Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 31 tháng 3, 2021

Miễn nhiệm

Hôm 30.3, mặc dù quốc hội, gồm các đại biểu quốc hội, đứng đầu là bà chủ tịch quốc hội (tên Ngân), vẫn đang trong nhiệm kỳ theo đúng luật định, chưa làm hết thời gian được phân công, thì cấp trên đã chỉ đạo bỏ phiếu miễn nhiệm chủ tịch. Tất cả vận hành như một cái máy vô tri vô giác do đảng điều khiển, không phân biệt được đúng sai.

Việc truất chức và đình chỉ công việc của bà Ngân được cả hệ thống chính trị, các ông to bà nhớn, quốc hội và báo chí gọi là “miễn nhiệm”. Ai chưa tin điều này, cứ tua lại tivi, đọc hết các báo quốc doanh thì rõ ngay.

Miễn là từ có gốc Hán Việt. Theo cụ Đào Duy Anh, trong Từ điển Hán Việt cụ giải nghĩa rất rõ: Miễn nghĩa là: Cởi đi, truất bỏ, tha cho khỏi. Miễn chức là truất chức, bãi chức. Miễn nhiệm là truất trách nhiệm, bãi cái công việc, nhiệm vụ đang làm, không cho làm nữa.

Trong tiếng Việt, miễn cũng để chỉ sự cấm khi không hài lòng ai đó, chẳng hạn: Không phận sự miễn vào; miễn hỏi. Đối tượng bị miễn thường là người có vấn đề hoặc có thể gây hại.

Ngân sách

Vẫn biết ở xứ ta lúc này đảng cầm quyền, đảng lãnh đạo mọi thứ mọi mặt, đảng tự nhận không có ai thay thế được đảng, "đảng là cuộc sống của tôi", v.v..

Nếu đảng làm tốt, đưa được đất nước và dân tộc đi lên, con người được sung sướng hạnh phúc, tôi cũng như nhiều người chấp nhận sự lãnh đạo ấy, chả tội gì mà phản đối.

Chỉ yêu cầu, trong một xã hội văn minh, minh bạch, Bộ Tài chính cũng như đảng, quốc hội hãy công khai số tiền từ ngân sách mà đảng tiêu xài hằng năm, để người dân đóng thuế biết rằng đồng tiền mình nộp thuế được sử dụng như thế nào.

Có những thứ không thể công khai, ví dụ ngân sách quốc phòng, nhưng ngân sách dùng vào việc "lãnh đạo", ra nghị quyết, viết văn bia thì cần phải rõ ràng. Từ xưa tới nay, khoản tiền chi vào hoạt động của tổ chức chính trị này chưa hề được minh bạch, chưa bao giờ.

Thứ Hai, 29 tháng 3, 2021

Cha bố tiên nhân thằng thống tướng

Chủ nhật là ngày cuối tuần, đáng nhẽ phải nghỉ ngơi, vui vẻ, xa lánh thế sự, vậy mà cũng không kìm được cáu giận.

Hôm qua 27.3, tay thống tướng Miến Điện Min Aung Hlaing (thống thống cái mả bà nhà nó chứ) đứng ra cam kết quân đội sẽ bảo vệ người dân, đấu tranh vì dân chủ và khẳng định sẽ tổ chức bầu cử công khai minh bạch. Mồm nó nói chưa dứt lời, tay nó vẫy ra lệnh cho binh lính bắn chết 91 người biểu tình ôn hòa (nhiều báo cho biết hơn trăm người chết), có cả đàn bà, trẻ con bé tí, sư sãi, bác sĩ, nữ sinh...

Đèo mẹ nó, thằng này không biết con cái nhà ai, anh em với đứa nào mà nói một đằng làm một nẻo, khát máu, sát nhân không gớm tay như vậy.

Nó ở Myanmar mà cứ như đang luẩn quẩn đâu đây, cha tiên sư bố nhà mày chứ. Mày mà rơi vào tay bà, bà không ăn thịt mày thì cũng kẹp đứt đôi cổ mày đầu mày thân mày, không để mày sống mà ăn nói bố lếu bố láo, say máu giết người.

Thằng này, chỉ có duy nhất cách đánh bỏ mẹ nó đi, chứ đừng rỗi hơi khuyên phải biết kiềm chế, tránh dùng bạo lực, ngồi lại với nhau... như cái cô gì đó "phát ngôn". Hay là tại "Việt - Ma hai nước chúng ta/Vừa là đồng chí, vừa là anh em" nên không vạch áo cho người xem lưng được. Hay là chơi với ma phải mặc áo giấy.

Nếu tra lý lịch sẽ thấy nước Myanmar của thằng thống tướng tởm này vốn có tên Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Liên bang Miến Điện. Ọe ọe... Hèn gì.

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2021

Xin thưa, “chữ” chứ không phải “từ”

Lâu nay thế sự nhiễu nhương, mải ngó ngàng ngắm nghía nên nhà cháu quên phứt chuyện nghề. Thôi thì “thế sự du du nại lão hà” (việc đời lớp lớp trôi, ta già rồi, làm sao đây).
 
Chuyện chữ nghĩa tiếng Việt, có nói có bàn cả tỉ năm cũng chửa xong, nhưng chẳng nhẽ cứ kệ những cái sai tràn lan khiến cho quốc ngữ ngày càng thê thảm.

Chả là tôi vừa đọc trên một tờ báo, thấy thông tin về cuộc thi viết, trong đó yêu cầu người tham gia viết bài chỉ dưới 1.500 từ. Mà không chỉ báo chí, rất nhiều lần đề thi môn văn, từ cấp trường tới cấp sở, cấp bộ, luôn lưu ý thí sinh hạn chế làm câu a câu b gì đó trong phạm vi vài trăm từ. Mới nghe qua, đọc lướt qua thấy chả có vấn đề gì, nhưng ngó kỹ thì sai thật là sai.

Trong ngôn ngữ, chẳng riêng gì tiếng Việt, “từ” chính là đơn vị ngôn ngữ đã hoàn chỉnh nhỏ nhất (lưu ý là “đã hoàn chỉnh” chứ không phải đơn vị ngôn ngữ bình thường, bởi nếu nhỏ nhất phải là âm, ví dụ a, b, c; sau đó là vần, ví dụ an, ac, ut). Từ được dùng để diễn tả một nội dung, để đặt câu. Có các từ loại khác nhau để chỉ những đối tượng khác nhau, ví dụ danh từ, đại từ, số từ, trạng từ, liên từ. Một từ có khi chỉ một âm tiết (thể hiện bằng chữ hoặc tiếng) nhưng cũng có khi hai hoặc ba âm tiết. Những từ một âm tiết được gọi là từ đơn, nhiều âm tiết thường là từ ghép. Quốc hội là từ có hai âm tiết, hợp tác xã là từ có ba âm tiết, v.v..

Thứ Năm, 25 tháng 3, 2021

Lời cuối về bác Thiệp

Bác Nguyễn Huy Thiệp rời cõi trần thế xong rồi, cầu cho bác ấy thanh thản yên lành nơi hộ khẩu vĩnh hằng. Chả hay ho gì cái cõi tạm này, mà bác Thiệp là người từng trải đủ kiếp nạn. "Mùi tục lụy lưỡi tê tân khổ/Đường thế đồ gót rỗ kỳ khu" (Nguyễn Gia Thiều).

Định không viết gì liên quan tới bác Thiệp nữa, để bác yên, nhưng nghe dư luận khen rát quá bài điếu văn của chủ tịch Thiều, vậy xin thêm một đôi lời.

Phải công nhận, chủ tịch Thiều viết cái điếu văn đó hay, đúng như dư luận khen ngợi. Viết như rút ruột, như đã cảm nhận rằng đây là cơ hội nghìn vàng để nói ra điều này điều khác, nếu không tận dụng sẽ khó có dịp, thậm chí không bao giờ nữa. Ông Thiều đã nói ra được những điều mà nhiều người muốn nói, vì vậy hay và nhận được sự đồng cảm.

Tôi là kẻ ngoại đạo văn chương, nhưng mê văn ông Thiệp, cực kỳ kính trọng ông, và cũng thực lòng khen bài điếu văn của ông Thiều. Với người chết, nghĩa tử là nghĩa tận, cái quan định luận, ông Thiều đã làm được điều tử tế, đúng mực, chứ không xu thời, phũ phàng vô lương như cái điếu văn của "ai đó" hồi tang lễ tướng Trần Độ.

Thứ Tư, 24 tháng 3, 2021

Ngược đời

Quốc hội, theo đúng nghĩa của từ này, là cơ quan dân cử, một tổ chức (hội) có quyền lực cao nhất của một nước (quốc), gồm các đại biểu ưu tú do dân cử ra. Nói nôm na, quốc hội do dân bầu, còn ở đâu đó nó có phải do dân bầu hay không, có quyền lực cao nhất không hay chỉ là bù nhìn, thì lại là chuyện khác.

Theo lẽ công minh, chính quốc hội với các vị dân biểu, dân cử sẽ họp và tiếp tục bầu ra những người lãnh đạo cao nhất của đất nước, cụ thể ở xứ ta là chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội; sẽ biểu quyết thông qua nhân sự phụ trách bộ máy hành pháp, tư pháp, tất cả người và bộ máy đó đều hoạt động trong nhiệm kỳ của quốc hội. Khóa nào có nhiệm vụ và trách nhiệm của khóa đó, không du di, chuyển đổi, không lôi thôi lằng nhằng, không khóa này lấn sang khóa kia theo kiểu chợ chiều, chợ vỡ, linh tinh.

Tại sao vậy? Tại vì chính các đại biểu quốc hội trong nhiệm kỳ 5 năm sẽ bằng lá phiếu, bằng sự biểu quyết, bằng sự gửi gắm niềm tin của dân, đại diện cho dân sẽ bầu chọn ra chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội. Nếu những vị đầu lĩnh được chọn ấy có sự làm ăn không ra gì, không chính ngôi, ngồi nhầm ghế, thậm chí vô tích sự, gây nhiều điều tiếng… thì chính đại biểu quốc hội trong nhiệm kỳ chứ không phải ai khác phải chịu trách nhiệm, không thể đổ lỗi cho ai, không trách ai được.

Thứ Ba, 23 tháng 3, 2021

Thiên lôi và đồ lót

Những hành vi tàn bạo độc ác của kẻ bạo quyền và những bi kịch đẫm máu của dân chúng Miến Điện (Myanmar) đang gây những phản ứng trái chiều. Bọn đương quyền cai trị thế giới, khu vực và quốc gia, nói toẹt ra là Liên Hợp Quốc, ASEAN, nhiều nước, thì ngậm tăm, bàng quan, dửng dưng vô nhân đạo, vụ lợi, hèn nhát, hoặc mồm đất sét giả dối leo lẻo khuyên các bên kiềm chế, không dùng vũ lực, ngồi lại với nhau (trong khi máu cứ đổ, người cứ chết). Những người tử tế, đàng hoàng thì đau đớn, thương xót, phẫn nộ từng giờ từng phút trước những đau thương tột cùng của dân lành, của một dân tộc.

Theo dõi tình hình Myanmar, không ít người tỏ lời khen ngợi dân nước này đấu tranh kiên nhẫn, ôn hòa, sáng tạo. Chả hạn nhiều người khen phụ nữ Myanmar biết cách đem đồ lót ra đường, chăng đồ lót thành hàng rào, thành biên giới, vạch "bất khả xâm phạm" để ngăn cảnh sát, quân đội, ngăn lũ hung tợn sát nhân. Chả là ở Myanmar có tập tục kiêng không đi qua, đi dưới đồ lót phụ nữ. Ít nhiều cách làm nói trên đã ngăn được bước chân của bọn giết người.

Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

Bên trọng bên khinh

Trọng nghĩa là nặng, khinh là nhẹ. Coi một bên nặng, một bên nhẹ, nặng bên này, nhẹ bên kia, dù cả hai như nhau, thì gọi là "nhất bên trọng, nhất bên khinh". Chữ trọng có nghĩa đó chứ không phải là coi trọng, dù ý sâu xa cũng có phần coi trọng.

Nói gì thì nói, bác nhà văn Nguyễn Huy Thiệp rất xứng đáng với sự ca ngợi và tiếc thương của những người đã đọc văn ông và chứng kiến cuộc sống tử tế của ông.

Làm văn chương thành danh, phải như Nguyễn Huy Thiệp.

Nhưng đừng quên rằng, tạo được danh tiếng chẳng kém gì bác Thiệp là nữ nhà văn Dương Thu Hương. Chỉ có điều, nếu mai ngày bà Hương khuất núi, báo chí xứ này sẽ im hơi lặng tiếng. Tuy nhiên, độ vĩ đại của ai đó không nhất thiết phải dựa vào báo chí, nhất là báo chí mậu dịch.

Sau này, khi trời đất đổi thay, những con người như Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Nguyên Ngọc, Bùi Ngọc Tấn... sẽ được đặt vào vị trí xứng đáng đúng tầm cỡ của họ.

Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 21 tháng 3, 2021

Giải thưởng

Nhân chuyện Bộ Văn thể du đang lấy ý kiến công chúng về việc xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng nhà nước đợt sắp tới, chợt lăn tăn nghĩ ngợi.

Ai chả biết, đây là thứ giải thưởng của chế độ, của nhà cầm quyền, chứ không phải của quốc gia. Mọi triều đình hết hưng rồi phế, không có gì là muôn năm mãi mãi. Giải thưởng cũng vậy, khi nó đã sinh ra từ đường lối chính trị, từ học thuyết cai trị thì nó có tuổi thọ cùng bà đỡ của nó. Thứ giải thưởng ấy, chế độ còn thì nó còn, chế độ tiêu vong nó cũng tự mất.

Bây giờ ở nước Nga hoặc các nước thuộc Liên Xô trước kia, chẳng ai nhắc tới giải thưởng Lenin, giải thưởng Stalin, thậm chí còn phải giấu đi bởi nhỡ trưng ra lại rước vạ “không phải đầu cũng phải tai”. Ông bạn Trần Quốc Quân của tôi, một tay lang bạt kỳ hồ, từng du học sinh, rồi nghiên cứu sinh, vào năm Liên Xô tan rã thì bị “mất phương hướng” đã ở lại quê hương cách mạng tháng 10, sau đó theo dòng tha hương lưu lạc sang Ba Lan, trụ được ở xứ “mùa tuyết tan” đến nay, kể lại chuyện hậu xô viết thực cay đắng. Chả là sau khi liên bang xô viết tan như bong bóng xà phòng, thì tất cả đảo lộn, nhất là đời sống tinh thần. Y (Quân) có máu kinh doanh, lại từ Ba Lan sang Nga, mua được cả mớ huân huy chương, danh hiệu, giải thưởng, những mề đay một thời quý giá tột đỉnh, vô giá, giờ chỉ còn giá trị ngang mấy chục ổ bánh mì. Có cả danh hiệu anh hùng Liên Xô, huân chương Lenin, bày trong đống láo nháo lạc xoong đồng nát trên vỉa hè. Chủ nhân biết chúng đã hết thời, cho tham gia kinh tế thị trường, chí ít cũng đổi về vài ký thịt, mấy lít sữa để mà sống. Không thể ngồi đó gặm huân chương, gặm giải thưởng, nhấm nháp quá khứ xô viết mà qua cơn bể dâu được. Lenin, Stalin còn chả tự cứu được mình, huống hồ mấy thứ danh nhất thời mang tên họ.

Án điểm

Cụ tổng chủ và ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương lâu lâu lại họp nhắc lôi vài vụ án điểm dậm chân tại chỗ ra để hâm cho nóng, cho dân đỡ sốt ruột. Cả đời tôi sống trong cái chăn của các vị, còn lạ gì trò này.

Những án ấy, trong nội bộ với nhau, ta đánh ta, thôi thì các vị ngâm hay hâm, chả mấy ai thấy, chừng nào rảnh thì làm cũng OK.

Nhưng, cụ và các ông các bà hãy mở to mắt và làm ngay cái án "điểm của điểm" này, chứ dân thì ngứa mắt bực tức lắm rồi: Túm ngay tất cả những đứa nhớn đứa bé dính dáng tới con rắn xi moong đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vào tù, rồi lôi ngay ra vành móng ngựa cho dân coi mặt.

Ai đời, một vết hắc lào nhục nhã như thế trên khuôn mặt thủ đô thanh lịch, cũng là vết lở loét trên cơ thể đất nước, kéo dài hơn chục năm bốc mùi tanh tưởi mà cứ để được, cứ bao che cho nhau.

Tính đến hôm nay, cái hạn định lần thứ n mà các vị đặt ra còn 10 ngày nữa, để rồi dân chống mắt xem các vị có dám ngồi lên con rắn đó đi làm mẫu (giống như từng biểu diễn đi xe buýt) cho bà con thưởng lãm không.

Nếu không, thì sập cả đường lẫn bộ máy người xuống hết đi, dân đỡ phải dụi mắt.

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 18 tháng 3, 2021

Đường sắt cho ĐBSCL

Thời Pháp cai trị, người Pháp đã có công mở đường sắt xuyên Việt. Dù người cộng sản bảo rằng nó (Pháp) chả tốt đẹp gì, chỉ cốt để vận chuyển tài nguyên khai thác thuộc địa và vũ khí đàn áp phong trào cách mạng) nhưng rõ ràng lợi ích xã hội dân sinh cực kỳ to lớn. Đường sắt ấy đã kéo dài đến Đà Lạt (cao nguyên), vào tận Mỹ Tho (Nam Bộ) và còn có thể dài hơn nữa nếu...

Sau năm 1955, bởi lý do chiến tranh và sự cạnh tranh của xe đò, chính quyền Sài Gòn đã dẹp, ngưng sử dụng 2 tuyến đường sắt đó, thật đáng tiếc. Tuy nhiên, họ vẫn có ý thức để lại đường ray chứ không bóc đi. Năm 1977, tôi vẫn đi dọc đường ray chạy từ ga Sài Gòn tới ngang chợ An Đông quận 5 (chỗ tôi ở), thầm nghĩ nếu chính quyền mới mà tái sử dụng tuyến hỏa xa này thì thật tuyệt vời.

Cả một vùng Nam Bộ mênh mông trù phú, đòn bẩy kinh tế như thế mà không mở đường sắt nối đến để phục vụ giao thương, đi lại, thuận tiện cho đời sống hằng ngày, quả thật tôi không hiểu nổi chính quyền này suốt mấy chục năm họ làm cái gì. Bạn cứ tưởng tượng nếu có tuyến đường sắt nối đến thủ phủ ĐBSCL là Cần Thơ (đi qua TP.Tân An - Long An, TP.Mỹ Tho - Tiền Giang, TP.Vĩnh Long - tỉnh Vĩnh Long), từ đó dùng ô tô, tàu thủy, ghe xuồng đi tiếp tới những tỉnh khác thì giá cả chi phí vận chuyển, đi lại sẽ rẻ biết bao nhiêu, thuận tiện biết bao nhiêu, nhanh hơn hẳn ô tô, tiết kiệm rất nhiều thời gian, dân sẽ vui sướng như thế nào.

Thứ Tư, 17 tháng 3, 2021

Dân

Những người chen chúc nhau đi chùa Hương, chùa Tam Chúc và các kiểu chùa trong lúc dịch bệnh nguy hiểm cũng chính là những người sẽ đi bầu cử quốc hội nay mai.

Cứ nhắm mắt mà đi mà làm, theo sự u mê thôi, chứ không cần phải suy nghĩ gì cả.

Chẳng hạn họ không cần biết những ngôi vị lãnh đạo đất nước, nhân dân (trong đó có chính họ) như chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội phải do quốc hội bầu ra. Quốc hội chưa bầu nhưng bây giờ các vị tai to mặt lớn ấy đã được đóng đinh bắt vít vào ghế, ông nào làm gì chức gì đều đã xong, trong khi chưa có quốc hội mới, lá phiếu đi bầu cử cho dân vẫn còn chưa in. Dân phần đông cứ nhắm mắt bịt tai không cần biết cái gọi là dân chủ ở xứ này chỉ là vậy.

Nhà cai trị cũng chỉ cần loại dân chúng như thế. Sản phẩm của sự ngu dân, mê muội, lừa bịp và súng đạn. Và ít nhiều đám cai trị đã thành công.

Nguyễn Thông

Thứ Ba, 16 tháng 3, 2021

... vừa run

Báo chí, muốn có thêm người đọc cần sự công phu về nhiều mặt, phải nói hẳn là rất khó, nhưng để bị mất người đọc, chịu sự tẩy chay thì cực dễ.

Chẳng hạn, ngày 14.3 là tròn 33 năm ngày quân xâm lược Tàu cộng (tục gọi là Trung Quốc) ngang nhiên chiếm phi pháp các đảo trong quần đảo Trường Sa của nước ta, giết chết dã man 64 binh lính hải quân Việt Nam trên đảo Gạc Ma. Những tờ báo, tivi, đài phát thanh mậu dịch im hơi lặng tiếng không dám ho he hó hé đã đi một nhẽ, dân chả quan tâm bởi chúng đã chết trong lòng dân từ lâu rồi, nhưng ngay cả những tờ báo (in và điện tử) rụt rè, ngó trước ngó sau, nửa nạc nửa mỡ, thì dù có viết 10 vạn chữ mà không một lần dám nhắc, chỉ đích danh "quân xâm lược Trung Quốc" cũng chả ai thèm đọc, thậm chí còn khinh. Và tất nhiên là nó bị tẩy chay, sẽ mất điểm trong lòng người đọc.

Tôi có kinh nghiệm, cứ lướt nhanh qua, không thấy chữ "Trung Quốc" nào trong bài là chuyển ngay, ngắt cái phụp. Không ai rỗi hơi quan tâm tới thứ đồ hèn.
 
Hèn cũng phải có mức độ, đừng có hèn quá thể như thế. Nói ra thì hơi thô, nhưng như các cụ xưa bảo, hay ho gì cái kiểu "vừa đéo vừa run". Thà không viết gì có khi lại còn được thông cảm hơn.

Nguyễn Thông

Thứ Hai, 15 tháng 3, 2021

Có một chữ G

Ông thủ tướng Phúc hay nói chữ, thôi thì cũng được đi, nhất là đang có trào lưu sính chữ trong giới cầm quyền. Nói theo cách của bọn trẻ bây giờ là "đu trend".

Hôm 13.3 ổng về miền Tây Nam Bộ, khu vực ĐBSCL, khuyên nơi đây phải chú trọng đổ tiền (lâu nay bà con ta cứ quen nói "đầu tư" mà ít ai hiểu đầu tư nghĩ là gì. Đầu là bỏ vào, ném vào, tư là tiền bạc, của cải vật chất; đầu tư là đổ tiền vào việc gì đó) vào 8G của vùng này.

Cũng là cách chơi chữ, nhưng ông Phúc đã không thấu đáo. Ông nói tới những G giao thông, giáo dục... cứ cho là phù hợp đi (chứ thực ra nơi đâu mà chẳng cần mấy G ấy), nhưng G giang (sông rạch) thì quá gượng ép, còn G già (dân số già) thì quá vớ vẩn. Không biết cái đứa thư ký, trợ lý đầu đất nào lại mách cho ổng thứ tào lao như thế. Nếu tự ổng nghĩ ra thì cần phải coi lại cái đầu.

Nhưng có một G mà ông Phúc đã không nhắc tới, đã sai lầm nghiêm trọng, bởi nó là giá trị quyết định của ĐBSCL. Tôi nói một cách nghiêm túc chứ không phải như lão bạn tôi đùa rằng thiếu 1 G là gái. Mấy chục năm nay, ĐBSCL bị bỏ rơi, một vùng đất giàu có trù phú trở nên hoang tàn, dân chúng tha hương, những cô gái nông dân tỏa đi khắp nước, ra cả nước ngoài để "mưu sinh". Đành là thực tế có G ấy, tuy nhiên chưa phải lúc bàn tới, mà thứ G cần nhắc ngay, bổ khuyết ngay, là Gạo.

Chủ Nhật, 14 tháng 3, 2021

Dư luận viên

Con người ta chả ai giống ai, kể từ cái tóc cái tai tới suy nghĩ tình cảm. Ông bà nào tuyên truyền rằng phải đoàn kết gắn bó, đồng tâm nhất trí, kết thành khối thống nhất, v.v.. là xạo tít mù, nói chuyện trên giời.
Trong nhà với nhau, chỉ vợ với chồng, mẹ với con, anh với em..., chỉ mấy mống chung một gốc mà còn cãi nhau như mổ bò.
 
Các cụ xưa bảo "kiến giả nhất phận", phận ai người ấy lo, nên mỗi người một nghề, một lựa chọn, một cách sống, một kiểu mưu sinh. Chả hạn, tôi chọn cách sống thẳng, cứ có gì trái tai gai mắt là nói toẹt ra, chẳng sợ bố con thằng nào ở làng Vũ Đại, nhưng cũng có người chọn cách chuyên rình mắng tôi, chỉ đợi tôi hở ra điều gì trái với họ là xúm vào mắng mỏ. Nặng thì rủa xả, vô học, nhẹ thì lý luận vòng vo nhằm giác ngộ kẻ cứng đầu.

Người như thế, tôi kệ. Mình có việc của mình, họ có việc của họ, chỉ họa hoằn lắm mới biên vài chữ trao đổi.

Hôm rồi, có một dư luận viên vào nhà FB tôi.

Thứ Bảy, 13 tháng 3, 2021

Thành ngữ mới: Đời đời bền vững

Không phải tự dưng tôi nhắc lại thành ngữ này. Nó là thứ sản phẩm lịch sử, con đẻ của những người cộng sản, không chỉ ở xứ ta. Khi đã tự tin cho rằng mình là đỉnh cao thì mọi điều do mình thực hiện đều trường tồn, mãi mãi. Đó là thứ tư duy đặc sệt duy tâm trong bộ óc duy vật ấu trĩ của kẻ vô thần.

Hôm trước, tình cờ tôi nghe lại được cụm từ “đời đời bền vững” từ mồm một vị sừng sỏ. Chả là mở tivi rà kênh, thấy kênh Nhân Dân đang có ông hùng hồn dạy bảo. Ngó kỹ thấy đề PGS-TS (phó giáo sư-tiến sĩ), nhà báo Đức Dũng. Ai chứ vị này thì lên tivi thường xuyên, chuyên gia “Nhận diện sự thật”. Bạn xem đài nào ngây thơ khờ khạo, nếu nghe ổng nói sẽ tin sái cổ nhà truyền đạo cộng sản này. Phó giáo sư chứ đùa. Đâu phải dạng đồng chí Quang lùn.
 
Tôi nghe từ mồm chuyên gia nhận diện sự thật những lời có cánh về thắng lợi của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới, về sự nghiệp cách mạng vĩ đại và vẻ vang của giai cấp vô sản sẽ hoàn toàn thành công và đời đời bền vững. Ổng nói rất say sưa, thể hiện niềm tin rất chân thành (hoặc giả vờ chân thành một cách khéo léo). Công nhận mấy anh bắc quá nhiều lý luận, lý sự. Chỉ có điều, họ “nhận diện sự thật” nhưng chẳng tòi ra tí sự thật nào, hoặc chỉ một nửa sự thật. Họ thừa hiểu, dại gì vạch áo cho người xem lưng.

Thứ Hai, 8 tháng 3, 2021

Ngày của hình thức

Nếu chị em có mắng, tôi đành chịu và xin lỗi bởi đã hàm hồ.

Hôm nay là ngày 8 tháng 3. Đã từ lâu ở xứ này, nhà cai trị cũng như bộ máy của nó luôn tuyên truyền đó là ngày lễ, lễ của phụ nữ quốc tế, của toàn thế giới. Thời còn tồn tại phe xã hội chủ nghĩa - phe cộng sản, người sống ở những nước trong phe mặc nhiên coi phe mình là thế giới, phe mình có thứ gì thì cả thế giới phải có thứ đó. Sau này, khi cộng sản bị đẩy lùi, bị cô lập, phe phái tan rã thoi thóp, người dân chợt hiểu rằng té ra không phải vậy.

Cộng sản là chúa hình thức, giỏi vẽ vời. Không thể chế nào lắm lễ lạt, ngày kỷ niệm như chế độ xã hội chủ nghĩa. Đủ các kiểu, để cuốn dân chúng vào những cơn say giả tạo mà quên đi thực tại. Tôi còn nghe nói bên Triều Tiên, chính quyền bắt buộc dân chúng phải tham gia những buổi lễ, ai trốn sẽ bị phạt, giống kiểu “tinh thần thể dục” xứ An Nam ta thuở đầu thế kỷ 20. Rồi họ còn buộc dân chúng ngoài giờ lao động phải sinh hoạt ca hát nhảy múa, vừa để tô vẽ bộ mặt xã hội có vẻ đẹp đẽ, vừa không cho dân thì giờ rảnh rỗi mà nghĩ ngợi, điều có thể dẫn đến sự chống đối.

Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2021

Thành ngữ mới “Mặt nghệt như mất sổ gạo” (kỳ 4)

Có người thắc mắc “sao lại nghệt?”, “nghệt nghĩa là gì?”… Vâng, từ ấy đã lâu lắm chẳng mấy ai dùng, thậm chí nó bị đì đến nỗi ngay trong một số từ điển tiếng Việt bản in giấy hoặc bản điện tử cũng không có mục từ. Nhà tôi có mấy cuốn từ điển tiếng Việt, tra cuốn rất uy tín của Viện Ngôn ngữ học, do GS Hoàng Phê (một đại thụ về ngôn ngữ) chủ biên, cũng không có. Cuốn “Việt Nam tân tự điển” của Thanh Nghị do nhà sách Khai Trí tái bản năm 1967 cũng không có “nghệt”. Trong Từ điển Hán Việt, phần tra nôm thì có nghệt, trong “Tratu” của từ điển điện tử, phần từ thuần Việt cũng có nghệt. Nói tóm lại, đó là thiếu sót của Viện Ngôn ngữ, nơi tụ hội tinh dững cây đa cây đề, giáo sư tiến sĩ chuyên về tiếng mẹ đẻ. Tôi dám nói “thiếu sót” bởi từ khi còn bé tí, chưa đi học, chưa biết chữ, tôi đã nghe những người xung quanh dùng từ “nghệt” này.
 
Lại nhớ, năm ấy khoảng 1964 chi đó, máy bay Mỹ chưa ném bom ra miền Bắc, có đoàn chèo về làng tôi tuyển diễn viên. Làng Trà quê tôi không phải đất chèo, nhưng có tiềm năng thế mạnh là nhiều con gái đẹp. “Cổ Trai đế vương, Trà Phương công chúa”, các cụ đã lưu truyền khẳng định vậy rồi. Mà công nhận các cụ nói chả sai tẹo nào. Cả làng tới 99% gia đình nông dân, phần lớn nghèo, làm ruộng vất vả, ăn uống kham khổ, đời sống thiếu thốn, nhưng đàn bà con gái rất đẹp. Các chú bộ đội rất thích được về đóng quân ở làng Trà, từ hồi bộ đội công binh đào hầm xuyên núi Trà theo gợi ý của chuyên gia Trung Quốc (giờ phải lấp bởi không dùng vào việc gì), rồi các tiểu đoàn 81, 82 tên lửa, rồi lữ đoàn đặc công nước 126, các chú mỗi lần về quơ mất bao nhiêu là gái làng, toàn cô xinh.

Thứ Năm, 4 tháng 3, 2021

Myanmar

Đất nước này, trước kia xứ ta quen gọi là Miến Điện, đang trải qua cơn bão.

Bất luận việc đánh giá bà San Suu Kyi là người thế nào (thay đổi theo thời thế, mỗi lúc mỗi khác) nhưng người dân Miến Điện đang đổ máu bảo vệ nền dân chủ non trẻ của mình, chứ không phải vì cá nhân San Suu Kyi.

Bi kịch nhất của người dân Miến Điện là họ còng lưng làm lụng để có tiền nộp thuế nuôi đám quân đội và cảnh sát, nhưng khi họ đứng lên bảo vệ nền dân chủ (cần như khí trời) thì bị chính những kẻ mà họ còng lưng nuôi nổ súng vào mình.

Miến Điện (cứ cho là) không có dân oan, không có thế lực thù địch, chỉ có người dân đòi quyền sống bị đàn áp man rợ.

Miến Điện là thành viên của ASEAN gồm 10 nước, hầu hết lấy lý do chuyện nội bộ, không can thiệp vào công việc của nhau, chỉ mạnh mồm kêu gọi "hai bên hết sức kiềm chế" ngồi lại cùng thương lượng, trong khi máu dân vẫn đổ hằng ngày. Máu dân lành là thứ rẻ nhất đối với bọn cầm quyền vô nhân. Cái thứ tổ chức lỏng lẻo, rời rạc, bằng mặt nhưng không bằng lòng, lợi dụng nhau này đã bỏ mặc "bạn" Myanmar lúc khó khăn, tuy mồm và khẩu hiệu lúc nào cũng ra rả về sự đoàn kết gắn bó tương trợ.

Myanmar bi kịch và cô độc. Myanmar đang cần dân chủ. Tuy nhiên không có thứ gì từ trên trời rơi xuống cả.

(Ghi chú: Đọc và tự hiểu, không liên hệ mở rộng gì thêm)

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 3 tháng 3, 2021

Anh Mạnh tử tế

Hôm 28.2 ở Hà Nội xảy ra chuyện "có một không hai": Cháu bé gái 3 tuổi leo qua lan can ban công căn hộ tít trên tầng 13 rơi xuống. Nghe tiếng kêu cứu, một anh lái xe đang ngồi gần đó phản ứng tức thì, trèo lên được mái tôn, góp phần quan trọng cứu được cháu khi cháu rơi xuống. Anh tên là Nguyễn Ngọc Mạnh, 31 tuổi. Đúng là chuyện hiếm có.

Tôi có đứa cháu, khi vợ chồng nó mua căn hộ chung cư tuốt trên tầng cao, tôi tới chơi và bảo chúng bay nhớ nâng cái hàng rào (lan can) ban công lên, nhà có hai đứa trẻ hiếu động, không thể coi thường được. Nhà đẹp thì đẹp thật nhưng hàng rào kia làm giảm giá trị căn hộ.

Chả nên trách người lớn sao trông trẻ mà lại để nó trèo lên chui ra ngoài rơi xuống, bởi không phải lúc nào cũng rảnh để mắt tới nó, mà trách ở chỗ sao không nhìn thấy những tai họa có thể xảy ra để ngăn chặn trước.

Và đáng trách nhất là các nhà đầu tư xây dựng. Lan can thấp tới mức trẻ 3 tuổi có thể trèo lên tuột ra ngoài thì quả thật không hiểu nổi. Cao tới ngang cổ người lớn còn chửa ăn ai, huống hồ thấp tẹt thế. Các kỹ sư thiết kế và chủ đầu tư tinh những người giỏi, nhưng họ hơi thiếu sự lo lắng cho con người.