Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2017

Quốc hội xắn nhát xẻng cuối cùng đào huyệt chôn giới luật sư

Tôi cứ ngẫm nghĩ mãi, định viết, định thôi. Xứ này thiếu gì luật sư, luật gia, thày cãi, có cả Liên đoàn luật sư quốc gia, rồi tỉnh thành nào cũng có Đoàn luật sư, họ im không lên tiếng, mắc mớ gì tới mình. Nhưng sự khó chịu để âm ỉ trong người, giữa những ngày bức bối nhiệt độ cao thế này, không xả ra có khi điên mất. Thôi thì dăm ba chữ, chả nhằm cứu ai, trước hết chỉ cứu cái thân mình.

Chả là chiều 20.6, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi (2015) với đa số phiếu, trong đó vẫn giữ nội dung “luật sư phải tố giác thân chủ”. Khi luật đã được thông qua và ban hành thì chỉ có chấp hành, cấm cãi.

Điều đáng nói, nội dung này khi còn dự thảo được trình Quốc hội để lấy ý kiến đã bị dư luận phản đối dữ dội. Hầu hết cho rằng không thể như vậy được, trên thế giới chả có ai làm thế. Xưa nay, xứ ta cứ thích đi một mình một đường, cứ đòi “áp dụng sáng tạo vào hoàn cảnh Việt Nam”, đường ta ta cứ đi, kệ chông gai ngăn trở. Cũng có trường hợp đi được tới đích nhằm chỗ sáng tươi, nhưng phần nhiều đâm đầu vào ngõ cụt, vực sâu, mà trường hợp dứt khoát yêu cầu luật sư phải tố giác thân chủ là một ví dụ.

Người ít học nhất cũng hiểu rằng luật sư là người bảo vệ cho thân chủ. Dân gian gọi nôm na là thầy cãi. Luật sư có nhiệm vụ cãi cho người mình nhận bảo vệ trước tòa. Dù thân chủ là bị cáo (cáo buộc có tội) hay nguyên cáo (đứng ra tố cáo, khởi kiện) thì luật sư được bên nguyên hoặc bên bị thuê đều phải tìm mọi cách bảo vệ khách hàng của mình (thân chủ). Đó là trách nhiệm của luật sư, và chỉ có trách nhiệm ấy, không còn gì khác.

Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

Tôi sợ các ông

VŨ DUY CHU (nhà thơ)

Tôi gốc gác dân Bưu điện.
Những năm 1980, 1990, lúc mà cái điện thoại để bàn có giá cả cây vàng mới được lắp đặt, lúc cái máy Fax phải nộp phí hòa mạng, lúc cái đầu Video phải dán tem ’’kiểm định’’ của Sở Văn hóa Thông tin mới được dùng, tôi nghỉ việc đi làm việc khác.

Sau đó ít lâu thì mạng điện thoại di động ra đời, bạn bè nhiều người phất lên.
Khi ấy dây lưng ông nào dắt cái di động Ericson to như cục gạch là đã ở đẳng cấp khác. Ông nào dắt cái máy nhắn tin bip… bip… bip… thì chỉ mong ở chỗ đông người nó bíp lên mấy phát cho mát mặt ông cái.

Thời ấy đã lùi xa.
Bây giờ điện thoại mỏng như lưỡi lam, vuốt cạnh máy đứt tay, thật là tinh vi hiện đại, đa dụng. Các nhà mạng di động đã tiễn các loại tổng đài điện thoại và máy để bàn trở thành nhân chứng đìu hiu cho cuộc cách mạng thông tin toàn cầu vũ bão…

Nghị định khôn mà ngu

Cái nghị định áp đặt bắt chụp ảnh mới được gọi điện thoại, càng bộc lộ rõ cái gọi là "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Ai chưa hiểu nó thế nào thì chính nó đấy, bà con ạ.

Thôi thì chính phủ ngu ban hành nghị định ngu là chuyện của chính phủ, nhưng người tiêu dùng chúng ta phải khôn.

Bà cụ già cạnh nhà tôi đã 89 tuổi, hằng ngày con cháu đi làm, mua cho cụ cái điện thoại di động để cụ xài, tiện với tuổi già. Họ ra nghị định bắt chủ thuê bao phải trực tiếp đến chụp ảnh. Vậy họ quyết bắt bà cụ khuôn mặt nhăn nheo già nua kia trình diện thì mới chịu hay sao. Thậm vô lý. Đây chỉ là một ví dụ trong vô vàn sự vô lý.

Cần biết rằng, trong bất cứ sự kinh doanh nào, không có khách hàng là tự sát. Doanh nghiệp đã chán sống, đã muốn tự sát thì cứ để nó chết, chúng ta đừng kéo dài sự thoi thóp hấp hối của nó bằng việc chiều ý nó. Kiên quyết không chụp ảnh.

Bây giờ, thời đại thông tin, kỹ thuật số, thế giới phẳng, 4.0 hay 5.0 cái con mẹ gì đó, không có bọn di động ấy, chúng ta vẫn còn ối cách để liên lạc với nhau. Hãy tận dụng mọi phương tiện để trừng phạt lại chúng nó.

Ngày xưa, mỗi lần lợi dụng sức quần chúng để chống bọn thực dân Pháp hoặc chính quyền Sài Gòn, người cs đều kêu gọi bãi công, bãi thị, bãi khóa, bãi... bãi... Giờ thì chúng ta bắt chước chính họ, bãi mạng, để cách cái mạng nó đi.

Tôi báo trước cho bạn bè, tôi không thực hiện chụp ảnh. Nó có cắt của tôi ngay từ bây giờ tôi cũng chấp nhận. Sau này nếu ai đó gọi tôi mà không được, xin hiểu rằng số điện thoại của tôi đã hy sinh oanh liệt vì chủ nó. Và nói thêm, tôi càng đỡ mất tiền.

Đã đến lúc chúng ta phải dứt khoát bày tỏ thái độ phản đối với những sự áp đặt vô lý.

19.6.2017
Nguyễn Thông

Nguyễn Duy lên đồng giữa chợ âm phủ

Tối qua 18.6, thi sĩ Nguyễn Duy có buổi gặp bạn đọc hoành tráng và thân tình ngay tại Hà thành, nơi kinh kỳ, đất văn chương. Dự sự kiện ấy, nhà báo Xuân Ba gửi cho tôi bài này, đèo theo chút kỷ niệm về Nguyễn Duy và Nguyễn Khải. Đầu tuần, xin hầu đọc các anh các chị.


NGUYỄN DUY LÊN ĐỒNG GIỮA CHỢ ÂM PHỦ
Xuân Ba
Trước khi bập vào chuyện Nguyễn Duy giao lưu và đọc thơ ở Phố Sách Hà thành xin dài dòng một tẹo.
Cái năm xa ấy tôi được bám theo hai đấng họ Nguyễn là Nguyễn Khải và Nguyễn Duy đi xứ Thanh. Đến địa phận Hà Trung phủ Tống Sơn xưa ghé vào đình Gia Miêu Ngoại trang. Đình Gia Miêu xưa kia nằm trong quần thể Miếu Triệu Tường thờ nơi phát tích nhà Nguyễn trong đó có cụ triệu tổ Nguyễn Kim. Triệu Tường hoành tráng hiện còn lưu lại tấm không ảnh chụp năm 1936 ngó rất kinh. Cụ Hồ tháng 2 năm 1947 nhân chuyến đi thăm Thanh Hóa đã bí mật ghé Đình Gia Miêu khấn khứa những gì chả biết? Thế mà chả bom chả đạn giặc giã gì mà hồi cải cách và những năm đầu 1960, tổng cộng hai đợt người mình đã phá gần như bằng địa!
Nhưng may mà sót lại cái đình. Năm ấy đình chưa sụp nhưng rệu rã lở lói chỉ cơn bão vừa vừa thôi là ụp. Trưa ấy nóng, Nguyễn Duy mặc cho cụ Nguyễn Khải hỏi chuyện ông lão chăn mấy con bò mé ruộng đình, cứ đánh trần khểnh trên chiếc chiếu rách của ông lão chăn bò trừng trừng ngó lên mái đình thông thống toang hoác những khoảng ngói trống. Ông lão chăn bò trưa ấy ngạc nhiên tròn mắt thấy Nguyễn Duy đang trần trùng trục bỗng lồm cồm bò dậy áo sống chỉnh tể tay giơ quá đầu lớn giọng khấn khứa… Đại để lạy Liệt tổ liệt Thánh, tỉnh chúng con dân làng chúng con sẽ sửa sang lại ngôi đình này. Nhà văn Nguyễn Khải chẳng nói gì cứ tủm tỉm…
Tưởng cho vui. Nhưng chuyến đi Thanh ấy, còn nhớ Nguyễn Duy với chất giọng thống thiết từng bàn với ông Chủ tịch tỉnh Phạm Minh Đoan việc phục dựng ngôi đình cổ Gia Miêu ra sao. Chất giọng ấy hình như sau này cũng có dịp ghé bên tai ông Nguyễn Khoa Điềm (hình như là hậu duệ của cụ Nguyễn Khoa Chiêm vốn là người tâm phúc có công với các chúa Nguyễn) khi ấy là Bộ trưởng Bộ Văn hóa. Nói chung là nhiều thứ tác động, giúp đỡ khác nữa trong đó có sự ra tay của dòng họ Nguyễn Phước tộc. Thế mà sau đó đã có tiền cho việc phục dựng ngôi đình Gia Miêu xiêu vẹo khang trang như hiện nay!

Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2017

Một sáng thơ ấm áp giữa Sài Gòn

Sáng 16.5. Đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1, Sài Gòn. Con phố nhỏ nối từ cạnh sườn nhà thờ Đức Bà-Vương cung thánh đường tới đường Hai Bà Trưng bữa nay đông vui tấp nập hơn hẳn mọi ngày. Đường hơi hẹp, ngắn, nhưng lề rộng rãi, san sát ken dày những nhà sách, tiệm sách, quầy sách, sạp sách trang trọng, rực rỡ. Trên giời dưới sách. Hầu như giới xuất bản, phát hành, những trùm sách cả nước đều về tụ hội ở phố này. Khá khen cho những vị nào trong bộ máy chính quyền thành phố đã không đắn đo mà xuống tay ký cái roẹt việc mở con đường sách. Và cũng cần trao huy chương hoặc bằng khen gì đó tưởng thưởng người tìm chọn ra con đường không thể thích hợp hơn giữa muôn trùng đường phố. Đường sách nằm ngay trung tâm Sài Gòn nhưng may hai bên đường chủ yếu là cơ quan công sở, có sử dụng lòng lề đường, thậm chí lấn vào trong chút ít cũng không phải lo tốn kém đền bù giải tỏa, ít làm phiền dân, tránh được sự khiếu kiện phàn nàn mà ta thường thấy khi dính dáng đến đất đai. Du khách khắp nơi đổ về rốn Sài Gòn đây, sau khi thăm thú ngắm nghía nhà Ủy ban thành phố, tượng đài cụ Hồ, phố đi bộ Nguyễn Huệ, nhà Bưu điện, nhà thờ Đức Bà, chỉ cần rảo vài bước chân là lạc vào đường sách, cơ man là sách, vào cái thế giới văn hóa đầy màu sắc. Nếu ta quen nói với nhau đất trung tâm Sài thành là đất vàng thì riêng đối với phố này, nhất là về giá trị gia tăng để tôn vinh sách, tôn vinh văn hóa, thì đây phải là đất kim cương, đất hổ phách. Một địa chỉ văn hóa độc đáo của Sài Gòn.



Nắng dịu nhẹ trải từng tán lá, khoe lấp loáng khuôn mặt người. Trận mưa chiều qua xóa đi cái oi bức khó chịu vừa kéo dài cả tuần. Gửi xe xong, cái vòng gửi xe thật vất vả, tôi chen qua những đám nam thanh nữ tú, ông già bà cả, vào đến nơi đúng 10 giờ. May tìm được chiếc ghế trống có lẽ cuối cùng. Bấm ngón tay coi thử, 10 giờ sáng là giờ khai mạc (giờ tỵ) đúng vào cung Xích khẩu, chủ về đám tiệc miệng, ngôn ngữ. Đến lúc tiệc tan, ngẫm lại không sai tẹo nào. Đã dự nhiều buổi ra mắt sách nhưng tôi chưa thấy lần nào người hâm mộ thơ đông đến thế. Sức hút của Nguyễn Duy ghê thật. Nghĩ cũng mừng khi trong thời buổi bây giờ người ta kéo nhau tìm đến với nhà thơ và thơ. Nhưng có lẽ phải là Nguyễn Duy và thơ Nguyễn Duy. Tôi có lần nói nếu ai trong đời chưa một lần nghe thi sĩ Nguyễn Duy đọc thơ thì đời còn trống, còn cái lỗ hổng to lắm, nên tìm cách mà lấp lại.

Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

Thương tiếc phi trường Tân Sơn Nhất!

MAI BÁ KIẾM (nhà báo, cựu phi công)

Từ tháng 6 -10/1973, tôi học ở Trường Sinh ngữ Quân đội Gò vấp, rồi sang Mỹ học bay. Lúc đó, Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam - MACV (The US Military Assistance Command, Vietnam) đã rút về nước, giao doanh trại cho Không quân VN, sinh viên sĩ quan tụi tôi được vào ở các barrack của MACV, mỗi thằng nằm một giường nệm 2 tấm dày 2 tấc rưỡi, ngủ máy lạnh sướng rên. Khu MACV rộng lớn, nằm giữa 2 đường Bạch Đằng và Phạm Văn Đồng bây giờ, chạy dài từ sân golf Gò Vấp vào gần đến ga hàng không, bên phải đường Bạch Đằng là doanh trại của Tiểu đoàn 2 công vụ (gác vòng đai phi trường). Dạo đó, tụi tôi thường chạy xe máy sang trại Davis Camp (nằm trên đường Cộng Hòa bây giờ - đối diện với Sư đoàn Dù) của Mỹ bàn giao lại VNCH, là nơi ở của hai phái đoàn đại biểu quân sự Bắc Việt (VNDCCH) và Việt Cộng (CHMNVN) để xem. Có 2 bộ đội mặc quân phục mới toanh mà rộng thùng thình, bồng súng AK đứng nghiêm ở 2 bên cổng, mắt liếc nhìn tụi tôi trong khi cái đầu không cử động. Tôi thấy rất lạ là 2 phái đoàn này dù ở doanh trại Mỹ quá tiện nghi và ăn uống phủ phê, thế mà ở các dãy sân trống giữa 2 barrack, quân Mỹ trồng cỏ nhung xanh mượt, vậy mà họ cuốc lên giồng, trồng khoai lang, khoai mì, rau xanh và bụi chuối. Tôi nghĩ màn diễn “tăng gia sản xuất” trong lòng đất địch này phải do các tướng tá chỉ huy 2 phái đoàn này chỉ đạo, chứ không xuất phát từ thói quen “nông dân cải thiện” của bộ đội.

Rồi 30/4/1975, tôi - một tân phi công mới về nước, trở thành bên thua cuộc. Và, những anh bộ đội tạm cư trồng trọt ngày nào đã trở thành chủ nhân phi trường Tân Sơn Nhất, với 1.530 ha đất, như là một chiến lợi phẩm, nên việc tăng gia sản xuất trên mãnh đất nhỏ Davis Camp trở thành màn diễn ước lệ lỗi thời! Rồi, 42 năm sau, diện tích phi trường bị chiến thuật “lấn gia cư da beo”, nên chỉ còn 850 ha. Cuối cùng, phần đất trống ở phía bắc phi trường, rộng 157 ha, được giao nốt cho Him Lam để trồng cỏ nhung làm sân golf và biệt thự, nhà hàng…Sân golf chỉ là giọt nước tràn ly, chứ không phải nguyên nhân làm Tân Sơn Nhất quá tải và ngập lụt. 

Tình người



Sáng nay đi nghe thơ Nguyễn Duy. Tôi có lần nói nếu ai trong đời chưa một lần nghe thi sĩ Nguyễn Duy đọc thơ thì đời còn trống, còn cái lỗ hổng to lắm, nên tìm cách mà lấp lại.

Thu hoạch nhiều, đang viết một bài dài, nhưng cái này tôi tách ra biên trước, bởi sực nhớ hôm qua đọc trên báo bản tin có bà mẹ đẻ dìm chết cả đứa con mới hơn tháng tuổi mà mình dứt ruột sinh ra, lo lắm.

Bác Duy đọc bài thơ "Đứng lại" viết năm 1971 khi ở mặt trận chảo lửa Quảng Trị. Bác tâm sự cũng nhờ đợt thay quân mà còn sống đến giờ để đứng ở đây, chứ không cũng xong đời vào mùa hè đỏ lửa 1972 rồi. Bài thơ đại loại nội dung rằng "tôi" (bác Duy) xách AK đuổi theo một tên thám báo quân đội Sài Gòn. Chỉ cần 1/10 giây bóp cò súng là nó sẽ toi nhưng bác cứ đuổi theo nó. Vừa đuổi vừa thoáng nghĩ nếu nó xách AR15 đuổi mình thì cầm chắc mình chết, vậy đuổi làm gì. Rồi vẫn đuổi, bắt sống được nó giải về. Cứu được một mạng người.

Kể tới đó, nhà thơ tâm sự, chỉ với bài thơ này mà bị đủ tầng đủ lớp phê bình kịch liệt, rằng nhân đạo tiểu tư sản, nhân đạo chung chung, mất lập trường cách mạng... phải làm tự kiểm, giải trình mãi, cuối cùng do đang đánh nhau ác liệt nên người ta mới tha cho.

Sự cẩu thả chính trị

HOÀNG HẢI VÂN (nhà báo)

38 cán bộ, đảng viên bị một nhóm dân bắt giữ ở Đồng Tâm là chuyện chưa có tiền lệ trong lịch sử, kể từ khi Đảng nắm chính quyền. Đây là chuyện rúng động hệ thống chính trị, nhưng đã bị coi là một “vụ việc” thông thường. Coi là “vụ việc” thông thường, nên đã xử lý theo quán tính thông thường.

Là vụ tranh chấp đất đai, ai đúng ai sai tôi không dám nói bừa, phải căn cứ theo luật pháp để điều tra mới rõ được sự thật. Nhưng việc bắt giữ những người thi hành công vụ rõ ràng là phạm pháp, mà phạm pháp không hề nhẹ, dù xuất phát từ bất cứ lý do gì.

Lẽ ra ngay sau khi biết một số lớn cán bộ bị bắt giữ, lãnh đạo thành phố phải lập tức đến hiện trường. Thời gian không tính bằng ngày mà tính bằng giờ, thậm chí bằng phút. Để đến ngày hôm sau đã là thất bại, huống hồ để đến hơn một tuần lễ. Đến ngay lập tức không chỉ để giải thoát cán bộ, mà còn để gỡ tội cho người dân, có thể vận dụng luật pháp để biến việc “bắt giữ” thành một sự “hiểu nhầm”, rồi cùng đối thoại để làm rõ đúng sai nhằm giải quyết tranh chấp. Nếu như đến ngay thì tôi tin chắc là không có hậu quả như ngày hôm nay. Ngày xưa không có những chuyện như thế này, nhưng nếu có thì một huyện ủy viên cũng đủ trình độ chính trị để xử lý.

Thứ Ba, 13 tháng 6, 2017

Nguyên đầu bạc từ chức, ra khỏi Hội Nhà văn

Trên địa chỉ Facebook cá nhân chiều nay 13.6, nhà văn Phạm Xuân Nguyên - Phó chủ tịch Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội đã công khai tuyên bố từ chức, rút ra khỏi những tổ chức xã hội được nhà nước bảo trợ nói trên.

Xin bày tỏ sự khâm phục đối với nhà phê bình-dịch giả Phạm Xuân Nguyên, còn được bạn bè âu yếm gọi là Nguyên đầu bạc.

Dưới đây là toàn văn tuyên bố của Phạm Xuân Nguyên:



                                       TUYÊN BỐ TỪ CHỨC VÀ RA HỘI

Hà Nội ngày 13 tháng 6 năm 2017

Kính gửi:

-Thành uỷ Thành phố Hà Nội
-Thường trực Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật Hà Nội
-Ban chấp hành Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật Hà Nội.
-Ban chấp hành Hội Nhà Văn Hà Nội
-Toàn thể hội viên Hội Nhà Văn Hà Nội

Tôi là Phạm Xuân Nguyên, Phó Chủ tịch Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật Hà Nội, Chủ tịch Hội Nhà Văn Hà Nội khoá XI (2011 - 2015).

Vì sự chậm trễ đại hội nhiệm kỳ XII của Hội Nhà Văn Hà Nội do sự chỉ đạo can thiệp của lãnh đạo thành phố về việc ngăn chặn, loại trừ khả năng tôi vẫn được tín nhiệm làm lãnh đạo Hội khóa mới,

Vì sự bất đồng sâu sắc trong Ban chấp hành Hội Nhà Văn Hà Nội,

Với trách nhiệm của một người đứng đầu Hội trước toàn thể hội viên,

Với danh dự cá nhân của một người làm văn học,

Tôi tuyên bố:

-Từ chức Phó Chủ tịch Hội Liên Hiệp Văn học Nghệ Thuật Hà Nội
-Từ chức Chủ tịch Hội Nhà Văn Hà Nội,
-Ra khỏi Hội Nhà Văn Hà Nội, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ Thuật Hà Nội.

Tôi đã đọc tuyên bố này tại cuộc họp Ban chấp hành Hội Nhà Văn Hà Nội sáng 13/6/2017 và giao việc điều hành công tác Hội cho nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, phó chủ tịch.

Kể từ ngày hôm nay, khi ra tuyên bố này, tôi rút khỏi mọi hoạt động của Hội Nhà Văn Hà Nội, Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật Hà Nội và của Ban chấp hành hai Hội.

Tôi gửi lời cám ơn và xin lỗi đến toàn thể hội viên Hội Nhà Văn Hà Nội.

PHẠM XUÂN NGUYÊN

(theo Facebook Nguyen Pham Xuan, https://www.facebook.com/profile.php?id=100001402346694&fref=ts)

Thứ Tư, 7 tháng 6, 2017

Lượm lặt tiếp tại đám giỗ ông Võ Văn Kiệt

LƯU TRỌNG VĂN (nhà báo)

Đầu tiên gã xin nói về những phản hồi từ hai bài lượm lặt của gã đã.

Khi gã gửi bạn đọc của gã những lượm lặt của gã tại đám giỗ ông Võ Văn Kiệt, gã biết có một số bạn của gã sùng sục, nóng vội cực đoan không hài lòng thậm chí chê bai gã là người thân cộng. Gã tôn trọng các bạn ném đá gã ấy và giản đơn mỉm cười.

Có lần gã nói với nhạc sĩ Phạm Duy, yêu nước như chú, tên tuổi như chú nhưng cháu bảo đảm nếu chú ra hồ Gươm đứng chả mấy chốc hồ Gươm sẽ bị lấp đầy đá của người thân cộng và chống cộng. Nhạc sĩ Phạm Duy cười rồi nói: Chả thế mà có người bảo tôi chống cộng, tôi bảo tôi chỉ chống gậy thôi. Có người bảo tôi yêu cộng, tôi bảo tôi chỉ yêu gái đã đủ mệt nhoài rồi.

Nhưng trong sâu thẳm gã biết nhạc sĩ Phạm Duy, người đã bỏ tất cả để trở về quê hương, rất buồn vì ngay trong lòng đất nước vẫn còn quá nhiều phân li.

Thứ Ba, 6 tháng 6, 2017

Phản biện

Tôi muốn hỏi ông Trương Minh Tuấn bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông: Ông viết bài cùng lúc đăng trên rất nhiều báo, trong đó ông khẳng định: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (có mầm mống từ thời bác Hồ) đã tạo ra bước phát triển ngoạn mục cho đất nước.

Vậy thưa ông, thế nào là ngoạn mục? Người cộng sản nắm quyền cai trị ở nước này tới nay đã 42 năm (nếu tính từ năm 1975) hoặc 63 năm (nếu tính từ năm 1954). Suốt nửa thế kỷ độc tôn cầm quyền mà đất nước vẫn còn nghèo đói, chậm phát triển như hiện nay thì ngoạn mục ở chỗ nào? 

Hãy nhớ rằng, các nước Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản... với chừng ấy năm, hoặc chỉ 1/4 chừng ấy năm thôi thì họ đã đi được bao nhiêu?

Và ông cần lưu ý, đặt ra trường hợp nếu nước ta sớm đi theo con đường phát triển kinh tế tư bản thì liệu có lẹt đẹt thế này không?

Nếu nước ta không do người cộng sản các ông lãnh đạo, không vướng vào cái gọi là xã hội chủ nghĩa ấy thì liệu có nghèo bền vững như bao năm qua không?

Điều cuối cùng, trong bài ông viết chỉ thấy ông tán tụng sự ngoạn mục mà lơ đi: đạo đức xã hội xuống cấp, tham nhũng tràn lan, hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng sâu, môi trường bị tàn phá, tài nguyên kiệt quệ, nông dân bị cướp đất, người tha phương cầu thực ngày càng nhiều, lòng tin vào nhà nước bị xói mòn nghiêm trọng, tương lai hết sức mờ mịt... Nếu đàng hoàng, phải chỉ ra hết trong lập luận.

Nguyễn Thông

Thứ Hai, 5 tháng 6, 2017

Khổ vì thi cử

Phải đợi đến chiều 3.6.2017, khi các sĩ tử độ tuổi nhơ nhỡ chấm dứt cuộc chạy đua căng thẳng, nói chính xác là cực kỳ căng thẳng, để vào lớp 10, tôi mới dám viết bài này. Các em lúc đang hao tâm tổn trí mất sức cho cuộc đánh vật ấy, thì mọi lời nói, việc làm "này nọ" đều có thể tác động xấu, ảnh hưởng không tốt tới tâm lý, vì vậy cần tránh. Nay môn thi cuối cùng đã xong, các em có thể tạm thở phào, nhưng người lớn chúng ta vẫn cần phải tiếp tục nghĩ ngợi.

Trong sự nghiệp giáo dục ở xứ mình, điều không nói ra nhưng hầu như ai cũng biết là quá nặng về thi cử. Những cuộc thi liên miên, hết đợt này đến đợt khác như một thứ đá tảng đè lên đầu người đi học. Gần như đã đi học là phải chấp nhận bị thi cử hành hạ, vật lên vật xuống khiến cuộc học hành luôn bị biến thành sự ức chế, đè nén, cùm trói, chỉ mong muốn được giải thoát, tháo cũi sổ lồng. Ngồi ghế nhà trường trong tâm thế ấy thì tư duy, sự sáng tạo không khác gì bị tù đày, còn đâu chỗ cho những khao khát vươn tới, thay đổi, bay lên. Mỗi cuộc thi giống như cuộc thoát ngục chứ không phải cắm mốc cho sự trưởng thành.

Lượm lặt tiếp chuyện tại đám giỗ ông Võ Văn Kiệt...

LƯU TRỌNG VĂN (nhà báo)

Gã xin lỗi vì sự chậm trễ này, hê, hôm qua gã mải bù khú chuyện vẽ vời, vẽ thì ít mà vời các cô người mẫu thì nhiều với họa sĩ Trịnh Thanh Tùng sau rồi lại sa đà bù khú tiếp với nhà thơ Nguyễn Duy và nhà thơ Nguyễn Đỗ từ Mỹ về cùng nàng thơ Helen Nguyễn xinh tươi con gái của một bác trùm an ninh, từng là sếp của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và tướng Tô Lâm, chuyện thơ thì ít mà chuyện các nàng... thơ thì rõ nhiều.

Thôi, chiều nay mưa, gã xin kể tiếp.

Khi xe chở gã tới khu Lan Anh bên sông Sài Gòn thấy ngoài cổng có nhiều xe hơi biển xanh trắng tùm lum. Hiếu Dân trong bộ đồ màu đen tới bên xe dìu GS Tương Lai tuổi 82 vào nhà. Có chú Sáu Phong đang ngồi trỏng, Hiếu Dân nói.

10g30 rồi, gã nghĩ theo như mọi lần thì ông Tư Sang không dự tiệc chắc đã tới và đã về, còn đương nhiên ông Ba Dũng theo "đúng quy trình" sẽ tới muộn hơn.

Qua một cây cầu gỗ nhỏ vào ngôi nhà thờ giữa hồ nước có sen và cá lượn bơi. Bàn thờ nghi ngút khói hương và tràn ngập hoa và vòng hoa, liếc cái, gã thấy nhiều vòng hoa đề tên, chức vụ của các bác lãnh đạo hàng đầu cũ và mới.

Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2017

Chuyện lượm lặt ở đám giỗ Thủ tướng Võ Văn Kiệt

LƯU TRỌNG VĂN (nhà báo)

Thế là thời gian lùi thêm 365 ngày nữa để cán đích 9 năm ông Võ Văn Kiệt đi xa.

Đúng hẹn gã và Huỳnh Sơn Phước người từng cùng Kim Hạnh đình đám báo Tuổi Trẻ một thời,đến nhà GS Tương Lai.Xe của Hiếu Dân con gái cưng của ông Kiệt chờ sẵn. Đón thêm Lê Công Giàu,thế là một mạch đến Nghĩa trang TP viếng mộ ông Kiệt.

Trên xe lại rôm rả chuyện.

Gã nói mới đây Nhà báo Quốc Phong, nguyên phó TBT báo Thanh Niên có kể chuyện ông Vũ Kỳ thư kí riêng cụ Hồ trước khi mất có mời cán bộ Viện bảo tàng HCM tới ghi âm ông bật mí về những gì liên quan đến tình riêng của cụ Hồ. Trong đó có nói Trung ương tính giới thiệu một cô gái nết na xinh đẹp cho cụ, nhưng rồi một cán bộ trẻ từ Nam bộ ra dự Đại hội Đảng ở chiến khu Việt Bắc đã rước nàng trước.

GS Tương Lai nói, tôi có đt cho Nguyễn Duy đi cùng xe, Duy bảo ghé Phan Thanh Nam trước rồi ghé nhà Hiếu Dân sau. Nam chính là con trai của cuộc tình chàng cán bộ trẻ Nam Bộ kia với cô gái xinh đẹp mà Trung Ương chuẩn bị mai mối cho cụ Hồ.

Gã khoái tính cách anh hai Nam Bộ của ông Võ Văn Kiệt. Năm 1951 đi bộ mấy tháng trời từ Nam Bộ ra Việt Bắc, thấy một nàng xinh là tấn liền...