền lợi của họ (tôi xin phép không kể tên ra đây), nhưng nếu nói ông cựu tổng biên tập ấy “táng tận lương tâm” với tập thể dưới quyền, có khó gì đâu mà không kiểm chứng được. Bây giờ ông Khế đối với những người đã và đang làm ở báo Thanh Niên không còn quyền hành gì nữa, họ đâu có ngại hoặc sợ nếu phải nói về ông ấy. Cũng như tôi, chẳng bị ràng buộc gì. Tôi tin một cách rất chủ quan nhưng có cơ sở rằng, nếu hỏi những con người “bị đối xử tàn tệ” ấy nghĩ về ông Khế thế nào, hầu hết đều sẽ nói biết ơn ông ấy. Chính tôi nữa, trong cái ơn chung này, cũng giống như mọi người, chịu ơn ông Khế. Chả có lý gì để ai đó nói xấu về con người đã từng tốt với mình, chăm lo cho mình bằng công ăn việc làm, chỉ trừ trường hợp mình là kẻ vô ơn.

    Hồi tôi vào báo Thanh Niên, nhân sự lúc đó tất tần tật kể từ tổng biên tập đến chị Hồng, chị Nhụy lao công cũng chỉ vỏn vẹn hơn 50 người, tính luôn cả các văn phòng địa phương. Rồi cứ nhiều dần lên, tới lúc ông Khế rời báo là khoảng 450 người, gấp 9 lần. Lo chèo chống, nuôi cả bộ máy ngày càng đông đảo, chừng ấy con người (và tất nhiên còn bao nhiêu miệng ăn kèm theo ở gia đình họ nữa) chả phải chuyện thường. Tất nhiên không phải công lao chỉ mình ông Khế, nhưng tôi dám chắc mỗi người ở báo được như bây giờ có công rất lớn của ông. Những người viết bài đánh ông họ chả dại gì mà đi hỏi nhân chứng ở báo Thanh Niên.

    Ngay cả vụ Dự án khu nhà ở của cán bộ, phóng viên, nhân viên báo Thanh Niên do Ban biên tập mà đứng đầu là ông Khế chủ trương, những bài “đánh” kia có vẻ dựa vào điều này thứ nọ để bảo rằng ông Khế chiếm đoạt, cướp đoạt tiền của người đóng góp mua suất đất. Tôi lúc ấy không được xét mua đất bởi đã có nhà rồi, nhưng những người bạn tôi, chị Trương Nguyễn Mỹ Hạnh, chị Võ Thị Tạo chẳng hạn, có tên trong danh sách, đã đóng tiền mấy lần, từng rất bực bội, khó chịu do dự án kéo dài, nhưng rồi cuối cùng ai cũng được trả tiền và đền bù thỏa đáng. Chả ai hỏi những người ấy bị thiệt thòi gì, thiệt thòi bao nhiêu, dại gì mà hỏi bởi không ai thiệt cả.

    Việc lập ra Công ty cổ phần Truyền thông Thanh Niên, lúc đầu sôi nổi thế nào, ai ở báo Thanh Niên cũng rõ. Sau do quá trình làm ăn, do quan hệ lỏng dần, báo Thanh Niên rút dần và mở công ty riêng khác. Đó là chuyện bình thường. Nhưng bảo ông Khế chiếm đoạt Công ty tập đoàn truyền thông Thanh Niên, chiếm đoạt vốn liếng của cổ đông, thì không dễ thế đâu. Ban Biên tập báo Thanh Niên bây giờ, cả những cán bộ phóng viên bây giờ, họ có nể ông Khế mấy đi chăng nữa, cũng dễ gì để ông ấy chiếm. Không làm ăn được với nhau thì thôi, chứ làm sao chiếm được của nhau. Ngay chính tôi, hồi công ty mới mở cũng hào hứng vay tiền mua cổ phần. Tôi nghỉ việc, giờ cổ phần của tôi vẫn còn đó, cổ phiếu vẫn của tôi, lãi hằng năm vẫn có, nếu tôi muốn bán cổ phần vẫn có người mua, chả ai chiếm đoạt cả.

    Cách đối xử của ông Nguyễn Công Khế với cấp dưới, mỗi người mỗi kiểu. Ở báo Thanh Niên, nhiều, rất nhiều người được ông quan tâm, nâng đỡ, bồi dưỡng, sắp đặt vào vị trí này nọ. Tôi nói không ngoa, hầu hết bộ máy lãnh đạo báo Thanh Niên bây giờ phải chịu ơn ông Khế về chuyện đó. Tất nhiên không phải tất cả, thậm chí có người mai phục kiểu Câu Tiễn chờ ngày quật ông, có những người bị ông ấy trừng trị thì ghét ra mặt. Nhiều người trong số ấy bây giờ ăn nên làm ra, phú quý giàu sang, địa vị… nhưng họ quên ông Khế hoặc cố tình lờ đi.

    Hồi ông còn đương chức, chắc khá nhiều cán bộ phóng viên của báo không đồng tình với việc ông quá trọng dụng anh Hoàng Hải Vân. Nói cho công bằng, anh Sánh (HHV) là nhà báo có tài, rất giỏi Theo tôi, báo Thanh niên có 3 người giỏi nghề nhất, là anh Sánh, Đỗ Hùng, và ông Khế), nhưng ông Khế tin quá, giao cho quyền nhiều quá, mà cái gì thái quá cũng đều không hay, dẫn đến những tai hại. Tôi nghĩ có lẽ ông Khế ngẫm nghĩ nhiều về trường hợp này.

    Hồi nhà báo Nguyễn Việt Chiến viết về vụ PMU 18, khi thấy nguy cơ Chiến có thể bị bắt, ông Khế rất thương Chiến nhưng biết không thể cứu được. Tôi nhớ hồi tháng 3.2008, Chiến vào Sài Gòn, tôi là người gặp đầu tiên. Hai đứa ngồi trò chuyện ngoài hành lang lầu 3, Chiến (hơn anh Khế mấy tuổi) bảo Khế nó biết thế nào tao cũng bị bắt nên nó mua vé máy bay cho tao vào, cho đi đây đi đó Đà Lạt, Phan Thiết thỏa thích cho đỡ buồn, kẻo mai vào tù chả biết khi nào ra. Chiến còn nói, đó là cách cư xử của tay hảo hán, tao chịu Khế chỗ đó, mày ạ (ai không tin cứ hỏi nhà thơ Nguyễn Việt Chiến).

    Với tôi, ông Khế chỉ coi như mọi tên lính khác, tôi cũng chả hề muốn ông phải để ý gì cá nhân mình. Tính tôi thẳng, gặp cái gì không nên không phải là bộp luôn. Trong một buổi họp toàn cơ quan cuối năm 2006, giữa văn võ bá quan, tôi chê thẳng thừng báo cáo của Ban Biên tập là tô hồng, giáo điều, chưa đi vào thực chất, nói như thế thì ai chả nói được. Có người sầm mặt xuống, còn ông Khế đứng lên cảm ơn tôi, nói “chúng tôi chân thành cảm ơn anh Thông đã góp ý, chúng tôi sẽ sửa chữa, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn”. Giờ giải lao, ông còn ra hành lang bắt tay tôi và bảo “cơ quan rất cần những người thẳng thắn như ông”.

    Tôi hay viết blog, đụng chạm này nọ. Cấp chủ quản (Trung ương Đoàn) phàn nàn, không ít vị lãnh đạo đe nẹt, thậm chí bực bội. Anh Đặng Thanh Tịnh chỉ cười “chúng nó bắt mày có ngày”. Riêng ông Khế lần nào gặp tôi cũng bảo “Tôi tôn trọng những suy nghĩ, quan điểm cá nhân của ông, tôi không cấm ông, ông cứ viết thế nào cho phải thì thôi. Cá nhân tôi sẽ bảo vệ ông”. Vì vậy tôi cứ viết. Khi ông Khế bị mất chức Tổng biên tập được một thời gian thì tôi cũng buộc phải đóng blog bởi chỉ có 2 lựa chọn: hoặc làm thì đừng viết, hoặc viết thì thôi làm. Không ai trong lãnh đạo cơ quan ra mặt cấm nhưng lệnh từ cấp trên là vậy. Không còn ai bảo vệ tôi nữa.

    Một người như ông Khế, đương nhiên là lắm kẻ thù, ganh ghét. Nhưng những gì tôi biết, chiêm quan, tận mục, tôi cho rằng người yêu ông, biết ơn ông, nể trọng ông vẫn nhiều hơn.

Nguyễn Thông

29 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Trả lời
    1. Cai là cai thí nầu,hết nắng thì ẩm chớ mô.

      Xóa
  3. Bắc kì chúng mày toàn là dân cơ hội. Đạp dươc ai thì đạp.Nịnh không được thỉ đạp.Bản chất muôn đờicủa bọn thân Băc kinh

    Trả lờiXóa
  4. Ông bỏ mẹ cái kiểu đạo đức giả nhé ông Thông. Tôi nể ông vì ông dám nhận ra cái bỉ ổi của chế độ nhưng ông vẫn sợ bỏ mẹ nếu đụng đến thần tượng của ông .Con ốc thì chẳng bao giờ thoát ra khỏi cái vỏ đâu. Trí thức kiểu ... nịnh

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh không là cái gì trong cái xã hội này để được phép qui kết Anh Thông là đạo đức giả. Không thỏa hiệp, mà cất lời đối với những cái xấu của chế độ, người như Anh Thông không nhiều đâu. Còn chuyện đội đá vá trời, dời sông lấp biển, Anh Thông và những người như Anh Thông xin nhường cho những anh hùng bàn phím, miệng hùm gan sứa như Anh. Đến cái tên cũng giấu như mèo giấu cứt mà lên giọng anh hùng! Bỏ thói hư đốn, dối gian ấy đi. Ở đây, đầu có sạn cả, đừng bố láo Anh nhé!

      Xóa
    2. Anh ạ, nếu tôi đạo đức giả, tôi có thể giấu được anh và người này người khác, nhưng tôi ngượng với trời đất, với chính tôi. Mà ngay cái tên anh cũng không cho biết, anh cũng giấu, không dám công khai mà anh lại bảo tôi đạo đức giả, thì lạ thật. Nếu anh không ngại, chúng ta có thể trao đổi thẳng thắn với nhau qua email, của tôi là nguyenthong55@yahoo.com, với điều kiện anh phải cho biết tên thật. Cảm ơn anh.

      Xóa
    3. TMĐ LÀ TÊN THẬT CHĂNG ? TÔI SỢ THẬT, SỢ KẺ TIỂU NHÂN

      Xóa
    4. Tôi không biết Ông là ai,song ý Ông có lý.Cho tới nay Xã hội xuống cấp,bệ rạc,khốn nạn,điêu linh-Chắc không mống cầm côn nào thoát tội kể nhớn bé.Binh vực chúng thậm xót xa cho Đất nước đau thương nầy.Tôi đồng cảm với Ông.

      Xóa
    5. Ông TMĐ,Tôi buồn cho Ông lắm,thậm khiêm nhưng dòm cách cư xử của Ông Tôi ngán tận cổ-Há chăng Ông độc tài?,đến cả Fat xít đâu nỗi.Khỏi kể sạn hay đá tảng long đầu,Tôi mạn hấu Ông cùng bốn trụ vịt phải trái nghĩa vặt đời nầy,kính Ông mọn chút nhàn giúp.

      Xóa
    6. Bạn "nặc danh" 23:20 ạ, thời gian qua, tôi đã rất vất vả xóa comment của bạn không phải vì khác nhau quan điểm, suy nghĩ, mà vì tiếng Việt rất tệ. Không thể hủy hoại ngôn ngữ mẹ đẻ thế được, bạn ạ.

      Xóa
    7. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

      Xóa
  5. THÔI THÔI CHO EM XIN ĐI CÁC BÁC , LO GOM TIỀN QUA MỸ MÀ SỐNG KHÔNG THÌ TỚI NGÀY HỘI NGHỊ THÀNH ĐÔ KHÔNG CÓ CHỖ MÀ SỐNG

    Trả lờiXóa
  6. Tôi hiểu và đồng cảm với bài viết của anh Thông . Tôi cũng đã từng làm việc với báo Thanh Niên khoảng 10 năm. Hai năm với tư cách Phóng viên (trước anh Thông khoảng 3,4 năm) và 8 năm sau đó là Cộng tác viên .. Đến lúc này, chắc anh Thông cũng biết tôi là ai …

    Khác với rất nhiều người đã và đang còn làm việc tại báo Thanh Niên, tôi không hề chịu ơn anh Khế và thậm chí có phần oán trách anh vì anh chính là người, vì nghe lời “xàm tấu” mà không chịu kiểm tra lại của một người (tôi cũng biết đó là ai) mà ký quyết định thôi Hợp đông với tôi .. Tuy lúc đầu có oán trách nhưng sau đó cũng thôi vì tôi thực sự cảm kích nghĩa cử của anh đối với tôi.

    Xin kể các bạn nghe chơi xem như để hiểu hơn và con người anh Khế. Tuy bị ngưng hợp đồng nhưng tôi vẫn thường xuyên ra vào gửi bài cho Tòa soạn với tư cách là Cộng tác viên. Một hai tháng sau, một hôm tôi vào báo TN thì gặp anh Khế. Anh ngoắc tôi lại và hỏi :” Ông làm gì mà bị ngưng Hợp đồng vậy ?” Tôi tỉnh bơ trả lời :” Em có biết gì đâu .. Bổng dưng em bị cho nghỉ.. Anh là người ký Quyết định mà ..” –“Thì người ta nói là ông ương ngạnh, không chịu đi họp kiểm điểm khi họ yêu cầu.” –“ Có ai nói gì với em đâu mà em bị lổi gì mà họp kiểm điểm ??” “ Ủa.. Không ai nói gì với ông .. Không ai yêu cầu ông họp hành gì à ???” –“ Dạ không có.” –“ Ông đi với tôi”. Tôi theo anh Khế đến phòng làm việc của anh và tôi ngổi chờ ngoài cửa trong khi anh cho gọi “người đó” đến và “làm việc” trong phòng. Lát sau, “người đó” bước ra, mặt sượng sung. Anh kêu tôi vào và nói :” Thôi, tôi xin lổi ông vì thời gian qua, tôi không thường xuyên có mặt nên không hiểu chuyện. .. Để tôi nói với anh em làm Hợp đồng với ông lại”.. Tôi lật đật trả lời :” Thôi anh ạ… Em làm CTV được rồi .. Sống ngòai như thế, khỏe hơn ..” Anh Khế cười :” Việc đó tùy ông .. Mà, ông cũng tính đúng đó .. Tính cách của ông mà làm việc trong ràng buộc . mệt đầu lắm .. Ông viết bài thường xuyên nghen”..

    Cũng như anh Thông “..rất nhiều người đã từng hiểu, từng nắm rõ thực chất vấn đề, kể cả từng “chịu ơn” Nguyễn Công Khế (những người dạng này ở báo Thanh Niên hiện nhiều lắm”, vì tôi từng làm việc với báo TN ngay từ những năm đầu, tôi biết khá rõ nhân sự của báo thời kỳ đó .. Như anh Thông và một số ít người, tôi vào làm việc ở báo TN qua thi tuyển nhưng có rất nhiều người được anh Khế đưa về .. Họ chịu ơn anh Khế đùm bọc, che chở, cất nhắc và cả .. tha lổi !!!

    Thú thực là tôi không hề biết và hiểu một chút gì về cái Cty Truyền Thông gì đó vì thời gian sau này, do bận việc làm ăn, tôi không ra vào thường xuyên nhưng trong những dịp gặp lại những người thân thiết , tôi vẫn không nghe một điều tiếng nào vế anh Khế .. Và, đùng một cái , khi đọc những gì viết về anh trên mạng, tôi thực sự ngỡ ngàng .. Lẽ nào …

    Và, cũng thú thực là, trong 10 năm cộng tác, tôi chỉ trực tiếp nói chuyện với anh Khế không quá 5 lần và không lần nào kéo dài quá 5 phút, chỉ trừ cái lần anh “làm việc” vụ ngưng hợp đồng với tôi .. Tôi chỉ mến anh Khế qua cách hành xử với bản thân tôi và với rất nhiều người khác mà tôi biết rõ …

    Vì thế, tôi rất hiểu anh Thông khi anh viết “Cách đối xử của ông Nguyễn Công Khế với cấp dưới, mỗi người mỗi kiểu. Ở báo Thanh Niên, nhiều, rất nhiều người được ông quan tâm, nâng đỡ, bồi dưỡng, sắp đặt vào vị trí này nọ. Tôi nói không ngoa, hầu hết bộ máy lãnh đạo báo Thanh Niên bây giờ phải chịu ơn ông Khế về chuyện đó. Tất nhiên không phải tất cả, thậm chí có người mai phục kiểu Câu Tiễn chờ ngày quật ông, có những người bị ông ấy trừng trị thì ghét ra mặt. Nhiều người trong số ấy bây giờ ăn nên làm ra, phú quý giàu sang, địa vị… nhưng họ quên ông Khế hoặc cố tình lờ đi.”

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. A, bác thuộc loại "cứu được" vì không đụng tới niêu cơm .

      "Nhiều người trong số ấy bây giờ ăn nên làm ra, phú quý giàu sang, địa vị… nhưng họ quên ông Khế hoặc cố tình lờ đi"

      Tớ nghĩ họ cũng là hảo hán Xã Hội Chủ Nghĩa, "nhưng biết không thể cứu được" thôi . Thôi thì thủ lấy thân cho chắc ăn .

      Xóa
  7. Tôi chỉ là một người hay vào đọc blog của Nguyễn Thông,chẳng mắc mứu chi bụi trần,bụi hồng,với Thông cũng như các vị khác cả.Nhưng qua tính cách(qua văn) của Thông thì tôi hoàn toàn tin những điều Thông chiêm nghiệm và nói ra.Ở tuổi này chả cần bợ đít nâng bi ai nữa,kể cả thần chết,nhưng cốt cách con gnười thì ai cũng trước hết phải tự"nịnh"mình,nếu không thế là mình đã chết trước lúc chôn mất rồi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng thế anh (chị) ạ. Có người nói ra điều này điều khác để nhằm đem lại cái gì đó về cho mình, còn tôi, bây giờ không phải tựa vào ai, chỉ nói lên sự thật, về chính điều mình biết, hoàn toàn không vụ lợi. Xin cảm ơn đã có sự chia sẻ.

      Xóa
    2. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

      Xóa
    3. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

      Xóa
  8. Tôi không rõ nội bộ ở báo Thanh niên và như Nguyễn Thông viết thì ngay bản thân cũng không mấy rành nhưng có thể đánh giá được con người nhất là tư cách. Một bài chia sẻ nhìn nhận vấn đề theo tôi là có tình có lý ...

    Trả lờiXóa
  9. Môi trường TNHSSV đấu tranh ở các đô thị miền Nam đã giũa rèn nên những con người kỳ lạ. Yêu cuộc sống và không đồng tình với cái ác. Có thể nói, hầu hết anh chị em cốt cán, đều như thế. Nhân cách ấy dường như là thuộc tính bất biến của họ. Bất cứ chế độ nào, cường bạo càng cao, ngạo nghễ của họ càng tăng. Không có áp lực gì chuyển lay được họ.
    Một số các Anh Chị ở K.17, phải nói thẳng, rất may mắn khi có cơ hội làm việc với họ. Tôi chẳng ưa cái chế độ này. Nó không giống chút nào cái xã hội tốt đẹp mà tuổi trẻ chúng tôi hằng mơ ước, dấn thân. Nhưng chúng tôi cũng cực ghét những con người còn mãi đẩu đâu tận California, Texas...đã bắt đầu trách cứ, hăm dọa. Thật buồn cười cho những kẻ thích cường bạo. Bỏ đi. Nhầm rồi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh xóa luôn đi,bởi điều đúng mà chối từ thậm mạt.Thế thì còn đâu giọt sương long lanh trên lá Sen nữa.Anh Thông????...

      Xóa
    2. Nếu được Ông TMĐ cùng 04 trụ chơi phản biện công tội với Tôi nghe khỏi bàn.

      Xóa
    3. Anh TMĐ ạ, kệ họ, mỗi người một suy nghĩ, chả ai ép buộc ai, tôn trọng nhau còn chưa ăn ai, nói chi hung hăng này nọ.

      Xóa
    4. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

      Xóa
  10. Hôm trước, tôi có đề nghị anh Thông lên tiếng và hôm nay đã được đọc bài này của anh. Tôi tin những gì anh viết về ông NCK. Bài viết của anh đã giúp tôi giải tỏa những điều dở tin dở ngờ mà các bài trên mạng đã nói về ông NCK. Khổ thật, thời buổi nhiễu nhương này thật giả, trắng đen, phải trái cứ lộn tùng phèo cả lên khiến người ta không biết phải nghĩ như thế nào. Bây giờ, nếu nói về cuộc sống bình nhật thì vật chất không phải là điều quá đáng lo nhưng tinh thần thì...chẳng thà mình cứ mù, câm, điếc trước thế sự thì nó đi một nhẽ, đằng này mình vẫn còn chút ưu hoạn với đời mà không còn biết tin vào ai, vào điều gì. Không gì đáng sợ hơn là mất niềm tin.
    P/S: mà, chuyện ông NCK thì tin được rồi nhưng còn những chuyện, những người ở tận 9 tầng cao thì vẫn chưa thế nói gì được. Thế mới khổ, anh Thông ạ!

    Trả lờiXóa
  11. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  12. Em ít khi vào các Blog nhưng hôm nay tình cờ vào đây, tự nhiên nhớ cơ quan mình quá. Em là Kiều Hương đây anh Thông, em vào năm 1995, gần như cùng thời với anh, nhưng em nghỉ cùng năm anh Khế nghỉ. Em rất yêu cơ quan mình, dù lý do em nghỉ thì... mà thôi, việc gì xảy ra cũng tốt. Em rất yêu mọi người trong cơ quan mình, thật khó tìm cơ quan nào nói về tổng thể dễ chịu như cơ quan mình. Em rất yêu kính anh Khế, anh Phong, anh Minh... Tự dưng hôm nay nghe bài Trên đỉnh phù vân Mỹ Linh hát trong Duyên dáng Việt Nam 5, lọ mọ thế nào vào đây.

    Trả lờiXóa