Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2020

Chuyện Tào Tháo

Tào Tháo tự (tên chữ) là Mạnh Đức, còn có tên khác là A Man, là nhân vật lịch sử nổi tiếng thời Trung Hoa cổ đại. Nhưng phần lớn người thời sau, cứ nhắc tới Tháo là nghĩ ngay một kẻ gian hùng. Người ta ít dùng cho Tào 2 chữ Mạnh Đức mà thường gắn vào 2 chữ A Man. Nói tới Tào A Man cũng chẳng khác gì bảo rằng giỏi thì giỏi thật nhưng gớm bỏ mẹ.

Nói về Tháo thì lắm điều cần kể, chỉ sực nhớ chuyện này: Sau trận thua Xích Bích, đại bại dưới bàn tay Chu Du mà Tháo vốn xem thường, Tháo hơi bị buồn một thời gian, nhưng xưa nay kẻ anh hùng vốn không chịu buồn lâu, nên chỉ ít ngày sau đó đã khánh thành đền Đồng Tước, tổ chức tiệc tùng ăn chơi nhảy múa tưng bừng, cũng giống như người ta bây giờ họp quốc hội hoặc tổ chức đại hội đảng vậy, dù vừa tan tác bởi dịch Cô vít.

Trong lễ tiệc hoành tráng, băng cờ khẩu hiệu rực rỡ "Đảng Đại Ngụy quang vinh muôn năm", "Tào công vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta", Tháo chĩnh chện ghép 2 cái ngai làm một, ngồi chỗ cao ngất, tâm sự với các đàn em rằng, ta tuổi cũng đã cao rồi, muốn nghỉ ngơi vui thú điền viên lắm, chả tội gì ôm rơm rặm bụng, nhưng thấy chưa được. "Từ khi ta giết Đổng Trác, quét sạch Khăn vàng, trừ được Viên Thuật, phá được Lã Bố, dẹp tan đám Viên Thiệu, Lưu Biểu, dần dần bình định được cả thiên hạ, làm đến chức tể tướng, ngôi phú quý tưởng tột bậc rồi, còn mong gì hơn nữa? Nếu triều đình không có ta, chưa biết bao người xưng đế, bao kẻ xưng vương rồi đó. Lắm người thấy ta quyền cao chức trọng, ngờ cho ta có bụng này khác, thật là lầm lớn! Nhưng muốn cho ta bỏ binh quyền đi, thì cũng không xong, vì ta không còn binh quyền trong tay, tất sẽ bị kẻ khác hãm hại" (Trích nguyên văn Tam quốc diễn nghĩa). Ý của Tháo rằng ta mà bị hại, thì đảng Đại Ngụy và nhà nước cũng sẽ sụp đổ.

Tháo nói xong, các quan thì thầm, à ra vậy, nhưng vẫn vỗ tay tung hô chưa bao giờ cơ đồ đất nước tươi đẹp như hôm nay, đó là nhờ hồng phúc của chúa công, mong chúa công cứ ngồi thêm vài nhiệm kỳ nữa.

Nguyễn Thông

Chuyện sinh đẻ có kế hoạch (kỳ 4, cuối)

Những gì liên quan tới đẻ đái, đặt vòng, chính sách dân số, những chuyện cười ra nước mắt về kế hoạch hóa gia đình… tôi đã ráng nhặt nhạnh từ ký ức và biên ra trong những kỳ trước. Lần này chỉ tập trung nói về một nhân vật liên quan tới sinh đẻ có kế hoạch, là cụ đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong tâm thức đông đảo người dân xứ này, hai nhân vật lịch sử được kính trọng và yêu mến nhất, chiếm được nhiều cảm tình nhất, là cụ Hồ và đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hình ảnh cụ Hồ trở nên chói lọi rực rỡ, tất nhiên chủ yếu từ con người cụ, nhưng cũng có phần tô vẽ không nhỏ của bộ máy tuyên truyền. Nghệ thuật tuyên truyền của người cộng sản, thì ngay cả những bậc thầy tuyên truyền đủ mọi thời đại xưa nay cũng phải chịu thua. Vị lãnh tụ của họ được đẩy lên thành đấng bậc vẹn toàn không tì vết, có khi thần thánh, ngọc hoàng, ông trời, đức phật, đức chúa cũng không bằng. Tôi cả đời sống trong thể chế cộng sản, từ lúc bé bắt mũi chưa sạch tới giờ, đã hiểu và nhận ra điều chối tỉ ấy.

Vậy nhưng, với trường hợp cụ đại tướng Võ Nguyên Giáp, có nhẽ là ngoại lệ. Những gì cụ Giáp có được, chủ yếu do cụ tạo ra, ít phải nhờ “bộ máy” họa sĩ. Tài năng, đạo đức, công tích, vẻ đẹp… cụ có được đều tự thân sinh ra, tồn tại vững chắc trong cõi đời, trong lòng người. Không phải vô cớ mà những người lính nhiều thế hệ đã gọi cụ bằng danh hiệu cực kỳ giản dị mà cao quý: người anh cả của quân đội, anh Văn. Người dân bình thường yêu quý kính phục cụ kể cả khi cụ là người lẫy lừng đỉnh cao lẫn khi cụ là vị tông đồ chịu nạn. Hình ảnh anh Văn, vị đại tướng, nhà cách mạng qua bao biến thiên thời đại, qua bao cuộc bãi bể nương dâu, ít bị suy suyển, trong xã hội lẫn lòng người.

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2020

Thành phố hoa phượng

Hẵng tạm gác sang một bên chuyện người ta đang thi nhau chặt cây phượng trong sân trường. Các cụ xưa bảo “con chim trúng đạn sợ làn cây cong”, một cây phượng đổ, thế là sợ, lôi tất cả đám phượng hồng ra chặt ráo củ tỉ. Đó cũng chỉ là một phần biểu hiện thứ tư duy xộc xệch ở xứ ta: không quản được thì cấm. Chỉ tội nghiệp cây phượng.

Nếu cần chép vào lịch sử thì có thể biên thế này: Năm Canh Tý, tháng Tân Tỵ, nhằm tháng 5 tây lịch 2020, mùa hè, chế độ cộng sản niên hiệu Nguyễn Phú Trọng năm thứ 5, cây phượng vốn do người Pháp đem sang An Nam trồng làm đẹp cảnh quan từ cuối thế kỷ 19, được tôn vinh thành biểu tượng mùa hè, kỷ niệm của tuổi học trò, sau hơn một thế kỷ vinh quang, đã bị “hoàn thành nhiệm vụ lịch sử” sau những nhát dao và đường cưa máy của nhà cai trị. Kể từ nay, sân trường chẳng còn sắc màu phượng đỏ, người ta sẽ trồng thay thế vào đó thứ cây gì, hoặc thậm chí có trồng hay không thì chưa biết.

Đã bảo gác, mà cũng tốn hơn 200 chữ, thế mới biết người đời dễ dao động không làm chủ được mình. Vậy chuyện thành phố hoa phượng ra ri?

Chả là, Hải Phòng, dân gian gọi tắt là Phòng, nơi được nhà thơ Nguyễn Dương Côn (người Thái Bình, quê của… Đường Nhuệ đang nổi tiếng) phác họa trong hai câu thơ dễ gây mất lòng: “Cái thành phố ăn nằm với biển/Đẻ ra những đứa con cần lao”. Suốt hàng mấy chục năm, hình ảnh của Phòng luôn là thành phố cần lao làm lụng vất vả cần cù. Bác Dương Côn kia nói chẳng sai tí nào. Nếu có ăn chơi, chỉ phổ biến kiểu áo bay mũ cối. Lẽ dĩ nhiên về sau cũng có những tai tiếng kiểu idol Phòng như Cu Nên, Dung Hà, Dương Tự Trọng, Đỗ Hữu Ca, nhưng cũng có những anh hùng như Đoàn Văn Vươn cống Rộc Tiên Lãng. Người Phòng lúc thế này khi thế khác, luôn xù xì đầu mấu sần sùi. Đẹp hay xấu còn tùy ở mắt nhìn.

Tút cuối về ngựa lùn

Sao lại cuối? Để thời gian đi rửa bát còn ý nghĩa hơn là quan tâm thứ ba vạ ấy.

- Ông đại tướng Tô Lâm trùm phú lít xứ này bảo rằng đội ngựa lùn đó sẽ được sử dụng vào các việc lớn như lễ tân nhà nước, nghi thức quốc gia, diễu binh diễu hành những dịp lễ trọng thể... Thôi, tôi can ông và các ông các bà. Thời nay là thời nào mà cứ muốn quay ngược về buổi hồng hoang cổ lỗ. Bệnh hình thức, hoang phí, vung tiền qua cửa sổ... nặng vừa vừa chứ, kẻo không đứa dân nào chịu được. Lưng thằng dân đã còng lắm rồi, cõng nặng lắm rồi, đừng vứt lên thêm rác rưởi gì nữa. Đó là chưa nói mấy con ngựa lùn ấy chỉ làm bẩn mắt chứ lễ tân trang trọng nghi thức nỗi gì.

Tôi đề nghị mấy ông bà cai trị xứ này tới một ngày nào đó hãy đi vào thực chất, đừng có bày vẽ rườm rà, hoa hòe hoa sói, màu mè sặc sỡ, cờ đèn kèn trống, băng rôn khẩu hiệu, nay lại thêm ngựa nghẽo, chỉ sướng mình, giải quyết được khâu sĩ khâu oai, nhưng làm khổ dân.

Cộng sản các ông mắc bệnh hình thức nặng nhất quả địa cầu này.

Thứ Tư, 10 tháng 6, 2020

Chuyện trồng cây (kỳ 2, cuối)

Nhớ láng máng hồi còn bé tí, nghe người nhớn nói cụ Hồ phát động Tết trồng cây. Khi ấy tôi chưa đi học, vài năm sau biết đọc báo thì rõ ra là vào cuối năm 1959, cụ kêu gọi mọi người bắt đầu từ Tết Canh Tý 1960 vừa đón xuân vừa trồng cây cho ích nước lợi nhà. Cụ bảo “Mùa xuân là tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Phải nói rằng, trong trăm nghìn điều mà cụ nói và làm, tôi ưa nhất việc này.

Trên báo Nhân Dân những số ra vào dịp tết luôn có tin tức và hình ảnh ông cụ đi nơi này nơi nọ, cùng ông thư ký Vũ Kỳ và vài người thân cận, xắn quần tới đầu gối, trồng những cái cây non bé xíu. Vẫn biết nhiều khi cụ đóng như thế để làm gương nhưng vẫn thấy quý mến. Những cái cây cụ Hồ trồng thường chỉ to bằng ngón tay cái, cao chừng 1 mét, so với cây các nhà lãnh đạo bây giờ trồng kỷ niệm có nhẽ chưa bằng cái cành nhỏ. Thực ra không cần cụ phát động, người dân vẫn trồng, thậm chí trồng quanh năm chứ chả đợi tới tết, chỉ có điều từ sau Tết Canh Tý mỗi dịp tết lại nô nức kéo nhau xẻng cuốc cây cối đào chỗ này bới chỗ nọ, băng cờ khẩu hiệu cũng vui vui.

Làng Trà Phương quê tôi (ở xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) hồi bắt đầu chiến tranh phá hoại lập ra hội phụ lão trồng cây hăng lắm. Chả là bộ đội tên lửa kéo quân về chiếm bãi tha ma Mả Đò để làm trận địa, mồ mả phải dời hết vào Mả Vối. Các chú đề nghị xã trồng giúp cây cối ngụy trang cho tên lửa, vậy là đội trồng cây các cụ ra đời. Nhà tôi cạnh đường thuận chỗ đi lại, nghỉ ngơi nên các cụ thường tụ họp. Tôi quanh quẩn ra vào, lúc đun siêu nước, lúc bê điếu bát cho các cụ dùng. Gọi là phụ lão nhưng các cụ chỉ ngoài 50. Phần lớn để râu trông oai phết. Đội trưởng là cụ Thạch xóm trong, các đội viên gồm thày tôi, cụ Thấn, cụ Mưu, cụ Thê, cụ Vình, cụ Khể, cụ Bài, cụ Bé, cụ Toán…, gần hai chục cụ. Hơn chục ụ tên lửa, các cụ trồng bạch đàn, phi lao, chuối kín đặc, xanh mướt, tên lửa được dắt phủ cành lá nằm giữa rừng cây thì bọn máy bay Mỹ chịu chết không tìm được. Ấy là tôi nghe các cụ bảo vậy, sau có nghe chú Cảnh thiếu úy sĩ quan điều khiển nói nhỏ bọn Mỹ nó có nhìn bằng mắt đâu mà che. Các cụ còn trồng cho xã một hàng dừa ven đường cặp bờ đầm chạy suốt từ ngã ba Ông Viên ra khu thành phủ cũ, hơn trăm cây dừa to cao lực lưỡng đẹp như thắng cảnh của làng. Tôi xa quê từ 1976, vài năm sau về thấy trống hơ trống hoác, chả hiểu vì sao người ta lại chặt bỏ, cứ tiếc ngẩn tiếc ngơ.

Thứ Ba, 9 tháng 6, 2020

Đối tượng của ngựa


Sáng 8.6, Bộ cảnh binh tổ chức diễu hành lực lượng kỵ cảnh với 60 con ngựa cho các vị đại biểu quốc hội coi, ngay trước tòa nhà viện dân biểu, còn gọi là nhà quốc hội, tức hội trường Ba Đình cũ. Dân chúng thấy sự lạ cũng kéo nhau đến đích mục sở thị.

Nhà chức việc phú lít cho biết lực lượng kỵ binh cơ động có nhiệm vụ trấn áp tội phạm.

Điều ấy thì ai cũng biết. Không trấn áp tội phạm thì chẳng nhẽ chỉ để diễu chơi làm cảnh. Bao nhiêu tiền của công sức vào cái trại ngựa này chứ có ít đâu.

Vấn đề là tội phạm nào?

Bọn mua bán ma túy chăng? Gớm, bọn ni chúng nó ngồi trong nhà chung cư cao cấp, di chuyển bằng xe tiền tỉ, buôn bán trong hệ thống ngầm, ngựa nghẽo mà làm gì được chúng. Không tin cứ hỏi "anh hùng" Văn Kính Dương và ngọc nữ Ngọc Miu. Cho qua.

Bọn côn đồ như đám áo cam chạy xe máy kéo nhau tới phá quán ốc hương ở quận Bình Tân hôm nọ chăng? Chúng chỉ hành sự buổi tối, ban đêm, làm ào nhát xong rồi rút mất, điện cũng không nhanh bằng. Khi ấy ngựa kỵ binh đang lờ đờ ngáp ngủ, lắp xong được bộ yên lên lưng nó thì bọn tội phạm đã về nhà khò khò từ tám hoánh rồi. Thôi, dẹp.

Chuyện trồng cây

Thật đau lòng. Ngày 26.5, buổi sáng, khi học trò Trường cấp 2 Bạch Đằng quận 3 Sài Gòn đang ngồi ngoài sân chơi bời ăn sáng thì cây phượng to đổ ập xuống, đè chết một cháu, gần 2 chục cháu khác bị thương.

Chiều hôm trước, trời mưa to, gốc cây đã lỏng. Khi cây vật đổ lộ ra cái gốc trụi lủi, không có lấy một mẩu rễ cái, còn đám rễ chùm cũng đã bị chặt tỉa hết để người ta xây bồn xung quanh cho đẹp. Thân cây cũng đã mục bên trong. Thì đâu còn rễ nuôi thân mà chả mục.

Tội nghiệp các cháu bé. Tai họa chả biết đâu mà tránh, nhưng nghĩ giận con người, những người nhớn. Chính họ gián tiếp góp phần cướp đi mạng sống và sức khỏe của các cháu.

Đã từ lâu, xưa lắm rồi, con người sống với cây xanh. Không có cây thì thánh thần cũng chết chứ nói chi người. Cây là lá phổi, bầu dưỡng khí, nguồn oxy, bóng mát, máy điều hòa nhiệt độ… cho người. Hồi tôi còn bé, không nhớ kỹ lớp 2 hay lớp 3, có học bài thơ về cây xanh, rằng “lá cây là lá phổi/cũng hít vào thở ra/cành cây thường vẫy gọi/như tay người chúng ta”. Anh trai tôi mới học lớp 5 nhưng đã thông thạo giảng giải rằng ban ngày cây nó phả ra oxy cho mình thở, đến tối khi mình đi ngủ thì nó mới nghỉ mệt, nó thải ra khí các bô níc (carbonic) vì vậy không nên ngủ dưới gốc cây ban đêm. Công nhận hồi xưa chưa có máy móc hiện đại, mạng miếc, 4 chấm không chấm khiếc gì, chỉ có sách và thầy cô giáo, nhưng trẻ con biết được nhiều điều rất cơ bản, là thứ kỹ năng sống mà bọn trẻ bây giờ rất nghèo nàn.

Thứ Ba, 2 tháng 6, 2020

Chuyện sinh đẻ có kế hoạch (kỳ 2)

Tới tận năm 1984 nhà nước của nước Việt Nam thống nhất mới chính thức lập ra Ủy ban quốc gia Dân số và sinh đẻ có kế hoạch (sau này đổi thành Ủy ban quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình), và vị chủ tịch đầu tiên bị nhét ghế vào đít, không phải ai khác, chính là đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vụ này gây xôn xao dư luận xã hội cả trong nước lẫn quốc tế nóng mấy năm liền. Đằng sau sự kiện có một không hai này là biết bao nhiêu góc khuất, cứ lâu lâu lại xì ra một tí, cho tới tận khi cụ Giáp mất năm 2013. Dân gian chưng hửng với quyết định của trung ương, họ bảo giống như trò đùa, trêu ngươi, mấy ổng coi cuộc đời chẳng khác chi sân khấu bi hài. Thời ấy, chả mấy ai không biết câu “Nhà thơ làm kinh tế. Thống chế đi đặt vòng”. Chút sẽ nói kỹ hơn xung quanh chuyện cụ đại tướng phải đi đặt vòng.

Vậy nhưng không phải tới năm 1984 mới thực hiện sinh đẻ có kế hoạch. Như phần 1 đã kể, từ cuối thập niên 1960 là miền Bắc bắt đầu đẻ theo chỉ đạo của nhà nước rồi, bắt chước Trung Quốc. Sau này đất nước thống nhất, tôi vào miền Nam làm việc và sinh sống, tò mò hỏi những người tại chỗ rất nhiều điều, trong đó có cả chuyện sinh đẻ kế hoạch. Mấy thầy cô giáo người Nam dạy cùng trường cười bảo chỉ có miền Bắc ưu việt của các thầy mới thế chứ chúng tôi trong này chả ai cấm, đẻ thoải mái, chỉ tới khi cách mạng về thì mới biết thế nào là đặt vòng. Rồi thầy Hòa còn kể cán bộ về tận các tổ dân phố tuyên truyền, giải thích làm sao phải đặt vòng, hướng dẫn cách đặt như thế nào, đặt vào đâu… Mấy cô giáo, cô Nhã cô Quỳnh cô Ngọc cười tóe lên, ôi giời, kinh bỏ bà, đặt mí chả đặt, có đặt vào mồm các ông ấy.

Cũng là dạng dốt hay nói chữ

Hôm trước tôi đọc trên rất nhiều tờ báo cái tít chình ình chữ to tướng ở trang nhất (báo in) hoặc phần tiêu điểm (báo mạng), họ rút nhời của cụ nhớn rằng “Lợi ích nhóm, tham nhũng là giặc nội xâm vô cùng nguy hiểm”. Có nhẽ đây chính là nhời cụ bởi nó được đặt trong ngoặc kép, vả lại có dử kẹo họ (báo chí) cũng chả dám bịa.

Tất nhiên, với những lập ngôn đao to búa lớn từ miệng cụ nhớn, người ta hoan hô rần rần. Còn tôi thấy chả có gì hoan hô, mà chỉ chê. Cái nào đáng khen thì khen, cái nào đáng chê thì chê, tính tôi vậy.

Thế thì chê cái gì? Chê cái thói dốt hay nói chữ, chê thói a dua a tòng.

Chữ ở đây là chữ “nội xâm”. Lâu nay thiên hạ có vẻ quen với chữ mới này, không biết do ông ba vạ lãnh đạo nào phát ra trước. Mồm kẻ sang có gang có thép, đám đông nghe vậy không cần biết đúng sai, cứ thế trầm trồ, kiểu như hay nhỉ, khí phách nhỉ, đúng nhỉ. Đúng đúng cái con khỉ.

Từ ghép ất ơ ấy (nội xâm) từng thành tố có gốc Hán Việt, nội và xâm. Ai cũng biết “nội” là bên trong, phía trong, đối lập với “ngoại” là bên ngoài. Nội trú (trú là ở) tức ở bên trong, còn ở bên ngoài là ngoại trú. Đứa nào đi học không về nhà với thày bu mà ở ngay ký túc xá của trường thì gọi là nội trú. Nội hôn là lấy nhau (hôn nhân) trong cùng dòng họ, nhà Trần ngày xưa áp dụng kiểu này để không cho người ngoài họ vào tranh quyền cai trị. Quan nội giám tức là những viên hoạn quan (bị thiến 2 quả lựu đạn để không thể gây… nổ) ở trong cung (nội) chuyên làm việc giám sát (giám) các bà cung phi xinh đẹp nhưng thèm tình ái, ngăn các bà không được tòm tem với ai khác ngoài vua. Nội trợ để chỉ người trong nhà chuyên đỡ đần (trợ) việc nhà…