Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2018

Nước Mỹ đã kết thúc nội chiến Nam-Bắc như thế nào?

Cuộc chiến Nam-Bắc của Mỹ thường được nhắc tới qua những trận đánh đẫm máu giữa quân đội của hai phe: quân miền Bắc do tướng Ulysses Simpson Grant chỉ huy và quân miền Nam do tướng Robert Edward Lee cầm đầu. Tuy tướng Lee đã nhiều lần tấn công và gây tổn thất khá nặng cho đội quân của tướng Grant nhưng quân miền Bắc được sự hỗ trợ to lớn từ ngân sách liên bang và chiêu mộ được thêm nhiều quân số từ những người nô lệ da đen vừa được giải phóng nên cuối cùng quân miền Nam của tướng Lee phải chấp nhận thua trận.

Đã có những lời khuyên tướng Lee nên chia nhỏ quân của mình ra và tiến hành đánh du kích nhưng tướng Lee đã nói: nếu cứ tiếp tục chiến tranh gây bao chết chóc thì tội của tôi đáng chết gấp ngàn lần. Ông đã nhắn cho tướng Grant là ông chuẩn bị đầu hàng. Tướng Grant nhắn lại, đề nghị tướng Lee chọn địa điểm bàn thảo việc qui hàng. Và căn nhà của một người buôn bán tên là Wilmer Mc. Lean tại làng Appomattox đã được chọn. Ngày nay ngôi nhà này trở thành di tích lịch sử quốc gia, và được gọi là Appomattox Court House.

Đến ngày hẹn, tướng Lee bận một bộ lễ phục mới tinh và đeo kiếm, còn tướng Grant xuất hiện muộn hơn trong bộ đồ tác chiến thường ngày còn dính bùn đất hành quân. Hai người ngồi trong phòng khách của ông Mc. Lean và hàn huyên thân mật về những kỷ niệm quân ngũ trong cuộc chiến tranh Mexico. Câu chuyện lâu đến nỗi tướng Lee sốt ruột, chủ động đề cập đến “mục đích buổi gặp gỡ của chúng ta ngày hôm nay là bàn về việc đầu hàng”. Tướng Grant bèn lấy cây bút chì và tờ giấy viết vội những điều khoản và trao cho tướng Lee, trong đó có những nội dung nói về binh lính miền Nam:

1. Không bị coi là phản quốc và không phải ở tù.

2. Chính phủ coi binh lính miền Nam là những công dân bình thường nếu họ chấp hành tốt luật lệ.

3. Được mang ngựa và lừa về nhà để giúp gia đình cày cấy vào mùa xuân.

Sau khi xem qua những điều tướng Grant vừa viết, tướng Lee nói: “Những điều này sẽ có tác động tốt đến quân sĩ của tôi. Chúng sẽ góp phần quan trọng trong việc hòa giải dân tộc chúng ta.” Tướng Lee cho biết ông sẽ trao trả những tù binh miền Bắc vì ông không có đủ lương thực cho họ. Tướng Grant đáp lại rằng ông sẽ gửi ngay cho binh lính miền Nam 25.000 phần lương thực khô. Ông cũng ra lệnh cho in 28.231 giấy phóng thích cho binh lính miền Nam.

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018

Chuyện xem đá bóng bằng... tai

Cả nước đang chú mục theo dõi từng bước của đội tuyển Olympic Việt Nam, còn gọi là đội U.23, đang thi đấu tại Indonesia. ASIAD là giải thể thao tổng hợp nhiều môn, nhưng dường như người xứ ta phần đông chỉ quan tâm tới bóng đá. Thậm chí, có những môn thể thao khác, quân ta đã đoạt huy chương vàng (pencak silat chẳng hạn) nhưng bà con chả đoái hoài, cứ gào lên những cái tên Park Hang Seo, Bùi Tiến Dũng, Quang Hải, Văn Toàn…, và cả Quang Huy VTC nữa, hình như thế mới đã.

Thú thực tôi không mê bóng đá lắm. Bà xã tôi bảo thế càng tốt, để thời gian mà rửa bát, nghỉ ngơi, bóng đá bóng điếc gì. Dù tình yêu bóng đá của mình cũng nguội nguội chả bằng ai, nhưng nói chung là không nên cãi, nếu thích thì cứ xem, mở vô lum nho nhỏ là được rồi. Mình cũng giống như mấy cô thí sinh thi hoa hậu, khi vào phần thi oral “vấn đáp”, được hỏi thích gì, ghét gì thì cô nào cũng dõng dạc “em thích hòa bình, em ghét chiến tranh”.

Đầu óc vẩn vơ thế nên ngay cả khi coi trận Việt Nam đá với Hàn Quốc, trong đầu lại vẩn vơ nhớ đã từng coi bóng đá từ gần nửa thế kỷ trước.

Năm 1973, từ khu Mễ Trì tuốt tận gần Hà Đông, tôi diện tàu điện 5 xu vào Bờ Hồ, rồi chịu khó lội bộ tới nhà ông anh họ ở phố Triệu Việt Vương (Hà Nội). Chả là tuần trước anh ấy dặn chủ nhật chú chịu khó vào, anh lấy xe đạp chở đi coi bóng đá sân Hàng Đẫy. Hôm đó đội Tổng cục Bưu điện đá với đội gì đó lâu quá tôi quên rồi. Mùa đông rét lắm, mặc lớp trong lớp ngoài vẫn run cầm cập. Hai anh em gửi xe đạp ở nhà dân đường Cát Linh, mò tới cổng sân đã thấy đông nghẹt. Ông anh tôi nhờ quen nhà thơ Tạ Vũ đồng nghiệp thợ quét vôi, được bác ấy mua dùm cặp vé chứ nếu phải chen vào đám quân Nguyên kia chắc tôi nản mà về. Có không ít tay máu bóng đá quá, không đủ tiền mua vé, lột phăng áo len, áo đại cán, mũ cối… ra đổi cho bọn phe vé, cứ vào sân cái đã, rét cũng kệ. Từ hôm ấy, tôi ngộ ra một điều, không chỉ có đạo Phật, đạo Thiên Chúa, lý tưởng cách mạng mới khiến người ta “tử vì đạo”, mà có thứ còn hơn, đó là bóng đá. Bữa đó, tôi cũng chẳng biết mấy tay lột áo len cầm cái vé run như dẽ vào ngồi hàng ghế xi moong trên khán đài sau gôn sân Hàng Đẫy kia có đủ sức chống chọi cái rét mà coi tới hết 90 phút không, hay lại lăn đùng ra ở góc nào.

Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2018

"Kỷ niệm" về ông John McCain

Ông John mất vào lúc chiều 25.8 theo giờ quê ông ấy, chứ nếu còn nằm ở Hỏa Lò thì tức là vào giờ mão Hà Nội sáng nay 26.8. Đi vào giờ mão, khi đã hết canh 5, đã qua đêm, bước sang ngày mới, cũng là điều tốt lành cho cả vong lẫn người thân còn sống. Nghe các cụ bảo vậy. Thôi thì tiễn ông đi về chốn cực lạc, nơi đó không có thứ chính trị phức tạp, không có cả ung thư.

Ngày xưa, ở miền Bắc, chúng tôi nghe đài nhà nước, đọc báo nhà nước, thấy gọi ông là Giôn Mắc Kên. Có đứa thắc mắc chắc "thằng" này cùng họ với thằng Giôn Xơn. Gọi là thằng bởi cụ Hồ từng điểm mặt chỉ tên "Giôn Xơn và bè lũ phải biết rằng...", thằng là đúng rồi. Có đứa trong lớp 5 tôi học, khi Mỹ bỏ bom xuống trận địa tên lửa Mả Đò, mảnh bom phạt cành tre gần chỗ lớp học sơ tán rào rào, ngồi trong hầm, nó còn buột mồm chửi "địt mẹ thằng Giôn Xơn".

Ông Giôn bị bắn rơi năm 1967, năm đó thật kinh khủng. Cứ nhìn lên giời là thấy máy bay Mỹ, bất kể ngày đêm. Hồi đó bắt sống được phi công John MacCain như bắt được vàng. Báo đài nhà nước gọi bọn phi công Mỹ là giặc lái. Nghe đài nhà nước nói "thằng này là con của một thủy sư đô đốc Mỹ, chỉ huy hạm đội 7", chức to như đại tướng Võ Nguyên Giáp nhà ta, chứ không phải chỉ đại tá như ông tư lệnh hải quân Nguyễn Bá Phát, nghe mà kinh. Người ta còn xì xào, nếu đổi tù binh, chỉ mình "thằng" Giôn cũng đủ đổi hàng mấy trăm Việt cộng cấp cao, còn nếu giữ nó đến ngày kết thúc chiến tranh, sẽ bắt Mỹ bồi thường được nhiều lắm, cả mấy nghìn lạng vàng chứ không ít (hồi đó vàng hiếm). Vì thế, nó được giam giữ riêng rất cẩn mật, có chế độ ăn uống riêng, thậm chí còn được uống cả nước thịt gà ép chứ không cần phải nhai (thức bổ dưỡng này chỉ phi công ta như anh Trần Hanh, anh Phạm Ngọc Lan, anh Nguyễn Văn Bảy… mới được dùng). Không ai được gặp nó, chỉ trừ… nhà văn Nguyễn Tuân.

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2018

Đế chế tự lật nhào

Đó là tôi nhắc tới VTV chứ không phải nói tới thể chế này, mặc dù cả hai có nhiều điểm giống nhau. Lâu nay VTV thường xúng xính lượn lờ xưng là đài truyền hình quốc gia, là cơ quan truyền thông số 1, báo hình hàng đầu của cả nước, không gì có thể thay thế... Chính nhà cai trị cũng ban cho nó đặc ân ấy nên nó càng làm càn, coi trời bằng vung, ngó nhìn thiên hạ, nhìn các cơ quan báo chí truyền thông khác bằng nửa con mắt.

Suốt một thời gian dài, VTV làm mưa làm gió, cai trị dân trí, muốn nhuộm óc dân màu nào kiểu nào thì nhuộm. Nịnh chế độ, tô hồng phết son là nghề của nó. Mặt khác, nó cũng tiếp âm những lời đe dọa, gào thét, răn đe của chế độ đối với dân. Nhưng cũng phải nói cho công bằng, nhiều năm trời VTV là thứ không thể thiếu đối với cả quan chức lẫn nhân dân.

Nhà cai trị không giấu diếm việc dùng VTV để trị dân, biến nó thành thứ công cụ hữu hiệu trên mặt trận tuyên truyền, cưỡng bức tư tưởng, ép buộc đường lối chính sách của họ vào dân chúng. Điều rõ nhất là người đứng đầu VTV nhiều năm qua luôn là ủy viên trung ương đảng. Giống như cài cắm gián điệp, mật thám vào bộ máy cầm đầu để định hướng chỉ đạo, nhất cử nhất động làm theo lệnh đảng. Những Vũ Văn Hiến, Trần Bình Minh chỉ là cánh tay nối dài của đảng để đảng nắm cơ quan truyền thông đại chúng này chứ tài cán bao nhiêu. Ai có ý thoát khỏi sự ràng buộc, như ông Trần Đăng Tuấn, dù giỏi giang mấy chăng nữa, khó thoát khỏi sự trừng trị.

Tôi không tin khi ai đó bảo rằng VTV đã lâu không nhận sự bao cấp của nhà nước, đã tự hạch toán thu chi, tự nuôi nó mà không cần tiền ngân sách. Nhà cai trị đang cần nó nên đã và sẽ nuôi nó, còn nó chẳng dại gì dứt miệng khỏi bầu vú ngân sách. Chỉ tiếc rằng đồng tiền thuế mà người dân phải một nắng hai sương mới có được đã bị tiêu phí vào việc nuôi dưỡng thứ của nợ này.

Thứ Ba, 21 tháng 8, 2018

Con người cũ và con người mới

Chuyện này không có gì mới với nhiều người (nhất là những ai đã đi ta bà tam tinh khắp thế giới), nhưng cũng không phải là chuyện cũ. Nó liên quan tới thể chế, tới con người.

Tôi vừa có dịp trò chuyện với hai bác vừa đi chơi thăm con ở Úc về. Các cụ bảo lúc đang còn khỏe, dành dụm được tí tiền, cái chân còn tương đối vững, sức khỏe cho phép, thì thu xếp qua chơi với con cháu. Mai ngày yếu rồi, có trúng xổ số Việt lốt, ngồi trên núi tiền cũng đành chịu.

Cụ ông thủ thỉ kể đi rồi, về rất khỏe, nhất là tinh thần. Không chỉ gặp con cháu mà vui, mà còn chứng kiến cái vui, cái hay cái đẹp của thiên hạ. Cụ kể một hôm con đưa đi thăm trang trại, bên đó gọi là pham (farm). Phong cảnh nông thôn Úc rất đẹp, đường sá thì tuyệt vời, còn con người thì trên cả tuyệt vời. Thích lắm. Tôi thưa, tuyệt vời làm sao hở bác.

Đến một farm, ông bà chủ trại người Úc chào mời vui vẻ, mời các bác các cháu cứ vào thăm tự nhiên, nhưng các cháu đừng tự tiện hái quả nhé. Cả đám vào sâu bên trong trại rộng mênh mông, vườn mãng cầu trĩu trịt, nhiều trái chín còn tươi nguyên rụng đầy dưới gốc. Tụi nhỏ thu nhặt đã đời, khi đem ra bảo chủ trại, ông bà ơi, đây là trái rụng, chúng cháu tiếc nên nhặt chứ không phải hái đâu ạ. Ông bà bán bao nhiêu thì chúng cháu trả tiền. Ông chủ cười, nụ cười đôn hậu, xua tay, tiền nong gì, xin ông bà và các cháu cứ tự nhiên, lấy được bao nhiêu thì lấy, ai lại bán thứ này bao giờ. Vợ chồng tôi già rồi, con cái cứ thích đi làm xa nên chúng chẳng chịu ở nhà thu hoạch giúp, chưa mướn được người làm nên trái chín tự rụng, chứ ngon lắm. Hồi nãy tôi nhắc các cháu đừng tự hái bởi sợ chúng leo trèo dễ bị ngã, vả lại trẻ con không biết sẽ hái cả trái chưa chín, bỏ thì phí uổng.

Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2018

“Tự nguyện” hoàn thành nhiệm vụ (phần 2)

Cùng số phận với đảng Dân chủ là đảng Xã hội, cũng kết cục “tự nguyện chấm dứt”, “hoàn thành nhiệm vụ” vào năm 1988. Bao nhiêu công lao, đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc, nhưng khi chim đã hết, thỏ đã không còn thì cung bị bẻ, chim ưng bị giết, thứ quy luật tàn bạo ấy tưởng bị chôn vùi vào mồ ma phong kiến, ai ngờ nó vẫn duy trì trong một xã hội được coi là dân chủ, tự do.

Đảng Xã hội thành lập sau cách mạng tháng 8, cụ thể năm 1946, tới khi tôi biết thì chỉ nghe tên ông Nguyễn Xiển, chứ trước đó, cùng thời với ông Xiển là một loạt những tên tuổi hiển hách, như ông Phan Tư Nghĩa (Tổng thư ký đầu tiên), Hoàng Minh Giám, Nguyễn Văn Huyên, Võ Nguyên Giáp, Phan Anh… Sở dĩ có cả đảng viên cộng sản tham gia bởi thời điểm đó đảng cộng sản đã mưu mẹo dùng chước thoát xác “tự giải tán”. Đảng Xã hội tập hợp những trí thức đáng kính, cũng như đảng Dân chủ, lấy mục tiêu đấu tranh giải phóng dân tộc, dân chủ làm đích hoạt động. Nó đã sát cánh cùng đảng cộng sản và các chính đảng khác, cùng đông đảo nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi.

Hòa bình lập lại, với chủ trương đa đảng, tập hợp tất cả các lực lượng yêu nước, cụ Hồ vẫn chấp nhận các đảng ngoài cộng sản, chia ghế cho lãnh tụ các đảng. Dù thừa hiểu, chức tước, địa vị này nọ cũng chỉ cốt tô vẽ cho đảng cộng sản thôi nhưng dẫu sao nhà cai trị vẫn ít nhiều có sự tôn trọng những đảng chính trị khác tư tưởng quan điểm học thuyết với mình.

Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2018

Món chay, hay cái tâm chưa tịnh

Tôi vừa tình cờ coi trên trang điện tử bài về cỗ cúng rằm tháng 7. Trong đó có đoạn cỗ ở nhà thì cúng mặn, cỗ ở chùa thì cúng chay, có những món chay như gà chay, tôm chay, cá chay... Đọc tới đó sực nhớ...

Lần ấy tôi ngồi với mấy nhà báo. Trông anh nào cũng thông tuệ, hiểu đời, linh lợi, miệng bằng tay, tay bằng miệng. Phục lắm. Khi ai đó nhắc tới món chay, tôi liền rụt rè bảo rằng tôi ghét nhất nhà chùa, nhà sư đã là chốn tu hành, đi tu mà chưa dứt được trần tục, chay chẳng ra chay, mặn chẳng ra mặn. Đã ăn chay lại còn chay cá chay tôm thì chửa giác ngộ, nghiệp còn nặng. Nghe tôi nói vậy, một nhà báo phê ngay, thế nhỡ người ta ăn chay theo khoa học dinh dưỡng thì sao, món chay-mặn như thế thì có gì đáng phê phán, nếu phê cái gì cũng phải xem xét đầy đủ, ngay phê chế độ này cũng vậy, đừng chỉ nhìn cái bề ngoài mà vội phán xét...

Chàng nói một thôi một hồi, tôi cứng họng, nín khe. Cứng không phải bởi không dám cãi một nhà lý luận, mà thấy không cần cãi, không cần tranh luận tiếp nữa. Tôi đang nói về món chay của nhà chùa, nhà sư, còn chàng chuyển qua chay dinh dưỡng, cãi cũng bằng thừa, nhất là với một người có tư duy như thế. 

Không cãi còn bởi lúc ấy sực nhớ ngay chuyện Khổng Tử. Chuyện rằng một ông chắc thuộc loại tay chơi tới hỏi học trò Khổng Tử, tao hỏi mày một năm có mấy mùa. Học trò đáp có 4 mùa, tay chơi bèn bảo rằng mày dốt, có khi thày mày cũng dốt, 1 năm chỉ có 3 mùa thôi. Mày không tin để tao hỏi thày mày. Liền hỏi cụ Khổng, một năm có mấy mùa. Khổng Tử đáp có 3 mùa. Tay chơi liền bảo, thấy chưa, thày mày cũng nói có 3 mùa, rồi đi thẳng. Trò thưa với thày, một năm có 4 mùa, sao thày lại nói 3, chả nhẽ thày đồng ý với cái sai của nó. Khổng Tử cười, con ạ, hơi đâu mà tranh luận với những người như thế. Họ chả bao giờ nghe ý kiến mình đâu.

Trên đời này còn nhiều người như vậy lắm.

Nguyễn Thông

Sáp-nhập, khắc nhập-khắc xuất

Lúc gộp tỉnh, kiểu Bình Trị Thiên, Nghệ Tĩnh, Phú Khánh, Minh Hải... các bố gân cổ bảo rằng phải như thế, là tối ưu.

Lúc chia tách tỉnh, kiểu như Hà Nam Ninh chia thành Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình; Cao Lạng thành Cao Bằng, Lạng Sơn; Thuận Hải thành Ninh Thuận, Bình Thuận; Hoàng Liên Sơn thành Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ... các bố cũng gân cổ khẳng định phải như thế, là tối ưu.

Lúc đẻ ra các tổng cục, các bố nói bắt buộc phải vậy, rất cần. Lúc giải tán tổng cục, các bố giải thích phải vậy do bắt buộc, rất rất cần. Lúc tách cảnh sát PCCC ra khỏi công an, các bố tuyên truyền rằng xu thế không thể đảo ngược, lúc nhập PCCC vào lại công an, các bố cắt nghĩa làm theo xu thế cũng không thể đảo ngược.

Mai mốt có tách Hà Tây ra khỏi Hà Nội, có lẽ các bố sẽ bảo phải làm thế bởi thủ đô không cần to làm gì, nhỏ mới thích hợp.

Các bố nói gì cũng hay cũng đúng, lý luận không ai bác bỏ được. Các bố là bậc thầy của bụt của tiên trong truyện "Cây tre trăm đốt", nhập-xuất còn tài hơn bọn vong xuất quỷ nhập thần.

Con đến chịu các bố, lạy các bố cả nón.

Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2018

Gớm cái quy trình

Kể từ dạo nhà cai trị xứ này đẻ ra vụ cách chức, khai trừ những ông đã về hưu, vặt những chức tước đã mất, tôi thấy điều đó chỉ như trò cười, thể hiện sự vụn vặt, nhỏ nhen. Pháp luật mà cứ vẽ ra những "phát sinh từ cuộc sống" như thế, ngay cả kẻ bị phạt cũng không tâm phục khẩu phục, còn người đời coi như tấn trò cười của những anh hề.

Vụ trung tướng Bùi Văn Thành chẳng hạn. Đã xác định vi phạm rất nghiêm trọng, gây những ảnh hưởng rất xấu tới đảng và nhà nước (các bố chỉ lo cho đảng và nhà nước thôi, chứ xấu với dân thế nào thì lờ đi), nếu đúng phép nước phải lôi thẳng ra xử lý hình sự, trị thẳng cánh, cách tuột hết, khởi tố, đem ra tòa. Đằng này vừa đéo vừa run, làm đúng quy trình, mon men pháp luật, nay thì hạ từ trung tướng xuống đại tá, mai thì cách chức này, mốt lại cách chức nọ, chả ra thể thống con mẹ gì. 

Vụ tướng Vĩnh tổng cục trưởng cảnh sát, theo cơ quan điều tra, khi khám nhà không tìm ra tài sản bất minh, tiền vàng đô la gì, chỉ thấy tinh những bằng khen, huân huy chương, giấy chứng nhận tuổi đảng... Lão hàng xóm nhà tôi cười khẩy, đèo mẹ, dập dình theo quy trình suốt mấy tháng trời, đánh động nó, nó tẩu tán hết rồi, còn cái cứt gì mà thu.

Nói thật, xử kiểu ấy, bọn tham nhũng cười khì khì, chẳng coi các ông ra cái đếch. Đại tá Thành có khi còn tự nhủ ông cóc cần trung tướng, cóc cần chức nọ chức kia trong lý lịch, tiền mà ông kiếm được ăn mấy đời cũng chả hết. Chống mí chả chống, tham mí chả nhũng. Làm chó gì ông...

Xứ khác, nói đâu xa, Malaysia hoặc Hàn Quốc kia kìa, đã phạt thì thẳng tay, còn không thì thôi, không có thứ quy trình như thế. Tổng thống, thủ tướng mà phạm tội, xử ngay, kết án ngay, làm theo quy trình của các ông có mà mục thất.

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 16 tháng 8, 2018

Rác

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm qua (15.8) chỉ đạo phải siết chặt, chấm dứt việc nhập khẩu rác phế liệu vào VN. 

Quá đúng, xứ ta chứ không phải bãi rác, kể cả rác về lý luận, tư tưởng, đường lối này nọ. Cái nào dân đã xác định là rác, cần dứt khoát vứt mẹ nó đi, đừng tiếc rẻ gì nữa, để chỉ thêm ô nhiễm xã hội, khổ dân (nhưng sướng cán bộ, đảng viên).

Tôi nói thẳng, cái gọi là học thuyết đấu tranh giai cấp và đường lối xã hội chủ nghĩa đã hành dân tộc này lên bờ xuống ruộng gần thế kỷ nay, tới tận bây giờ, cần vứt đi ngay thì dân tộc, đất nước mới có cơ mở mày mở mặt.

Nhân tiện cũng nói thêm với ông Phúc, rác phế liệu chẳng ở đâu xa, không cần phải thanh tra kiểm tra gì sất, nó công khai ngay giữa thủ đô: đó là cái đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông tốn tới gần tỉ đô la, công nghệ lạc hậu (chạy với tốc độ cao hơn rùa, những... 35 km/giờ), hoạt động thì quá tốn nhân lực (13 cây số mà mất gần 600 người vận hành), đường thì cong queo, đầu tàu và toa tàu thì như đồ hàng mã... Rác đấy chứ cần chi dõi mắt soi mói tìm nơi đâu.

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2018

Chuyện thực phẩm (phần 2): Những món ăn thèm thuồng suốt tháng năm dài

Lần trước đã nói về rau. Rau là thức ăn chính trong mâm cơm của nông dân và dân nghèo thành thị. Cả một thời đói khổ, thiếu thốn, nhìn chỗ nào cũng chỉ thấy rau, quanh đi quẩn lại tinh rau là rau. Thèm thịt thèm cá quá, có lúc than thân trách phận sao không ông giời không cho mình đầu thai vào nhà cán bộ hoặc nhà giàu. Thật đúng là trẻ con. Bây giờ thì tỉnh ngộ, mới hiểu rằng nhờ có quá khứ xanh rau như vậy mà khỏe tới tuổi này, ít bệnh tật, tiêu hóa tốt, tim mạch bình thường, đầu óc nhẹ nhõm sảng khoái. Có lúc giật mình, hóa ra các cụ xưa thật chí lý khi dạy con cháu rằng “Đói ăn rau, đau uống thuốc”, “Ăn không rau như đau không thuốc”. Lúc anh em chúng tôi đòi thịt, cũng giống thằng cu Tí trong sách lớp 2 đòi, thì thày (bố) tôi không thuyết phục dài dòng như mẹ cu Tí, mà chỉ bảo “Rổ rau bằng thau thuốc, con ạ”. Khi đó cứ lắc đầu quầy quậy, cho là thày bu lừa mình. Giờ thì hiểu, rau còn hơn cả thuốc.

Thày tôi tuy vụng đường cày bừa nhưng nấu ăn, chế biến rất khéo và ngon. Tôi nhớ nhất vại dưa chua của cụ. Mùa nào thức nấy, thày tôi nén cả vại sành cải tàu, su hào để ăn dần, hoặc muối dưa cải, bắp cải, rau cần, cà pháo, cà bát. Nhiều hôm tới giờ đi học tôi chỉ đánh bát cơm nguội chan nước dưa là xong bữa. Rau dưa, tương cà là nét đặc trưng không thể thiếu trong thức ăn nhà quê hồi tôi còn bé.

Nhắc tới rau, có nhẽ đừng quên món canh rau tập tàng. Tra trong từ điển thực vật không có loại cây nào tên tập tàng. Những khi trái vụ rau, mấy chị em tôi cũng như người dân quê thường nhặt một rổ nhiều loại rau dại, mọc hoang, như rau sam, dền gai, dền cơm, rau muối… nấu canh, gọi chung là rau tập tàng. Cũng có thể nấu chung với mướp, rau ngót. Hòa thìa mắm tôm, nhà nào khá hơn thì giã mấy con tôm tươi, nước đun sôi rồi bỏ rau vào, có được bát canh rau dân dã chan cơm. Chỉ nhà nghèo mới ăn canh tập tàng, nhưng bây giờ nghe nói những nhà hàng sang trọng ở Hà Nội hoặc Sài Gòn, ai đòi món này họ cũng phục vụ nhưng khá đắt bởi rau sam chả mấy nơi còn. Tấc đất tấc vàng, đô thị hóa cả rồi, lấy đâu chỗ cho rau sam rau rệu.

Thứ Hai, 13 tháng 8, 2018

Mất chủ quyền 1 ngày đâu có ăn nhằm gì?

Đảng và nhà nước (lần đầu tôi đòi hỏi 2 "vị" này) phải xử nghiêm khắc đám từ nhỏ tới lớn: Ban quản lý dự án đường sắt trên cao, Tổng công ty Đường sắt, Bộ Giao thông vận tải, và tay bộ trưởng Thể, về tội để cho Trung Quốc lộng hành, coi chủ quyền đất nước không ra gì.

Bọn nhà thầu Trung Quốc (đừng có ai nói với tôi là cần phải biết ơn nó, đừng bảo rằng nó đã sang làm vất vả cho ta mà lại còn vô ơn chửi nó, xin nhớ: nó đã cố tình dây dưa kéo dài, đã gây đội vốn từ hơn 500 triệu USD thành gần 1 tỉ đô, vả lại nó không làm không công, tiền trả cho nó cả núi chứ giúp giếc gì) đã không thèm giấu diếm, công bố trước 2 ngày chuyện sẽ tự cho người lên đi thử, mạng xã hội cũng phê phán rất ồn ào từ trước đó sự tự tung tự tác của nhà thầu, tuy nhiên cuối cùng chúng vẫn thực hiện trót lọt, vẫn cười vào mũi chính quyền xứ này, vậy nếu không phải sự làm ngơ, vô trách nhiệm, hoặc "tiếp tay cho giặc" của phía VN thì là cái gì?

Nay Bộ GTVT lại còn nỏ mồm chống chế, giải thích loằng ngoằng, nào là nhà thầu họp công đoàn, tiện thể cho người nhà đi thử, nào là vé chỉ có giá trị trong 1 ngày, nào là đã yêu cầu chấm dứt ngay vi phạm, không để thế lọ thế chai... 

Đèo mẹ chúng nó chứ, "vé chỉ có giá trị trong 1 ngày", mất chủ quyền 1 ngày đâu có ăn nhằm gì với chúng nó. Chúng muốn mất luôn cơ.

Hãy cách chức ngay tay Thể và đám tàn hại đất nước, không thì đảng và nhà nước cũng tự xử luôn đi.

Đúng là xứ này lắm chuyện cười ra nước mắt.

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 8 tháng 8, 2018

Tự nguyện hoàn thành nhiệm vụ

Trong lịch sử Việt Nam thời hiện đại, có những khuất khúc mà nếu cứ theo như công bố của nhà cầm quyền thì người ta chỉ thấy được phần bên ngoài, hoàn toàn khác xa với nội dung, tức là sự thật lịch sử.

Điều đáng buồn, nếu đó chỉ là những tuyên truyền, thông tin vụ lợi nhằm mục đích bảo vệ sự cai trị thì đã đi một nhẽ, đằng này họ coi đó là chính sử, ép mọi người phải tin theo, nhồi vào đầu óc những thế hệ sau sự mập mờ, méo mó, lừa đảo. Và cũng đáng buồn nữa ở chỗ những nhà chép sử không có ai mang tinh thần của người làm sử chân chính, cam chịu để cường quyền bôi ma bôi mèo, xuyên tạc lịch sử nước nhà.

Thế hệ tôi, sinh giữa thập niên 1950 được chứng kiến, mắt thấy tai nghe, thậm chí trải qua cụ thể nhiều sự kiện lịch sử bị ém theo kiểu khuất khúc ấy.

Trong loạt bài này, tôi chỉ đề cập tới “sự tự nguyện” chấm dứt, giải thể, “hoàn thành nhiệm vụ” một số tổ chức, đoàn thể, cơ quan mà tôi đã biết.

Nhiều người đã biết, sau cuộc cách mạng tháng 8.1945, thể chế chính trị xứ ta vẫn là đa đảng mặc dù đảng cộng sản đã nắm quyền. Người chủ trương đa đảng, kêu gọi đoàn kết dân tộc, không ai khác, chính là cụ Hồ. Tuy cộng sản đã tìm mọi cách triệt hạ Quốc dân đảng, coi như kẻ thù, kẻ đối địch một mất một còn, nhưng với một số đảng khác, cộng sản vẫn chấp nhận cùng tồn tại, mà tiêu biểu nhất là đảng Dân chủ và đảng Xã hội, 2 đảng trước kia đã từng kề vai sát cánh với đảng cộng sản, chia lửa, chia sẻ khó khăn, cùng hướng tới mục đích giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do.

Sự kiêu ngạo cộng sản (bản đầy đủ, có bổ sung)


Những chữ trên không phải do tôi nghĩ ra, cũng không phải do thế lực thù địch nào vu cáo, mà là chữ dùng của ông Phan Diễn. Ông Diễn người Quảng Nam, con cụ Phan Thanh – một nhân vật nổi tiếng thời Mặt trận Dân chủ 1936-1939. Ông Diễn từng là Ủy viên Bộ Chính trị, đóng đến chức Thường trực Ban Bí thư (tức nhân vật số 2 của đảng, chỉ sau Tổng bí thư). Họ hàng ông Diễn còn có những người là yếu nhân của chế độ, chẳng hạn ông Phan Bôi (tức Hoàng Hữu Nam), em ông Phan Thanh, ông Bôi là Thứ trưởng Bộ Nội vụ của chính quyền sau cách mạng tháng 8, Chánh văn phòng chính phủ, người được cụ Hồ hết sức tin cậy; mẹ ông là bà Lê Thị Xuyến từng là Phó chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam… Kể qua như vậy để nói rằng phát ngôn của ông Diễn không phải dạng ai đó nói vu vơ, nói lấy được, mà là rất có trọng lượng. Đó là nhận xét của người trong cuộc, "ở trong chăn..." chứ không phải bị kích động, xúi giục, nhẹ dạ gì (làm sao mà kích động nổi những người như ông Diễn, nay ông vẫn còn sống và mạnh khỏe, sáng suốt, ai không tin thì cứ hỏi ông).

Trong bài trả lời báo điện tử VnExpress đăng ngày 17.12.2016, ông Diễn chắc thấm nhuần tư tưởng của Lênin, người thầy của cách mạng vô sản thế giới, đưa ra nhận định “Tôi cho rằng, chúng ta ít nhiều đã có sự chủ quan, có thể gọi là “kiêu ngạo cộng sản” sau chiến thắng 1975. Việc này có thể hiểu là xuất phát từ những điều tự hào về lý tưởng và thành công của mình trên con đường cách mạng, nhưng rồi đi quá đà đến xu hướng chủ quan...” (trích nguyên xi câu). Cũng trong bài trả lời này, ông cựu nhân vật số 2 còn cho biết chi tiết rất đáng quan tâm đối với những người chép sử, ông bảo “Trước giải phóng, mỗi năm kinh tế miền Nam được Mỹ viện trợ khoảng một tỷ USD. Miền Bắc cũng được chi viện của các nước xã hội chủ nghĩa một lượng xấp xỉ như thế”. (trích nguyên xi câu). Nếu đúng như ông Diễn nói thì với 1 tỉ đô như vậy, ở miền Nam ngoài chi cho phương tiện chiến tranh, tiền viện trợ còn được biến thành nền kinh tế “phồn vinh giả tạo”, dân thực sự được nhờ, được sung túc, chứ 1 tỉ ở miền Bắc bị chuyển hóa thành vũ khí đạn dược hết để “giải phóng miền Nam”, nên dân chịu đói khổ thiếu thốn kéo dài suốt mấy chục năm.

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2018

Chuyện thực phẩm: Thức quê chỉ sẵn rau

Sau loạt bài về lương thực, có bạn đọc nhắn hỏi sao không viết về thực phẩm, tức là thức ăn thời bao cấp, thời hậu chiến. Lương thực phải đi với thực phẩm mới đủ đôi đủ bộ chứ. Lại có bạn tỏ ý hồ nghi, thắc mắc những chuyện ấy xảy ra hồi nào, ở đâu, sao nghe giống chuyện cổ tích quá…

Quả thật sự gợi ý về thực phẩm làm sống lại bao nhiêu ký ức thời chưa xa, cần phải biên ra kẻo sau này đầu óc loãng đi có muốn ghi chép cũng chả được. Và xin nói rõ ngay từ đầu, tất cả mọi điều đã kể hoặc sẽ kể đều là thực, mắt thấy tai nghe, bản thân từng trải, chủ yếu ở miền Bắc hồi thập niên 1960 - 1970, sau chút nữa là thời hậu chiến 1975 cả hai miền.

Những năm xa ấy, lương thực đã thiếu, cơm chỉ 2 lưng bát mỗi bữa, lại độn đủ thứ ngô khoai sắn bột mì thì làm gì có chuyện thực phẩm sẵn, dồi dào. Hồi tôi còn bé, thậm chí khi đã nhớn đi học cấp 2, biết nhiều nhà làng mình chỉ có cơm mà không mấy khi đủ thức ăn. Loanh quanh cũng mấy thức vườn nhà, rau là chính, chứ thịt thà tôm cá không mấy khi xuất hiện trên mâm. Con gà nuôi để nhặt hạt rơi hạt vãi, bắt con sâu con bọ ngoài vườn, khi chúng to nhơ nhỡ trở lên là thày bu đã xách ra chợ bán lấy tiền đong gạo, đố nhà nào dám cắt tiết. Giết lợn chui có khi bị đi tù. Giò chả nem mọc chỉ có trong câu chuyện khề khà hoặc dịp tết. Thức ăn trong bữa cơm của dân quê thật nghèo nàn và đơn giản.

Bây giờ ta quen gọi chung những thứ kèm cơm là thực phẩm, chứ cách nói dân dã là thức ăn. Ở huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) quê tôi, trên thị trấn cạnh cửa hàng bách hóa bán vải vóc, đồ dùng sinh hoạt, cái kim sợi chỉ… là cửa hàng thực phẩm với thịt cá, gà qué, nước mắm, xì dầu, đậu phụ, lòng lợn, rau cỏ. Chỉ những người có tem phiếu, có sổ mua hàng mới dám bén mảng hai cửa hàng này. Còn chỗ của phó thường dân là chợ Thọ Xuân gần đó, hay còn gọi là chợ huyện, chợ Tác Giang (Tác Giang là một tên gọi khác của sông Đa Độ chảy qua huyện), cũng đủ loại, chỉ có điều giá cao gấp mấy lần trong cửa hàng thương nghiệp. Vì vậy, thời ấy người ta tìm mọi cách để thoát ly, tức là làm cán bộ công nhân viên nhà nước, có sổ có phiếu mua hàng. Cái sổ ấy không chỉ để chứng tỏ đẳng cấp trong xã hội mà còn tiết kiệm được ối tiền, nhất là lương ba cọc ba đồng. Giữ sổ kỹ chẳng khác gì của gia bảo. Lỡ để mất nó với cái sổ gạo thì chỉ còn cách treo mõm, ông anh họ tôi dạy học nửa đùa nửa thật bảo vậy. 

Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2018

Avalon

Hồi sáng tôi có việc nhong nhong ngoài đường, tình cờ thấy một chiếc Toyota Avalon phía trước. Công nhận kiểu xe rất đẹp, mình rướn ga chạy sát nó mà không hề nghe tiếng máy, dù chỉ nhỏ như tiếng muỗi kêu. Thiên hạ đồn rằng đời xe này thuộc diện limited (sản xuất số lượng nhỏ có giới hạn, chỉ khoảng bao nhiêu chiếc thôi), xài nó sẽ được danh "không đụng hàng". Nhìn nó, sực nhớ Nguyễn Xuân Anh.

Bây giờ sóng gió chắc cũng đã qua, thôi thì mừng cho ông em (tôi chả giấu diếm gì điều này), nhớ hồi tôi ra Chu Lai, khi về lại Sài Gòn, gặp nhau trên máy bay, anh em hàn huyên ôn lại những năm tháng xa, chả nhắc gì những thứ vừa xảy ra. Y đã rũ sạch bụi trần, cả trung ương ủy viên, cả đảng, cả Avalon...

Nhìn cái Avalon hồi nãy, tự dưng lẩn mẩn nghĩ, chế độ này có những điều rất quái gở. Nhà vua cũng như các cụ lớn tự đặt ra tiêu chuẩn ai làm gì thì được xài xe cỡ nào. Lý do chính, theo họ là để tiết kiệm ngân sách. Tuy nhiên, ai cũng biết thực chất đó là dạng phân chia thứ hạng đấng bậc, kiểu như chỉ vua mới được dùng xa giá, lọng vàng, dưới vua thì dùng xe gì ngựa gì. Họ chống phong kiến nhưng bảo hoàng hơn vua. Vì vậy, đụng đến thánh chỉ của vua thì phải chết. Trong cái "chết" của Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Xuân Anh, ai dám bảo rằng không có một phần do "ngựa", Toyota Lexus LX570 và Toyota Avalon nhẽ ra không được cưỡi.

Chỉ có điều, bọn hắn cưỡi ngựa tự sắm, còn nhà vua và các cụ lớn kia miệng kêu tiết kiệm nhưng ai cũng đòi thiên lý mã, mua bằng ngân sách. Ngựa các vị ấy cưỡi đều thuộc hạng siêu long mã, giá cả chục tỉ đồng, lại còn cả bọc thép, chống đạn, cả long sàng bên trong. Trị đứa cấp dưới xài xe sang, sao các vị chẳng tự nhìn lại mình đang xài hoang phí như thế nào. Tôi thử hỏi các vị, nếu các vị ngồi một chiếc Toyota Camry 2.5 hoặc chiếc Hyundai tầm 1 tỉ thì không đi làm được chắc, không ai biết các vị là vua là chúa chắc. Cần nhớ rằng, những cái xe Camry ấy cũng tốt bằng vạn xe cụ Hồ hay đi hồi xưa. Hay là các vị chỉ học tấm gương cụ bằng mồm, còn xe cứ phải xe chục tỉ.

Tại trên ngồi chẳng chính ngôi
Để cho kẻ dưới chúng tôi lăng loàn.

Còn trách ai?

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2018

Những vị tướng làng tôi (phần 2)

Đọc bài phần 1, có người bảo ông chỉ nói phét, làng nào có một tướng cũng đủ hãnh diện với thiên hạ rồi, thế mà dám nói “những vị tướng”. Kể ra bạn ấy chả sai, làng Trà Phương quê tôi chứ có phải những làng nổi danh trong đời sống xứ này như Hành Thiện, Cổ Am, Quỳnh Đôi, Đông Ngạc… đâu. Làng có nhiều tướng nhất thời cách mạng, theo tôi biết, rồi nghe người nhớn kể, là làng Hành Thiện ở Nam Định, phát cả văn lẫn võ, có tới 7 ông tướng được nhà nước phong. Rất kinh.

Làng Trà Phương yêu dấu của tôi, qua 2 cuộc chiến tranh với Pháp và Mỹ, đi bộ đội nhiều lắm. Ở miền Bắc những năm ấy, làng nào mà chẳng bị vét tới người trai tráng cuối cùng. Chiến tranh, những 4 mặt trận, A (miền Bắc), B (miền Nam), C (Lào), D (Campuchia) như cái cối xay thịt tàn bạo, tống trai vào bao nhiêu cũng chả đủ cho nó nghiền. Làng Trà, như những làng khác, trai tráng đi hết, chỉ còn lại chủ yếu đàn bà, người già và trẻ con, tức là những người không thể hoặc chưa thể vào lính. Đàn bà phải thực hiện 3 đảm đang thay đàn ông đã ra chiến trường, người già phải gánh vác phần việc của người trẻ, còn trẻ con vừa đi học vừa làm phần việc của người lớn. Tức là không ai được ngồi đúng vị trí, thiên chức của mình. Thực ra cũng còn trai nhưng không phải tráng, đều dạng hàng tồn, thứ phẩm, đui què mẻ sứt, anh thì chột mắt, anh thì thọt chân, anh thì khoèo tay... Bình thường thì gái làng, nhất là lại đẹp như gái làng Trà vốn nổi tiếng xưa nay, chả thèm để ý mấy anh ấy, nhưng nay đàn ông “chuẩn” bị chiến tranh cướp hết rồi, tự dưng các anh “tồn” lại có giá. Còn bọn con trai nhơ nhỡ đám chúng tôi cứ lớn tới đủ tuổi 17 là xã đội, huyện đội phết vào sổ, mỗi năm 3 đợt tòng quân, khám sức khỏe xong là lên đường. Làng cứ vắng dần, thiếu sinh khí đàn ông, buồn hiu hắt.

Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2018

Bài hát cho cuối tuần (1): Tình cầm


Cứ mỗi cuối tuần tôi lại muốn tìm một bản nhạc hay, dù vui dù buồn, để rót vào khoảng chống chếnh khó san lấp.

Cái bài nhạc này, “Tình cầm”, chẳng hiểu sao lúc mò mò rê rê con chuột lại hiện ra trước nhất. Một bài hát cho cuối tuần, hay là cho chặng cuối đời, cho những người mang cái tâm trạng “Cộng thùy tranh tuế nguyệt/Doanh đắc mấn như ti” (thơ Đỗ Mục). Đua tranh với người qua năm tháng/để nay được mái tóc trắng như tơ, các cụ nhỉ.

“Tình cầm” là tên nhạc phẩm nhưng tên gốc của bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc là “Nếu anh còn trẻ”. Nhắc tới Phạm Duy là ta đã giật mình trước một đại thụ của làng nhạc Việt, và nhắc “Nếu anh còn trẻ” ta lại giật mình bởi cái tên cũng hoành tráng rợp bóng chẳng kém gì: nhà thơ Hoàng Cầm. Và rồi ta lại gật gù kinh hãi thêm chút nữa, người hát “Tình cầm” là ca sĩ mang cái tên quen thuộc mấy thế hệ ở miền Nam: Duy Quang. Quả thật, trong đời sống văn nghệ, sự hội tụ những đỉnh cao như ở tác phẩm trứ danh này không phải không có, nhưng rất hiếm.

Hoàng Cầm và Phạm Duy là đôi bạn văn nghệ nổi tiếng một thời. Những ngày chống Pháp 9 năm họ còn rất trẻ, tuổi đôi mươi, lòng tràn đầy lãng mạn. Họ đã sống những ngày thật đẹp, làm cách mạng cũng như làm văn nghệ. Tướng Nguyễn Sơn, vị tư lệnh quân khu 4, viên tướng đánh giặc khét tiếng, máu văn nghệ chứa đầy huyết quản, từng rất quý chuộng Phạm Duy và Hoàng Cầm. Đã có một thời thơ, nhạc nói riêng, văn nghệ nói chung được sống cuộc sống tự do của nó chứ không bị kìm nén kiềm tỏa dã man như chỉ vài năm sau.