Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Động cơ dùng Facebook

Tôi không đề cập cụ thể, bàn sâu đến chương trình “60 phút mở” của Đài truyền hình trung ương – VTV nữa bởi hai ngày qua hầu như ai coi tivi đều biết, đều nắm được, sau đó các kênh truyền thông đều bàn luận. Ý kiến trái chiều, khác nhau là lẽ đương nhiên, như dư luận trước bất kỳ một chương trình nào khác của VTV lâu nay. Điều nên ghi nhận, với “60 phút mở”, đài truyền hình quốc gia đã tạo ra cuộc tranh luận công khai, cho phép cá nhân được bày tỏ chủ kiến của mình trước người cùng tranh luận, điều mà dường như chúng ta đang thiếu, đang rụt rè trong một xã hội dân sự, bình đẳng.
Cũng dễ hiểu vì sao dư luận đông đảo lại chĩa mũi nhọn phê phán, sự công kích, không hài lòng… vào nữ nhà báo, người dẫn chương trình Tạ Bích Loan và nhà báo nhà thơ Hồng Thanh Quang; đồng thời có sự tán đồng, sẻ chia với một người trong cuộc khác là MC Phan Anh. Dù rằng không phải số đông bao giờ cũng đúng nhưng có lẽ bản clip (đã bị lược bớt) do chính VTV đưa lên mạng internet, sau đó lại rút xuống, đã chứng tỏ những cơn sóng dậy lên có lý do chính đáng của nó.
Cạn nghĩ rằng, với một cơ quan truyền thông hùng mạnh, dày kinh nghiệm như VTV, đây chưa phải là cái gì nghiêm trọng lắm. Có những thứ còn nghiêm trọng, kinh khiếp hơn nhiều từng xảy ra mà họ cũng vượt qua được, rút kinh nghiệm sâu sắc được, thì vụ “đấu tố” này có thể xem như bản beta thử nghệm cho không khí tranh luận dân chủ công khai, tuy có phần sống sượng, vụng về. Hy vọng công chúng thời gian tới sẽ được coi những chương trình dạng như vậy nhưng hay hơn, chất lượng hơn của vị anh cả truyền thông này.
Ở đây, tôi chỉ xin bàn về một khía cạnh, nhưng là nét, là nội dung rất quan trọng toát lên từ cuộc tranh luận mà thiên hạ gọi đùa là “đấu tố” ấy: Việc người dân sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là Facebook.

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016

Ngao ngán loa phường thủ đô

BÁ TÂN (nhà báo, không phải nhà thơ, dịch giả Thái Bá Tân)

Sau hơn 1 tiếng đồng hồ bị đài phường ép nghe ca nhạc, tôi ngồi viết bài này với tâm trạng bị nhà nước cướp đi cái quyền được nghỉ ngơi, được lựa chọn.
Đã thành thông lệ, ngày nào đài phường cũng oang oang mớ thông tin trùng lặp, trong đó rất nhiều thông tin người dân không có nhu cầu tiếp nhận.
Đài phường không những không giảm số lượng và giờ phát mà còn tăng. Chỗ tôi ở, cách nơi ở của bố con nhà báo Lại Văn Sâm chỉ một ngách, sau khi gắn đủ mỗi ngách một loa, gần đây phường sở tại còn “tậu” thêm cho một loa gắn vào nơi có nhiều người qua lại.
Hôm qua chủ nhật, 29.5.2016. Ngày cuối tuần, sau những việc cần làm, ai cũng muốn được yên tĩnh nghỉ ngơi. Nếu có nhu cầu giải trí, công dân tự lựa chọn theo sở thích, điều kiện kinh tế… Thời bây giờ, khi cần giải trí, công dân tha hồ lựa chọn.
Đài phường làm cái việc trái khoáy, mang tính bất chấp.
Ngày nghỉ của công dân, đài phường ra rả chương trình ca nhạc suốt hơn 1 tiếng đồng hồ.
Đài phường mở băng ca nhạc, ép dân phải nghe. Như đục vào lỗ tai.
Chế độ bao cấp đã bị xóa sổ. Vậy mà chính quyền phường vẫn "phục chế” chế độ cưỡng bách ôm đồm ấy, ép dân phải nghe ca nhạc do họ lựa chọn và phát oang oang trên loa công cộng.
Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội có sự chỉ đạo này không?
Ông Hoàng Trung Hải, ông Nguyễn Đức Chung có tán thành sự bao cấp ca nhạc theo cái kiểu cưỡng ép, bất chấp nhu cầu người dân hay không?
Có nguồn tin cho biết, nơi ở của quan chức đầu não thành phố Hà Nội, ở đó không có đài phường.

Bá Tân

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016

Nhưng...

(Cảm tác, gửi ông Nguyễn Phú Trọng, sau khi nghe ông đăng đàn diễn thuyết trên tivi tối 27.5)
Đang say sưa tự lừa dối chính mình
Trong đói nghèo vẫn hét toáng quang vinh.
Yêu dân chủ nhưng ghét người đòi dân chủ
Thích hòa bình nhưng kêu gào chống diễn biến hòa bình
Chống tham nhũng nhưng bộ máy chỉ toàn tham nhũng
Hô hào gần dân nhưng lại cực kỳ xa lánh nhân dân
Chủ trương vô thần nhưng mê tín hoang đường hạng nặng
Đề cao tập thể nhưng suốt ngày sùng bái cá nhân
Kêu cần thực chất nhưng đâu đâu cũng màu mè hình thức
Đích đến còn xa nhưng hố diệt vong đã thật gần
Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016

Cõng

Tiếp bài "Người ngựa, ngựa người"

*Nói chung, bây giờ rất kỵ đề cập đến tuổi. Nhạy cảm. Cái bài báo có chi tiết ông N. trên báo Tuổi Trẻ để ông ấy tự nói về tuổi (ổng nói rằng vả lại tôi cũng gần 60 rồi, già yếu rồi, nhờ cõng một tí có sao đâu), thừa nhận tuổi ấy tức vào ngưỡng già yếu, bị lột là phải.
Để nói thế thì khác chi làm mồi mắng cho thiên hạ ăn theo:
-Gần 60, không về đi, còn ham hố gì mà đeo bám rồi than thở.
-Học cụ, cụ bảo "60 tuổi vẫn còn xuân chán/So với ông Bành vẫn thiếu niên", giờ chưa 60 mà than già, chỉ học cái mồm, bị mắng là còn nhẹ.
-Người ta ngoài 70 còn phăm phăm lo dân lo nước kia, vừa được dân tín nhiệm trúng cử đại biểu kia, mới gần 60 ngồi đó mà than.


*Không phải cứ cõng nhau là xấu. Trái lại, nhiều trường hợp rất đẹp, rất cảm động. Con cái cõng cha mẹ, cháu chắt cõng ông bà... khi cha mẹ, ông bà yếu không đi lại được. Bạn bè cõng nhau đi học khi bạn bị liệt không thể tự đến trường. Đó là chữ hiếu, chữ tình. Là việc đương nhiên, không cần phải chứng tỏ với ai, mà cũng chẳng ai dám phê phán. Ngày tôi còn bé đi học cấp 2, nghe kể về hai bạn nữ ở Thái Bình, bạn Tứ cõng bạn Hồng (lâu quá tôi quên mất họ tên đầy đủ) suốt 3 năm, xúc động lắm. thời ấy làm gì có xe đạp, cả làng chỉ vài người có xe đạp thôi, cõng nhau - cái lưng là phương tiện chính, ngày nắng cũng như ngày mưa, cõng không bỏ buổi học nào. Cứ nghĩ đến cái tình ấy mà phát khóc lên được. 

*Dù rằng cán bộ cũng là người, nhưng nhất cử nhất động của cán bộ đều có tác dụng làm gương. Người dân đóng thuế góp tiền nuôi bộ máy cai trị thì họ cũng có quyền yêu cầu mọi hành vi, cử chỉ, lời nói... đều phải chuẩn mực, gương mẫu. Nếu không chấp nhận thì hãy từ quan về làm dân, làm người thường, không tốn tiền dân nuôi nữa, rồi muốn ai cõng thì cõng. Tại sao dư luận khó tính lên tiếng chê cười vị được cõng nọ? Chỉ bởi vì ông ấy là cán bộ, vậy thôi. Là dân thường, ai thèm quan tâm.

*Từ vụ cõng cán bộ, tôi khẳng định rằng kỹ năng sống của cán bộ - những nhà chức việc xứ này, và việc xử lý tình huống khẩn cấp của các cơ quan công quyền, tất cả đang có vấn đề, nếu không nói thẳng ra là quá dở, quá tệ. Biết mưa ngập như vậy, ngoài chuyện ông cán bộ chỉ cần tháo giày ra và xắn quần lên lội, thì cái học viện kia chỉ cần đem sẵn cái ghế gỗ dài (đồng chí AQ gọi là trường kỷ) để đó, giống như cầu tàu, ô tô tấp vào, cán bộ cứ thế leo lên, bố đứa nào dám này nọ.
Chỉ một việc cỏn con như thế mà không biết làm, lại cứ đòi vĩ mô, gánh trách nhiệm với dân với nước.


Nguyễn Thông

Mỗi tuần một từ Hán Việt: Chấp bút

Mục này hôm nay, tôi muốn góp ý với các nhà báo (phóng viên, biên tập viên).
Mấy hôm rồi, nhân những sự kiện Tổng thống Mỹ Obama diễn thuyết, phát biểu ở nơi này nơi nọ, nội dung rất hay, ấn tượng, có khá nhiều báo khai thác ở khía cạnh: những nội dung ấy ông Obama tự nghĩ ra, hay có ai chuẩn bị sẵn. Có 3 tờ báo viết rằng "ai chắp bút cho ông Obama?".
Xin nói ngay, viết thế là sai, phải viết là "chấp bút". Đây là một từ có thành phần Hán Việt nhưng đã được Việt hóa, dùng như từ thuần Việt. Chấp, theo nghĩa Hán Việt, là: cầm, giữ, nắm lấy, thực hành, nhận. Chấp bút theo nghĩa thô là nhận lấy cái bút, cầm lấy bút để làm việc. Nghĩa văn vẻ thì chấp bút là khởi thảo, thực hiện một văn bản, công trình nào đó theo bản đề cương có sẵn, hoặc theo ý kiến, sự chỉ đạo của cá nhân hoặc tập thể nào đó. Người chấp bút là người làm cái công việc ấy. Chấp bút có thể là một người nhưng cũng có thể là một nhóm người.
Còn chắp là từ thuần Việt, có nghĩa là ghép lại (những cái gì đó rời rạc) vào nhau, cho nó liền lại. Truyện Kiều có câu "Trong khi chắp cánh liền cành/Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên" để nói về tâm trạng của cô Kiều sau 15 năm mối tình Kim - Kiều gãy đổ, đứt đoạn, sợ chàng Kim không đủ cao thượng quên đi được quá khứ. Hai bàn tay khi úp lại với nhau cho nó dính liền ta gọi là chắp tay...
Còn viết là chắp bút rồi hiểu theo nghĩa chắp những cái bút lại với nhau thì quá thô thiển, làm hỏng hết vẻ đẹp của ngôn ngữ.
Có những từ, khi sử dụng, chỉ chịu khó nghĩ một tí thôi thì sẽ không sai.

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016

Obama, nông dân, và chúng ta

*Điểm lại vài điều nhân chuyến thăm của người đứng đầu nước Mỹ:
-Công tác an ninh tốt, nhưng phần lễ tân khá dở, có những việc cực dở.
-Thắng đậm nhất trong vụ này là VietJet.
-Văn hóa và ẩm thực VN được thăng hoa nhờ ngài tổng thống, vấn đề là ngành văn hóa và du lịch có biết khai thác tiếp không.
-Ông cựu thủ tướng hoàn toàn ở ẩn, không hề xuất hiện như đồn đoán của dư luận trước đó.
-Ông tổng bí thư rất mờ nhạt.
-Giới trẻ, nhất là những bạn trẻ đã thành đạt, được dịp mở mày mở mặt.
-Dân chúng rất nồng nhiệt, tình cảm, họ biết ai xứng đáng nhận sự chào đón của họ.
-Báo chí khai thác quá đà, cũng là thói quen của xứ nhược tiểu thấy cái gì cũng hay cũng lạ.
-Chưa bao giờ, chân dung, hình mẫu, phong cách, trí tuệ, sự giản dị, gần gũi của một nhà lãnh đạo lại cụ thể, có sức hấp dẫn đám đông xứ này đến vậy.

-Ông Obama vẫn còn khiếm khuyết. Ông chủ động lên danh sách mời 15 người "có chính kiến" đến để gặp gỡ, trao đổi, đó là một phần quan trọng trong chương trình của đoàn, vậy nhưng nhà cai trị VN ngăn cản, chỉ cho 6 người "ít nguy hiểm" nhất gặp. Đáng lẽ ông phải phản đối và hủy bỏ cuộc gặp, nhưng lại ngậm bồ hòn làm ngọt. Dở. Đúng là nhân vô thập toàn...

*Phải nói ra một thực tế: Tất cả những ồn ào mấy ngày qua, kể cả việc bầu cử trước đó, chỉ có thể gây được những xao động ở vài thành phố lớn, trong đó có Hà Nội và Sài Gòn, tạo được chút hy vọng vu vơ về sự đổi thay, nhưng gần như không tác động và khiến người dân ở các vùng nông thôn quan tâm. Tôi điện hỏi cậu em và mấy đứa cháu ở quê, có để ý theo dõi Obama không, biết ai trúng cử không, chúng bảo không quan tâm, giờ chỉ cần trận mưa thôi, đất nứt hết rồi. 10 ông ba ma đến chúng cháu cũng chả thèm mất thời gian, chúng cháu chỉ cần trời thôi.
Với những con người chân chất ấy, cái mà chúng ta ồn ào chẳng qua chỉ là tấn trò đời. 
Những người ấy đang còng lưng chờ mưa để cày cấy làm ra hột gạo nuôi chúng ta nói phét.


Nguyễn Thông


Thứ Tư, 25 tháng 5, 2016

Người ngựa, ngựa người

Coi cái tấm ảnh vị quan chức được cõng khi Hà Nội bị ngập nước sáng nay, tôi bần thần nghĩ ngợi, đắng lòng lắm.

-Trước hết là sự cảm thông. Đi họp, giày vớ quần áo khô ráo, chỉ còn vài bước mà ướt nhẹp kể cũng rách việc, thôi thì tặc lưỡi, nhờ cõng phát, nhoắng cái xong. Nếu dân thường cõng nhau, chắc chả ai để ý, còn khen là đằng khác. Có thể ông ta không đến nỗi tệ, nhưng vậy là hỏng.


-Cán bô thời nay nhìn chung là hư hỏng. Họ không cần nghĩ "quan trên trông xuống, người ta trông vào", họ không biết giữ chuẩn mực, rất ích kỷ. Giá nhìn thấy nước ngập, đang ngồi trong xe là cởi sẵn giày vớ, xắn quần lên, xe dừng thì lội vào, mấy bước chứ bao nhiêu. Trong cuộc sống luôn xảy ra tình huống như thế này, nhưng đám cán bộ bị cái bệnh quan cách vênh váo, ông trời con ăn vào não nên đã không làm thế. Dưới mắt dân, họ đã tự trở thành thứ hình nhân thiếu tư cách.


-Họ lúc nào cũng hô hào học tập và làm theo đạo đức của cụ Hồ nhưng chính họ lại làm ngược nhiều nhất. Nhất cử nhất động, họ không nghĩ mình phải làm gương, nói một đằng làm một nẻo.


-Việc này xảy ra ở Học viện Chính trị hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, nơi chuyên đào tạo bồi dưỡng cán bộ trung-cao cấp, lại rơi đúng vào đối tượng là những lãnh đạo cao nhất của cơ quan báo chí. Chỉ một người như vậy nhưng làm ô danh cái học viện (tưởng đào tạo ai, hóa ra loại cán bộ này), ô danh báo chí (tưởng thế nào, hóa ra được lãnh đạo bởi những vị như thế này).


-Ngày xưa, hầu như đứa nào trong thế hệ tôi cũng được nghe chuyện thời đánh Pháp ông Nguyễn Chí Thanh chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cõng một sĩ quan cấp đại đội qua suối bởi anh này sợ ướt giày chiến lợi phẩm vừa thu được. Cụ Hồ khen ông Thanh rằng chú cư xử khéo, biết dạy cán bộ cho họ thấm thía. Bây giờ mà ông Thanh còn sống, cõng mệt nghỉ.


-Chả biết ông Trọng, ông Huynh, ông Thưởng có dám xử lý những cán bộ như thế này, hay lại sợ xử thì lấy ai làm việc. Dân đang để ý đới.


Nguyễn Thông

Chuyện đại học (2)

Lại nói, hôm tôi đi thi tuốt tận bên huyện Vĩnh Bảo nổi tiếng thuốc lào, bu tôi đưa cho 12 đồng (trên Facebook tôi nhớ nhầm là 20 đồng, thành thật xin lỗi), cầm để chi tiêu và phòng thân, nhưng dặn cố gắng dè sẻn. Tôi biết, số tiền ấy lớn lắm, giá trị bằng cả một xe cải tiến dưa hấu mà tôi với thày tôi phải dậy từ 2 giờ sáng kéo bộ 20 cây số ra chợ An Dương ngoài Phòng bán mới được chừng ấy.
Lần đầu tiên trong đời, chưa bao giờ trong túi tôi có nhiều tiền thế. Gọi là nhiều bởi hồi đó không làm gì ra tiền, nhà nông chỉ trông vào bán vặt vãnh rau cỏ, quả dưa quả ổi, thuốc lào, con gà con qué… theo mùa chứ thóc thì chả đủ ăn, chỉ có những ông trốn vợ đi đánh bạc mới liều xúc vài ký thóc đi bán. Mười hai đồng, có thể mua được hơn chục cuốn sách dày cỡ cuốn Vỡ bờ (tập 1) của Nguyễn Đình Thi. Tôi cố gắng tằn tiện, nhưng tiền vào túi thủng anh nhà nghèo, ráng bóp mồm được nhưng có cái bắt buộc phải chi tiêu.
Xui xẻo, trên đường sang Vĩnh Bảo, đến gần bến phà Khuể bên An Lão, một con nghé đang ăn cỏ ở bờ cừ bất ngờ nhào ra, tôi đi xe đạp chưa quen, tránh nó nên đâm thẳng vào chiếc xe cải tiến đang chở vôi ra bến sông. Đương nhiên là xe cải tiến không sao, còn xe đạp bị cong vành, khung bị chùn. Khệ nệ lôi chiếc xe quý của ông anh họ đến quán sửa xe chỗ bến Khuể, sửa tới trưa mới xong, thợ tháo vành đi nắn vành, tháo khung đi rút khung, lắp ráp xong mất đứt 2 đồng, ông thợ còn bảo tôi thông cảm cho chú học trò đi thi tôi lấy rẻ đới. Món tiền đầu tiên được quyền tiêu pha trong đời để chi cho một tai nạn.
Buổi chiều tới Nam Am, Vĩnh Bảo, nộp tiền lệ phí thi và tiền dự phòng để sau này trường làm hồ sơ, gửi giấy báo về nếu trúng tuyển mất thêm 1 đồng 8 hào nữa. 3 ngày ở nhà chủ, họ quý mến nhường cho nơi ăn ngủ, mượn bếp tự nấu ăn, lúc về cảm ơn gia chủ, mấy đứa bàn nhau mỗi đứa biếu bác gái chủ nhà 2 đồng (3 đứa là 6 đồng) bởi thấy nhà nghèo quá, quần áo cái nào cái nấy vá chằng vá đụp. Vị chi mất toi gần 6 đồng bạc không được bỏ vào mồm, chỉ dám dè sẻn chi dùng trong hơn 6 đồng còn lại thôi. Tôi về trả lại bu 2 đồng dư, không dám khai thật, bu định không nhận nhưng có lẽ thấy tôi tiêu khiếp quá nên thu hồi lại.

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

Lịch sử lại mất thêm một nhân chứng

VŨ THƯ HIÊN (nhà văn)
Thế là Nguyễn Minh Cần đã đi xa.

Đành rằng đã 88 tuổi trời, ông có chia tay với chúng ta âu cũng là lẽ thường. Nhưng mới hôm nào còn được nghe tiếng ông sang sảng bên kia đầu dây, mà hôm nay không còn có thể trò chuyện với ông nữa, thì tin ông mất vẫn cứ làm tôi choáng váng, như thể tin không thực. Cảm giác của con người là vậy - chúng ta quen thấy mọi vật như một cái gì đó vĩnh hằng, cho đến khi không thấy nữa mới biết là không còn.


Cuộc đời Nguyễn Minh Cần gắn liền với lịch sử Việt Nam cận đại. Rõi theo những khúc quanh của cuộc đời ông bằng con mắt chăm chú ta có thể thấy những bước dịch chuyển của tư duy hướng Thiện của những người như ông trong bối cảnh cái Ác lộng hành.


Nguyễn Minh Cần tham gia cuộc đấu tranh cho giải phóng dân tộc rất sớm. Trong phong trào này ông trở thành đảng viên cộng sản cũng rất sớm. Năm 18 tuổi ông đã được bầu làm uỷ viên thường vụ thành uỷ thành phố Huế. Năm 25 tuổi đã là uỷ viên thường vụ thành uỷ Hà Nội, kiêm phó chủ tịch thành phố. Những người được đảng cộng sản tín nhiệm như ông không phải hãn hữu, nhưng cũng không nhiều. Nói tóm lại, Nguyễn Minh Cần được đảng đánh giá cao, được đặt vào hàng những đảng viên ưu tú. Để bồi dưỡng cho hàng ngũ kế cận, năm 1962 ông được cử sang Liên Xô (cũ) học tại Trường đảng cao cấp ở Moskva. Đảng không tin tưởng Nguyễn Minh Cần còn tin tưởng ai.

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016

Dân Hà Nội đón chào Tổng thống Obama bằng tình cảm tự nhiên, không cần chỉ đạo

BÁ TÂN (nhà báo)
Sáng 23.5, chuyên cơ đặc biệt chở Tổng thống Mỹ Obama hạ cánh tại sân bay Nội Bài, mở đầu chuyến thăm Việt Nam kéo dài 3 ngày, từ 23 đến 25 tháng 5.

Từ đầu giờ sáng, dọc các trục đường chính, nhất là ngã ba và ngã tư, dày đặc cảnh sát cùng với lực lượng dân phòng tạo thành “chiến hào” bảo vệ an ninh và an toàn cho tổng thống Obama.

 Hơn 9 giờ sáng, dọc theo các tuyến phố tổng thống Obama đi qua, dân chúng đã ùa ra đường đón đợi người đứng đầu nước Mỹ.

Gần 10 giờ sáng, trên chặng đường dài từ sân bay Nội Bài về nơi đón tiếp chính thức tổng thống Obama, phương tiện lưu thông của người dân bị ngăn cấm. Hai bên đường phố dày đặc dân chúng, tạo thành “rừng người” vui cười hớn hở chào đón tổng thống Obama.

Chuyện đại học

Tôi hồi bé, nhà tuy nghèo, sống rặt ở nông thôn nhưng may mắn được thày bu tôi nhịn ăn nhịn mặc cho đi học nên biết tí chữ. Hết lớp 10, lại may nữa là nhà có 2 con trai thì anh tôi đã đi bộ đội cho nên tôi được tạm hoãn, có thể thi vào đại học.
Từ tháng 4.1972, máy bay Mỹ lại đánh bom miền Bắc. Ngày 16.4 nó rải thảm trận địa pháo sát cầu Niệm, bom trúng nhà dân chết mấy chục người. Bọn lớp 10 chúng tôi vừa học vừa tránh bom. Ngoài giờ các thầy cô dạy cho trên lớp, chỉ tự học, chứ không hề biết học thêm học nếm gì. Mà giả dụ có đứa nào định học thêm, học kiểu thầy cô bồi dưỡng, luyện thi như bây giờ cũng đành chịu bởi chả thầy cô nào mở lớp. Hết giờ dạy, các thầy cô chỉ chăm bẵm vào việc nuôi lợn, xỏ mành trúc, đan len, dệt thảm… chứ không dạy. Hồi ấy không có khái niệm luyện thi.
Tháng 7.1972, tôi đi thi đại học, sau khi biết chắc chắn đã đậu tốt nghiệp phổ thông. Tôi nộp hồ sơ đăng ký thi vào khoa Văn trường đại học Tổng hợp Hà Nội, lý do đơn giản bởi tôi rất dốt toán lý hóa, hồi nhỏ cũng hay đọc truyện, hồi lớp 7 thi học sinh giỏi văn toàn thành phố Hải Phòng được giải… khuyến khích, phần thưởng là cái bút máy con trâu của Trung Quốc. Kể lể như vậy không phải để khoe (vinh dự hạng ao làng thì khoe quái gì) mà nhằm đi đến kết luận, chả biết có phải ông bà phù hộ hay giời thương nên trúng tuyển.

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2016

Thành ngữ mới: Ngày hội lớn của nhân dân

Mấy hôm nay, bộ máy tuyên truyền hùng hậu của nhà nước tập trung hết cỡ vào việc tô màu cho bức tranh bầu cử, được tổ chức vào ngày 22.5. Mở mỗi tờ báo là thấy bài tin ảnh về bầu cử. Bật tivi là thấy đọc hát hình ảnh phóng sự về bầu cử. Rảo ra phố thì đập ngay vào mắt là cờ phướn băng rôn khẩu hiệu đỏ rực về bầu cử; xe loa phóng thanh suốt từ sáng đến tối ra rả kêu gọi mọi người đi bầu cử. Nhiều gia đình trong bữa cơm cũng bàn chuyện bầu ai bỏ ai, bỏ thế nào, ai nhận phần đi bỏ hộ cho cả nhà. Các nhà mạng điện thoại thì chả biết có phải thực hiện theo chỉ đạo của ai đó không mà khách hàng không tài nào nhắn được tin có chữ bầu. Theo ông hàng xóm nhà tôi, nghe người ta bảo, thì đó là cách chặn lại các thế lực thù địch không cho chúng liên lạc với nhau chống phá bầu cử. Thậm chí người ta chặn đường, cấm đường để đảm bảo an ninh tuyệt đối cho ngài tổng thống Obama sắp sang VN cũng lấy lý do là để phục vụ bầu cử… và khách quốc tế (chứ sổ toẹt ra để phục vụ tổng thống Mỹ thì kỳ quá, nói để phục vụ bầu cử đúng chủ trương hơn, dễ được lòng dân hơn). Nói chung cả xã hội đang phát cuồng bởi bầu cử.
Điều chung nhất dễ nhận thấy là cả bộ máy tuyên truyền đồ sộ kia gọi cuộc bầu cử là ngày hội của toàn dân, ngày hội lớn của nhân dân.
Cách gọi này thực ra không mới, bởi lâu lắm rồi, những người cộng sản lúc nào cũng hô to “cách mạng là ngày hội lớn của quần chúng nhân dân”.

Đi nghe thơ

Hồi xưa, năm 1974, nhà thơ Xuân Diệu về trường mình (khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội) nói chuyện thơ. Mình còn nhớ tổ chức ở phòng cánh gà bên phải của tòa nhà hội trường lớn khu Mễ Trì. Thi sĩ sau khi ca ngợi đủ thứ, cuối cùng kết luận: Cuộc đời đẹp tựa giấc mơ. Vỗ tay rào rào.
Lúc về, thằng Phạm Văn Bích (sau nó đổi thành Mai Huy Bích, Mai là tên của vợ nó, về Viện Xã hội học) bảo mình, lão Xuân Diệu ấy thế mà thâm, đời như giấc mơ tức là chả có đéo gì, ráng tưởng tượng ra mà ăn.

Hóa ra hiệu nghiệm ngay. Mải đi nghe thơ, hai thằng xuống nhà ăn muộn, hết cơm, lính của chú Tế anh Nghề đã dọn nhà ăn sạch sẽ. Hai thằng đói, về quáng mắt thế nào suýt ngã xuống cái hố bom, may vớ được cành nhãn chứ không ướt hết.
Không còn tiền ra ga tàu điện Thanh Xuân mua bánh mì, đành nhịn đói chờ đến bữa cơm chiều. Mới 4 rưỡi chiều, cầm bát sắt lao xuống ngay nhà bếp. Cứ tưởng mình sớm nhất, ai ngờ đã đầy nhóc sinh viên Văn - Sử.
Bọn Sử ăn rất nhanh, hình như lúc nào cũng đói, mình để ý thấy chúng chỉ hơn 5 phút nhoáng cái là xong bữa, rồi ra cây nhãn tước cành nhỏ làm cái tăm xỉa răng là về. Còn bọn Văn, ra vẻ yểu điệu nhưng cứ đứa nào vắng hoặc đi muộn là toi, mất suất, gần như đã thành lệ.
Cơm áo không đùa với khách thơ. Vậy mà nhoắng cái đã hơn 40 năm. Nhớ lại thật buồn.
Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2016

Dựa oai hùm

Điều dở nhất của trung tướng công an Hữu Ước trong "cuộc chiến" với luật sư Trần Đình Triển là ông cậy vào mối quan hệ thân quen (với chủ tịch nước vốn là bộ trưởng công an), với ngành công an (ông từng phục vụ) theo kiểu chạy cửa này cửa kia để bênh mình, chứ không phải vào hệ thống pháp luật, nhằm đánh đối phương. Điều đó hoàn toàn đi ngược lại nguyên tắc của một xã hội thượng tôn pháp luật.

Tôi thầm nghĩ rằng, ở cương vị hiện nay, ông chủ tịch nước và ông bộ trưởng công an chả dại gì dính vào bởi được đâu chửa thấy, chỉ thấy mất, nhất là uy tín của người cầm quyền.

Nhưng ở xứ ta, có khi dạng ngược đường, vượt đèn đỏ đó mà lại thắng, tuy nhiên thắng trong sự chê cười của thiên hạ.


Có người bảo ông Ước khôn, bởi ông biết đấu luật với một người như ông Triển thì ông chắc chắn thua.


Ông Ước lú nhất là khi ông ấy bảo luật sư Triển muốn làm um vụ này để dựa vào sự nổi tiếng của ông, lợi dụng cái danh của ông. Thưa với ông, nổi tiếng như ông Ba Dũng giờ cũng không ai nhắc tới, nói gì một trung tướng quèn.


Làm người trong cõi ta bà này, đừng ngáo đá.


Nguyễn Thông

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2016

Chuyện hằng ngày

- Ông Nguyễn Thiện Nhân rất chân thành khi khuyên dân chúng đừng do bức xúc chuyện xã hội, đời sống gì đó (ý ông Nhân muốn nói chuyện ô nhiễm môi trường biển, chuyện cá chết) mà không đi bầu cử, không thực hiện quyền công dân thiêng liêng của mình.
Tôi mà ở cương vị ông Nhân, tôi cũng nói như vậy. Nhưng tôi dân đen cạn nghĩ, tôi nghĩ nếu ai đó định không đi bầu cử thì không phải là do bức xúc mấy thứ kia, mà do họ hiểu rằng các vị đã chọn, đã sắp xếp mâm bát xong rồi, yên vị cả rồi thì bầu hay không bầu cũng thế thôi.

- Nhà nước định huy động vàng trong dân bằng cách khuyên dân gửi vàng vào ngân hàng, sau đó phát cho người gửi cái chứng chỉ ghi nhận. Èo mẹ, gửi vàng thật, lấy được cái giấy, dân nó ngu chắc. Nhà tôi giờ còn mấy tờ công trái từ năm 1997, gián gặm mẹ nó xơ xác hết bởi nếu đi lĩnh chả bõ tiền xăng.

- Lão Maddox coi tivi xong chửi, bố tiên sư, ngày xưa thì bảo tuổi nhỏ làm việc nhỏ, em thơ lên 5 tuổi đã biết ngồi vót chông, tuổi nhỏ chí lớn..., giờ lại cực lực lên án người mẹ "lôi cả con vào cuộc biểu tình vì môi trường, trong khi các em cần chơi cần học, đừng lợi dụng tuổi thơ vào việc người lớn". Đéo biết đâu mà lần giọng lưỡi của các bố.

- Tôi cho rằng những đứa hay dùng cụm từ "anh hùng bàn phím" để chê người này người khác, tự nó đã bộc lộ sự run sợ, hoảng hốt trước sức mạnh này.

Nguyễn Thông


Thứ Ba, 17 tháng 5, 2016

Mỗi tuần một từ Hán Việt: Mãn tính hay mạn tính?

Người ta đang quan tâm đến chuyến thăm của ông Obama, chuyện cá chết, chuyện Việt Tân giật dây biểu tình..., còn tôi lại bàn chuyện chữ nghĩa. Đúng là đồ dở hơi.
Trong những bản tin y tế, ta rất hay bắt gặp các nhà báo viết “bệnh mãn tính”. Cứ như cách hiểu của người viết thì cái bệnh họ đang nói tới, đề cập đến là thứ bệnh mà người mắc sẽ bị mãi, bị suốt đời, theo hết đời. Vậy viết thế là đúng hay sai?
Mãn là từ Hán Việt, có nhiều nghĩa, nghĩa chính là đầy đủ, sung túc, dồi dào. Mãn nguyệt có nghĩa là đủ tháng, đầy tháng, trăng tròn đầy. Ngày xưa người ta tính tháng theo trăng, khi nói mãn nguyệt khai hoa tức là nói về người đàn bà có thai đã đủ tháng, đã đến ngày sinh. Mãn phúc tức là hạnh phúc đầy đủ (dùng chữ này để chúc ai đó), mãn phục là hết tang (phục), mãn kiếp là trọn kiếp. Xưa có câu đối ngày tết rất hay: Thiên tăng tuế nguyệt nhân tăng thọ/Xuân mãn càn khôn phúc mãn đường (Trời thêm ngày tháng, người thêm tuổi/Xuân tràn trời đất, phúc đầy nhà). Chính vì mãn có nghĩa như vậy nên không ít nhà báo, thậm chí người trong ngành y cứ quen nói “bệnh mãn tính” để bảo rằng bệnh hết đời.
Khổ nỗi, làm gì có thứ bệnh nào là bệnh hết đời người. Y học ngày càng hiện đại, có thể chữa trị, ngăn chặn những thứ bệnh mà ngày xưa con người dường như phải bó tay, tưởng rằng đã mắc phải nó thì nó sẽ theo đến chết. Bây giờ những bệnh như lao, phong (cùi, hủi), tả, lỵ, thương hàn, gan… người ta chữa nhoay nhoáy, làm gì còn tứ chứng nan y. Ngay cả ung thư, với đà phát triển y học như thế này, nó cũng sẽ bị loại khỏi danh sách bất trị.
Bởi vậy, khi viết bệnh tiểu đường, bệnh huyết áp, bệnh thoái hóa khớp… là bệnh mãn tính thì nhầm to. Nhầm không phải bởi kiến thức y học, mà do không biết dùng từ. Phải viết là bệnh mạn tính.
Mạn cũng là từ Hán Việt, ngoài nghĩa kiêu ngạo, khinh thường, coi thường (chúng ta hay nói khinh mạn), còn có nghĩa: từ từ, chậm, chậm chạp, đến dần dần. Mạn tính có nghĩa tính chậm chạp (để chỉ ai đó). Bệnh mạn tính là thứ bệnh ban đầu rất nhẹ, dường như không đáng kể, nhưng nó cứ đến dần dần, càng ngày càng nặng, không chữa chặn ngay từ đầu thì càng khó chữa. Như vậy bệnh mạn tính không để chỉ một loại bệnh cụ thể nào trong y học mà để nói về dạng bệnh mà thôi. Ví dụ tiểu đường, mỡ trong máu là dạng bệnh mạn tính bởi càng lớn tuổi, càng ăn nhiều đường, nhiều mỡ, ít tập luyện, không biết kiềm chế sự thòm thèm của mình thì bệnh ngày càng tăng, càng nặng, càng khó chữa.
Chính vì thế, phải viết là bệnh mạn tính chứ không phải bệnh mãn tính. Đừng tặc lưỡi rằng chuyện nhỏ, quen rồi, lâu nay có ai thắc mắc gì đâu. Ngôn ngữ là của cải chung, nếu không làm nó hay hơn, chính xác hơn thì cũng đừng làm hỏng nó, làm sai nó.
Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2016

Đừng để nông dân bơ vơ trong cơn bấn loạn

Vẫn biết những người nông dân mấy xã ven sông Bưởi ở huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa) đều có sự chuẩn bị, phòng ngừa những rủi ro trong làm ăn, sản xuất, chăn nuôi nhưng rõ ràng vụ cá chết đột ngột đã chả khác gì quả chùy giáng xuống quá mạnh, đột ngột khiến họ không kịp trở tay khi hữu sự. Chỉ trong một đêm, mất trắng hàng trăm triệu đồng, có tài thánh cũng không xoay trở kịp. Cứ như báo chí phản ánh thì họ chỉ còn biết mếu máo, bất lực, ôm cá mà khóc trong cơn bấn loạn. Thì còn biết làm gì hơn khi bao nhiêu tài sản, dự định, kế hoạch làm ăn sắp tới, hy vọng… đổ hết cả xuống dòng nước thối.

Mà không chỉ bà con mấy xã huyện Thạch Thành xứ Thanh, đó đây mấy ngày qua cũng xảy ra tình trạng tương tự. Dân nuôi cá ở Bà Rịa-Vũng Tàu, ở Khánh Hòa, ở Đồng Nai… cũng đang điêu đứng do cá chết bởi nguồn nước bị ô nhiễm. Cá ngoài biển, dù bị chết, những đó là sự đầu tư của ông trời, của tự nhiên, chỉ gây hại phần nào đối với ngư dân, với người làm nghề đánh bắt, với xã hội nói chung; nhưng cá nuôi của nông dân bị chết, tất cả mọi thiệt hại dồn lên nhà đầu tư là bà con nông dân.

Hãy nghe chị Nguyễn Thị Báu ở thôn Bãi Cháy, xã Thạch Vinh, huyện Thạch Thành kể lại với báo điện tử VNN: Đêm 5.5, nghe người ta báo nước phía thượng nguồn bị ô nhiễm, tôi bủn rủn cả tay chân. Nửa đêm ngửi thấy mùi nước sông Bưởi bốc lên hôi thối nồng nặc, nước đen, đặc quánh lại. Cả 4 lồng cá nhà tôi nhảy loạn xạ, rồi chúng ngửa bụng ra chết. Đến sáng sớm 4 lồng cá không còn con nào sống sót. Những bè cá này tôi bắt đầu nuôi từ đã lâu nhưng chưa thu hoạch. Trong lồng còn hơn 400 con cá trắm trọng lượng 3-8kg/con, ước tính tổng trị giá 300 triệu đồng. Nay thì mất trắng, chỉ sau một đêm.

Thứ Năm, 12 tháng 5, 2016

TNXP

Mấy cái ký tự viết tắt này để chỉ cụm từ “thanh niên xung phong”. Cũng là một thứ danh hiệu, tên gọi của một lực lượng xã hội trong cái thời đại mà các nhà cai trị gọi là thời cách mạng.

Có vài bạn vừa bảo rằng TNXP là lực lương do ông Võ Văn Kiệt tổ chức, lập ra năm 1976, theo tôi hơi bị nhầm lẫn. Ông Kiệt lúc ấy với chức vụ Bí thư Thành ủy TP.HCM nhận ra rằng trước mắt còn quá nhiều việc phải làm, nhất là cải tạo kinh tế, khai hoang phục hóa, thậm chí phá rừng lấy gỗ, nên đã tổ chức đám thanh niên đang ngơ ngác thời hậu chiến lại, truyền lý tưởng cho họ, giao nhiệm vụ cho họ, gọi là lực lượng TNXP TP.HCM. Phải công nhận, TNXP của ông Kiệt, vốn xuất thân từ giới trẻ Sài Gòn, mà rất nhiều trong đó là sinh viên, học sinh đang trong ngã rẽ cuộc đời, là con em công chức “ngụy quân ngụy quyền” có trình độ, học thức cao, đã làm vẻ vang cho tên gọi mà họ mang: TNXP. Thời những năm đầu hậu chiến, TNXP tượng trưng cho sức trẻ, nhiệt tình, sự hăng hái, quên mình, chịu khó chịu khổ, đi đầu, vẻ đẹp trong sáng. Đó là thứ danh hiệu một thời rất đẹp.

Nhưng tên gọi này, lực lượng này thực ra không phải bắt đầu từ thời ông Kiệt. Nó có từ hồi kháng chiến chống Pháp. Bên cạnh bộ đội và dân công hỏa tuyến, thời chống Pháp đã có TNXP. Cụ Hồ năm 1950 gặp TNXP ở Bắc Cạn đã khen họ “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”. Đó là cụ trò chuyện, khen ngợi TNXP chứ không phải với tuổi trẻ nói chung, sau này người ta cứ vống lên vơ vào cho đoàn thanh niên, thực ra đó là của riêng TNXP.

Thời đánh nhau với Mỹ thì TNXP là lực lượng quan trọng, cực kỳ quan trọng là khác, chỉ đứng sau bộ đội. Thôi, tôi cũng chả cần diễn giải ra nhiều bởi hầu như ai cũng biết. Chỉ nhấn mạnh rằng thời này đàn ông đàn ang, nam thanh niên vào lính gần hết rồi nên TNXP chủ yếu là đàn bà con gái. Sự nghiệp, việc làm, đóng góp, hy sinh của những cô gái này, nếu có viết thành tiểu thuyết sử thi dày trăm tập cũng chưa kể hết. Điều đáng buồn là, cái hội nhà văn suốt gần nửa thế kỷ hậu chiến gần như chả mấy đoái hoài đến họ, không có lấy được tác phẩm ra hồn về những Jeanne d'Arc Việt Nam này, trong khi lúc nào cũng ra rả đòi vươn lên ngang tầm thời đại. Tôi có ông bạn là nhà văn có thẻ hội trung ương đàng hoàng bảo với tôi, mày thông cảm, chúng tao chỉ là lũ ăn hại, vô tích sự, chúng tao chỉ giỏi nổ, chỉ vênh với cái danh hiệu hão thôi.

Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

Họ là ai mà ác hơn giặc cướp

NGUYỄN TRỌNG TẠO (nhà thơ)
Nhân danh ai họ ra lệnh đánh dân
Những người dân tay không và biểu ngữ
Những người dân biết chữ:
Độc lập Tự do Đất Nước của Nhân Dân.
Nhân danh ai họ ra lệnh đánh Con
Họ đánh Mẹ
Họ đánh Cha
Họ đánh Em
Đổ máu
Họ ăn gì mà ngu hơn bò lợn
Bò lợn dân nuôi còn có ích cho người.

Thiên đường và địa ngục

VƯƠNG TRỌNG (nhà thơ)
Ngày xửa ngày xưa, một gia đình nọ sinh được hai người con trai. Người anh ngoan ngoãn, siêng năng, kính yêu bố mẹ và rất mực thương em; còn người em lười biếng, hỗn xược, khi rựou vào thì không chỉ đánh anh mà choảng cả bố mẹ. Tất nhiên khi chết thì anh lên thiên đường còn em xuống địa ngục.
Ở thiên đường ít lâu, thương nhớ em nên người anh xin phép ban quản lý để xuống địa ngục thăm em. Cánh cửa địa ngục mở, người anh hết sức nhạc nhiên vì quang cảnh tuyệt đẹp, chim kêu hoa nở, người đi lại vui tươi, ai cũng béo tốt, Căn phòng gần cổng ra vào có mấy chàng trai vừa đánh bài vừa uống bia, nói cười rôm rả. Người anh từ tốn hỏi:
- Đây là địa ngục phải không ạ?
- Chính thế! Một chàng trai trả lời.
Người anh suy nghĩ: địa ngục thế này thì chẳng thua kém gì thiên đường, vậy ta nên xin phép xuống hẳn đây để được gần em. Anh trở về thiên đường xin phép ban quản lý và được đồng ý sau khi khuyên suy nghĩ cẩn thận.
Cánh cửa địa ngục vừa mở ra thì khói đen mù mịt bốc lên mùi khét lẹt và trước mắt anh một cảnh tượng hãi hùng: quỷ Sa tăng cao lớn, mặt mày dữ tợn đang dùng đinh ba đẩy từng người một xuống vạc dầu đang sôi. Anh nhẹ nhành hỏi:
- Đây là địa ngục phải không ạ?
- Thấy rồi sao còn hỏi? Sắp đến lượt mày đấy!
Sa tăng nói như quát và hất hàm cho một tên quỷ khác trói anh lại và đẩy vào hàng sắp bị hành quyết. Biết kêu khóc cũng vô ích, anh chỉ xin hỏi một câu:
- Sao hôm trước tôi xuống thăm thấy địa ngục khác hẳn thế này?
- Đó là phòng TUYÊN TRUYỀN của địa ngục đấy con ơi! Sa tăng trả lời và đẩy anh xuống vạc dầu.
Thì ra nếu tuyên truyên tốt, địa ngục có thể lừa được người thiên đường và khi biết được sự thật thì đã quá muộn.!
TB: Chuyện này không phải do tôi sáng tác, mà viết lại câu chuyện cách đây trên 35 năm mà nhà thơ Thanh Tịnh đã kể trên xe ô tô khi đi dự đám tang vợ một người trong cơ quan từ Văn Điển trở về.

Vương Trọng
(theo Facebook của nhà thơ Vương Trọng)

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2016

Biên lại cho khỏi quên (1)

Triều đại cộng sản năm thứ 71, chính thể đệ nhị mang tên Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (đệ nhất có tên Việt Nam dân chủ cộng hòa, chấm dứt năm 1976). Từ tháng 2 Bính Thân (2016) tới nay là tháng 4 ta, nhà nước mới vừa được đảng cai trị cử ra, đứng đầu là một đại tướng quân họ Trần, tên Đại Quang, từng là thượng thư bộ Công (an), vốn người đất thang mộc Hoa Lư sinh ra Đinh tiên hoàng đế khi xưa.

Triều đình danh nghĩa đứng đầu là họ Trần nhưng thực ra chúa Nguyễn, người xuất thân vùng ven kinh thành, vẫn nắm quyền quyết định mọi sự, kể cả nội trị ngoại giao, việc lớn việc nhỏ đều gom vào tay chúa. Mỗi lần kinh thành mở hội, chúa thường đăng đàn diễn thuyết, nói hay lắm, giọng thủ thỉ như rót mật, đám dân chúng say điếu đổ. Có kẻ chỉ mong được một lần nắm bàn tay chúa, chớp ảnh chung với chúa đem về treo trong nhà, dẫu cho gan óc lầy đất cũng hả dạ.

Nhà chúa đang chỉ dụ triều đình tổ chức bầu ra các cấp cai trị, từ hương lý ở xã phường đến bọn quan lại trung ương. Nghe nói tiền của đổ vào cũng nhiều, gần 4.000 tỉ bạc, nhưng cũng chả đáng là bao so với một vụ tham nhũng vài ngàn tỉ, mà tham nhũng thì nhan nhản, nhiều đến nỗi cựu quốc vương họ Trương, quan lại quen gọi là anh Tư, ở triều trước đã phải thốt lên rằng “quốc nạn tham nhũng ngày càng nặng, khó trị”.

Đang lúc cờ bay trống giục nhịp nhàng, bỗng dưng trời đất, nhân tình thế thái có nhiều điềm gở khiến cả vua lẫn nhà chúa đều lo.

Thứ Hai, 9 tháng 5, 2016

Nhìn thẳng vào sự nhìn thẳng của ông Nguyễn Thành Tài

Tôi không đồng ý với ông Nguyễn Thành Tài, cựu phó chủ tịch TP.HCM khi ông ấy bảo cần nhìn thẳng vào vấn đề Sài Gòn trước 1975 có phải từng là đô thị khá giả trong khu vực như người ta nói không. Ông ấy cho rằng “Năm 1975 Sài Gòn có 3,5 triệu người, thu nhập bình quân cỡ 360 USD/người/năm, chừng đó thôi thì sao nói là trung tâm của Đông Nam Á? Trong khi nay đã là trên 5.000 USD/người/năm, gấp mười mấy lần nhưng tụt lại so với nhiều TP trong khu vực" (trả lời phỏng vấn trên báo Tuổi Trẻ ngày 7.5.2016).

Sài Gòn có phải đã từng là trung tâm của Đông Nam Á không, tôi chưa rõ, nhưng nói như ông thì thiếu thuyết phục.


Ông bảo hiện nay bình quân đầu người ở TP.HCM đã hơn 5.000 USD/năm, chả biết ông căn cứ vào cái gì. Có thể với những nhà giàu, họ đạt vài ba chục nghìn đô/năm không chừng, nhưng cứ nhìn quanh khu dân cư tôi ở, áp được 1.000 USD/đầu người cũng là quá lãng mạn, ông ạ. Các ông cứ ở trên tít giời cao nhìn xuống hạ giới mà phán.


Cứ như ông nghiên cứu, năm 1975 bình quân của Sài Gòn là 360 USD/người, giờ 5.000 tức đã gấp mười mấy lần. Cứ cho là như thế đi. Ông cũng thừa nhận tụt nhiều so với nhiều thành phố trong khu vực. Xin nói với ông, giá trị đồng USD những năm 1975 trở về trước khác rất nhiều so với bây giờ đấy. Còn ông bảo tụt nhiều, nhưng nhiều là bao nhiêu? Họ vượt lên được mấy chục lần hay mấy trăm lần, sao ông không nói. Và cơ bản là vì sao lại tụt sau người ta xa thế? Do đâu, nguyên nhân nào, cái gì, ai?


Ông có ý phủ nhận Sài Gòn từng khá giả. Xin ông nhớ lại ông Lý Quang Diệu có lần phát biểu đại ý là mong phấn đấu Singapore cũng được như Sài Gòn. Giờ thì Singapore nó thế nào, còn Sài Gòn do các ông cai trị mấy chục năm nó thế nào?


Theo tôi, ông cứ nên đọc lại cuốn Bên Thắng Cuộc, không phải bởi sách đó của anh Huy Đức mà là trong đó có những ý kiến xác đáng của rất nhiều người từng là lãnh đạo cấp cao, là sếp của ông. Họ dám tâm sự, nhìn vào sự thật, dù rằng mới chỉ nói với người này người kia chứ chưa dám nói công khai.


Chúng ta, ai cũng phải nhìn thẳng vào sự thật, thì xã hội, đất nước may ra mới trở mình mà đi lên được.


Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2016

Ba cha con ông Bush

Ba cha con nhà ông G.Bush (trong đó có 2 cựu tổng thống, tôi nhấn mạnh “cựu” bởi vì họ thôi làm tổng thống thì thôi hẳn, chỉ đi chơi, đi nói chuyện kiếm tiền, viết sách, chứ không như mấy ông nhà này, cứ đòi phải là nguyên chứ không chịu cựu, hễ chỗ nào có đình đám mỡ mật là nhào ra ghế long trọng viên, mặt vênh lên) đã tuyên bố tẩy chay, nhất quyết không bầu tổng thống Mỹ.

Theo tôi, ngoài nguyên nhân ông Bush con-em, tức Jeb Bush, vừa tham gia cuộc chạy đua và sớm bỏ cuộc (có lẽ tham vọng quá lớn, muốn nước Mỹ lần đầu tiên có một gia tộc 3 người làm tổng thống; còn bởi ông này chưa đủ tầm, phải ráng ăn thêm vài bồ thóc nữa), còn có lý do: họ không thích ứng cử viên, dù là ông Donald Trump hay bà Hillary Clinton. Không thích thì không bầu, vậy thôi.


Đó là thứ tự do dân chủ của nước Mỹ.


Ba cha con nhà ấy mà ở xứ ta, đố dám, lại không lên bờ xuống ruộng chứ tưởng bở. Tổ dân phố cử người đến hỏi thăm sức khỏe ngay.


Nhưng tôi biết có không ít người thích các ông ấy, và…


Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2016

Nhìn thấy, nghĩ, và phán xét

Vụ nghệ sĩ nhân dân (NSND) Lan Hương không tiếp tục cuộc hành trình đi Trường Sa (hay có thể nói là bỏ về dở chừng) đang dậy sóng dư luận, theo tôi, cần phải hết sức bình tĩnh suy nghĩ và phán xét. Đừng quá vội vàng, nếu sự việc đúng như người chứng kiến kể lại thì có ích trong việc phân loại tư cách, nếu sai có thể giết chết một con người về nhiều mặt.

Trước hết, nói về NSND Lan Hương. Chị nói với báo chí rằng chị rất muốn đi Trường Sa, đã tích cực chuẩn bị cho chuyến đi dù mấy tháng nay không được khỏe, nhiều bệnh này bệnh nọ. Chị đã sai lầm. Chị cần nhớ rằng để tổ chức một chuyến đi như vậy, cơ quan có trách nhiệm đã phải chuẩn bị nhiều tháng trời, chọn người rất kỹ, trong đó có tiêu chuẩn sức khỏe. Dù rằng niềm yêu biển đảo có sâu nặng mấy đi nữa, yêu mến người chiến sĩ Trường Sa đậm đà mấy đi nữa, nhưng không thể lấy cái tinh thần đó thay cho sức khỏe. Đáng lẽ thấy mình không đáp ứng được, phải từ chối, hoặc xin được đi chuyến khác nếu sức khỏe cho phép, thì chị đã không làm vậy. Trong phút 89, người ta không thể thay người, không thể điều chỉnh nhân sự cho chuyến đi, chị đã khiến mọi sự dở dang. Rất đáng trách. Dư luận nói này nói nọ, chĩa mũi phê phán vào chị, chị cần nghĩ “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, một phần tại mình.

Nhưng các vị ạ, chúng ta đừng vội thay tòa án lương tâm để kết án một con người, bất kể người đó là ai. Nhiều khi ngay cả người trong cuộc vẫn chưa hiểu hết. NSND Lan Hương nói rằng khi lên tàu, chị không chịu được “mùi tàu”, chóng mặt, khó chịu, buồn nôn muốn ói, không chịu nổi. Tôi tin chị ấy nói thật, chứ không phải như ai đó bảo rằng chị ấy chê tiện nghi kém rồi bỏ dở cuộc hành trình. Chẳng người nào có tư cách, nhất là một NSND, chỉ vì thiếu tiện nghi mà làm điều dại dột vậy. Một người đàn bà tuổi ấy, sức khỏe ấy, thay đổi môi trường đột ngột, rất dễ bị suy sụp sức khỏe. Ai đó đừng lấy sức khỏe của mình để áp cho người phụ nữ này. Những năm 70-80 thế kỷ trước, tôi thường ra Bắc vào Nam bằng đường biển, khi tàu hàng, khi tàu khách Thống Nhất, tôi thường chứng kiến những người, kể cả đàn ông, đàn bà, cứ lên tàu, chịu tròng trành rung lắc, chao đảo một tí là mật xanh mật vàng. Chính tôi cũng từng phải bỏ dở chuyến đi trên tàu Sông Đáy ông anh họ cho đi nhờ vào Sài Gòn bởi vừa xuống tàu là mặt tái ngắt, mà kỳ ấy lại biển động, ông anh tôi bảo, thôi, chú về, để thu xếp đi chuyến sau hoặc đi tàu hỏa.

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

Thói háo danh và sự suy đồi của con người

PHẠM QUANG LONG
Người xưa đã tổng kết: "mua danh ba vạn, bán danh ba đồng" để nói về việc công phu như thế nào để xây dựng được một uy tín, để được người đời thừa nhận. Đủ biết, phải cẩn trọng lắm, giữ gìn lắm mới có thể tạo dựng được một chỗ đứng ở đời.
Thế mà ngày nay không chỉ có những kẻ " không ra gì" đã vứt bỏ liêm sỉ, chỉ chăm chăm vào những thứ có lợi cho mình mà cả những "đấng bậc" mũ cao áo dài cũng cởi bỏ mũ áo, quên cả thân phận mình, làm những việc chả ra làm sao cả khiến cho người đời chê cười.
Đã từng có những vị đã được xếp vào loại " thày thiên hạ" mà lại giở trò tháu cáy, ăn gian nói dối, thậm chí còn " mượn" danh, thuổng cả chữ nghĩa của người khác đến mức kiện tụng nhau ra toà. Thảm hại lắm thay.
Có vị danh trùm thiên hạ rồi mà cũng chỉ vì mấy thứ lợi vặt vãnh đã bán cả danh, làm những việc sai trái, thậm chí vớ vẩn, người thường cũng chả làm. Nhục nhã lắm thay.
Xã hội trọng danh, không trọng thực sẽ đẻ ra chuyện mua bán, cho tặng, ban phát các danh hiệu. Tôi đã thấy có ông ghi vào danh thiếp của mình đến hai mươi mấy danh hiệu để chứng tỏ mình là VIP. Những danh ấy có thực nhưng ông chẳng làm cái gì ra hồn cả. Vậy mà ông vẫn tự sướng với cái danh hão của mình. Ông vẫn còn sướng được vì có người vẫn chịu khó ban cho ông và vẫn có người mê những cái hão như ông.
Có thể cười nhưng cũng cay đắng lắm.

Mỗi tuần một từ Hán Việt: Cống sinh

Tôi vừa đọc một bài trên báo Thanh Niên, viết về thành nhà Hồ ở Thanh Hóa. Trong bài có từ Hán Việt mà tôi cho rằng người viết dù viết ra vậy nhưng không hiểu rõ nghĩa.

Tôi có ý thức cẩn trọng khi dùng những từ loại này một phần chịu ảnh hưởng của bậc cao nhân mà tôi luôn coi là thầy mặc dù chưa được học thầy một buổi nào. Đó là GS Phan Ngọc. Tôi sẽ viết rõ hơn về nhân vật này trong kỳ sau.


Bài báo nói trên kể về một huyền tích xây thành nhà Hồ, đề cập chuyện quan đốc xây thành là Cống Sinh bị chôn sống do thành xây chậm. Mặc dù bài cũng có nhắc tên đầy đủ của ông là Trần Công Sỹ nhưng vẫn làm cho bạn đọc hiểu rằng Cống Sinh là một tên khác của ông.


Thực ra cống sinh là người đi thi đã đỗ hương cống. Sinh tức là học trò, sĩ tử. Người đỗ trong kỳ thi hương (kỳ thi này được tổ chức cho một vùng nhất định gồm vài tỉnh, là kỳ thi đầu trong 3 kỳ thi: hương, hội, đình) thì được gọi là hương cống. Gọi như vậy bởi vì người thi đỗ hạng cao trong kỳ thi hương được dâng lên, cống lên cho triều đình để nhà vua bổ làm quan. Chính vì vậy, họ được gọi là cống sinh, tức người học trò được tiến cống lên vua. Từ thời nhà Lê về trước đều dùng từ này, đến thời nhà Nguyễn thì bị đổi thành cử nhân, có nghĩa là người được đề cử làm quan.


Ngày xưa, học hành để đi thi, đi thi chỉ để đỗ đạt, mong được làm quan. Nếu đỗ hạng cống sinh, cử nhân thì sẽ do triều đình phân bổ, sắp đặt làm quan chức cấp huyện trở lên, còn đỗ tú tài thì phải thi lại, hoặc về quê tham gia vào bộ máy hương lý ở nông thôn cấp xã tổng, như chánh tổng, lý trưởng chẳng hạn.


Trở lại bài báo trên, cống sinh chỉ viết bình thường chứ không phải là cái tên riêng của nhân vật.


Nguyễn Thông

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2016

Không ngại vùng nhạy cảm

Có thể nói, thông tin nóng sốt thời sự, và cũng nóng cả về nhiệt độ xã hội nhất của ngày hôm qua 4.5 là việc Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng yêu cầu phải chấn chỉnh lại hệ thống lực lượng công an thành phố. Đành rằng thời gian gần đây, những gì liên quan đến Bí thư Thăng đều có sức hấp dẫn, lôi cuốn sự chú ý của số đông nhưng rõ ràng điều mà ông Thăng nêu ra trong cuộc họp ngày 4.5 rất đáng chú ý.

Ta còn nhớ, ngay sau khi nhậm chức người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM, ông Đinh La Thăng đã gần như lập tức có cuộc làm việc với Ban Giám đốc Công an thành phố. Ông hiểu rõ lĩnh vực trật tự trị an ở thành phố này đã và đang diễn ra như thế nào, dân tình bức xúc ra sao, hiểu tầm quan trọng của lực lượng đang gánh vác khối công việc phức tạp, không lồ trên lĩnh vực ấy. Ông Thăng là người đứng đầu tổ chức Đảng địa phương nhưng khi đến với công an, ông không lên lớp, huấn thị này nọ, rằng phải nâng cao cái này, rằng phải quán triệt cái kia… Ông chỉ yêu cầu ngắn gọn phải làm sao kéo giảm được hẳn tình trạng tội phạm trong vòng 3 tháng nữa. Đặt ra nhiệm vụ rất cụ thể, con số cụ thể, không chung chung, không đao to búa lớn, đó là phong cách của ông Thăng. Đến nay thì chưa hết thời hạn đặt ra, cũng chưa thể biết tiêu chuẩn đặt ra có đạt không nhưng rõ ràng lực lượng công an đã phải làm việc tích cực hơn, một số vụ án được khám phá nhanh hơn, an ninh trật tự khởi sắc hẳn, tạo được ấn tượng tốt với những người chứng kiến và đang lặng lẽ theo dõi.

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2016

Thành ngữ mới: ĐẾ QUỐC SÀI LANG

Tôi cứ tạm gọi là thành ngữ bởi cụm từ này khá hình tượng, quen thuộc trong đời sống, được dùng suốt hơn nửa thế kỷ ở nước ta. Nói chính xác hơn thì chủ yếu ở miền Bắc. Nó (thành ngữ ấy) có từ khi nào tôi không biết nhưng từ bé đến lớn đều nghe người nhớn vẫn dùng, báo chí hay viết, đài phát thanh phát liên tục. Nó bặt lúc nào cũng chả ai hay, bây giờ không ai nhắc đến, với tụi trẻ nếu mình vô tình nói ra thì chúng nó cười, bảo ông này hâm tỉ độ, kể chuyện cổ tích, hoang đường.
Theo nghĩa từ Hán Việt, sài và lang đều có nghĩa là loài chó sói hung ác, dữ tợn. Ngày xưa dọa nhau, người ta lấy con sài, con lang ra dọa. Mắng nhau là sài lang, lang sói có nghĩa cạch mặt nhau, ai mà thèm chơi với loài chó sói hung ác. Những người cộng sản rất giỏi tuyên truyền, khơi dậy lòng căm thù của dân chúng nên họ gắn ngay sài lang vào với đế quốc, thực dân, mở rộng hơn nữa là giai cấp tư sản – kẻ thù của họ.
Cũng theo nghĩa Hán Việt, đế quốc nghĩa là một nước có hoàng đế, mở rộng ra là nước lớn, mạnh, chuyên đi xâm lấn, mở rộng lãnh thổ, ức hiếp nước nhỏ. Nước theo chủ nghĩa đế quốc luôn đi xâm lược nước khác. Có đế quốc La Mã, đế quốc Mông Cổ, đế quốc Ottoman, đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ… thời xưa; có đế quốc Anh, đế quốc Mỹ sau này. Thế kỷ 20, chống đế quốc hăng nhất là Việt Nam và Cuba. Hăng đến mức được coi là ngọn cờ đầu của hai bán cầu, mà chủ yếu là chống Mỹ.
Phe xã hội chủ nghĩa, hay còn gọi là phe cộng sản, thấm nhuần học thuyết của những vị thánh Mác – Lênin khăng khăng coi chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản (tư bản thì bóc lột, còn đế quốc không chỉ bóc lột mà còn đi xâm chiếm đất đai nước khác để bóc lột), tất yếu sẽ bị diệt vong. Xã hội loài người cuối cùng chỉ tồn tại chủ nghĩa cộng sản. Những ông tổ nói chắc như đinh đóng cột vậy. Bộ máy tuyên truyền của cộng sản suốt mấy chục năm rêu rao như vậy. Nhiều thế hệ, trong đó có thế hệ tôi, từng tin như vậy. Nhưng thời thế đổi thay. Những điều tưởng là chân lý, bất di bất dịch, vững như bàn thạch đã sụp đổ tan tành. Thế giới trong 2 thập niên 80 và 90 thế kỷ trước chứng kiến sự tan rã của chủ nghĩa cộng sản, ngay cả trên những nước sinh ra ông tổ của nó, trên cả quốc gia Liên Xô từng hãnh diện phong cho mình là thành trì của cách mạng thế giới.

Thứ Hai, 2 tháng 5, 2016

Góp ý, trung ngôn nghịch nhĩ, nghe được thì nghe

1. Sự quan tâm quá mức đến mấy tỉnh ven biển bị ảnh hưởng bởi cá chết (dù rất đáng quan tâm) có thể sẽ khiến cho hàng triệu người dân mấy tỉnh khu vực Tây Nguyên, các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bị khô hạn kéo dài suốt mấy tháng nay đang sống dở chết dở phải nghĩ ngợi về sự phân biệt đối xử. Chính phủ mới nên sáng suốt nhận thấy điều này và xử lý kịp thời. Không thì với dân chúng những nơi đó, họ chỉ biết đến ông trời chứ cóc cần chính phủ.

2. Khi một nền báo chí còn quay lưng, ngậm tăm trước những sự kiện xã hội nóng bỏng mà nhân dân là nhân vật chính (cuộc xuống đường bảo vệ môi trường hôm qua) thì có thể kết luận ngay rằng không trông chờ gì vào cái gọi là "sứ mệnh thông tin" của nó. Thế giới hãy coi đây là biểu hiện rõ nhất cho tự do báo chí của xứ này chứ cứ cãi qua cãi lại nhọc lắm.

3. Hồi nhỏ, sách vỡ lòng dạy chúng tôi: "Khôn ngoan đối đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau". Cứ nghĩ đứa nào đã đi học thì phải biết câu ấy. Hóa ra mình nhầm.
Gà cùng một mẹ, cùng mũi tẹt nón lá mà đập nhau như hôm nay, chỉ có thằng Tàu là mừng. Tỉnh ngộ đi, các ngài ơi.
Thú thực, coi mấy cái video clip trên mạng về cảnh bắt bớ, kẹp đầu, đánh người đi kêu gọi bảo vệ môi trường biển sáng nay 1.5.2016 (mình không gọi là biểu tình bởi chưa có luật biểu tình), mình cũng đếch hiểu hiện tại ở xứ ta có bao nhiêu sắc lính nữa. Gớm, đủ màu, cả xanh lá cây, xanh nhạt da trời, rồi vàng, rồi xám, rồi ca rô, kẻ sọc... Ai cũng có quyền bắt bớ, hành hung công khai giữa ban ngày ban mặt. Buồn thật. Sao buồn thế. Nẫu cả ruột.

4. Đành rằng cái nào ra cái ấy, nhưng lúc này mà vẫn tưng bừng khai mạc lễ hội Festival Huế, Carnaval Hạ Long, lễ hội du lịch Cửa Lò, lễ hội Hoa phượng đỏ Hải Phòng... dồn dập, tôi cứ thấy nó không phải với hàng triệu người dân đang đói khát vùng khô hạn.

Nguyễn Thông


May và rủi

Trong cái rủi có cái may.
Chính phủ (có người thích gọi là nội các) của ông Nguyễn Xuân Phúc đang có dịp chứng tỏ bản lĩnh, khả năng, ý chí, tinh thần trách nhiệm của mình với dân với nước. Người ta đang chú ý, trông chờ xem nội các ấy xử lý khủng hoảng vụ biển chết cá chết, cũng như vụ hạn hán nghiêm trọng đang diễn ra, như thế nào.
Một nội các vừa ra đời, có ngay những bài test thực tế ở đúng tầm, đó là điều may mắn cho ông Phúc và các cộng sự. Giải quyết được tốt đẹp vụ ô nhiễm môi trường này đúng với bản chất, nguyên nhân của nó, một cách khách quan, công bằng, nội các ấy sẽ ghi điểm trong mắt, trong lòng dân, từ đó tạo niềm tin và sự ủng hộ của dân. Vất vả thì vất vả thật, căng thì căng thật nhưng giá trị gia tăng rất cao. Muốn làm anh hùng phải xông ra trận tiền “tử sinh liều giữa trận tiền/dạn dày cho biết gan liền tướng quân”. Kẻ làm tướng phải vậy, đừng quẩn quanh với váy đàn bà và trong phòng họp.
Cổ nhân có câu "Vận nước cơ trời", nay trời đã cho cái thời cơ để chứng minh năng lực thực của mình, đừng thấy khó mà lui, thấy gai góc mà bỏ qua. Cách xử lý của mấy vị ở Bộ Tài nguyên - Môi trường như lúc đầu chỉ thể hiện sự kém cỏi ngu dốt. May mà ông Thủ tướng kịp sửa chữa. Làm thì có sai có đúng. Chớ sợ sai mà không làm. Hãy tỉnh táo, đừng bị cuốn vào mấy trò mèo như ăn cá, tắm biển... Đó không phải thứ căn cơ, cốt lõi, dài hơi. Đó không phải cách của kẻ anh hùng, trí lự hơn người, gánh vác đại sự.
Nhưng cũng có thể trong cái may có cái rủi
Có dịp để chứng tỏ, đó là may. Nhưng với một nội các yếu cả tài lẫn đức, xôi thịt, chỉ thích họp hành, bàn giấy, mệnh lệnh, chỉ tay 5 ngón, thụ động, nhất cử nhất động phải làm theo sự chỉ đạo của đảng, của Bộ Chính trị, của Tổng bí thư… thì khả năng thất bại rất cao. Lúc ấy, bao nhiêu yếu kém, xấu xa, vô tích sự sẽ bộc lộ ra hết. Không còn có cơ hội ngồi hết nhiệm kỳ. Dân sẽ chửi. Với những kẻ cơ hội trong nội các thì đó là cái rủi.
Bộ máy lâu nay vận hành theo kiểu dựa dẫm vào nhau, như cái anh chàng không biết thổi sáo thời Chiến quốc, cứ đứng vào dàn nhạc là có ăn, chỉ cần làm vài động tác giả vờ nghiêng qua ngó lại. Chính phủ là cơ quan hành pháp, hành động là chính, lấy hiệu quả làm thước đo. Vậy nhưng trong dàn nhạc, chỉ lẫn vài thằng thổi sáo như thế cũng đủ làm cho nó lạc điệu, hữu danh vô thực. Nếu nhạc trưởng cũng bất tài vô dụng, chỉ thích nói mà không thích làm, chỉ thích làm điều vô đạo cho cá nhân mình, thì đó là đại họa cho dân cho nước.
Từ vụ khủng hoảng này, còn bật ra chuyện một nhà nước đủ tầng nấc: đảng, nhà nước, quốc hội, chính phủ, mặt trận, đoàn thể; chỉ thấy mỗi chính phủ xông xáo, thật tội. Người dân nên nghĩ lại, đồng tiền mình đã bỏ ra để nuôi bộ máy hoành tráng đồ sộ ấy, xem đã đúng địa chỉ chưa.
Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2016

Sài Gòn giải phóng tôi

NGUYỄN QUANG LẬP (nhà văn)
Mãi tới ngày 30 tháng 4 năm 1975 tôi mới biết thế nào là ngày sinh nhật. Quê tôi người ta chỉ quan tâm tới ngày chết, ngày sinh nhật là cái gì rất phù phiếm. Ngày sinh của tôi ngủ yên trong học bạ, chỉ được nhắc đến mỗi kì chuyển cấp. Từ thuở bé con đến năm 19 tuổi chẳng có ai nhắc tôi ngày sinh nhật, tôi cũng chẳng quan tâm. Đúng ngày “non sông thu về một mối” tôi đang học Bách Khoa Hà Nội, cô giáo dạy toán xác suất đã cho hay đó cũng là ngày sinh nhật của tôi. Thật không ngờ. Tôi vui mừng đến độ muốn bay vào Sài Gòn ngay lập tức, để cùng Sài Gòn tận hưởng “Ngày trọng đại”.

Kẹt nỗi tôi đang học, ba tôi không cho đi. Sau ngày 30 tháng 4 cả nhà tôi đều vào Sài Gòn, trừ tôi. Ông bác của tôi dinh tê vào Sài Gòn năm 1953, làm ba tôi luôn ghi vào lý lịch của ông và các con ông hai chữ “đã chết”, giờ đây là triệu phú số một Sài Gòn. Ba tôi quá mừng vì ông bác tôi còn sống, mừng hơn nữa là “triệu phú số một Sài Gòn”. Ông bác tôi cũng mừng ba tôi hãy còn sống, mừng hơn nữa là “gia đình bảy đảng viên cộng sản”. Cuộc đoàn tụ vàng ròng và nước mắt. Ông bác tôi nhận nước mắt đoàn viên bảy đảng viên cộng sản, ba tôi nhận hơn hai chục cây vàng đem ra Bắc trả hết nợ nần còn xây được ngôi nhà ngói ba gian hai chái. Sự đổi đời kì diệu.

Dù chưa được vào Sài Gòn nhưng tôi đã thấy Sài Gòn qua ba vật phẩm lạ lùng, đó là bút bi, mì tôm và cassette của thằng Minh cùng lớp, ba nó là nhà thơ Viễn Phương ở Sài Gòn gửi ra cho nó. Chúng tôi xúm lại quanh thằng Minh xem nó thao tác viết bút bi, hồi đó gọi là bút nguyên tử. Nó bấm đít bút cái tách, đầu bút nhô ra, và nó viết. Nét mực đều tăm tắp, không cần chấm mực không cần bơm mực, cứ thế là viết. Chúng tôi ai nấy há hốc mồm không thể tin nổi Sài Gòn lại có thể sản xuất được cái bút tài tình thế kia.