Tôi không nói gì về ông Cảnh, bậc tiền bối của đảng cầm quyền; cũng không nói gì về ông Phúc. Tôi chỉ nói về cái dốt của Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, một thành viên trong bộ máy hành pháp xứ này do ông Phúc đứng đầu.
Nhà tưởng niệm nói trên được xây hoàn toàn mới, kể từ cái nền đất cho tới viên gạch viên ngói. Tính tới hôm nay, ngày ông Phúc cắt băng khánh thành, nó mới được 1 ngày tuổi. Có thể nó sẽ tồn tại qua năm tháng thời gian, chục năm, trăm năm hay nghìn năm, chưa biết được. Nhưng rất buồn cười là đám láo nháo ở Bộ Văn hóa vội vã cấp cho nó cái bằng “Di tích lịch sử cấp quốc gia”, trao ngay trong ngày nó mới 1 tuổi.
Có lẽ tôi phải phân tích cho những vị ấy hiểu. “Di tích” là từ Hán Việt. “Di” là để lại. Những thứ mà người xưa, cha ông để lại gọi là di. Tức là phải trải qua thời gian lâu dài, thường là vài chục năm, trăm năm, thậm chí nghìn năm. Di sản là tài sản (sản) để lại. Di huấn là lời dạy (huấn) của ai đó để lại cho con cháu. Di chúc là chúc thư, lời dặn dò (chúc) của người sắp qua đời hoặc đã qua đời để lại. “Tích” có nghĩa là dấu vết, thứ gì đó còn tồn tại. Biệt tích là mất (biệt) dấu vết. Tung tích là dấu chân (tung). Người ta đi thường để lại dấu chân, muốn truy tìm thì căn cứ vào dấu chân coi xem đã đi những đâu. Cổ tích là dấu vết từ xưa (cổ) còn lại. Chứng tích là dấu vết làm chứng (chứng) về điều gì đó…
Như vậy, di tích phải là những dấu vết, những thứ đã trải qua thời gian, do các thế hệ trước, cha ông, tổ tiên, quá khứ để lại. Nó là một phần của quá khứ, của lịch sử đã trôi qua. Hình ảnh của di tích thường gắn với màu thời gian, rêu xanh, cũ kỹ, phong sương, cổ kính; nếu mới thì ít nhất nó cũng phải được phục dựng lại dựa trên cái cũ.
Một công trình hoàn toàn mới, chưa có lấy một tuần tuổi, thế mà mấy ông bà ở Bộ Văn hóa, cái cơ quan được coi là hiểu biết về văn hóa nhất, tinh những giáo sư tiến sĩ, lại làm một việc rất ngớ ngẩn, vô học, hoàn toàn không hiểu gì về di sản.
Đau nhất là họ có quyền, nên họ bắt thiên hạ phải ngu theo.
Nguyễn Thông