Tôi đang định nói cái gì nhỉ, à nhớ rồi, thương một thời thiếu thốn, mà chính mình đã trải, là người trong cuộc. Bây giờ không kể, lỡ cái thế hệ cũ như mình trôi đi, bọn trẻ sau này lại ngơ ngác, chả biết có phải cha anh chúng nó đã sống thế không, hay chỉ nghe người ta nói phét.
Miền Bắc những năm thập niên 60 - 70. Khoảng thời gian đó chiếm hết của tôi thời thơ ấu, thiếu nhi (tức độ tuổi nhi đồng, thiếu niên) và tuổi hoa niên trưởng thành (còn gọi là thanh niên). Tuổi ấy đã bắt đầu hiểu đời, thứ gì in vào não thì bám chắc khừ, gỡ cũng chả ra. Nhớ 17 triệu dân miền Bắc hăm hở tiến lên chủ nghĩa xã hội, quyết xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Vừa đi qua cuộc chiến tranh, cứ tưởng yên hàn mà làm ăn, ai ngờ lại đánh nhau nữa. Dồn hết sức người sức của cho miền Nam. Giá như chỉ có tiêu tốn cho chiến tranh khiến chịu nghèo đã đi một nhẽ, đằng này nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, nhất nhất theo chỉ đạo của trung ương, từ việc mỗi năm làm ra bao nhiêu ký muối, mấy chiếc bát sành, nuôi bao nhiêu con lợn, sản xuất mấy hộp mứt, bao nhiêu lít nước mắm, in bao nhiêu cuốn sách, v.v.. đã không chỉ giết chết nền kinh tế mà còn đẩy gần hết xã hội vào thảm cảnh thiếu thốn, thèm khát đủ mọi thứ. Nói gần hết bởi vẫn còn “một bộ phận không nhỏ” là tầng lớp cầm quyền, nhất là trung ương, luôn no đủ, thậm chí thừa thãi. Câu ca một thời “Tôn Đản chợ của vua quan/Nhà Thờ chợ của trung gian nịnh thần/Đồng Xuân chợ của thương nhân/Vỉa hè chợ của nhân dân anh hùng” chính là thứ biên niên sử ngắn gọn lột tả chính xác chế độ bao cấp, phân biệt đối xử tàn bạo lúc bấy giờ.