Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

Ngủ

Tôi không cười cợt người ngủ gật
Bởi chính mình đâu ít lần chẳng cưỡng nổi cơn "buồn"
Nhưng đáng trách biết bao, rất nhiều người đang thức
Mà chẳng khác gì ngủ mê-mê ngủ giữa đau khổ quê hương

Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2018

Chuyện mồ mả (kỳ 1)

Sau khi hoàn tất bài “Chuyện nghĩa trang” cách nay nửa năm, tôi sực nghĩ phải viết thêm đôi chút về chuyện mồ mả, cũng đã được vài trăm chữ rồi nhưng bận quá bỏ lửng đó. Nay rảnh thì nối cho nó dài ra chứ không phải tại thiên hạ đang lao xao vụ lăng mộ của ông này ông nọ.

Người xưa bảo “trần sao âm vậy”, có một thế giới “bên kia” tách hẳn khỏi thế giới “bên này”. Đó là cõi âm, dưới ấy cũng đủ bộ máy, thể chế, ban bệ, luật pháp, hoạt động… Đứng đầu là Diêm vương (vua), thần dân là những người ở cõi dương bị chết, chuyển sinh hoạt, cắt hộ khẩu sang cõi âm, còn công an cảnh sát chính là đám quỷ sứ yêu ma, tòa án và viện kiểm sát là các phán quan râu dài, cơ quan thi hành án là cái vạc dầu, chó ngao, xiềng sắt, v.v..

Hồi tôi còn bé, thày (bố) tôi có mấy quyển sách chữ nho. Đám con là chúng tôi, chữ nhất bẻ đôi không biết, tò mò lén mở xem. Chả là trong đó có nhiều tranh vẽ cảnh hành tội người dưới cõi âm, như chó ngao cắn xé, bỏ người vào vạc dầu, dùi nung lửa đốt thịt, xích xiềng quấn quanh cổ… rất kinh. Anh tôi xem xong mặt tái mét, nói lí nhí tao sợ âm ti địa ngục lắm. Chị cả tôi bảo muốn không bị quỷ sứ bỏ vào vạc dầu thì đừng làm điều ác. Đánh mèo, cắt tiết gà, bỏ lợn đói, cười cợt các bác ngố con cụ Đẹn… đều là ác cả, bị phán quan hằng ngày theo dõi ghi thành tội. Chúng tôi đâm ra sợ, thậm chí có hôm câu được mớ cá rô, thấy nó còn sống cũng không nỡ đập để đánh vẩy rửa cho vào nồi. Nhưng cùng lứa với tôi nhiều đứa chắc nhà nó không có sách nho hình quỷ sứ nên không sợ. Anh em thằng Còm thằng Nhớn sinh đôi (sau này đổi tên là Việt, Bắc) con ông Ngữ, nghe tôi kể, chúng bĩu môi “phải tội lội xuống sông, đánh ba tiếng cồng, tội lại nổi lên”, chả coi diêm vương quỷ sứ phán quan là cái đinh gì.

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2018

Thời sự

-Không một tờ báo trong nước nào hó hé đăng lời phát biểu của ngài tổng thống Mỹ D.Trump tại cuộc họp toàn thể Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm qua (tức thứ ba 25.9 giờ Mỹ). Ông nói: 

"Cách đây không lâu, Venezuela là một trong những nước giàu nhất trên trái đất. Ngày nay, chủ nghĩa xã hội đã làm phá sản một quốc gia giàu dầu mỏ và đẩy người dân nước này vào cảnh nghèo đói cơ cực.

Gần như ở nơi nào mà chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản đã được thử nghiệm, chúng cũng gây ra đau khổ, tham nhũng và mục nát. Cơn khát quyền lực của chủ nghĩa xã hội dẫn đến sự bành trướng, thôn tính và đàn áp. Tất cả các quốc gia trên thế giới cần chống lại chủ nghĩa xã hội và sự bần cùng mà nó mang lại cho tất cả mọi người" (theo BBC).

Con người ông Trump là vậy, thẳng thắn, dứt khoát, không vòng vo tam quốc. Ông ấy dám nói và làm điều mà nhiều đời tổng thống tiền nhiệm không dám nói, không dám làm, không làm nổi, nhất là hai ông Clinton và Obama chỉ quen dĩ hòa vi quý. Sau gần 50 năm, người Mỹ mới chọn đúng vị tổng thống của mình.

-Một người bạn tôi khi thấy nhà nước thông báo quy định trong lễ tang chủ tịch nước người viếng không đem vòng hoa liền vội vàng khen đó là sự đổi mới rất đáng ghi nhận, thể hiện ý thức tiết kiệm từ cấp cao. Tôi ghé tai nói nhỏ rằng một đám ma lùm xùm tốn kém thế thì chẳng tiết kiệm tiếc kiếc gì đâu, chẳng qua vì lý do an ninh thôi. Vòng hoa xoay vòng thì còn quản lý được chứ vòng hoa từ ngoài đưa vào sẽ rất khó quản. Bộ máy này sợ đủ mọi thứ nên họ cẩn thận chứ chả tiết với kiệm gì.

-Theo tôi, báo chí nên phản ánh cho đúng sự thực, nên viết rõ rằng "các vị lãnh đạo KÝ vào sổ tang" chứ đừng nói "ghi vào sổ tang". Đã có người viết sẵn, chữ đẹp, ý ngọc lời hoa rồi, phần lớn các quan chỉ ký thôi. Nhiều bạn đọc còn tán thưởng chữ của các nhà lãnh đạo đẹp quá, tình cảm sâu sắc quá. Dân mình được cái dễ tính.

Nguyễn Thông

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

Kiện

Sáng 24.9.2018, tòa án ở Sài Gòn xử vụ taxi Vinasun kiện "taxi" Grab. Lý do: Grab gây thiệt hại cho Vinasun và các đồng bọn cùng sử dụng phương thức dao lam.

Giữa tuần vừa rồi, tôi có việc ra sân bay Tân Sơn Nhất. Hồi chưa có Grab, từ nhà ở H.Bình Chánh nếu diện taxi phải mất cỡ 250.000 đồng chạy loằng ngoằng, xe ôm cũng đòi tới 120.000 đồng. Giờ, gọi Grab, nếu xe ôm chỉ hết 56.000, xe ô tô 4 chỗ cũng thông báo chỉ hết 87.000, cho thêm bao nhiêu là tùy mình. 

Lâu nay taxi truyền thống một mình một chợ, muốn chém bao nhiêu thì chém, khách ngửa cổ ra chịu. Bọn taxi hiệp thương với nhau thỉnh thoảng tăng giá, ra cái vẻ tuân theo quy luật kinh tế thị trường. Thói độc quyền đã móc thủng túi dân.

Cứ tưởng vững như bàn thạch, lại được nhà nước "bảo kê" thì sẽ lột hết từng xu của dân, ai ngờ thời thế đổi thay, Grab, Uber vào, quân bóc lột hết thời, người dân thực sự thoát khỏi lưỡi lam cứa cổ. 

Đã không biết phục thiện, đổi thay phương thức làm ăn, kìm giảm thói tham lam, nay lại còn giở thói ăn vạ la làng, hở các quân bóc lột kia. Còn đợi người dân lôi tuột ném xuống hố chôn cho vĩnh viễn chừa lòng tham vô độ hay sao.

Tôi cứ nghe mấy ông chính phủ kêu gào cách mạng 4 chấm 0, mà tôi chắc rằng các bố ấy phần lớn chả hiểu nó là thứ mô tê gì, thì xin đưa ngay ví dụ đây: thứ công nghệ hiện đại nào phục vụ cho dân, thuận tiện, chi phí rẻ, làm hài lòng dân nhất, thì đó là 4 chấm 0 đấy.

Taxi truyền thống cần dẹp cái trò kiện cáo nhố nhăng đi, đừng đợi đến lúc khách hàng xóa tên trong bộ nhớ của họ.

Tòa nhà nước mà xử thua cho Grab thì đừng bao giờ nói "vì dân" và 4 chấm 0 nữa.

(Tái phím: Đi Grab, chưa đi đã biết ngay hết bao nhiêu tiền, các chú muốn chạy loằng ngoằng thế nào mặc lòng; có quên món đồ cũng không cần phải hỏi tổng đài tổng điếc chờ xác minh, nói chung rất sướng củ tỉ).

Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2018

Một cách chống tham nhũng tuyệt vời

Đó là chống bằng chính tấm gương của mình, bằng việc mình làm. Chức càng to, ghế càng cao, chống càng có hiệu quả, tác dụng sâu rộng. Trên đã ngồi chính ngôi đạo đức thì dưới sẽ lấy đó làm gương, chẳng dám lăng loàn.

Phải nói rằng, tôi phục lăn ngài tân tổng thống Mexico mà tôi sẽ nêu dưới đây. Người như ông không hiếm trên thế giới, nhưng ở xứ cộng sản thì đốt đuốc đi tìm giữa ban ngày cũng chả thấy. Tôi đố ông bà nào chỉ ra được một vị lãnh đạo xứ này gương mẫu bằng cái gót chân của ông ấy đấy.

Chả là, "tân tổng thống Mexico Andrés Manuel López phát biểu trước báo giới trong tuần này, ông Obrador khẳng định sẽ không sử dụng chuyên cơ dành riêng cho tổng thống. Thay vào đó, ông sẽ xúc tiến kế hoạch bán chuyên cơ dù chính ông đang có mặt trên một chuyến máy bay thương mại và cũng như hàng trăm hành khách đi máy bay thông thường khác, bị kẹt lại ở phi trường bang Oaxaca, miền nam Mexico do mưa lớn.

Hiện tại, chuyên cơ chở tổng thống Mexico là một chiếc Boeing 787 Dreamliner sang trọng, trị giá 218,7 triệu USD. Máy bay này đã được đưa vào sử dụng cách đây 2 năm, sau khi cựu Tổng thống Felipe Calderón đặt hàng nhà sản xuất vào năm 2012. Theo trang Mashable, Boeing 787 Dreamliner là loại máy bay hiện đại, tiện nghi nhất dành cho các nguyên thủ hiện nay.

Tuy nhiên, tổng thống mới đắc cử của Mexico giải thích ông "cảm thấy xấu hổ khi bước chân lên một chiếc máy bay sang trọng ở một đất nước còn rất nghèo khó". Ông Obrador đã cam kết sẽ tiết kiệm chi tiêu khi điều hành chính phủ.

Ngoài ý định bán chuyên cơ, ông Obrador cũng muốn biến dinh tổng thống thành một trung tâm văn hóa và sống trong một căn nhà giản dị hơn. Ông còn tuyên bố sẽ cắt giảm lương tổng thống và mạnh tay chống tham nhũng" (theo BBC, VNN).

Hỡi những ông bà "sáng ngời đạo đức cách mạng" đang tự đặt cho nhau quy định ai được đi xe giá bao nhiêu tỉ đồng mua bằng tiền ngân sách, ai được chễm chệ trên xe chống đạn trị giá bằng vài chục nghìn con trâu, đang hô hào chống tham nhũng bằng mồm, có thấy ngượng với người ta không, hay là chỉ coi như chuyện của bọn tư bản giãy chết.

Thật khốn nạn, khi xứ ta phần lớn dân chúng đang sống vật vã ở thời cộng sản nguyên thủy thì các ông bà cai trị đã hưởng cộng sản đích thực. Ngoài đường thì ngựa ngựa xe xe, về nhà thì vênh vênh váo váo. Cứ cái cách ấy, sự nghiệp chống tham nhũng mà họ hô hào muôn đời chả đi tới đâu.
Muốn chống, hãy bắt đầu bằng việc như ngài tổng thống Mexico.

Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2018

Quanh một cái chết

Ông chủ tịch nước qua đời lúc 10 giờ 5 phút sáng nay 21.9.2018, khi đương chức. Theo thói của người xưa có văn hóa và nhân văn, "nghĩa tử là nghĩa tận", tôi cầu cho ông siêu thoát, rũ bỏ được mọi đau đớn của cả thể xác lẫn cõi nhân sinh u ám.

Định không nói bất cứ lời nào về ông trong lúc này, nhưng chợt nhớ cách nay 1 tuần, ông nhợt nhạt như một cái xác vô hồn khi làm buộc phải làm chủ lễ đón tổng thống Indonesia, thấy thật tội nghiệp. Làm người, dù kẻ ăn mày hay ngài chủ tịch nước, sao mà khổ thế.

Xưa, cụ Nguyễn Gia Thiều viết "Thảo nào khi mới chôn nhau/Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra". Không mấy ai thoát được.

Điều ác độc nhất là cả cái bộ máy mà ông ấy là thành viên, khi biết ông đã trọng bệnh thập tử nhất sinh nhưng nó vẫn bằng cách này cách khác quyết không buông tha, vắt kiệt sức ông ấy, nhất là kể từ cái hội nghị quốc tế APEC năm nay (2018) ở Đà Nẵng. Nó thà vứt bỏ tính mạng con người chứ không để ảnh hưởng đến "uy tín, quy trình, tổ chức" của nó. Vẫn biết sống chết có số, "trời kia đã bắt làm người có thân", nhưng nếu ông Quang được nghỉ ngơi, ắt không phải phô ra hình ảnh tội nghiệp thiểu não đáng thương hại nói trên. Thế nên, trong hoàn cảnh tương tự, còn có những uẩn khúc, góc tối chưa xì ra, nhưng Đinh Thế Huynh vẫn được xem là may mắn. Lúc này, nếu Huynh ngồi ngẫm lại, sẽ thấy được nhiều hơn là mất. "Họa phúc hữu môi phi nhất nhật" (cái họa cái phúc đều có duyên do, đâu phải chỉ một ngày), tuy nhiên có khi tưởng họa mà lại phúc, tưởng phúc mà chính là họa. Hiểu ra thì sẽ thoát được những sự trói buộc vô hình mà cực kỳ tàn nhẫn.

Bộ máy vắt chanh này đã giết chết ông Quang chứ không phải bệnh tật, dù ông Nguyễn Quốc Triệu nói đó là thứ bệnh nan y, cực hiếm, rất khó chữa, thậm chí không thể chữa. Biết người ta mắc "bệnh chờ chết" như thế mà không cho nghỉ thì quá ác. Thời này không phải thời "còn một giây còn một chút tàn hơi/là phải còn tranh đấu mãi không thôi", "cho tôi hiến đến cuối cùng suối máu/để nhuộm hồng bao cảnh xám bi ai". Thứ suy nghĩ cực đoan ấy đã hết rồi, đã qua rồi. Mình không làm thì sẽ có người khác, thậm chí giỏi hơn mình, và tất nhiên là khỏe hơn mình, làm. Bi kịch ở chỗ, có lẽ ông Quang hiểu được điều ấy để níu kéo sự sống, nhưng đã trót nằm trong "chăn" nên không thoát ra được.

Và điều liên quan. Đất nước này lại càng thêm bi kịch khi cứ chiểu theo quy định của hiến pháp, nguyên thủ mới (dù chỉ hình thức) là một người đàn bà chẳng mấy tài, không "nhợt nhạt" như ông Quang nhưng rất nhạt nhòa, đứng ra lãnh đạo gần trăm triệu người, trong đó có hàng chục triệu người giỏi hơn bà. Làm long trọng viên thì được, nhưng thay mặt quốc gia quả thật đại bi kịch.

Trên thực tế, cũng chả ai cho bà ta vào dự nơi hổ trướng khu cơ bàn về quân cơ quốc kế khi chỉ nhõn là ủy viên trung ương quèn. Xứ này chạy trời cũng không thoát khỏi căn bệnh hình thức.

Trọng thu Mậu Tuất, biên mấy dòng.

Nguyễn Thông


Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2018

Phía sau thông tin "chính thống"

Người đứng đầu đảng xứ này vừa có chuyến công du 2 nước trời tây về. Cũng chả biết là đi với tư cách gì bởi nguyên thủ không phải, mà bạn bè thân thiết cũng không, dù được báo chí quốc doanh gọi là "thăm chính thức cấp nhà nước". Coi cảnh đón tiếp thấy lạnh nhạt lắm, thậm chí các "bạn" không thèm cử người có vai vế ra sân bay đón đương sự, chỉ có quân ta tự đón nhau, vẫy cờ chào nhau. Thôi thì, nói như chính bác ấy, "mình phải thế nào thì người ta mới vậy chứ". Ông Hoàng Bình Quân hôm qua còn dẻo miệng lên tivi bảo rằng chưa mấy ai được lãnh đạo nước bạn tiếp đón tại dinh riêng, nhà riêng như thế. Giời ạ, đi thăm cấp nhà nước lại đón ở nhà riêng mà cũng mừng. Thật quái gở.

Sực nhớ chuyện mình biết, từng được nhà báo Huy Đức viết trong "Bên thắng cuộc" tập 2, rằng cuối năm 1989 ông Nguyễn Văn Linh muốn sang tây bàn kế cứu chủ nghĩa xã hội, vừa dịp tổng bí thư đảng XHCN thống nhất Đức (đảng cộng sản) Erich Honecker mời, nhưng sang tới nơi nó tiếp đón lạnh nhạt, chả chịu "trọng thể" gì cả, chỉ cho ở trong phòng khách bình thường, đang bệnh tật nhưng nó cũng chả quan tâm mấy; quân ta đòi thu xếp cho gặp tổng bí thư Liên Xô M.Gorbachov mà nó hẹn 5 lần 7 lượt rồi miễn cưỡng tiếp cho xong. Nói chung chuyến đi thất bại từ đầu tới cuối bởi đám tây ấy chúng đang muốn từ bỏ cộng sản, bỏ CNXH, mà ông cứ khăng khăng đòi bám lấy thì đời nào chúng chịu, đời nào chúng mặn mà. Ra về rất tiu nghỉu. 

Vậy nhưng, sau khi ông "đổi mới nửa vời" này về tới nhà, báo chí trong nước, nhất là báo Nhân Dân, đài VTV, VOV nhất loạt đưa tin ca ngợi "chuyến đi thành công tốt đẹp", "quan hệ hữu nghị thắm thiết ngày càng được củng cố và phát triển", giống như bây giờ gọi là "đối tác chiến lược", "đối tác toàn diện", ngày càng "nâng lên tầm cao và đi vào chiều sâu" vậy.

Khi thông tin đại chúng bị nắm trong tay nhà cai trị thì có những góc khuất lịch sử phải mấy chục năm sau mới được giải mã, phơi bày.

Nguyễn Thông

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2018

Tự sướng mà không biết ngượng mồm ư

Khen - chê là lẽ bình thường trong đời. Những cái hay, tốt, đẹp, giá trị... thì khen. Những cái dở, xấu, tồi, hỏng... thì chê. Xưa nay thế rồi. Ở đâu, thời nào cũng phải thế.

Chỉ có ở xứ này, cứ lộn tùng phèo, chẳng biết đâu mà lần. Người ta gọi là thế sự đảo điên. 

Cả một bộ máy cai trị từ trên xuống dưới dính tham nhũng. To tham kiểu to, nhỏ tham kiểu nhỏ, chính những người cầm đầu bộ máy cũng từng than thở đó là quốc nạn. Xứ này không chỉ có quốc hồn quốc túy, quốc kỳ quốc ca, quốc huy quốc thiều, còn có cả đặc sản quốc nạn. Bỏ hết cả công ăn việc làm, bỏ cả lo phận dân phận nước, chỉ để loay hoay chống tham nhũng. Tự chống nhau, tiêu diệt nhau, được họ gọi bằng cái tên mỹ miều "làm trong sạch đội ngũ". Lôi được đứa này đứa kia ra tòa, rồi hét toáng lên rằng công cuộc chống tham nhũng đã đạt được thành công này nọ, tự khen đã giành nhiều thắng lợi, đẩy lùi thế ấy thế kia, v.v.. 

Chính đội ngũ mình hư hỏng, giấu diếm mãi không được đành lôi ra gột rửa, khiến phơi bày đủ mọi nhớp nhúa, thối tha, đáng nhẽ phải cảm thấy nhục, thấy xấu hổ bởi đã để nó tệ hại như thế, đằng này vẫn tâng bốc, khen nhau, tự sướng, đúng là chỉ có thể thấy ở bộ máy cai trị xứ này. Tôi đề nghị nhà cầm quyền từ nay chấm dứt ngay việc khen ngợi đề cao "công cuộc" chống tham nhũng. Làm được thì làm, không làm được thì đổ, chả có gì phải khen.

Lại nữa, nắm quyền cai trị, cứ nay nhập mai tách, đẻ ra cái này, bớt đi cái kia, lấy lý do để phù hợp nhiệm vụ từng thời kỳ giai đoạn. Các vị ấy vừa nức nở tung hô, khen Bộ Công an cắt bỏ được 6 tổng cục, giảm được hàng chục cục, bớt được bao nhiêu cán bộ lãnh đạo. Theo tôi, chẳng có gì phải khen, đẻ ra sinh ra cho lắm vào, tốn kém, cồng kềnh, ngứa mắt, giờ lại dẹp lại giảm, bớt đi bởi không thể để thế được, không chê là may, lại còn giở giói ra khen. Vụ này, lão Maddox hàng xóm nhà tôi buông một câu "khen là khen thế đéo nào, vớ vẩn".

Hồi mấy chục năm trước cũng vậy, cả bộ máy cai trị kìm kẹp xã hội, kìm kẹp dân chúng, trói buộc sản xuất, ngăn sông cấm chợ... tới không ngóc đầu lên được, chế độ có nguy cơ sụp đổ tan tành. Theo phản ứng sinh tồn, vội tỉnh ra, làm ngược lại để mà tồn tại, vậy nhưng tự khen là "đổi mới". Lão Maddox bảo sao không chết hết đi để sinh mới hoàn toàn, đổi điếc làm gì cho nay dở ông dở thằng thế này. Tự mình tệ hại, lội xuống bùn, đến khi sợ quá rút chân lên, vội ca vống thành "đổi mới", khen chân tôi trắng quá. 

Hài không chịu được. Sân khấu hài xứ này chả biết bao giờ mới hết làm trò cười như vậy.

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2018

Thủ Thiêm và làng Mùi

Sau 20 năm vụ chính quyền cướp đất của dân ở Thủ Thiêm, nay đã có kết luận chính thức của Thanh tra chính phủ. Kết luận không chỉ ra được cụ thể "tội ác" của đứa nào, chỉ đề nghị thủ tướng xem xét xử lý những người liên quan.

Tôi đồ rằng sau 20 năm nữa, nếu chính thể dạng này còn tồn tại, thủ tướng (khi ấy không biết là lão XYZ nào) sẽ chính thức kết luận đã xem xét và tiếp tục đề nghị bộ chính trị xử lý, thi hành kỷ luật, rồi khoảng 20 năm nữa sẽ có kỷ luật cách chức những nguyên, những cố, những mồ ma, hồn ma bóng quỷ và con vịt giời.

Cuối cùng chỉ dân Thủ Thiêm gánh chịu cái quy trình khốn nạn ấy. Điều mà họ nhận được trên thực tế là đất bị cướp, nhà bị tan, ruộng vườn bị mất, mồ mả bị đào bới, tài sản do ông cha bao đời truyền lại cho con cháu bị cướp sạch, cha mẹ vợ chồng con cái thì sống vất vơ vất vưởng "tạm cư"; và nhận được những lời hứa hão của nhiều nhiệm kỳ con ma nhà họ hứa.

Rồi cuối cùng cũng chẳng chết đứa có quyền nào, chỉ chết dân Thủ Thiêm.

Vụ Thủ Thiêm có thể được coi là một trong những tấn bi - hài kịch lớn nhất của chế độ này suốt gần nửa thế kỷ qua.

Những xử lý thanh tra điều tra hứa nhăng hứa cuội của nhà cai trị với vụ Thủ Thiêm làm tôi sực nhớ tới cuộc cách mạng được Lỗ Tấn viết trong AQ chính truyện. Làng Mùi vật vã với phong trào cách mạng, dân chúng hy vọng sẽ có thay đổi, nhưng rốt cuộc các cụ cố họ Triệu, họ Tiền vẫn y nguyên, lão Tây giả vẫn là lão Tây giả, còn đám dưới đáy xã hội như AQ, vú Ngò, cu D, Vương râu xồm... càng bị đẩy vào chân tường, và nhận bản án tử hình, chết mà chưa kịp sống.

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 6 tháng 9, 2018

Văn chương đê tiện


NGÔ NHẬT ĐĂNG (con trai nhà văn Xuân Sách)

Một đoạn ký Nguyễn Tuân được trích lại viết về Mắc-Kên (McCain) trên mạng xã hội. Tôi cũng từng được hỏi : “Vì cái gì mà mấy nhà văn đó đâm ra đổ đốn vậy ? Vì sợ, vì hèn, vì danh, vì chút bổng lộc…? Anh cũng là con của nhà văn thời ấy, anh giải thích được không ?”. 

Số đông hơn người miền Nam thì nói : “ Ngày xưa, trong này đi học chúng tôi say mê những Nguyễn Tuân, Huy Cận, Chế Lan Viên, Xuân Diệu vv…lắm. Yêu Hà nội cũng vì những ông này. Bọn chúng đã giết hại cả một thế hệ tài hoa của dân tộc”. Các anh này toàn những cậu Tú, cậu Cử ngày xưa, đi lính trong đợt Tổng động viên, sau 75 thì nếm mùi lao cải, ít cũng 5, 7 năm nhiều thì mười mấy, 20 năm. Cũng lạ, những người suốt đời không quên được tội ác đó đáng lẽ phải căm thù, phải khinh bỉ thì lại không cực đoan. Có lẽ vì trải qua “cái lò luyện cừ” trại cải tạo nên từng trải và hiểu lẽ đời hơn chăng (?).

Những cuộc “tẩy não” kéo dài ngày này sang ngày khác làm đầu óc con người quay cuồng, cụ Ngô Tất Tố sau mỗi buổi “kiểm thảo” là nước mắt, nước mũi ròng ròng. Cụ vắt mũi quệt lên cột lán than : “Làm người sao mà khó ?”, rồi cụ cũng phải tự tử bằng cách treo cổ. Người thì thành lẩn thẩn như Hà Minh Tuân, lang thang vật vờ giữa lòng Hà Nội, bị đưa về cái cơ quan có cái tên kỳ dị : “Vụ cá nước lợ- Bộ thủy sản”, gặp ai cũng nói : “ Cám ơn ông (bà) đã có lời hỏi thăm. Bây giờ tôi biết nhiều về người nước lợ rồi, nhưng vẫn chưa biết cá nước lợ nó như thế nào”. Người thì phát điên như họa sỹ Tư Nghiêm, chạy cả ra đồng vặt cỏ ăn khi người ta ngày này sang ngày khác bắt ông phải kể tội mẹ mình….

Rồi sau chiến dịch Nhân văn Giai phẩm, người thì đi tù, người đi chăn bò, người bỏ về quê như Hữu Loan, Nguyên Hồng, Phù Thăng vv…những người còn lại thì tính cách “bảo toàn lực lượng”. Người thì không sáng tác nữa, những người “được” nhà nước bắt buộc viết thì toàn “cho ra đời những phế phẩm”, ngụ ý : “cái thời chính trị đốn mạt thì chỉ có một nền văn học đê tiện”.

Thứ Tư, 5 tháng 9, 2018

Khai trường

Có nên tổ chức lễ khai trường (tôi gọi là khai trường chứ không phải khai giảng bởi giáo viên giảng mà không có học trò học thì cũng vứt) không? Rất nên, để các cháu lưu được trong ký ức những kỷ niệm về thời đi học (nhưng là với các cháu đã nhơn nhớn nhơ nhỡ thôi, chứ trò lớp 1 chẳng nhớ được gì đâu, bởi bé quá. Tôi cam đoan chả có ai nhớ được hồi lớp 1 mình đã dự khai giảng như thế nào).

Nhưng ở xứ này thời nay, vốn trọng hình thức, bệnh màu mỡ riêu cua đã ngấm vào máu, thì ngày khai trường cứ như sân khấu kịch thực cảnh xã hội hóa toàn quốc, cờ đèn kèn trống quá mức, diễn văn đít cua ồn ào điếc tai. Lễ khai trường đã bị biến thành thứ dịch vụ kiếm tiền, người thì thu bộn tiền, kẻ thì khoe được danh, chỉ có học trò bị lợi dụng.

Tôi đọc cuốn sách trứ danh "Những tấm lòng cao cả" (còn có tên Tâm hồn cao thượng) của văn hào Ý Edmondo De Amicis thấy tả buổi khai trường thật giản dị, không màu mè rùm beng nhưng xúc động cực kỳ. Chủ yếu là tình cảm, sự gắn bó, hiểu biết, cảm thông của thầy cô giáo, học trò và phụ huynh với nhau thôi. 

Ăn nhau là ở cái tình chứ không phải bóng bay, cờ phướn, đít cua, nện trống thật lực.

Nguyễn Thông



Thế lực thù địch

Hôm trước coi video, thấy cảnh đoàn xe chở và hộ tống ông thủ tướng đi ngang qua Hà Nam Phủ Lý chi đó dài dằng dặc, rầm rập hung dữ, tiền hô hậu ủng, còi xe công an hú kinh người, xe lao vun vút... không khác gì chạy trốn hoặc đi đánh giặc.

Người ta bảo, với các quan lớn thì phải thực hiện "dịch vụ bảo vệ" như thế để đảm bảo an ninh an toàn trước các thế lực thù địch.

Về với dân, tinh những chị Dậu anh Pha, cái Tý cái Tỉu thằng Dần... nhưng luôn lo sợ họ là thế lực thù địch, hoặc bị thế lực thù địch lợi dụng, nên cứ phải ngồi tịt trong cái hòm kín phóng vun vút. Còn có ông khác ở xứ ta xài cả xe chống đạn giá vài chục tỉ, rất kinh.

Kiểu dọa dân như thế, nếu áp dụng với quốc khách, như Obama, Tập Cận Bình, Putin... thì cũng hợp lẽ, bởi nếu xảy ra chuyện gì đó không hay sẽ gây khó khăn trong quan hệ quốc tế. Đằng này ngay trong nhà mình, trên đất mình, với dân mình, cứ coi như quân thù quân hằn, đề cao tinh thần cảnh giác.

Nếu ai bảo rằng đã ở cương vị như thế thì phải thế, vậy tôi xin hỏi, trả lời làm sao việc ngài tổng thống Uruguay Jose Pepe Mujica, người đã đưa đất nước phát triển thêm gần 20% trong 2 nhiệm kỳ của ông, khi làm tổng thống chỉ tự hằng ngày lái xe từ nhà cấp 4, cả nhà lẫn xe đều không có lính bảo vệ, tự tới dinh, hết ngày làm việc lại tự lái xe về, ngày nghỉ thì hai vợ chồng lao động, làm vườn, nấu ăn, không có lấy một người phục vụ. Chính nhà độc tài Fidel Castro của Cuba cũng còn phải khen ngợi ông này, gọi ông là vị tổng thống bình dân, được dân chúng yêu mến nhất trên thế giới. 

Tạo ra thế lực thù địch, có nguy hiểm hay không nguy hiểm, là do mình. Chính mình đẻ ra. Khi đã không chính danh, làm điều xấu thì luôn "thần hồn nát thần tính", nhìn đâu cũng ra kẻ thù. Miệng thì cười nói nhưng lòng thì run sợ. Đã không được lòng dân, không có dân che chở, yêu thương thì dù có cả sư đoàn mãnh hổ bảo vệ, xe phóng vun vút tốc độ ánh sáng, ngồi xe tăng bọc thép dày cả mét... thì cũng như người đã chết, cần gì phải ai dọa ai giết.

Nguyễn Thông

Thứ Hai, 3 tháng 9, 2018

Lớp i tờ

Ngày xưa, học đánh vần theo cách của cụ Hoàng Xuân Hãn, nhiều thế hệ đã trưởng thành. 

Tôi còn nhớ lúc nhỏ tí, khoảng năm 1960, bu tôi đi học lớp bình dân học vụ do thầy giáo Thẫn làng tôi dạy. Bấy giờ làng Trà Phương (xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, HP) quê tôi có 3 thầy giáo dạy lớp i tờ (còn gọi là lớp vỡ lòng) là thầy Thẫn, thầy Bạt, thầy Mông. Tuổi các thầy bằng tuổi học viên, thậm chí kém. Còn phụ huynh thì chắc chắn đều 100% râu dài, cỡ U.70.

Lớp học ban đêm ở trụ sở ủy ban xã. Gọi là trụ sở nhưng là cái nhà cấp bốn 3 gian, không bằng nhà để xe của trường tiểu học bây giờ. Học viên mỗi người đem theo đèn dầu, chỗ thầy Thẫn dạy thì treo chiếc đèn bão. Tối nào bu đi học, tôi cũng lon ton theo cầm đèn giúp bu, ngồi bệt dưới đất hóng lên bảng nghe các cụ học.

Học được mấy tháng, các cụ học viên đều biết đọc biết viết. Nhưng rồi mải làm HTX, lại quên dần. Sau, tôi chả bao giờ thấy bu tôi đọc sách báo gì, chỉ còn thạo môn toán cộng trừ, buôn bán đi chợ tính nhẩm không mất xu nào.

Kỷ niệm nhớ nhất thời xách đèn cho bu đi học là hôm ấy thầy Thẫn dạy cho các cụ học viên bài hát. Bài này chả biết ai sáng tác, dựa theo bài "Hò kéo pháo" mà nhạc sĩ Hoàng Vân viết hồi chiến dịch Điện Biên Phủ. Tôi còn nhớ cụ giáo Thẫn hát: "Tờ i ti này, đến lớp ta học đi nào. Tờ i ti này, đến lớp ta học ta viết. Mắt kém, tay run, nhưng lời Bác khuyên thì ta cương quyết. Nhà neo, con mọn, học là xây dựng nước non nhà"...

Giờ thì cả cụ Hoàng Xuân Hãn, các thầy i tờ Thẫn, Bạt, Mông, cả bu tôi cùng những học viên thời ấy đã lên đường hết rồi, biết đâu sắp kỷ niệm 60 năm lớp học i tờ ở thế giới bên kia. 

Nghe lao xao chuyện thiên hạ bàn về đánh vần, tôi chỉ tham gia chút hồi ức cũ chứ không dám bàn luận gì bởi kiến thức mình có hạn.

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2018

Kẻ sĩ xưa đẹp trên từng trang sách

Lật giở từng trang lịch sử nước nhà, thời nào cũng có kẻ sĩ đẹp lung linh, nhất là về tài năng và nhân cách. Kẻ sĩ ấy là những hiền tài, hào kiệt, bậc thầy, là tấm gương đạo đức, bản lĩnh, chí khí, tinh thần. Ức Trai tiên sinh (Nguyễn Trãi) từng tổng kết” “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau/Song hào kiệt đời nào cũng có”.

Trải thế hệ này qua thế hệ khác, ta từng nghe ông cha truyền lại những tấm gương Tô Hiến Thành, Chu Văn An, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giang Văn Minh, Lê Quý Đôn, Nguyễn Công Trứ… đỗ đạt cao, giỏi giang trị quốc bình thiên hạ, vì dân vì nước, tấm lòng trong sạch. Họ in dấu cả trên bia đá bảng vàng ghi danh lẫn những lưu truyền trong lòng người và văn chương, sử sách.

Nhưng cũng có không ít ẩn khuất, góc tối, góc hẹp khiến có những kẻ sĩ suốt dặm dài thời gian bị che phủ, mờ nhạt, không lộ diện, thậm chí bị hiểu sai, méo mó, ngược hẳn với con người thực. Tình trạng ấy của lịch sử đã xuất hiện trong nhiều giai đoạn, nhất là khi có những biến thiên thời cuộc, xã hội bãi bể nương dâu, “thế gian biến cải vũng nên đồi”. Thôi thì chả dám trách, tránh sao được khi búa tạ thời đại giáng vào ai đó, chỉ có điều thật mừng bởi có lúc phát lộ những khoảng sáng vỡ òa khiến sự thật trở về đúng với nó vốn có, nhờ công khai phá tìm tòi của nhiều thế hệ hậu sinh.

Trong những sự khai phá ấy, gần đây nhất là 2 cuốn sách chững chạc, nghiêm túc xoáy sâu vào chủ đề kẻ sĩ của nhà báo, nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Thắng (tức Từ Khôi): Cuốn Vụ án Thái sư hóa hổ (năm 2017) và Đạo sắc màu máu (năm 2018).

Tính cách Mỹ

Tại sao số đông người Mỹ ngày càng thích, càng ủng hộ ông D.Trump? 

Đơn giản vì ông ấy làm những việc thiết thực có lợi cho nước Mỹ với sự quyết đoán, dứt khoát, không màu mè, không lằng nhằng dây điện, không nhằm tạo tiếng tốt cá nhân. Không đi theo vết của B.Clinton, B.Obama. Cứ thứ gì gây hại cho nước Mỹ là ông ta trảm. Thấy tổ chức UNESCO bị giật dây, rút ra liền; thỏa thuận hạt nhân với Iran không có lợi, hủy ngay; nước nào không ủng hộ Mỹ trong vụ chuyển tòa đại sứ về Jerusalem, cắt viện trợ ngay (với lý do không tội gì cho tiền đứa cãi mình); Trung Quốc lươn lẹo kinh tế, phạt luôn; Tổ chức thương mại thế giới WTO gây hại cho Mỹ, tính rút ra luôn; Hội đồng nhân quyền hay chửi Mỹ, rút luôn... Ông Trump thậm chí còn muốn rút khỏi Liên Hợp Quốc.

Ông ta vì nước Mỹ, làm những điều mà mấy anh tiền nhiệm nhát, chỉ thích vẽ vời lấy tiếng. Còn ông ta, cứ phải thiết thực. Cái gì không có lợi cho nước Mỹ, cho dân Mỹ là không chơi, dù có "truyền thống hữu nghị, quan hệ lâu đời" đến đâu chăng nữa.

Tôi đồ rằng, kể từ nay dân Mỹ sẽ nhận thức lại, những anh nào mang cốt cách D.Trump sẽ được tín nhiệm trong các cuộc bầu tổng thống, những anh nào dạng Clinton, Obama chỉ thích "nâng lên tầm cao và đi vào chiều sâu", "bày tỏ vui mừng về quan hệ tốt đẹp" sẽ thất bại thảm hại. 

Đó mới là Mỹ.

Nguyễn Thông