Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2022

Chuyện xe đạp (kỳ 4)

Trước tháng 4 năm 1975, tất nhiên là ở miền Bắc, khi xe máy hầu như rất ít, đám Simson - Mokick từ Đức, Minsk (còn gọi là Min khơ) từ Liên Xô chưa về thì Pơ giô cá vàng là đỉnh, chỉ đứng sau Vespa (Ý). Nhớ độ năm 74 - 75 chi đó, tôi đến thư viện quốc gia trên đường Tràng Thi tìm tài liệu cho thầy Hà Minh Đức, gọi là đi thực tế, thấy trong quầy kính của Công ty Xe đạp Thống Nhất bên kia đường, phía đối diện thư viện, bày chiếc Vespa màu xanh nhạt, hình như tên đầy đủ là Vespa Piagio, đề giá 4.000 (bốn nghìn) đồng, đọc xong phát khiếp, choáng như bị say nắng. Cả Hà Nội thời đó có lẽ số lượng xe máy Vespa chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bốn nghìn đồng thì mua được mấy căn nhà, hoặc bao nhiêu là ruộng. 

Cùng cặp với Pơ giô cá vàng những năm đó còn có loại xe máy nữa là Mobylette cá xanh, giá rẻ hơn chút. Năm 1976, vợ chồng ông Giễ anh họ tôi cùng vợ chồng cô em gái ông là cô Nộm chú Lộc ở thủ đô về quê chơi, 4 người diện trên 2 chiếc xe máy, một Pơ giô cá vàng, một Mobylette cá xanh, oai có kể, trong họ ngoài làng ai thấy cũng khiếp, trợn tròn mắt. Lạ là chiếc xe nhỏ như thế mà chất lên đó 2 người, chạy hơn trăm cây số, vừa đi vừa về hơn hai trăm cây, vẫn không sao. Nhớ năm 1982, trong Sài Gòn, anh Nguyễn Bác Chính trưởng phòng hành chính trường tôi mua được chiếc xe máy Tiệp Babetta, anh khoe đã có lần chạy từ Sài Gòn tới Vũng Tàu hơn 120 cây số, nghỉ dọc đường đôi lần, mà xe vẫn không bị… cháy, thế cũng khiếp.

Những loại xe đẳng cấp khác, phải kể tới Diamant, Mifa (Đức), Favorit (Tiệp), đều đẹp cực kỳ, giá rất đắt, chỉ những tay chơi sẵn tiền mới dám sắm. Ông Tế anh họ tôi thời làm phó chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp được phân phối chiếc Favorit, năm 67 - 68 gì đó, giá hơn 400 đồng. Chạy được vài năm, lốp mòn nhẵn thín, băng bó chằng buộc đủ kiểu, chờ mãi vẫn không tới lượt được phân phối mua vỏ mới, có lúc phải xếp xó. Đã có câu ca gắn với chiếc xe đỉnh này, “Làm trai cho đáng nên trai/Có Favorit có đài Ori” (đài Ori là chiếc radio Orionton của Hungary). Cỡ chủ nhiệm hợp tác xã thì phải ráng sắm được chiếc Orionton mặc dù nó rất tốn pin, chứ đeo Xianmao của Tàu thiên hạ họ cười cho.

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2022

Chống tham nhũng, có mà chống vào mắt (kỳ 3)

Vậy tôi hỏi ông ấy và các ông các bà đang nắm quyền cai trị: Cả thế giới có nước nào suốt ngày, quanh năm suốt tháng loay hoay chống tham nhũng như ta vậy không? Ngay cả những thể chế ù lì, ngược chiều hành trình đi lên của nhân loại như Triều Tiên, Cuba, Lào, Nicargua, Venezuela… cũng không đến nỗi vậy. Chắc chỉ tòi ra Trung Quốc và xứ này, hai anh em đang dắt tay nhau theo tấm biển chỉ đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Thằng Tàu nó diệt nhau, mặc mẹ nó, xưa nay truyền thống “củi đậu nấu hạt đậu” của nó ăn vào máu rồi. Học nó cái gì chả học, chỉ bắt chước tinh trò ngược đời. Tham nhũng từ đâu ra? Loay hoay chống suốt bao nhiêu năm rồi, có biết không? Càng chống càng nhiều tham nhũng, có biết không? Cả bộ máy đã rệu rã hư hỏng gỉ sét, mà tham nhũng là phần hỏng nặng nhất, dột nát từ trên xuống dưới, cứ trừng trị kỷ luật đứa này lại tòi ra đứa khác, đứa chưa bị thì ngó đứa bị nhưng không hề biết sợ biết chùn lại, các vị định chống đến khi nào? Khi nào mới để cho xã hội, cuộc sống, dân chúng được yên ổn, được sống bình thường như bao người, bao nước, không bị cuốn vào cái vòng đấu đá thảm khốc ấy?

Nhìn ra thế giới, không phải không có tham nhũng nơi này nơi nọ, nhưng một năm 365 ngày miệt mài diệt trừ, chống tham nhũng, trừng trị, kỷ luật đội ngũ hư hỏng, chắc chỉ có xứ này.

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2022

Chống tham nhũng, có mà chống vào mắt (kỳ 2)

Chiêm quan dinh thự của Trần Đình Thành bí thư Đồng Nai, lại nhớ xứ này quá nhiều điển hình quan tham, như dinh thự của Lê Viết Chữ bí thư Quảng Ngãi, biệt thự của Trần Văn Truyền tổng thanh tra chính phủ, dinh cơ đồ sộ của Phạm Hồng Hà chủ tịch TP.Hạ Long, biệt phủ của giám đốc sở TN-MT Phạm Sỹ Quý em trai bà Trà bí thư Yên Bái… “Thôi, kể làm sao hết được anh/Buồn vui muôn nỗi của quê mình”, nhưng cần hiểu rằng lương cán bộ dù là quan đầu tỉnh phải vài trăm năm mới tậu nổi cơ ngơi vậy. Chỉ biết sau mỗi cuộc chống tham nhũng xong, lôi được đương sự ra kỷ luật, đã mấy khi xử lý được số tài sản bất minh ấy trả về cho đất nước nhân dân. Hầu hết vụ, tài sản đen vẫn thuộc về những kẻ bị kỷ luật. 

Nói thật, tôi rất thông cảm và thương ông Y Luyện Niêk Đam cựu bí thư ở Đắk Lắk cao nguyên, cái trại nuôi bò trong rừng đó trị giá chưa bằng chiếc cánh cổng dinh cơ Trần Đình Thành. Thấy báo chí phanh phui ghê quá, ông già (chắc có họ với cụ nhân sĩ nổi tiếng Y Ngông Niêk Đam) vội thu vén dọn dẹp trả lại ngay, nghĩ cũng tồi tội. Ngay cả căn nhà mà Vũ nhôm cho bí thư Đà Nẵng Xuân Anh ở cũng thế, so với của nả của đám Trần Đình Thành, Phạm Hồng Hà… chỉ là muỗi, nhưng cũng đã bị thu hồi. Tất nhiên sẽ có ai đó bảo chẳng oan gì, nhưng tôi nghĩ thế nào cứ biên thế.

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2022

Chống tham nhũng, có chống vào mắt

Mới hôm 19.10 tây vừa rồi chứ đã lâu lắc gì, nhà cai trị bắt cùng lúc 2 ông từng là quan đầu tỉnh của vùng đất trọng yếu Đồng Nai. Giá như 15 - 20 năm trước, những vụ pháp luật hỏi thăm kiểu vậy phải gây chấn động như động đất 7 độ rích tơ, thì nay ngoài báo chí mậu dịch ra, chả mấy con dân quan tâm. Thể chế này mà không bắt cán bộ “bị cáo tiềm năng” mới là lạ. Cán bộ đảng viên hư hỏng đã là thứ đặc sản của chế độ, của bộ máy cai trị đương thời. Đất Bần có tương, làng Láng có rau húng, cộng sản có cán bộ tham nhũng.

Đồng Nai trước năm 1975 là vùng đất phát triển mạnh bậc nhất của miền Nam. Giữa năm 1977 tôi theo đứa học trò lên Biên Hòa, cảm giác choáng ngợp, không tin ở mắt mình. Mạnh nên giàu có, chỉ sau Sài Gòn. Bên thắng cuộc đã tiếp thu nó, rồi làm cuộc “giải phóng” tiếp theo khiến mấy chục năm nó phú quý giật lùi, dần dà nghèo ngang nơi khác, thậm chí thua cả Bình Dương vốn vùng sâu vùng xa. Mà ở nước này, Đồng Nai chỉ là một trong vô vàn xã huyện tỉnh lớn nhỏ đi lên chủ nghĩa xã hội nghèo đói. Cách mạng đã tước của Đồng Nai cũng như miền Nam, cũng như cả nước mấy chục năm quý báu mà nhẽ ra có nó thì nước này không phải chịu nỗi thẹn thùng trước nước khác.

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022

Chuyện xe đạp lôi từ ký ức (kỳ 3)

Xe đạp Peugeot là thương hiệu nổi tiếng của Pháp, thời Pháp còn cai trị xứ ta loại này khá phổ biến, nhưng sau 1954 mất dần. Nó là cái tên gây ấn tượng sâu đậm trong cuộc sống, giống như những năm 70 - 80 người ta gọi chung xe máy bằng cái tên Honda. Xe Pơ giô (Peugeot) là thứ bằng chứng về đẳng cấp con người trong xã hội miền Bắc trước 1975. Người ta truyền nhau câu vè như thứ kết luận chắc nịch “Đẹp giai đi bộ, không bằng mặt rỗ đi lơ”. Lơ tức là xe đạp Peugeot, mặt rỗ chỉ sự xấu trai do người đó bị bệnh đậu mùa để lại vết rỗ xấu xí trên mặt. Những năm 70 - đầu thập niên 80 còn có bài thơ “10 yêu”, mở đầu là câu “Một yêu anh có Sen kô/Hai yêu anh có Pơ giô cá vàng”. Sen kô thì ai cũng biết là đồng hồ Seiko của Nhật, một trong hai loại đồng hồ xịn và phổ biến lúc bấy giờ, loại kia là Orient, một phần do thủy thủ Vosco đi Nhật đem về, một phần mua từ miền Nam sau 1975. Nhưng Pơ giô cá vàng thì khá nhiều người hiểu sai, nhất là mấy bạn trẻ, nhà báo trẻ không sống thời đó. Pơ giô cá vàng không phải xe đạp mà là xe máy Peugeot, mặc dù xe đạp cũng có màu cá vàng. Xe máy Pơ giô có 2 màu, cá vàng và xanh da trời. Không hiểu nó từ Pháp sang bằng đường nào, có nhẽ qua ngả Hồng Kông.

Về xe đạp Pơ giô, có thêm chút ký ức này. Hồi tôi còn bé, độ 10 tuổi, mỗi lần hai anh em tôi khiêng rau cải rau muống lên bán trên chợ huyện, đi tới chỗ làng Lái (làng Cẩm La), gần trường cấp 2 Thanh Sơn (H.Kiến Thụy, HP) có một ngôi nhà xây tương đối mới, anh Uy tôi bảo đó là nhà ông Cam sũng. Ông ấy độ ngoài 40, tên Cam, nhưng từng mắc bệnh phù thũng, da mặt chảy xệ xuống nên bị đặt thành Cam sũng. Mọi người kể rằng ông là Việt kiều ở Tân đảo hồi hương năm 1962, theo lời dụ của chính phủ về xây dựng đất nước. Gia đình ông có hẳn cặp xe đạp Pơ giô mới toanh, ai thấy cũng thèm. Thời gian sau, nghe nói kẻ trộm vào thó mất một chiếc. Gia đình ấy cứ lụn bại dần, tới khi tôi học cấp 3 trường huyện, đi ngang qua ngó chỉ còn căn nhà cũ kỹ đổ nát, không thấy ông Cam sũng, chẳng thấy xe Pơ giô.

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2022

Tự do báo chí

Muốn biết có tự do báo chí thực chất ở xứ này không, chả cần nhìn đâu xa, cứ qua vụ Vạn Thịnh Phát là rõ.

Một loạt lãnh đạo, sếp sòng của tập đoàn Vạn Thịnh Phát, phần lớn trẻ, khỏe, lần lượt chết (qua đời, tử vong), trong đó có cả những người đã bị bắt giam (tức là rất khó chết) nhưng báo chí gần như im hơi lặng tiếng. Chưa có chỉ đạo mở, chưa được thổi còi xông lên, thì chưa dám hó hé gì, chẳng hề thông tin lấy một chữ. Gương báo Pháp luật TP.HCM còn sờ sờ ra đó, với vụ chết đầu tiên, vừa đưa bài lên được vài tiếng đồng hồ là vội rút xuống ngay, không kèn không trống, không một lời giải thích. Nhũn như con chi chi.

Thực chất là vậy, nhưng người ta cậy quyền cai trị, cứ xoen xoét leo lẻo cãi có tự do báo chí, còn thách nước ngoài đến mà chứng kiến gần 1 nghìn cơ quan báo chí truyền thông đang hoạt động. Nghìn mà cũng như một, vênh váo làm gì. Nếu có tự do báo chí, thì chỉ có ở mồm nhà cai trị.

Thế nhưng vẫn có những người tin đó là thực. Cũng như trên mạng xã hội, ta vẫn thấy nhan nhản những kẻ hung hăng ủng hộ, ca ngợi cuộc xâm lược Ukraine của bọn đồ tể Nga, dè bỉu cuộc chiến đấu của người Ukraine.

Một nước, một xã hội mà loại người đó khá đông khá nhiều, còn lâu mới ngóc đầu lên được, tôi bảo thật.

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2022

Chuyện thằng khùng và những liên quan

Nhẽ ra tôi không cần viết mấy thứ này, để dành thời gian mà biên chép về chuyện xe đạp, chuyện tượng đài, chuyện cúp điện, chuyện đào ngũ, v.v.., nhưng rồi lại phải lên tiếng.
 
Một bạn phây nhắn cho tôi, bác ơi, sao không thấy bác nói gì về việc Putin sáp nhập 4 vùng đất của Ukraine vào Nga, rồi còn dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nữa. Tôi định bảo, thằng khốn ấy, chẳng riêng gì Putin mà cả lũ khốn Medvedev, Lavrov, Peskov đều không đáng làm bẩn phím. Lũ giời đánh thánh vật đang tự đào huyệt chôn mình, đừng quan tâm làm gì, kẻo nó lại tưởng cao giá lắm.

Hôm qua 18.10, tên đồ tể Putin lại dọa dùng vũ khí hạt nhân. Đúng là chó cùng cắn giậu, cà cuống chết đến đít vẫn còn cay, hiện nguyên hình một tên điên khùng chỉ chơi được với đám Lê Văn Cương, Lê Thế Mẫu… Mày giỏi, mày cứ ra tay trước đi, đồ điên. Nhân loại đừng can nó nữa, đừng quan ngại uốn lưỡi này nọ nữa, cứ để nó làm, sau đó xúm lại đập bỏ mẹ nó, chứ đừng như thời gian qua để nó được đằng chân lân đằng đầu, cắn càn lại tưởng mình hay lắm.

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2022

Trông “nó” lại ngẫm tới ta

Đảng cai trị bên Tàu đang đại hội để củng cố quyền cai trị. Đại hội lần thứ 20 (nhị thập), cứ tính cả trước lẫn sau bình quân nhiệm kỳ 4 - 5 năm thì nó đã tồn tại gần trăm năm, còn trụ được bao lâu, nói theo kiểu ông cụ, “nhưng ai mà biết được nó còn sống được bao lâu nữa”. Chỉ có điều, lịch sử nhân loại từ xưa đến nay, chả có đám độc tài phát xít nào vạn tuế muôn năm được mãi.

Nói thẳng ra, tôi không có cảm tình với bọn cộng sản Tàu. Nói chung là cộng sản. Cộng sản đồng chí gì mà giết người như ngóe. Ngay nó với nhau còn chẳng tốt, đừng mong nó tốt chi với ta. Thứ mà lâu nay các ông bà cai trị xứ này cứ tâng lên thành tinh thần quốc tế vô sản, sự giúp đỡ thủy chung vô tư trong sáng, chịu ơn nghĩa của nó (Tàu), cũng như của đám Liên Xô, Cuba…, xin hãy dẹp đi. Chúng dúi cho ta vũ khí, tí gạo tí mì, để rồi ta dại dột làm người lính đi đầu, tiền đồn hậu đồn, kiêu hãnh trên tuyến đầu chống Mỹ, huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt nhằm bảo vệ chúng nó, để chúng nó được yên. Chúng được ngủ ngon trong khi ta suốt ngày đêm mấy chục năm canh giữ cho chúng. Chúng mất tí súng tí bột mì, còn ta nghĩa trang liệt sĩ rải khắp 3 miền. Món nợ xương máu ấy, chưa bắt trả là may, lại cứ ơn mí chả nghĩa.

Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2022

Chuyện xe đạp lôi từ ký ức (kỳ 2)

Người đời có muôn vàn nỗi nhớ, nhớ tuổi thơ hoặc dòng sông tuổi thơ, nhớ về Hà Nội, nhớ mối tình đầu..., còn tôi nhớ về xe đạp. Cũng chả nên bảo cái nào sâu sắc, ý nghĩa hơn cái nào, dù xe đạp có vẻ thô thiển, không mướt mát bằng những thứ kia.

Bây giờ, con cái đòi bố mẹ mua xe, chẳng mấy đứa đòi xe đạp, ít nhất cũng phải xe máy, thậm chí xe máy tay ga đời mới. Xe đạp tầm thường lắm, đâu là cái đinh gì. Nhưng có một thời, nó là niềm ao ước của biết bao người, không dễ gì biến thành hiện thực.

Ở miền Bắc những năm 1960 - 1970, thậm chí cả vài năm sau đó, xe đạp là thứ hiếm hoi. Hồi giữa thập niên 60, làng quê tôi gần 1.500 nhân khẩu mà chỉ có lèo tèo vài chiếc. Mấy chiếc xe cũ mèm từ hồi Pháp, sau có thêm một hai chiếc xe Thống Nhất của cán bộ xã được phân phối, thêm chiếc nữa của chị nhân viên cửa hàng mậu dịch trên huyện sơ tán về. Nữ nhân viên mậu dịch hồi đó rất uy quyền, có khi còn được kính nể, trọng vọng hơn cả cán bộ huyện. Xe đạp là thứ quý hiếm, nếu có xách ra dạo vài vòng hoặc đi công chuyện thì ngay lập tức sau đó về lau lọt, chùi rửa kỹ lưỡng và... treo lên. Nể lắm, hiểu hoàn cảnh nhau lắm mới cho mượn. Cũng chả phải keo kiệt bủn xỉn gì nhưng nhỡ nó mòn nó hỏng lấy đâu phụ tùng thay. Bọn trẻ con chúng tôi nhìn người có xe đạp bằng con mắt ngưỡng mộ, với cả người lẫn xe. Cả làng hầu như không mấy người biết đi xe đạp bởi xe đâu mà tập, vả lại có tập cũng làm gì có xe mà đi. Thóc nhân khẩu đầu người mỗi vụ chỉ hơn 5 chục ký, ăn còn chả đủ, dám mơ xe. Mà trăm thứ đều trông vào hột thóc. Vả lại đi bộ quen rồi. Cả chục cây số cũng đi bộ. Tôi học cấp 3, mỗi ngày đi bộ chục cây số là chuyện thường.

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2022

Chuyện xe đạp lôi từ ký ức

Những ngày vừa rồi, nóng nhất là chuyện ngân hàng và chuyện thiếu xăng. Xăng ở Sài thành nóng tới mức muốn cháy luôn, nghe nói ngoài Hà thành cũng hơi hơi khó đổ xăng. Định đi chợ, ngó cái đồng hồ báo xăng, hết cụ nó xăng từ hồi nào. Giá có cái xe đạp thì đỡ.

Trước khi nhà cháu biên kể về xe đạp, hẵng nói vài thứ liên quan tới nó đã.

Cách nay mươi năm, những người nước ngoài tới Việt Nam, sau khi mục sở thị chán chê chuyện đi lại xứ này hầu như đều có chung nhận định Việt Nam là vương quốc xe máy. Chiếc xe máy, còn có tên xe gắn máy, vừa là tài sản vừa là phương tiện giao thông của mọi gia đình, ở thành thị cũng như nông thôn. Xe máy nhan nhản trên đường phố, kẹt xe máy khi vào giờ tan tầm, giờ cao điểm là chuyện cơm bữa. Hôm nào không bị kẹt xe máy, chẳng hạn mấy ngày tết, đám con dân cứ ồ à reo vui như đón tin hòa bình. Có ông còn tâm sự không bị kẹt xe tự dưng chếnh choáng, thấy nhơ nhớ, cảm giác thiêu thiếu cái gì đấy. Người ta có thể quen với khổ, chứ sướng lại rất khó chấp nhận.

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2022

Ngày "giải phóng"

Hôm nay, ngày 10.10 tây (ngày chứ không phải mùng, bởi mùng chỉ dùng cho âm lịch, cho nên bắt trẻ con hát "mùng 8 tháng 3, em ra thăm vườn..." là sai), liên quan tới sự kiện xảy ra ở Hà Nội cách nay 68 năm, 10.10.1954.

Chính trị và lịch sử xứ ta đang cố tình xuyên tạc, bóp méo sự kiện này để trang trí tô vẽ cho nhà cai trị. Thậm chí hôm nay trên một tờ báo còn dựng chuyện "Giải phóng thủ đô: Phá tan âm mưu trao trả một thủ đô tan hoang xơ xác" nhưng đọc cả bài chẳng thấy người Pháp có âm mưu cụ thể gì cả. Cần nói thẳng với đám tuyên giáo ngu ngốc, nếu người Pháp muốn phá, dễ ợt, chả còn chỗ cho ông to bà lớn ngự trong tòa nhà phủ chủ tịch bây giờ đâu, nói chi những chỗ khác. Ngay cái chùa Một Cột, lâu nay cứ nói quân Pháp chủ ý phá, cũng cần xem lại.

Những người chứng kiến sự kiện xảy ra năm 1954 ở Hà Nội, năm 1955 ở Hải Phòng hiện giờ còn nhiều, lịch sử khách quan trong con mắt họ khác hẳn với lịch sử mậu dịch, lịch sử quốc doanh, lịch sử bị bóp méo được tô vẽ bởi những nhà vẽ sử, và nhất là đám thủ lĩnh chính trị.

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2022

Hãy làm việc tử tế đi, đừng nói nữa

Hôm nay 7.10, nhà cai trị cho thu phí trở lại ở BOT trấn lột Cai Lậy, sau 5 năm phải ngừng thu do bị dân phản đối.

5 năm qua, họ (chính phủ, bộ giao thông, chính quyền địa phương, nhà tư bản đỏ) dùng đủ mọi mưu mẹo, khi dọa dẫm, lúc lý sự cùn, nhưng không đạt được mục đích bảo kê cho bọn bóc lột. Chính ông Nguyễn Xuân Phúc thời đó làm thủ tướng cũng cố lờ vụ này đi, có lẽ do nhận thấy nó quá phi lý, vô lý, sau đó đá trái banh sang người kế nhiệm là ông Phạm Minh Chính. Ông Phúc không ra tay dẹp BOT Cai Lậy, đó là sự yếu kém của ông ấy, nhưng dẫu sao việc không cho nó hoạt động trấn lột cũng là điều đáng ghi nhận. Nay ông Chính, đã không học được bài của ông Phúc, không phát huy được sự “khôn khéo” đó, lại cho phép bọn dưới làm càn, quả thực rất đáng chê trách. Người ta cười ông một thì cười cái chính phủ của ông, do ông đứng đầu mười.

Không nhiều lời, tôi chỉ vấn ông Chính vài ba câu:

- Đường tránh thị xã Tân An (giờ là thành phố Tân An) ở tỉnh Long An được đưa vào sử dụng gần 2 chục năm nay, rất hiệu quả nhưng hoàn toàn không thu phí. Không chỉ con đường mới mở này, ngay cả quốc lộ 1 xuyên qua thành phố Tân An cũng được nâng cấp, sửa chữa, mở rộng để dân thuận tiện đi lại, cũng không hề thu phí. Dự án đường tránh thị xã Cai Lậy và việc sửa chữa nâng cấp quốc lộ 1 ở Cai Lậy cũng cùng tính chất, không khác gì Tân An, sao lại thu phí, lại móc túi dân? Hay là chế độ Long An khác chế độ Tiền Giang? Chả nhẽ một nước nhiều chế độ?

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2022

Tiền lẻ

Về vụ ném tiền (lẻ) ở Đà Nẵng, tay cán bộ lỗi mười mươi, dù lý do nào cũng không thể biện minh được.

Nhưng cái thể chế này cũng không thể đứng ngoài, vô can trong những hành vi như thế. Đã từ rất lâu, họ (nhà nước) chỉ biết in tiền, phát hành tiền, còn nó được đối xử thế nào thì họ bất cần biết.

Hiện những đồng tiền mệnh giá nhỏ bị số đông trong cộng đồng không thừa nhận, nói trắng ra là hắt hủi. Tiền 200 đồng, 500 đồng gần như bị coi là rác, giấy lộn, không mấy ai xem nó là tiền. Nó không có giá trị trong mua bán. Lỡ ta trả ai đó bằng tiền nhỏ ấy, cầm chắc bị mắng vuốt mặt không kịp. Tiền 200, 500 giờ chỉ còn lưu hành trong các siêu thị, để nhân viên tính tiền trả lại (thối lại) cho khách mua (nhiều nơi không có tiền lẻ thì thối bằng kẹo). Khách mua nhận xong tiền thối, lại quành ra chỗ cái thùng mica từ thiện nhét của nợ ấy vào, một công đôi việc, vừa làm từ thiện, vừa đẩy nó đi cho nhẹ nợ bởi có đem về cũng không dùng vào việc gì.

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2022

Quốc thể

Quốc thể, nói nôm na là thể diện, thể thống đáng trọng, danh dự của một nước. Khi phải đối mặt với tình trạng quốc thể bị xúc phạm, con người ta, nhất là những người đang ở vị trí đại diện cho quốc gia, sẵn sàng hy sinh bản thân mình để bảo vệ quốc thể. Chuyện Trạng (thám hoa) Giang Văn Minh và phó sứ Nguyễn Duy Hiểu khi xưa đi sứ nhà Minh bên Tàu là rõ nhất, chấp nhận bị mổ bụng để quốc thể được vẹn toàn. Phải thế, chứ cái kiểu láu cá của trạng Quỳnh đáp trả “Lôi động nam bang” bằng “Vũ qua bắc hải” chỉ là thứ trò trẻ ranh tầm xóm ấp, chẳng quốc kiếc gì, tôi nói thật.

Bây giờ, để làm mất quốc thể, chứ không phải bảo vệ quốc thể, nhà cai trị có đủ mọi cách. Cứ cắm đầu đi vào đường cụt, ngõ cụt, hẻm cụt trong khi cả nhân loại văn minh tung tăng trên đường lớn sáng sủa, để dân nước phải gánh chịu tiếng chê cười khùng điên lú lẫn, cũng là một dạng làm mất thể diện, danh dự quốc gia.

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2022

Chủ tịch Quận (kỳ 3)

Lớp cán bộ ngoài 50 như Vũ Duy Quận được việc, xốc vác, năng nổ ở nước này không thiếu, nhất là tầm cấp xã cấp huyện, nhưng thật thà mà nói, nơi xã Thụy Hương quê tôi thì hơi khó kiếm. Tôi chả dám chê bai những đời chủ tịch trước, những vị tiền nhiệm của Quận, trong đó có cả người họ hàng nhà tôi, tuy nhiên đến thời Quận “trị nhậm” ngồi ghế chủ tịch xã thì bộ mặt và chất lượng sống nơi đây đã khác lên rất nhiều. Tôi sống xa quê nên không thể hằng ngày chứng kiến bước chuyển mình của cố hương, nhưng có lẽ đó cũng là sự may mắn để mình có dịp so sánh những đổi thay qua mỗi lần trở về. Vẫn biết thành quả do công sức chung chứ chẳng dựa vào riêng ai nhưng vai trò và dấu ấn của Quận là điều không thể phủ nhận.

Điều may mắn cho dân xã cũng như riêng chủ tịch Quận, Thụy Hương là xã đầu tiên ở Hải Phòng được lãnh đạo thành phố thời bí thư Lê Văn Thành chọn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Cả thành phố chỉ có vài xã, nếu tôi nhớ không nhầm thì mỗi huyện được chọn một. Huyện ở Hải Phòng vốn ít, đếm trên đầu ngón tay. Mô hình nông thôn mới là chủ trương chung của cả nước, đã phổ biến tới tận làng bản xa xôi, vùng sâu vùng xa, giờ ít nơi chưa đạt chuẩn nông thôn mới. Nhưng để gắn thêm từ “kiểu mẫu” vào thì hơi bị hiếm. Có nhẽ đây là sáng tạo của Hải Phòng, tiên phong, đi đầu, mở lối, và đang được nhân ra trên cả nước. Nói gì thì nói, dẫu vẫn còn khiếm khuyết, chưa vừa ý, mô hình mới này đã cơ bản thành công. Như tôi đang tận mắt chứng kiến.

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2022

Than khóc mà làm gì

Việc lãnh đạo "nhà hát lớn" Hà Nội ngang nhiên lấy lý do sửa điện để "hủy" đêm diễn của ca sĩ Khánh Ly tối 24.9 không có gì lạ.

Đó là bản chất của họ, thích thì làm, bất cần phải trái, ăn vào máu rồi không bỏ được. Cũng trong mạch cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm, chống xét lại, cải tạo công thương, ngăn sông cấm chợ, đổi tiền... thôi. Cũng là kiểu cúp điện tại các phiên tòa xử này nọ thôi, cúp điện tại những cuộc hội họp mà họ không thích, không thể công khai nhảy xổ ra ngăn cấm thôi.

Khi không tìm ra lý do, cớ hợp lỗ nhĩ nào thì họ dùng cách cúp điện, biện pháp của Chí Phèo.

Tôi nói thật, nhà sản xuất chương trình đêm diễn bị hoãn của Khánh Ly đừng có than vãn than thở bị thiệt hại gì gì đó. Than chúng cũng chẳng thèm nghe. Cứ căn vào hợp đồng mà kiện, kiện trong nước không được (chắc chắn không được bởi chúng sẽ bênh nhau) thì kiện ra tòa án quốc tế. Một nước có thể vô pháp chứ chả nhẽ cả thế giới cũng vô pháp.