Rất nhiều tờ báo mậu dịch ra ngày 17.12 đăng bản tin ngắn nếu độc giả không để ý rất dễ bỏ qua: tỉnh Quảng Nam tổ chức khánh thành ngôi trường mới tại huyện Điện Bàn, mang tên Hoàng Sa.
Trước hết, hãy nói về điều lạ (mắc cười) thứ nhất của trường này. Theo thông tin trên báo, đây là trường gồm cả 3 cấp học: tiểu học, THCS, THPT; ta quen gọi cấp 1, cấp 2, cấp 3. Có lẽ bói mỏi mắt trên cả nước Nam này không kiếm ra nơi nào ngôi trường lạ vậy. Hình như tỉnh Quảng Nam có cách tổ chức cơ sở giáo dục riêng, bất chấp những quy định của Bộ GD-ĐT. Thực tế chỗ này chỗ khác ta có thể gặp dạng trường ghép cấp 1-cấp 2 hoặc cấp 2-cấp 3 bởi giữa hai cấp học liền mạch ấy có nét chung, dung hòa chấp nhận được, nhưng nay Quảng Nam lại tiến xa hơn rộng hơn là ghép những đứa trẻ vắt mũi chưa sạch đánh vần abc vào đồng môn với các cô cậu chuẩn bị thi tú tài thì quả là tréo ngoe, lộn xộn. Cứ hình dung buổi chào cờ nhấp nhô cao thấp, đa hệ tuổi tác đã thấy mắc cười. Mô hình mới của xứ Quảng chăng? Chả biết Bộ GD-ĐT có lưu ý chuyện chẳng giống ai này?
Nhưng đó chưa phải điều đáng bàn. Như trên tôi đã nói, trường được đặt tên Hoàng Sa. Thời gian qua cái danh này có vẻ thời thượng, thậm chí hấp dẫn. Theo báo CAND ngày 17.12, “việc trường được đặt tên Hoàng Sa nhằm khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với quần đảo này”. Nghe thì có vẻ nghiêm túc nhưng tôi chỉ thấy buồn cười cho cách nghĩ, suy luận ngây thơ ấy. Dường như không ít người nghĩ rằng làm sao trên dải đất Việt càng nhan nhản Hoàng Sa (và Trường Sa) thì càng khẳng định chắc chắn chủ quyền của Việt Nam. Cần kể thêm chăng, Đà Nẵng cách đây chưa lâu từng đặt cho tuyến đường ven biển dài 27 kilômếch nối Sơn Trà đến Điện Ngọc là Hoàng Sa-Trường Sa. Tại Sài Gòn cũng có đường ven kênh Nhiêu Lộc mang tên Hoàng Sa và Trường Sa. Gì nữa, thời gian qua khá nhiều nơi trên cả nước, từ những xứ thâm sơn cùng cốc đến vùng khỉ ho cò gáy chả liên quan gì đến biển đảo cũng bắt chước nhau đặt viên đá chủ quyền Hoàng Sa ra vẻ khẳng định chủ quyền. Cứ cái đà này khắp từ nam chí bắc đi đâu cũng sẽ chỉ thấy Hoàng Sa, Trường Sa; gặp nhau ở đâu chỉ nghe mở miệng Hoàng Sa, Trường Sa cho mà xem.
Xưa nay ban Tuyên giáo được dân tình đánh giá có nhiều sáng kiến, mưu mẹo nên tôi nghĩ những vụ này chắc cũng sản phẩm của mấy ông chuyên cai trị về tư tưởng, tinh thần. Lẩn thẩn rằng, vậy nếu ta đặt tên cho vùng đất Việt nào đó là Bắc Kinh, Hải Nam thì có nghĩa ta khẳng định chủ quyền với 2 nơi ấy chăng, Trung Quốc sẽ lo sợ chăng? Bày đặt hình thức như thế, liệu ta có khiến kẻ đang âm mưu chiếm đất chiếm đảo của ta phải nản chí, run sợ? Chắc là không! Các nhà lãnh đạo thử đặt mình vào vị trí người dân để xác định kiểu tuyên truyền lỗi thời như thế có tác dụng đến đâu. Và thanh niên sinh viên kéo nhau đến cổng tòa đại sứ nó biểu tình hô vang “Hoàng Sa là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam” nó còn chả sợ, huống hồ cái tên. Và đừng ngây thơ cho rằng những cái tên ấy thành chứng cứ, thành hồ sơ pháp lý để tranh cãi. Họa may cả ngàn năm nữa, lúc ấy thì biết thế nào?
Trời của ta, đất của ta, biển của ta, cha ông suốt hàng ngàn năm từng đổ bao xương máu ra gìn giữ, thì cháu con phải quyết giữ. Nhưng giữ gìn, bảo vệ bằng cách nào đó chứ không phải đặt cái tên vu vơ như vậy.
Chiều 17.12.10
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét