Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 24 tháng 4, 2025

Dỡ bỏ cũng thế thôi

Cái pa nô (bức vẽ tuyên truyền) sỉ nhục Mỹ ở bìa đường Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) dù đã được dỡ bỏ nhưng tiếng xấu thì không gột được.

Cần nói ngay rằng nội dung pa nô đó là kiểu/mô đen tuyên truyền thường thấy ở xứ này bao lâu nay. Họ chấp hết, còn đúng sai, hay dở, kệ.

Dựng cái pa nô nội dung tuyên truyền, ngay "giữa của giữa" thủ đô không phải chuyện đùa, muốn dựng thì dựng. Nó được duyệt từ cấp rất cao, đủ ban bệ ngành, chứ không phải thằng doanh nghiệp nào đó muốn làm thì làm, muốn dựng thì dựng. Rồi cũng chả "chết" đứa nào, trừ vài đứa tép riu kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc. Báo Tiền Phong hôm qua 23.4.25 viết bài ca ngợi pa nô, thấy dân chửi trên mạng dữ quá, vội hạ bài lập tức.

Một tấm pa nô (dân gian gọi là pa nô chim ỉa) như vậy được thiết kế công phu, hàm ý "sâu sắc", tôi đồ rằng khi nó mới hình thành có ối kẻ cấp trên vỗ tay khen ngợi. Đảm bảo chẳng phải chỉ có bản sỉ nhục độc nhất này dựng ven đường Đinh Tiên Hoàng ngó ra hồ Gươm mà có rất nhiều bản khác được ngạo nghễ khắp nơi, chả biết đã được lặng lẽ thu hồi chưa. Làm gì có chuyện pa nô độc bản.

Dẹp tấm pa nô này cũng chả giải quyết được gì khi hằng ngày trên tivi, báo chí, loa tuyên truyền, khẩu hiệu giăng khắp chốn vẫn cứ một mực "kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước", vẫn hát "diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước", "còn giặc Mỹ cọp beo, ấy còn giặc Mỹ cọp beo", "Vì nhân dân ta ra đi, diệt hết lũ đế quốc Mỹ, cờ giải phóng tung bay hùng vĩ"... Hận thù đã ăn vào trong máu rồi, không sửa được.

Hôm qua tôi vô tình ngồi cạnh mấy người trẻ, nghe họ nhiếc móc cái cô bị kẹt xe dám nói thật lòng mình, nào là vô ý thức, non kém về chính trị; rồi đọc tút của một anh nhà báo (cùng các đồng nghiệp vào còm) chê cười một anh nhà báo khác cũng "tội" non kém chính trị, thì hiểu rằng khó gỡ tấm pa nô chim ỉa khỏi đầu họ.

50 năm trôi qua, vẫn phải chứng kiến cuộc sống đầy thù hận, xung đột, khác biệt. Đó là nỗi buồn của những người khát khao cuộc sống yên vui thực sự.

Nguyễn Thông



Thứ Ba, 22 tháng 4, 2025

Mắt thấy tai nghe óc nghĩ

Với tất cả những gì diễn ra những ngày qua, những sự kiện, phát biểu, lời nói, khẩu hiệu, hành động, truyền thông..., cá nhân tôi khẳng định (chứ không phải "có thể" khẳng định) chắc chắn: đường lối, tư tưởng, quan điểm, ý thức hệ... họ không thay đổi gì.
 
Họ vẫn cứ quẩn quanh áp đặt, thích hình thức, ăn mày quá khứ, không thích nghe lời nói thẳng, dẫm vào vết của người đi trước theo tinh thần "chính trị là thống soái", "súng đẻ ra chính quyền".

Những chuyện sáp nhập, cải cách, đổi mới, tinh giản, tổ chức lại bộ máy hành chính, thay đổi nhân sự, đột phá, tháo điểm nghẽn, v.v.. chỉ là sự vá víu lại hạ tầng đã mục nát, tệ hại. Cái thượng tầng (đường lối, quan điểm, ý thức hệ, tư tưởng, chính sách) quá lỗi thời, lạc hậu, vẫn như cũ, không chuyển biến thì quậy cựa mấy cũng chẳng đi đến đâu.
 
Cái điểm nghẽn nhất gây ra mọi điểm nghẽn không được rũ bỏ thì tháo mấy cũng ném đá ao bèo, công cốc, dân chả hy vọng gì. Cũng chỉ là cuộc cách mạng ở làng Mùi mà Lỗ Tấn đã tả thôi.

Người nắm quyền (trọng trách quốc gia) đã cố tình cố ý bỏ qua cơ hội đặc biệt nhất trong 50 năm qua để thống nhất thực sự, nhất là thống nhất về lòng người. Rõ thấy nhất là họ vẫn cứ thích phải có cụm từ "giải phóng miền Nam" chứ dứt khoát không chịu chỉ dùng "thống nhất đất nước".

Điểm nghẽn lớn nhất nằm ở trong đầu chứ không phải nơi nào khác.

Sự cả tin, ham vui, rộng lượng, dễ cho qua của dân chúng xứ này (kể cả các trí thức) đang bị lợi dụng triệt để. Tôi nói thật. Một đám đông chỉ thích hội hè.

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2025

Nhân chuyện máy bay Tàu

Dân ta thời nay đã quen với việc đi lại bằng máy bay. Đủ kiểu bay, giá đắt giá rẻ đều có, nhiều tiền cưỡi hãng xịn, ít tiền xài hãng bụi. Có lần tôi tham rẻ (mà thực ra không rẻ) mua vé của hãng giá rẻ (ai cũng biết, nên không nói ra đâu), bị đủ sự bực mình, lẩm bẩm ông chỉ dại lần này thôi, về sau thì chừa.
 
Chuyến ấy khoang bay ồn ào như chợ vỡ, có cả gọi điện thoại cãi nhau chửi thề với người ở nhà (lúc chưa cất cánh). Một bác lôi hẳn chiếc điếu cày ra định bắn thuốc lào nhưng may tiếp viên phát hiện kịp (giờ vẫn không hiểu bác ấy tha khẩu bazoka lên bằng cách nào). Lại thằng cu 4 - 5 tuổi gì đó cứ nhảy cỡn sang ghế tôi, đạp vào bụng tôi, uống hộp sữa xong vứt toẹt vỏ sang, mẹ nó thì mải chơi game tỉnh bơ. Còn kiểu ngồi gác chân lên ghế trước thì nhiều vô thiên khênh...

Thời gian đầu có mấy hãng giá rẻ, dân sướng lắm. Thật ra có rẻ hơn so với hãng độc quyền nhà nước VNA (bà con đọc là việt nam e lai) nên giới bình dân xúm vào giá rẻ. Cứ rẻ là khoái, nhất là với người ít tiền. Ít tiền nhưng vẫn thích đi máy bay. VNA giá vé cao, chủ yếu cho mấy ông bà lãnh đạo, cán bộ đi công tác, được nhà nước, cơ quan đơn vị chi tiền vé, dẫu đắt mấy cũng phẩy tay chuyện nhỏ. Lạ ở chỗ vé thì đắt, bay luôn đầy khoang nhưng hãng này bai bải than lỗ, có năm quốc hội còn phải dành cả tiếng đồng hồ để bàn cách giải lỗ cho nó, chết cười.

Thứ Ba, 15 tháng 4, 2025

Thời sự 15.4.25: Tên gọi Sài Gòn

Nhiều báo quốc doanh ngày 14.4 đưa tin sẽ có phường ở quận 1, TP.HCM mang tên Sài Gòn. Phường Sài Gòn.

Việc đặt tên (địa danh) cho nơi nào đó, từ cấp xã trở lên (huyện, tỉnh, vùng) là quyền của quốc hội. Quốc hội thông qua thì mới có tên chính thức.

Hồi cuối năm ngoái 2024, quốc hội quyết việc xã quê tôi bị nhập chung với 2 xã khác, đồng ý đặt tên mới là Kiến Hưng. Cái tên này do huyện Kiến Thụy đề xuất, lại còn lý giải Kiến là Kiến Thụy, Hưng là hưng thịnh, phát triển, mẹ hát con khen, cứ tấm tắc khen hay. Quốc hội gật gù, hay, đồng ý, Kiến Hưng, ghi vào sổ, từ nay mang tên mới.

Cũng xin lưu ý rằng tên thì ai/cấp nào cũng có quyền đặt, dân cứ đặt thoải mái, nhưng quyết cho nó hợp pháp thì phải quốc hội, nhé.

Kiến Hưng tồn tại tới nay được gần 4 tháng, chỉ 2 tháng nữa sẽ bị xóa sổ, bởi xã mới Kiến Hưng lại tách ra, có cuộc ba đào nữa, nhập với những xã khác và có tên mới khác. Chưa khi nào địa danh bị phập phù, chết yểu thần tốc như lúc này.

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2025

Bàn trà chủ nhật (phần 6)

Đã từ lâu ở nước này, bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị được xác định và tồn tại theo nguyên tắc “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Đảng lãnh đạo thì quá rõ, thậm chí còn được ghi vào hiến pháp (điều 4). Nhà nước cũng vậy, chính phủ và chính quyền các cấp không chỉ quản lý mà còn trực tiếp làm đủ mọi chuyện to nhỏ, nếu đúng thì dân-nước được nhờ, sai thì dân-nước gánh chịu. Còn dân có được làm chủ hay không thì rất mơ hồ. Mơ hồ như người ta thường nhắc tới dân chủ vậy.

Phụ vào với đảng còn có cả hệ thống trùng điệp đoàn thể, hội này hội nọ, tay phải tay trái, tạo nên cái gọi là hệ thống chính trị. Ở xứ này, chính trị là thống soái, không có thứ gì lọt khỏi vòng chính trị, kể cả cơm ăn áo mặc. Làm gì có chuyện vô chính trị, không quan tâm, thờ ơ với chính trị. Làm thơ, viết nhạc còn phải vuốt ve chính trị nữa là. Không tin cứ hỏi các nhà thơ, nhạc sĩ.

Lứa chúng tôi, khi sinh ra đảng đã có rồi. Mặc nhiên nghĩ “đảng là cuộc sống của tôi/mãi mãi đi theo người” khi loa đài, báo chí, sách vở tuyên truyền như vậy suốt ngày, chỉ trừ lúc đã ngủ. Hầu như ai cũng biết, dưới đảng còn có nhà nước (một thực thể rất chung chung, không thể hình dung nó là thứ gì, như thế nào, ngoài sự cụ thể có chủ tịch và phó chủ tịch nước); quốc hội (cơ quan cao nhất của quốc gia, nhưng trên thực tế thì rất thấp, đến nỗi khi ghi danh sách tứ trụ thì chủ tịch quốc hội chỉ được xếp thứ 4, hạng chót); chính phủ, còn gọi là cơ quan hành pháp (thực hành pháp luật), đứng đầu là thủ tướng, dưới thủ có các phó thủ, đội ngũ bộ trưởng, thứ trưởng, dưới nữa là chủ tịch ủy ban hành chính (dân đùa gọi thành “hành là chính”, về sau bề trên thấy nhột đổi thành ủy ban nhân dân) các tỉnh/thành phố, các quận huyện, phường xã. Có lẽ trong bộ máy đông đảo ấy, chỉ duy nhất trưởng thôn/ấp/khu phố là không được tính vào danh sách 70% vừa rồi ông Tô Lâm đã chỉ thẳng ra. Vừa rồi đứa cháu tôi bảo trưởng thôn không được coi là cán bộ, không có lương nhưng gần đây được điều chỉnh hưởng phụ cấp cao phết, mà tiền ấy cũng từ ngân sách, ông nhé. Tự dưng tôi đâm nghi cái con số 70 kia.

Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2025

Rỉ tai Quốc hội sắp họp

Chuyện đang nóng sốt hạng nhất ở xứ này bi giờ không phải là thuế, là ông bà nào bị kỷ luật, ông bà nào sắp vào trung ương (dĩ nhiên là đảng, chứ trung ương hội nuôi ong chẳng hạn thì kể làm gì), thằng DJ đánh vợ... mà là sáp nhập tỉnh/xã.

Bỏ cấp huyện, thôi không bàn, bởi ông Tô Lâm đã quyết rồi, bàn thêm lại mang tiếng chống đối.
 
Trước hết nói về xã. Cuối năm 2024, xã Thụy Hương quê tôi ở huyện Kiến Thụy (TP.Hải Phòng) bị sáp nhập với 2 xã khác (Đại Hà, Ngũ Đoan), đặt tên mới Kiến Hưng. Nghe cũng tạm. Quốc hội thông qua nghị quyết đàng hoàng. Dân 3 xã cũ chưa kịp quen với tên mới, nay nghe đâu lại chuẩn bị tách ra để nhập với mấy xã khác cho hợp xu thế thời đại, còn sẽ mang tên mới gì thì quả thật dân xã đếch biết. Chỉ tội mấy đứa trẻ con có giấy khai sinh từ đầu năm tới giờ, chẳng biết phải đổi lại nơi sinh xã Kiến Hưng không. Tên xã tồn tại đúng nửa năm, do đám quốc hội làm việc không biết trông trước ngó sau, bóc ngắn cắn ngắn.

Về tên mới của tỉnh sau sáp nhập, tôi thấy thiên hạ cứ lăn tăn, tranh luận, tiếc rẻ, rằng thì là mà. Theo tôi, tên nào cũng được, rồi cũng quen. Chả hạn Hải Phòng quê tôi bị đổi thành Hải Phẹt, Hải Móm, Hải Bánh, Phòng... cũng chả sao. Vài hôm quen ngay ấy mà. Trước kia có những tỉnh mất bu nó tên, giờ chẳng ai nhớ nó từng tồn tại, có sao đâu. Ví dụ, tôi đảm bảo giờ không mấy ai biết từng có tỉnh Nghĩa Lộ, hoặc các tỉnh Minh Hải, Cửu Long, Hoàng Liên Sơn, Hà Sơn Bình...

Thứ Năm, 10 tháng 4, 2025

Trump, thuế và Việt Nam

Nói toẹt ngay, tôi i tờ về kinh tế; kiến thức kinh tế, về chuyện làm giàu nếu gom góp nhặt nhạnh lại đựng chưa đầy vỏ hến. Bằng chứng là bản thân cứ dính gì liên quan đến làm ăn là thất bại, nghèo túng cho đến bây giờ. Chính vì vậy, tôi không bao giờ dám đụng đến kinh tế, có viết cũng chỉ chuyện vớ va vớ vẩn.

Nhưng đọc bài của BS Dương Đức Tú (FB Duc Tu Duong) thì tôi giật mình, tâm trạng na ná kiểu người xưa đọc luận cương của Liệt Ninh rồi reo lên và khóc "cơm áo là đây, hạnh phúc đây rồi".
 
Chỉ lẩm bẩm, sao Tú chữa răng giỏi (bàn tay vàng nha khoa), mà kiến thức về kinh tế cũng sâu đậm thế. Nếu ta học để mở mang kiến thức, thì học ngay trên mạng 4.0 này chứ đâu cần phải trường kia viện nọ.
Giá như ông Chính, ông Phớc (gớm, cái tên khó gõ quá), ông Diên cán bộ đoàn mà ngó vào trang phây BS Tú thì không bổ ngang cũng bổ dọc.

Dưới đây là bài của BS Tú.

TRUMP ÁP THUẾ 46% LÊN HÀNG VIỆT: LỜI CẢNH TỈNH HAY CƠ HỘI ĐỂ THỨC GIẤC?

Trump áp thuế 46% lên hàng Việt từ 9/4/2025 khiến mạng xã hội dậy sóng. Doanh nghiệp hoang mang, người lao động thấp thỏm. Liệu đây là thách thức hay cơ hội để Việt Nam thay đổi? Câu trả lời nằm ở chính chúng ta.

Cơn sóng dữ từ mạng xã hội và câu hỏi lớn

Mạng xã hội Việt Nam mấy ngày nay như "chảo lửa" khi tin tức Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu 46% áp lên 90% hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ, có hiệu lực từ ngày 9/4/2025, được lan truyền chóng mặt. Từ ngày 2/4/2025, khi chính sách này được công bố, các hội nhóm kinh tế, trang cá nhân tràn ngập lo lắng: "Doanh nghiệp sẽ ra sao?", "Người lao động có mất việc không?"... Cổ phiếu lao dốc, doanh nghiệp hoang mang, không khí như trước một cơn bão lớn.