Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

Tượng trưng là chính

-Có mấy tờ báo đăng chuyện một ông cụ người Mỹ bang Illinois vừa tốt nghiệp đại học ở tuổi 97. Thứ thực, tôi cũng không rõ ở tuổi ấy thì có bằng đại học để làm gì, chả nhẽ để chết cho đẹp lý lịch.

-Lại cũng từ báo mậu dịch, vừa rồi phản ánh sự kiện bầu cử, nào là đem thùng phiếu đến tận nhà cho cụ ông gần trăm tuổi bỏ phiếu bầu bởi cụ bệnh, già yếu không đi được; rồi tổ chức cho cả phạm nhân đang bị giam giữ thực hiện quyền công dân. Ôi giời, ông cụ bách tuế kia chỉ thở để sống đã khó, lấy đâu sức lực và trí tuệ mà "sáng suốt lựa chọn", còn mấy đứa bị tạm giam kia đang thù chính quyền bằng chết, chắc đi bầu chỉ có thêm chút trò vui thôi, bằng chứng là có tấm ảnh chụp một đứa không bỏ phiếu bầu mà bỏ cái thẻ cử tri vào thùng.

-Ông bạn tôi, nhà báo Võ Ba (báo TN) vừa than thở, những đứa thí sinh F1, F2 bị dính dịch, đang lo cô vít cô veo âm tính dương tính thấy mẹ, còn hơi đâu, đầu óc đâu mà bắt nó thi với cử. Thế mà cũng tổ chức thi được, đến khổ với các bố quản ngành.

-Rất, rất, rất nhiều báo, rồi cả tivi ti viếc, đài điếc, giáo sư giáo siếc... đồng loạt đăng, ca ngợi bài của cụ tổng (trước là tổng chủ), luôn ghi hoặc nhắc rất trang trọng tác giả bài viết về chủ nghĩa xã hội là giáo sư tiến sĩ. Thú thực, giáo sư tiến sĩ xứ này nhiều như lợn con, có gắn một trăm chức danh học hàm học vị vào cũng chả vinh vang gì. Dân - nước - xã hội đang cần người thực tài cầm lái chứ không cần giáo sư tiến sĩ lợn con. Lão hàng xóm nhà tôi còn bảo bi kịch cho nước nào bị cai trị bởi những nhà lý luận suông, nhất lại là thứ lý luận cũ rích.

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2021

Bịt mồm

Bộ 4T hôm qua 28.5 ra văn bản chỉ đạo các cấp quản lý phải xử lý nghiêm việc các tổ chức, cá nhân lên mạng xã hội livestream "xúc phạm người khác, vi phạm pháp luật".

Không nói ra thì ai cũng hiểu họ đẻ ra cái lệnh này xuất phát từ sự kiện bà Hằng Đại Nam. Họ khó chịu khi có người làm được điều mà họ không làm được, không dám làm, cố tình không làm.

Đáng nhẽ phải ra tay kiên quyết chấm dứt những nhố nhăng, láo toét, xấu xa trong lĩnh vực mà họ quản lý, chẳng hạn phạt kẻ lợi dụng danh xưng văn nghệ sĩ để lừa đảo, những kẻ quảng cáo một tấc đến giời, những trò hài kệch cỡm rẻ tiền trên tivi... thì họ lại nhanh nhảu chĩa đinh ba pháp luật vào bà Hằng nhằm bịt miệng. Chả ra làm sao.

Vậy thế nào là xúc phạm cá nhân, thưa các ông? Bóc trần chân tướng những kẻ lừa đảo, đạo đức giả, những "văn nghệ sĩ" nửa mùa nhí nhố là xúc phạm ư? Các ông không làm được mà người ta làm được, nhẽ ra phải cảm ơn người ta, chứ ở đó mà đe với dọa, lôi pháp luật ra làm con ngoáo ộp.

Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021

Lẩn thẩn u mê chứ sáng suốt mới mẻ quái gì

Mấy ông giáo sư chuyên mị dân vừa lên tivi trổ nghề. Trình độ của những vị này, ngó vào cái lý lịch trích ngang, thấy tinh dững học hàm học vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ ngành xây dựng đảng, chủ nghĩa xã hội khoa học, tư tưởng Mác - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chính trị cao cấp từ lò học viện Nguyễn Ái Quốc ra, cả đời cũng chỉ lý luận quẩn quanh, sống bằng nghề u mê và mị dân, gà què ăn quẩn cối xay. Thôi thì họ ăn cây nào rào cây ấy, chỉ có điều dân chả nhờ vả được gì ở họ, thậm chí chỉ có hại.

Nói thật, tôi chúa ghét mấy thứ giáo sư lý luận sùi bọt mép. Họ làm ô uế danh vị giáo sư vốn rất đáng kính. Con người ta trần thân làm lụng còn chả ăn ai, chả giúp mấy cho xã hội, huống hồ chỉ kinh viện, lâu lâu nhảy ra khua khoáy vài đường lý luận cũ rích, rác tai. Ông bạn tôi cười bảo đó là nghề bới rác, nhưng tệ hơn nhiều so với nghề bới rác ở bãi Nam Sơn hoặc Đa Phước.

Chả là cụ trùm vừa có bài lý luận kinh viện tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, thậm chí còn mạnh miệng chỉ chủ nghĩa xã hội mới đem lại ấm no hạnh phúc cho con người. Cụ nói thế nào là quyền của cụ, nhất lại đang là cụ trùm. Chỉ có điều thời nay đã khác, thế giới mở, không còn áp đặt được như ngày trước. Vì vậy, để lời vàng ngọc có hiệu quả, báo chí mậu dịch đăng dày đặc (đứa nào không đăng thì chết với bà), đội ngũ giáo sư, nhà lý luận nhảy lên tivi tới tấp. Tất cả nhằm khẳng định cụ trùm nói phải, có lý, và nhất là những nhận thức mới mẻ phù hợp với thực tiễn thời đại. Ôi giời, khen cụ có mà khen cả ngày.

Thứ Tư, 26 tháng 5, 2021

Chơi với bạn vàng

Lúc này, người ta hầu như không để ý điều: gần như cả thế giới đang khốn khổ bởi dịch cúm tàu Vũ Hán bùng phát trở lại rất mạnh và phức tạp, có thể lan rộng mọi nơi, có thể kéo dài không biết đến bao giờ, thậm chí hủy diệt một phần nhân loại, thì ở Trung Quốc lần này khá yên ắng. Không có mấy thông tin về tái dịch ở Trung Quốc, kể cả trên những hệ thông tin thời sự, phổ cập nhất thế giới, như BBC, VOA chẳng hạn.

Người Tàu kinh nghiệm đầy mình về chất độc, ai đọc kỹ sử và văn của họ từng lưu truyền hàng nghìn năm nay đều biết điều này. Chế ra chất độc và làm ra thuốc giải độc, không ai bằng họ. Vũ khí sinh học cũng là một kiểu thuốc độc.

Để sơ sẩy bùng phát vi rút đợt đầu, họ còn luống cuống do chưa kịp chuẩn bị kỹ, vả lại bất ngờ. Nhưng đến đợt 3 đợt 4 dịch cô vít thì họ đã chủ động được, thuốc giải độc - một dạng vắc xin, đã phát huy tác dụng. Cứ lặng lẽ, không ồn ào, không tuyên bố này nọ. Chắc dân Trung Quốc biết điều này rõ nhất, tuy nhiên dại gì họ nói.

Thứ Ba, 25 tháng 5, 2021

Tìm lại được thứ hơn cả tình yêu

Kính tặng các tiên sinh Phạm Chuyên, Đào Lê Bình

Thế hệ tôi sinh giữa thập niên 1950 ở nông thôn, thực thà mà nói đời sống văn hóa tinh thần rất nghèo. Phần lớn thì giờ dồn vào việc làm ruộng giúp thày bu anh chị, rồi học hành ở trường ở nhà, nếu còn tí ti thời gian lại tranh thủ đi dậm đi câu, mò cua bắt ốc. Đôi lúc chơi bời thì cũng chỉ đợi trăng lên ra đình đánh trận giả, ngo ngoe chút rảnh rỗi thì chơi bật tường ăn diêm, đánh khăng đánh đáo, trốn tìm, thả đỉa ba ba, chơi đánh vụ (con quay gỗ), chọi cỏ gà. Tuổi thơ và thanh niên cứ thế trôi, lặng lẽ, êm đềm trong sự nghèo đói thiếu thốn.

Giờ đôi lúc ngồi ngẩn ra nghĩ lại thấy đám tuổi mình sống ở làng quê thiệt thòi đủ thứ, nhất là về văn hóa, tinh thần. Hầu như không đứa nào biết chơi đàn, được học nhạc, học đàn, ghi ta hoặc đàn măng đô lin… Cùng lắm là tự tìm ống trúc, mày mò dùi chiếc sáo, âm thanh sai lạc, thổi bập bẹ sòn sòn sòn đô sòn. Ông Uy nhà tôi rất giỏi vụ chế tác nhạc cụ này. Sách truyện cũng cực thiếu, mượn được cuốn truyện hay còn hơn nhặt được tiền, chuyền nhau đọc tới nát.
 
Cũng may, bù vào phần thiếu hụt tinh thần ấy là chiếc “đài” loa kim.

Quả vải và Bộ Công Thương

Sáng 23.5, đi “làm nghĩa vụ công dân” ngày hội non sông xong, tôi ghé siêu thị. Đi chợ quan trọng hơn đi bầu. Bầu ai gạch ai cũng được, chả ảnh hưởng gì tới hòa bình thế giới, nhưng về mà không có rau củ thì chết đòn.

Ghé mắt dòm quầy trái cây thấy những túi vải, đề là vải Bắc Giang. Có nhẽ vải đầu mùa nên trông nhợt nhạt, gầy guộc, kém bắt mắt. Nhưng khiếp nhất là giá. 50 nghìn một ký loại xâu xấu, 55 nghìn với loại vỏ đỏ hơn. Chỉ thứ vải đồi Bắc Giang chứ không phải vải thiều gốc vùng Thanh Hà, bởi nếu thiều thì người ta sẽ ghi hẳn hoi cả chữ “thiều”, chả dại gì bỏ qua thương hiệu đặc sản ấy, cũng như trong Nam món xoài cát mà thêm chữ “Hòa Lộc” vào sẽ thành đẳng cấp ngay.

Những 50 nghìn/ký vải. Quá kinh. Đừng bảo giá thế là rẻ rồi, trái vải xuất sang Nhật còn hơn 300 nghìn, sang Úc gần 200 nghìn, kêu cái gì. Đừng so túi tiền, thu nhập của người Nhật người Úc với người An Nam.

Mấy hôm nay, báo chí, tivi phản ánh các vị cầm quyền tỉnh Bắc Giang, nơi có vùng vải chuyên canh Lục Ngạn, lo lắng về việc tiêu thụ vải. Dịch dã thế này, bị cách ly, bị phong tỏa, thương lái Trung Quốc không sang, v.v.. làm sao mà bán. Rồi tái diễn như cảnh ế su hào bắp cải cà chua khoai tây Hải Dương thì gay go.

Chủ Nhật, 23 tháng 5, 2021

Thành ngữ “Mặt nghệt như mất sổ gạo” (kỳ 6): Kho lương thực

Tháng 8.1964, máy bay Mỹ đánh ra miền Bắc. Lứa chúng tôi sinh sau ngày hòa bình lập lại, vào độ tuổi lên 10, lần đầu tiên biết thế nào là chiến tranh. Lại những cuộc sơ tán người và tài sản, chỉ không giống thời Pháp từ vùng tạm chiếm ra vùng tự do, mà là kéo nhau về nông thôn. Các gia đình ngoài phố đưa con cái về nông thôn để tránh bom bởi thời ấy người ta nghĩ rằng phố xá là nơi máy bay Mỹ nhắm đến. Thực tế thì có những phố bị bom, bị đánh phá, nhưng chủ yếu là những trận địa, kho tàng, cầu cống, bến cảng… Những khu Sở Dầu, Thượng Lý, Xi Măng, cầu Niệm ở Hải Phòng bị bom, nhiều người chết, một phần do dính với những thứ ấy.

Người lớn là cán bộ công nhân viên thì ở lại cơ quan, nhà máy xí nghiệp làm việc, chỉ những người già cả, người không công ăn việc làm, người buôn bán phải đi sơ tán. Bọn trẻ con thì sơ tán trăm phần trăm. Trường học quê tự dưng đông gấp đôi gấp ba. Tôi còn nhớ thời ấy có bài hát “Về đồng quê” (chả nhớ của nhạc sĩ nào bởi lâu quá rồi, cũng không tìm thấy dấu vết trên mạng, kể cả Gu gồ) viết riêng cho đám trẻ sơ tán, vẫn thuộc mấy câu: “Về đồng quê em vui chơi học hành/Giúp đỡ gia đình cô bác bà con/Về đồng quê em đào mương chống Mỹ/Phân bón gây thật nhiều cho đồng lúa xanh tươi/Lúa lúa ơi em yêu cây lúa/Lúa nuôi anh bộ đội diệt quân Mỹ xâm lăng/Về đồng quê em yêu mến lũy tre làng/Chăm học chăm làm để cố gắng thành trò ngoan”… Các bạn sơ tán của tôi, giờ ít nhất cũng ngoài 60, chả biết có ai còn thuộc bài này.

Thứ Bảy, 22 tháng 5, 2021

Thế lực thù địch

Ông tướng Tô Ân Xô (khiếp, chỉ có làm chánh văn phòng, người phát ngôn của bộ mà cũng trung tướng, tiền thuế dân đóng, sao chịu nổi nuôi mấy ông) hôm qua nói rằng thế lực thù địch chúng phá cuộc bầu cử dữ lắm. Ổng còn lôi cả Việt Tân ra để cho dân chúng thấy là rất nghiêm trọng. Lâu lâu phải lôi Việt Tân ra kẻo thiên hạ lại nghĩ nó chỉ là bóng ma.

Thưa ông Xô, thế lực thù địch thì các ông có sẵn, chúng phá hay không phá, chỉ các ông biết, nhưng dân chúng mà các ông luôn nghi ngờ thì họ chẳng phá làm gì. Hơi đâu dính vào các ông cho nhọc xác. Họ chỉ chán và cười thôi, bởi họ biết rành rẽ bầu cử ở xứ này là như thế nào.

Tôi hỏi các ông bà hay dọa dân, thế các ông bà sáng suốt lựa chọn xong, bầu xong, có mấy ông bà biết người mà mình chọn là người thế nào không. Tôi dám chắc phần lớn không biết.

Lại hỏi quý vị nhân dân, quý vị đi bầu ra các đại biểu thay mặt mình, nhưng cứ xong một kỳ họp quốc hội, các đại biểu gặp gỡ cử tri để báo cáo kết quả, có bao giờ các vị được ban tổ chức mời dự cuộc gặp không. Tôi dám chắc phần lớn là không, bởi thành phần được chọn luôn không phải là các vị.

Ngày mai tôi cũng đi bầu, tham gia vào trò chơi quyền lực, cũng cho vui thôi, chứ ở nhà chẳng biết làm gì, lại còn dễ bị ông Xô coi là thế lực thù địch.

Đời ngắn lắm, và vô nghĩa lắm, làm dân còn chửa xong, hơi đâu làm thế lực thù địch.

Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2021

Hòn ngọc Viễn Đông

Mấy hôm rồi, khi đi gặp gỡ cử tri ở TP.HCM, ông chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, người được (không biết là giới thiệu hay chỉ định) bầu làm đại biểu quốc hội tại thành phố này đã có nhiều phát biểu rất… ông Phúc. Chả hạn, ông bảo đột phá về hạ tầng cho khu vực Hóc Môn - Củ Chi thì đất nơi đây sẽ thành đất vàng (nghe nói vậy, ông bạn tôi càu nhàu các bố lúc nào cũng chỉ đất đất). Ông còn nói TP.HCM không chỉ làm đầu tầu nữa mà phải là trực thăng cất cánh… Tôi thì tôi nhớ nhất ông nói “TP.HCM phải thành hòn ngọc tỏa sáng Viễn Đông”.

Đi vận động bầu cử, lẽ dĩ nhiên phải nói nhiều. Chẳng ai tới gặp gỡ cử tri cứ ngậm miệng ngồi im thin thít, hết giờ thì về. Mà cũng lạ, dân gặp được mỗn lần, cũng chả biết con người của các ứng cử viên thế nào, mà chính quyền cứ buộc dân phải sáng suốt lựa chọn những người xứng đáng, chọn thế quái nào được. Lão hàng xóm nhà tôi cười, nếu tao mà sáng suốt thì các vị ấy đi tàu suốt hết, nhất là với những ông bà kiên định tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Ông Phúc tất nhiên sẽ trúng chắc, bầu cũng thế, mà không bầu cũng thế. Ông này mà trượt, cứ chặt đầu tôi. Vậy nên ổng nói gì, nghe cho vui. Tìm được niềm vui bây giờ khó lắm, bởi đời vốn quá nhiều nỗi buồn.

Thứ Ba, 18 tháng 5, 2021

Vỡ bọc mủ

Nói thêm về vụ đại úy công an Lâm (ở huyện Thanh Oai, Hà Nội) rồi không nói nữa, bởi quá chán.

-Một thằng tư cách như thế, hèn nhát như thế, cách xử sự phản ứng như thế mà cũng lên đại úy được, vậy thì công tác cán bộ của ngành công an và của thể chế này có vấn đề. Đám tá tướng phần đông có nhẽ cũng thế thôi.

-Nạn nhân vật lộn với cướp, tình thế nghìn cân treo sợi tóc, sống chết trong tích tắc, nhưng cả kẻ có trách nhiệm công vụ (công an, để giữ gìn an ninh trật tự, vì sự bình yên của nhân dân) lẫn dân chúng có mặt ngay tại hiện trường hoặc xung quanh chứng kiến, đều hết sức thờ ơ, cháy nhà hàng xóm bình chân như vại, dửng dưng xem đó là chuyện của người khác. Thời tốt đẹp đỉnh cao "đất nước chưa có bao giờ được như thế này", kiểu người Lục Vân Tiên giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha nay gần như đã tuyệt rồi, chết hẳn rồi. Cứ nghĩ mà coi, không cần tay công an vô cảm, chỉ cần vài người cầm hòn đá, bẻ cành cây xông vào đập cướp cũng đủ giúp được anh tài xế. May mà anh ấy chưa bị tên cướp đâm chết.

Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2021

Ông Tùng và sự thật

Thế hệ tôi, vào thời điểm xảy ra sự kiện 11 giờ 30 ngày 30.4.1975 đã trưởng thành (tôi ngoài 20 tuổi), nên không phải không biết gì về lịch sử.

Những ghi chép, bản tin, hình ảnh, phim tài liệu phóng sự nóng phát trên tivi những ngày nóng đó cho thấy rõ Chính ủy lữ đoàn xe tăng 203 (chứ không phải lữ đoàn trưởng) Bùi Văn Tùng, rồi đại úy Phạm Xuân Thệ, rồi trung úy đại đội trưởng Bùi Quang Thận..., ai làm gì, việc gì, nói gì đều rất rõ ràng, có bằng chứng hẳn hoi. Đó là thứ lịch sử dù chưa được đầy đủ nhưng khách quan.

Vậy mà chỉ vài năm sau, tất cả những phơi bày tưởng như đã hiển nhiên không thể sai lệch dần dần bị méo mó, biến dạng, do chủ ý của con người, của kẻ có quyền, của đám thất nhân tâm, của giới chóp bu trở xuống. Nó cứ ngầm có chủ ý, chứ không trắng trợn cướp công như vụ "Đại thắng mùa xuân".

Đây không phải là sai nhầm kiểu vụ xe tăng nào húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập vào dinh đầu tiên do nhầm lẫn không phân biệt được cụ thể cảnh bấn loạn, mà là cố ý nhầm.

Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2021

Muốn nói oan làm quan mà nói

Bảy chữ trong cái câu mà nhà cháu lấy đặt làm tít của tút (status) kia có nhẽ là kết quả sự đúc kết cả nghìn năm, qua hàng trăm triều đại. Lạ là từ xưa tới nay luôn có tình trạng dân ghét quan, thậm chí chỉ muốn đào đất đổ đi (nhiều bạn không hiểu cái thành ngữ “đào đất đổ đi”, nó nghĩa là thế này, cái đứa mà ta ghét, ngay cả chỗ nó đặt chân bước, cũng không chịu được, phải lấy cái xẻng xúc đám đất đó đổ đi chỗ khác cho đỡ ngứa mắt, hì hì).

Dường như thấy được sự oái oăm ghét bỏ ấy cho nên các triều đại cai trị về sau khôn ngoan không gọi những kẻ cai trị là quan nữa, mà bằng cán bộ. Tăng thêm một mức, thì gọi là đầy tớ của nhân dân. Ối giời ôi, mưu mẹo đến thế là cùng. Tìm được vị đầy tớ về hưu mà nhà cửa tài sản vẫn thanh bần như lúc họ dấn thân vô đường cách mạng, khó như kiếm sao trên trời nắng gắt. Cả đời, tôi chỉ thấy có hai cụ chính tôi biết, là cụ đại tá Lê Quang Ngoạn từng đóng chức Cục trưởng Cảnh sát bảo vệ hồi thập niên 80, và cụ Ngô Trọng Trại bác họ tôi từng làm phó giám đốc một nhà máy có tiếng ở Hải Phòng thập niên 60. Từ quan xong lại về điểm xuất phát. Chứ sau này, mắt thấy tai nghe, hễ cứ nho nhoe cán bộ phường là của nả trong ngoài, động tí là thó (tham nhũng), bảo sao dân không ghét.

Nói ngắn gọn, bản chất của quan lại mới, của đầy tớ của dân, là tham nhũng. Không có đứa quan mới nào trong sạch cả, chỉ tạm sạch khi chưa có dịp tham nhũng thôi.

Thứ Ba, 11 tháng 5, 2021

Lời vàng ngọc của thủ tướng

Từ hôm ổng lập ngôn tới nay, chỉ thấy báo chí khen khen khen, chứ chưa ai dám chỉ ra điều cần chê. Báo chí truyền thông quốc doanh mậu dịch đương nhiên phải bốc lên rồi, không bàn làm gì, nhưng ngay cả những người tử tế, kiến thức không đến nỗi nào, cũng cứ im lìm như đêm từ tịch. Có nhẽ do ngại đụng chạm tới quan chức, nhất đây lại là thủ tướng. Tránh voi chả xấu mặt nào, tâm lý an phận thường an ủi con người ta như vậy. Không ai lên tiếng thì không có nghĩa không có ai.

Chả là hôm 5.5, tại cuộc họp thường kỳ chính phủ, tân thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo quán triệt bằng thông điệp “phòng chống dịch COVID-19 phải bằng một tư duy chiến lược mới: đó là chuyển trạng thái chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị…”. Gần như tờ báo mậu dịch nào cũng sung sướng rút tít cái cụm từ “chuyển từ phòng ngự sang tấn công”. Giời ơi, sung sướng quá, đúng là tư duy của vị tướng cầm quân.

Ông Chính vốn con nhà võ, từng ngồi ghế thứ trưởng công an, thì cách nói đanh thép, máu lửa, võ biền vậy cũng chẳng lạ gì. Ngay cả nhiều ông bà gốc quan văn, cứ mở mồm ra là nháo nhào những chiến dịch, ra quân, xung kích, công phá, thế lực thù địch, đấu tranh không khoan nhượng, ai thắng ai, một mất một còn… Tư duy chiến tranh không biết còn ám ảnh vào bộ não những nhà cai trị xứ này đến bao giờ. Chịu, chả biết được. Đến hòa bình mà họ còn sợ, bằng chứng là luôn kêu gọi chống “diễn biến hòa bình” thì chiến tranh ngấm vào tế bào rồi, khó chữa lắm.

Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2021

Nhặt dọc đường đi (kỳ 2)

Nhà cháu đã nói rồi, đây là những thứ nhặt nhạnh được trên đường hành trình, về tới nhà rảnh thì nhớ lại, biên ra, chứ không phải vừa đi đường vừa kể chuyện như người ta. Cứ mắt thấy, tai nghe, chính lòng mình cảm nghĩ thế nào thì biên ra như thế thôi.

Hôm qua 8.5, ông thủ tướng Phạm Minh Chính về Cần Thơ, nơi được gọi là Tây Đô, thủ phủ của miền Tây Nam Bộ để vận động cử tri bầu mình làm đại biểu quốc hội. Thôi thì hủ tục nó vốn vậy, không bầu cũng trúng, chứ chả nhẽ lại trật. Cử tri có hỏi chi đó về giao thông, ông thủ phải thừa nhận rằng việc làm đường cao tốc nối từ TP.HCM xuống đồng bằng sông Cửu Long đúng là quá chậm. Tiện đây, tôi xin nói thêm với ông Chính rằng, không phải là quá chậm, mà là quá quá quá… chậm.

Ông mới làm thủ tướng, nhưng suốt bao nhiêu năm qua ông đã ngồi ở những ngôi vị cao ngất ngưởng trong bộ máy cầm quyền, có nhẽ đã không ít lần tới miền Tây Nam Bộ, không thể không biết cái gọi là “hệ thống đường giao thông”, và nhất là đường cao tốc cho vùng đồng bằng này thực trạng như thế nào. Cũng có thể ông chỉ ngự trên tàu bay, vèo một cái đã tới nơi, hai đầu hành trình chỉ là sân bay rộn rịp, đâu có ngó được đường sá dưới mây nó ra sao. Thỉnh thoảng nghe bọn cấp dưới, đám giao thông, đám lãnh đạo địa phương chúng báo cáo, lại càng chả thấy gì bởi báo cáo nào chả văn vẻ, đẹp đẽ, với câu mở bài “dưới sự lãnh đạo sáng suốt của đảng và chính phủ…”.

Thứ Sáu, 7 tháng 5, 2021

Nợ xấu, khi nào mới xóa (kỳ 2)

Hôm 24.4 rồi, ông chủ tịch chính quyền TP.HCM Nguyễn Thành Phong cùng văn võ bá quan tham mưu cố vấn của ủy ban tổ chức một cuộc rà soát kiểm tra mini vài dự án trên đô thị lớn nhất nước này. Có mấy tờ báo cử phóng viên bám theo để lấy thông tin, ra vẻ ta đây lắm chữ, gọi đó là cuộc vi hành. Gớm cho các nhà báo thời nay, cứ làm như ông Phong là vua không bằng. Mà đám chữ nghĩa ấy chả hiểu gì về vi hành. Vi là từ chỉ sự giấu diếm, kín đáo, lén lút, ẩn giấu. Hành là đi, hành phương nam nghĩa là đi về phương nam. Vi hành là đi ra ngoài một cách bí mật, kín đáo lặng lẽ, không cho ai biết. Đi công khai ban ngày ban mặt, tiền hô hậu ủng, kéo đàn kéo lũ, thậm chí còn thông báo trước cho nơi mình sẽ tới để được đón tiếp thì vi với hành nỗi gì. Thôi kệ, chả bàn với các đại nhà báo.

Trong số dự án treo mà ông Phong muốn mắt thấy tai nghe mũi ngửi, có rạch Xuyên Tâm. Đi, lúc xe trên bờ, lúc xuồng dưới rạch, một thôi một hồi ngắm nghía hít ngửi chán chê, ông Phong không nén được cảm nhận thực tế, buông một câu ngắn gọn: “Kinh khủng”. Báo Zing rút tít thẳng như vậy. Những ai không biết đầu đuôi vụ việc có khi còn tấm tắc, lãnh đạo thế mới là lãnh đạo, sâu sát cuộc sống đáy xã hội còn hơn vua ngày xưa.

Con rạch có tên Xuyên Tâm bởi đơn giản nó là kênh dẫn nước khá dài chảy giữa thành phố. Sài Gòn có nhiều kênh rạch, có kênh to như kênh Đôi (là nhánh song song với kênh Tàu Hủ nên gọi là Đôi). Cả hai kênh đều lớn, dài. Kênh Tàu Hủ rộng như con sông, khá sâu, ngày xưa tàu to từ miền Tây Nam Bộ bơi theo dòng này tuốt tới sông Sài Gòn, lâu lâu tàu lại hủ còi nên cung cấp cho kênh cái tên Tàu Hủ. Ở miền Nam, dấu hỏi và dấu ngã hay bị nhầm lẫn, chẳng hạn nhiều tiệm sửa xe đề biển “Sữa Honda” khiến không ít anh bên thắng cuộc mới vào cứ tưởng có loại sữa tên đó. Tàu Hủ bị không ít người, kể cả các nhà báo biên nhầm ghi nhầm thành Tàu Hũ, tên một thứ đậu phụ.

Thứ Tư, 5 tháng 5, 2021

Nhặt dọc đường đi

Nhà cháu vừa có cuộc về đồng bằng Tây Nam Bộ, còn gọi là đồng bằng sông Cửu Long, còn được người trong này gọi tắt bằng 2 chữ "miền Tây". Nào có ham hố lễ liếc gì, tại bận chút việc nhà nên phải mò ra khỏi tổ. Nắng nôi, kẹt xe, sợ dịch, tốn tiền…, may mà bù lại được ngó nghiêng này khác dọc đường thiên lý.

Gọi “miền Tây” như vậy chẳng sai nếu sống ở vùng Đông Nam Bộ, nhưng một tờ báo nào đó phát hành toàn quốc, như Tuổi Trẻ, Thanh Niên chẳng hạn, hoặc đài truyền hình trung ương, đài phát thanh quốc gia, mà chỉ gọn lỏn “miền Tây” có nhẽ không đúng lắm. 

Với người miền Bắc, thì miền Tây là những vùng giáp nước Lào. Thi sĩ Bùi Minh Quốc thời sinh viên có bài thơ nổi tiếng “Lên miền Tây” nhằm chỉ những vùng rừng núi Sơn La, Điện Biên và một phần tỉnh Lai Châu ở phía tây miền Bắc. Lên miền Tây bấy giờ được coi là “chủ trương đúng đắn” của đảng và nhà nước, nhiệm vụ chủ yếu đi mở mang văn hóa, khai hoang, phá rừng. Thời những năm đầu thập niên 1960, những gia đình được vận động lên miền Tây được gọi bằng tên “đi khai hoang” chứ không phải đi “kinh tế mới” như phổ biến sau này. “Rừng ơi, ta đã về đây…, cây đổ rộn vang như tiếng pháo, tiếng hò nhịp theo trâu kéo gỗ, xen lẫn tiếng rìu tiếng cưa nhịp nhàng khắp trên non ngàn”, cứ ráo riết phá rừng, chỉ qua vài chục năm, rừng nguyên sinh gần như sạch bách. Thằng Tây đế quốc sài lang độc ác, suốt gần trăm năm cai trị “vơ vét tài nguyên” mà rừng vẫn không mấy suy suyển, còn ta làm chủ chả bao nhiêu niên, công cuộc phá rừng đã hoàn thành trước thời hạn. Góp vào “thành tích” ấy, có chút công của bác Bùi Minh Quốc, của nhạc sĩ Phạm Tuyên, của ca sĩ Quốc Hương, hì hì.

Thứ Ba, 4 tháng 5, 2021

Giải phóng

Thôi thì với miền Nam nói chung, những nhà lý luận cổ hủ, những tư duy bê tông của bên thắng cuộc cứ thích gọi là "giải phóng miền Nam" thì cũng đành chịu họ, chứ biết làm sao. Định kiến tưởng như chắc khừ ấy sẽ tự mất sau khoảng 2 chục năm nữa.

Nhưng với quần đảo Trường Sa chơi vơi giữa biển Đông, thì phải khác. Cần hiểu rằng, tất cả những ai, dù phía bên nào, ra nơi ngàn trùng đó để bảo vệ, gìn giữ chủ quyền của đất nước đều đáng được tôn vinh, ca ngợi, cần được hưởng chế độ chính sách như mọi công dân yêu nước. Phải nhấn mạnh, họ ra đó để giữ nước chứ không phải ra đặt ách cai trị, nên không có gì phải giải phóng. Dùng chữ "Giải phóng Trường Sa" như lâu nay là hoàn toàn sai. Nếu giải phóng thì phải là giải phóng Hoàng Sa đang bị bạn vàng Tàu cộng chiếm đóng trái phép.

Suốt gần nửa thế kỷ, sự thành kiến với "chính quyền ngụy" đã khiến nhà cai trị mắc sai lầm rất nghiêm trọng, đối xử tệ hại với những người có trách nhiệm với đất nước.

Đã đến lúc phải xem xét lại và thay đổi, bỏ thứ tư duy bên thắng cuộc ấy đi, phục hồi quyền lợi cho những người hiến thân vì chủ quyền biển đảo đất nước.

Các cơ quan báo chí truyền thông, và nhất là ban tuyên giáo, cần biết động não, đừng khư khư như ông từ giữ đền nhỏ nhen bảo thủ kiểu bấy lâu nay.

Nguyễn Thông



Thứ Hai, 3 tháng 5, 2021

Thành ngữ mới: Tư bản giãy chết

Hôm nay 30.4. Ngày này 46 năm trước, người cộng sản đã đốt cháy dãy Trường Sơn vào "giải phóng miền Nam", tiêu diệt chủ nghĩa tư bản, đồng nghĩa với kéo lùi cuộc sống để miền Nam cùng miền Bắc sát cánh tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Thấy không khí rộn ràng, múa may quay cuồng, hừng hực tinh thần thù địch, chối bỏ hòa hợp, kiên định con đường đi lên... nghèo đói, chợt nhớ lại những ngày sau "giải phóng".

Thành ngữ mới: Tư bản giãy chết

Như đã nói, đây là thứ thành ngữ mới, tồn tại trong thời gian khá dài hơn nửa thế kỷ ở nước ta, phổ biến vài chục năm trước 1975 ở miền Bắc, sau đó thêm vài chục năm nữa ở miền Nam và cả nước. Bây giờ thì ít được nhắc đến. Nó là sản phẩm của tư duy cộng sản, nằm trong loạt thành ngữ mới như “bơ thừa sữa cặn”, “đế quốc sài lang”, “đời đời bền vững”, “ngăn sông cấm chợ”… (những thành ngữ này, tôi đã viết và tải lên FB cả rồi), do chính người cộng sản đẻ ra, cả trong thực tiễn lẫn lý luận.

Cần phải nói ngay rằng các đảng và tổ chức chính trị khi đứng ra giành quyền lãnh đạo luôn đề ra đường lối, chủ trương, xu thế cho đất nước và dân tộc. Nước nào cũng thế thôi. Khi nó là lý thuyết thì thường rất hay, chỉ có trải qua thực tiễn mới biết được thực chất. Vì vậy, nếu ngay từ đầu, những năm nửa đầu thế kỷ 20 mà ai đó bảo chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là xấu là dở là không tưởng sẽ bị đám đông lên án ngay. Chết như chơi. Liên Xô khi ấy là hình mẫu của xu thế cách mạng, xây dựng chủ nghĩa xã hội xong sẽ tiến lên chủ nghĩa cộng sản.