Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Tôi cũng đánh tư sản

Nói thêm nhát nữa về chủ đề 30.4 rồi thôi, đơn giản bởi ngày mai tháng 5 rồi:

Thực ra, tôi cũng tham gia vào việc kìm hãm xã hội này, góp phần để nó vất vưởng đến tận bây giờ. Chả là hồi từ năm 1977 về sau, các giáo viên chúng tôi từ miền Bắc vào đã được huy động cho công cuộc long trời lở đất (xứ mình làm gì cũng long trời lở đất) đánh tư sản. Cứ theo miệng cán bộ, chúng tôi cũng hăng hái lên án kịch liệt bọn "tư sản mại bản ôm chân đế quốc Mỹ" Lý Long Thân, Mã Hỷ, Hoàng Kim Quy, Trương Dĩ Nhiên, Mã Tuyên..., tham gia phong trào đấu tố "bọn bóc lột, đầu cơ tích trữ, phá hoại kinh tế". Chúng tôi cả tin rằng lưới thép do nhà máy của Hoàng Kim Quy sản xuất chủ yếu để bọn đế quốc Mỹ sử dụng ngăn đạn B40, gạo xuất khẩu của Mã Hỷ là chiếm đoạt mồ hôi công sức nông dân đồng bằng sông Cửu Long, sắt thép do Lý Long Thân nhập về chủ yếu đúc súng đạn... Kết quả từ một nền kinh tế đang phát triển, hàng hóa phong phú, sự nghiệp cách mạng kinh tế đã thành công khi nhanh chóng đưa xã hội trở lại mức "mua cái đinh cũng phải giấy", miền Nam mau mắn hòa đồng với kinh tế nghèo nản, thủ công, bao cấp ở miền Bắc.

Gieo gì gặt nấy, chính chúng tôi cũng phải trệu trạo nhai hạt bo bo, củ sắn (mì) thay gạo suốt hơn chục năm trời.

Để một nền kinh tế xuống dốc thảm hại, trì trệ như vậy suốt mấy chục năm, lúc nào đó, các nhà cai trị phải công khai xin lỗi dân chúng về điều này, chứ không thể ù xọe đánh tráo khái niệm biến thành ca ngợi công cuộc đổi mới, đổ hết lỗi cho dân.
Nguyễn Thông

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

Nhớ gì ghi nấy: Một lần lên Yên Tử

Hồi những năm 60-70, làng Trà Phương (xã Thụy Hương, H.Kiến Thụy, Hải Phòng) quê tôi dân cư còn thưa thớt lắm. Ngoài xóm Trong và xóm Ngoài quần tụ hầu hết các hộ thì lẻ tẻ vài chục gia đình tách hẳn ra như xóm Núi dưới chân núi Chè, xóm Trợ ở khu thành phủ cũ. Cũng có đôi ba nhà nằm lọt thỏm ngoài cánh đồng như nhà ông Thướng, ông Số, ông Đúng, nơi mỗi lần đi làm đồng tôi hay ghé vào xin nước uống hoặc nghỉ tạm đỡ mỏi vai gánh lúa.

Hầu hết nhà tường đất nện mái rạ nên thấp lè tè, cao nhất chỉ là đám tre pheo, bạch đàn, vì vậy không gian thật thoáng đãng. Những hôm trời quang, bầu trời trong xanh, từ gốc nhãn đình nhìn về phía bắc thấy rõ mồn một dãy Yên Tử xanh sẫm cao vút trập trùng. Yên Tử mãi tận Đông Triều, Quảng Ninh nhưng theo đường chim bay có cảm giác thật gần, một phần có lẽ bởi Yên Tử hùng vĩ quá. Cao nhất trên dãy hoành sơn đồ sộ ấy là hai mỏm núi liền kề trông như cái yên ngựa. Thày (bố) tôi bảo núi đó thiêng lắm, không như núi Chè, núi Đối bé tí quê mình đâu, ở đó ngày xưa đức vua Trần, ngài Trần Nhân Tông tu tập tạo nên thiền phái Trúc Lâm trong đạo Phật nước mình. Chả bao giờ tôi và cả thày tôi nữa nghĩ rằng có ngày nào đó được đến thăm Yên Tử, viếng chùa mà nhà vua đã xây dựng và tu. Nông dân bám mặt vào việc đồng áng quanh năm, thậm chí ngày tết vẫn phải tranh thủ dỡ khoai tây, tát nước lúa, đâu dám ước ao đi thăm thú, du lịch nơi này nơi nọ.

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

Tinh thần duyệt binh

April 28, 2015
Sức về các quân huyện, phường xã:

Sáng 30.4 này, tức ngày 12 tháng 3 ta sẽ có đại lễ tổng hợp kỷ niệm 4 thập niên tròn chấm đứt đánh nhau. Đề nghị người dân bình tĩnh không được lấy lý do nghỉ lễ để rời trốn Sài Gòn, phải ở nhà chờ... xem duyệt binh. Hương chức các quận huyện, phường xã tuân cứ nghiêm túc, phải mẫn cán, đôn đốc ráo riết. Thúc đám dân nhớ dậy từ 4 giờ sáng, nắm cơm đem theo, lên tập trung trên quận để đi theo đoàn, cờ quạt băng rôn, ảnh tượng đầy đủ, vừa đi vừa vỗ tay luôn luôn. Ai tháng trước đã được tập trung vẫy cờ mừng đảng mừng xuân thì lần này được miễn. Đứa nào trốn, lý trưởng (tổ trưởng dân phố) cứ nọc ra đánh, tội vạ đâu, ban tổ chức sẽ chịu.


(Nói thêm: Không biết con voi giấy bị chê bai nhiều quá, chả biết tiết mục voi có còn không, nhưng các thầy nhớ giấu kín, đừng cho đám dân chúng biết).

Nay sức
Nguyễn Thông 
Con voi lễ 30.4 mà một bà Trưng cưỡi (còn bà kia phải đi bộ) bị nhân gian gọi đừa là voi thùng rác bởi được làm bằng cái xe chở rác. Khổ thân tiền nhân.

Ghi chú: Tít của bài này được đặt theo sự gợi ý của nhà báo Osin Huy Đức (Trương Huy San).


Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

Vì một nền công vụ hẳn hoi

    Tôi không dám dùng những từ ngữ đao to búa lớn, chỉ xin dùng chữ “hẳn hoi” mà ông bà ta nói - nghe đã quen tai, để gắn vào chủ đề nền hành chính công, hay còn gọi là công vụ. Hẳn hoi có nghĩa rành mạch, rõ ràng, đâu vào đấy, có được đầy đủ các yêu cầu, theo đúng những tiêu chí mà cuộc sống và con người đòi hỏi.
 
    Ai cũng biết tất cả pháp luật, đường lối, quan điểm, chính sách của nhà nước để đến được với dân đều phải thông qua nền công vụ. Nước nào cũng vậy chứ không riêng gì nước ta. Vấn đề cần trao đổi ở chỗ nền công vụ ấy như thế nào mà thôi.

    Báo Thanh Niên hôm qua 24.4 có bài “Hành hạ” người nhận trợ cấp thất nghiệp đã đặt thẳng vấn đề về những lỗ hổng, gây khó, xa rời thực tế, thậm chí phi lý của nền hành chính công đang tồn tại. Lâu nay, dân gian nửa đùa nửa thật gọi nền công vụ của chúng ta “hành là chính” không phải là không có lý do. Đã rất nhiều năm, nhà nước luôn chủ trương, kêu gọi cải cách hành chính sao cho có một nền công vụ (gồm những chủ trương, chính sách và bộ máy thực hiện) lành mạnh, trong sạch, hiệu quả, giảm bớt phiền hà cho dân nhưng kết quả vẫn chưa như ý muốn. Một nền công vụ hẳn hoi, chấm dứt những lời ra tiếng vào, lấy mục đích vì nhân dân phục vụ vẫn là mong muốn của đông đảo nhân dân.

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

Hành dân và dọa dân

Tôi nghỉ việc, mấy hôm nay đày nắng đi thực hiện thủ tục làm người còn sống, nào là bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện... Từ nhà đến nơi cả mười mấy cây số. Chỉ riêng việc đòi được cái tiền bảo hiểm thất nghiệp mình đã đóng cũng đủ khốn nạn. Cái đơn viết trước ghi không trúng ngày cũng phải hủy, bắt viết lại đúng ngày nộp hồ sơ mới nhận. Đã có tài khoản ở Vietcombank rồi, dứt khoát không chịu, bắt phải mở thêm ở ngân hàng Đông Á. Đề nghị cho lĩnh một hoặc 2 lần bởi từ giờ chỉ ở nhà... hoạt động cách mạng, không chịu, bắt phải kéo dài 6 tháng, Đông Á sẽ trả dần. Đi 3-4 lần mới lấy được số nộp hồ sơ, bây giờ bị hẹn sau hơn 1 tháng nữa mới trả kết quả (nộp ngày 22.4, hẹn trả ngày 25.5, kinh).

Nhưng hành thế chưa đủ, còn dọa bằng văn bản chữ nghĩa hẳn hoi: "Người lao động phải đến nhận quyết định đúng ngày ghi trên phiếu. Nếu sau 2 ngày làm việc kể từ ngày ghi trong phiếu hẹn trả kết quả, ông/bà không đến nhận quyết định, Trung tâm dịch vụ việc làm sẽ hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông/bà theo quy định". Bắt dân chờ hơn một tháng, nhưng họ không đủ kiên nhẫn chờ quá 2 ngày. Kinh.

Gớm cho cái bộ máy hành dân, dọa dân này. Tôi định "lành làm gáo vỡ làm muôi", nhưng nghĩ dù họ có biết mình là ai, giả dụ họ có nhân nhượng giải quyết riêng cho mình thì cũng còn bao nhiêu lương dân bình thường bị đày đọa, nên thôi, và đưa lên blog này như một kỷ niệm buồn, một lời vạch tội.

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

Sợ lễ

Cuối năm 1992, đang làm giáo học, dạy văn, là tổ trưởng bộ môn KHXH (văn sử địa) tại Trường Dự bị đại học TP.HCM, lương chết đói sống khổ quá, tôi xin nghỉ một cục rồi đi làm thuê cho một công ty Hồng Kông chuyên về may mặc. Chủ công ty có tên Việt Thái này là người Hoa ở Hồng Kông, thông thạo cả tiếng Anh, Hoa, Việt, Pháp, thậm chí nói tiếng Việt còn giỏi hơn tôi. Ông Choi Wan Hoi (tên ông ấy), mấy người Hoa ở Chợ Lớn đến xin việc gọi là ông Thái (phiên âm từ chữ Choi) thường rủ tôi đi cà phê cà pháo bất cứ lúc nào rảnh, ông ấy đùa, bảo để "thâm nhập thực tế".

Một hôm tháng 4, ông Choi gọi tôi lên phòng ông ấy. Đóng cửa xong, ông nghiêm mặt, nói: Tôi chán cái nhà nước của các anh quá, nó hành đám đầu tư nước ngoài chúng tôi khổ sở vất vả trăm bề. Chịu không nổi thì tôi sẽ rút sang Thái Lan. Tôi hỏi ông có chuyện gì vậy, ông bảo xứ anh lắm lễ quá, đủ thứ lễ lạt, bày vẽ đủ kiểu, biến thành luật, bắt chúng tôi phải thực hiện. Tết nhất đã đành một nhẽ, đằng này nào là 3 tháng 2, 8 tháng 3, 30 tháng 4, 1 tháng 5, 1 tháng 6, 19 tháng 8, 2 tháng 9, 20 tháng 10... đụng vào là tiền, là phải cho công nhân nghỉ. Đơn hàng cần làm gấp, nhưng không cho công nhân nghỉ lễ thì sinh chuyện, rồi họ lại tố chúng tôi bóc lột, đày đọa công nhân. Tôi sợ lắm. Bên Thái Lan chúng tôi chỉ sợ một nhà vua, còn bên này ông bà nào cũng là vua.

Năm 1995 do công ty bị dời từ Q.1 ra khu chế xuất Linh Trung, Thủ Đức nên tôi đành chia tay ông. Sau thỉnh thoảng vẫn gặp nhau, ông Choi càng bi quan về triển vọng làm ăn tại VN, làm thêm vài năm nữa, đến năm 2002 ông về Hồng Kông, từ bấy không liên lạc được. Vừa rồi có nghe ông bị bệnh nặng kéo dài, chả biết có còn sống hay không.

Nguyễn Thông

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

Lời động viên của ông bạn Bá Tân

Tin vui với K.17
Thế là, sau thời gian chuyển sân chơi từ blog sang Facebook, Nguyễn Thông lại trở về cội nguồn với thương hiệu Blog Nguyễn Thông.

Là đứa con tinh thần của Nguyễn Thông. Là sân chơi của bạn bè cùng chí hướng. Và, đây là điều rất đặc biệt, Blog Nguyễn Thông còn là “ cơ quan ngôn luận”  của K.17.
K.17 là “ niên hiệu” khoa ngữ văn, khóa 17, Đại học tổng hợp Hà Nội.

Là thành viên của K.17, Nguyễn Thông đam mê chấp nhận lao tâm khổ tứ tạo dựng blog và được nhiều đồng môn coi đó là “ cơ quan ngôn luận” của K.17.
Nguyễn Thông đã trở lại sân chơi blog. Đó là tin vui, rất vui với K.17.
Blog Nguyễn Thông trở thành nơi hội tụ, sẻ chia mọi thông tin của K.17.

K.17 đón đọc Blog Nguyễn Thông không chỉ là bạn đọc thuần túy, mà còn với tư cách trong cuộc, đọc để biết thông tin về K.17.
Đồng môn K.17 tham gia sân chơi Blog Nguyễn Thông dĩ nhiên có nhiều đề tài, góp phần trợ giúp khổ chủ. Ngoài ra, với K.17, thông qua Blog Nguyễn Thông kịp thời loan báo những thông tin dành riêng cho nội bộ.

Tạo dựng sức sống cho blog không dễ chút nào, nhất là muốn trở thành địa chỉ hấp dẫn bạn đọc.
Nguyễn Thông đang một mình tả xung hữu đột, nhọc nhằn gánh gác duyên nợ tơ lòng.
Nguyễn Thông đang rất cần những đồng minh từ các đồng môn.

         Hỡi K17.
         Hãy tham gia với Nguyễn Thông.
         Hãy thể hiện cốt cách K17 trên Blog Nguyễn Thông.

 Rất khiêm tốn nhưng chúng ta vẫn cứ nói thật với nhau: Năng lực viết của K17 là rất dồi dào.
 K17 đội hình hùng hậu trên nhiều sân chơi: nhà văn, nhà báo, nhà giáo…
 Hẹn gặp nhau thường xuyên trên Blog Nguyễn Thông.


 Bá Tân

Nghĩ vụn, góp với đảng cầm quyền

Cụ Hồ trong Di chúc có bảo "trước hết nói về đảng", nên tôi góp ý cho đảng, mặc dù tôi chả phải đảng viên đảng viếc gì. Hồi cuối năm 2014, ông tổng bí thư và ông thủ tướng từng đăng đàn kêu gọi mọi người hãy chân thành góp ý cho đảng, rằng đảng phải biết lắng nghe, dù lời nói trái chiều. Vậy thì tôi thẳng thắn:

1.Chả có nước nào chứa đầy mâu thuẫn như nước ta, mà điều dễ thấy nhất ở chỗ đảng độc quyền lãnh đạo nhưng lại luôn tán dương ca ngợi xã hội này là xã hội dân chủ. Hai thứ đó không thể đi với nhau, có cái này thì không có cái kia, như nước với lửa, bóng tối và ánh sáng vậy. Tôi không phản đối độc đảng, bởi biết không thể vác nạng chống trời, nhưng nếu vậy thì đừng đặt vấn đề dân chủ ra nữa, dễ gây thắc mắc, hoài nghi.

2.Bộ máy tuyên truyền của đảng muốn áp đặt lên dân chúng điều gì thì cũng nên kheo khéo, đừng nói lấy được. Chẳng hạn hồi xưa, để tự khen đảng mình là tốt đẹp đúng đắn nhất, họ lấy ví dụ ông Trần Huy Liệu đã

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

Ghế nào người nấy

Cứ mỗi lần coi tivi thấy họ ngồi trên những chiếc ghế ấy là tôi không chịu được. Tâm trạng khó tả. Ngứa mắt lắm. Giận vô cùng.

Ghế thì có gì mà giận? Bạn sẽ hỏi tôi thế.

Họ là những ông to bà nhớn, đang cai trị đất nước này. Họ thi nhau chứng tỏ sự oai vệ, quyền thế, vinh hiển của mình trước mắt mọi người. Họ là những trọc phú của một nước đang nghèo nát, cơm chưa đủ no, áo chưa đủ mặc. Dân đang vất vưởng với thu nhập còm cõi. Nông dân đánh vật với giá nông sản rẻ mạt. Thanh niên, đàn bà con gái kéo nhau đi tha hương viễn xứ để kiếm sông bằng đủ hình đủ kiểu. Trẻ con thất học bởi trường không ra trường lớp không ra lớp, cha mẹ nghèo nàn. Những con sông con suối đang cần cây cầu cho người qua lại an toàn mùa nước lũ. Công nhân lay lắt với đồng lương chết đói. Trẻ con cần cơm có thịt. Án oan sai tùm lum. Thiếu giường bệnh đến mức phải nằm xếp lớp lên nhau. Khắp nơi khiếu kiện đòi ruộng đất bị cướp trắng tuồn cho lũ nhà giàu. Đạo đức xuống cấp. Tham nhũng hoành hành… Vậy mà họ cứ oai vệ hãnh diện trên những chiếc ghế trọc phú. Ngồi đó mà không thấy xấu hổ.

Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015

Ngày tàn của bọn tham nhũng

Tôi rón rén rước ông cựu binh đánh tàu Maddox sang uống nước chè. Rồi câu chuyện làm quà:
-Bác ạ, em mong sớm có một ngày tất tật bọn tham nhũng xứ này bị toi hết, lúc ấy dân sẽ có ngày hội lớn.
-Thế thì tàn hết mẹ nó chế độ à?
-Cái nhà bác này, ăn nói chán bỏ xừ.

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

Đỉnh cao của sự sợ hãi

HUY ĐỨC (nhà báo)

Nếu có một cơ hội để đối thoại, người dân Tuy Phong, chắc chắn, sẽ không lựa chọn giải pháp cứng rắn như họ đang làm. Những nông dân hôm qua còn chân chất, hiền lành, có thể sẽ bị bắt.

Những nông dân chất phác đó có thể đã phải cân nhắc, họ chấp nhận rủi ro vì không thể tiếp tục hít thở bụi than.

Tương lai họ sẽ ra sao nếu thân mình thì tù tội trong khi con quái vật khổng lồ đó vẫn ngày ngày phun xỉ than vào phổi của con em họ.

Tại sao nhà thầu Trung Quốc có thể đưa công nghệ luyện thép lò đứng đến Vũng Áng, đưa nhiệt điện đốt than tới Tuy Phong. Chúng ta rất khó nói ra câu trả lời mà ai cũng nghĩ trong đầu. Nhưng nếu người dân có đại diện thực sự của họ, các tổ chức môi trường có thể dễ dàng hình thành, những công nghệ đã bị xua đuổi ở các nước phát triển đó chắc chắn khi đến Việt Nam đã bị chặn từ khi bắt đầu dự án.

Lan man chuyện ô tô

Ấn Độ có phải nước giàu không? Không. Đường sá Ấn Độ có tốt hơn ở VN không? Không. Mật độ dân số Ấn Độ cao hơn VN không? Cao hơn hẳn. Vậy sao giá xe ô tô ở Ấn Độ rẻ hơn, chỉ bằng 1/4 ở VN? Vì sao nhiều hãng xe hơi nổi tiếng trên thế giới, nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc ùn ùn đổ vào Ấn Độ sản xuất và bán xe với giá cực rẻ? Câu trả lời rất đơn giản: Vì chính quyền bên đó biết quan tâm đến người dân, nhất là người có thu nhập thấp. Họ không biết nói láo, lừa dối, vị nhà giàu.

Tôi cả đời đi bộ hoặc đi xe máy nhưng rất thích nói chuyện ô tô. Hình như cũng là cách tự sướng, thỏa mãn mơ ước của mấy anh muzic như mình.

Mấy ngày qua, báo chí nhắc nhiều đến cảnh chợ chiều, hoàng hôn của công nghiệp ô tô bản xứ, thậm chí ông chủ hãng Xuân Kiên-Vinaxuki còn than thở nhà máy công xưởng của ông lâu nay chỉ để nuôi lợn. Giời ạ, với chính sách, chiến lược về công nghiệp ô tô đầy mâu thuẫn của xứ này, còn chỗ nuôi lợn là phúc đức đấy, chứ nhẽ ra phải đi ăn mày.

Thơ Trần Minh Phi

Nhạc sĩ Trần Minh Phi có một dạo tôi gặp hằng ngày, chỉ đơn giản là anh ấy cùng làm cơ quan báo Thanh Niên. Không chơi với nhau nhưng nhìn nhau bao giờ cũng gật đầu chào. Tóc đuôi sam vung vẩy đủ thể hiện sự khác biệt. Nhạc của Phi được giới trẻ thích, bởi nó chả giống ai. Phi là người đẫm chất văn nghệ nhưng rất cá tính, không phải gặp ai cũng kết bạn. Tôi thích kiểu người như vậy. Và đó là người thẳng thắn, độc lập, nhiều ý kiến sắc sảo, không chấp nhận sự đê hèn, càng về sau tôi càng thích.

Bài thơ sau đây anh ấy mới viết, tải trên Facebook, tôi thích nên copy vào đây. Nó có tên:

Thơ hối hận
TRẦN MINH PHI

Xưa tôi bạn bè đông đúc
Ra đường là gặp bạn gặp bè
Đông đến nỗi chẳng biết ai bè ai bạn
Bạn văn nghệ đông như cỏ ngoài đồng
Bạn nhậu đông như quân Nguyên


Nhưng từ khi tôi không đeo mặt nạ
Không dùng lời mật ngọt để say sưa
Không đãi bôi bạn văn với bạn nhạc
Không nịnh nhau giữa đám chiến hữu bầy hầy rượu bia
Rồi nói xấu lũ chúng nó không bè cánh với mình
Bạn của tôi rơi rụng như lá mùa thu
Bè của tôi đìu hiu quán vắng

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

Núi Trà Phương bị đục rỗng như thế nào?

Lần nhớ trước, khi biên ghi lại ký ức về cánh đồng làng, bỗng dưng chập chờn một hình ảnh khó quên thời thơ ấu.

Đó là dãy Yên Tử hùng vĩ. Không phải ở nơi quê tôi bởi quê tôi chỉ có núi Trà Phương, tục gọi là núi Chè. Núi Chè và núi Đối trên huyện lỵ Kiến Thụy (Hải Phòng) là một cặp, cách nhau thôi đường ngắn chừng hơn cây số. Hồi tôi còn bé nghe bu tôi kể rằng bà chúa Chè gánh đất đá lấp biển nhưng đến đây thì gãy đòn gánh nên bỏ lại hai hòn núi này. Núi Chè cao chừng 50 mét, dài gần cây số, đầu núi có hang bà chúa Chè, hồi nhỏ tôi lên giếng núi gánh nước vẫn tranh thủ trèo vào hang, mát rượi. Có hôm đi sớm, giấu thùng và đòn gánh vào bụi dứa rồi trèo hẳn lên đỉnh núi. Nhìn về biển Đồ Sơn, Bàng La, Cổ Tiểu… thấy gần ơi là gần, tưởng chỉ vươn tay là sờ được những cánh buồm nâu ngoài ấy. Vậy mà suốt hơn 2 chục năm từ lúc sinh ra không hề đặt chân đến Đồ Sơn, bởi phải đi học và tranh thủ phụ giúp thầy bu làm ruộng, rồi chiến tranh bom đạn, máy bay Mỹ ầm ì suốt ngày, xe cộ không có, lội bộ thì ngại, nhưng cơ bản là không có tiền. Nghe người ta bảo Đồ Sơn cảnh đẹp lắm, con gái Đồ Sơn rất đẹp, tắm biển thích hơn tắm sông Đa Độ nhiều, chỉ ao ước thôi, thèm quá thì lại lên đỉnh núi nhìn và tưởng tượng.

Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2015

Nhớ gì ghi nấy 1


Hồi tôi còn bé, thấy vùng nông thôn quê mình nhiều chim chóc lắm. Ruộng đồng rộng, nhà cửa thưa thớt, vườn tược nhiều cây, đám chim tha hồ bay lượn, làm tổ, sinh con. Cánh đồng chùa hoặc xóm bến đầy chim cu gáy, chim cuốc, sáo sậu, cò, diều hâu, chim cắt, chim cú, còn vườn thì vô thiên khênh chào mào, chích chòe, chèo bẻo. Cứ tầm nhập nhoạng là thấy cả đàn dài chim vạc kéo nhau đi kiếm ăn, mờ sáng lại bay về. Lạ ở chỗ thứ chim này chỉ kiếm ăn ban đêm, vừa xếp hàng bay vừa kêu vạc vạc nghe ai oán lắm.

Trong đám quần điểu đó, bọn trẻ con ghét nhất lũ diều hâu. Chúng còn có tên là tí hâu. Đám nay bay không biết mỏi, suốt ngày lượn lờ trên trời soi mói dưới đất. Nhà nào có đàn gà con thả ra vườn ra đồng nhặt nhạnh thức ăn thế nào cũng bị bọn tí hâu rình mò. Gà mái mẹ chỉ sểnh ra là lũ tí hâu nhanh như chớp lao vụt xuống thò chân quặp lấy gà con rồi vút lên. Nếu gà mẹ cảnh giác vừa tìm mồi vừa trông con thì còn kịp kêu đàn con lại núp dưới cánh, không là thua, mất con như chơi. Ông Uy anh tôi có lần ra đập nương ở cánh bến gặp ngay con tí hâu tha gà con, chẳng biết hò la thế nào mà nó hoảng hốt, sợ quá đánh rơi cả gà. Con gà nhiếp rơi trúng luống khoai may không chết, anh tôi đem về khoe, chả biết gà nhà nào mà trả nên nuôi nó, lớn như thổi. Thấy bảo những con gà thoát nạn như vậy thường lớn rất nhanh.

Bọn trẻ hồi ấy đứa nào cũng thuộc bài đồng dao này: "Tí hâu mày lượn cho tròn/Sáng mai tao gả gà con cho mày/Gà con tao để tao nuôi/Tao gả con chó cụt đuôi cho mày/Con chó tao để tao nuôi/Tao gả ông cụ tám mươi cho mày". Bọn tí hâu mà xơi ông cụ tám mươi thì còn nước non gì, kể ra đám người khôn thật.

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2015

Mua dưa

Báo chí đưa tin cả ngàn xe tải chở dưa hấu của nông dân miền Trung lên biên giới Việt - Trung để xuất khẩu tiểu ngạch bị ách tắc. Khách hàng Trung Quốc làm khó, không mua nữa. Dưa hỏng từng giờ, nông dân và thương lái khóc ròng. Bộ Công thương có sáng kiến kêu gọi thương lái đem dưa về thủ đô bán, tiêu thụ nội địa. Dân chúng cũng "lá lành đùm lá rách" bằng cách vận động mua dưa. Tôi thấy thế này:

-Giúp nhau lúc hoạn nạn khó khăn là điều nên làm, việc nhỏ cũng làm. Mua dưa cho người trồng dưa bị ế là việc nhỏ, việc nên làm. Chỉ nên khen, đừng chê bai.

-Dưa ế, có người mua là tốt rồi, đừng thấy vậy mà đòi phải giữ giá, phải có lời. Lòng tốt là không giới hạn, nhưng đừng lạm dụng lòng tốt của người khác.

-Qua vụ dưa ế, thấy các cơ quan quản lý nhà nước rất vô trách nhiệm với dân. Đủ bộ này ban nọ ngành kia, chả giúp gì được cho dân, chỉ múa tay trong bị, thiếu sự chủ động về chính sách có lợi cho dân, chỉ giỏi họp bàn vớ vẩn.

-Xứ nông nghiệp như xứ ta, không chỉ quả dưa, còn vô vàn nông phẩm khác, chớ để rơi vào tình trạng dưa ế rồi mới loay hoay chống đỡ, hội thảo, bàn bạc, rút kinh nghiệm.


-Nông dân làm ra hạt gạo, nuôi con gà con lợn để tọng vào mồm cả xã hội từ quan chí dân nhưng dưới chế độ này họ là người chịu thiệt thòi nhiều nhất. Rất bất nhân.

Nguyễn Thông

Thật chả ra làm sao

Chúng ta đừng quá khắt khe những điều bình thường, đừng như mụ mẹ chồng nanh ác, khó tính. Việc bác tổng Trọng tiếp nghệ sĩ Linh Đồng linh sắt gì đó là bình thường, đừng lấy chuyện đóng khỉ ra mà bàn bạc, chê bai.

Nhưng cái anh nghệ sĩ này không đàng hoàng, đáng lý phải đưa một cuốn sách lý luận Mác - Lênin do ông Trọng viết và đề nghị tác giả ký tên, giống như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng bạn đọc thiếu nhi vậy, ai đời lại đưa sách của chính mình và bảo ký. Ký thế có ý nghĩa gì, tôi nghĩ nát óc không ra.

Nhưng điều tệ nhất chưa phải là chỗ đó, mà ở chỗ anh chàng nghệ sĩ đưa cuốn sách đã có thủ bút của chủ tịch nước VN và mời tổng bí thư ký thêm, định sưu tập chữ ký à.

Nhưng tệ nhất lại vẫn chưa phải vậy, mà là bác tổng xứ ta, nhẽ ra thấy nó xùy thứ ấy thì phải chối ngay, đằng này lại ký đè lên. Thật chả ra làm sao.

Nói như bọn Hải Phòng nói ngọng xứ tôi, thật chả da nàm thao.


Nguyễn Thông

Thứ Năm, 9 tháng 4, 2015

Chuyện cũ: Một kiếp người


Thiên hạ đang lo lắng về vụ cái ống chứa phóng xạ ở Vũng Tàu bị mất. Lo là phải bởi không thể đùa với lão thần chết phóng xạ ghê gớm ấy. Chợt nhớ chuyện xảy ra cách nay đã gần 25 năm.

Năm ấy 1989-1990 tôi còn làm thầy giáo, dạy ở Trường Dự bị đại học TP.HCM, cơ sở 91 Nguyễn Chí Thanh, P.9, Q.5. Dạy học hồi ấy khổ nghèo lắm, vừa dạy vừa tham gia giữ xe ban ngày, còn tối thì tổ chức chiếu video bán vé cho sinh viên vào xem, chủ yếu chiếu phim kiếm hiệp Hồng Kông hoặc cao bồi Mỹ. Tôi viết chữ đẹp, được giao việc viết thông báo phim mới lên cái bảng xi măng ngay lối cổng chính, cho dễ thấy, để tối tối móc túi các em sinh viên.

Khổ nỗi, cứ viết xong, nắn na nắn nót, vừa ra vòi nước rửa đám bụi phấn màu, quay lại đã thấy đứa nào nó nghịch, nó không thèm xóa nhưng sửa tùm lum, ví dụ tên phim là "Sheena cô gái rừng xanh" thì bị sửa là "cô dái rừng xanh". Cứ chọc phá thế, mà đám học trò đứng coi đông thế kia, chả biết đứa nào thủ phạm.

Gã hề

Đây là bài thơ của anh Thái Kế Toại, đăng trên Facebook của anh ấy. Anh Toại là lớp đàn anh của tôi tại khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, học khóa 13, Anh có thời gian dài là đại tá công an công tác tại A25, từng trải, hiểu đời. Xin giới thiệu bài thơ này của anh, có tên Gã hề.

Hắn có bộ áo đẹp
Hắn có chiếc mũ đẹp
Hắn có khuôn mặt đẹp
Có một vầng trán đẹp
Ngồi trên lễ đài đẹp
Trong những hội đồng đẹp
Hắn có chiếc mồm đẹp
Nói ra những lời đẹp
Có một bàn tay đẹp
Có một ngòi bút đẹp
Viết ra những chữ đẹp
Và chúng cùng hát lên
Những lời ca rất đẹp
Để đánh lừa chúng ta


Trong một đất nước
Lúc nhúc những gã hề
Làm sao mà biết được
Đất nước sẽ về đâu.


Thái Kế Toại 
9.2012 
(Theo Facebook Thái Kế Toại, https://www.facebook.com/thai.k.toai?fref=nf)

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

Nhìn từ xa... Tổ quốc

Trước khi đưa lên blog bài ghi lại cuộc gặp đáng nhớ với anh Nguyễn Duy, tôi mạn phép copy lại bài thơ nổi tiếng này vào đây, vừa là thứ tư liệu cần thiết cho nghiệp viết, vừa để bạn bè nếu chưa đọc có dịp thưởng thức. Sau 28 năm, có cảm giác như nhà thơ vừa mới viết. Kinh thật.
 
NGUYỄN DUY

Ðối diện ngọn đèn
trang giấy trắng như xeo bằng ánh sáng

Ðêm bắc bán cầu vần vụ trắng
nơm nớp ai rình sau lưng ta

Nhủ mình bình tâm nhìn về quê nhà
xa vắng
núi và sông
và vết rạn địa tầng

Bác Nguyễn Duy trong cuộc gặp bạn bè, ngày 13.3.2015 tại Sài Gòn (ảnh Nguyễn Thông chụp)

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015

Mâu thuẫn

Chuyện xưa kể có anh vừa bán mâu vừa bán thuẫn, mâu nhọn thuẫn chắc, thứ nào cũng tốt, ai nấy nghe mà hoang mang.

Tưởng cả nghìn năm trôi qua, cái con người bất nhất ấy không còn, ai ngờ vẫn nhan nhản ở xứ này.

Nhà cai trị xứ này rất thích từ "cách mạng" (revolution), nào là đạo đức cách mạng, lý tưởng cách mạng, phong trào cách mạng, tinh thần tiến công cách mạng... Bao nhiêu năm hòa bình rồi, chả lo làm ăn, chỉ giục giã làm cách mạng, chả biết định đánh ai, diệt ai, lật đổ ai. Cái cần thay nhất thì lại không thay, rất buồn cười.

Theo Từ điển Hán Việt của cụ Đào Duy Anh, cách mệnh (mạng) là thay đổi, đổi chế độ cũ xấu để dựng lên chế độ mới tốt; còn Từ điển tiếng Việt thì cách mạng nghĩa là cuộc biến đổi xã hội - chính trị lớn và căn bản, thực hiện bằng việc lật đổ một chế độ xã hội lỗi thời, lập nên một chế độ xã hội mới, tiến bộ.


Thích cách mạng, nhưng lại ghét cách mạng, nghe nói đến cách mạng nhung, cách mạng hoa nhài, cách mạng hoa hồng... là ghét cay ghét đắng. Cũng như thích hòa bình nhưng lại rất sợ diễn biến hòa bình. Dường như chỉ những gì của họ thì mới tốt, còn những gì tốt của người khác đều xấu xa, đồi bại.  Một mặt, cứ cho chính ta đây là tốt, mặt khác lại kêu gào phải cách mạng này nọ, chả hiểu các ông bà ấy muốn gì, muốn bọn trẻ đi về đâu.

Theo tôi, hãy nhét cái từ ghê gớm ấy vào hộp bê tông, ném xuống hồ Gươm, 1 nghìn năm nữa hãy vớt lên đưa vào bảo tàng cho con cháu chúng biết mà kinh.


Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

Đạo diễn phẫn nộ

Đây là bài viết ngắn của nhà thơ, đạo diễn điện ảnh Đỗ Minh Tuấn, thể hiện trên Facebook của anh ấy. Tôi thấy có những suy nghĩ hợp với chính mình nên xin phép anh ấy mượn tạm vào blog nhà. Nguyên văn như sau:

HÃY CÂM MỒM ĐI, ĐỪNG KÍCH ĐỘNG NHÂN DÂN !

Anh Hoang Hac nhắn tin hỏi: "ĐD có biết rừng U Minh-sinh quyển thế giới. Trải qua mấy chục năm bom đạn của 2 cuộc chiến tranh tàn khốc là thế mà vẫn không hề hấn gì, thế nhưng nó đã bị thiêu rụi trong những năm hòa bình, dưới sự trị vì của tay KS lâm nghiệp đó." Trời ạ! Tôi không biết việc này. Căm thù bọn lưu manh đội danh CS quá! Cây xanh Hà Nội qua bao cuộc chiến tranh vẫn còn còn nguyên vẹn, vậy mà chỉ mấy cái "chủ trương đúng đắn" của bọn chó đẻ CS thời thị trường mà bây giờ trơ trụi hết. Hãy câm mồm đi! Đừng lải nhải "chủ trương đúng đắn mà thực hiện sai'" nữa! Dân tộc này không cần ngay cả sự "đúng đắn" của chúng mày. Chúng tao đã sẵn sàng chịu đựng tất cả những cái sai của chúng mày bao năm nay, và sẵn sàng chịu đựng thêm để dân tộc thoát chúng mày mà không đổ máu. Chúng mày đang phá nát tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hoá ngàn đời của dân tộc. Chúng mày kích động nhân dân bằng những câu nói ngu dốt coi thường dân và thách thức dân. Rằng đân chỉ quen dựa dẫm nhà nước khi bị lụt, rằng chặt cây không cần hỏi dân, rằng dân cướp có văn hoá. Chính bọn lãnh đạo đảng chúng mày kích động nhân dân nhiều nhất bằng những hành vi chủ trương phá hoại, khinh dân, bất chấp ý dân, bây giờ lại đổ lỗi cho mạng xã hội kích động dân nên dân mới phản ứng với chúng mày. Chỉ cần đi qua phố Nguyễn Chí Thanh nhìn mấy cây khẳng khiu chúng mày trồng vào chỗ những cây cổ thụ chúng mày đã chặt đem bán đi, là chúng tao đã bị kích động muốn đào mả tổ chúng mày lên rồi. Đừng có nói lăng nhăng láo xược với dân nữa. Hãy câm mồm đi khi chúng tao vẫn đang từng giây từng phút chịu đựng chúng mày và con cháu chúng mày!

Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn (theo Facebook https://www.facebook.com/daodiendominhtuan?fref=nf)

 

Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

Gửi ông Dương Anh Điền - bí thư Thành ủy Hải Phòng

Tôi kính chuyển bài này lên ông Dương Anh Điền - Bí thư Thành ủy Hải Phòng, và các ông bà cầm quyền ở thành phố biển quê tôi.
Đây là một số phận mà các ông cần sớm quan tâm giải quyết cho thỏa đáng bởi cụ ấy gần đất xa trời rồi. Đừng phụ người có công, hỡi những nhà cai trị.



      SỐ PHẬN "ÔNG KHOÁN HỘ" ĐẤT HẢI PHÒNG
 

Cả nước chả mấy ai không biết ông Kim Ngọc - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, người mà dân gian trìu mến đặt biệt danh “ông khoán hộ”, chịu nhiều lận đận nhưng cuối cùng được tôn vinh xứng đáng. Đất Kiến Thụy, Hải Phòng quê tôi cũng có một người dám mở lối xé rào vì nông dân như thế.

Lần nào về quê, tôi cũng ra chùa Trà Phương. Bữa ấy mưa phùn mỏng, chùa thấp thoáng sau màn hơi nước mênh mông. Trúng ngày cúng vị hòa thượng trụ trì chùa mất từ hồi kháng chiến chống Pháp. Nườm nượp người xe từ TP.Hải Phòng và các chùa khác quanh vùng đổ về. Chen mãi mới vào được gian điện tam bảo. Tiếng tụng kinh đều đều ngân nga như những đợt sóng. Đứng lâu mỏi chân, tôi lần ra phía nhà tổ, có đám đông các cụ đang ngồi đó, hóng chuyện. Tôi nhận ra ông, người hồi cuối năm 1972 từng ký giấy xác nhận cho tôi được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự bởi nhà có hai con trai thì một đã vào bộ đội, để được đi học đại học. Chủ tịch xã đi họp huyện, ông mau mắn ký thay. Tờ giấy chứng thư vào đời ấy sau bao di biến bị thất lạc đâu rồi, nhưng tôi vẫn nhớ nét chữ xác nhận rắn rỏi dứt khoát của ông: Nguyễn Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Thụy Hương.

Nghe tiếng chào, ông nhận ra ngay. Kỳ lạ thứ trí lự bền bỉ của ông lão 87 tuổi bởi có nhẽ phải đến hơn bốn chục năm chứ nào ít, cả hai bác cháu không giáp mặt nhau. Ông bảo anh ạ, còn ở nhà, lúc nào rỗi rãi vào nhà bác chơi.

Xé rào để dân thoát đói
Chắp nối những đoạn những khúc nhôi hai bác cháu ngồi với nhau suốt buổi chiều, hết mấy tuần trà, thì ra ông cựu bí thư đảng ủy tuổi đã vượt ngưỡng 80 mà cặp mắt vẫn tinh anh, giọng sôi nổi khúc triết, và nhất là

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

Xung quanh một bản đề án

Hôm nay 1.4, tôi mở lại blog cá nhân bằng bài viết này, vẫn trung thành với châm ngôn "Không bàn chuyện chính trị. Chỉ quan tâm các vấn đề xã hội. Đá để xây chứ không để ném".

Nói ngay, đó là bản đề án quy hoạch báo chí đến năm 2025 do Ban Tuyên giáo của đảng cầm quyền và Ban cán sự đảng Bộ Thông tin - Truyền thông soạn thảo, đã được trình lên Ban Bí thư và Bộ Chính trị, đặt lên đặt xuống mãi, lật qua lật lại mấy lần, có sửa chữa, thêm bớt, cân nhắc đủ thứ, đã được thông qua lần chót (như ông thứ trưởng hãnh tiến của bộ 4T cho biết), sẽ ban bố sớm trong tháng 4 này.

Thực ra việc cần phải rà soát lại hệ thống, bộ máy báo chí hiện hành không phải là điều mới mẻ gì. Ngay từ năm 2006, Bộ Chính trị và đích thân ông Tổng bí thư đã nêu ra vấn đề trên, giao nhiệm vụ cho Ban Tuyên giáo và Bộ 4T soạn thảo. Tính ra phải mất gần chục năm họ mới xây dựng xong cái đề án, có nghĩa là họ đã cân nhắc kỹ lắm, cẩn thận lắm rồi. Có nghĩa là phen này thực hiện rốt ráo chứ không phải chơi, không rao khơi khơi, đánh trống bỏ dùi, ném đá ao bèo như mọi lần.