Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2023

Bất tín nhiệm phiếu tín nhiệm

Cứ tưởng trò bỏ phiếu tín nhiệm nảy nòi từ năm 2012 bị dẹp, bị vứt vào sọt rác rồi, ai dè sau hơn chục năm nó được dựng lại, có phần hoành tráng hơn.

Cái gì liên quan đến "phiếu" ở xứ này đều đáng sợ, kể cả tem phiếu thời bao cấp lẫn phiếu bầu bán này nọ. Giờ đào xới từ ký ức, nhớ lại mấy ô phiếu-tem, cái thì quy định được mua 25 gam thịt (to bằng cái lưỡi mèo), cái thì 20cm vải (bằng chiếc khẩu trang), cái thì 100 gam lương thực (gạo) vẫn rùng mình. Rồi mỗi kỳ bầu cử “sáng suốt lựa chọn những người xứng đáng bầu vào quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp” (lần nào cũng câu này), tivi hát “cầm lá phiếu trên tay chúng ta đi bầu” nhưng ai cũng hiểu họ chả cần mình bầu, phiếu mới chả phiếc, bởi chưa bầu đã biết ai trúng, nhất là tứ trụ, thậm chí biết trước cả tháng. Tin đồn, thông tấn xã vỉa hè luôn trúng phóc. Kể từ khi cộng sản cầm quyền luôn diễn ra như vậy. Họ có đủ cả, chỉ thiếu mỗi quyền dân chủ thực sự.

Người ta vẫn kể cho nhau nghe chuyện tay trùm Xít ta lin (Stalin) chỉ đạo đàn em tổ chức bỏ phiếu. Khi bọn kia thật thà muôn tâu thánh thượng, nếu bỏ phiếu thì chúng ta thua mất, y liền cười, bay làm cách mạng nhưng đéo biết gì, ăn nhau ở khâu kiểm phiếu chứ không phải bỏ phiếu. Cả bọn được giác ngộ lý luận cách mạng vô sản cười như nghé. Chuyện Liên Xô nghe như chuyện nhà. Ông Xít ta ở nước Nga/mà em lại thấy rất là Việt Nam, cụ thần đồng Trần Đăng Khoa nhể.

Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2023

Nhất bên trọng, nhất bên khinh

Đó là câu nhận xét sự đời của các cụ ngày xưa. Trọng là nặng (trọng tội tức tội nặng), khinh là nhẹ (khinh khí cầu là quả cầu chứa khí nhẹ để bay lên). Nhất bên trọng, nhất bên khinh - một bên bị coi nặng, một bên xem là nhẹ, dù hai bên như nhau, na ná nhau. Thái độ và cách xử lý này luôn thiếu sự công bằng, công tâm; một dạng lạm quyền, vô pháp.

Chiều tối 25.10, công an ra thông tin kết luận về vụ anh em nhà Quốc Cơ, Quốc Nghiệp biểu diễn chồng đầu. Đúng như dư luận xã hội dự đoán.

Tôi vốn không quan tâm tới vụ Ngọc Trinh, vụ “phim dựa theo tác phẩm của Đoàn Giỏi”, vụ Cơ Nghiệp chồng đầu, bằng chứng là đến thời điểm này tôi chưa thò ra chữ nào, bởi chúng đều không đáng mất thì giờ. Một ông anh cựu binh thỉnh thoảng chọc tôi sao chưa lên tiếng bênh cô Trinh, tôi định giả nhời bác ấy, rằng Trinh triếc với em không là cái đinh gì. Vụ Cơ Nghiệp cũng vậy. Nhưng nay đã có kết luận điều tra thì đành phải biên đôi dòng.

Anh em Cơ Nghiệp đóng quảng cáo, nói cho cùng cũng như mấy anh chị văn nghệ sĩ, ưu tú nhân dân này nọ quảng cáo thuốc hoặc thực phẩm chức năng, thổi loa kèn thuốc lậu, bán cái danh của mình để kiếm tiền. Anh em nhà xiếc này còn đáng trọng hơn mấy nghệ sĩ kia bởi thể hiện tài năng thực sự chứ không mồm mép giả dối, nói vống lên như Xuân tóc đỏ “Dù già cả dù ấu nhi/Sương hàn nắng gió bất kỳ ở đâu/Sinh ra cảm sốt nhức đầu/Da khô mình váng âu sầu ủ ê/Đêm ngày nói sảng nói mê/Chân tay mỏi mệt khó bề yên vui/Vậy xin mách bảo đôi lời/Nhức đầu giải cảm liệu đời dùng ngay”.

Thứ Năm, 26 tháng 10, 2023

Thời sự ngoài xóm

- Tổng thư ký tổ chức vô hại có tên Liên Hợp Quốc, ông Guterres phân trần rằng người ta đã xuyên tạc lời ông ấy khi nói ông ấy có ý bào chữa, bênh bọn kh.ủng bố Hamas. Thôi, ông ạ, lời nói dù gió bay thật đấy nhưng nói trước đám đông cả trăm người nghe tận lỗ nhĩ chứ có phải thì thầm với bà nhà trong bếp đâu mà bảo người ta xuyên tạc. Làm phỗng sành thì tốt nhất đừng phát ngôn gì may ra còn được hưởng chút hương khói.

- Có thứ ì xèo vui, liên quan tới thằng Pu, tên độc tài, xâm lược, ph.át xít, uống m.áu người không tanh. Cũng chả biết thế nào, nhưng dù tin vịt vẫn rất đáng mừng. Thằng này chết, cả làng vũ đại ăn mừng, tổ chức làng tang vui vẻ, “vui ơi là vui”. Lời mời rơi hôm kia hôm kìa có khi nhờ vậy mà rũ một cách an toàn.

- Hôm qua, coi tivi xong, thấy Pu lẻo mép khi bàn về cuộc chiến tranh ở dải Gaza rằng "nhiệm vụ của chúng ta hiện nay là ngăn chặn đổ máu và bạo lực", ông hàng xóm nhà tôi cười bảo đúng là mồm con đĩ.

- Từ khi Ukraine bị xâm lược, báo chí mậu dịch An Nam không tuyên bố công khai nhưng mở cuộc chê bai U và phò nịnh Nga toàn diện cho tới nay. Có nhẽ người U cờ ren vốn hiền lành nên họ không chấp, cứ kệ. Nhưng với Israel thì sẽ không thế đâu. Người Do Thái thông minh, quyết đoán, rõ ràng, sòng phẳng, ai tốt với họ thì họ tốt lại, họ không ưa thói thò lò hai mặt, uốn éo, lập lờ nọ kia. Họ tính sổ bọn khủng bố Hamas xong, đảm bảo sẽ rà soát lại những cây tre cây vầu, chứ không dĩ hòa vi quý như kiểu U cờ ren. Rồi lại chả phân trần phân nhộng tôi đâu có thế, tại bọn tuyên giáo chứ.

Nguyễn Thông

Thứ Ba, 24 tháng 10, 2023

Doanh nhân ư, cũng chỉ là cam vắt (kỳ 6, cuối)

Ở miền Bắc những năm trước 1975, học sinh cấp 3 và sinh viên đại học đứa nào cũng biết thuật ngữ “ai thắng ai?” nói về cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản trên toàn thế giới. Những giờ học chính trị và triết học Mác - Lê Nin, các thầy khẳng định chắc như đinh đóng cột phe tư bản, thực dân, đế quốc, bóc lột đang giãy chết, phe xã hội chủ nghĩa ngày càng lớn mạnh. Bọn tư sản tư bản mà giai đoạn tột cùng là đế quốc ngày càng cùng đường, chó dại cắn càn, gây chiến tranh, nhưng sẽ không tránh khỏi bị diệt vong. Cuối bài, bao giờ các thầy hoặc báo cáo viên cũng kết luận “Sức ta là sức thanh niên/Thế ta là thế đứng trên đầu thù”, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là hiện thực và tương lai nhân loại, vô sản sẽ lãnh đạo toàn thế giới..., cả thầy lẫn trò đều hỉ hả.

Sự dối trá ấy bị xé toạc khi những người ở thiên đường miền Bắc sau tháng 4.1975 được tận mắt chứng kiến cuộc sống và nền kinh tế miền Nam. Người cộng sản không nghĩ rằng đồng thời với việc họ “giải phóng” được miền Nam thì chính miền Nam cũng giải phóng đầu óc u mê cho hàng triệu người Bắc, nhất là về kinh tế. Dân chúng ngoài vĩ tuyến 17 tận mắt thấy chủ nghĩa tư bản ở miền Nam đã xây dựng một nền kinh tế hàng hóa dồi dào tới mức những người quen sống trong chế độ bao cấp có nằm mơ cũng không dám nghĩ.

Thứ Hai, 23 tháng 10, 2023

Doanh nhân ư, cũng chỉ là cam vắt (kỳ 5)

Thực ra, tôi cũng tham gia vào việc đánh tư sản, kìm hãm xã hội này, góp phần để cuộc sống vất vưởng đến tận bây giờ. Giờ kể ra, giống như tự chuyển hóa, tự diễn biến, suy thoái. Chả là hồi từ năm 1977 tôi vào Sài Gòn, suốt mấy năm các thầy cô giáo chúng tôi từ miền Bắc vào được chính quyền huy động cho công cuộc long trời lở đất (xứ mình làm gì cũng long trời lở đất) đánh tư sản. Cứ làm theo miệng cán bộ tuyên truyền, chúng tôi hăng hái lên án kịch liệt bọn "tư sản mại bản ôm chân đế quốc Mỹ" Lý Long Thân, Mã Hỷ, Hoàng Kim Quy, Trương Dĩ Nhiên, Mã Tuyên, Nguyễn Tấn Đời..., tham gia phong trào đấu tố "bọn bóc lột, đầu cơ tích trữ, phá hoại kinh tế".

Chúng tôi cả tin rằng lưới thép (gọi là lưới B40) do nhà máy của Hoàng Kim Quy sản xuất chủ yếu để bọn đế quốc Mỹ sử dụng ngăn đạn B40 của phe cách mạng; gạo xuất khẩu của Mã Hỷ là chiếm đoạt mồ hôi công sức nông dân đồng bằng sông Cửu Long, sắt thép do Lý Long Thân nhập về chủ yếu đúc súng đạn, phim ảnh do Trương Dĩ Nhiên nhập và phát hành để đầu độc thế hệ trẻ, xà bông Trương Văn Bền giàu là nhờ bóc lột sức công nhân... Kết quả từ một nền kinh tế đang phát triển, hàng hóa phong phú, sự nghiệp cách mạng kinh tế đánh tư sản đã thành công khi nhanh chóng đưa xã hội trở lại mức "mua cái đinh cũng phải giấy", miền Nam mau mắn hòa đồng với kinh tế nghèo nàn, thủ công, thiếu thốn, bao cấp ở miền Bắc, cùng dắt tay nhau đi trên con đường xã hội chủ nghĩa đói nghèo.

Gieo gì gặt nấy, chính chúng tôi không cần chờ đợi lâu, phải trệu trạo nhai hạt bo bo, củ sắn (mì) thay gạo suốt hơn chục năm trời, chịu cảnh phân phối từng cây kim sợi chỉ, viên đá lửa, gói thuốc Vàm Cỏ khét lẹt, mảnh vải chỉ đủ may cái quần đùi…

Chủ Nhật, 22 tháng 10, 2023

Doanh nhân ư, cũng chỉ là cam vắt (kỳ 4)

Nói gì thì nói, trong khoảng 2 chục năm trở lại đây, sự đổi thay bề mặt ở đất nước này, chẳng hạn nhà cửa, đường sá, khu dân cư, nhà máy xí nghiệp, nơi du lịch… chủ yếu là nhờ doanh nhân, những nhà tư bản, nhà sản xuất kinh doanh nằm ngoài hệ thống nhà nước. Ngay cả công ăn việc làm, tạo thu nhập cho người dân cũng chủ yếu dựa vào họ - nhà tư sản trong nước lẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Kể đâu xa, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) quê tôi là vùng quê thuần nông, tới cuối thập niên 90 càng tiến lên chủ nghĩa xã hội càng xơ xác tiêu điều. Ruộng đất ít, nông dân không việc làm, thanh niên nam nữ bỏ đi khắp nơi làm thuê làm mướn, cu li bốc vác, buôn thúng bán bưng lê la hè phố. Cuộc sống cực kỳ bấp bênh, bế tắc. May nhờ có những nhà tư bản cả trong và ngoài nước mở nhà máy xí nghiệp công ty sản xuất ven sông Đa Độ, khu chợ Hương, lối thông ra đường 14 cũ (nay là đường Phạm Văn Đồng đi Đồ Sơn) mà cả vạn thanh niên nông dân có việc làm, chăm chỉ lao động nên có thu nhập nuôi bản thân và gia đình. Không phải kiểu vô sản hóa như mấy ông hồi xưa, mà là công nhân hóa, nhờ doanh nhân nên sống được, chứ không phải nhờ chính quyền.

Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2023

Đỗ Nam Cao không hề thấp (kỳ 3, cuối, đáng đọc nhất)

Thi sĩ Đỗ Nam Cao có bản sơ yếu lý lịch đậm màu chiến tranh. Ông học khóa 11 Khoa Văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (ngôi trường danh giá nhất miền Bắc thập niên 50 - 70). Đó là cái nôi nuôi dưỡng rất nhiều nhà văn nhà thơ, văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, thậm chí cả nhà chính trị lừng danh xứ này.

Tôi không “nghe hơi bắc nồi chõ”, không nghe qua trung gian nào, mà trực tiếp từ bác Cao kể, trò chuyện, nhiều lần chứ không chỉ một lần. Đơn giản bởi tôi là đàn em đồng môn của bác, học khóa 17, khi vào thì bác đã ra trường. Nhưng sau 1975 thì hai anh em có nhiều dịp gần gũi. Cái tình đồng môn thuở ấy nó sâu đậm và cụ thể lắm. Chuyện này tới cuối bài tôi sẽ nhắc.

Đỗ Nam Cao tốt nghiệp tháng 11.1970. Khi bản luận văn viết tay, được bảo vệ trong lán học giữa rừng Đại Từ (Thái Nguyên), nói theo cách văn vẻ là chưa ráo mực, thì cử nhân văn chương Đỗ Nam Cao đã xung phong lên đường vào Nam, cùng với các bạn Nguyễn Thế Khoa, Bế Kiến Quốc, Vũ Ân Thi, Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Thị Kim Cúc… Thời ấy người ta hăng vậy, kiểu “con đường ra trận là con đường vui”. Gặp thời thế, thế thời phải thế. Những Tô Thùy Yên, Du Tử Lê, Phan Nhật Nam của phía bên kia cũng vậy thôi. Không trách được. Nhưng chính trị thì nó khốn nạn, nhẽ ra khi “bếp lửa nhân quần ấm tối nay/chút rượu nồng đây xin rưới xuống/giải oan cho cuộc bể dâu này” (thơ Tô Thùy Yên) trong cái thời điểm sau 30.4 thì nó lại bắt người ta đi cải tạo, đi tù, thậm chí mất xác nơi rừng xanh núi đỏ.

Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2023

Hai chuyện trong 1 ngày

Pháp quyền

Tôi quan tâm đến việc thả 4 kẻ bị bắt quả tang xách 11 ký ma túy dạo mấy tháng trước chứ không để ý việc tóm đứa con gái tập chạy xe phân khối lớn trên con đường đã được rào chắn cẩn thận không có ai qua lại.

Muốn thả thì thả, muốn bắt thì bắt, bất cần pháp khi nắm quyền trong tay. Đó mới là sự đáng nghĩ về luật pháp ở xứ này.
(Nhân việc công an bắt giam cô người mẫu Ngọc Trinh)

Ngày thừa

Thật lòng, tôi không ủng hộ cái ngày 20.10 phụ nữ này. Lý do: đó chỉ là ngày thành lập của một hội đoàn, vả lại đã có ngày "mùng 8 tháng 3" rất chi là nặng... đô rồi.

Ở một xứ quanh năm suốt tháng đủ các thứ ngày, nếu hội đoàn nào (mà hội đoàn thì vô thiên khênh) cũng đòi ngày ngiếc thì còn đâu thời gian làm việc, nghỉ ngơi; chỉ vui mừng, kỷ niệm, quà cáp cũng đủ mệt bà nó người.

Nói thật, đây là thứ tàn dư của bệnh hình thức do chế độ chủ nghĩa xã hội sinh ra, cần sớm dẹp bỏ. Dường như nặng nhất là An Nam, Triều Tiên, Cuba - mấy anh bị bệnh hình thức mạn tính, chứ đám Nga, Trung Quốc nó cũng dẹp từ lâu.

Riêng với phụ nữ, ông nào muốn quan tâm thật tình, cứ 365 ngày đỡ đần gánh vác việc nhà cho họ, có tiền thì mua con gà ta thả vườn về luộc cho bà ấy ăn. Hoa với hoét cho ngày thừa, vớ vẩn.

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 19 tháng 10, 2023

Nên cầu thị chứ không phải cãi loăng quăng

Bộ Giáo dục - Đào tạo sáng qua (18.10) có công văn dọa sẽ báo công an (mà họ gọi là lực lượng chức năng) về vụ "xuyên tạc sách giáo khoa".

Bộ khẳng định "các ngữ liệu đang gây tranh cãi trên là những nội dung không có trong sách giáo khoa hiện hành đang được thực hiện giảng dạy tại các nhà trường". Điều này thì đúng với thực tế, hiện chả có cuốn sách giáo khoa nào mang nội dung như thế.

Tuy nhiên, đây là lối nói quanh co thường thấy ở các cơ quan nhà nước, cố tình phủ nhận cái sai đã từng xảy ra. Xin hỏi bộ, nếu những dữ liệu ấy không có trong sách giáo khoa hiện hành thì đã từng có trong sách giáo khoa của ngành giáo dục xứ này chưa? Đừng vội quy kết người ta là xuyên tạc. Sách do chính các ông bà soạn ra chứ ai. Thời nay không soạn thì thời trước soạn. Chứng cứ rành rành mà còn cãi, cãi lấy được, nỏ mồm.

Tôi đảm bảo là có. Nếu có, thì thấy người ta góp ý là phải cảm ơn, xem như bài học kinh nghiệm, để tránh, đừng lặp lại nữa, sao lại quanh co lập lờ, lại còn dọa dẫm báo công an.

Sự cầu thị rất khó xảy ra ở cơ quan công quyền, ở tầng lớp lãnh đạo xứ này.

Ngành giáo dục mà còn thế, huống hồ những ngành có súng.

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 18 tháng 10, 2023

Đỗ Nam Cao không hề thấp (kỳ 2)

Thật đáng khen Hội Nhà văn TP.HCM và tạp chí Văn hiến đã tổ chức trang trọng, quy mô chương trình tưởng nhớ thi sĩ Đỗ Nam Cao. Giống như một lễ tưởng niệm thành kính con người thơ rất thơ mà rất đời ấy sau 12 năm bác Đỗ vào cõi vô cùng. Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn kể rằng nhẽ ra chị Hồng và hội và tạp chí Văn hiến định tổ chức năm 2021 cơ, đúng 10 năm ngày mất, tròn 10 năm vừa ý nghĩa vừa thiêng lắm, nhưng gặp cái nạn dịch Covid phải gió, nên phải chùng chình nấn ná tới lúc này. Nhơn bảo, gì thì gì, cứ phải ghi nhận sự kiên trì của chị Hồng, quyết làm cho bằng được. Thực ra, với một người vợ tài giỏi, đảm đang, yêu chồng hiểu chồng hết mực, thì dẫu (phỉ phui cái miệng) dịch có kéo dài 5 năm 10 năm 20 năm hoặc lâu hơn nữa thì cuối cùng vẫn sẽ có buổi tưởng nhớ sang trọng hoành tráng như này.

Thơ thì của chồng, nhưng công tổ chức “Ký ức còn mãi” của vợ. Tất nhiên cần ghi nhận Hội Nhà văn TP.HCM, nơi bác Cao đã sống phần lớn cuộc đời hơi ngắn nhưng đầy ý nghĩa, với nhạc trưởng Bích Ngân chủ tịch hội. Chị Ngân đã mở màn với bài tưởng nhớ Đỗ Nam Cao khá xúc động, tôi thấy đôi lần chị ngừng đọc quẹt mắt. Chỉ có yêu thương kính trọng thực lòng mới vậy.

Thứ Ba, 17 tháng 10, 2023

Doanh nhân ư, cũng chỉ là cam vắt (kỳ 3)

Những người lứa tuổi tôi, sinh hồi giữa thập niên 50, thời nay gọi tắt là 5X, chắc không mấy ai quên chuyện nhà cai trị xứ này đánh tư sản, diệt doanh nghiệp doanh nhân. Họ gọi bằng cái tên “cải tạo công thương nghiệp”, xóa bỏ chế độ tư hữu, xây dựng quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa. Tất cả những gì vướng víu, vướng mắt trên con đường lớn không tưởng, mơ hồ ấy đều bị họ đưa lên đoạn đầu đài. Diệt cho bằng hết. Lại nhớ cụ Phan Khôi từng chua chát cay đắng “Đánh đùng một cái/Kêu eng éc ngay/Bịt mồm bịt miệng/Trói chân trói tay/Từ đây đến con dao/Chẳng còn xa là bao”. Cụ tả về chuyện giết lợn, nhưng “giết” văn nghệ sĩ, doanh nhân cũng đều thế cả, cùng bàn tay đao phủ.

Thời Pháp cai trị (còn gọi là thời Pháp thuộc), nhà cầm quyền thực dân rộng đường cho tư nhân tư sản làm ăn, sản xuất, kinh doanh, để họ phát huy tài năng khả năng của mình làm giàu, vừa “vinh thân phì gia”, vừa tạo ra sản phẩm phục vụ xã hội, đất nước. Cho tới giờ, nói tới doanh nhân Việt, người ta vẫn nhắc đến nhưng idol, tấm gương tiêu biểu như Bạch Thái Bưởi (tàu thủy), Nguyễn Sơn Hà (sơn), Trịnh Văn Bô (kinh doanh vải lụa), Đoàn Đức Ban (chủ hãng nước mắm Vạn Vân lớn nhất miền Bắc), Trịnh Văn Mai (chủ hãng dệt Cự Doanh), Vũ Đình Long (xuất bản, in ấn)…, họ được tự do làm ăn làm giàu, không bị người Pháp tước đoạt quyền tự do kinh doanh.

Thứ Hai, 16 tháng 10, 2023

Đỗ Nam Cao không hề thấp

Từ hôm hăm mấy tháng 9, chị Hồng đã nhắn cho tôi, em à, chị mời em tới dự chương trình về anh Cao nhé. Tôi phúc đáp ngay, cảm ơn chị, em phải tới chứ, anh đi xa đã 12 năm rồi. Hình như sợ một đứa tính đểnh đoảng hay quên, gần tới ngày tổ chức, chị nhắn thêm nhắc lại, trong khi tôi đã đặt tờ giấy biên chữ mực tàu rõ to ngay trước màn hình máy tính “Nhớ ngày 12 tới đến chỗ bác Cao. Quên thì chết đòn”. Cứ phải cẩn thận thế mới được.

Chị Hồng tức Trần Thu Hồng. Anh Cao đương nhiên là Đỗ Nam Cao. Đám chúng tôi, những đứa được bên thắng cuộc lùa vào miền Nam công tác theo lệnh của nhà nước hồi sau năm 1975, những kẻ đói ăn, thiếu gạo, thèm cơm suốt nửa cuối thập niên 70 và dằng dặc thập niên 80 không mấy đứa không biết tới chị Hồng. Chị là đệ tử ruột của bà Ba Thi Nguyễn Thị Ráo anh hùng lao động. Công ty Lương thực TP.HCM đứng đầu là bà Ráo và những đệ tử sốt sắng, tài giỏi như chị Hồng đã cứu cả thành phố Sài Gòn khỏi nạn đói, chứ không thì có thể thêm nạn đói chết người như năm 1945 trong lịch sử xứ này.

Doanh nhân ư, cũng chỉ là cam vắt (phần 2)

Trong suốt quá trình tồn tại và chiếm đoạt vị trí cai trị, từ khi nắm quyền tới nay, nhất là sau 1954 ở miền Bắc, rồi sau 1975 trên cả nước, chính quyền cộng sản chỉ chú trọng, đề cao công nông binh, gần như gạt hẳn tầng lớp, đội ngũ doanh nhân ra khỏi hệ thống của họ. Họ chủ trương làm ăn tập thể, như ông Lê Duẩn từng nhận định “làm chủ tập thể là phát minh vĩ đại”, công hữu hóa, bài trừ tư sản, diệt lối làm ăn tư hữu cá nhân… nên doanh nhân không có đất để tồn tại. Chỉ cần hé ra, lộ ra cách làm ăn riêng lẻ, dù hiệu quả tới mấy đi chăng nữa, cũng bị tiêu diệt.
 
Nói đâu xa, chính trong đội ngũ của họ, cái gì đi chệch hướng đường lối của chủ nghĩa xã hội đều phải lên đoạn đầu đài. Dù hợp tác xã nông nghiệp - biểu tượng của lối làm ăn tập thể ở nông thôn chỉ sau gần chục năm tồn tại đã ngày càng thể hiện sự lạc hậu, phi lý, cản trở quá trình phát triển nhưng họ vẫn ngu dốt, cố tình, nhắm mắt nhắm mũi duy trì. Chuyện ông Kim Ngọc (Kim Văn Nguộc) ở Vĩnh Phú xé rào đường lối, “chống lại trung ương”, tiến hành khoán hộ, làm thay đổi cơ bản cuộc sống nông dân, nông nghiệp, nông thôn theo hướng đi lên, thoát khỏi nghèo đói nhưng vẫn bị các đồng chí của ông, cấp trên ông hành lên bờ xuống ruộng thì đủ biết họ bảo thủ ngu dốt thế nào. Họ chỉ cần cái gọi là chủ nghĩa xã hội tồn tại, còn bất kỳ thứ nào khác đều không có giá trị.

Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2023

Doanh nhân ư, cũng chỉ là cam vắt (nhân cái gọi là Ngày doanh nhân 13.10)

Xứ này có rất nhiều ngày vinh danh dành cho từng loại đối tượng. Tôi mày mò tìm tra trên Gu gồ, thấy chưa đâu lắm ngày này ngày nọ như nước An Nam ta. Một kiểu tự sướng và khoái màu mè hình thức. Chỉ những anh đội cái bệnh hình thức lên đầu đi ngênh ngang giữa đường mới khoái kiểu vậy. Ngày nghiếc cũng là thứ bệnh, bệnh nặng, cùng khối u với bệnh ưa cờ quạt, băng rôn, khẩu hiệu. Vừa lừa dối, vừa mị dân.

Kể từ năm 2004, ông Phan Văn Khải thay mặt nhà nước ký quyết định chọn ngày 13.10 là ngày doanh nhân Việt Nam. Tới giờ đã tròn chẵn 19 năm bởi hôm nay là 13.10.

Thời xưa, lẩu lầu lâu rồi, các cụ xứ ta nhấn đến 4 tầng lớp-hạng người đáng để ý nhất trong xã hội, đời sống, là “sĩ nông công thương”. Khi cộng sản làm cách mạng, họ đặt ra mục đích “trí phú địa hào - đào tận gốc trốc tận rễ” (trí thức, phú nông, địa chủ, cường hào). Chả hiểu sao người ta lại thích số 4 đến thế. Tới khi cướp được chính quyền, phe cách mạng đưa lên ban thờ nhóm ngôi vị độc tôn gồm “công nông binh”, chỉ 3 thành phần thôi, mãi về sau họ giật mình khi nghe thiên hạ, nhất là những anh có chữ có học eo xèo xì xào nên bổ sung “trí” cho thành bộ tứ “công nông binh trí” nhưng bắt trí đứng ở cuối hàng. Những người còn lại trong xã hội chỉ là công dân hạng 2, “bắt phong trần phải phong trần/cho thanh cao mới được phần thanh cao”, đâu có doanh diếc gì.

Thứ Ba, 10 tháng 10, 2023

Cần biết lắng nghe và sửa sai

Cách nay 69 năm, ngày 10.10.1954, những người lính Pháp cuối cùng xếp hàng ngay ngắn rời khỏi Hà Nội, theo lối cầu Long Biên do chính họ xây dựng, để về Hải Phòng tập kết 300 ngày chờ rút hết về nước. Nay ở bãi biển Đồ Sơn vẫn còn di tích bến Nghiêng, nơi quân Pháp xuống tàu hồi hương.

Pháp rút, quân ta vào tiếp quản thủ đô Hà Nội trong sự chào đón của nhân dân. Đoàn xe chở tướng Vương Thừa Vũ - Chủ tịch Ủy ban quân chính (quân quản) Hà Nội, bác sĩ Trần Duy Hưng - Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội đã cùng bộ đội vào nội thành qua 5 cửa ô một cách hòa bình, không một tiếng súng nổ nào. Nhạc sĩ Nguyễn Thành và thi sĩ Tạ Hữu Yên viết "Khi đoàn quân tiến về mùa thu ấy/Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường". Trống vang như ngày hội lớn chứ đâu phải vào để đánh nhau. Ngày 10.10 được lịch sử gọi bằng cái tên chính xác với thực tế, “ngày tiếp quản thủ đô”. Lứa chúng tôi khi học phổ thông (từ lớp 1 tới lớp 10) sách giáo khoa và lời thầy cô, lời cán bộ đều ghi rõ, nói rõ là “ngày tiếp quản thủ đô 10.10”.

Thứ Hai, 9 tháng 10, 2023

Chính tả sai từ đâu? (kỳ 2)

Đối với bất kỳ đứa trẻ nào thế hệ tôi (sinh thập niên 50) thì khi lớp 1, lớp 2 học tiếng Việt, điều đầu tiên phải viết đúng chính tả, sau đó là biết đặt câu. Trước đó một chút, bọn ranh con đã được học qua lớp i tờ và tập chép, còn gọi là lớp vỡ lòng (anh tôi nói đùa là vỡ thình, thình là cái bọng cứt của con chim, con chim non trong tổ ăn mồi mẹ nó tha về mớm cho nhưng phân cứ tồn trong bụng, khi nào ị được, vỡ thình, thì mới chính thức “vào đời”), nắm tiếng Việt đã khá rành rọt, phân biệt được chữ thường, chữ in, chữ viết thường, chữ viết hoa, các dấu câu, mỗi dấu có tác dụng gì. 

Phải nói thẳng rằng bọn ranh i tờ, lớp 1, lớp 2 hồi đó trình độ chuẩn tiếng Việt còn hơn khá nhiều tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, nhà báo bây giờ. Tôi biết có những nhà báo trình độ đại học không nắm được quy tắc sau dấu chấm câu phải có khoảng trắng rồi mới viết câu tiếp theo, cứ từ đầu tới cuối viết liền tù tì. Lại có nhà báo khác không biết dùng dấu 3 chấm, cứ trước dấu 3 chấm là đặt dấu phẩy, thậm chí còn sáng tạo ra dấu 4 chấm, 5 chấm, hoặc v.v.. rồi vẫn phết thêm 3 chấm. Làm nghề chữ nghĩa mà còn thế, trách chi mấy ông bà cán bộ học tiếng Việt không đến nơi đến chốn.

Thứ Bảy, 7 tháng 10, 2023

Chính tả sai từ đâu?

Chuyện viện kiểm sát ở quận Thanh Khê (Đà Nẵng) tổ chức linh đình hội thảo bàn về việc sau dấu 2 chấm (:) trong văn bản tiếng Việt thì viết hoa hay không viết hoa, đã dấy lên những cười cợt ì xèo.

Đành rằng bàn về việc sử dụng tiếng Việt sao cho chuẩn luôn là điều nghiêm túc, thậm chí trọng đại, đáng khen, nhưng đó không phải là chuyện của viện kiểm sát. Là cơ quan pháp luật (tư pháp), viện kiểm sát trước hết hãy lo hãy bàn sao đừng để xảy ra án oan sai, lắng nghe tiếng kêu oan của tử tù, đừng dấm dúi nhận hối lộ chạy án, v.v.. đi đã, đá lộn sân làm chi. Thiên hạ cười là phải.

Kể cũng lạ, ở một nước, chỉ riêng về mảng ngôn ngữ, đã có biết bao đơn vị, cơ quan, tổ chức, giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu về ngôn ngữ, nào là viện hàn lâm khoa học xã hội, viện ngôn ngữ, trung tâm từ điển quốc gia, các khoa ngôn ngữ bậc đại học… nhưng hội thảo về dấu 2 chấm lại do viện kiểm sát. Đơn giản bởi đám chuyên kia “thái vô tích”, chả tích sự gì, cứ mặc cho tiếng Việt muốn ra sao thì ra. Hiện tại, tiếng Việt đang nát bét, nhất là trên báo chí truyền thông, ở các nhà xuất bản, ở những cơ quan nhà nước, nhưng viện ngôn ngữ vẫn bình chân như vại.

Thứ Năm, 5 tháng 10, 2023

Ngoại giao cây tre (kỳ 5, cuối)

Ngoại giao tức là quan hệ (giao) với bên ngoài (ngoại). Nhà này với nhà kia có mối đi lại với nhau cũng là ngoại giao, dù chỉ láng giềng cách nhau bờ dậu mùng tơi hoặc bức tường gạch cắm mảnh chai mảnh sành. Nhiều người đã nhầm khi cho rằng đã nói tới ngoại giao thì chỉ ở tầm quốc gia.
 
Trong mối giao tiếp hàng xóm láng giềng đời thường đã đầy phức tạp, huống hồ giữa nước này với nước khác. Con người là thứ động vật nhiều mưu mẹo nhất trong muôn loài, và điều này được thể hiện rõ nhất ở ngoại giao. Đám cầm quyền mỗi quốc gia dùng đủ mọi thủ đoạn để giật lợi ích về cho nước mình, bất kể sự trơ tráo thủ đoạn hay mềm mỏng khéo léo. Dù nó có hiệu quả gì đi nữa thì cũng chẳng đáng khen. Không thể khen cái thứ trái với lương tâm, đạo đức con người.

Làm ngoại giao phải chân thật, lấy sự chân thật đặt lên hàng đầu. Mà không chỉ ngoại giao, mảng nào việc nào cũng vậy. Tôi còn nhớ đã đọc đâu đó chuyện về ông Nguyễn Thọ Chân từng làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Liên Xô. Khi ông nhận nhiệm vụ với đôi chút lăn tăn thắc mắc, cụ Hồ có nói với ông rằng "Làm ngoại giao nhưng đừng có ngoại giao quá, đừng có lễ tân lắm. Cốt nhất là ở lòng chân thành của mình với người ta". Theo tôi, điều này thì cụ Hồ đúng. Cứ phải chân thành, tin nhau. Hay hớm gì cái thói mưu mẹo, xảo trá, lừa miếng, lật lọng.

Thứ Hai, 2 tháng 10, 2023

Ngoại giao cây tre (kỳ 4)

Không ít người lý sự nước người ta khác, nước mình khác, so thế nào được. Họ bảo xứ ta nằm sát Tàu, mà Tàu thì mạnh, xưa nay luôn âm mưu thôn tính nên ta phải mềm dẻo mới có thể tồn tại. Không nhịn nó thì nó ăn tươi nuốt sống. Sống cạnh thằng đại bá thì phải thế... Đại loại vậy. Với các nhà lý luận về thuyết láng giềng ấy, tôi muốn nói, trên thế giới này đâu phải chỉ nước Việt ta nằm cạnh thằng to. Đầy. Như Mông Cổ kia, diện tích lớn gấp 5 lần VN, dân số rất ít (chỉ bằng 1/30 VN, bằng ¼ Sài Gòn) dứt khoát vứt cái áo chủ nghĩa xã hội, vẫn tồn tại và phát triển, không hề quỵ lụy kẻ láng giềng Trung Quốc. Như Israel kia, xung quanh cái nước nhỏ xíu đầy kẻ dã tâm gây sự nhưng nào có sợ ai, luôn khiến “kẻ thù” phải nể sợ. Tại sao? Họ đã chọn đúng đường, không cần tre pheo ngả ngớn gì cả.

Xứ này, hơn chục năm trở lại đây, mới bày vẽ tre pheo như thế, chứ trước kia lại rất cực đoan, chỉ nhăm nhăm phe phái, chẳng tre trúc gì sất. Suốt nhiều thập niên, giới nắm quyền cai trị luôn tôn sùng Liên Xô, Trung Quốc và phe xã hội chủ nghĩa, ca ngợi Liên Xô thành trì vững chắc không gì lay chuyển của cách mạng thế giới, Trung Quốc hậu phương vĩ đại, phe xã hội chủ nghĩa là xu thế tất yếu của nhân loại. Từ đứa trẻ con nông thôn xỉ mũi chưa sạch tới cán bộ trung ương đều bị nhồi nhét lập trường phe phái này.