Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

Tháng 3, lại bần thần nhớ mùa hoa gạo

Mấy đứa cháu tôi từ quê bắc gọi điện vào, chúng tranh nhau khoe, cậu ơi, chú ơi, hoa gạo đền Mõ hôm nay nở đỏ rực rồi, đẹp lắm. Giá mà cậu (chú) ở nhà thêm chút nữa thì tha hồ ngắm, tha hồ chụp ảnh.

Chúng nhắc thế bởi hồi giữa tháng 3 vừa rồi tôi về quê, hai lần lọ mọ sang đền Mõ ở xã Ngũ Phúc (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng), cách nhà tôi khoảng 3 cây số. Chỉ để ngắm hoa gạo. Nhưng có nhẽ duyên mình còn nhạt, hay là tại thời tiết khí hậu năm nay có nhiều thay đổi, nên sắc đỏ mới chỉ lơ thơ. Ngước lên khoảng trời xám xịt bàng bạc mưa xuân, chỉ thấy những cành gỗ nâu mốc già gân guốc tuổi đã gần 750 năm điểm những nụ hoa gạo đỏ, như những dấu chấm đỏ chi chít trên tờ trời khổng lồ. Không được chiêm ngưỡng cảnh hoa gạo lúc mãn khai, kể cũng tiếc.

Tháng 3 là mùa hoa gạo. Người ta thường nói với nhau như vậy. Nhưng có lẽ chỉ đúng với nông thôn miền Bắc, nhất là đồng bằng Bắc Bộ. Tôi từng ngang dọc, lặn lội nhiều tỉnh miền Nam, đồng bằng sông Cửu Long, ít thấy cây gạo, mà thay vào đó là những loại cây khác, chẳng hạn cây gòn. Cũng lực lưỡng uy nghi lắm. Khi tháng 3 lúc hoa gạo bắc nở thì cây gòn nam đang kỳ khô trái. Quả gòn to và giống như trái khổ qua (mướp đắng), cây nào to lúc lỉu cả vạn trái trên cành, khô quắt thì tự tách ra, thả bông gòn bay trắng một vùng. Người ta hái trái gòn khô xuống, móc lấy bông để nhồi gối, làm nệm. Cây gòn là cây của nhà nghèo, tự cung tự cấp.

Ở đồng bằng Bắc Bộ hầu như thôn nào, xã nào cũng có cây gạo. Một loại cổ thụ, sống dai, sống khỏe, cao thẳng, vượt được bão tố, thời tiết khắc nghiệt. Nó được xếp hạng bên cạnh những lão thụ mộc quen thuộc ở thôn quê ngày xưa, cạnh cây đa, cây đề. Cây đa, cây đề thường được trồng ở nơi có đình đền, còn ở chùa thì cây nhãn, riêng cây gạo không bắt buộc phải đăng ký hộ khẩu chỗ nào. Có khi mọc đầu làng, cuối làng, nhưng cũng có khi giữa làng. Trong đám danh thụ ấy, cây gạo cao to nhất, thẳng nhất. Chính vì vậy, nhiều người xa quê lâu năm, buổi về thăm lại cố hương lòng cứ thầm nhủ trông ngọn gạo mà tìm. Về quê vào giữa tháng ba thì không lạc đi đâu được. Cây gạo làng đang rải thảm đỏ đón đứa con ly hương. Ấy là chuyện hồi xưa.

Thủ tướng quyết

Tôi đang viết tiếp bài kỳ 2 về cố thủ tướng Phan Văn Khải thì chiều 28.3 đọc được cái tin thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra phán quyết về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Trong bài kỳ 2 dở dang, tôi có ý định khen ông Phúc là người khá quyết đoán, tỉnh táo, hợp lòng dân trong một số việc, chẳng hạn kể từ khi mới nhậm chức đã cho đóng ngay cửa rừng (dù cả nước đã phá xong, hoàn thành vượt mức kế hoạch phá rừng)... Giờ đây trước quyết định đồng ý mở rộng sân bay về phía nam, không dám đụng đến giới nhà binh, cố tránh cái sân gôn... của ông Phúc, tôi cũng quyết định không khen ông ấy nữa, rút ngay suy nghĩ nông nổi của mình.

Thực ra thì ông ấy có khôn vặt, cũng cố nèo thêm ý kiến rằng sân gôn tới năm 2025 sẽ được sử dụng vào mục đích chung, nhưng cũng chỉ là cách xoa dịu dư luận thôi. Nếu nó sai thì dẹp ngay, nếu nó hợp lý thì cứ để tồn tại, làm chi phải cải lương như thế. Hay định để "nhóm lợi ích" vớt vát chút ít bù vào số tiền đã ném ra. Sao không nghĩ tới dân từ giờ tới năm 2025 đó hàng triệu, triệu người phải chen chúc khổ sở khi đi lại bằng máy bay.

Cứ kiểu phán quyết như thế, chả hy vọng gì trong việc ổng sẽ quyết số phận cái BOT Cai Lậy một cách đúng đắn. Cũng lại phủ bênh phủ, huyện bênh huyện thôi.

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 29 tháng 3, 2018

Kinh lý trời tây

Chuyến thăm của vua ta tới nước đại Pháp, dư luận xì xào nhiều về cách đón tiếp của "nó", rồi chắc chắn quân ta còn rút sợi dây kinh nghiệm sâu sắc sau vụ này. Nhưng biết đâu đây sẽ là lý do, lập luận quan trọng để quyết định dứt khoát vấn đề "nhất thể hóa", giống như bên Tàu.

Nhưng tôi nghĩ khác, tôi thấy "nó" có ưu điểm là không trọng hình thức, không lễ tiết rườm rà, không hoa hòe hoa sói, ít cờ đèn kèn trống, ít lời chúc tụng sáo rỗng, ít hoa tươi (thậm chí có cuộc tiếp không thấy bông nào), đón ở sân bay cũng rất đơn giản, tổng thống "nó" bận bịu việc quốc gia nên khách tới nhà cứ mặc khách đi thăm thú nơi này nơi nọ, còn mình cứ làm cho xong đã, tới phút cuối mới tiếp, dù thấy bên nhà vua An Nam bảo là chính ngài đứng ra mời...

Một trong những ví dụ rõ nhất là buổi lễ kỷ niệm 45 năm ngày hai nước lập quan hệ, "nó" chỉ làm lấy lệ trong cái phòng bé tí, trang trí chỉ treo 2 lá cờ rủ, không có một chiếc ghế ngồi nào, tất cả phải đứng, tới dự chủ yếu là đoàn quân vua ta chứ "nó" chỉ cử lèo tèo vài người, có mỗn cái bục phát biểu, vua ta nói tràng giang đại hải, nói chán thì thôi, còn tay quan cấp thấp đại diện của "nó" đáp từ dăm ba câu cốt cho xong, rồi giải tán, ai nấy chân mỏi nhừ vì đếch được ngồi, chả nhẽ ngồi phệt xuống đất.

Nói chung, bọn giãy chết rất thực tế, ghét hình thức, không lấy lòng nhau. Không quen kiểu cách ấy thì có mà giận nó cả ngày.

Quân ta vua ta kỳ này ngậm bồ hòn làm ngọt. Và báo chí cũng cứ hân hoan công thức thành công tốt đẹp. Thôi thì bù lại bằng chuyến sang với ông em tây bán cầu vậy. Thằng em dại, mày mà không long trọng đón rước thì cứ chít với ông, ông cắt gạo.

Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2018

Nguyên hay cựu

Cứ như cách gọi, cách xưng hô trọng hình thức của mấy ông cộng sản xứ ta thì đã làm cán bộ, làm lãnh đạo là phải suốt đời. Hơn nhau ở cả cái chữ gắn vào tên. Hình như họ không muốn làm người bình thường, cứ phải oai mới thích.

Trong tiếng Việt, khi ai đó còn đang làm việc, đương chức thì gọi là đương, nếu còn làm việc nhưng từ việc này ghế này chuyển qua việc khác ghế khác, khi cần nhắc lại việc cũ thì gọi là nguyên; đã nghỉ rồi, không dính dáng gì tới công việc nữa thì gọi là cựu. Thời thuộc Pháp, cách gọi rất rành mạch, chẳng hạn đám hương chức ở nông thôn có lý đương, lý cựu.

Nay thì các bố sợ mất quyền lợi (đã ăn quá dày nhưng cứ muốn ăn thêm, ăn mãi), lại mắc bệnh sĩ, lại thích oai, nên dù đã nghỉ từ tám hoánh rồi, vui vầy với mẹ đĩ ở nhà biết bao năm rồi, vẫn cứ thích đi đâu thì người ta phải giới thiệu mình là nguyên này nguyên nọ. Ngay cả chết cũng phải nguyên mới chịu chết. Cứ như sợ không nguyên thế, thiên hạ ai biết mình là đứa nào. Lại có những ông, không bò ra chỗ lễ hội họp hành là không chịu được, ngứa ngáy bứt rứt, cứ phải được làm long trọng viên, ngó ống kính tivi, cười cười nói nói nhằm sống lại thời vàng son vênh váo mới chịu.

Thôi, tôi can các ông, về là về, nghỉ là nghỉ, đừng có nguyên nọ nguyên kia, đừng ham vui long trọng viên, thiên hạ họ cười cho.

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2018

Tự truyện

Nguyễn sinh tên Thông, tục gọi là Cào bởi hồi còn nhỏ tính hiếu động, ông anh họ của sinh bảo với thày (bố) sinh, ông ạ, chú ấy cứ nhảy như con cào cào, gọi là cào cho “đúng người đúng tội”. Thày sinh gật, thế là thành tên.

Sinh người đất Phòng, hải tần phòng thủ, thường gọi là Hải Phòng, vùng đất dữ ở miền duyên hải Bắc bộ nhưng gia tộc lại rặt ở nông thôn, từ đời cụ kỵ bên Thái Bình qua làm ăn lập nghiệp, cả họ tộc đều nông dân nên tính ai cũng chân chất hiền lành, ngại va chạm. Sinh cũng thế. Thày sinh khác cả họ một chút, vốn rất cương trực, thẳng thắn nhưng cũng thường dặn con hễ thấy đám đánh nhau thì cứ tránh xa ra, kẻo không phải đầu cũng phải tai. Thôi thì ăn ở cốt lấy sự yên ổn làm đầu, nhất là xã hội ngày càng nhiễu nhương sau khi những người vô sản cướp được chính quyền.

Mấy anh chị em sinh được thừa hưởng ân đức của ông bà bố mẹ, thông minh, học khá, tuy nhiên gặp thời loạn, lại con nhà nghèo nên cũng như hầu hết nông dân chân lấm tay bùn, chả ngóc nổi. Anh trai sinh tuổi Tân Mão, học giỏi nức tiếng trường huyện, thi hương đứng đầu môn toán pháp, sau khi lấy bằng tú tài năm Kỷ Dậu 1969 thì bị vào lính (hồi ấy gọi là đi nghĩa vụ quân sự), đánh nhau khắp các chiến trường, mò cả sang bên Lào, vào tận Bình Định, Phú Yên, bị thương nặng được “phong thẻ” thương binh, bao nhiêu tiềm năng cứ lụi tàn dần. Nhờ có lý lịch bản thân tốt, anh sinh làm người nhà nước, có lúc lên đến hàng quan lại cấp sở, giữ mình trong sạch, không chịu tham nhũng nên khi về hưu vẫn nghèo.

Sinh may mắn hơn, có anh ruột đi rồi nên được cho tạm hoãn lính, dùi mài tốt nghiệp lấy được bằng tú tài, thi vào trường quốc tử giám (Đại học Tổng hợp Hà Nội) lúc bấy giờ, kỳ thi năm Nhâm Tý 1972, đậu điểm khá cao được triều đình chiếu cố gửi giấy gọi vào học. Sinh từ giã gia đình, lẽo đẽo khoác ba lô đi bộ lên tận vùng sông Cầu xứ Kinh Bắc nơi trường sơ tán để học hành, sau hòa bình trường được về lại Hà Nội, chịu khó ôn luyện, chả dám ăn chơi, đêm nào đèn hết dầu còn chịu khó leo lên sân thượng đọc sách dưới ánh trăng, cuối cùng cũng đỗ hiếu liêm (cử nhân) môn văn chương. Ngày tốt nghiệp, sinh về nhà khoe đã đăng khoa, thày sinh khuyên học văn chương chữ nghĩa thời nay khó kiếm ăn lắm con ạ, sau này vào đời cố tìm thêm nghề gì để sống, chứ không thì chết đói. Sau nghiệm lại, thấy cụ thân sinh của chàng đoán chẳng sai chút nào. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2018

Ở chung cư

Vụ cháy tang thương tại chung cư cao cấp ở quận 8 Chợ Lớn rạng sáng 23.3 làm nhiều người chết khiến cả cộng đồng bàng hoàng. Quá đau thương. Không phải tôi "ăn theo" bi kịch đó, mà bởi nó gợi chút chuyện cũ.

Trước hết, tôi xin lỗi những người đang ở chung cư, kể cả những chung cư cao cấp, siêu cao cấp. Mặc dù vẫn biết là đó là không gian cư trú hiện đại, văn minh, đầy đủ dịch vụ phục vụ cho con người nhưng tôi rất ngại chung cư. Tôi từng có gần 24 năm sống chung cư (tất nhiên là chung cư cũ của Sài Gòn), sau khi lần hồi mua trả dần được nơi ở khác dưới đất, mới thực hiểu thế nào là tự do cá nhân, không bị ràng buộc bởi những quy định ngặt nghèo.

Nhưng cơ bản nhất, trong sự không an ninh an toàn của nhà riêng (cấp 4) lại có sự an toàn mà chung cư không có được. Tôi có người bạn định mua nhà chung cư khá cao cấp, bèn nói rằng ông nên xem xét kỹ, không phải chỉ là chuyện trên cao bất tiện, điện nước, thang máy, chung đụng không gian sống..., mà có bao giờ nghĩ rằng mình sống trên một quả bom xăng khổng lồ (với hàng nghìn xe máy, xe ô tô dưới hầm) không. Y nghĩ kỹ, sau đó mua một căn hộ dưới đất, ở khu dân cư mới, số tiền cũng chỉ ngang ngang giá căn chung cư. Nhiều năm sau, mỗi lần gặp tôi, y cười, bảo nhẹ cả mình.

Nguyễn Thông


Quốc tang

Tính tôi hay nói thẳng, dễ mất lòng người khác, nhất là lại đụng chạm đến quyền lợi của ai đó, hoặc đề cập tới những điều được cho là "nhạy cảm".

Theo tôi, nhà nước nên sửa đổi lại quy định về quốc tang, cụ thể là thu hẹp đối tượng lại. Đặt ra được thì vẫn có thể sửa được. Luật hay không là ở mình. Hay thì làm, dở thì sửa, thậm chí bỏ.

Tôi không phản đối việc tổ chức quốc tang nếu thấy cần thiết. Chẳng hạn đất nước bị thiên tai nhiều người chết, có thể tổ chức quốc tang. Một nhà lãnh đạo ngôi vị hàng đầu đang tại chức chẳng may qua đời, cũng nên quốc tang. Một nhân vật lịch sử có nhiều công lao với dân với nước, tạo ra dấu ấn đặc biệt trong đời sống dân chúng, tạo bước ngoặt trong xã hội, ví dụ ông Kim Ngọc ở Vĩnh Phúc khoán hộ mở đường cho phá bỏ HTX, cởi trói nông dân, giải thoát tam nông; ông Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) ở Long An đi đầu trong phá bỏ bao cấp, phá vòng kim cô đè nén con người suốt mấy chục năm ròng rã, cụ Võ Nguyên Giáp tài năng đức độ, dân yêu lính quý..., những người như thế cần được quốc tang.

Với những nhân vật lãnh đạo nhàn nhạt, không mấy nổi bật, thậm chí chỉ có "tác dụng" ngáng trở cuộc sống đi tới, những tứ trụ đã về hưu sống cuộc sống bình thường dân dã, không còn tham gia gì vào việc màn trướng khu cơ hoạch định đường đi nước bước của quốc gia, thì một mặt cộng đồng vẫn biết ơn họ, nhưng không nên quốc tang làm gì. Nhiều khi chính họ, gia đình họ cũng chả muốn, nhưng chế độ lại cứ muốn ai đó chết cũng thuộc quyền xử lý của nhà nước. Nhà cai trị đòi bao cấp luôn cả chuyện tang tế hiếu ân. Ngay cả tang lễ cấp nhà nước hoặc cấp cao cũng vậy, cứ đòi bao cấp nên có khi dẫn đến chuyện dở khóc dở cười. Chắc nhiều người còn nhớ hồi tang lễ tướng Trần Độ, ông Vũ Mão thay mặt nhà nước đã phải chịu ê chề như thế nào khi đại diện tang gia đứng ra nói thẳng không chấp nhận bản điếu văn do ông vừa đọc.

Thứ Tư, 21 tháng 3, 2018

Một phần sự thật

Những người nói ngược đám đông dễ bị phản ứng. Nói ngược vào những điều nhạy cảm lại càng dễ bị phản đối. Tôi hiểu điều đó.

Sự kiện nóng nhất thời điểm này là sự ra đi của cựu thủ tướng Phan Văn Khải. Với ông Khải, một nhà lãnh đạo từng ở vị trí trong tứ trụ triều đình, nói điều gì về ông cũng phải thận trọng, cân nhắc. Quy luật tự nhiên sinh lão bệnh tử đã áp vào con người hiền lành đáng mến ấy. Ông đã 85 tuổi, hưởng tuổi trời. Tôi cầu chúc cho ông an lạc nhẹ nhõm trong cõi siêu sinh.

Từ hồi đầu tháng 2 đã rộn lên thông tin về sự ra đi của ông, cùng với một vị cấp cao nữa. Mạng xã hội thường lan truyền những tin thất thiệt, cũng có người tin, nhưng tôi không tin. Lý do, ai đó bị giấu thông tin về cái chết đã đi một nhẽ (điều này từng xảy ra không ít lần trong chính thể còn đang cầm quyền) chứ với ông, một người không đến nỗi phức tạp lắm thì chả có gì phải giấu. Cái chết có thể là “bí mật quốc gia” với người này người nọ nhưng với con người bác Phan Văn Khải thì không cần phải bí mật. Lúc rộn lên thông tin thất thiệt ấy, tôi chỉ cầu mong cho bác mau khỏe, chiến thắng bệnh tật, như bác đã từng vượt qua và chiến thắng nhiều thứ.

Nay thì bác Phan Văn Khải đã chính thức đi rồi. Nhà nước tổ chức quốc tang theo nguyên tắc áp dụng cho những người đã hoặc đang làm tứ trụ triều đình. Báo chí đang có nhiều bài xung quanh con người lịch sử này, cung cấp thông tin cho người đọc về vị cựu thủ tướng của một thời. Tôi đã đọc hầu hết các bài báo, chủ yếu thấy những lời tốt đẹp dành cho người đã khuất. Cũng dễ hiểu, bởi báo chí của nhà nước chỉ được phép đăng những bài như thế; cũng bởi tâm lý “nghĩa tử là nghĩa tận” chẳng nên nặng lời với người đã khuất; vả lại con người bác Phan Văn Khải ít những điều nọ tiếng kia. Tôi cứ thầm nghĩ, nếu không phải bác Khải mà là cái ông cũng cựu thủ tướng, còn gọi là ông X kia (phỉ phui cái miệng, tôi giả dụ thế thôi chứ ổng còn khỏe chán) thì cứ gọi là báo chí câm như hến, im thin thít. Khen không được (nhà cai trị không cho khen) mà chê cũng không được (nhà cai trị không cho chê, sợ xấu chàng hổ ai), giở đi mắc núi, giở lại mắc sông, tốt nhất là cứ im. Người ta gọi đó là cấm vận thông tin. Xứ này lâu nay luôn chịu cảnh cấm vận thông tin. Ông X bây giờ hoặc sau này chắc chắn sẽ chịu cảnh cấm vận ấy. Nhưng với bác Khải thì không cấm vận, tuy nhiên chỉ cho phép khen.

Chính vì thế, tôi hơi lội ngược dòng khi viết đôi điều dưới đây. Tôi hiểu rằng con cháu bác, thân nhân của bác sẽ không thích, nhà cai trị cũng không thích, nên tôi chỉ biên ra những điều tôi nghĩ một cách đàng hoàng, tử tế, không có ý xuyên tạc, bài xích, chê bai. Mà chỉ nói sự thực. Nói cái phần mà báo chí quốc doanh lờ đi không đề cập, không được nhắc, không dám nhắc.

Điều đầu tiên, đối với suy nghĩ của tôi, người đã từng sống và chứng kiến bộ máy hành pháp của chế độ này từ thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho tới bây giờ thì bác Phan Văn Khải là một con người của lịch sử, có những đóng góp nhất định cho đất nước. Bác là người hiền lành, đạo đức, giản dị, ít quan cách, một nhà lãnh đạo bình dân, nhiều chất Nam Bộ. Vì vậy, trong suy nghĩ của tôi, bác Phan Văn Khải là người tử tế, đáng kính trọng. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Thứ Hai, 19 tháng 3, 2018

Hai vị bộ trưởng

Đó là hai thượng thư đang cầm trịch 2 bộ khá quan trọng: Giao thông vận tải, và Thông tin truyền thông.

Theo thói thường, khi cất nhắc ai đó vào ghế lãnh đạo, các nhà làm công tác tổ chức phải củ soát kỹ nhân thân người ấy, nếu không có phốt, tai tiếng gì mới đưa vào danh sách. Nhưng có vẻ bộ máy tổ chức của đảng (đứng đầu là ông Phạm Minh Chính) và quốc hội vừa rồi đã rất cẩu thả, vô trách nhiệm khi quyết định nhân sự. Chính vì thế đang có tình trạng dở khóc dở cười với hai ông bộ trưởng lục lộ và thông tin.

Trước hết nói về ông Thể, Nguyễn Văn Thể lục lộ. Còn nhớ, khi cả xã hội đang bức xúc bất bình về cái trạm thu phí trấn lột Cai Lậy, đến nỗi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải đích thân vào cuộc, yêu cầu có giải pháp xử lý thích hợp trong vòng 1 tháng, thì Ban Tổ chức Trung ương lại bổ nhiệm ông Thể từ tỉnh Sóc Trăng về làm bộ trưởng thay ông Trương Quang Nghĩa. Dường như họ (tổ chức) không cần biết chính ông Thể là người ký duyệt cho cái trạm BOT tai hại ấy. Lại cho ngồi vào ghế bộ trưởng, lại giao việc xử lý BOT Cai Lậy, chẳng khác gì gửi trứng cho ác, đánh bùn sang ao. Cho tới thời điểm này, đã quá hạn 3 tháng nhưng ông Thể vẫn chưa tìm ra được lối thoát cho Cai Lậy. Làm sao mà tìm được khi ông ấy quyết giữ nó, còn dân chỉ chờ nó thu phí trở lại là xông lên ăn thua đủ.