Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

Chuyện năm 1972 (kỳ cuối)

Trong 2 kỳ trước, tôi đã kể những điều xảy ra từ đầu năm tới giữa năm, khi máy bay Mỹ ném bom trở lại miền Bắc vào giữa tháng 4, mà những nhà chép sử gọi là cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2. Vậy là câu sấm “Đầu năm mưa đá, giữa năm bắn phá, cuối năm hòa bình” đã ứng nghiệm 2 phần. Ai nấy đều nôn nóng chờ đợi hết năm để xem phần 3 sấm trạng có đúng không. Khát khao hòa bình rõ rệt hơn bao giờ hết, nhất là khi con người ta đã quá mệt mỏi với cuộc chiến tranh kéo dài, lại đang chịu cảnh hằng ngày nhìn thấy lũ lượt máy bay Mỹ đem bom tới quẳng khắp nơi, nhà đổ, người chết, làng xóm xơ xác tiêu điều. Tôi còn nhớ thời ấy có đọc được bài thơ của ai đó, trong ấy có câu “Thà ăn muối suốt đời/Còn hơn là có giặc”.

Thầy giáo chủ nhiệm lớp 10 và nhiều bạn tôi đã ra trận. Đám chúng tôi nhờ lý do, tiêu chuẩn này khác chửa phải đi nên cố gắng học hành, cũng để khỏi phụ lòng người đang lăn mình vào chỗ sinh tử. May mắn tháng 6 năm ấy tôi thi tốt nghiệp phổ thông (hết lớp 10) cũng đỗ. Tôi nói may bởi sau này vẫn tự thú với bạn bè rằng mình chưa bao giờ làm được hoàn chỉnh bài toán đại số quỹ tích hoặc bài toán hình về hình học không gian. Cả tính hóa trị môn hóa nữa, cũng dốt đặc cán mai táu. À, nói thêm cái thành ngữ “dốt đặc cán mai táu”, cái mai để đào đất, lưỡi bằng sắt, cán bằng gỗ. Để cho chắc chẳn, khỏi bị gãy khi phải đào phải bẩy những hòn đất lớn, người ta chọn thứ gỗ thật chắc làm cán, chứ gỗ bạch đàn, gỗ xoan hoặc tre không ăn thua. Trong tứ thiết họ nhà mộc có “đinh, lim, sến, táu”, được cái cán gỗ táu thì chắc phải biết. Nó đặc như sắt, cứng như sắt. Đứa nào học dốt quá, thày bu nó hoặc thày cô giáo, bạn bè cười chê là “dốt đặc cán mai táu”, không nhét chữ vào đầu được. Loại ấy chỉ cho đi cày, theo đít con trâu.

Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

Đừng để mất bò mới lo…

... Làm chuồng. Tức là giật mình hoắng lên, lo sợ, cuống quýt tìm nguyên nhân, tìm cách giải quyết, quy kết trách nhiệm. Nhưng tất cả đều là sự đã rồi. Nếu sự việc xảy ra chỉ để lại hậu quả nhẹ, không ghê gớm lắm thì còn có thể rút kinh nghiệm, nhưng nó mà nặng nề, tổn hại không thể tính đếm thì chỉ còn nhờ tới pháp luật.

Ấy là tôi muốn nhắc tới vụ việc cười không nổi xảy ra đêm 25.12 ở Hà Nội. Chả hiểu làm sao, giữa muôn trùng lực lượng bảo vệ, hàng rào ngăn cách nọ kia, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, vậy mà đoàn tàu đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông hiện đại nhập từ Trung Quốc về, được gìn giữ bảo vệ cẩn thận “như con ngươi của mắt mình” lại bị tấn công một cách rất hài. Không biết “quân địch” có bao nhiêu người, nhưng dứt khoát không thể một hai “lính”, đem theo “vũ khí” là sơn màu, đồ phun xịt, cọ quẹt đã khoác cho đoàn tàu mới nhập còn din chưa bóc tem ấy một bộ áo lòe loẹt, loang lổ, sặc sỡ chẳng giống thứ gì. Có người đùa những “bức tranh” được lắm, còn buột mồm khen các họa sĩ graffiti vẽ đẹp, ấn tượng, khéo tay. Chẳng qua họ nhìn dưới góc độ hội họa thôi, chứ xét dưới góc độ xã hội - pháp luật thì quả thật có vấn đề.

Một câu hỏi "vấn nạn"

Ông thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội hôm 25.12 cho biết chính quyền xứ ta hiện có 10.000 người (cán bộ chiến sĩ) lập trường cách mạng vững vàng, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, làm nhiệm vụ đấu tranh trên mạng, phản bác, đè bẹp các thế lực thù địch lợi dụng internet. Đội quân hơn 1 sư đoàn này được ông Nghĩa gọi là "lực lượng 47". Còn dân gian gọi nôm na là dư luận viên.

Lại nhớ hồi ông Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng từng khoe đang nắm cả đội ngũ dư luận viên hùng hậu, sẵn sàng bóp chết các thế lực thù địch. Tất cả những ai nói trái, nghĩ trái với các ông ấy đều là thế lực thù địch. Đầu óc mấy ông tuyên giáo lúc nào cũng nuôi tư tưởng chiến tranh, bạo lực.

Nuôi cả 10.000 người (và chắc chắn hơn thế nữa), chỉ mỗi ông bà ấy nhổ một bãi nước bọt thì mạng cũng đủ ô nhiễm nặng, còn ai dám vào đó làm gì. Tiền chi cho đội quân này chắc cũng hơi nhiều, đồng chí Quang nùn nhỉ.

Tôi thách 10.000 đồng chí trả lời được chính xác cho tôi 2 câu hỏi này (thực ra là một): Tại sao hầu hết những nước phát triển kinh tế tư bản, thể chế dân chủ tư sản lại đều giàu có, thịnh vượng, đời sống vật chất cao, xã hội yên lành, con người hạnh phúc, phát triển không ngừng, thu hút sự quan tâm, học tập của mọi nơi (mà con cái các ông bà cai trị xứ ta đều qua xứ họ du học là một minh chứng)? 

Tại sao tất cả những nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa, kể từ Liên Xô, Tiệp Khắc, CHDC Đức, Romania, Cuba, Việt Nam, Triều Tiên, Trung Quốc, Etiopia, Mozambique, Afganistan, Congo, Nicaragua, Venezuela... đều chìm đắm mãi trong nghèo đói, chậm phát triển, nội chiến, xung đột với bên trong và bên ngoài, nợ nần chồng chất, tham nhũng là quốc nạn, lẹt đẹt đi cuối đội ngũ nhân loại, rồi tự tan rã, tự phải chuyển hóa thay đổi (như kiểu Trung Quốc)...?

Gợi ý: Các ông bà có thể tham khảo những quốc gia bị chia cắt thành hai phe như Việt Nam, Đức, Triều Tiên thì coi bên nào đời sống cao, đầy đủ, hạnh phúc hơn.

Nguyễn Thông

Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017

Chuyện mùa đông

Tháng 12.2017. Ông bạn tôi bảo chưa năm nào Sài Gòn nói riêng, miền Nam nói chung rét như năm nay. Ngoài Bắc càng rét tợn. Bản tin thời tiết trên tivi cũng như trên báo điện tử thu hút người đọc hơn cả tin vụ án “cướp giết hiếp”. Người ta cần biết hôm nay, ngày mai, thậm chí sáng hoặc chiều hoặc tối nhiệt độ sẽ xuống thấp bao nhiêu, rét như thế nào để có cách đối phó, chẳng hạn trẻ con rét quá thì nghỉ học, thanh niên trót hẹn người yêu đi dạo đường Thanh Niên, Bờ Hồ thì đổi địa điểm vào những nơi kín gió, v.v.., đại loại là vậy.

Từ cuối thu, các nhà khí tượng học đã cảnh báo năm nay rét sớm, rét dài, rét sâu hơn mọi năm. Mà đúng thật, mới đầu tháng 11 tây gió bấc đã réo, sang tháng 12 thì có hôm Hà Nội, Hải Phòng xuống còn 7-8 độ, vùng núi đã rơi tuyết, đóng băng. Bọn phượt nhắn nhe rủ nhau trên phây búc lên Sa Pa, lên đèo Ô Quy Hồ ngắm tuyết. Đứa cháu tôi ngoài Phòng (Hải Phòng) gọi điện vào bảo rét lắm cậu ạ, đêm ngủ quấn mấy cái chăn vẫn run cầm cập.

Sài Gòn năm nào cũng vậy cứ gần mùa Giáng sinh là se lạnh, bọn thanh niên thích ra mặt bởi có dịp diện đồ tung tẩy ngoài phố. Cứ trưng áo hai dây, váy ngắn mãi cũng chán. Những thứ đồ ấy chỉ toát lên sự khêu gợi, quyến rũ chứ không tạo được vẻ sang trọng, kiêu kỳ. Phải quần áo chuyên dùng cho mùa đông cơ. Đi trên phố Sài Gòn mấy hôm nay tưởng đang ở một thành phố châu Âu, Paris chẳng hạn, chứ không phải đô thị bên kênh Nhiêu Lộc. Nơi nơi treo đèn kết hoa, bày cây thông lục lạc, ông già Noel, con tuần lộc sừng cong vút, áo quần đỏ đặc trưng, nhất là khu vực gần mấy nhà thờ Đức Bà, Huyện Sĩ, Tân Định, Mông Triệu, Cầu Kho… Nam thanh nữ tú áo khoác áo choàng, khăn len mũ dạ trưng hết ra. Tuy ông phó chủ tịch quận 1 đã bị bó tay vụ dẹp vỉa hè, phố phường có vẻ nhếch nhác hơn trước khi dẹp, nhưng không khí đón Giáng sinh có vẻ khiến Sài Gòn sinh sắc hơn. Lại được ông trời ban thêm những đợt lạnh quý hóa nên càng thêm hấp dẫn.

Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2017

Chút bâng khuâng Noel

Lời chủ trang
Đạo Thiên Chúa ở xứ ta, ngoài bề dày lịch sử, còn để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, chẳng hạn những ngôi nhà thờ luôn là điểm nhấn kiến trúc đẹp nhất, hoành tráng nhất của một vùng, những đức cha thông tuệ, đẹp cả phần đạo lẫn đời, những quần cư xứ đạo yên bình gắn bó. Bài viết này của bạn tôi, nhà báo Xuân Ba, nói đến 2 vị chủ chăn cộng đồng chiên Việt là đức Hồng y Phạm Đình Tụng và Đức Tổng giám mục Nguyễn Văn Sang. Hai cụ đã về nước Chúa nhưng bóng dáng, tâm hồn vẫn như còn quanh quẩn đâu đây.
Đêm nay Noel, bạn đi rước lễ, bạn đi chơi xong, về đọc bài này, để biết thêm dưới bàn thờ Chúa có những con người thật đáng kính.

Chút bâng khuâng Noel
XUÂN BA

1. Bao năm làm cư dân gần Nhà Thờ Lớn Hà thành mà thứ trần phàm như mình chả thấy có điều chi sốt mến hay rung động với nơi chúa ngự được coi là lớn nhất trời Nam?

Năm đã lâu lần ấy vào thăm ông bạn Trần An Duyệt (Đài truyền hình Trung ương) mắc bệnh trọng. Buồng bệnh nhà thương Phủ Doãn hồi ấy hình như khởi sự cho việc điều trị theo yêu cầu nên ông bạn tôi được nằm tại một phòng khá là tiện nghi. An Duyệt không nằm một mình. Giường bên là một cụ già người manh mảnh khuôn mặt nhẹ nhõm... Không biết bệnh chi mà cụ lúc nào cũng thường trực nụ cười hom hóm. Cuối buổi thăm, An Duyệt bỗng "à quên" rôi vui vẻ giới thiệu tôi với vị khách cùng buồng. Có lẽ do thời gian nằm viện cũng lâu lâu với nhau. Có thể giữa cụ với An Duyệt có mối quan hệ thân gần, hoặc giả tính tình An Duyệt vốn vui vẻ xởi lởi ai cũng dễ gần thì cung cách giới thiệu của An Duyệt mới có thể thân mật nhưng vẫn chả giảm đi phân nào sự kính trọng như thế.

Năm sáu cái "à" thầm... Hóa ra vị khách cùng buồng với An Duyệt là Đức Hồng y Phạm Đình Tụng. Tên thánh đầy đủ của cụ là Phaolo Giuse Maria Phạm Đình Tụng. Cụ thay mặt cho chúa Ki Tô trên trần thế này chăn đoàn chiên Việt ngót 6 triệu người.

Vẫn nụ cười hom hóm, đức Hồng y chuyện lại rằng, bửng tưng gần 2 tuần trước, quen lệ 4 giờ sáng dậy lo việc kinh bổn chả may cụ trượt chân ngã. Cú ngã tai ác dẫn đến việc rạn xương vai. Nhà nước Việt Nam gợi ý nếu cụ sang bên Roma chữa trị thì sẵn sàng tạo mọi điều kiện. Nhưng cụ Hồng y lại xin vào Bệnh viện Việt Đức. Thời gian nằm viện cùng với phác đồ điều trị lẫn săn sóc của các thày thuốc, bệnh cụ Hồng y có cơ thuyên giảm, cụ đã nhúc nhắc đi lại được...

Chống tham nhũng: Ai chống, chống ai?

Tham nhũng không phải bây giờ mới xuất hiện mà có từ thời thượng cổ. Khi con người lập ra bộ máy cai trị thì tham nhũng nảy sinh. Đơn giản là con người vốn tham, lúc có quyền hành trong tay thì lòng tham ấy được trợ lực, trỗi dậy, biến thành tham nhũng.

Vậy thì tham nhũng là gì? Là lợi dụng chức vụ quyền hạn để vơ vét, thâu tóm tiền bạc, của cải, tài sản không phải của mình về cho mình. Nói cách khác, tham nhũng là cuộc cướp đoạt vật chất bằng quyền bính.

Trong bất cứ thể chế, hình thức xã hội nào, kể cả xã hội XHCN, xã hội cộng sản “vì dân do dân”, chỉ những kẻ nắm quyền mới có thể tham nhũng. Dân không thể nào tham nhũng bởi dân không có quyền. Dân chỉ có nhiệm vụ chống tham nhũng. Nhưng trong xã hội XHCN dân cũng không được chống tham nhũng bởi thấp cổ bé miệng, nói chả ai nghe. Lịch sử Việt chỉ ghi nhận duy nhất trường hợp dân chống tham nhũng thành công là nhà thơ Đoàn Phú Tứ (tác giả bài “Màu thời gian” nổi tiếng) dõng dạc tố cáo đại tá Trần Dụ Châu khiến ông quan năm này bị phơi bày, chính phủ buộc phải ra tay xử lý. Còn về sau, bất kỳ người dân nào đứng lên đấu tranh chống tham nhũng số phận đầu chịu lên bờ xuống ruộng.

Muốn chống tham nhũng, bộ máy cai trị xã hội phải có sự kiểm tra giám sát nhau theo cơ chế đối lập, dân chủ, đa đảng. Đảng nào, lực lượng nào nắm quyền mà tham nhũng thì đảng khác, lực lượng khác sẽ phanh phui, buộc nó phải ra đi cho đảng, lực lượng trong sạch hơn nắm quyền.

Thứ Sáu, 22 tháng 12, 2017

Câu hỏi

Suốt 3 tháng nay bắt bớ trừng trị tràn lan, cả xã hội trong cơn khủng hoảng, điên loạn, người ta cứ mỗi sáng lại hỏi nhau đã bắt thêm ai chưa. 

Điều đáng ghi nhận nhất là gần như không mấy vụ bắt dân (bởi dân có tội gì mà bắt), chỉ bắt cán bộ đảng viên (tội nhiều hơn trúc Lam Sơn). Tức là đã xảy ra cuộc khủng hoảng, suy sụp ở thượng tầng, ở bộ máy cai trị. Bản thân cán bộ từ trung ương tới địa phương bị suy thoái thê thảm, bộ máy lãnh đạo bị mục ruỗng, phe phái đánh nhau, mạnh được yếu thua, kẻ thất cơ lỡ vận, kẻ thừa thắng xông lên, kẻ ôm mối căm hờn, kẻ chờ cơ phục hận, v.v.. 

Thể chế cai trị như sân khấu kịch, đủ cả bi hài, hỉ nộ ái ố. Dân chúng hằng ngày chứng kiến các vai diễn, lặng lẽ theo dõi, vỗ tay, hỉ hả, nghi ngờ, với tâm trạng của dân làng Vũ Đại "thằng ấy chết, còn thằng khác, chúng mình cũng chả lợi tí gì đâu".

Bi kịch nhất là cả một đất nước, một dân tộc, một khối nhân dân gần trăm triệu người đầy khát khao vươn tới cuộc sống no ấm, hạnh phúc, yên bình lại cứ bị cuốn vào những cuộc tranh giành xôi thịt khốn nạn ấy (với chiêu bài chống tham nhũng), để rồi loay hoay luẩn quẩn trong đói nghèo, cùng quẫn, tội ác. Những thế lực hắc ám cứ ngự trên đầu trên cổ dân không biết đến bao giờ?

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 21 tháng 12, 2017

Người Trung Quốc đã đục rỗng núi Trà Phương như thế nào?

Núi Trà Phương còn có tên nôm là núi Chè, ở xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, đất Hải Phòng quê tôi.

Làng Trà Phương nằm ngay chân núi Chè. Núi Chè với núi Đối (ven sông Đa Độ, nơi người ta thường bắt được những con ba ba nặng mấy chục ký) như hai anh em sinh đôi. Thật kỳ lạ, giữa vùng đồng bằng mênh mông chỉ có ruộng và đầm lầy, ao chuôm, tự dưng nhô lên hai ngọn núi đá sừng sững. Hồi nhỏ, nghe bu tôi kể rằng bà chúa Chè gánh đá đi lấp biển Đồ Sơn - Bàng La, chỗ gần cửa sông Văn Úc để mở mang đất đai bờ cõi, đến đây thì gãy đòn gánh, đành phải bỏ lại thành 2 ngọn núi. Thời học đại học, tôi đùa với bạn bè rằng mình là người miền núi, cũng giống như mấy anh chị người Tày, Nùng... trên Thái Nguyên, Cao Bằng vậy, thế mà ối đứa tin.

Núi Chè cao hơn 5 chục mét, chạy dài gần cây số, tinh đá là đá. Trên núi phía nam có hang Bà Chúa, phía bắc núi gần làng Xuân La, xã Thanh Sơn có hai cây quéo cổ thụ to cả mấy người ôm, lại có cái miếu thiêng lắm. Sau này hồi giữa những năm 60, công binh Trung Quốc sang đục rỗng quả núi làm hầm chứa đại bác chĩa nòng ra biển để bắn tàu chiến Mỹ. Nhưng tôi chưa thấy bắn được phát nào, chỉ nghe đồn rằng họ sang đào bới của cải do tổ tiên chôn giấu từ thời xửa thời xưa. Nếu đúng vậy thì quả là kỳ công bởi đục rỗng cả hòn núi đâu phải chuyện đùa, chút nữa tôi sẽ kể kỹ.

Thứ Tư, 20 tháng 12, 2017

Ngày ấy bên sông Cầu

Hôm 18.12.2017. Tầm này cách nay vừa đúng 45 năm, đám K17 chúng ta đang nhốn nháo trên vùng đất cổ thôn Sát Thượng ven sông Cầu, ngóng về Hà Nội chớp lòe ánh bom, tiếng nổ đinh tai nhức óc. Mình lại nhớ ngày ấy bên sông Cầu.

Chả phải mình định ăn theo phim "Ngày ấy bên sông Lam" nhưng nhìn về quãng thời gian xa ngái đó thì thấy không còn tiêu đề nào hợp hơn.

Khoa Văn tuổi cũng xấp xỉ lứa tuổi chúng mình, tức là khi các thầy Đặng Thai Mai, Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Cao Xuân Huy, Cao Xuân Hạo, Phan Ngọc… tiếng tăm lẫy lừng bước lên giảng đường đó thì lúc ấy tụi mình mới đẻ. Thế hệ sinh viên K17 chỉ được thụ giáo các thầy hầu hết là sinh viên vài khóa đầu của khoa, tốt nghiệp được giữ lại trường. Thế cũng sướng củ tỉ rồi, hạnh phúc lắm rồi. Chả tự hào sao khi được các thầy dạy dỗ, uốn nắn, thậm chí quát mắng lòng vẫn sướng lâng lâng. Này nhé, toàn cây đa cây đề thế hệ thứ hai của khoa: Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Văn Tu, Nguyễn Tài Cẩn, Đinh Gia Khánh, Trần Đình Hượu, Đỗ Đức Hiểu, Hoàng Như Mai, Nguyễn Văn Khỏa, Hoàng Trọng Phiến, Đỗ Hồng Chung, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Bùi Ngọc Trác, Huy Liên, Đỗ Ngoạn, Mai Cao Chương, Bùi Duy Tân, Nguyễn Kim Đính, Chu Xuân Diên, Nguyễn Hàm Dương, Đặng Thị Hạnh, Lê Hồng Sâm… Chỉ riêng cái tên đã đủ lay động niềm tự hào của nhiều thế hệ chui ra từ mái trường này.

Khóa 17 tập trung bắt đầu từ tháng 10.1972, lai rai đến tháng 11. Mình nhớ láng máng hồi đó khoa cũng có hòm thư, ký hiệu như bên bộ đội, hình như của trường (Đại học Tổng hợp là 104, của khoa Văn ký hiệu là E, khóa ta là E17). Trường, khoa lần đầu hồi chiến tranh đợt 1 sơ tán lên Đại Từ, Thái Nguyên, lần này về Hà Bắc và Hưng Yên, chủ yếu tập trung ven sông Cầu. Nơi định đô học hành kháng chiến là 2 huyện Yên Phong và Hiệp Hòa, muốn qua lại phải đi phà Đông Xuyên. Sinh viên năm thứ nhất dồn về huyện Yên Phong, xã Yên Trung, thôn Sát Thượng. Vùng quê Hà Bắc trong chiến tranh vẫn giữ nét thanh bình, mến yêu như bao làng quê đồng bằng Bắc bộ.

Chủ Nhật, 17 tháng 12, 2017

Luật pháp

-Làm quan to đến như các ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, tức là đã hiểu cái thực và cái ảo của hệ thống luật pháp xứ này tới tận chân tơ kẽ tóc, vậy mà khi bị bắt giam cũng ráng mời luật sư bảo vệ. Tôi không dám coi thường các vị luật sư, thậm chí còn có những người bạn là luật sư rất đáng kính về tư cách, nhưng tôi hiểu rằng trong thể chế xứ ta, luật sư chả có giá trị gì, nhất là các phiên tòa luôn phải chịu sự chỉ đạo của "trên", tòa bỏ túi, tòa đúng quy trình, tòa dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng. Nếu không tự bảo vệ được thì thôi. Mời luật sư, chỉ tốn thêm tiền mà không đem lại kết quả gì.

-Hệ thống pháp luật cố làm rùm beng vụ án Huỳnh Thị Huyền Như tham nhũng lừa đảo với số tiền lên tới 4.000 tỉ đồng (cần biết rằng số tiền này đủ xây được gần 2 cây cầu bắc qua sông Tiền như cầu Cao Lãnh), thậm chí ông tổng bí thư còn xếp nó vào diện đại án tham nhũng. Xứ tới xử lui, xử đi xử lại, cuối cùng vẫn bẻ queo, dồn tội cho con mẹ ranh, bảo rằng nó cố ý lừa đảo với tư cách cá nhân, nó phải chịu đền bù. Người ta (tòa và đồng bọn) đã cố ý lờ đi trách nhiệm của ngân hàng Vietinbank, một ngân hàng mà vốn nhà nước chiếm tuyệt đối, để ngân hàng thoát tội thoát nợ. Ngay cả người ngu si nhất cũng thừa hiểu không ai đem tiền gửi cho mụ Huyền Như cả, mà gửi cho Vietinbank, Huyền Như là đại diện chính thức, hợp pháp của Vietinbank. Không có cái mác, cái vị trí lãnh đạo ở Vietinbank thì bố bảo Huyền Như cũng không lừa được ai. Bắt nó phải đền, tức là tòa đã thách các bị hại, kiểu chúng mày tha hồ đòi, nó còn cái thân nó đó, làm gì thì làm. Tòa đã thách thức công lý, đã chà đạp trắng trợn lên pháp luật.

Hệ thống luật pháp xứ này, ai còn tin nó có ngày hối không kịp.

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 16 tháng 12, 2017

Chuyện năm 1972 (tiếp)

Tâm trạng con người ta lạ lắm. Suốt bao năm chiến tranh ùng oàng bom đạn, sự lo sợ mau chóng biến mất, chứng kiến mọi điều nguy hiểm chết chóc cứ như không. Hằng ngày nhìn từng đàn máy bay Mỹ lặc lè bom từ biển bay vào thả xuống những kho tàng, bến cảng, cầu cống ở nội thành Hải Phòng, chúng tôi cứ kệ, việc nó nó làm, việc mình mình làm, thậm chí không thèm xuống hố trú ẩn cá nhân. Đêm cũng vậy, trải chiếc chiếu ra giữa sân, nằm ngửa đón gió mát, đếm sao bò. Gọi là sao bò, thực ra là đám máy bay không người lái của Mỹ bay vào trinh sát để chuẩn bị cho những trận bỏ bom hôm sau. Rồi đèn dù chúng thả sáng trưng mạn Quần Mục, Bàng La, Đồ Sơn, thấy bảo để phát hiện những chuyến tàu biển từ vùng đó xuất phát chở quân và vũ khí vào Nam. Chiến tranh thường xuyên đã không làm người ta sợ.

Nhưng sau khi Mỹ ngưng ném bom từ tháng 11.1968 thì miền Bắc được hưởng chút không khí hòa bình. Rồi đâm ra ngại đánh nhau, ngại bom đạn, sợ chết chóc. Đầu năm 1972, khi nghe phong thanh Mỹ nó sẽ đánh trở lại, nhiều người lo lắng. Chỉ nghĩ cảnh phải bỏ nhà bỏ cửa, bỏ công ăn việc làm dắt díu bồng bế nhau đi sơ tán đã đủ mệt. Cuộc sơ tán năm 1964 còn chưa phai trong ký ức, chả nhẽ lại sơ tán nữa. Mà nó đánh thật. Đầu tháng 4.1972, Mỹ tuyên bố ném bom trở lại. Đêm 16.4.1972, máy bay Mỹ kéo đến đặc trời, cả Hải Phòng chìm trong khói lửa. Nặng nhất là nó đánh trận địa pháo bảo vệ cầu Niệm, rải thảm bằng B-52 ở thôn Phúc Lộc, xã Hưng Đạo làm gần 4 chục dân thường bị chết. Đêm đó, tôi ở nhóm lớp 10 trực canh gác Trường cấp 3 Núi Đối, cùng với hai bạn Vũ Trường Thành và Phạm Thị Nga, nhìn về phía nội thành thấy lửa sáng rực trời, bom nổ dậy đất, đứa nào cũng phát hoảng, lẩm nhẩm cầu giời khấn phật nó đừng đụng đến mình.

Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2017

Chuyện năm 1972

Đến thời điểm này, năm 2017, thì chuyện năm 1972 đã lùi xa gần nửa thế kỷ, chính xác là 45 năm. Nhưng đó là thứ dấu mốc lịch sử âm thầm mà dữ dội.

Miền Bắc 1972. Tôi biên ra những điều chính tôi biết và còn nhớ ở miền Bắc, chứ không biết miền Nam năm ấy thế nào. Tới năm 1972, cuộc chiến tranh kéo dài, chỉ thiếu 2 năm nữa thì tròn 2 thập niên, đã làm cho cả dân tộc mệt mỏi. Sự chán chường hằn lên mỗi khuôn mặt người. Bi thảm như chiến tranh. Thế hệ chúng tôi tuổi giao thời trẻ con-người lớn vào đúng khoảng này.

Miền Bắc, từ đầu năm 1969 Mỹ tạm ngưng ném bom. Đánh mãi nó cũng chán. Dân đuối lắm rồi. Chỉ có đảng còn hăng, vì vậy người dân vẫn không có hòa bình. Vừa lo “tất cả cho tiền tuyến”, đưa người, vũ khí, lương thực vào Nam, vừa chuẩn bị đề phòng Mỹ đánh trở lại. Những cái hầm chữ A, hố phòng không cá nhân ven đường vẫn được giữ nguyên, tu bổ, bồi đắp cho dày hoặc nạo vét thường xuyên. Bộ đội tên lửa trận địa Mả Đò gần nhà tôi vẫn luyện tập hằng ngày, hú còi báo động liên tục. Đêm đêm xe bánh xích chạy rầm rầm.

Vào đầu năm 1972, không khí chiến tranh vẫn hừng hực, thậm chí nóng hơn 2 năm trước. Tôi đang học lớp 10 (hệ 10 năm), năm nay sẽ thi tốt nghiệp, và đây cũng là lần thứ 2 nhà nước tổ chức thi đại học, trước đó chỉ xét tuyển vào các trường. Lo học, nhưng nghe phong thanh sắp có đợt tổng động viên (hoặc gần như thế) để vét người đưa vào chiến trường, sắp mở chiến dịch lớn, nên đứa nào cũng lo. Chả biết mình có còn được bút nghiên trọn vẹn tới ngày trường thi xướng danh đậu hay rớt. Thày Duyên dạy môn chính trị (Trường cấp 3 Kiến Thụy, HP) úp mở rằng thế nào trường ta cũng bị bắt lính, có khi cả thầy giáo cũng đi bởi… sắp đánh lớn lắm.

Thứ Năm, 14 tháng 12, 2017

Chuyện bị ốm (kỳ 2)

Hôm nay (10.12) thì mình đã gần khỏi hẳn, lực lượng chủ công đánh trận này chủ yếu là… 2 nồi lá xông mình tự làm lấy. Lá gừng từ khóm gừng trồng trên ban công, lá chanh, lá xả từ cái vườn nhỏ của ông anh cọc chèo khai phá công viên, thêm mấy mảnh vỏ bưởi, đủ chữa. Mà khỏi, thế mới tài. Cũng kể thêm 3 viên Panadol trị cảm sốt, bà xã và tụi nhỏ nói mãi, mình uống để tạo hòa khí trong nhà.

Trong phần biên chép đầu (kỳ 1), có bạn đọc xong bảo, gớm, lão này ốm mà còn viết được dài thế. Đành phải thật thà thưa rằng, thực ra cũng muốn nghỉ toàn diện nhưng thấy cái đầu cứ ong ong, nghĩ quàng xiên rối như màng nhện, mình sợ nó liệt hoặc điên, lú lẫn không chừng, vội nhủ hay là biên lại những cái vừa trải qua, vừa luyện cái đầu, vừa coi đã bị liệt chưa, nếu còn nghĩ còn ghi được rành mạch tức là còn OK. Đầu đuôi là vậy.

Nói ra thì ngắn gọn đơn giản thế, chứ mấy ngày rồi có lúc lo lắm. Ốm nặng hay làm cho người ta nghĩ ngợi. Thường đời vẫn vậy. Lúc khỏe khoắn sức vóc, làm việc cứ băng băng đi, chả có thời gian rỗi để nghĩ này nọ. Nằm một chỗ, rã rời, chân tay chả muốn nhấc, sinh bi quan. Cái hôm mình chán ăn, tự bảo kệ, không ăn cũng chả chết. Nhớ hồi còn bé, đọc truyện “Không gia đình” của nhà văn Pháp Hertor Malot, ông kể chuyện thằng bé hát rong bị nạn ở hầm mỏ, nó bị nhịn đói những 14 ngày mà cuối cùng vẫn sống. Nhưng không ăn được, quả thật rất mau đuối sức. Nói của đáng tội, có lúc mình nghĩ chả nhẽ chuyến ốm này lại biết đâu chặn không cho mình được về ngủ trong căn nhà xinh đẹp mà mấy chị em và các cháu vừa hợp sức lại xây làm nhà thờ ông bà, bố mẹ trên đất hương hỏa ở quê Hải Phòng. Nhà xong rồi, cuối năm nay khánh thành. Nhớ đọc ở đâu đó, sách có nói rằng làm nhà là động đến chủ quyền của thổ địa thổ công nên cứ làm xong thì trong nhà thể nào cũng phải có ai đó bị ốm, ốm nặng. Thường các vị cai quản đất đai ấy cứ túm lấy đứa yếu nhất, hư nhất nhà mà hành. Mình ngẫm nghĩ, nếu thế thì tốt, mình đáng bị lôi ra “kiểm điểm nghiêm khắc” để gánh thay cho cả nhà. Mọi người khỏe, bình an, thế thì dù mình có bị nặng tí nữa cũng xứng đáng.

Thứ Tư, 13 tháng 12, 2017

Gặp bác Du Tử Lê

Tên tuổi bác Lê, tôi biết đã lâu nhưng chả bao giờ nghĩ có thể, có dịp nào gặp, chứ đừng nói được trò chuyện,với một người mà mình hằng ngưỡng mộ. 

Anh Nguyễn Thế Khải nhắn tin cho tôi, tối mai (12.12) thu xếp được thì nhớ ghé nhà hàng L.M trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, anh làm cái tiệc nhỏ mừng sinh nhật anh Nhượng tròn 70, chú nhớ đến nhé. Cuối tin, anh ngoặc vào cái phần sốt dẻo, có lẽ anh biết tôi sẽ không thể bỏ qua: Có nhà thơ Du Tử Lê cùng dự. Đây giống như phần tái bút, sực nhớ hoặc tiện thể viết thêm nhưng lại là phần quan trọng nhất của bức thư.

Anh Khải là nhà doanh nghiệp nổi tiếng, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Hoàn Mỹ, bạn đồng nghiệp cũ thời chúng tôi còn dạy học. Ở xứ này có hàng nghìn đơn vị kinh doanh du lịch, không ít những ông lớn như Saigontourist hoặc Vietravel đông cả nghìn cán bộ nhân viên, không nơi đâu không có mặt, nhưng nói đến du lịch Mỹ, tổ chức cho khách đi Mỹ thì tất cả phải xếp sau Hoàn Mỹ. Chẳng biết có phải cái tên nó vận vào sự nghiệp, hay thầy giáo Nguyễn Thế Khải lúc lương giáo viên ba cọc ba đồng chết đói không cầm cự nổi trên bục giảng đã bung ra xé rào, từ bỏ biên chế để liều dấn mình vào chốn kinh tế thị trường, có ý định gì cho tương lai, có hình dung ra ngày sinh sắc hanh thông vận hội như thế này. Nhưng đúng cái tên Hoàn Mỹ đã chứa đựng sự chuẩn mực, hoàn thiện, đầy đủ, hài lòng, hết ý, thậm chí trên cả tuyệt vời của một doanh nghiệp du lịch sừng sỏ chuyên tour Mỹ (và Canada). 



Thậm chí có những đối tác Mỹ từng lên tiếng rằng, làm ăn với ai thì chúng tôi còn ngập ngừng, chứ với ông Khải là OK không phải chần chừ. Hồ sơ của người Việt đem tới Tổng lãnh sự quán Mỹ, Đại sứ quán Mỹ, hoặc các cơ quan xét nhập cảnh, di trú Mỹ ở Việt Nam, chả nói ra ai cũng biết, khó không khác gì tìm đường lên giời, nhận được xác nhận visa của Mỹ là cả một thắng lợi mang tính lịch sử. Thế mà ông Nguyễn Thế Khải và Công ty Hoàn Mỹ đã tạo dựng được niềm tin, sự tin cậy đến mức, hồ sơ do công ty ông Khải đem tới là yên tâm. Tất nhiên không phải không có trường hợp bị knock-out, tuy nhiên Hoàn Mỹ đã chọn trường hợp nào để duyệt thì phần còn lại của đương sự chỉ là chuẩn bị tiền bạc mà lên đường vi vu thăm thú nước Mỹ cho thỏa chí. Tôi đùa bảo với anh Khải, tạo được niềm tin của người Mỹ như ông còn hơn cả xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, không phải ai cũng làm được, nhất là trong thời buổi kinh doanh chụp giật, nhắm mắt chạy theo đồng tiền này. Ông Khải cười, hơn chứ.

Thứ Bảy, 9 tháng 12, 2017

Vạch trần Bộ GTVT

Mặc dù thế sự đang có nhiều chuyện đáng quan tâm nhưng mỗi người dân đừng lãng quên chuyện BOT trấn lột bởi cuộc đấu tranh bảo vệ lợi ích của người dân lương thiện chưa có hồi kết thúc.

Trong khoảng thời gian 1 tháng mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa đặt ra, bọn chủ BOT phi lý (ở nhiều nơi chứ không phải chỉ ở Cai Lậy) cùng với quan thầy đang tìm trăm phương ngàn kế nhằm duy trì sự bóc lột của chúng. Phải kiên trì vạch mặt chúng.

Trước hết, cần vạch trần thái độ lì lợm của lãnh đạo Bộ GTVT trong việc cố lèo lái cái sai của họ sang những cách hiểu khác. Chính họ chứ không phải ai khác đã cho phép đặt những trạm thu phí không nằm trên đường BOT được đầu tư mới mà lại đặt trên những con đường cũ đã được người dân có quyền tự do sử dụng, chỉ nhằm vơ vét được nhanh hơn, nhiều hơn rồi ăn chia với nhau. Ngay họ cũng thừa nhận rằng nếu đặt trạm trên đường BOT, đường tránh thì sẽ thu rất chậm, không được bao nhiêu, vì vậy cần phải lôi trạm ra những tuyến đường nơi nhiều xe cộ bắt buộc qua lại. Họ coi dân như cái mỏ tiền, cứ cần tiền là móc vào túi dân, bất cần biết phải trái, đạo lý, công bằng.

Họ lại giờ trò đề nghị chính phủ mua lại trạm BOT của nhà đầu tư để nhà đầu tư đỡ thiệt thòi. Phải nói cho họ biết, tiền nhà nước, tức tiền thuế do dân đóng góp, không phải vỏ hến, để bù đắp vào sự sai trái của họ.

Họ đưa ra phương án cho phép trạm BOT Cai Lậy thu đủ 300 tỉ đồng gọi là bù phần chi phí “cải tạo, sửa chữa phần quốc lộ 1 qua Cai Lậy”, bao giờ thu đủ thì sẽ dời trạm vào đường tránh. Cũng lại cứ nhằm vào túi tiền dân một cách vô lý. Và điều cần thiết, cần có sự kiểm toán lại thật lỹ lưỡng, chính xác con số mà họ công bố 300 tỉ kia, ai cũng biết đó là một con số ma, nếu làm rõ được sẽ ối kẻ tra tay vào còng. Trước khi có con số thật, dứt khoát không được sử dụng tiền nhà nước để đền bù cho chúng, cũng như không được móc túi dân bù vào.

Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2017

Chuyện bộ đội tên lửa

Đã sang tháng 12, tháng cuối năm tây, cũng là tháng có ngày lễ trọng của quân đội nhân dân Việt Nam - 22.12, gọi nôm na là ngày nhà binh. Thời gian trôi nhanh vùn vụt, thế mà đã 45 năm sau sự kiện “Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng. Cũng tầm này 45 năm trước chúng tôi đang “đóng” ở ven sông Cầu, nhưng chẳng phải bộ đội mà là sinh viên. Thầy trò Trường đại học Tổng hợp Hà Nội khăn gói quả mướp kéo nhau về sơ tán ở tỉnh Hà Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang bây giờ), lớp tôi về thôn Sát Thượng, xã Yên Trung, huyện Yên Phong, vì vậy nhiều đứa chúng tôi về sau cứ mỗi dịp hàn huyên ôn chuyện cũ lại loáng thoáng câu hát “để nhớ ngày chúng con về Hà Bắc” trong bài Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa của cụ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.

Tối 18.12.1972, một bạn cùng lớp rủ tôi ra bến phà Đông Xuyên mua kẹo đốp. Tôi rất thích thứ kẹo đặc sản ấy của xứ Kinh bắc nhưng không có tiền, trong túi chỉ nhõn vài đồng bạc ranh, bu tôi tằn tiện lắm mới dành dụm được, dúi cho trước hôm con lên đường nhập học. Nghe rủ, đi ngay. Hai đứa mua xong trở về trên đường đê ven sông Cầu, vừa đi vừa nhấm nháp đốp đốp. Sông Cầu rì rào, gió mùa đông bắc buốt lạnh. Chưa tới cổng làng Sát Thượng, chợt thấy phía Hà Nội chớp lửa nhóa nhòa sáng rực một góc trời, máy bay Mỹ kéo tới ầm ầm rú rít, bom nổ dậy đất tưởng phen này chết đến nơi. Chạy ba chân bốn cẳng, văng cả kẹo. Hà Nội đằng kia như trong cơn động đất. Gần chục năm chiến tranh, chưa bao giờ tôi thấy tên lửa ta phóng nhiều thế. 12 ngày đêm trận chiến cuối cùng đánh máy bay Mỹ đã bắt đầu như vậy.

Suốt hơn chục hôm sau đêm đó, hầu như ngày nào cũng như ngày nào. Chả học hành được gì, cả thầy lẫn trò. Cứ ngóng về Hà Nội. Các thầy cô đã đưa gia đình sơ tán theo trường nhưng còn nhà cửa tài sản ở phố, có thầy tranh thủ đạp xe về xem nhà mình bị thiệt hại gì không. Bọn sinh viên thì thêm việc mới: lùng bắt phi công Mỹ. Ban ngày chúng đánh ít hơn nhưng cứ tầm gà lên chuồng là từng đàn từng lũ kéo đến. Nơi trường đóng, nếu theo đường chim bay cách Hà Nội đâu có bao nhiêu. Nhiều đêm máy bay B-52, F-111A, F-4… gầm ngay trên đầu, nhiễu rải đặc trời, sáng hôm sau nhìn cả làng cả nước, bụi chuối bờ tre lấp lánh sợi nhiễu trắng xóa. Tối nào tên lửa cũng gầm vang, đan chéo dày đặc trên trời. Đạn cao xạ nổ bùng như pháo hoa. Đêm 24.12 nó tạm ngưng, thấy bảo để hai bên cùng đón Noel. Nhưng đến tối 25 và 26.12 thì quả thật đỉnh điểm, chết đến nơi rồi, chết thật rồi. Ngay tại Yên Phong mà nhà cửa sân sướng rung chả khác gì động đất, đạn cao xạ, tên lửa vụt bay sáng rực trời. Có tiếng ai đó hô phi công nhảy dù, đi bắt nó bà con ơi. Suốt đêm sinh viên cùng dân làng đòn gánh đòn càn, gậy gộc lùng sục, nhưng hóa ra dù bay sang bên kia sông Cầu, mạn huyện Hiệp Hòa, nghe nói thằng phi công B-52 ấy bị tẩn gần chết.

Thứ Năm, 7 tháng 12, 2017

Chuyện bị ốm

Ốm là nói theo cách của người miền Bắc. Bà con trong Nam gọi thành bệnh hoặc bịnh. Khi sức khỏe có vấn đề, suy sụp, cơ thể đang bình thường bỗng yếu hẳn đi thì ai đó bảo “tôi bị ốm rồi”. Nhẹ thì tự chữa ở nhà, nặng phải vào nhà thương (bệnh viện), có khi phải ra nước ngoài mới chữa khỏi. Ốm xong thường khỏi, nhưng cũng có những trận ốm chết người. Để chỉ cái cảm giác sung sướng sau khi khỏi bệnh, tiếng Việt có câu “lâng lâng như người mới ốm dậy”.

Tôi ốm thì tôi kể chuyện ốm của mình, chứ không nghe đồn có ai đó ốm nặng mà biên ra đây, chả có ý bóng gió, ám chỉ này nọ. Cứ chuyện mình, mình kể ra là lành nhất, chẳng sợ ai kiện cáo.

Khi gõ đến mấy chữ này, vẫn đang ốm, chưa khỏi hẳn. Lâu lắm mới bị cơn ốm nặng, tưởng chết. Sáng thứ hai vừa rồi vẫn bình thường, chở bà xã vào bệnh viện Nguyễn Trãi nhổ cái răng. Không hề có biểu hiện gì của người sẽ bệnh, thậm chí trên đường đi còn rất vui vẻ, nhìn thấy cậu bán vé số Vietlott ở đường Tùng Thiện Vương còn nhoẻn cười với nó. Thỉnh thoảng nó bán cho mình chút “niềm tin yêu và hy vọng”. Chen chúc trong bệnh viện, người bệnh đông như quân Nguyên, đủ thứ bệnh tật tim gan phèo phổi, đủ thứ vi trùng, yếm khí. Chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế thì phải chịu vậy, đòi hỏi gì.

Về nhà giữa trưa, vẫn oai phong Lý Đức, đi lại bình thường, lo bữa cho cả nhà. Đùng một cái, 2 tiếng đồng hồ sau, sụp cái uỵch. Người quỵ hẳn. Cứ như người mượn, mất hết cả sinh lực. Thân lạnh toát, chóng mặt, thấy xung quanh quay như chong chóng, sốt, bụng cồn cào, đầu cứ ong ong. Tệ nhất là cơ thể đau như dần, nhất là chỗ thắt lưng như có thằng khốn nạn nào hai tay hai vồ quật vào đó liên hồi kỳ trận. Đêm nằm, ngửa không được, nghiêng bên trái hoặc bên phải cũng không được. Có đêm mình lồm cồm bò dậy, ngồi thi gan với nó, cuối cùng vẫn thằng khốn nạn hai tay hai vồ thắng, buộc mình lại phải nằm cho nó quật tới sáng.

Chán ăn. Ai ốm cũng chán ăn. Có đổ sơn hào hải vị vào mồm cũng nhổ ra. Miệng đắng chát. Bà xã nấu cho nồi cháo, múc chén đầy bảo lão ơi dậy ăn nào. Giá cứ như bình thường mình sẽ húp cái soạt, vài ba soạt là hết nhẵn, xong rồi đẩy cái chén ra, quắc mắt hỏi (ấy, chả ai cấm chúng ta tự sướng) có còn cho bát nữa đi. Giờ nhìn bát cháo nghi ngút khói thơm mà ứ tận cổ. Mà chẳng những chỉ chán ăn, còn chán tất tật, không thèm quan tâm tới bất cứ điều gì. Giá có ai bảo Triều Tiên nó phóng tên lửa hạt nhân sang Mỹ rồi, hoặc trạm BOT Cai Lậy lại cho thu phí phớt lệnh của thủ tướng rồi, mình cũng chả thèm nghe, có khi còn bảo ông bà ra chỗ khác khoe, để tôi yên.

Có đêm nằm nghĩ, thế này mình đi trước bác Ải Lậc Cậc Ma Duy Giang K17 đang nằm chữa ung thư ở bệnh viện K Hà Nội rồi, nhập vào đám tiền trạm K17 ở bên kia, những Đỗ Xuân Thanh, Nguyễn Duy Chiến, Đoàn Văn Tuyến, Đồng Văn Duyệt, Lê Xuân Sang, Phạm Văn Sĩ, Trần Quốc Vượng... chuẩn bị sẵn cơ sở vật chất để ai đó chán đời thì long trọng rước xuống.

Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2017

Cố tình tự bịt mắt

Suốt hơn 3 ngày nay, điều rõ như ban ngày ai cũng thấy, ngay tại trạm Cai Lậy cũng như trên mạng xã hội, hầu hết người dân đồng tình ủng hộ giới tài xế, coi thường chính quyền. Trong mắt họ, nhà cai trị bây giờ chả khác gì bọn thực dân phong kiến mà các ông ấy đã ra sức đánh đổ khi xưa, thậm chí là con quái vật độc ác và điên khùng. Niềm vui và sự phẫn nộ có tính định hướng rất rõ. Vui mừng dành cho dân. Sự căm giận khinh bỉ cho nhà cai trị. 

Vậy thì chính quyền này, nhất là cái đảng của ông Nguyễn Phú Trọng, cần xem lại ngay tại sao mình lại mất lòng dân như thế. Cứ suốt ngày lý luận dân đồng tình, dân ủng hộ, vì dân do dân... như mấy anh rao bán thuốc cao sơn đông mãi võ, nghe rác tai lắm.

Nếu bảo tôi nói sai, ngay sáng nay chủ nhật, không phải họp hành gì (suốt đời chỉ họp) đi ngay chuyên cơ đáp xuống Cai Lậy coi tôi nói có đúng không.

Cái ảnh này trên báo Tuổi Trẻ với lời chú thích: Những chiếc xe đến trạm thu phí được chào đón nồng nhiệt.

Nguyễn Thông


Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2017

Cãi

Hai ông thứ trưởng giao thông Nguyễn Ngọc Đông và Nguyễn Nhật đều gân cổ cãi, rằng trạm BOT Cai Lậy được đặt ở đó là hợp pháp bởi đã có sự thống nhất giữa các bộ ngành và địa phương liên quan, thậm chí được thủ tướng cho phép, nên không phải chuyển, cứ thu phí.

Mẹ cha các ông, thế thủ tướng, bộ trưởng, chủ tịch, bí thư là thánh, không bao giờ sai chắc.

Cái BOT nằm sờ sờ chỗ đó, ai cũng biết là sai, mà đã sai thì phải sửa, lại còn cãi chày cãi cối.

Hồi xưa cải cách ruộng đất, thế hệ bố các ông cũng bảo là đúng đó, thậm chí được cả chủ tịch nước duyệt đó, có sai không?

Chính sách bao cấp, giá lương tiền, ngăn sông cấm chợ đó, tinh là sản phẩm của trung ương, có sai không?

Thôi, dẹp mẹ hết mấy ông đi cho dân đỡ bực mình.

Đám lãnh đạo ngành giao thông (tôi thấy cách diễn đạt của bà tiến sĩ Đoàn Hương đúng trong trường hợp với đối tượng này), dư luận lâu nay cho rằng ăn dày ăn đậm lắm, của chìm của nổi không biết cơ man nào mà kể, có lẽ cơ quan thanh tra nên để mắt, đưa vào tầm ngắm xem sao.

Nguyễn Thông

Cùng một cái mồm

Cái đận còn đánh nhau, mỗi khi dân làm được điều gì cho các ông bà ấy, thì các ông bà ấy rộng rãi hào phóng lời khen lắm, nào là hoạt động có tổ chức, ý thức giác ngộ cao, mưu trí, sáng tạo, trí tuệ tập thể, sức mạnh vĩ đại, v.v.., lại còn tán tụng thơ nữa "dễ trăm lần không dân cũng chịu/khó vạn lần dân liệu cũng xong".

Khi bị các ông bà ấy đè nén, người ta không chịu nổi, vùng dậy phản kháng, ngay lập tức, cũng cái mồm ấy, quy kết cho nhân dân đủ thứ tội, nào là hành vi quá khích, hành vi gây rối, đối tượng quá khích, thế lực thù địch, hành động tự phát, bị dụ dỗ, bị giật dây, vi phạm pháp luật, v.v.., đòi dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật (lời ông Chánh VP Chính phủ).

Thế hóa ra pháp luật chỉ dành cho các ông các bà, chỉ để bảo vệ các ông các bà thôi à.

Để chiều ý các ông các bà, khi bị dí dao vào cổ, móc thủng mẹ nó túi để vét đồng xu cuối cùng cũng cứ phải vâng vâng dạ dạ chắc, để đừng bị coi là hành vi quá khích chắc.

Lúc cần dân thì khen dân hay dân giỏi, khi đá dân thì bảo dân xấu dân ngu.

Huy động cả đảng, chính quyền, công an, ngân hàng, bốt cướp... vào cuộc, liệu có thắng được dân không.

Hãy sớm tỉnh lại đi.

Nguyễn Thông