Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

Còn hơn cả hủ tục làng xã

Ở xứ này, có nhắm tịt mắt cũng thấy rõ một bộ máy cai trị cồng kềnh, lạc hậu đang đè nén xã hội.

Một nhà nước song trùng, cứ hết ông đảng họp lại đến ông chính quyền họp, cũng đủ bỏ mẹ dân. (Đó là chưa kể đến cả lũ đoàn thể, tổ chức chính trị khác nữa nhâu nhâu vào bú cái bầu sữa teo tóp của bà mẹ dân). Tôi chả thiên vị ông nào, ghét bỏ ông nào, nhưng trong 2 ông đó, yêu cầu bỏ quách một ông cho dân đen chúng tôi nhờ.

Các tỉnh thành đang vào mùa họp. Mới hồi tháng 12.2015, ông Phong Sài Gòn, ông Chung Hà Nội được bầu làm chủ tịch, nay lại họp lại bầu lại thông qua cũng vẫn mấy ông ấy. Rồi vài hôm nữa quốc hội cũng thế, lại họp lại bầu những gương mặt cũ như thứ hủ tục (hủ chứ không phải thủ), ngán hơn cơm nếp nát ăn với thịt mỡ. 


Dân còn khổ với loại chính quyền cai trị kiểu này.

Nguyễn Thông

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

Người cộng sản làm giàu trong tang lễ của chính mình

Lời giới thiệu:
Đây là một bài dịch từ báo nước ngoài, tôi lấy từ Facebook của nhà báo Lê Thọ Bình, không thấy đề tên tác giả và người dịch. Nhiều điều trong nội dung bài viết này, tôi được nghe từ những năm 70 của thế kỷ trước. Đưa về đây làm tư liệu. Nguyễn Thông

Người cộng sản làm giàu trong tang lễ của chính mình

Ở Liên Xô (cũ), chức tước càng cao thì đặc quyền càng nhiều, nếu muốn làm quan hoặc thăng chức thì phải lấy lòng, hối lộ các lãnh đạo liên quan. Có nơi, ngay cả chức bí thư đảng ủy cũng được ra giá...
Từ Nhà điều dưỡng của Lennin đến các cửa hàng độc quyền
Vào một ngày mùa thu năm 1988, đột nhiên có hàng trăm, hàng nghìn người tụ tập bên ngoài của một cửa hàng ở Thủ đô Moskva. Nguyên nhân gì đã khiến cho cửa hàng không phải là lớn này trở thành tâm điểm của báo chí và dư luận đến vậy?
Đây là một cửa hàng đặc biệt, chuyên phục vụ một số khách hàng đặc biệt, và hôm đó là ngày cuối cùng trước khi cửa hàng tuyên bố bị đóng cửa. Người dân Liên Xô gọi các khách hàng đặc biệt của cửa hàng đặc biệt này là những người thuộc tầng lớp đặc quyền. Tầng lớp đặc quyền này từng bước hình thành dưới thời Brezhnev và tiếp tục phát triển dưới thời Gorbachev; và đó là một chất xúc tác gây nên sự tan rã từ bên trong Đảng Cộng sản Liên Xô, là cũng một trong các nhân tố quan trọng thúc đẩy biến cố Liên Xô.
Sau Cách mạng Tháng Mười, chiến tranh và nạn đói đe dọa nghiêm trọng đối với chính quyền Xô Viết còn non trẻ. “Rồi sẽ có bánh mì và sẽ có tất cả”, câu nói đầy ấn tượng của Vasili trong bộ phim “Lenin trong Tháng Mười” đã trở thành câu nói thịnh hành một thời ở Liên Xô. Ngày nay, người ta khó có thể tin rằng những người làm việc gần gũi với Lenin từng nhường nhịn, chia sẻ cho nhau chỉ một mẩu bánh mì, nhưng đây là sự thật của lịch sử.
Nhà làm phim đã dựa vào một câu chuyện có thật hồi ấy để dựng nên tình tiết này trong phim. Năm 1918, chính quyền Xô Viết gặp phải một cuộc khủng hoảng lương thực. Tại một cuộc họp của UBND, Churuva lúc đó đang là Ủy viên nhân dân phụ trách vấn đề lương thực, bất ngờ bị ngất xỉu. Người ta phải khẩn cấp điều bác sĩ đến khám. Khám xong, bác sĩ kết luận, Churuva bị ngất xỉu do đói!
Là quan chức cao nhất phụ trách vấn đề lương thực của chính quyền Xô Viết, Churuva nắm trong tay quyền điều động hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu tấn lương thực, nhưng lại không giữ cho riêng mình số thực phẩm đủ để no bụng. Ngay sau đó, Lenin kiến nghị xây dựng nhà ăn điều dưỡng để bảo đảm cho những đồng chí đang ngày đêm lo lắng cho nhân dân được no. Điều này hoàn toàn đúng và không có gì phải bàn cãi.

Lan man vải thiều

    Mỗi năm vào mùa vải, chim tu hú kêu là cuộc sống đời thường lại rộn thêm lên mất vài ba tuần, người thì lo chuyện xuất khẩu, kẻ lo ế, người lo ăn cứ um xùm. Năm nay mấy cơ quan chuyên trách của nhà nước có sáng kiến tổ chức hội nghị ở trong Nam ngoài Bắc ngay trước mùa thu hoạch bàn chuyện tiêu thụ vải, kể ra cũng là có trách nhiệm với dân, với người trồng vải.

    Vải thiều ngày xưa là thứ trái cây quý, có tên chữ lệ chi (lệ chi viên là vườn vải, liên quan đến vụ công thần Nguyễn Trãi bị oan thời nhà Lê). Hồi xưa nước ta còn chịu lệ triều cống vua Tàu, một trong những thứ phải cống là trái vải (ngoài sừng tê, ngà voi, trầm hương kỳ nam, chim sâm cầm...), nay thì không cống nữa mà thương lái Trung Quốc sang tận nơi thu mua. Hầu hết vải ở 2 tỉnh Hải Dương, Bắc Giang thu hoạch được vẫn để xuất sang Trung Quốc. Với người trồng vải, đó là thị trường sống còn. Tuy nhiên, bên đó hàng trăm triệu cái miệng có nhu cầu ăn vải thì chả lo gì ế, chỉ ngại thương lái họ mưu mẹo, giở trò này nọ, nên việc tìm, mở rộng ra thị trường khác là sự cần thiết, đúng đắn.

    Hình như năm nào cũng vậy, có vẻ các nhà quản lý thị trường và người trồng vải xứ ta chỉ chăm bẵm vào chuyện xuất khẩu mà lơ là thị trường nội địa. Ai cũng hiểu có thêm nơi tiêu thụ bên Trung Quốc, Úc, Pháp, New Zealand, Lào, Malaysia… thật đáng mừng cho trái vải, sẽ thu về ngoại tệ. Đành rằng cần phải tính toán đem lại lợi ích cho người trồng nhưng đừng ép người tiêu dùng trong nước quá đáng. Hiện ở Sài Gòn, tôi vừa ra mấy sạp trái cây gần chợ Thái Bình (Q.1), hỏi thử giá bao nhiêu, người bán hét 45.000 đồng/kg, còn nếu vải đúng thiều chính hiệu, ngon, hàng chuyển máy bay phải 65.000-70.000 đồng/kg. Với số tiền ấy, bỏ ra để nếm mùi vị quả vải, tiếc hùi hụi. Thèm thì thèm thật nhưng chả dại ném tiền qua cửa sổ. Một thị trường tiêu thụ gần gũi, thuận tiện, nhu cầu cao như vậy mà chả được quan tâm, cứ lo ngước nhìn đi đâu đâu. Thú thực, có lúc tôi ao ước (nói ra thì phải tội) Tàu nó không thèm mua, để vải ế cho biết thân, may ra dân ta lúc ấy mới được ăn quả vải giá cả phải chăng hợp túi tiền.

Chuyện coi tivi (2)

    Lần trước, tôi đã kể những chuyện coi tivi của thiên hạ, người ở miền Bắc thập niên 70 - 90 gọi tivi là vô tuyến truyền hình, vùng Hải Phòng quê tôi còn gọi tắt là vô tuyến. Lần này thì nhớ lại, biên ra đây những điều liên quan đến chính mình được xem vô tuyến như thế nào.
    Thật thà mà nói, mãi đến cuối năm 1973 tôi mới biết mặt mũi cái vô tuyến truyền hình. Đầu năm 1973, Trường Tổng hợp Hà Nội được lệnh về lại thủ đô sau khi đi tản cư tận mạn sông Cầu trên Hà Bắc. Tôi còn nhớ, hồi cuối tháng 2.1973, thầy trò ba lô khăn gói hành quân bộ kéo nhau về, khi ngang qua ngã tư Sở còn có dịp chứng kiến cả đoàn dài những chiếc xe khách Skoda mới tinh do Tiệp Khắc chế tạo chở đám phi công Mỹ ra sân bay Gia Lâm về nước. Bọn Mỹ nhìn thấy chúng tôi đeo ba lô, tay xách nách mang hòm xiểng, chăn mền, chúng thò cổ ra ngoài ô cửa xe, giơ tay vẫy vẫy. Sau này có lúc tôi tự hỏi, không biết trong số những thằng vẫy mình bữa đó có John MacCain hoặc Pete Perteson không nhỉ.
    Khoa Văn và khoa Sử về khu ký túc xá Mễ Trì, những khoa còn lại tập trung trên Thượng Đình, đối diện khu liên hợp công nghiệp Cao Xà Lá, riêng khoa Hóa về 18 Lê Thánh Tông. Ký túc xá Mễ Trì gồm 4 tòa nhà cao tầng (gọi là cao nhưng chỉ có 4 tầng, nói theo kiểu bây giờ là 3 lầu, phần trệt cũng được tính thành một tầng, tức tầng 1) đánh ký hiệu C, từ 1 đến 4. Cứ mỗi dãy nhà chia ra làm đôi, khoa Văn ở phía tây, khoa Sử ở phía đông. Nhà C1 dành cho văn phòng khoa, thư viện, lớp học và nhà ở cho thầy cô. Các thầy Lê Đình Kỵ, Bùi Khánh Thế, Bùi Duy Tân, Bùi Ngọc Trác, Đỗ Hồng Chung, Chu Xuân Diên, Lê Chí Quế, Trần Vĩnh… ở dãy này. Nhà C2 chỉ dành cho sinh viên nội trú; nhà C3 vừa là trạm xá, phòng hành chính, vừa lấy các tầng trên làm lớp học. Riêng nhà C4 bị trường Nguyễn Ái Quốc chiếm làm nơi ở cho cán bộ công nhân viên của họ. Ngoài ra trong khu còn có hội trường rõ to, tiền sảnh cao rộng, hai phòng cánh gà hai bên (cũng được dùng làm lớp học). Phía sau là nhà ăn, bị bom Mỹ năm 1972 xơi gọn một nửa, mỗi lần đi ăn phải men vòng qua 2 hố bom to như cái ao.

Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2016

Ai sợ hộp đen nhất?

Lực lượng tìm kiếm đang ráo riết tìm hộp đen của 2 chiếc máy bay bị rơi. Theo cách hiểu giản dị nhất, hộp đen là nơi chứa những thông tin chính xác về nguyên nhân gây ra tai nạn.

Hãng Airbus sản xuất ra chiếc máy bay CASA-212 cũng xin được phép tìm và giải mã hộp đen, còn hứa là sẽ bí mật thông tin tuyệt đối. Trung Quốc cũng muốn tham gia tìm hộp đen. Quân ta đương nhiên là phải tìm bằng được rồi. Ngư dân cũng tìm, nhưng chỉ có nhiệm vụ tìm thấy và giao nộp.


Tôi không tin chuyện giải mã hộp đen, nhất là khi biết được sự quán triệt "bí mật tuyệt đối", với lý do liên quan đến an ninh quốc gia.


Đặt trường hợp nguyên nhân liên quan đến nhà sản xuất, nếu hãng Airbus có tìm ra, nó cũng chả dại gì nói vung lên, mà đổ cho cớ khác.


Trung Quốc mà tìm thấy nguyên nhân, chẳng hạn liên quan đến nó, đương nhiên nó lờ tít tìn tịt, mà có khi quân ta biết liên quan đến nó cũng lờ tít tịt (ấy là tôi cứ nghi vậy).


Quân ta giải mã, giả dụ nguyên nhân liên quan đến ta, cũng chả dại gì vạch áo cho người xem lưng.
Thế thì chỉ còn nguyên nhân thời tiết, sét đánh chẳng hạn, giông lốc, vòi rồng. Không có cũng cứ quy tất đổ tất cho trời là ổn, "cho hay muôn sự tại trời", đố cãi.


Rút cục là chỉ có trời sợ hộp đen nhất. Đề nghị đồng chí Nguyễn Văn Trời từ chức như thủ tướng Anh hôm qua, nhẹ thì khiển trách như với đồng chí giám đốc sở ăn giỗ giờ hành chính.


*Biên thêm: Điều quan trọng nhất bây giờ là bản tin thời tiết thời điểm xảy ra vụ tai nạn để luật sư bào chữa cho đồng chí trời.


Nguyễn Thông

Cầu Ghềnh

Cầu Ghềnh mới đã được làm xong, tuyến đường sắt thông xe trở lại lúc nửa đêm vừa rồi, đó là tin mừng.
 
Xin nhớ rằng với một nước dài như VN, đường sắt cực kỳ quan trọng. Chở người chỉ là một phần, thậm chí nhỏ, mà cơ bản để vận chuyển hàng hóa, nhất là hàng có tải trọng nặng, vũ khí, khí tài quân sự, xe tăng chẳng hạn. Chở bằng đường sắt mới có thể đáp ứng những tình huống khẩn cấp, tức thời.
Kinh nghiệm ở nước Chile năm 1972. Nước này dài gần 5 ngàn cây số (chiều rộng hẹp, chỉ chưa đầy 150 cây số) nên giao thông nối dọc đất nước cực kỳ quan trọng. Khi tướng Pinochet muốn lật đổ tổng thống Savaldor Allende, một trong những biện pháp là mua chuộc giới tài xế, lái tàu, trả tiền để họ đình công khiến giao thông tê liệt, cuộc sống ngưng trệ, xã hội hỗn loạn, bắc nam không cứu được nhau, Allende chống không nổi phải tự sát.


Vấn đề cần kíp là phải bảo vệ tuyến đường sắt an toàn tuyệt đối bởi đó là an ninh quốc gia, không thể nhố nhăng, tùy tiện như vừa rồi. Cứ nghĩ xem, nếu Tàu cộng gây chiến, nó sẽ nhắm đến những cây cầu chiến lược như thế. Làm một cầu tạm đường bộ (xe tăng qua được), có thể chỉ cần nửa ngày, nhưng một cầu đường sắt phải mất 3 tháng (như cầu Ghềnh mới). Chuyển một chiếc xe tăng từ quân khu 7 ra Bắc, theo đường bộ phải mất ít nhất 1 tuần, nhưng bằng đường sắt chỉ cần chưa tới 1 ngày chạy suốt. Trong 3 tháng đường sắt tê liệt, ai biết cái gì sẽ xảy ra (vừa rồi rất hồi hộp).


Tôi hiểu tại sao ông Nguyễn Xuân Phúc hôm qua phải đưa ra chỉ đạo thông xe khẩn cấp cầu Ghềnh là vì vậy.


Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2016

Lại cóc ngồi đáy giếng bàn chuyện thế giới

1. Một việc cực kỳ hệ trọng (nếu không nói không có gì quan trọng hơn) là rút ra hay cứ để nguyên trong... EU mà nhà nước Anh vẫn giao cho dân quyết thì chứng tỏ dân xứ ấy được làm chủ thực sự. Dân quyết xong, căn cứ vào kết quả, thủ tướng đương nhiệm David Cameron từ chức ngay sau hơn tiếng đồng hồ, chứng tỏ thủ tướng là người rất... tử tế.
Giá như... Lào cũng thử trưng cầu dân ý việc có tiếp tục đi theo con đường CNXH hay không, tôi đảm bảo tỷ lệ đòi bỏ quách mẹ nó đi phải đạt tới 97% chứ không phải chỉ quá bán như nước Anh hoặc 68,32% gì đó. Giữ nghèo đói lại làm đéo gì.


2. EU mà còn có nguy cơ tan rã thì ASEAN tồn tại thêm được mấy hồi. Nhiều năm trở lại đây, ASEAN chỉ còn là một khối mâu thuẫn, lục đục lẫn nhau, lợi dụng nhau, bằng mặt nhưng không bằng lòng, vỡ là điều không tránh khỏi.

3. Trong khi VN và những nước chống Trung Quốc hy vọng vào phán quyết có lợi của Tòa trọng tài thường trực quốc tế - PCA xử vụ Philippines kiện Trung Quốc thực hiện đường lưỡi bò thì Thủ tướng Campuchia Hun Sen ra mặt chống lại, tuyên bố bác bỏ bất kỳ phán quyết nào, bày tỏ sẽ ủng hộ Trung Quốc. Đó cũng là điều bình thường bởi mỗi nước có quyền chọn lối đi cho mình.
Dở là ở chỗ này: Nhiều tờ báo của VN vội vàng lên tiếng phân tích rằng Hun Sen nó nói gì kệ nó bởi Campuchia là nước không có liên quan, mày có ủng hộ hay không cũng chả nghĩa lý gì. Ô hay, lúc trước thì nịnh nọt chèo kéo cho bằng được, nay thấy nó thế vội giở giọng ngay, khác nào đuổi tiếp "những nước không liên quan" khác, rằng tao đéo cần chúng mày, tao chỉ lừa chúng mày thôi.
Lại còn điều nữa, nhiều ông bà, báo chí ra sức tán dương, nịnh nọt PCA, bảo rằng đó là tòa quốc tế, rất khách quan, công minh, đúng đắn, phán quyết của PCA sẽ đúng với thực tế... Thế nhỡ ra nó phán quyết ngược lại, nó ủng hộ Trung Quốc thì có chết không, nó khách quan đúng đắn mà chả nhẽ chống lại nó, không công nhận phán quyết của nó.
Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, các bố nhà ta tinh cầm đèn chạy trước ô tô.


Nguyễn Thông


Thứ Năm, 23 tháng 6, 2016

Hậu phương của người lính

    Vụ chiếc máy bay phản lực SU-30MK2 bị tai nạn trong khi bay tập luyện khiến một phi công hy sinh đang dấy lên những quan tâm của dư luận xã hội và truyền thông. Sự ra đi của thượng tá (sau đó được truy phong đại tá) Trần Quang Khải là đau xót mất mát không phải chỉ của thân nhân, gia đình anh mà còn tạo xúc động mạnh đối với người dân cả nước.
    Người lính, ở thời nào cũng vậy, luôn đối đầu với cái chết. “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” (Vương Hàn), xưa nay ra trận đánh nhau có mấy ai trở về, vẫn biết là thế nhưng trước sự hy sinh của người lính, nhất lại là đang thời bình, thật đáng suy ngẫm. Thực ra thời bình chỉ dành cho những người khoác áo dân sự thôi chứ đời binh nghiệp mấy khi có bình yên.
    Tôi nhớ truyện ngắn đặc sắc Một lần tới thủ đô của nhà văn Trần Đăng thời kháng chiến chống Pháp. Ông viết về người lính từ chiến khu trở lại thủ đô. Giữa phố phường hoa lệ, người lính dường như vẫn nguyên vẹn chất lính, ngay cả bước chân cũng đi theo lối đi của người đi rừng. Bản chất người lính là thế, và cuộc đời cũng mặc nhiên quy định vậy, không thể nào khác được.
    Những năm chống Mỹ, cả miền Bắc là hậu phương lớn. Những câu khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, “Hậu phương thi đua với tiền phương” có sức giục giã vô cùng lớn lao. Hậu phương vững mạnh, quan tâm đến người lính, đặc biệt về chế độ chính sách, đã làm cho anh bộ đội yên lòng khi đang lăn lộn nơi chiến hào đánh giặc.
    Chính sách hậu phương quân đội trong mọi chừng mực đều tác động đến cuộc sống tâm lý, tình cảm, ý chí, hành động của người chiến sĩ. Họ sẽ vững lòng và hăng hái hơn khi gia đình, người thân (bố mẹ, vợ con) nơi quê nhà được chính quyền, đoàn thể, nhân dân, các cơ quan có trách nhiệm quan tâm chu đáo, đảm bảo cả vật chất lẫn tinh thần. Và lẽ dĩ nhiên, chẳng ai có thể vững vàng tay súng nơi chiến trường nếu ở nhà bố mẹ già yếu thiếu bàn tay chăm sóc, vợ hoặc người yêu không có công ăn việc làm, con cái còn nhỏ dại thiếu thốn, đói ăn đói mặc…

Thứ Tư, 22 tháng 6, 2016

Điểm tin ngày 22.6

Quảng Bình quê ta ơi phá đường dây cá độ bóng đá hơn 3.000 tỉ
Mùa Euro vàng đâu phải chỉ coi đá banh mà là dịp đốt tiền
Trung Quốc đang chuẩn bị mở tuyến du lịch ra Trường Sa đất Việt
Sau khi tàu nó đã đưa người ra Hoàng Sa vui chơi cả mấy chuyến liền

Bảy người Việt bị phú lít Nhật bắt khi ăn trộm dưa ngoài ruộng
Trời ạ, ăn trộm, mà lại trộm dưa, cũng xuất khẩu ra ngoài
Vụ giám đốc sở ở TP.HCM (chứ không phải Sài Gòn) mời nhân viên về nhà ăn giỗ
Đảng và chính quyền đang khẩn trương lập hẳn… một hội đồng nhằm kỷ luật nay mai

Hun Sen Campuchia ra mặt công khai bênh đại ca Tàu cộng
Nó phù thịnh chứ chả phù suy, chẳng thèm giấu nữa rồi
Máy bay bị nạn “không lành nguyên” khiến một nhà báo được ưu tiên tước thẻ
Rút phép thông công ngay trong ngày lễ trọng, nực cười.

Cho đến giờ vẫn chưa tìm thấy máy bay CASA nằm nơi nào đáy biển
Chẳng tiếc máy bay, chỉ thương 9 con người
Học trò lại lều chõng tấp tểnh vào mùa thi khổ ải
Chỉ mấy bác trên bộ Học có thấy gì đâu cứ nhăn nhở rung đùi.


Nguyễn Thông

Thứ Hai, 20 tháng 6, 2016

Ngóng từng giờ trên mặt báo

Nói chính xác hơn, là ngóng từng giây từng phút. Tôi cảm thấy chưa bao giờ bạn đọc sốt ruột và trộng cậy vào báo chí đến vậy. Ngay chính bản thân tôi, lâu rồi thường làm việc khuya, hay ngủ nướng, vậy mà mấy hôm nay cũng dậy sớm hơn. Mới bảnh mắt, tuột khỏi giường, bước thấp bước cao chưa kịp đánh răng rửa mặt đã vội bật mạng internet, mở máy tính. Còn trong ngày, loanh quanh đi ra đi vào, chốc nhát lại dò tìm trên đủ các báo điện tử xem có gì mới chưa.

Ấy là tôi đang nói tới tâm trạng của mình cũng như rất nhiều người đang quan tâm đến 2 vụ tai nạn máy bay và cuộc tìm kiếm những người lính mất tích. Các anh ấy làm nhiệm vụ Tổ quốc và nhân dân giao phó, giờ đây giữa trời cao bể rộng, không biết đang nằm ở nơi nào. Lòng người đang nóng như lửa đốt. Mỗi phút trôi đi là thêm chút rủi ro. Tính mạng những người lính của chúng ta đang được tính bằng phút. Bỗng dưng chỉ mong vào cái thời khắc nào đó, báo chí vỡ òa lên thông tin đã tìm thấy các anh. Chưa bao giờ ngóng báo đến vậy.

Cứ đến dịp này, ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21.6, người ta lại sôi nổi luận bàn về báo chí, nhà báo. Nào là định hướng, trách nhiệm, nghề nghiệp, đạo đức, bút sắc long trong, nào là kinh nghiệm, tay nghề, điều hay điều dở… Gần một thế kỷ, báo chí cách mạng đã rong ruổi, thường là nước kiệu, trên con đường mà dân tộc đã đi thì có biết bao điều để cùng nhau ôn lại, tự hào, rút kinh nghiệm. Báo chí mặc nhiên là một phần không thể thiếu của cuộc sống, như ta phải ăn cơm hằng ngày vậy.
Người nông dân đem cho đời hạt gạo cây rau, ngư dân cho con cá, diêm dân cho hạt muối, còn báo chí mà cụ thể là nhà báo cho chúng ta thông tin. Dòng đời trôi không ngừng, thông tin sinh sôi nảy nở không ngừng, báo chí chính là bình chứa cung cấp cho mọi người nguồn nước thông tin ấy. Tôi nghĩ rằng, chả cần phải đao to búa lớn, đại ngôn này nọ về vai trò, nhiệm vụ, chức năng… của báo chí, chỉ cần gói lại rằng báo chí đồng nghĩa với thông tin, đáp ứng nhu cầu thông tin cho con người, thế là đủ.

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

Huy hoàng trước khi tắt

BÁ TÂN (nhà báo)
           Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối.
           Còn hơn buồn le lói trăm năm.
           Câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu sống mãi với thời gian.
           Không phải thời kỳ Thơ mới mà hiện thời và kể cả sau này, cách sống ấy vẫn được nhiều người lựa chọn.
            Đâu chỉ là trong thế giới tình yêu trai gái. Hiện thời, khi mà tham nhũng trở thành quốc nạn, một bộ phận không nhỏ trong hàng ngũ “đầy tớ của dân” luôn tạo ra cơ hội vơ vét đầy mọi thứ.
            Trong tình yêu đôi lứa, chỉ cần một phút huy hoàng nồng cháy, đã tạo nên sự huy hoàng ngây ngất dài lâu, có khi cả đời vẫn còn hoài niệm.
            Trong sự nghiệp làm giàu của giới quan chức, sự huy hoàng không phải 1 phút mà là ngày nối ngày, liên tục nhiều tháng, kéo dài cả một nhiệm kỳ. Đó là sự huy hoàng đen tối.
           Tham nhũng có thâm niên. Ăn hối lộ trở thành kinh niên. Chưa mất chức là chưa từ bỏ cướp đoạt tiền thuế của dân.
            Ông Vũ Huy Hoàng, cựu bộ trưởng Bộ Công thương, đúng như tên gọi, thể hiện sự huy hoàng đen tối nhiều năm, kể cả những ngày cận kề rời nhiệm sở.
            Sự huy hoàng của ông Hoàng đem lại cho ông tiền núi, vàng bì.
            Ngành công thương lụn bại bởi cái sự huy hoàng đen tối của ông Hoàng.
            Người dân khốn khổ bởi xăng dầu mua rẻ, bán đắt. Ngành dầu khí coi tiền bạc như rác, chia chác bạc tỉ coi như củ khoai, mẩu bánh. Nhiều năm cai quản ngành công thương, ông Hoàng vơ vét đủ thứ từ xăng dầu và dầu khí.

Chuyện đại học (5)

Như đã biên trong bài trước, đời dạy học của tôi gắn với Trường dự bị đại học TP.HCM 17 năm trời (từ năm 1977 đến 1993, và thêm năm 1995 sau đó). Gần như phần tuổi xuân, cái thời hăng hái nhất đời tôi gắn với nghề dạy, sau này bỏ nghề, những lúc vẩn vơ nghĩ lại cũng tiêng tiếc.

Khoảng mấy năm đầu thập niên 80, hình như năm 1982 thì phải, phong trào luyện thi đại học được khơi lên. Đành rằng do nhu cầu mà phát sinh nhưng có thể nói luyện thi đã dần dà làm hỏng chất lượng đại học. Những học sinh trình độ kém, ít tài năng sau cú trượt lần 1 đã dồn hết sức cho đợt luyện thi, chỉ học ròng rã 3 môn theo khối thi, làm gì mà không đủ khả năng đánh bật được những học sinh phổ thông mới tốt nghiệp, tuy khá và giỏi nhưng vừa trải qua kỳ thi vất vả, đã mệt nhoài nên khó đua tranh.

Trong suốt gần hai chục năm trời, Trường dự bị đại học TP.HCM nổi tiếng là trung tâm luyện thi uy tín, mỗi năm thu hút hàng nghìn học sinh khắp cả miền Nam. Có những năm, vào thời điểm hoàng kim luyện thi, thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Năm phải ra lệnh hạn chế nhận thí sinh vào trường mặc dù nhận vào là có tiền, bởi không đủ chỗ học, giáo viên dồn giờ dạy cho luyện thi nhiều quá nên chểnh mảng nhiệm vụ chính. Đồng tiền kiếm từ luyện thi giúp cho đời sống giáo viên khá hơn nhưng hầu như chả mấy ai nghĩ rằng chính họ đã góp phần làm hư hỏng hệ đại học. Tôi có anh bạn là giảng viên Trường đại học Tổng hợp, bên ấy cũng căng ra luyện thi, anh kể có ngày dạy luyện thi tới 10 tiết, sáng 4, chiều 4, tối 2, chỉ kịp nhét miếng cơm vào mồm rồi cuống cuồng lên lớp. Lúc nào cũng thèm ngủ. Sài Gòn những năm đó trong giới giáo viên tồn tại một câu lạc bộ có tên CLB 30 triệu. Ai dạy luyện thi thu nhập 30 triệu đồng/tháng thì đương nhiên được gia nhập CLB này. Đồng tiền khiến nhiều thầy cô bị say, say tiền. Một thầy ở trường tôi cũng vậy, thầy Nguyễn Loan dạy toán, dạy nhiều đến mức bị kiệt sức, suy nhược cơ thể, vào bệnh viện được vài hôm thì mất.

Nhưng không phải thầy cô nào cũng khá lên nhờ luyện thi đại học. Chủ yếu là các môn phục vụ khối thi A và B (toán, lý, hóa, sinh) thôi chứ đám văn sử địa hầu hết vẫn đói dài. Tôi cố trụ mãi nhưng học sinh luyện thi môn văn cứ ngày càng ít dần. Chả muốn kéo dài tình trạng vừa lên lớp, vừa giữ xe cho học trò, vừa nuôi gà công nghiệp… nên đầu năm 1993 tôi quyết định xin nghỉ, đi làm thuê cho nước ngoài. Thầy Nguyễn Văn Vy bạn tôi đùa bảo giá dấn bước thêm tí nữa ra bến Nhà Rồng nhân tiện tìm đường cứu nước cứu nhà luôn có phải một công đôi việc không. Tôi xuống phòng hành chính ký nhận cái quyết định nghỉ việc và qua phòng tài vụ lĩnh cục tiền, được hơn 3 triệu đồng, tính ra sau 16 năm làm việc cho nhà nước được gần 7 chỉ vàng. Số tiền ấy chưa kịp dùng vào việc gì thì một người quen cùng quê là bộ đội ở Cần Thơ lên hỏi mượn, hẹn 1 tuần trả. Vợ chồng tôi nể quá, đưa rồi mà cứ lo lo. Sau 2 tuần chả thấy y đâu, từ bấy bặt luôn không gặp lại con nợ nữa. Xuống Cần Thơ dò hỏi, hóa ra anh ta bị quân đội loại ngũ, đã lừa một lượt tất tật người quen rồi đùm đúm cả vợ con kéo nhau bùng mất. Sau 16 năm, tôi quay lại thời ban đầu với hai bàn tay trắng.

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2016

Đâu cánh dù ôm gió? Đây cánh dù ôm kín đời anh!

MAI BÁ KIẾM (nhà báo, cựu phi công)

Khuya hôm qua, đọc báo online, thấy Dân Trí và Người Lao Động cùng giật tít: “Tìm thấy thi thể phi công Trần Quang Khải cuộn trong dù”. Còn theo Báo Nghệ An, phi công Khải được tìm thấy trong tình trạng dù quấn chặt vào người. Tôi bỗng nhớ lời nhạc Trần Thiện Thanh trong bài “Anh không chết đâu anh”: “Đâu cánh dù ôm gió? Đây cánh dù ôm kín đời anh!”. Tôi xin mặc niệm phi công Trần Quang Khải bằng lời nhạc lính Cộng hòa. Có những lời nhạc phía bên này không những vượt thời gian, mà còn vượt không gian, qua bên kia chiến tuyến. Thí dụ, bài “Xuân này con không về” của Duy Khánh đã làm nhiều bộ đội chống Mỹ phải khóc khi nghe!

Trần Thiện Thanh viết: “Đây cánh dù ôm kín đời anh” để ví von sự đùm bọc nhau giữa cánh dù và lính dù, nhưng với phi công mà để cánh dù ôm kín lúc rơi xuống nước là thảm họa. Tháng 6/1974, tôi học 3 tuần lễ nhảy dù trước khi học lái phản lực cơ T.37 tại Shepard Air Force Base (Mỹ). Theo lý thuyết, nếu phi công nhảy dù thoát hiểm mà bên dưới là biển, sông, hồ thì việc đầu tiên là lấy dao móc ra móc đứt dây giày Bốt Đờ Sô và ném giày xuống nước, vì giày bó mắt cá và rất nặng nên khó bơi. Khi còn cách mặt nước 5 m, dùng tay mở khóa đai bụng của bộ đai dù (harness) thì hai đai dưới háng và hai đai trên vai sẽ bung ra, phi công nặng hơn sẽ rơi tự do xuống nước, vòm dù (rộng 80 m vuông) sẽ bọc gió bay đi chỗ khác. Nếu không tháo đai dù (release the harness), vòm dù sẽ trùm lên đầu phi công và 64 sợi dây dù sẽ trói tay và chân phi công.

Thương các anh

Vậy là anh Khải - Su 30 đã trở về đất mẹ.
Mẹ Tổ quốc run rẩy vòng tay khóc đón anh về
Niềm hy vọng mong manh rồi cuối cùng đã tắt
Chỉ còn sóng biển gầm gào buồn bã ngoài kia.

Và vẫn còn 9 người con lạc trong biển rộng
Các anh ơi, dân đang ngóng các anh về
Lại hy vọng dẫu hiểu rằng cũng mong manh lắm
Mỗi giây phút trôi qua lòng đau quặn tái tê.

Mỗi con sóng một nấm mồ vĩnh biệt
Trời xanh thăm thẳm như nỗi đau thắt tận trong lòng
Hồn người lính lang thang giữa trời cao bể rộng
Mây trắng tựa khói nhang bay mãi đến vô cùng.

Nguyễn Thông


Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2016

Từ chuyện ngược đãi gia súc...

BÁ TÂN (nhà báo)
          Nếu tổ chức hoặc cá nhân nào đó của Việt Nam đưa ra đề xuất không được ngược đãi đối với gia súc, ngay lập tức sẽ bị quy cho là tâm thần.Thậm chí nếu tụ tập kèm theo biểu ngữ, nhằm đưa ra đề xuất nói trên, khó tránh khỏi bị bắt bớ cùng với nhiều hệ lụy rắc rối.
          Nhưng đây không phải đề xuất, mà là quy định, mang tính pháp lý của một quốc gia thuộc nhóm các nước phát triển. Thế mới biết, để trở thành một nước phát triển, không chỉ gục cổ hùng hục làm để căng túi tiền mà còn phải đứng trên đỉnh cao của nền văn minh nhân loại.
         Úc là quốc gia xuất khẩu gia súc cho Việt Nam, chủ yếu là bò. Bò nhập khẩu từ Úc không phải để chăn nuôi, mà là giết mổ, bán thịt cho thực khách sành ăn và thu nhập cao.
         Theo quy định của Úc, kể cả sau khi nhập khẩu vào Việt Nam, tuyệt đối cấm, không được ngược đãi gia súc. Khi giết mổ, cướp đi sự sống của gia súc, cũng không được sử dụng hành vi man rợ.
         Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Úc. Sau khi nhập khẩu, bò của Úc được giết mổ theo kiểu truyền thống Việt Nam. Dùng búa tạ giáng liên tiếp vào đầu, đến lúc bò quỵ xuống và tắt thở lúc đó mới dừng tay.
         Bò chết theo cách giết mổ của Việt Nam. Người giết bò trở thành kẻ sát sinh man rợ.
         Úc không cho phép giết bò nhập khẩu của họ theo kiểu man rợ của Việt Nam.

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2016

Chuyện phi công

Hồi nhỏ tôi chỉ ao ước nhớn lên được làm phi công, chí ít thì cũng bộ đội biên phòng. Nhưng cu Tịu cùng tuổi với tôi kể rằng anh Sửu nó đi khám sức khỏe tuyển phi công bị loại ngay từ vòng đầu bởi răng thưa quá, lại chẫng một cái. Tôi thì có 2 cái răng sâu, vậy là xịt mơ mộng bay trên giời. Còn biên phòng cưỡi ngựa cũng chả được, đếch ai cho đứa gầy còm giơ xương phi ngựa bao giờ. Giữa ước mơ và hiện thực luôn có khoảng cách phũ phàng như vậy.

Lúc nhớn lên chút nữa, nghe người ta kể phi công ăn uống sướng lắm, tiêu chuẩn chủ tịch quốc hội như ông Trường Chinh cũng không bằng. Hỏi sướng làm sao, họ bảo phi công chả bao giờ ăn thịt gà mà chỉ ép lấy nước cốt, uống một bát cũng giá trị tẩm bổ bằng ăn cả con. Kinh thật. Mình mỗi năm đôi lần tết nhất giỗ chạp mới được ăn thịt gà, mà cũng vài miếng gọi là, nghe vậy kính nể phi công lắm. Riêng khoản gà ít nhất cũng phải 365 con một năm, ai mà chả hãi.

Phi công chú nào cũng đẹp trai, cao lớn. Nhìn ảnh các chú Trần Hanh, Phạm Ngọc Lan, Nguyễn Văn Bảy, Lâm Văn Lích, sau nữa là Nguyễn Văn Cốc, Nguyễn Hồng Nhị…, chú nào cũng đẹp ngời ngời, càng hiểu mình chả bao giờ thành phi công được. Loại xấu xí ốm yếu như mình, chó nó tuyển. Tắt hẳn hy vọng thành phi công từ đấy.

Phi công được đi học tít tận Liên Xô, đương nhiên là nói tiếng Nga rào rào, riêng khoản ngoại ngữ đã nể rồi. Hồi những năm 60 ở miền Bắc ít người biết ngoại ngữ lắm. Số người biết tiếng Pháp như thày tôi chẳng hạn giờ đây chả có đất dụng võ, chỉ lâu lâu lấy sách ra đọc cho đỡ nhớ. Chính quyền không bắt đi tù bởi biết tiếng Pháp là may lắm rồi. Giờ tiếng Nga là thống soái. Xấu trai mà thạo tiếng Nga vẫn lấy được con gái cực đẹp. Còn người biết tiếng Anh cũng hiếm lắm. Trường cấp 3 Kiến Thụy của tôi cả trường chỉ có mỗn thầy dạy tiếng Anh, tuổi cũng gần 50. Khi có hội nghị Paris năm 1968, thầy bị trung ương mượn đi phiên dịch, thế là đám học trò đang học dở tiếng Anh được chuyển qua học tiếng Nga, chúng nó mừng muốn chết. Học tiếng Anh thì đi Liên Xô thế quái nào được.

Chuyện coi vô tuyến truyền hình

Kể từ hôm 15.6.2016, đài truyền hình VTV với tên gọi rất oai là truyền hình quốc gia, hoặc truyền hình trung ương, ngưng phát sóng analog. Một số đài địa phương lớn khác như Hà Nội, Sài Gòn cũng vậy. Thế là xong một thuở vô tuyến truyền hình.
Tôi dốt về kỹ thuật nên cứ liều hiểu truyền hình analog là kiểu phát-thu cổ điển các chương trình. Nhà đài dựng cái cột phát sóng rõ cao, thậm chí có nơi còn lôi hẳn lên núi để “núi cao lên đến tận cùng/thu vào cột sóng muôn trùng nước non” như ở Ba Vì chẳng hạn, tỏa ánh sáng của đảng đến mọi ngóc ngách. Mỗi nhà có tivi chỉ cần mua cái ăng ten loại 8 que, 12 que, 24 que (tùy túi tiền), cũng treo lên thật cao, nóc nhà, ngọn cau, hoặc chắp vài ba cây tre lại. Ở nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ do dân sung túc lắm tiền nên chơi sang xài ống nước to bằng cổ chân cao mấy chục mét giằng dây ra bốn phía. Nối dây từ ăng ten xuống tivi, thế là xong phần kỹ thuật cơ bản. Chỉ việc xem thôi. Analog đại loại như vậy.
Những năm xưa, có một thời khi về những vùng nông thôn, tiêu chuẩn để đánh giá sự giàu có không còn là nhà ngói, nhà mái bằng nữa mà là cột ăng ten. Nơi nào ăng ten nhấp nhô ken dày, trông tua tủa như con nhím trời thì nơi đó giàu có, sung túc, văn hóa cao, nông thôn mới. Hồi những năm 80, nhiều chuyến tôi về miền Tây Nam Bộ, đi dọc quốc lộ 4 cũ, nay là quốc lộ 1A, qua Long An, Tiền Giang (các huyện Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè) tuốt xuống ngã ba An Hữu gần bắc (phà) Mỹ Thuận, nhìn hai bên đường nhà dân xanh mướt cây ăn trái, ăng ten nhô cao san sát, thấy đẹp lạ và vui khó tả.

Quy trình của lòng tham

LÊ THANH PHONG (nhà báo)
Nếu như ông Hải không phải con của ông Hoàng thì dù có chức to hơn chắc cũng không ồn ào vậy đâu.
Và, nếu ông Hải không phải là con của ông Hoàng thì cũng không dễ gì về làm Phó Tổng giám đốc Sabeco.
Sabeco là tọa độ của lợi ích, là nơi chốn để đếm tiền. Nếu con cái của cỡ bộ trưởng, tình nguyện đi những nơi đầu sóng ngọn gió, chịu khó khăn gian khổ thì dù không cần thanh minh dân chúng cũng cam đoan bổ nhiệm đúng quy trình. Còn tìm đến nơi lương tiền tỉ, chưa kể lậu, thì dù có nói đúng quy trình, dân chúng cũng chỉ nghĩ đến quy trình của lòng tham mà thôi.
Dân chúng đã quá mệt mỏi vì "thái tử" rồi.
Người ta hay nói đến “đạo làm quan” nhưng mấy ai thấm thía về đạo lý này. Làm quan giữ cho mình liêm chính đã khó, giữ luôn cả đời con cái khó vạn lần. Con cái bá tánh gặp vận may lên tới chức như ông Hải, dân gian khen tài. Còn con của bộ trưởng, lại bị khinh chê. Cái khổ của làm quan là chỗ đó.
Giữ cho con thế nào đây! Nếu như con quan mà giỏi giang, tài đức thì phải để con nối nghiệp cha, như ai đó từng nói “con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc”.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói là do Sabeco có công văn thiết tha xin đích danh. Đảng ủy cơ quan bộ đã xem xét đúng quy trình. Phải là người tài đức vẹn toàn thì một nơi có tọa độ lợi ích thơm lừng như thế mới trải thảm đỏ thiết tha mời chứ.
Con cái thiên hạ giỏi giang đầy ra đó, sao không ai được mời mà phải mời ông Hải.
Lê Thanh Phong
(Theo Facebook Lê Thanh Phong, https://www.facebook.com/letiensinh1965/posts/519393388249140)

(Ghi chú của chủ trang: Ông Hoàng tức ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương; ông Hải tức ông Vũ Quang Hải, là con ông Vũ Huy Hoàng)

Thứ Ba, 14 tháng 6, 2016

Không thể để như thế được nữa

PHẠM QUANG LONG (nguyên Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội)

Chú em từ nhà quê gọi điện lên:"Mấy hôm nay bác đi đâu thế?". "Tôi ở nhà suốt". "Bác không biết gì à? Họ tuyên dương những con người bình dị bằng hình ảnh học tập trước tác Mao Trạch Đông. Bác cứ mở lại chương trình văn nghệ trên VTV tối 11.6 thì biết".

Mở lại chương trình. Đây là chương trình do báo Quân đội nhân dán và VTV phối hợp. Hai cơ quan truyền thông lớn, quan trọng thế mà để xảy ra lỗi nghiêm trọng này thì không tưởng tượng được. Lần trước, tôi không nhớ do đơn vị nào của Quân đội cũng chon nhạc Tàu làm nhạc nền cho Chủ tịch nước lên phát biểu. Lần này hai cơ quan truyền thông còn làm việc tệ hại hơn. Một nỗi thất vọng lớn, một nỗi tủi hổ, một sự bất bình không nén được. Một sự bất an khiến day dứt. Không thể biện minh vì lý do gì được vì hình ảnh dân Trung Quốc với trang phục, mũ mãng, tay cầm sách đỏ, mặt mũi hớn hở và dòng chữ Tàu to như thế thì nhầm làm sao được? 

Những chương trình loại này bao giờ cũng có duyệt maquett trang trí, nội dung và ca sĩ, còn sơ duyệt, tổng duyệt nữa. Họ đã làm gì để những chuyện kiểu này không chỉ một lần? VTV vài năm nay có quá nhiều sự lộn xộn. Tôi không nói đến những chuyện khác nhau trong quan niệm như vụ "đấu tố" anh này chị kia về động cơ viết FB hay làm từ thiện. Tôi chỉ muốn nói đến những vấn đề chính trị, quan hệ quốc tế, hành xử với dân... mà nhà đài đã thiếu trách nhiệm khi đưa tin, dựng chương trình để dẫn đến những phản ứng của xã hội, gây bất lợi cho việc xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội.

Để xảy ra những việc này, tôi nghĩ các cơ quan có trách nhiệm nên ngồi lại xem xét trách nhiệm của từng người và các đơn vị liên quan. Đây chính là lúc nên hỏi thật kỹ "động cơ" họ làm những việc này để làm gì? Những chuyện 2 bộ thừa hơn 200 xe công, cán bộ mắc khuyết điểm lớn mà 3 năm luân chuyển 3 lần, lên chức mới, thoát khuyết điểm cũ ở lĩnh vực khác, ngồi vào ghế lãnh đạo, lại được cơ quan quản lý đánh giá năng lực tốt, phẩm chất tốt, ở lĩnh vực tinh thần thì như thế này, tôi thấy ngột ngạt quá. Không chỉ là chuyện kỹ năng nghiệp vụ nữa mà là ý thức trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm công dân. Khi tất cả những thứ đó không còn hoặc kém quá thì cũng nên cho họ nghỉ, giao việc ấy cho người khác để họ đừng tiếp tục gây hại cho xã hội nữa.


Việc nóng lắm rồi, không nên để chìm đi và cũng không nên xử lý theo kiểu rút kinh nghiệm nữa. Làm thế, chỉ hỏng việc thêm thôi.
Phạm Quang Long
(theo Facebook Phạm Quang Long, https://www.facebook.com/long.phamquang.35/posts/1378487152167076?pnref=story)

Thứ Hai, 13 tháng 6, 2016

Chạy luân chuyển

BÁ TÂN (nhà báo)
           Ngày xưa có chuyện cưới chạy tang. Họa hoằn lắm mới làm như vậy.
           Thời nay, cái sự chạy đa dạng lắm. Phổ biến đến mức muốn làm quan, đã làm quan đều phải chạy. Tài đức cũng bằng thừa, nếu không chịu chạy.
           Chạy chức. Chạy tội. Chạy dự án. Chạy luân chuyển vv và vv.
           Chính ông Nguyễn Phú Trọng, trong lần phát biểu tại một hội nghị xây dựng đảng, đề cập dư luận xã hội nêu vấn đề chạy luân chuyển. Ông Trọng đặt câu hỏi: có hay không chuyện chạy luân chuyển, ai chạy, chạy ai?
           Tận bây giờ ông Trọng mới nêu chuyện chạy luân chuyển.
           Người dân và  những cán bộ chân chính, đã lên tiếng lột mặt nạ chạy luân chuyển từ lâu, ngay từ khi sinh ra chủ trương này.
           Nhìn vào từng trường hợp luân chuyển, dân chúng dễ dàng nhận ra đáp số chạy hay không chạy.
            Cũng là luân chuyển nhưng có chạy hay không sẽ cho đáp số hoàn toàn khác biệt.
            Luân chuyển, nếu không chạy, là xuống thang, phải đến những nơi đầu thừa đuôi thẹo. Sau khi luân chuyển chỉ ngồi chơi, xơi nước.
            Chạy để được luân chuyển bằng giá cao, giống như vào siêu thị tự chọn, thích gì được nấy.
            Vị trí nơi được luân chuyển tỷ lệ thuận với khoản tiền dùng để chạy. Dĩ nhiên ở đây còn có sự bổ trợ của phe cánh, lợi ích nhóm.

Chuyện công an

Ở xứ mình, điều tôi muốn đề cập có nhẽ chỉ thua xứ Nga la tư là cùng. Bên ấy từ lâu rồi, dạo còn Liên Xô liên xiếc, mấy ông đứng đầu công an, tình báo, KGB, an ninh đã lên làm tổng bí thư, tổng thống vùn vụt. Hiện giờ, tổng thống là ông Putin, một sĩ quan KGB gộc. Hết nhiệm kỳ, rất mưu mẹo và trắng trợn, đúng chất an ninh, đảo qua đảo lại, làm tổng thống dễ như lấy món đồ trong túi.
Dù An Nam lâu lắm rồi mới có ông thượng thư bộ Hình lên làm nguyên thủ, đứng đầu nước này nhưng cần phải nói rằng bộ máy nhà nước đã bị chi phối bởi công an từ tám hoánh, dư luận gọi là "công an trị". Nói không ngoa, quyền của công an là vô cùng vô tận. Chính vì thế, làm công an mà đã leo lên đến tướng, tá thì tha hồ ăn nói, chả sợ bố con thằng nào. Không tin ư, coi nè: 

1. Dư luận đang lùm xùm vụ trung tướng công an Nguyễn Hữu Ước đòi kiện ông luật sư Trần Đình Triển, liên quan đến mấy cái dự án nhà đất của báo Công an nhân dân. Ông Ước tức lắm, ông bảo với bọn ký giả báo Vietnamnet rằng:
“Tôi là người tướng ra trận thì lúc cấp bách phải ra quyết định, sau đó sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ, Tổng cục sau”. (trung tướng Hữu Ước nói về việc trả dự án nhà ở của báo CAND, khi nhà báo hỏi tại sao lại tiền trảm hậu tấu, không chịu báo cáo cho cấp trên mà tự ý làm trước).
Thời @ ở giữa thủ đô dây điện nhằng nhịt như mạng nhện, cột phát sóng tua tủa quá cọc sông Bạch Đằng mà nghe cứ như thời Tam quốc, muốn báo tin phải chạy ngựa trạm. Bất giác liên tưởng chuyện Tư Mã Ý cầm quân giáp đất Xuyên, cách Hứa Đô hơn 2 nghìn dặm, bảo với bộ tướng rằng tướng quân tại ngoại, cứ đánh bắt phản tặc Mạnh Đạt đã, rồi gọi dây thép về báo cáo Ngụy chủ Tào Phi sau. Nếu đợi xin ý kiến xong, được chúa thượng đồng ý mới đánh thì đối tác Mạnh Đạt nó chạy mẹ nó mất mất.
Nghe tướng Ước chém gió phần phật vậy, mình chỉ biết nhận xét: Tử sinh liều giữa trận TIỀN/Dạn dày cho biết gan liền tướng quân.

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2016

Chuyện dài xe công

Nói không quá lời, việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa yêu cầu Ban Kiểm tra Trung ương Đảng và các ban ngành, địa phương liên quan phải làm rõ những vấn đề “chưa tỏ” dính dáng tới ông Trịnh Xuân Thanh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, là được khởi nguồn từ chuyện chiếc xe công, còn gọi là xe biển xanh. Nếu không có sự phát hiện tình trạng lạ đời của chiếc xe biển xanh ấy, có thể mọi điều vẫn trôi chảy bình thường, thậm chí tất cả, kể cả ông Thanh, đều tốt đẹp.

Những ồn ào của dư luận và báo chí, những thắc mắc của người dân rồi sẽ sớm được giải đáp sau kết luận của Trung ương, cụ thể là nguồn gốc lai lịch thực của chiếc xe, việc cấp biển số sai quy định, việc đề bạt luân chuyển cán bộ, việc xét khen thưởng thi đua, việc sử dụng đánh giá con người… Cái sảy nảy cái ung, chỉ cần sai một công đoạn, một khâu nào đó cũng sẽ dẫn đến hàng loạt sai phạm khác, mà trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh là ví dụ điển hình.

Ở đây, chúng tôi chỉ nêu ra vấn đề đã được bàn thảo lâu nay mà chưa đi đến đâu: chuyện xe công.

Tôi nhớ không lầm, cách nay đúng 10 năm, dư luận ồn lên về chuyện xe công khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết về khoán xe công. Nghị quyết được ban hành nhưng sau đó không mấy cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện. Hình như dạo ấy chỉ duy nhất có ông Trần Quốc Thuận, Phó chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội gương mẫu chấp hành. Ông trả lại nhà nước chiếc xe tiêu chuẩn cấp cho ông, và đương nhiên không cần tài xế riêng, ông tự đi làm bằng taxi, xe ôm. Chấm dứt việc nhà nước phải chi ra cả đống tiền mua xe, trả lương lái xe, sửa chữa xe, bảo trì bảo dưỡng xe định kỳ… Một cán bộ cấp cao có hàm tương đương thứ trưởng đi làm công vụ bằng phương tiện xe ôm, cứ như chuyện cổ tích, chuyện bịa. Người khen cũng lắm, kẻ chê cũng nhiều. Có người còn mỉa, cho là ông Thuận làm màu, ra vẻ ta đây. Nhiều cán bộ to không thích việc ông Thuận làm bởi nó ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Rốt cục, đến nay dường như mới chỉ có một mình ông Thuận áp dụng nghị quyết của Quốc hội.

Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2016

Đọc báo

1.Vụ ông Thanh.
Nghe bà Nguyễn Thị Kim Ngân và ông Nguyễn Hạnh Phúc hôm trước nói rổn rảng rằng cuộc bầu cử đã thành công tốt đẹp, các cơ quan đoàn thể đã sáng suốt giới thiệu, người dân đã sáng suốt lựa chọn những cán bộ đảng viên ưu tú nhất vào quốc hội. Vậy cho tôi hỏi, tại sao lại tòi ra đồng chí Trịnh Xuân Thanh xe biển xanh, người từng phá nát một tổng công ty nhà nước gây thiệt hại hơn 2.000 tỉ đồng, đích danh bị ông Nguyễn Tấn Dũng thời còn làm thủ tướng yêu cầu xử lý, lại vừa trúng cử với tỷ lệ phiếu cao. Thành công kiểu thế ư? Mà liệu có phải chỉ một đồng chí dạng như đồng chí Thanh trúng.


Và đây nữa, "Ngày 13/5/2016, HĐND tỉnh Hậu Giang tổ chức kỳ họp bất thường thông qua tờ trình của Chủ tịch UBND tỉnh về việc giới thiệu và đề cử nhân sự bầu bổ sung chức danh Phó chủ tịch UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2011-2016" (trích báo Vietnamnet).
Nếu ông tổng bí thư làm quyết liệt để trong sạch bộ máy, tôi nghĩ người dân phần lớn sẽ ủng hộ. Nhưng, những sai phạm của ông Thanh hồi ở Tập đoàn Dầu khí, không bị xử lý mà được đá hất lên, rõ ràng có trách nhiệm của ông Tô Huy Rứa, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Nay ông Rứa hưu rồi, chả làm gì được nhau.
Tuy nhiên, cú đất hất tiếp sau, tháng 5.2016 đưa ông ấy về Hậu Giang làm Phó chủ tịch, gọi mỹ miều là "luân chuyển cán bộ", dứt khoát liên quan đến ông Phạm Minh Chính, ủy viên Bộ Chính trị, đương kim Trưởng ban Tổ chức Trung ương, nơi quyết định cuối cùng về bổ nhiệm cán bộ cấp cao.
Vậy ông tổng bí thư có dám làm gì ông Chính không, chúng ta hãy chờ xem, hay chỉ lửa rơm.


2.Chặt chân bò
Báo TN hôm nay có bài phản ánh việc rộ lên tình trạng chặt đùi bò ở Phú Yên. Con bò nhà người ta đang thả, nó rình chặt lấy 2 cái đùi, chỉ lấy 2 cái đùi, mặc cho con bò chết sau đó.
Tôi sống hơn nửa đời người, chưa bao giờ thấy con người ác như bây giờ, xã hội quỷ tha ma bắt như bây giờ. Nó đang tâm vác dao chặt vào đùi con bò đang ăn cỏ, chỉ nghĩ đến thế là thấy quá khốn nạn. Chặt lấy đùi một con bò không chút ghê tay, nó ngại gì mà không chặt tay người để cướp vòng vàng, chém cổ người để cướp dây chuyền, không còn khoảng cách nữa.
Thế hệ tôi, lỡ đạp phải đuôi con mèo cũng xót xa, thấy mình bất nhân. Giờ thì hết cả lòng nhân rồi. Trời ạ.


Nguyễn Thông


Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

Chuyện đại học (4)

    Bài trước, tôi có nhắc về cái trường đặc biệt mà đầu năm 1977 tôi ba lô, khăn gói quả mướp từ Hải Phòng vào Sài Gòn nhận công tác. Tiền thân của nó là Viện đại học cộng đồng Tiền Giang, một mô hình mới mẻ của giáo dục đại học ở miền Nam. Sau 1975, viện được chuyển tên thành Trường đại học cộng đồng Tiền Giang, rồi đến năm 1982 đổi lần cuối thành Trường dự bị đại học TP.HCM. Lai lịch vắn tắt như vậy để lý giải vì sao nó lại có 2 cơ sở, chính thì ở khu của Đại học Văn khoa cũ tại 91 Nguyễn Chí Thanh, Q.5, Sài Gòn, còn phụ (lúc đầu là chính) ven quốc lộ 4, cách ngã ba Trung Lương khoảng 2km, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Những năm đầu trong nghề, tôi phải thường xuyên dạy cả hai cơ sở, nửa đầu tuần ở Sài Gòn, nửa cuối tuần thì Tiền Giang.
    Như đã nói, học viên của trường chỉ học 1 năm học rồi vào đại học. Tuy thiếu vài ba điểm để được vào thẳng đại học sau kỳ thi tuyển sinh nhưng trong số họ có nhiều cô cậu rất giỏi. Trò của tôi sau này vào đời nhiều người thành đạt, thậm chí làm quan to, không phải bởi thầy cô giỏi mà chủ yếu là họ rất thông minh, có tài. Họ lỡ một nhịp chẳng qua do số phận, kể cả học tài thi phận, chứ không như ai nói “vào dự bị là thuộc diện ngu rồi”.
    Tôi nhớ không chính xác, năm học 1979-1980 hoặc 1980-1981 thì phải, tôi xuống dạy ở cơ sở 2 Tiền Giang. Ngoài lớp C chuyên về văn sử địa (anh Lê Đình Khẩn, chị Huỳnh Thanh Diệu, chị Kim Chi… học lớp này) còn có 2 lớp B1, B2 của khối B cũng phải học môn văn, 5 tiết/tuần. Lớp B2 có một chị dù thi khối B nhưng học rất giỏi môn văn của tôi. Hồi thi cuối học kỳ 1, tôi ra đề luận về bi kịch cá nhân trong truyện Kiều, chị ấy viết cực hay, nhiều ý mới mẻ táo bạo, thoát hẳn những quan niệm suy nghĩ phổ biến lúc bấy giờ, tôi đọc hết sức sửng sốt, không ngờ một người học khối B lại giỏi văn đến thế. Cho điểm 10. Điểm 10 duy nhất trong đời dạy học của tôi. Tôi đưa bài cho một đồng nghiệp là thầy Nguyễn Văn Vy (anh Vy học khóa 16 khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, đầu năm 1976 đã có mặt ở Sài Gòn, đã mất), anh bảo tôi, nếu có điểm 11 thì sẽ cho điểm đó. Chả biết người viết có còn giữ được bài văn không. Sau này chị ấy học Trường đại học Tổng hợp TP.HCM, ra trường về các cơ quan báo chí, đã từng là Phó tổng biên tập một tờ báo của TTXVN, tổng biên tập một tờ báo của TP.HCM, một blogger nổi tiếng (tuy cái nickname hơi dữ). Một người rất có cá tính và có tài, tôi rất phục. Từ bấy đến giờ tôi không gặp chị ấy, nhưng có dạo suýt nữa thì chỉ là sếp của tôi. Đời người chẳng ai ngờ được chữ ngờ.
    Trường tôi cũng giống như nhiều trường đại học khác của miền Nam sau 1975, đội ngũ giáo viên có rất nhiều giáo viên cũ, được lưu dung. Thú thực, lúc đầu nhiều giáo viên, giảng viên, cả già lẫn trẻ ở miền Bắc vào, mang tư thế của Bên thắng cuộc nên thường ra vẻ ta đây, coi trời bằng vung. Ngược lại, số lưu dung kia thì mặc cảm, rụt rè, e ngại, cam chịu. Nhưng môi trường khoa học chứ có phải cơ quan hành chính đâu mà đè nén được nhau mãi. Một thời gian sau, đám Bắc chúng tôi phải công nhận rằng những giảng viên cũ nhiều người rất giỏi, cực giỏi, nhất là về chuyên môn và ngoại ngữ. Chúng tôi, đám giáo viên Bắc chỉ hơn họ được mỗi cái lập trường giai cấp, chủ nghĩa Mác-Lênin. Có thể kể tên một số anh chị như Cung Bỉnh Duyệt, Huỳnh Công Sanh, Đỗ Trung Hưng, Nguyễn Hữu Nghiệp, Võ Thanh Long, Trần Mạnh Hảo, Chu Đức Khánh, Hứa Hồ Ngọc, Nguyễn Thị Tố Quỳnh, Phạm Văn Ba, Phạm Văn Nhơn… Chúng tôi theo được họ cũng còn khướt. (còn tiếp) 

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2016

Tết Đoan ngọ

Theo lịch âm, ngày mai mùng 5 tháng 5 là tết Đoan ngọ, một thứ phong tục của Tàu được du nhập vào ta từ hồi nảo hồi nào. Rất nhiều thứ tết ở ta như tết Nguyên đán (đầu năm), tết Hàn thực (mùng 3.3), tết Trung nguyên (rằm tháng 7), tết Trung thu (rằm tháng 8), ông Táo chầu giời (23 tháng chạp... đều xuất xứ bên Tàu. Thôi thì nó sang ta, cái nào hợp ta dùng, cái nào dở ta bỏ dần.
Nhiều bạn trẻ thời nay thấy thiên hạ ăn tết Đoan ngọ thì cũng ăn theo nhưng không biết lai lịch của nó. Nguyên tết này gắn với chuyện ông Khuất Nguyên, một quan chức, nhà thơ (tác giả của Sở Từ nổi tiếng) thời Xuân Thu. Ông ta trung quân, can vua Sở Hoài Vương không được nên dỗi, uống rượu thật say, say bí tỉ, ngắm trăng lưỡi liềm dưới sông mà cứ tưởng trăng trên trời, ôm hòn đá to (72 ký) nhảy xuống sông Mịch La mà chết. Hôm ấy trúng ngày 5.5, vua thương người trung nghĩa (đợi người ta chết rồi mới thương) nên bắt dân chúng cứ đến này này là cúng ông Khuất. Nói thế để thấy chả liên quan gì đến An Nam ta nhưng trót bắt chước thì theo luôn. Cũng như sau này cúng ông Các Mác, ông Lê Nin vậy.
Tôi nhớ hồi còn bé, những năm đầu thập niên 60, thày (bố) tôi cũng vẫn cúng tết Đoan ngọ, còn gọi là lễ giết sâu bọ. Chả hiểu sao ông Khuất Nguyên lại liên quan đến sâu bọ. Người lớn lấy lá giã ra nhuộm móng tay móng chân cho trẻ con, có lẽ để ngăn sâu bọ xâm nhập từ cửa khẩu ấy; rồi cho ăn cơm rượu, vài quả mận, quả đào, nhà nghèo không có những quả ấy thì ăn quả khế. Anh tôi bảo để trong đánh ra, ngoài đánh vào cho sâu bọ trong người hết đường chạy. Thày tôi còn cẩn thận dặn lúc ăn thì đừng có ngồi ở bậu cửa, ngưỡng cửa (tấm gỗ hoặc bức xi măng ngăn cách trong nhà với bên ngoài) kẻo dễ bị mọc mụn ở đít. Cô Ngọt em gái tôi nó thực hành lệnh cấp trên nghiêm lắm, chả bị mọc mụn bao giờ. Có năm tôi không nghe lời thày, quả thật bị một cái mụn rõ to ở mông, may mà thày tôi có món thuốc cao dán mụn gia truyền, dán vào mấy ngày sau thì xẹp. Trong cao có bột con rết phơi khô tán nhỏ trộn vào. Nó hút hết chất độc và mủ, rồi tự tiêu tan. Bây giờ 2 thứ thuốc gia truyền (cao trị mụn nhọt và thuốc ghẻ) ấy thày tôi truyền lại được đứa cháu rể tên là Thành nối tiếp, bán khá chạy ở vùng mấy huyện ven biển Hài Phòng.
Trưa mùng 5, người ta cúng xong thì ra vườn hái lá, lá gì cũng được, nhưng nhà tôi hay hái lá vối, lá cây ích mẫu, ngải cứu, đem phơi khô, bó thành một bó treo ở tường bếp (cho đỡ bị mốc), lâu lâu lấy ra một nắm nấu nước uống. Sâu bọ thỉnh thoảng ra quấy phá sẽ bị thứ nước này trừng trị.
Tết Đoan ngọ với những đứa trẻ như tôi, thời đói kém, thèm nhạt thiếu thốn đủ thứ, nên thích nhất là được ăn cơm rượu nếp. Bu tôi làm, ngon lắm. Nhưng cả năm cũng chỉ được ăn mỗi lần ấy. Muốn ăn nữa lại phải chờ đến tết giết sâu bọ sang năm. Chỉ thích cơm rượu nếp thôi chứ chả bao giờ quan tâm đến ông Khuất Nguyên.

Nay thì thày bu tôi đã xa cả rồi, tôi cũng qua cái tuổi háo hức chờ ăn cơm rượu, còn hai đứa con đã lớn chúng chả quan tâm đến đoan ngọ đoan nghiếc, ông Khuất Nguyên chúng lại càng không biết. Ngay cả tôi viết mấy điều này có khi chúng cũng chả đọc. Thời của mình chỉ còn trong ký ức.

Nguyễn Thông

Chẳng chính ngôi

    Đã từ lâu, dân gian có câu: “Tại trên ngồi chẳng chính ngôi/Để cho kẻ dưới chúng tôi lăng loàn” nhằm nói về sự thiếu gương mẫu, lệch lạc, sai trái của những người trong bộ máy lãnh đạo, cầm quyền. Những người ấy, ngày xưa là tầng lớp quan lại, còn bây giờ được gọi chung là cán bộ.
    Phải thừa nhận với nhau một điều, quan lại trước kia hay cán bộ bây giờ là dạng “tinh hoa” của xã hội, đạt được ngôi thứ nhất định trong đời sống sau cuộc sàng lọc khắt khe về học vấn, kiến thức, tài năng, nhân cách, đường lối quan điểm… Thời quân chủ, đó là những kỳ thi, tuyển người tài cao học rộng đỗ đạt cao ra làm quan. Thời nay, ngoài những yếu tố trên, công tác tổ chức cán bộ còn xem xét, lựa chọn kỹ lưỡng nhiều khía cạnh khác liên quan đến đương sự, làm sao đảm bảo có được những người “vừa hồng vừa chuyên”.
    Nguyên tắc thì như vậy, nhưng thực tế lâu lâu lại bùng nổ những trường hợp ít ai ngờ, tuy nhiên đó là kết quả không tránh khỏi trong quy trình còn nhiều chắp vá, lỗ hổng.
    Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác tổ chức, bồi dưỡng cán bộ. Cụ gọi đó là điều kiện tiên quyết, là yếu tố quyết định quan trọng nhất đối với chất lượng bộ máy nhà nước. Muốn cống hiến phục vụ thật nhiều cho đất nước thì cán bộ phải có tài, nhưng để dân tin yêu nể phục thì cán bộ phải có đức. Cụ Hồ dạy: “Có tài mà không có đức thì là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, 2002). Thật vậy, người bình thường còn cần có đức (đạo đức, nhân cách) huống chi người lãnh đạo.
    Làm quan, hay làm cán bộ, phải gương mẫu, đặt tư cách lên hàng đầu bởi luôn có sự săm soi của mọi người, “quan trên trông xuống người ta trông vào”. Phải coi đó là sự hy sinh cần thiết để đánh đổi lấy quyền lực, địa vị, uy phong, đẳng cấp xã hội. Nếu không chấp nhận luật bất thành văn ấy thì đừng làm quan, làm cán bộ. Dân chúng đóng thuế, bỏ tiền ra nuôi bộ máy điều hành gồm những con người như thế thì họ có quyền đòi hỏi cán bộ phải gương mẫu, tận tụy, quên mình, hy sinh. Địa vị chức vụ càng cao, sự đòi hỏi của dân với cán bộ càng nhiều, sự hy sinh của cán bộ càng lớn. Công bộc của dân là vậy, không thể nào khác được.

Thứ Hai, 6 tháng 6, 2016

Chuyện chiếc xe biển xanh và ông phó say rượu

    Cứ như báo chí và dư luận ồn ào suốt tuần qua thì có thể nói rằng đội ngũ cán bộ trong các cơ quan nhà nước đang “có vấn đề”. Hiện tượng chưa hẳn là bản chất nhưng hiện tượng dồn dập khiến người ta không khỏi nghi ngờ.
    Phải nói rằng, vào thời buổi công nghệ thông tin, sức phát hiện và sự lan tỏa của những vụ việc này nọ thật quá tưởng tượng, nhanh chả kém tốc độ ánh sáng. Nhiều chuyện phát lộ, người ta không thể giữ kín, đóng cửa trong nhà bảo nhau, xử lý nội bộ như trước kia được nữa. Tất cả được công khai cho thiên hạ bình phẩm, phán xét.
    Đáng chú ý nhất, dư luận rất ồn ào về chiếc siêu xe Lexus tiền tỉ “gây lắm hồ nghi” của ông Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, rồi tiếp đó là hành vi vô văn hóa của ông Phó chánh văn phòng Bộ Y tế. Những vị này, nếu bảo là cán bộ to thì chưa hẳn to, nhưng cũng không hề nhỏ. Dân chúng xếp hạng họ vào diện “phụ mẫu chi dân”, nói một tiếng nhiều người phải dạ. Trên danh nghĩa thì họ là công bộc của dân, là cán bộ lãnh đạo, nhưng trên thực tế thì dân không biết gọi họ là gì.
    Có lẽ phải lược lại chuyện về hai “điển hình” ngược này. Vị thứ nhất, ông Trịnh Xuân Thanh là đương kim Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Mặc dù cỡ như ông phải biết rõ Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 32/2015/QĐ-Ttg về việc quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ sử dụng xe công trong cơ quan nhà nước nhưng ông vẫn phớt lờ. Chiếc xe ông sử dụng gắn biển xanh xe công nhưng lại là siêu xe tiền tỉ, trị giá gấp nhiều lần định mức. Khi bị dân phát hiện, ông tiếp tục giải thích “khó nghe” rằng xe ấy là xe cá nhân, được bạn cho mượn, rằng ông thông cảm địa phương còn

Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2016

Lý lịch ba đời bắt cua

Nhân chuyện ông Bob Kerrey bị rất nhiều người Việt thù dai phản đối khi ông ấy ngồi vào ghế lãnh đạo của Trường đại học Fulbright tận bên Mỹ, lại lẩn thẩn nghĩ về cái chủ nghĩa lý lịch "ba đời bắt cua" ở xứ này.
-Cho đến giờ, chủ nghĩa lý lịch trong đầu các nhà cai trị còn nặng nề lắm, xã hôi chưa dễ gì gột được. Mà chưa tẩy gột được thì chả mong phát triển. Mải thù hằn nhau, lấy đâu thời gian, đầu óc cho phát triển.
-Cứ giả dụ GS Ngô Bảo Châu mà có ông nội bị quy là địa chủ thời cải cách ruộng đất thì đảm bảo sẽ không có một GS Châu làm vẻ vang cho đất nước sau này. Ông anh rể tôi, bố bị quy nhầm thành địa chủ, bị lôi ra bắn, thời sửa sai có xin lỗi qua loa nhưng con cái cứ dính phốt địa chủ, chả được học hành gì, chỉ được quyền "lao động là vinh quang". Hàng chục vạn con cái của người bị giết oan, họ mà giữ mối thâm thù, mà chống đối, chính quyền này có được ngồi yên khối. Nhưng họ rộng lượng hơn chính quyền nhiều.
-Cứ phải bần cố nông, hoạn lợn thiến heo, vô sản thợ thuyền thì mới trong sạch. 
-Phải con cán bộ, con nối cha, cháu nối ông bà thì mới yên tâm, không cho đứa khác chèn vào đội ngũ.
-Ai đã có "vết" rồi, sẽ bị chính quyền thù muôn đời muôn kiếp không tan,

-Stalin, Mao Trạch Đông có thể chưa cầm khẩu súng bắn vào người dân nào nhưng điều không ai cãi được cho các ông ấy là chỉ một lệnh họ ban ra thôi thì hàng vạn, hàng triệu người chết. Mấy ông này, còn tệ hơn đám tội phạm chiến tranh ở chỗ tinh giết những đồng chí đồng đội, những người đã chung đội ngũ, kề vai sát cánh với mình. Vậy mà chả mấy ông bà nào dám phản đối, lên án, lại còn tôn làm lãnh tụ vĩ đại nữa.
-Sự phân biệt đối xử ở xứ này không cần phải giấu diếm mà được công khai, theo nguyên tắc cha ăn mặn con khát nước, ví dụ suốt bao năm trong bản Sơ yếu lý lịch bao giờ cũng có 2 mục gạch đầu dòng: Trước năm 1945 (hoặc 1954 hoặc 1975) làm gì, ở đâu, có tham gia đảng phái nào; gia đình có ai làm gì cho ta và địch. Hồi năm 1987 tôi xin cho thằng con trai đầu vào lớp mầm ở phường, trường mầm non đưa cho tờ sơ yếu lý lịch cá nhân, bảo khai vào, tất nhiên là đứng tên tên cháu, trong đó còn có cả mục trước năm 1975 có tham gia ngụy quân ngụy quyền không. Tôi té ngửa, thằng nhỏ mà cũng theo địch trước năm 75, chết cười.
-Một xã hội mà lý lịch thay cho tài năng và nhân cách chỉ có thể tồn tại bằng bạo lực.


Nguyễn Thông

Khói lời

TRẦN THỊ LAM
Tiếng đã cất lên ắt hẳn có người nghe
Không vương lại người trước ta gửi người sau vậy
Gửi một lời đi như gửi niềm tin cậy
Để tiếng có thể vang lên trong thế giới không lời.
Lời bay ra thành khói giữa đất trời
Nếu không có ai nghe ta gửi cho chim ca và sông chảy
Gió sẽ mang lời đi dù xa xôi đến mấy
Và tiếng sẽ vang lên trong thế giới không lời.
Thì cứ cất tiếng đi dù chỉ nhận trên môi
Vị đắng của thinh không khiến nhiều khi lạc giọng
Còn hơn nuốt những buồn đau vào cuống họng
Rồi tiếng sẽ vang lên trong thế giới không lời.
Hãy nói một lời cho những ngày đã qua!
Hãy nói một lời cho những ngày sắp tới!
Hãy nói một lời để biết còn tiếng nói!
Dù tiếng có vang lên trong thế giới không lời...
P/s: Đối thoại với Thiền Nguyễn
Trần Thị Lam
(Chú thích: Tác giả Trần Thị Lam là giáo viên văn, Trường THPT chuyên Hà Tĩnh. Cô giáo Lam vừa qua gây xôn xao dư luận với bài thơ "Đất nước mình ngộ quá phải không anh" được viết sau hàng loạt vụ việc không bình thường diễn ra ở nước ta).

Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2016

Giá như...

Sáng 30.5, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gặp mặt đoàn đại biểu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn tiêu biểu. Đây là hoạt động được Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tổ chức nhằm tuyên dương những tấm gương tiêu biểu của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn nhân dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1.6) và Tháng hành động vì trẻ em năm 2016 với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em”. 

Năm nay, đoàn đại biểu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn tiêu biểu gồm 55 em ở 11 tỉnh, thành phố (Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Hải Phòng, Ninh Bình, Nghệ An, Kon Tum, Bình Thuận, Long An, Trà Vinh và An Giang). Mặc dù sống trong điều kiện rất khó khăn, các em đều có ý thức phấn đấu vượt khó, vươn lên trong cuộc sống, học tập và rèn luyện. 55 em tham dự buổi gặp mặt với Chủ tịch nước năm 2016 đều là học sinh giỏi nhiều năm liền, nhiều em đạt thành tích cao trong các kỳ thi cấp huyện, tỉnh, quốc gia (41 giải cấp huyện 12 giải cấp tỉnh, 7 giải quốc gia và 8 huy chương các loại). Tiêu biểu như các em: Phan Thu Trang (tỉnh Sơn La), học kỳ 1 năm lớp 9 đạt Huy chương đồng kỳ thi toán tuổi thơ toàn quốc năm 2015; em Trương Thị Lâm Sa (dân tộc Thổ, tỉnh Nghệ An), từ lớp 6 đến lớp 9 là học sinh giỏi cấp huyện môn Văn học, Lịch sử; em Nguyễn Đăng Khoa (thành phố Hải Phòng) bị khiếm thị bẩm sinh cả hai mắt, đạt 2 giải quốc gia (giải ba cuộc thi Em yêu lịch sử Việt Nam năm 2015, giải ba cuộc thi Tuổi trẻ Việt Nam qua con tem bưu chính năm 2016)… 

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, từ khi Chương trình Chủ tịch nước gặp mặt, tuyên dương trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn tiêu biểu bắt đầu vào năm 2008, đến năm 2015 đã có 425 trẻ em từ 63 tỉnh, thành phố được tham dự chương trình. Các em là đại diện trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới hải đảo và đạt thành tích cao trong học tập cũng như các lĩnh vực năng khiếu như âm nhạc, mỹ thuật… 

Bày tỏ xúc động trước hoàn cảnh của các em, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khen ngợi 55 trẻ em mặc dù cuộc sống hết sức khỏ khăn nhưng đã nỗ lực vươn lên trong học tập và rèn luyện, đạt thành tích học tập khá, giỏi trong các năm học, có nhiều em học sinh đoạt các giải thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh, đạt thành tích cao trong các kỳ thi năng khiếu như đọc thơ, vẽ tranh, kể truyện, thi khéo tay, cờ vua... “Các cháu là những bông hoa đẹp trong vườn hoa nghìn việc tốt, xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ”, Chủ tịch nước biểu dương. 


Chú thích ảnh: Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng ảnh chân dung Bác Hồ cho các cháu thiếu nhi nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Tin và ảnh: TTXVN



Thiên đường và địa ngục

VƯƠNG TRỌNG (đại tá, nhà thơ)
Ngày xửa ngày xưa, một gia đình nọ sinh được hai người con trai. Người anh ngoan ngoãn, siêng năng, kính yêu bố mẹ và rất mực thương em; còn người em lười biếng, hỗn xược, khi rựou vào thì không chỉ đánh anh mà choảng cả bố mẹ. Tất nhiên khi chết thì anh lên thiên đường còn em xuống địa ngục.
Ở thiên đường ít lâu, thương nhớ em nên người anh xin phép ban quản lý để xuống địa ngục thăm em. Cánh cửa địa ngục mở, người anh hết sức nhạc nhiên vì quang cảnh tuyệt đẹp, chim kêu hoa nở, người đi lại vui tươi, ai cũng béo tốt, Căn phòng gần cổng ra vào có mấy chàng trai vừa đánh bài vừa uống bia, nói cười rôm rả. Người anh từ tốn hỏi:
- Đây là địa ngục phải không ạ?
- Chính thế! Một chàng trai trả lời.
Người anh suy nghĩ: địa ngục thế này thì chẳng thua kém gì thiên đường, vậy ta nên xin phép xuống hẳn đây để được gần em. Anh trở về thiên đường xin phép ban quản lý và được đồng ý sau khi được khuyên hãy suy nghĩ cẩn thận.
Cánh cửa địa ngục vừa mở ra thì khói đen mù mịt bốc lên mùi khét lẹt và trước mắt anh một cảnh tượng hãi hùng: quỷ Sa tăng cao lớn, mặt mày dữ tợn đang dùng đinh ba đẩy từng người một xuống vạc dầu đang sôi. Anh nhẹ nhàng hỏi:
- Đây là địa ngục phải không ạ?
- Thấy rồi sao còn hỏi? Sắp đến lượt mày đấy!
Quỷ Sa tăng nói như quát và hất hàm cho một tên quỷ khác trói anh lại và đẩy vào hàng sắp bị hành quyết. Biết kêu khóc cũng vô ích, anh chỉ xin hỏi một câu:
- Sao hôm trước tôi xuống thăm thấy địa ngục khác hẳn thế này?
- Đó là phòng TUYÊN TRUYỀN của địa ngục đấy, con ơi! Sa tăng trả lời và đẩy anh xuống vạc dầu.
Thì ra nếu tuyên truyên tốt, địa ngục có thể lừa được người thiên đường và khi biết được sự thật thì đã quá muộn!

TB: Chuyện này không phải do tôi sáng tác, mà viết lại câu chuyện cách đây trên 35 năm mà nhà thơ Thanh Tịnh đã kể trên xe ô tô khi đi dự đám tang vợ một người trong cơ quan từ Văn Điển trở về.
Vương Trọng