Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

Bài hát tặng bạn ngày chủ nhật: TÌNH EM BIỂN RỘNG SÔNG DÀI

Thú thực rằng, những bài hát ở miền Nam trước năm 1975 tôi ít biết. Phần lớn chút ít kiến thức có được tập trung vào Trịnh Công Sơn và Khánh Ly, còn lại thì rất lơ mơ. Nhưng nhạc miền Nam trước 75 đâu phải chỉ có vậy mà còn biết bao nhạc sĩ, ca sĩ đã chiếm chỗ trong lòng hàng chục triệu người, càng về sau tôi càng thấy mình ếch ngồi đáy giếng.

Bài hát "Tình em biển rộng sông dài" của nhạc sĩ Thông Đạt tôi rất thích bởi nó là khát vọng hòa bình cất lên từ trong bom đạn, máu lửa, mất mát đau thương. Nhiều lúc cứ lăn tăn tự hỏi, những giai điệu ngọt ngào ấm áp như thế này mà phải thua nhịp hào hùng "giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước; diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước" thì kể cũng đau lòng. Giá đừng có chuyện thua nhau. Điều rõ ràng là quốc gia đã thua cộng sản ở sự tuyên truyền. Bài kiểu này mà ở phe cộng sản là bị cấm tiệt bởi làm nhụt nhuệ khí ba quân.

Tôi chỉ thực sự nghe giọng hát Tuấn Vũ trong một lần về quê nghỉ hè. Năm 1986, ông em rể tôi Núi Trà Phương ở cùng bố mẹ vợ có cái cassette, kiếm đâu được băng Tuấn Vũ, nghe suốt ngày, thế rồi thấm dần. Hồi năm ngoái, nghe đâu Tuấn Vũ về Hà Nội hát, có những phụ nữ Hà thành chắc đã nghe Tuấn Vũ nhiều gấp mấy nghìn lần tôi nên lập thành hội mê Tuấn Vũ, bao cho ca sĩ ăn uống, chiều chuộng đi đây đi đó, chỉ cốt được nghe anh hát, âu cũng là thứ phần thưởng dành cho người có giọng hát ngọt ngào. Ai bảo Tuấn Vũ sến chứ tôi chả thấy sến tí nào.

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Ngày rằm Vu lan, nhớ thày tôi

Mùa Vu lan, người ta thường nhớ thường nhắc đến mẹ, có lẽ theo cái tích xưa bên Ấn Độ, ông  Mục Kiền Liên báo hiếu để giải thoát cho mẹ khỏi sự đọa đày. Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ dựa vào bài văn của thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết bài hát rất hay Bông hồng cài áo nói về cái tình của con đối với mẹ, thường được cất lên vào dịp này.
 
Tôi rất yêu kính mẹ tôi, cả đời mẹ tần tảo làm ruộng, buôn thúng bán bưng nuôi cả gia đình, nuôi các con khôn lớn. Càng về già, mẹ càng hồn hậu, đầy tình thương yêu. Khi mẹ mất, chúng tôi 4 chị em cảm thấy như sụp đổ bầu trời.

Nhưng hôm nay, rằm tháng 7, mùa Vu lan, tôi lại nhớ nhiều đến thày tôi.

Quê tôi, vùng ven biển đồng bằng Bắc Bộ, đất Hải Phòng, người ta quen gọi bố (cha) là thày. Thày với thầy đều là một, nhưng có lẽ để phân biệt với thầy giáo (gọi tắt là thầy) nên người dân quê tôi kêu bố bằng thày.

Thày tôi nếu giờ còn sống đã tròn 105 tuổi. Cụ thuộc thế hệ nho học nửa chừng. Đọc thông viết thạo cả chữ Hán và chữ Pháp nhưng chỉ làm ruộng. Biết rất nhiều, chỉ để truyền đạt cho các con. Làm ruộng trồng trọt rất giỏi, luôn là người đầu tiên khai mở cái mới ở vùng làng xã mình. Và là người cuối cùng chịu vào hợp tác xã bởi ngay từ đầu những năm 1960 thày tôi đã nhìn thấy những vô lý của mô hình nông nghiệp này. Những năm 60-70 hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng thày tôi bắt các con phải học cho bằng được, không phải để làm ông nọ bà kia, quan chức gì, mà chỉ vì thày bảo “nhân bất học, bất tri lý; ấu bất học, lão hà vi” (người mà không học thì không hiểu lẽ đời; còn nhỏ mà không học thì về già biết làm cái gì).

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

Sau bữa cơm tối, nghĩ những 3 điều

1.Quốc ca là thiêng liêng, là tài sản của dân tộc, quốc gia. Chính vì thế, muốn sửa một chữ, một âm, một lời cũng phải được đưa ra quốc hội bàn bạc, trao đổi (vì chính quốc hội thông qua quốc ca) và công khai cho toàn dân biết. Với quốc ca không thể tùy tiện xem như tác phẩm âm nhạc bình thường. Vậy mà tôi vừa coi cái cảnh lễ sơ duyệt mít tinh, diễu binh mừng quốc khánh có cả phó thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự, ở tiết mục hát quốc ca, người ta tự động hát câu cuối thành "nước non Việt Nam ta tiến lên" trong khi nguyên văn là "nước non Việt Nam ta vững bền". Hết sức tùy tiện. Tôi đề nghị ông bà nào là cán bộ chức việc nhà nước, nhất là các anh A87 hay chiếu cố FB, blog của tôi phản ảnh ngay lên cấp có trách nhiệm vấn đề này. Đừng coi những vấn đề tầm quốc gia như chuyện làng xã, muốn nhí nhố thế nào cũng được.

2. Ngày 1.9 tới, dân chúng lại được ăn thêm món kênh truyền hình Nhân Dân của báo Nhân Dân, phát 24/24 mỗi ngày. Tất nhiên là ngân sách bao cấp hoàn toàn.
Lại sực nhớ hồi tháng 3, dư luận um lên về bản quy hoạch báo chí đã được thủ tướng phê duyệt, rằng sẽ tinh gọn hệ thống báo chí truyền thông, cho về vườn những tờ báo lá cải, tốn tiền thuế của dân, thấy bảo là sẽ rốt ráo thực hiện trong tháng 5. Giờ đã sắp sang tháng 9, mất hút con mẹ hàng lươn, chả thấy động tĩnh gì, chỉ thấy thêm râu ria này nọ. Đúng là không tin được, dù đó là chủ trương đúng, dù ở cấp nhà nước. Thế thì còn biết tin cái gì bây giờ.


3.  Nếu cái cậu Lê Trương Hải Hiếu 34 tuổi ấy không phải con ông đương kim bí thư thành phố Lê Thanh Hải thì chắc chả ai tò mò ý kiến ý cò. Theo tôi, nếu đương sự giỏi giang, đạo đức thì chả cứ chủ tịch quận, cho làm chủ tịch nước cũng được. Hồi xưa thời phong kiến, mới vài ba tuổi, bắt mũi chưa sạch, các cháu còn làm vua được cơ mà, mà thời này khác gì thời phong kiến, con ông cháu cha tập ấm công khai, vậy nên bà con dành thời gian lo việc... quốc tế đi, đừng lo quốc sự nữa.

26.8.2015
Nguyễn Thông

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

Ai bắn đại bác vào lịch sử dân tộc ?

Tôi không thể hiểu nổi, một người có học vị tiến sĩ, lại công tác ở Ban Tuyên giáo trung ương mà viết hồ đồ như thế này: "Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp trong gần một thế kỷ, lật nhào chế độ quân chủ hàng mấy nghìn năm và ách thống trị của phát xít Nhật, lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa – Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á" (TS Văn Thị Thanh Mai - Ban Tuyên giáo Trung ương). Đoạn trích này là câu mở đầu bài viết của tiến sĩ Mai đăng trên Vietnamnet hôm nay 18.8. (xem ở đây).

Trong lập luận cùn mòn như vậy, chúng ta có thể thấy đôi điều:


- Trước hết, đây là giọng cũ đã lặp đi lặp lại 2/3 thế kỷ, đầy dẫy trong sách báo tuyên truyền của chế độ này. Ví dụ xưa nay các vị ấy cứ nói cách mạng tháng Tám mở ra phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, khởi đầu cuộc cách mạng chấm dứt chế độ thuộc địa, là nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á... Chả biết những điều đó có đúng không, nhưng so với các nước thuộc địa khác sau đó cũng được độc lập bằng phương pháp hòa bình thì cái giá máu xương mà xứ này phải trả quá nhiều.


-Một "chế độ quân chủ hàng mấy nghìn năm", xin hỏi trong đó có những triều đại từng đóng góp rất nhiều cho đất nước như Lý, Trần, Lê, Nguyễn (Tây Sơn) mà chính các ông bà ấy ca ngợi, có tội gì mà bà TS lôi ra đây "lật nhào". Tội cứu nước, giải phóng dân tộc, mở mang bờ cõi, khẳng định độc lập chủ quyền chăng? Lẽ ra trong trường hợp này, bà TS viết "lật nhào triều đại phong kiến đã phản dân hại nước" thì may ra còn chấp nhận được.


-Họ (tuyên giáo), ngay cả cả trung ương như bà TS này, chỉ là những con vẹt không hơn không kém. Khổ nỗi, bây giờ họ lại có quyền răn dạy, giáo dục dân.


Nguyễn Thông

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Mấy cái mồm ?

Cứ theo sử chính thống và bộ máy tuyên truyền của chế độ này thì những cuộc khởi nghĩa của người nông dân vùng lên chống lại nhà nước phong kiến (như Nguyễn Hữu Cầu, Lía, Hoàng Công Chất, Lê Duy Mật...) đều được coi là phong trào phản kháng tích cực, thể hiện nguyện vọng chính đáng của nhân dân, góp phần làm lung lay chế độ cai trị tàn bạo, đáng được sử sách ca ngợi.

Nhưng cũng chính bộ máy tuyên truyền ấy lại coi những cuộc đấu tranh của nông dân thời bây giờ đòi ruộng đất, chống cướp đất, chống bọn cường hào mới ức hiếp là chống chế độ, là xấu xa, vi phạm pháp luật. Thậm chí có những người như cựu binh đặc công Trịnh Khải ở huyện Kim Bảng, Hà Nam đứng lên chống lại cường quyền còn bị bắt giam, tử hình, còn bị mấy ông nhà văn kiểu Nguyễn Quang Thiều viết truyện (chuyện làng Nhô), làm phim miệt thị, bóp méo. Ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng) con giun xéo lắm cũng quằn đứng lên bảo vệ ruộng đất và quyền lợi chính đáng thì bị chính quyền đàn áp, kết án, tù tội, bị cả bộ máy tuyên truyền xúm vào cả vú lấp miệng em.

Về bản chất, sự vùng dậy, dù thời nào cũng là vi phạm pháp luật đương thời, thế sao người thì được ca ngợi, kẻ bị lên án và lôi ra đoạn đầu đài. Cùng một cái mồm sao mà lươn lẹo thế.


Và mấy ông nhà văn nhà báo nữa, liệu có khi nào xấu hổ về những việc mình làm?


Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

Thay Lênin bằng chim sẻ

NGUYỄN BÁ TÂN 
Lênin sinh ra ở nước Nga. Và nước Nga, chứ không phải nơi khác, đã quyết định thay (tên gọi ) Lênin bằng chim sẻ.

Chả là tại Moskva có trường đại học tổng hợp mang tên nhà khoa học lừng danh Lomonosov. Đây là một trong bảy tòa nhà có kiến trúc đỉnh tháp nhọn đặc trung của Moskva, trở thành công trình văn hóa rạng danh nước Nga. Công trình vĩ đại này xây dựng trong hơn 3 năm, khởi công năm 1949, khánh thành cuối quý 3/1953.

Khuôn viên trường đại học tổng hợp Lomonosov rộng 167 ha. Từ khi khánh thành, thời kỳ Liên Xô trị vì, ngôi trường danh giá này tọa lạc trên ngọn đồi mang tên Lênin. Đến khi Liên Xô sụp đổ, thay vào đó là nước Nga hiện thời, ngọn đồi Lênin được chính quyền kế tiếp đổi tên thành đồi Chim sẻ.

Ngọn đồi ấy, nơi tọa lạc của trường đại học Lomonosov lừng danh, đã có từ hàng ngàn năm trước khi Lênin chào đời. Chính thể Liên Xô, sản phẩm của học thuyết Mác - Lênin, gán ghép ngọn đồi ấy mang tên Lênin. Tuy nhiên, ngọn đồi chẳng bao giờ mất, chỉ có tên gọi Lênin chỉ tồn tại mấy chục năm, tương ứng với thời gian cầm cự của đảng cộng sản và CNXH tại nơi sinh ra Lênin.

Bài hát tặng bạn ngày chủ nhật: HÀ TÂY QUÊ LỤA

Đã 7 năm tròn, xứ Đoài Hà Tây (Hà Đông-Sơn Tây) bị thủ đô nuốt mất, kể từ ngày 1.8.2008. Chả biết có ai còn nhớ những hình bóng cũ. 
Năm 1974, mình đi tập bắn trên Sài Sơn, Sơn Tây, cả bọn hành quân kéo nhau lội bộ từ Hà Nội lên chùa Thầy. Vừa qua cuộc chiến tranh phá hoại, hố bom còn rải rác đây đó, những ngôi nhà đổ, cuộc sống vất vả, nhưng phải nói phong cảnh quê hương xứ Đoài thật đẹp, nên thơ, chả trách nhà thơ Quang Dũng say đắm biết bao nhiêu. Ở nhà dân, nhận thấy người dân xứ Đoài hồn hậu, nói ngọng như quê Hải Phòng mình, chất phác đậm ân tình. Tất cả đã xa rồi.
Hồi bé, mình nghe các anh chị nói với nhau, nếu xếp giọng ca nam của miền Bắc lúc ấy thì Quốc Hương là nhất, là số 1, không ai địch nổi. Dường như thế, về sau mình nghĩ, có lẽ chỉ ca sĩ Trần Khánh là có thể tranh chấp ngôi thứ hàng đầu với ông. Hai người này, mình luôn ngưỡng mộ. Nghe giọng Quốc Hương ngọt ngào ấm áp trong bài hát này, hiểu rằng anh chị mình và mình đã không sai.
Nhạc sĩ Nhật Lai không phải người Hà Tây, ông dân bộ đội tập kết, quê gốc Phú Yên, nhưng với Hà Tây quê lụa, ông đã mặc nhiên trở thành đứa con xứ Đoài. Bài hát ra đời năm 1965, năm thành lập tỉnh Hà Tây. Nay chúng ta nghe lại sau đúng 50 năm, khi Hà Tây không còn nữa.
Chúc bạn bè ngày cuối tuần sinh sắc hơn những ngày thường.
Nguyễn Thông

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2015

Quan ngại, dân đếch ngại

BÁ TÂN
Lãnh hải Việt Nam bị Trung Quốc ngang nhiên xâm lấn. Sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia đứng trước nguy kịch như nước sôi lửa bỏng. 
 
Trước hiện trạng như vậy, khi phát ngôn tại diễn đàn quốc tế cũng như trong nước, quan chức Việt Nam chỉ bộc lộ thái độ với bọn bành trướng Trung Quốc bằng những từ ngữ trên mức trung dung: chúng tôi quan ngại.

Hành động của Trung Quốc gọi đúng tên là xâm lược Việt Nam. Hành động ấy phải bị tố cáo, phải được lên án.
 
Giới lãnh đạo Trung Quốc chắc hẳn luôn ăn ngon, ngủ yên và quyết liệt chỉ đạo xâm lấn lãnh hải Việt Nam khi quan chức Việt Nam chỉ bộc lộ thái độ ở mức: chúng tôi quan ngại.

 Philippines lôi Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Là nước nhỏ và yếu nhưng Phi chọn cách dựa vào luật pháp quốc tế để đối chọi với Trung Quốc.

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

Chính quyền trong ta có còn không?

Ấy là lời của ông bạn tôi, một nhà báo nổi tiếng ở Hà Nội, nguyên văn: "mày ơi, tao hỏi khí không phải, chính quyền trong ta có còn không?". Y gọi điện cho tôi lúc nửa đêm, chả biết đùa hay thật, vừa giỡn hớt vừa bức xúc. Hay là y có tâm sự gì. Tôi bảo khuya rồi, đi ngủ đi, y nói mày đéo hiểu gì cả, rồi cúp máy.

Về sau, gặp nhau ở Sài Gòn, tôi nhắc chuyện cũ, y bảo sáng hôm ấy tao đi biểu tình chống Trung Quốc. Hèn gì mà đến khuya còn bức xúc thế. Câu nói vừa là đùa cợt, vừa nói lên một sự thật: con người ta bây giờ cảm thấy mọi điều rất mong manh, ngay cả sự tồn tại của một thể chế.

Tôi nhớ lại chuyện ấy bởi những ngày qua thấy bộ máy cầm quyền nước này làm nhiều điều khiến tăng sự mong manh đó. Khi lòng tin lẽ ra cần được củng cố, bồi đắp thì ngược lại, người ta phóng thêm vài nhát thuổng vào, phun nước xói cho nó lở thêm. Cứ lẩn thẩn nghĩ, nếu mình là nhà cai trị, mình phải lo lắm, nhưng sao thấy họ vẫn thờ ơ, quanh quẩn. Hay là họ cũng chả thiết tha gì, như đám đông dân chúng kia.

Thì chuyện Sơn La công bố định xây cái tượng đài cụ Hồ. Xây tượng Bác ở xứ ta không phải chuyện lạ. Đi đâu mà chả thấy, thậm chí Bộ Văn Thể Du còn lập hẳn bản quy hoạch tượng đài chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030, đã được Thủ tướng thông qua, được Ban Bí thư và Bộ Chính trị phê duyệt. Có nghĩa là còn nhiều tượng nữa, rồi nơi nào vùng nào cũng có, đừng vội tâm tư rằng bên trọng bên khinh, sao người ta có mà tôi không, thiệt cho chúng tôi, như anh chủ tịch Sơn La Cầm Ngọc Minh vừa thổ lộ. Tỉnh nghèo như Sơn La mà bỏ ra cả ngàn tỉ đồng nặn tượng, thiên hạ mắng cho là phải. Nhưng lỗi không hẳn ở chính quyền Sơn La mà phải truy tận ra chính quyền trung ương, bằng cớ là cái bản quy hoạch ấy, là cái công văn do chính ông Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phê duyệt. Nhẽ ra thấy chúng trình lên đề nghị này nọ thì phải xem cho kỹ, xua tay, khước từ, đại loại bảo đang nghèo thế, dân chúng cực khổ lầm than thế, tượng tiếc cái gì, nhưng cứ nhắm mắt ký. Đến khổ.

Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2015

Xưa và nay

Tôi không định nhắc đến cái tạp chí lịch sử có tên như vậy của ông Dương Trung Quốc, mặc dù đây là một trong vài ấn phẩm hiếm hoi có giá trị thời bây giờ.

Mà là chuyện khác, chuyện xưa rất gần với nay. Lấy cổ soi kim.

Hôm qua rảnh, bới cái tủ sách, lôi ra đọc một đoạn trong sách Mặc Tử, thiên Canh Trụ, có cuộc đối thoại giữa hai thầy trò Mặc Địch (Mặc Tử).

Tử Hạ hỏi thầy: Kẻ quân tử có đánh nhau không?
Thầy Mặc Tử giả nhời: Kẻ quân tử không đánh nhau.
Tử Hạ cãi, vặn thầy: Chó lợn còn cắn xé nhau, sao lại bảo kẻ sĩ không đánh nhau.
Mặc Tử cười giận: Đám hủ nho các ông, hễ mở miệng là khen vua Thang vua Văn, tán tụng Nghiêu Thuấn, nhưng đến khi làm thì lại bắt chước heo chó, làm theo heo chó. Thật đáng thương hại.

Ở xứ ta, dân dã gọi nôm na là nói một đằng làm một nẻo, bảo học này học kia tư tưởng đạo đức... cụ Hồ một đằng, nhưng cứ làm ngược lại, tất tần tật, chỉ được cái nói miệng chứ chẳng thực chất theo cụ được cái gì. Kể chi đâu xa, vụ xa xỉ hoang phí, màu mè hình thức diễn ra hằng ngày là rõ nhất.


 Nguyễn Thông

Bài hát tặng bạn ngày chủ nhật: NGƯỜI CON GÁI SÔNG LA

Mọi người nghe hát hay không thì tùy, nhưng nên đọc những thông tin sau đây cho biết.

Hôm qua 8.8, tại Nghệ An khánh thành di tích Truông Bồn, một túi bom thời chiến tranh chống Mỹ. Tại đây, trên một diện tích cái xóm nhỏ chỉ 20 ha đã có hơn 1.200 bộ đội, TNXP hy sinh. Tôi sực nhớ xứ mình những đất thiêng như vậy nhiều lắm, mà ngã ba Đồng Lộc ở Hà Tĩnh là một điển hình. Không chỉ 11 cô gái TNXP mà cả ngàn bộ đội đã hy sinh nơi này, trong đó có người anh họ tôi là Ngô Duy Điệng con bà bá tôi (bà Điện) khi anh đang trên đường hành quân vào nam, qua đây, nay chưa tìm thấy mộ. Rất nhiều người lính đã hy sinh khi chưa tới chiến trường.

Nhạc sĩ đại tá Doãn Nho, một nhạc sĩ quân đội kỳ cựu, chính ông là tác giả bài quân ca Tiến bước dưới quân kỳ và nhiều ca khúc nổi tiếng khác, trong đó có bài Chiếc khăn piêu mà anh chàng Tùng Dương nhờ đó mà đoạt giải Bài hát yêu thích.

Lời bài hát Người con gái sông La được phổ theo bài thơ của nhà thơ Phương Thúy. Ít người biết chị là nhân vật khá đặc biệt, một nghệ sĩ đàn tam thập lục nổi tiếng, là con gái cưng của nhà phê bình Hoài Chân Nguyễn Đức Phiên (người viết Thi nhân VN chung với anh ruột là Hoài Thanh), vợ của nhà báo nhà văn Tuân Nguyễn. Tuân Nguyễn bị nhà nước vu cho xét lại chống đảng, đi tù năm 1968, chị đằng đẵng chờ chồng, chấp nhận cực khổ. Sau 1975, anh được thả, hai anh chị vào Sài Gòn sinh sống, anh đi bán báo dạo kiếm sống, bị xe máy tông và chết. Chị về Bắc, bị tâm thần, phải vào trại tâm thần - dưỡng lão Bắc Ninh sống nốt những năm cuối đời, gần như quên hết cả những vui buồn khổ đau đã chịu đựng trong kiếp trầm luân này.

Ca sĩ Tường Vy là giọng hát nổi tiếng những năm 60-80, được phong NSND. Tôi nhớ hồi còn bé nghe người lớn kể viên đại tá Coong Le (người đời quen gọi là tướng Coong Le) thuộc phái hữu bên Lào sang thăm VN, chính quyền Hà Nội tìm cách lôi kéo y vào phe Pathet Lào của Suphanuvong. Y được nghe Tường Vy hát, mê quá, đề nghị cụ Hồ làm mối cho y, cụ bảo tùy cô ấy. Tường Vy không chịu, bộ đội ta thiếu gì người tài giỏi, có ế đâu mà phải lấy gã Lào. Cong Le không lấy được người đẹp, y về bèn dẫn quân giã cho đám Suphanuvong những đòn chí tử. Ấy là tôi nghe kể vậy. Giờ chị Tường Vy còn sống, giá có thời gian hỏi han kỹ càng, chắc có bài báo hay.

Bài hát này, cũng như những chủ nhật trước, ai thích thì nghe. Còn những thông tin trên, tôi biếu không cho các vị thư giãn ngày cuối tuần. Xin chào, hẹn gặp lại (cứ y như đài truyền hình).

Nguyễn Thông
https://www.youtube.com/watch?v=KMYqE7RRVkQ 

Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

Đàm phán nhanh không phải là thứ ăn nhanh

BÁ TÂN 
Sau 4 ngày đàm phán tại Hawai (Mỹ), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) lại tiếp tục bế tắc. Có lóe sáng, không bị tắt ngấm, nhưng lối ra rộng mở của TPP vẫn ở phía chân trời.

Cứ tưởng sau khi người đứng đầu nước Mỹ được trao quyền đàm phán nhanh, TPP được kết thúc nhanh ngay tại cuộc đàm phán này. Không ít người, kể cả quan chức, trong đó có quan chức VN, mơ tưởng hí hửng như vậy.

TPP có 12 thành viên. Mỹ, Nhật là 2 đối tác lớn nhất và giữ vai trò chi phối, kể cả thời điểm kết thúc đàm phán.

Là thành viên trụ cột, Mỹ không phải là cái phao cứu sinh để cho những thành viên khác bấu víu vào đó tránh khỏi bị chìm trong cuộc chơi đầy sóng gió.

Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2015

Tiết kiệm là quốc sách

Tiết kiệm là quốc sách.
 
Từ hồi còn bé tí tôi đã nghe những người trong bộ máy cai trị xứ này nói thế. Tôi sướng lắm bởi thày (bố) tôi cũng luôn nhắc con cái phải tiết kiệm, và đừng có màu mè hình thức. Vậy nên tôi góp ý với đảng và nhà nước:

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang thăm và làm việc ở xứ ta. Mà chẳng phải chỉ riêng ông Kerry, nước này từng đón tiếp rất nhiều ông to bà nhớn. Đáng lưu ý, đáng nhẽ những người đứng đầu bộ máy cầm quyền nước này (nhất là tứ trụ, mà sao lắm trụ thế) hoặc tụ họp nhau lại, hoặc cử một vị nào đó ra để thay mặt đón tiếp, trò chuyện, hội kiến, hội đàm chi chi đó, thì lại cứ tách riêng lẻ, mỗi ông tiếp một lúc, có khi chỉ trong một buổi chiều mà cả 4 ông tiếp, quanh đi quẩn lại vẫn dăm ba câu xã giao, vẫn vài nội dung mà các ông ấy đã quán triệt để nói với khách. Nhìn chung giống nhau đến 90%, chỉ khác cái bản mặt. Rất nhàm chán, lãng phí bởi một cuộc tiếp như vậy rất tốn kém tiền bạc, công sức, thời gian...

Tôi nhận thấy chỉ xứ ta mới màu mỡ riêu cua kiểu vậy, nước khác ít có bởi họ rất thực chất. Theo tôi, các vị nên gộp làm một lần, chỉ trừ trường hợp mỗi vị có những riêng tư muốn thì thào với khách. Nhưng làm gì có chuyện ấy, nhỉ.
 
Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

Không muốn khen nó cũng phải khen

Nhiều báo VN hôm nay đưa tin hàng vạn tàu cá Trung Quốc bắt đầu tràn ra biển Đông.
Tôi nhìn nhận một cách khách quan như vầy:
-Hết lệnh cấm thì tàu nó hoạt động trở lại, đó là điều bình thường. Chính quyền nó cấm, dân nó chấp hành khá nghiêm túc, ở một nước cả tỉ rưỡi dân, nếu không có sự tuân chỉ như vậy là loạn ngay. Nên khen sự nghiêm của dân nó.
-VN thì bảo đó là lệnh cấm trái phép. Thực ra sự trái phép ấy nằm ở chỗ vùng biển cấm bao hàm cả biển hai nước đang tranh chấp. Năm nào nó cũng cấm, năm nào VN cũng bảo là trái phép nhưng rút cục chả làm gì nó và chả làm gì được nó, chỉ nói cho phải phép thôi. Nói mãi nhàm.
-Xét dưới góc độ khoa học, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên thì nó làm thế là hơn mình chứ không ẩu tả khai thác cạn kiệt như mình. Có lẽ vì vậy mà chỉ có VN phản đối, còn những nước khác im lặng. Đúng ra là nên học nó trong cách đối xử với thiên nhiên.
-Vấn đề còn lại là suốt 3 tháng qua, tàu cá nó nằm bờ, lực lượng kiểm ngư và cảnh sát biển của ta cũng được nhàn rỗi. nay nó tràn ra biển Hoàng Sa và Trường Sa đánh bắt, liệu xử sự sao đây, hay chỉ giao cho ông Lê người phát ngôn bộ Ngoại giao?
Nguyễn Thông