Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011

Tôn thờ rau muống


Mình đã tự nhủ lòng đừng quan tâm đến vụ bình chọn rượu nồng dê béo, hoa này áo kia, thế nhưng báo chí cứ ra rả mãi, vậy cầm lòng chả đậu xin lắm chuyện một phát: Không có hoa nào xứng đáng, tỏ rõ phẩm chất Việt như hoa RAU MUỐNG đâu. Hết sảy, đúng không các vị?

Đối với người Việt thì sen, mai, đào, cúc, mào gà (hoa này cụ Vũ Khiêu giới thiệu) đều phọt phẹt chỉ để chơi tí thôi, còn cây lúa lại khó hình dung hoa lúa với quả lúa thế nào, có lẽ chỉ tre và rau muống là gắn với con người Việt nhất. Nhưng hoa tre thì siêu hình quá, chả mấy ai biết hình thể nó ra sao, vả lại tre đâu chỉ ở VN, nhìn xem TQ, Thái Lan, Lào cũng đầy rẫy. Thế là chỉ còn rau muống đương nhiên lọt vào chung kết, không đụng hàng nước nào, hoa lại rất cụ thể, thậm chí đẹp, và đặc biệt nhất rau muống gắn bó máu thịt với con người xứ ta, cả lúc cơ hàn nhất lẫn khi vinh hoa phú quý. 99% dân Việt là nông dân, anh chị nào mà chẳng gắn bó, đầy kỷ niệm với rau muống. Nói về nó, viết về nó có nói cả ngày chả hết.

Hồi mình còn bé, lúc chưa vào HTX nhà mình có cái ao; khi bị bắt buộc vào, phải góp tất cả ruộng đất cá thể cho hợp tác, mỗi nhà chỉ được giữ lại mảnh đất nhỏ phần trăm gọi là ruộng rau xanh rau đỏ. Bu mình (quê mình Hải Phòng nhiều nơi gọi mẹ là bu, bố là thày)thay vì nhận ruộng đã giữ lại cái ao, cũng chẳng lớn gì, chỉ non 1 sào. Bốn cái ao liền nhau, ao nhà mình, ao bà Hiếm (có 4 con trai đi bộ đội, 2 người không về), ao bà Trại và 1 ao nữa mình quên chủ nhân)quanh năm đầy nước, và xanh ngắt rau muống. Cái ao ấy đã nuôi sống gia đình mình những tháng ngày cơ hàn nhất. Mấy chị em mình chẳng bao giờ quên hình ảnh mỗi chiều bu lại đội chiếc mủng (tròn, bằng sắt tây) ra ao hái từng ngọn rau bó lại thành bó, xẩm tối thì gọi anh em mình ra khiêng mủng về, còn bu quẩy gánh rau, sáng mai đem sớm lên chợ huyện, hôm nào bu bận cấy thì thày gánh đi. Nào có nhiều nhào gì, nếu bán hết cũng chỉ được hơn 3 đồng bạc. Tháng qua tháng, năm lại năm, bu cứ cần mẫn nhặt nhạnh rau muống như thế nuôi cả nhà, kiếm tiền cho mấy đứa con ăn học. Nhà khác mình không biết thế nào chứ nhà mình, hình ảnh người mẹ gắn liền với rau muống. Ơn mẹ là chuyện đương nhiên rồi. Rau muống ơi, mấy chị em tao thật thà biết ơn mày.

Không ít lần mình theo bu ra ao, được bu cho ngồi lên mủng bơi tròng trành giữa những bè rau muống. Mình hái những bông rau tim tím xòe ra như chiếc loa kèn, vò nhẹ phần giữa bông sau đó chụm môi thổi căng phồng lên, xoắn phía đầu hoa lại, có ngay một chiếc bong bóng nho nhỏ bằng hoa rau. Rồi quả rau muống, chọn những quả tròn xoe, lấy chiếc gai bòng gai bưởi cắm xuyên qua là có ngay một con quay dễ thương để thi đấu cùng chúng bạn. Đồ chơi hồi ấy giản dị biết bao.

Nay bu già lắm rồi, vượt ngưỡng cửu thập nhưng mỗi lần mình về quê mấy mẹ con vẫn nhắc chuyện ngày xưa, cả cái ao và những bè rau muống.

Rau muống ơi, cho tao được tôn thờ mày nhé, hỡi quốc hoa vạn tuế.

Cuối đông Canh Dần 2010

Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

Câu đối viếng cụ Hoàng Ngọc Hiến

Thi pháp Maia, lẫy lừng chốn trường văn trận bút
Hiện thực phải đạo, kinh hoàng đám thi tặc văn nô.
27.1.2011

Thứ Năm, 13 tháng 1, 2011

Bực cả mình, bực thế không biết!


Bớ người ta, chuyện nhỏ thôi nhưng phải nói là rất khó chịu, bực mình.
Mấy bữa nay trời rét, báo chí đăng tin nhiệt độ ở đèo Ô Quý Hồ xuống dưới 0 độ C. Sao lại Quý, phải là Quy chứ. Mình nhớ trước kia đọc tùy bút của cụ Nguyễn Tuân về Tây Bắc, cụ viết là Ô Quy Hồ; xem ảnh cụ Võ An Ninh chụp, cụ đề là Ô Quy Hồ... Cái tên đã quá quen, thật thơ mộng về con đèo trên dãy Hoàng Liên Sơn, nay họ cứ tự tiện thêm cái dấu sắc nặng trình trịch vào như chém đứt con đèo mỏng manh.
Báo in, báo mạng đều lặp lại cái (mà mình tạm gọi là) sai này (có cả báo nhà mình nữa, hôm đúng phiên trực thì mình có sửa, nhưng hôm sau cũng Quý). Không hiểu bắt đầu từ đâu, ai đã đặt lại như vậy. Cũng tương tự, hồi nào học sử, học địa thấy viết là rừng Vụ Quang ở Hà Tĩnh (căn cứ địa của nghĩa quân Phan Đình Phùng) chả hiểu sao thành Vũ Quang; địa đạo Vĩnh Mốc ở Vĩnh Linh (Vĩnh Linh thường đặt tên có chữ Vĩnh phần đầu như Vĩnh Kim, Vĩnh Thủy...) bỗng nhiên thành Vịnh Mốc; huyện Cam Đường (Lào Cai) bị đổi thành Tam Đường... Khổ quá mất thôi. Cái tên đã ghi dấu vùng đất, gắn bó với bao thế hệ người Việt hà cớ gì phải đổi.
Và không chỉ chừng ấy, còn nhiều lắm. Trách nhiệm trong chuyện này có cả phần rất nặng của báo chí, truyền thông, hoặc hời hợt tùy tiện, hoặc dốt.
Bạn cũng đừng vội tin Gu-gồ khi thấy nó biểu hiện tần xuất xuất hiện của từ này từ nọ. Có cái, nó chả biết gì đâu.
13.1.11