Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

Con số

Nói ngay rằng lâu nay tôi luôn hồ nghi, nói thẳng là không tin, những con số do nhà cai trị, nhất là nhà cai trị cộng sản, đưa ra. Nó luôn ẩn chứa trong đó những mưu mẹo, âm mưu, mẹo mực, ý đồ có lợi cho bên này, có hại cho bên kia. Xét theo kiểu các cụ xưa, tin thì chỉ có đổ thóc giống ra mà ăn.

Nhưng phải nói cứ mỗi chiều tối suốt 3 tháng nay, rất choáng khi đọc những con số chính quyền thống kê, được công bố trên báo chí tivi. Chẳng hạn hôm qua 30.8: Cả nước 14.219 ca nhiễm mới, trong đó Sài Gòn 5.889 ca, Bình Dương 6.050 ca; số ca tử vong trong ngày là 315 (nguồn: Báo VnExpress). Nếu đó là sự thực thì quả thật quá khủng khiếp, rã rời, u ám. Sự khủng khiếp này, người ở những tỉnh thành khác, như Cao Bằng chẳng hạn (tỉnh ni nghe nói tới giờ vẫn chưa có ca mắc nào) sẽ không hình dung ra, nhưng nếu sống ở Sài Gòn hoặc Bình Dương thì chỉ thấy tương lai xám xịt như bầu trời mây đen vần vũ kia.
 
Tôi cũng không thoát khỏi tâm trạng đó. Hộ gia đình đối diện nhà tôi chỉ trong một tuần vừa rồi đã hai người chết do COVID. Cả khu vực tình làng nghĩa xóm nhưng không ai dám lại gần, dù chỉ muốn đi vụt qua nói liến thoắng với con cái họ một lời chia buồn. Nhà tôi cửa đóng then cài im ỉm cả chục ngày rồi, rác cũng không dám đem ra, nhỡ mình hé mở thì cô vít nó vụt lẻn vào. Lương thực thực phẩm đang cạn dần, có tiền cũng không mua được, vợ chồng con cái chỉ biết động viên nhau đội vùng đỏ cố lên, cố lên.

Thứ Hai, 30 tháng 8, 2021

Người lặng lẽ

Một trong những thông tin liên quan tới dịch rất đáng chú ý hôm qua, không phải thứ khơi sự tò mò hoặc tin tức nóng, chẳng hạn bao nhiêu ca mắc, khỏi bao nhiêu, chết bao nhiêu, v.v.. mà là thứ tin lành, tích cực. Báo chí truyền thông nhà nước cũng như mạng xã hội đã có nét vẽ hồng hào trên cái nền u ám.
 
Chả là Công ty Ô tô Trường Hải, mà ta vẫn biết qua cái tên tắt quen thuộc THACO, trao tặng cho chính quyền ở Sài Gòn món quà cực quý lúc này: 30 chiếc xe cứu thương và 25 xe chuyên dụng vào việc tiêm chủng di động, ngoài ra còn nhiều thứ “râu ria” cần thiết khác cho chống dịch. Tôi tò mò nhắn tin hỏi ông bạn hơi già tòng sự bên ấy, ông chỉ trả lời ngắn gọn, trái ngược hẳn với sự hoạt ngôn lâu nay, rằng tính đến thời điểm này THACO đã trao tặng 3 triệu 350 ngàn bộ kit test nhanh Covid, 63 xe chuyên dụng vận chuyển vắc xin, 63 xe tiêm chủng lưu động, 30 xe cứu thương; hỗ trợ 50 xe tiêm chủng cơ động cùng nhiều dụng cụ phương tiện hoạt động phòng chống Covid khác. Riêng đợt ngày 27.8 hơn 160 tỉ đồng, cộng dồn những lần trước (gọi là trước chứ thực ra cũng chưa bao lâu, kể từ khi dịch căng) sơ sơ 800 tỉ đồng. Với những người ngụ trong nhà cấp 3+ như tôi, số tiền nhân hậu ấy thực… khủng khiếp, bởi nó lớn quá, lớn quá.

Thời còn làm báo TN, tôi gặp ông chủ của Công ty Trường Hải vài lần, dạng “nhà giàu…nhìn từ xa”, chưa trực tiếp mặn chuyện bao giờ. Chả là có chú em bạn đồng nghiệp làm giám đốc một công ty dịch vụ quảng cáo, cứ có hợp đồng giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp nào đó, nó lại kêu tôi dự, anh viết cho em cái tin. Thế nên biết cả Trương Gia Bình - Hoàng Minh Châu (FPT), Đặng Thành Tâm - Đặng Hoàng Yến (Tân Tạo), Võ Quốc Thắng (Đồng Tâm), Đoàn Nguyên Đức (Hoàng Anh Gia Lai), Đặng Lê Nguyên Vũ (Trung Nguyên)…, tinh những anh tài, lừng lẫy thương trường. Trong số ấy tất nhiên có Trần Bá Dương, đang lên nhưng rất kín tiếng nên nhiều người chỉ nghĩ tầm vừa vừa, chưa đặt vào hàng đấng bậc. Về sau này, có dịp tìm hiểu kỹ, tôi mới biết mình và đông người đã nhầm do cái cách hay nhìn vào phần xổi.

Thứ Bảy, 28 tháng 8, 2021

Phản biện

Thằng con tôi hỏi phản biện là gì, tôi bảo tao không hơi đâu giải thích tỉ mỉ được, bởi nếu dùng lý luận cao siêu như "người ta" thì có giảng giải, giáo hóa cho mày cả ngày cũng không thủng óc. Vả lại cũng khó, người thì bảo phản biện là góp ý xây dựng, người thì phán là phản động chống đối, chả biết đâu mà lần.

Tôi chỉ dùi đục chấm mắm cáy cho nó dễ hiểu, phản biện nghĩa là có những thứ người ta khen thì mình chê bởi thấy đáng chê, người ta chê thì mình khen bởi đáng khen.

Lấy ví dụ: Thiên hạ nức nở khen ông tân Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh khi ông tuyên bố "trong thời gian dịch, nếu để một người dân đói tôi sẽ từ chức", rằng bản lĩnh, tư cách, tử tế, dứt khoát... Khen cũng đáng. Nhưng chính ông Lĩnh và những người khen ổng không hiểu rằng trong cái guồng máy cai trị này, ai cho phép ông từ chức, có muốn từ cũng chẳng được. Đầy đứa lấm bê bết từ đầu xuống chân còn bị làm lãnh đạo, huống hồ người tử tế. Văn hóa từ chức rất xa lạ, thậm chí là chuyện không tưởng với xứ này. Chỉ có cách chức, buộc thôi chức, ngưng chức, xóa cả các chức nguyên... thì người ta mới chứng tỏ được uy quyền. Để ông từ chức dễ thế, khác gì ông nhổ vào mặt người ta, coi tổ chức không là cái đinh gì. Cứ nhất nhất phải theo nguyên tắc "bắt cởi trần phải cởi trần/cho may ô mới được phần may ô". Trong thể chế này, đừng tưởng nghĩ tốt, nói tốt, làm tốt mà được ủng hộ.

Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2021

Giết gà dùng dao mổ trâu

Xem ảnh, coi tivi, rất thương mấy chú bộ đội vất vả trong việc mua bán, phân phối, đem hàng tới tận từng nhà dân. Khu dân cư tôi ở chưa thấy chú nào héo lánh nhưng qua truyền thông cứ nghĩ tội nghiệp các chú. Đó là tôi nói thật lòng bởi tôi từ bé đã gắn bó với chú bộ đội. Đây cũng là status đầu tiên nhắc tới bộ đội.

Điều đáng lo là, như hồi đầu tháng 6 tôi từng lưu ý phải bằng mọi cách để dịch không lây lan vào doanh trại lính, tấn công quân đội. Dịch lan ra các thành phố lớn, chui vào những khu công nghiệp, thò về vựa kinh tế ĐBSCL (nuôi cả nước), về mặt nào đó đành phải chịu, nhưng để nó làm yếu quân đội thì nguy hiểm số 1, cực kỳ tai hại, không có gì phải bàn cãi.
 
Vậy nên, cần xem lại phương thức đưa binh lính từ khắp nơi đổ về túi dịch Sài Gòn, nơi mỗi mét vuông đều tiềm ẩn cả tỉ virus Vũ Hán, chỉ để lọ mọ đi đưa rau đưa cỏ, liệu có ổn không? Tôi không dám nghĩ cao xa thâm sâu như một nhà báo bảo rằng bên trong việc này có điều khó nói thẳng. Chỉ ngại khi các chú bộ đội ấy xong việc, trở về đơn vị mình lại vô tình đem theo cả thứ mà các chú vừa chống, thì tai hại biết chừng nào. Không khác gì nối giáo cho dịch.

Thứ Ba, 24 tháng 8, 2021

Chuyện mưa đá

Phải thủng thẳng rằng, trận dịch cô vít Vũ Hán này đã lấy của mỗi người bao nhiêu là nơ ron thần kinh. Hầu như người ta không quan tâm đến thứ gì khác ngoài nó. Bây giờ không được gặp nhau, bị chia cách còn hơn cả Ngưu Lang - Chức Nữ, nếu có gọi điện, thay vì chào nhau, thì câu đầu tiên sẽ là “tình hình dịch đằng ấy thế nào rồi”, sau đó hai bên kể lể một thôi một hồi, bị giãn cách ra sao, chỗ nào cấm đường cấm chợ, mua rau cỏ thịt cá…, tinh những chuyện cười ra nước mắt. Đứa cháu tôi cười nhận xét đó là kiểu chào hỏi nhau thời dịch.

À, sực nhớ dân mình rất lễ nghĩa, thích chào nhau. Hồi bé, tôi thấy người làng gặp nhau ngoài đường, thường chào bằng câu hỏi “bác/cô/chú/anh/chị đi đâu đấy”, rất tò mò. Ông anh họ tôi nói nhỏ, người ta đi đâu là chuyện của người ta, biết để đi theo chắc. Lại có đứa đang đứng đái ven đường, thấy thầy giáo ngang qua, lễ phép máy móc quá, “em chào thầy”. Thầy vốn vui tính, tếu táo, chào lại “chào em đứng đái”. Còn thằng tây rành tiếng Việt hồi xưa tôi quen có lần phàn nàn, mày ạ, đứa nào gặp tao cũng chào “ăn cơm chưa”, cứ như tao ăn hết của nhà nó không bằng…

Dịch căng đến nỗi thiên hạ không thèm để ý tới thứ gì khác, ngoại trừ nếu xảy ra trời sập. Trời không sập, nhưng chiều tối 22.8 tây lịch ở Sài Gòn có chuyện gần gần vậy, khiến dân tình xao xác. Mưa đá. Đúng hôm rằm tháng 7. Tít tận phương nam chứ không phải Lào Cai, Yên Bái… Chỗ nhà tôi cũng bị nhưng nhỏ, hột đá bé như đỗ xanh, còn ở mạn quận 7, quận 9, Thủ Đức, đá ra đá, có nơi bằng nắm tay trẻ con, phủ kín đất, đầy sân đầy đường. Chưa có thống kê về thiệt hại. Có nhẽ không ai vỡ đầu, bởi đơn giản là thành phố đang cấm triệt để người ra đường, phố xá vắng như chùa bà đanh. Chưa kịp bị đá nện vỡ đầu thì đã ăn quả phạt vi phạm. Trong cái rủi có cái may, chả biết đâu mà lần.

Thứ Hai, 23 tháng 8, 2021

Người làm, kẻ phá

Trong cơn đại dịch, thiếu vắc xin là điều đau đầu nhất, giải quyết nó là việc quan trọng nhất lúc này. Chính phủ phải huy động toàn bộ hệ thống, kể từ ông thủ tướng tới các bộ ngành làm nhiệm vụ tìm kiếm vắc xin. Đã có hẳn thuật ngữ mới "ngoại giao vắc xin" ra đời trong hoàn cảnh ấy (các nhà ngôn ngữ học hãy nhớ lấy để bổ sung vào từ điển tiếng Việt).

Ngoại giao vắc xin thực chất là gì? Là khéo léo, mềm mỏng, thậm chí phải nhún nhường, hạ mình xuống một chút (chứ không ưỡn ngực kiêu hãnh như lâu nay) để có vắc xin tốt đem về. Tức là phải rất cố gắng, khiêm tốn, biết làm vui lòng đương sự đang có vắc xin. Trong những nước mà xứ ta hướng tới ngoại giao vắc xin có nhiều quốc gia ân oán cũ như Mỹ, Pháp, Nhật, Hàn, Úc, Đức... Họ (chính phủ các nước ấy) dường như quên hẳn chuyện xưa, bỏ tiệt quá khứ, chỉ hướng tới tương lai, giúp nước ta rất nhiệt tình, biếu và bán vắc xin rất rộng rãi, chân tình.
 
Phải ghi nhận điều đó và ủng hộ sự cố gắng của chính phủ ta, và biết ơn bạn bè.

Vậy nhưng, vẫn có kẻ phá, hay có thể nói là chọc gậy bánh xe. Tức giận ở chỗ, nếu nó là thế lực thù địch nào đó, việt tân việt tiếc, thì đã đi một nhẽ, đằng này ta đánh ta, rất tai hại.

Chủ Nhật, 22 tháng 8, 2021

Thời cơ không muốn

Báo Thanh Niên (nơi tôi từng tòng sự 20 năm) sáng nay 22.8 ra thông báo sẽ tự đình bản báo in 3 tuần, tới sau ngày 15.9 mới xem xét khả năng quay trở lại.

Các bạn tôi ở đó đã cố hết sức rồi, cực chẳng đã mới phải chọn cách ấy. Nghĩ rất thương. In ra không được đem đi bán (phát hành), không có người mua, dẫu tiền núi cũng cạn. Tự chủ tài chính, tự hạch toán để nuôi mình, đã đứng vững được khá lâu, nay gặp cơn đại dịch mới ra nông nỗi này.

Đó là tin buồn cho bản báo, nhưng cũng nói lên thực trạng của báo chí trong đại dịch. Đây cũng là kết quả tất yếu của báo chí quốc doanh bao năm nay vừa phải ép mình thông tin theo định hướng, vừa không cạnh tranh nổi mạng xã hội, giờ thêm dịch như nhát búa đóng cái đinh cuối vào hòm sự nghiệp để tiễn đưa. Tôi nói báo chí nói chung chứ không phải riêng Thanh Niên.

Có lẽ dịch (kéo dài không biết bao giờ mới chấm dứt, cuộc sống mới quay lại "bình thường mới") là điều kiện bắt buộc và cơ hội để nhà cai trị nhìn nhận, xử lý lại nhiều vấn đề cho phù hợp với đời sống luôn thay đổi.

Thứ Bảy, 21 tháng 8, 2021

Cờ đến tay thì phải phất

Thưa bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

Cần nói ngay rằng lúc này "tướng" ngành giáo dục phải mạnh mẽ đột phá, chứ cứ chần chừ dẫm vào vết những người tiền nhiệm, rồi nền giáo dục xứ ta sẽ chẳng đi đến đâu, thậm chí lụn bại.

Mấy chục năm nay, biết bao đời thượng thư-bộ trưởng bộ dục, gần như không ai để lại được dấu ấn đáng kể nào cho ngành, cho nước cho dân, nếu có thì thiên hạ chỉ nhớ tới mấy trò cười, kiểu như "nói không với bệnh thành tích", ngọng líu ngọng lo "nói tiếng Lào ra tiếng Ý", v.v.. Nửa thế kỷ tiến lên chủ nghĩa xã hội, không tìm đâu ra được những thuyền trưởng như Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu do "thực dân" Pháp đào tạo.

Nhiều người đang hy vọng vào vị bộ trưởng đương nhiệm, riêng tôi còn có cảm tình bởi là đồng hương huyện, đồng môn, đồng sư phụ, đồng nghiệp.

Nhưng thời gian cứ trôi như nước chảy, không đợi chờ ai. Nếu không quả quyết, quyết đoán thay đổi, sẽ bỏ lỡ thời cơ, phần hại cho cá nhân chỉ là chuyện nhỏ, mà cái hại lớn nhất là cả dân tộc đất nước phải gánh chịu.

Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2021

Thấy người ta ăn khoai, mình cũng vác mai đi đào

Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25.8), nhiều báo có bài. Cũng đúng thôi, viết về tướng Giáp, lại là người đã khuất, thì tha hồ kể, cả chuyện thiên hạ đã biết lẫn chưa biết, chuyện thực chuyện bịa, cụ đâu có cãi lại được.

Đu trào lưu ấy (thời nay gọi là đu trend), bà Phạm Thị Thanh Trà (chị ông buôn chổi đót) bộ trưởng Nội vụ vừa có một bài dài ơi là dài. Trong đó, bả nhấn mạnh cụ Giáp là người xây nền móng, đặt những viên gạch đầu tiên cho ngành nội vụ của bả.

Ôi giời, nhầm to. Đúng là cụ Giáp giữ chức bộ trưởng nội vụ đầu tiên thật đấy nhưng bà Trà đã bé cái nhầm. Sau cách mạng tháng 8, chính quyền mới được thành lập, gồm 15 bộ, trong đó ông Chu Văn Tấn làm bộ trưởng Quốc phòng, ông Võ Nguyên Giáp làm bộ trưởng Nội vụ. Thiếu bộ nào thì thiếu, chứ không thể thiếu 2 bộ này bởi nhà nước mới ra đời, nhiều thù trong giặc ngoài, việc đánh nhau là hệ trọng nhất. Bộ Nội vụ thực chất là bộ Công an, làm nhiệm vụ giữ an ninh trật tự, chứ không phải làm hành chính tổ chức, nên được giao cho ông Giáp - người có kinh nghiệm đánh nhau. Còn công tác quản lý hành chính, tổ chức cán bộ, chọn lựa nhân viên, lo việc bàn giấy... thì cứ tự mày mò, chưa có bộ biếc gì cả. Bộ Nội vụ do ông Giáp quản gồm nhiều nha (Nha Công an, Nha Thanh niên, Nha Giáo dục...) nhưng không có nha nào làm công tác tổ chức, nhân sự, quản lý hành chính cả. Nói toẹt ra, nội vụ trước kia và nội vụ bây giờ không liên quan gì với nhau.

Thứ Năm, 19 tháng 8, 2021

Lãnh đạo nguồn

Lão em tôi, mấy bạn tôi, người thì nhắc, người thì khuyên, rằng nói gì thì nói, tránh công kích cá nhân, nhé.

Nhưng khổ nỗi, cộng đồng nào cũng do cá nhân tập hợp thành, nên đám đông này, tập thể nọ cũng từ cá nhân mà ra, bảo tránh hơi bị khó. Thế mới biết cộng sản khôn tít mù. Cứ thành tựu, cái hay cái tốt thì do công sức, dấu ấn của cá nhân, còn thất bại, hư hỏng, xấu xa thì thuộc trách nhiệm tập thể. Kiếm được "thằng tập thể" để kỷ luật khó hơn tìm ra bát phở Hùng giữa những ngày đỉnh dịch.

Cho nên tôi rất nghi ngờ dụng ý của trung ương, của đám tổ chức khi đưa mấy tay cán bộ đoàn lên làm ông nọ bà kia. Nó là đoàn thì chỉ biết mùa hè xanh mùa hè đỏ, tư vấn mùa thi, dạy trẻ con tập hát tập bơi, vớt bèo dọn rác... chứ biết gì về quản trị mà nhét ghế lãnh đạo vào đít nó. Có phải định dìm nơi này nọ, ngành ấy ngành kia để kìm hãm chăng.

Thử hỏi, suốt 2 năm dịch bệnh ròng rã, cái Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội do một ông cựu cán bộ đoàn đứng đầu đã làm được gì để đến nỗi người lao động phải lếch thếch kéo nhau chạy trốn dịch như trốn giặc.

Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021

Nhặt nhạnh

Tôi cứ nói thẳng: phải cảnh giác trước những kết quả ngoại giao vắc xin. Đành rằng cần biết trân trọng sự cố gắng của chính phủ, của cá nhân thủ tướng, khi các vị ấy nhanh nhảu, xông xáo, chịu khó tìm nguồn vắc xin để xin hoặc mua về chống dịch cứu dân, nhưng không phải cứ tích cực đều đáng khen.

Đọc thông tin chính thống từ truyền thông nhà nước, tôi thấy những cuộc gặp gỡ hoặc điện đàm trao đổi với nước ngoài, chẳng hạn Czech (Séc), Ba Lan, Hungary... đều có kết quả khá giống nhau: được tặng vài trăm nghìn liều, và kèm theo được nhượng lại vài triệu liều. Số tặng thì luôn nói rõ thứ vắc xin gì (thường là xuất xứ Âu - Mỹ), số nhượng chỉ nói chung chung vắc xin, không ai biết vắc xin gì (tất nhiên thủ tướng và chính phủ biết nhưng cố ý không nói ra).

Các vị cứ nói liêm chính minh bạch nhưng trong những chuyện lớn nước nhà liên quan tới số phận, đời sống nhân dân thế, lại cứ cố ý không minh bạch. Sao không nghĩ mấy "nhà hảo tâm" kia họ mừng như bắt được vàng khi tìm được nơi đẩy thứ vắc xin mà dân của họ không ưa. Vắc xin không phải là... măng khô, để tới khi nào cũng được. Hết hạn dùng thì chỉ có đổ đi, ném vào sọt rác. Vớ được anh dại năn nỉ, thế là "nhượng" ngay, vừa đẩy được món hàng không muốn dùng, vừa thu được tiền vốn, đỡ lãng phí, lại được tiếng tốt, được biết ơn, một công ba bốn việc chứ không phải chỉ đôi việc. Ai cứ hay bảo bọn tây dại, nó có mà dại khối.

Thứ Ba, 17 tháng 8, 2021

Chết cười

Đúng ra thì dở khóc dở cười, cười ra nước mắt, hài hước hiếm thấy, bởi nó như màn bi hài kịch chỉ có ở thời đại này, cuộc sống này.

Chả là một ông ở quận Gò Vấp Sài Gòn, đã 49 tuổi rồi chứ có ít đâu, theo lời kêu gọi của đảng, nhà nước, thủ tướng, hệ thống chính trị... đi tiêm chích vắc xin Vero Cell, tức cái loại Sinopharm mà nhà chức việc cố giấu tên, gọi nôm na là vắc xin Tàu. Chỉ trong vòng 1 phút, ông ta chích luôn 2 mũi, hay nói đúng hơn là người ta chích liên tiếp cho ổng 2 mũi. Chích xong kêu toáng lên ối giời ơi là giời.

Chỉ xin bàn thế này:

-Đi chích vắc xin là đưa "con" vi rút vào người nhằm huấn luyện cơ thể người khả năng chống chọi nó, "thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu", cốt giữ sức khỏe. Chích thứ này phải nói thẳng là nguy hiểm, nguy cơ cao, độ an toàn thấp, chứ không giống như chích thuốc bổ (nếu tiêm thuốc bổ đã chả tới phần dân). Đã xác định đi chích, nhất là vắc xin tàu, là phải rất cẩn thận, cực kỳ kỹ lưỡng, thậm chí mất ngủ trằn trọc cả đêm hôm trước. Vào tới nơi chích, phải hỏi han này nọ, phải nắm thật chắc mới vén áo lên, mới thò tay ra. Đằng này, ông 49 chích xong mũi 1, đứng lên đi vài bước, ra cái bàn chích khác ngồi phệt xuống, người ta chả thèm hỏi han, bảo kéo áo cũng kéo, nói thò tay cũng thò, họ dúi kim chích ngay phát nữa cũng không phản ứng gì. Thế thì có kêu giời, giời cũng chịu. Đi bảo vệ tính mạng mà như kẻ mất hồn, ngơ ngẩn thế, còn kêu ai. Đúng như các cụ xưa dạy "tiên trách kỷ, hậu trách nhân".

Thứ Hai, 16 tháng 8, 2021

Những chị Dậu thời nay

Sáng 15.8, coi hình ảnh từng đoàn hàng mấy trăm người cần lao, chủ yếu là bạn trẻ, gia đình vợ chồng trẻ cùng con nhỏ, đùm đúm trên chiếc xe máy, cả gia tài đem theo, thậm chí con chó nhỏ cũng chất lên xe, nghĩa là tài sản sau nhiều năm mưu sinh chỉ có bấy nhiêu, không còn gì để lại, kéo nhau về quê để trốn dịch trốn đói, ai cũng phải động lòng thương xót. Đã thế, nhà chức trách, công an, dân phòng, cán bộ tuyên truyền cầm gậy cầm loa ra chặn đường, dựng hàng rào, chăng dây ngăn, không cho họ tiếp tục chuyến hồi hương, thuyết phục họ quay trở lại. Đi cũng dở, ở không xong. Trở đi cách núi, trở lại cách sông. Tất cả đành lủi thủi về chỗ cũ, về nơi không còn chút hy vọng. Nhìn sự đời tang thương ấy, tôi sực nhớ cái tâm trạng của chị Dậu, người đàn bà khổ điển hình, được cụ đầu xứ Tố tả trong truyện “Tắt đèn”. Không tiền nộp sưu cứu chồng, cả nhà nhịn đói triền miên, gia cảnh rách nát, địa chủ ức hiếp dồn đến chân tường, người đàn bà tên “chị Dậu” ấy buột than: “Về thì đâm đầu vào đâu?”. Sáng nay cũng vậy, cứ văng vẳng tiếng kêu tuyệt vọng “về thì đâm đầu vào đâu?”. Còn vẳng mãi nhiều ngày sau nữa.

Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2021

Fidel là người thế nào?

Khi đặt cái tít như trên, đầu tôi lởn vởn những câu trong bài hịch của Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, một tác phẩm lịch sử đám học trò xứ An Nam ai nấy đều thuộc làu. Để đánh giá bản chất những con người từng lừng lẫy một thời, Đại vương không đưa ra lời khẳng định theo lối mòn mà chỉ đặt câu hỏi, kiểu như “Vương Công Kiên là người thế nào, Nguyễn Văn Lập là người thế nào, Cốt Đãi Ngột Lang là người thế nào, Xích Tu Tư là người thế nào?”… Kẻ hậu sinh này mạo muội bắt chước, học người xưa về cách ấy, nên đặt “Fidel là người thế nào?”.

Hôm nay 13.8 là dịp “kỷ niệm” 95 năm ngày sinh Fidel Castro Ruz, nhân vật huyền thoại của phe cộng sản trên thế giới. Ông sinh ngày 13.8.1926. Giá như sự kiện “năm chẵn, mốc chính” rơi vào vài năm hoặc mươi năm trước, chắc sẽ rầm rộ lắm, thư đi tin lại, tíu tít chúc mừng. Nhiều khi chả cần chẵn chính gì, ngay năm lẻ bé mọn của lãnh tụ vĩ đại, nhân vật cách mạng, người ta cũng cứ kỷ niệm tung hô. Giờ thì gần như rơi vào quên lãng, không anh em đồng chí nào nhớ nữa, ngay cả trên đất Cuba, nơi ông ta hơn nửa thế kỷ làm mưa làm gió, cũng không nhắc nhỏm. “Không bạn bè, không có ai, không có ai từng ngày ru ông ngủ” trong hòn đá lạnh lẽo giữa thủ đô La Habana.

Thứ Năm, 12 tháng 8, 2021

Sụp đổ (phần 2)

Dường như thể chế nào, lực lượng cầm quyền cai trị nào cũng mắc căn bệnh thích xây dựng hình tượng đại diện. Bọn trẻ bây giờ gọi là idol (ai đồ), thần tượng. Hồi tôi còn bé, đọc những sách vở tài liệu, thấy nhà nước (miền Bắc) lên án bọn phong kiến, thực dân, phát xít, đế quốc về “tội” đề cao chủ nghĩa cá nhân, tạo lập hình tượng lừa mị dân chúng, kiểu như Napoleon, Hitler, De Gaulle. Chửi khiếp lắm. Chỉ có điều, chửi thì cứ chửi, còn xây cũng chả kém gì, thậm chí hơn. Đề cao cá nhân, tạo lập ra những idol, kể cả bịa đặt, không ai giỏi, thạo nghề bằng cộng sản, bằng phe xã hội chủ nghĩa.

Không bàn tới chuyện họ tạo ra những idol đỉnh, siêu hạng, thật giả thực hư lẫn lộn chẳng biết đường nào lần, chỉ nhắc lại thứ idol tầm tầm mà bộ máy tuyên giáo, tuyên truyền, văn chương nghệ thuật cách mạng đã xây dựng. Có những hình tượng được họ tung hô ca ngợi đến giời, nhưng bình tĩnh nghĩ lại sẽ thấy cực kỳ khủng khiếp, vô nhân, mất hẳn tính người. Đó là hậu quả của việc chỉ chăm chăm xúi con người ta vào lý tưởng, chính trị, học thuyết mà quên hẳn đạo đức con người.

Thứ Tư, 11 tháng 8, 2021

Thủ tướng và ngân hàng

Một người nhà tôi vay vốn ngân hàng để lo việc. Cũng không nhiều lắm, nhưng mấy tháng nay bị dịch dí muốn chết, nhà xưởng đóng cửa, sản xuất đình đốn, công nhân thất nghiệp, chỉ tiền ra chứ không có tiền vào, kêu trời chả thấu. Cứ đà này kéo thêm thời gian nữa, chắc chắn sẽ bung toang, vô phương cứu chữa. Mục tiêu kép ở đâu chẳng biết, chứ chỉ thấy thiệt đơn thiệt kép.

Nợ ngân hàng thì họ (ngân hàng) phải đòi, không trách họ được. Họ càng đòi riết bởi đã mấy tháng ùn nợ, có điều con nợ đang “trên răng dưới cát tút”, không biết trả bằng cách nào, suốt ngày lầm bầm chửi dịch. May mà nó chửi dịch, chứ chửi ngân hàng, chửi chính phủ, người ta lại chả kêu nhà chức việc tới gô cổ về tội đã nợ lại còn láo.

Cả con nợ lẫn ngân hàng lẫn chính phủ đều không có lỗi. Lỗi là thằng dịch, thằng ôn dịch cô vít. Chẳng trách ai, nhưng ít nhất phải tìm lối thoát cho lúc này.

Tôi đề nghị chính phủ, cụ thể là thủ tướng, ban lệnh chỉ đạo các ngân hàng thực hiện giãn nợ, giảm ngay lãi suất vay cho khách hàng (người vay), giảm tiền lãi cho con nợ. Trong hoàn cảnh dịch kéo dài tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, dân chúng cũng như các doanh nghiệp đã chấp hành nghiêm lệnh, chỉ thị của chính phủ, đã ngưng sản xuất kinh doanh, đóng cửa thực hiện giãn cách. Sự làm ăn bị đình đốn, mất hẳn thu nhập, tiền bạc ngày càng khó khăn eo hẹp, nợ thì đìa ra, lãi mẹ đẻ lãi con… Trong khi đó, con người ta vẫn phải sống, doanh nghiệp phải duy trì nhà xưởng, phải trả lương cầm chừng nuôi người làm.

Thứ Ba, 10 tháng 8, 2021

Điểm tin 9.8

- Các báo sau khi rất thận trọng chứ không “vô ý” đã đưa tin một nhóm luật sư người Việt bên Mỹ (còn được gọi là Việt kiều) đã tha thiết xin tặng cho Sài Gòn 500.000 (nửa triệu) liều vắc xin xịn Moderna, nhằm chia sẻ khó khăn với đồng bào mình, với Sài Gòn. Nói rõ là Moderna, chứ không chơi kiểu mập mờ. Số lượng này sẽ sớm về thẳng Tân Sơn Nhất chứ không theo đường vòng. Đây là thứ tin vui.

- Cũng vắc xin, hôm qua ngài thủ tướng điện đàm với thủ tướng Séc (Czech) thực hiện ngoại giao vắc xin. Bên kia đồng ý nhượng (nhượng tức là bán lại, thực ra cũng một dạng buôn bán chứ chẳng hữu nghị gì, giá cả thế nào thì còn bí mật) 500.000 liều. Tất cả báo chí quốc doanh chỉ thông tin được tới đó, rất chung chiêng mập mờ, không biết vắc xin gì. Khổ, bỏ tiền ra mua cũng không biết mua cái gì. Thực ra, những người tò mò từ lâu đã biết mấy anh Séc nhập về thứ vắc xin nào rồi, dân chúng Séc phản đối thế nào rồi. Tôi nói thật, đừng có lại như vụ Trương Mỹ Lan Vạn Thịnh Phát lôi thứ của nợ về, chỉ tổ cãi nhau.

-Nhóm lãnh đạo Đà Nẵng sau hồi bàn đi tính lại đã quyết định phạt chú em phó văn chánh có hành động sơ ý vung tay trúng mặt nhân viên y tế bằng hình thức hạ chức, còn hạ xuống tới đâu, mức nào cũng rất mập mờ, giấu như mèo giấu cứt. Thế mà bảo xử lý kiên quyết, không có vùng cấm. Một gã nhãi nhép, lúc đầu cãi lem lẻm, vậy mà các ông dám nói nó đã thành khẩn nhận lỗi, không dám mạnh tay với nó, các ông lại cứ đòi tiếp tục đốt lò, có mà lò tôn. Nói xin lỗi, lão hàng xóm nhà tôi bảo đéo làm chi được nó thì cứ nói thẳng ra. Thằng ấy phải bị đuổi cổ ngay lập tức chứ bàn biếc gì. Tội cho dân Đà Nẵng, hội đồng nhân dân có thứ ngợm thay mặt cho họ.

Thứ Hai, 9 tháng 8, 2021

Sụp đổ

Có lẽ cần phải nói ngay từ đầu rằng trong thời buổi dịch dã chết người như bỡn thế này, hình ảnh người thầy thuốc đẹp nhất, đáng trọng nhất, đáng biết ơn nhất. Hơn cả tổng bí thư, chủ tịch nước… Họ làm việc, phục vụ, cống hiến, dù theo chức phận, nghề nghiệp phải làm (cũng như thầy cô giáo phải dạy học, công nhân phải đứng máy, thợ xây phải ra công trường…) nhưng những gì các thầy thuốc gánh vác, chịu đựng thời gian qua khiến dân chúng yêu thương, kính phục.

Lại chẳng vậy ư? Họ gần như 24/24 giờ tiếp xúc với người bị lây nhiễm, suốt ngày đêm trong bệnh viện, quên cả ăn ngủ, xa gia đình người thân… Bạn cứ hình dung điều đơn giản này, suốt ngày mình diện bộ đồ “thời trang dịch” nylon kín mít từ đầu tới chân trong cái nóng trên 35 độ C liệu có chịu nổi không. Lại chả cáu kỉnh nóng nảy hơn Trương Phi.

Hàng vạn thầy thuốc, y bác sĩ suốt mấy trăm ngày đêm lặng thầm đã tạo dựng tự nhiên được hình ảnh đẹp, đáng yêu, vậy nhưng chỉ cần một tay ất ơ xưng là bác sĩ bịa những điều giả dối, khiến thần tượng sụp đổ cái rầm. Hình ảnh người thầy thuốc bị bôi nhọ kinh khủng. Kẻ bịa tạc ấy, xưng là “bác sĩ Trần Khoa”, nếu không phải bác sĩ (điều tra dễ ợt, chứ không như chỗ này chỗ kia, vị ấy vị nọ nói chỗ tôi, đơn vị tôi không có ai tên thế, không người đó việc đó) thì cần bị khởi tố về tội xúc phạm, xuyên tạc, gây hoang mang trong cộng đồng; nếu y thực là bác sĩ thì cần lột ngay cái học vị đó, đuổi thẳng cổ ra khỏi ngành. Một nghề cao quý, thiện lương, từ mẫu, không thể để thứ ngợm đó chen vào làm bẩn. Một kẻ giả dối, dối trá, lừa đảo mà hành nghề y thì chỉ có thể giết người.

Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2021

Phạt ải phạt ai

Chính quyền đã có những biện pháp mạnh tay đối với các trường hợp đăng thông tin giả, tin xuyên tạc, thất thiệt về tình hình dịch Vũ Hán. Đó là việc làm đúng, cần thiết.

Đăng trên mạng xã hội những thứ đó đã là tệ hại, nhưng đăng trên hệ thống báo chí truyền thông của nhà nước còn tệ hại, nguy hại gấp vạn lần, bởi dân chúng lâu nay vẫn ngờ nghệch tin cái gì của nhà nước cũng đúng.

Tôi đề nghị cơ quan quản lý hành chính, cơ quan chức năng, nhà chức việc, cụ thể là bộ và sở thông tin-truyền thông, cần triệu tập ngay lãnh đạo báo điện tử VnExpress (báo này luôn hãnh diện có nhiều người đọc nhất nước) để xử lý, phạt thật nặng về tội công khai đăng tin giả, thất thiệt, xuyên tạc về dịch bệnh, gây hoang mang trong dân chúng, thậm chí nguy hiểm.

Thứ Sáu, 6 tháng 8, 2021

Con số

Đối với người làm báo tử tế, đúng nghĩa làm báo, thì con số không chỉ cần phải khách quan mà còn có ý nghĩa cho số đông.

Con số người được chữa khỏi bệnh dịch, không phải không cần, nhưng nêu con số tử vong (chết) vào lúc sinh tử này rõ ràng cần hơn. Số khỏi, chủ yếu nhằm ca ngợi, đề cao, tán tụng, đánh bóng, tô hồng, tung hô nhà cai trị tài giỏi (tất nhiên ở chừng mực nào đó, là sự biết ơn đối với các thầy thuốc, nhân viên y tế). Nhưng lúc này không cần ca ngợi, nó cứ vênh vênh thế nào ấy, lạc lõng. Dập dịch xong rồi hãy tung hô, cũng chưa muộn.

Nêu số tử vong mới thực sự cần thiết, dù nó thê thảm, đắng chát. Khi không ít người vẫn chủ quan, coi thường dịch, không tuân thủ các biện pháp chống dịch, thì con số ấy là lời cảnh báo, cho họ biết đó là thứ kết quả khó tránh khỏi với họ. Nêu để cho họ sợ, cho dân chúng, kể cả những "đấng bậc" đi chơi golf "thấy người nằm đó biết sau thế nào" mà kinh.

Nhìn những đoàn xe tang chở đầy quan tài xếp hàng nối đuôi cả vài trăm mét chờ tới lượt, phải nói là khiếp sợ. Đó là thứ thực tế ai đó có muốn giấu cũng không giấu được.

Thứ Năm, 5 tháng 8, 2021

Một đêm họp online đưa ma Tưởng

Sáng nay, 5.8.2021 tây, tức 27 tháng 6 ta Tân Sửu, tức thêm tí nữa, năm thứ 2 dịch Vũ Hán, mới sáng bảnh mắt, đã nhận được cái tin không muốn nhận tí nào, từ bà đồ Trần Kim Anh, rằng Tưởng, Nguyễn Hữu Tưởng, vừa đi rồi. Sang thế giới bên kia. Lúc hơn 7 giờ, tính theo cách xưa nhằm giờ Thìn. Con rồng không chịu náu mãi chốn ao tù chật chội, đã bay đi.

K17 văn khoa có hai Tưởng. Một Ý Yên, Nam Định, một Gia Lâm, Hà Nội. Tưởng Ý Yên có thời bặt tăm, lặn hơi lâu, thậm chí loang tin đồn đã về giời làm cả bọn tiếc thương vô hạn. Tới khi bạn cụ í là nhà thơ Vũ Duy Chu la toáng lên chết đâu mà chết, còn đang hưu khỏe và làm thơ kia kìa, cả bọn mới thở phào. Năm 2016 đám nam thanh nữ tú U70 còn kéo nhau về tận nhà, được vợ chồng ổng đãi một chầu no xôi chán chè, thằng cháu ông Vũ Duy Chu xách sang can rượu quê 10 lít, lúc chiều muộn chia tay nhau rồi còn nhủng nhẳng hẹn về nữa. Hôm nọ vẫn í ới, hết dịch về Ý Yên chơi nhá.

Tưởng Gia Lâm vốn người tổng Trâu Quỳ huyện này. Chả hiểu sao ngày xưa người ta lại đặt tên là Trâu Quỳ. Nhà cháu vẫn có ý, định hôm nào gặp lão ta, vật ngửa ra, đổ rượu vào mồm như một dạng đút lót hối lộ, chỉ hỏi mỗn câu về ý nghĩa tên ấy. Nay thì không kịp rồi. Chỉ biết lúc nhớn lên nghe nói cứ ai đầu óc có vấn đề thì cho đi Trâu Quỳ. Chả là miền Bắc thời ấy có duy nhất bệnh viện tâm thần đặt ngay làng ông Tưởng. Có bệnh, nếu vào Việt Xô, 103, 108, Việt Đức… thì quá vinh hạnh, nhưng vào Trâu Quỳ hoặc Quỳnh Lập (chữa cùi, ở Nghệ An) phải giấu cho bằng được.

Thứ Hai, 2 tháng 8, 2021

Lại nói về vắc xin

Không ít người thuộc loại có hiểu biết kết luận rằng sự tẩy chay vắc xin Tàu chẳng qua do tâm lý bài Tàu, bởi vì quá bài Tàu nên bị lú lẫn, thiếu khách quan với vắc xin của nó, v.v..

Tôi nói thật, hàng Tàu tất cả không phải là dở, rất nhiều thứ tốt và rẻ hơn so với thế giới. Cái xe đạp Phượng Hoàng của nó chẳng hạn, xài mấy chục năm vẫn chạy tốt. Nhưng đây là vắc xin, liên quan tới tính mạng con người, chứ không phải cái xe, mét vải, chiếc điện thoại... dùng rồi bỏ cũng chả sao. Mạng mình, sức khỏe mình, ai chẳng quý, sao lại hồ đồ mắng người ta kén cá chọn canh, chọn lựa này nọ. Bản thân ông bà nào khen vắc xin Tàu, cứ trưng ngay cái giấy chứng nhận đã chích nó cho mọi người thấy, tính thuyết phục sẽ hơn vạn lời khen.

Mà bài Tàu cũng tốt chứ sao. Nó đầu môi chót lưỡi dẻo quẹo nhưng gây ra bao nhiêu đau khổ cho dân mình nước mình (trừ với đám lãnh đạo thân Tàu) thì bài nó là phải tội à?

Nhắc các chị đang bị cấm túc "ở nhà là yêu nước"

Lâu nay các chị đi làm bằng xe máy, ngày nào xe cũng hoạt động, bình ắc quy được sạc liên tục nên điện đầy và khỏe, bình bền, không bị ảnh hưởng bao nhiêu tới tuổi thọ của nó.

Thời gian qua, các chị phải ở nhà, không có công ăn việc làm, bị cấm đi lại, mà cũng chẳng biết tình trạng ấy sẽ kéo dài đến bao giờ. Người còn bị suy sụp, hư hỏng, cạn bình, tê liệt, huống hồ bình điện xe máy. Bình thường, chỉ cần 1 tuần không chạy xe, bình không được sạc là đã sinh chuyện, mà nay những vài ba tuần, thậm chí kéo tháng này qua tháng khác.

Vậy thì, để tránh hư bình ắc quy, nhất là của xe tay ga, các chị nên lưu ý, cứ vài ngày lại dắt xe ra chỗ trống, chĩa ống bô ra ngoài để khói và khí độc đừng vào nhà, nổ máy một lúc mươi mười lăm phút sạc bình, bổ sung điện cho nó. Vậy bình sẽ đỡ hư hỏng. Dù bình mới hay bình cũ đều cần làm vậy.

Tất nhiên, nhà mà có đàn ông thì đá đít bắt "nó" làm, đừng nên để "nó" ở không, sinh hư hỏng hơn cả bình điện, nhất là bu gi.

Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

Chỉ trỏ việc cho chính phủ

Nhiều tờ báo sốt sắng đưa tin công an vừa bắt hai tay bợm (chả biết là nguyên hay cựu) giám đốc và phó giám đốc cảng hàng không quốc tế Phú Bài ở cố đô Huế. Trước đó đã bắt gã chánh văn phòng cái tổng công ty quản sân bay này.

Như báo Tuổi Trẻ chẳng hạn, hai tay này bị khởi tố, bắt giữ để làm rõ hành vi tham ô tài sản, liên quan đến việc đấu giá và ký hợp đồng nhượng quyền khai thác đối với dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi tại cảng hàng không quốc tế Phú Bài từ tháng 10.2017 đến tháng 1.2021.

Cái sân bay "tỉnh lẻ" còn như thế, có nhẽ chính phủ ngoài việc bận chống dịch cũng nên lưu ý để mắt tới đại sân bay Tân Sơn Nhất. Suốt bao năm, nơi đây là ổ eo sèo chuyện sứ quân tự tung tự tác cho ai ra ai vào, lấy cái quyền nhà nước giao quản lý để làm những điều nhố nhăng, vô lý, bậy bạ. Sân bay là tài sản chung của nhà nước, của nhân dân nhưng chúng tự cho phép xe nào được vào, xe nào bị cấm, làn nào xe dân đón khách, làn nào dành riêng cho mình, chỗ tốt cho bạn hẩu taxi, chỗ xấu cho xe công nghệ... khiến dân chúng cực khổ trăm bề. Nó cứ tác oai tác quái vậy nhưng chính phủ có mắt như mù, có tai như điếc, cứ lờ tít tìn tịt cho chúng hành hạ dân.

Sân bay là của chung nhân dân, chúng chỉ được giao quyền quản lý điều hành, làm công ăn lương, cớ sao cứ để chúng làm bậy kéo dài. Liệu chúng có hơn gì mấy đứa ở sân bay Phú Bài, rờ vào biết đâu còn khiếp hơn.

Nguyễn Thông