Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2019

Kỹ năng sống

Nhiều người cứ nghĩ kỹ năng sống là cái gì đó rất ghê gớm, chứ thực ra không phải vậy.

Tôi rất nhiều lần gửi xe và lấy xe (tất nhiên là xe máy) ở những bãi xe đông nghìn nghịt. Có lúc cả vài chục người sắp hàng chờ trình thẻ, trả tiền để lấy xe ra về. Gặp khi trời nắng gắt hoặc mưa tạt thì lại càng sốt ruột.

Vậy mà tôi thường xuyên chứng kiến cảnh rất nhiều chủ xe tìm được xe của mình trong bãi, hình như cứ thế cắm chìa khóa vọt thẳng ra nơi kiểm soát vé. Tới đó mới lúng túng móc túi này túi nọ tìm thẻ, tìm tiền, rồi có khi không chuẩn bị sẵn tiền lẻ mà chìa ra cả tờ mệnh giá lớn. Đáng nhẽ chỉ mất chưa đầy 1 phút nhưng kéo dài tới cả chục phút, vừa bực bội cho người giữ xe, vừa làm khổ những người chờ phía sau.

Chỉ một việc nhỏ thôi, lấy sẵn thẻ, chuẩn bị sẵn tiền (đúng với giá quy định càng tốt) mà không làm được, chả hiểu họ sẽ làm được điều gì to tát cho xã hội.

Không chỉ xảy ra ở bãi xe, ngay cả tại các trạm xăng, trong các siêu thị, cái thứ "vô kỹ năng" như trên nhan nhản, vậy mà bộ máy tuyên truyền lúc nào cũng nức nở ca ngợi con người xứ ta nhanh nhẹn, thông minh, đầu óc hơn người...

Kỹ năng sống là vậy. Không cần phải được ai dạy, bởi cuộc đời sẽ dạy ta, vấn đề là có tiếp thụ được hay không.

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2019

Ngồi xó bếp nói chuyện thế giới: Rất buồn cười

Mụ (chứ không phải vụ) phó của thằng cha chủ trương tiến lên nghèo đói, Maduro, bên Venezuela vừa lên tiếng đề nghị Mỹ nối lại đàm phán và quan hệ giữa hai nước. Mụ đèo thêm lời đe rằng Mỹ chỉ có lối thoát duy nhất này chứ không còn cách nào khác.

Chỉ có điều, nhiều người xứ ta không biết, mà báo chí chính thống xứ ta cũng cố ý lờ đi, là chính Venezuela từng chủ động cắt đứt quan hệ với Mỹ (khi ấy thì khen quá trời, rằng Maduro tay trên). Nay lại chủ động đề nghị Mỹ nối lại. Mẹ kiếp, tưởng là ông trời chắc. Khổ nỗi, Mỹ cứ lờ đi, kệ bố ông giời, sắp chết đến nơi còn làm cao.

Thực ra bọn Maduro đáng nhẽ chết lâu rồi nhưng bị đám Nga, Trung Quốc, Cuba, Triều Tiên và... ấy ủn sau lưng, nên hấp hối được tới giờ. Bọn Nga cứ thầm mong Mỹ can thiệp, đánh nhau để có cớ nhảy vào, nhưng cha con nhà Trump lại khôn, đếch ra đòn nên Nga sa lầy. Dân xứ Ve đói quá, ắt phải tự đứng dậy. Ở đâu cũng thế. Không sớm thì muộn.


Thằng cha mặt phì Maduro có lẽ không qua khỏi con trăng cuối thu này. Tôi mà gặp cái mặt nó, chắc phải nhéo cho một phát rõ đau để nó kêu làng kêu nước lên, rằng ối ông ơi ông tha cho cháu. Tha này, tha này...


Nguyễn Thông

Viên chức

Chính quyền TP.HCM đứng đầu là ông Nhân và ông Phong rất vớ vẩn khi đề xuất đặc cách "hàm" viên chức cho người này người nọ.

Đã từ lâu, cả nước thực hiện nhiều cải cách về bộ máy hành chính cũng như tổ chức, nhân sự, luật lao động... để bắt kịp và phù hợp với những đổi thay của cuộc sống. Ngày xưa, dù ngu đục hay tài giỏi thì cũng phải cố sống cố chết kiếm được một suất biên chế trong guồng máy được nhà nước trả lương, dù miệng luôn than thở lương ba cọc ba đồng. Làm công chức hoặc viên chức nhà nước, ít nhất cũng có được đồng lương chết đói. Nhiều người không dám từ bỏ nó, bởi sợ thoát ra thì mình sẽ bị chết đói hẳn.

Cả một bộ máy phình to, dựa dẫm nhau, anh này trông anh kia, hiệu quả thì ít, dở xấu thì nhiều. Đầy bất công.

Cũng may, sau mấy chục năm dài, người ta nhận ra cái thực thể ăn bám tầm gửi ấy, tiến hành cải cách và thanh lọc được bộ máy. Người nhà nước, công chức, viên chức không còn vênh vang, đặc quyền đặc lợi như trước nữa. Giảm biên chế, thay vào đó là ký hợp đồng, dù cơ quan đơn vị nhà nước hay của tư nhân tập thể. Ai có tài, giỏi giang thì làm, kém tài thì thôi. Thu nhập lương bổng tính theo khả năng đóng góp. Muốn làm thì làm, không muốn làm thì xin đi chỗ khác. Không nhất thiết cứ phải là công chức, viên chức ăn lương nhà nước, được ngân sách chi trả.

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2019

Chả biết đâu mà lần với các bố

Ông Nhân tổng đốc Sài thành bị báo chí chê cười khi bàn sâu chuyện có con. Không phải là làm thế nào để có con (hì hì, nhạy cảm lắm) mà nên có bao nhiêu con. Thực ra thì chuyện sinh đẻ có kế hoạch, nó cũng giống như chính sách thời bao cấp, có chung nguồn gốc sinh ra là... đảng và chính phủ.

Để cấm đẻ nhiều, nhà nước tuyên bố mỗi cặp vợ chồng chỉ được đẻ tối đa 2 con, nếu nhõn 1 con càng tốt. Họ gọi là kế hoạch hóa gia đình. Họ bắt chước Trung cộng, nhưng khổ nỗi dân Tàu vốn đã quá đông, nhiều quá quản không xuể (dù đất Tàu rất rộng), nên hạn chế đẻ đái. Xứ ta có mấy chục triệu, cứ nhắm mắt bắt chước, cấm tiệt. Từ đó sinh ra 3 khoan (khoan yêu nhau, khoan cưới, khoan có con), hoặc đứa nào thậm thụt đi lại, đánh chũm chọe với nhau thì bị kết tội hủ hóa (tội này nặng chỉ sau tội phản quốc), tuyên truyền đặt vòng cho cả bà già, v.v.. Dân gian còn bắt chước bài hát "Quảng Bình quê ta ơi" của cụ nhạc sĩ Hoàng Vân, gặp nhau là rống lên "Khoan khoan hò khoan", rồi chế "Cứ đồng ý đi. Khoan khoan hò khoan. Anh bảo bu rồi. Khoan khoan hò khoan. Em thèm con không. Khoan khoan hò khoan"... Nói chung sinh đẻ rất nghiêm, giao hẳn đại tướng phụ trách, không khác gì đánh trận, dân đen vi phạm vụ sinh đẻ có kế hoạch sẽ bị buộc thôi việc, cán bộ thì kiểm điểm, hạ lương, cắt thi đua. Tuy nhiên, ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì kệ chính sách của chính ông ấy, đẻ sòn luôn 3 đứa lại chả bị làm sao. Để bây giờ có anh cu út Triết làm cán bộ to ngoài miền Trung, dân gian gọi đùa là thằng cu Thêm. Thế mới quái.

Giá rẻ

Nghe một số hãng hàng không giá rẻ "phàn nàn" khiếu nại việc hãng Vietnam Airlines niêm yết giá vé chỉ đưa ra trọn gói (và thòng câu trong giá đã tính đủ các loại thuế, phí) mà không công bố cụ thể, chi tiết từng loại thuế phí, mình chỉ cười.

Mình ít tiền, lâu lâu mới dám về quê, sức yếu nên đành chấp nhận phung phí, đi máy bay cho nó nhanh, đỡ tốn tiền cơm tiền thuốc dọc đường. Đi xe Phương Trang chẳng hạn, gặp cái quán cơm tù rồi chẳng biết có chui ra được mà về với mẹ đĩ. Trước kia, vào mạng bán vé của Jetstar, VietJet, rồi cả Bamboo nữa, thấy giá rẻ rề, mừng hú, lần mò đăng ký mua, cứ "tiếp tục", "tiếp tục" mãi, tới khi thành tiền, cao gấp 2 - 3 lần giá ban đầu, chưng hửng. Chả rẻ được tí nào, chả rẻ bao nhiêu, nhất là với đối tượng chính sách lý lịch bần cố nông nghèo bền vững như mình.

Mua của VNA, thấy giá nào hợp túi tiền, đăng ký trực tuyến mua, dù có tiếp, tiếp mấy đi chăng nữa, chốt lại vẫn giá đó, cảm thấy thoải mái, nhất là không có tâm trạng ấm ức bị lừa. Đó là chưa nói hành lý thoải mái hơn nhiều.

Các hãng phàn nàn nên biết rằng, với khách hàng, với người mua, họ không cần biết các vị đóng thuế bao nhiêu, họ phải nộp phí gì, việc ấy là việc của các vị với nhà nước, họ chỉ cần biết phải bỏ ra bao nhiêu tiền, thế thôi.

Phàn nàn làm chó gì, ăn nhau là cứ phải cạnh tranh đàng hoàng, rẻ thực sự, bớt những rườm rà, rắc rối, phiền phức, lừa miếng. Lừa được một lần chứ sao lừa mãi.

Nếu hãng bay của ông Vượng Vin được cấp phép và chính thức bay, ông hãy lưu ý điều này cho bà con nhờ, ông nhé.

Nguyễn Thông

Dụng nhân như dụng mộc

Các cụ bảo vậy. Gỗ dù có tốt như tứ thiết đinh lim sến táu, có quý như gỗ sưa bán theo lạng theo ký, nhưng không biết dùng nó, không dùng vào việc thích hợp thì cũng chả khác gì gỗ tạp bạch đàn, gỗ bàng, gỗ ổi, thậm chí cây vông cây đay, chỉ để đun cám lợn.

Anh Hùng bộ trưởng 4T bây giờ cũng vậy, nghe nói là người giỏi, và đã chứng tỏ được cái giỏi ấy khi góp phần xây dựng đế chế Việt Teo (Viettel), tất nhiên có sự o bế hỗ trợ tối đa của nhà nước, lại lợi dụng được cái thế ưu đãi đặc biệt quân sự quốc phòng. Ở ngôi này, gỗ Hùng có thể xem như tứ thiết, hữu dụng.

Nhưng không phải cứ giỏi chỗ này việc này thì có thể làm giỏi chỗ khác việc khác. Một ông bắn cung bách bộ xuyên dương nhưng vẫn rót dầu thua ông bán dầu khi rót làm sao đừng văng khỏi miệng chai. Một ông chuyên về lý luận suông mà giao cho quản trị đất nước trị quốc bình thiên hạ thì chỉ có hỏng. Tôi đây, ăn nhậu là giỏi nhưng nếu cho làm giám đốc ngân hàng thì chỉ vài ba bữa sẽ cạn vốn, lại chả đi tù chứ đùa.

Ông Hùng cũng vậy, để giám quản Việt Teo thì được, cho làm sếp 4T, nói nhăng nói cuội, chưa chi đã thành củi bàng củi đay đun cám lợn thì kể cũng đáng tiếc.

Nguyễn Thông

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2019

Đặt tên

Thế sự du du nại lão hà. Việc đời ngồn ngộn qua trước mắt mà ta già mất rồi. Nhưng... kệ mẹ già, nói được cái gì cứ nói. Học cụ Phan Khôi, cụ bảo:

"Nắng chiều đẹp có đẹp
Tiếc tài gần chạng vạng,
Mặc dầu gần chạng vạng,
Nắng được thì cứ nắng. (Nắng chiều, 1956).

Ông trời rất khéo, mọi thứ ở trên đời đều có tên, ban cho cái tên. Chẳng hạn tôi là Thông cào. Tên do thày bu đặt, nhưng cũng là trời cho. Tên thế nào, thường tính nết thế ấy. Chỉ thích cào.

Nhưng cũng có những cái tên một đằng, người (hoặc sự vật) một nẻo. Tôi có ông bạn tên Đại nhưng chỉ cao mét rưỡi, nặng hơn 4 yến, tuy nhiên cực kỳ thông minh, cái đếch gì cũng biết. Một ông khác tên Nhỏ bị béo phì, gần 80 cân tây, cao hơn tôi 2 cái đầu, may mà cũng rất khôn, nhìn đâu cũng ra tiền. Những anh tên Nhân thường rất ác, chị tên Hiền thì cực dữ, tên Thông như tôi lại vừa ngu vừa bế tắc, v.v..

Ở xứ ta, ông Đảng lúc nào cũng tự cho là đỉnh cao trí tuệ nhưng suy nghĩ và đạo đức lại thấp tè. Hòn ngọc Viễn Đông bị biến thành rác rưởi, vùng sâu vùng xa nghèo đói cơ hàn thì có thể tìm thấy ngay giữa lòng thủ đô hòa bình...

Rất nhiều tỉnh và huyện trong tên có chữ Bình nhưng nghiệm thấy những anh Bình lại là những anh hay loạn nhất, đánh nhau chí chóe, giết người như ngóe. Vài ba hôm lại một vụ, không Bình này thì Bình kia.

Quốc hội có cái ủy ban tên rất vớ vẩn: Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Đặt như thế, theo trật tự tiếng Việt, hóa ra Nhi đồng, Thiếu niên cũng ngang với Văn hóa, với Giáo dục. Thế mà họ cũng để được. Lại còn Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội. Cũng vớ vẩn, thương binh là một vấn đề xã hội rồi, tách làm quái gì. Nếu bảo do hậu chiến lắm thương binh, cần phải đặt riêng ra để chú trọng, nổi bật, thì bây giờ còn mấy ông nữa mà vẫn tách.

Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2019

Chuyện bóng đèn phích nước

Tôi hơi bị xui. Chả là từ khá lâu rồi, cố lục lọi bộ nhớ già nua cũ kỹ, giống như thứ bộ nhớ của cái máy tính cổ lỗ sĩ 286 khi mới có ở xứ này, để biên “chuyện xưa tích cũ” về một thứ đồ dùng quen thuộc trong mọi gia đình hồi trước. Ấy là bóng đèn phích nước. Chưa kịp động phím, đùng một cái xảy ra vụ cháy Rạng Đông. Cả nước nhao nhao. Kể lại mấy thứ có liên quan dễ bị quy thành ăn theo lắm. Mà không kể thì đợi đến bao giờ.

Xứ ta, nói tới bóng đèn phích nước là nghĩ ngay đến nhà máy Rạng Đông. Suốt một thời gian dài, cái logo Rạng Đông in trên giấy, vẽ trên thủy tinh, dập trên nhôm, có ở tất cả sản phẩm bóng đèn, phích nước, đã tạo nên thời vàng son của nó. Đó là hình ảnh một nửa ông mặt trời đang nhú lên với những tia nắng hình rẻ quạt. Biểu tượng ấy theo Rạng Đông suốt hơn nửa thế kỷ, chui vào từng nhà.

Tôi không rõ lắm, bởi còn bé tí, nhưng biết chút ít, hồi những năm cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 miền Bắc bắt đầu xây dựng các nhà máy xí nghiệp để thực hiện cách mạng công nghiệp hóa. Trong khi anh cả Liên Xô giúp súng đạn máy bay tàu bò để đánh nhau thì Trung Quốc gánh phần giúp phát triển sản xuất. Hầu hết nhà máy xí nghiệp mới, được ra đời thời kỳ này có sự giúp đỡ của “anh hai”. Cụ thể là cụm công nghiệp Cao Xà Lá gồm 3 nhà máy Cao su (Sao Vàng), Xà phòng (Hà Nội), Thuốc lá (Thăng Long) tại căn cứ địa Thượng Đình; nhà máy Bóng đèn phích nước (Rạng Đông) ở khu Hạ Đình. Thời ấy, từ Ngã Tư Sở trở ra chẳng khác gì ngoại thành, càng đi về Hà Đông càng thưa thớt nhà cửa, từ ga xe điện Cầu Mới trở ra chỉ tinh ruộng là ruộng. Đầu thập niên 70, tôi diện xe điện 5 xu, từ bờ Hồ về Mễ Trì, tới ga Cầu Mới, tàu chạy một mạch qua chợ Xanh thì còn thấy dăm ba ngôi nhà ven đường, chạy thêm nữa đường tàu chỉ ven theo ruộng lúa. Tàu dừng ga Thượng Đình cho sinh viên trường Tổng hợp và công nhân khu Cao xà lá (đối diện với trường, bên kia đường) xuống, chạy hơn cây số nữa tới ga Thanh Xuân.

Ngụy

Hôm 28.8, trên mục "Đối diện" của VTV, trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn và thiếu tướng Hoàng Kiền, hai tướng diều hâu kịch liệt phê phán những người đã không chịu gọi chính quyền Sài Gòn trước năm 1975 là ngụy. Theo các tướng, chỉ có thể là ngụy, không thể nào gọi khác được.

Cũng chả biết nói thế nào. Ở địa vị và tâm thức của các ông ấy, thù dai như thế là còn nhẹ.

Cuộc tranh cãi từ ngữ này sẽ còn khá dài, ít nhất cũng phải mất tiệt thế hệ đã trực tiếp đánh nhau nội chiến và thành bên thắng cuộc. Sau này con cháu sẽ nhìn nhận nhẹ nhàng, cởi mở hơn, mà không cần phải lên "Đối diện" mắng mỏ, chê bai. Khi ấy thì ngay cả chính cái thứ đối diện dở hơi này cũng chả còn. "Năm tháng sẽ qua đi, những cuộc chiến tranh sẽ im ắng dần, những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét, chỉ còn lại tấm lòng em nhẫn nại và chan chứa yêu thương" (Con đường đau khổ, A.Tonstoi).

Tôi không phê phán gì ông Tuấn ông Kiền bởi họ có chính kiến của họ, tôi có chính kiến của tôi. Chỉ lăn tăn, một khi mấy công thần xứ này còn kiên quyết gọi chính thể, chính quyền Việt Nam cộng hòa là ngụy, ngụy quyền, ngụy quân thì nhà chức trách đừng bao giờ nghĩ đến việc dùng những tài liệu mà "ngụy" từng ban hành khẳng định chủ quyền về Hoàng Sa, Trường Sa để đấu tranh với bọn Trung cộng. Đừng để bọn Tàu nó vặn cho một cái lại cứng họng ra, ú ớ không biết trả lời thế nào. Đã là ngụy thì chả có ý nghĩa giá trị gì. Cứ cử ông Tuấn ông Kiền đi mà đòi.

Nguyễn Thông


Rạng Đông

Trong vụ Trernobin Rạng Đông, nhà chức việc (cả chính quyền lẫn cơ quan chuyên môn) dường như chỉ quan tâm đến uy tín, tiếng tăm của chế độ chứ không thực lòng chăm lo đến tính mạng, sức khỏe con người.

Đúng ra, dù chưa xác minh được thật cụ thể hậu quả tai hại của vụ cháy đầy nguy hại này, thì việc đầu tiên là phải đưa ra cảnh báo đỏ, thậm chí chấp nhận sơ tán dân chúng (dù có tốn kém và gây xáo trộn nhất định) trong một thời gian thì chính quyền lại vội vàng khẳng định an toàn thế này, đạt ngưỡng thế nọ, thậm chí lại còn hùng hổ dọa kỷ luật quan chức địa phương (phường Hạ Đình) do đã có cảnh báo sớm với dân. Họ làm tất cả chỉ vì bệnh sĩ của chính quyền chứ không phải vì dân.

Cần biết chất độc không phát tác và gây họa trong một sớm một chiều. Không khí, đất đai, nước, vật chất (kể cả thực phẩm) nơi đó đã bị nhiễm độc. Hạn chế được sự tác động của nó tới con người bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Nhà cai trị nên hiểu rằng nếu sau này những đứa trẻ được sinh ra ở đây bị dị dạng, tật nguyền nhiều hơn hẳn so với bình thường và trước đó, nếu tỷ lệ người bị ung thư tăng thêm, thì nạn nhân có quyền khởi kiện chính quyền, bắt phải bồi thường. Tính mạng và số phận con người không phải là thứ muốn vần vò thế nào cũng được.

Đô trưởng Nguyễn Đức Chung hãy đeo ngay mặt nạ đến tận nơi mà xem xét, chứ đừng ngồi trong phòng lạnh bên hồ trả gươm rồi phán phản cảm phản kiếc nọ kia.

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2019

Bác cả Năng (kỳ 4, cuối)

Lại nói, lớp ta, khóa 17 ta nhiều đấng bậc, trưởng lão, bác cả, nhưng có những bậc, phần thì do tính cách sống nội tâm, ít chơi bời quan hệ, ngay cả các em K17 xinh già như thế nỉ non thỏ thẻ mà vẫn không động lòng, phần thì ngại, mà chả biết ngại cái gì, phần do cách trở địa lý, vùng sâu vùng xa, phần bị trời điểm danh sớm, v.v.. nên nhiều cụ bặt tăm. Cụ Nguyễn Ngọc Xuân biệt tích cho tới giờ. Các cụ Lê Xuân Sang, Phạm Văn Sỹ, Ngô Đức Nguyên thì lấy visa lên thiên đường sớm quá. Cụ Bùi Trọng Cường ở ngay trung tâm kinh đô nhưng cũng ít khi thấy mặt, ít tham gia trò vui của đàn em, cũng có thể một phần bận bịu vợ trẻ con mọn. Cụ Lê Văn Sơn cũng vậy. Cụ Hoàng Sĩ Chiến lo đắp tình hữu nghị Việt - Lào. Cụ Doãn Tấn thì sức khỏe ngày càng sa sút. Cụ Lê Quốc Lập đối tượng chính sách. Cụ Huy Cờ cứ có lệnh là đi, ít khi vắng mặt nhưng chưa thấy đứng ra làm nhiệm vụ tập hợp, phất… cờ. Bao nhiêu trọng trách, dồn cả vào mấy cụ Lê Tài Thuận, Trần Triều Nguyệt, Trần Ngọc Hồng, Vũ Lệnh Năng. Và thật ngẫu nhiên, các cụ này cắm chốt ở từng quân khu rải ra khắp nước, như những vị tư lệnh của sư đoàn ăn chơi lúc tuổi xế chiều. Tuổi tác càng cao lại càng xông xáo kịch liệt, các em càng thích. Con thuyền K17 còn trôi nổi được như bi chừ, phần lớn nhờ vào công của các cụ. Nhất là cụ Năng.

Suốt mấy năm mài mông ở Mễ Trì, cứ nghỉ hè là tôi tót về nhà. Vừa cắt cơm được gần một tháng, lấy tem phiếu lương thực để sau này đổi bánh cuốn Thanh Trì hoặc ra Ngã Tư Sở đổi bánh mì, vừa đem bộ mặt thiểu não về cho thầy bu xác nhận và cấp viện trợ sống tới tết. Hà Nội chỉ cách Phòng có 104 cây số, vậy nhưng mỗi năm chỉ về đúng 2 lần, là 2 dịp hè và tết. Chả bù cho con bé cháu gọi tôi bằng ông, tuần nào cũng thập thò ở nhà thày bu nó, đến nỗi thằng cháu tôi, tức bố đẻ con kia, phải gắt lên mày học ở thủ đô hay ở quê, cứ suốt ngày cúng tiền cho bọn xe khách Hải Âu, Hoàng Long thì tiền núi cũng chả đủ.

Góp ý với các nhà báo (phóng viên, biên tập viên): Lũ lụt

Trời mưa lớn, đang định đi đám cưới mà cứ mưa trói buộc kiềm tỏa thế này. Phố xá ngập như sông, xe máy đương nhiên đầu hàng rồi, mà ngay cả ô tô cũng lần chần ngần ngại. Tôi gọi điện thỉnh chiếc Grab, nó bảo chú ơi ngập lụt hết rồi, chú thông cảm nhé. Tôi càu nhàu, tao phải đi đám cưới, kệ mày, mày cứ phải chở tao đến, không tao bắt đền. Nó cười trong máy, cháu chở chú thì cháu có tiền, nhưng lụt như kia thì cháu chịu, tiền tấn cháu cũng chịu.

Nghe nó nói, lại nghĩ tới nghề. Không phải nghề lái xe mà nghề viết, nghề báo, phóng viên, nhà báo, những người sử dụng tiếng Việt để kiếm ăn. Hóa ra họ còn thua cả anh lái xe Grab chỉ quen với vô lăng, đường phố.

Chả là mấy hôm nay miền Trung, nhất là 2 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình bị mưa nhiều, lũ lụt. Sự nghiệp phá rừng để xây dựng chủ nghĩa xã hội đã hoàn thành, về đích sớm nhất, vượt kế hoạch, thậm chí đã phá sang… Lào, thì đâu còn rừng, tấm thảm xanh nữa để mà ngậm nước, giữ nước mưa. Sông suối bị tống quả bom nước biến thành dòng chảy dữ, lao về hạ lưu, biến cả vùng hạ du thành biển nước. Lũ đã gây ra lụt. Những vùng nông thôn ven sông vốn yên bình bỗng dưng thành túi nước, nơi chứa nước.

Chỉ có điều, các nhà báo yêu quý của chúng ta, giỏi cái gì thì chưa biết, nhưng rất dở tiếng Việt, dở thứ công cụ mà họ dùng hằng ngày, dở cái cần câu cơm của họ. Chả cần tinh ý, cứ coi tivi, nghe đài phát thanh, đọc báo in báo mạng, đều thấy họ nhất nhất gọi những vùng đang ngập nước là vùng lũ, kể cả những nơi bị mưa to ngập lụt, không liên quan gì tới lũ cả.

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2019

Bộ máy

Hệ thống cai trị, dù ở một cơ quan, đơn vị, địa phương, hay mở rộng ra cả một nước, người ta quen gọi là bộ máy. Người cộng sản từng phải thừa nhận khâu tổ chức, chọn người, dùng người là khâu quan trọng nhất, điều kiện tiên quyết để có những thứ khác.

Ở xứ ta, ai cũng biết, đảng độc quyền lãnh đạo nên bộ máy công quyền là của đảng. Hay, dở thế nào, dân cũng phải chịu.

Điều thấy rõ nhất, từ cấp trung ương xuống tới cơ sở, nếu không phải đảng viên thì ai dù có tài đến mấy, đạo đức đến mấy cũng không được "cơ cấu", cất nhắc, bổ nhiệm, đưa vào bộ máy lãnh đạo. Phi đảng viên bất thành lãnh đạo.

Chính bị thứ nguyên tắc rất oái oăm và vớ vẩn này chi phối nên có thể nói gần như 100% người vào đảng không phải với mục đích, động cơ được cống hiến, phục vụ cho đất nước, nhân dân, xã hội, mà chỉ vì cá nhân, cụ thể để có tiêu chuẩn tiên quyết rồi được làm quan. Phẩm trật quan chức đã khiến người ta bằng mọi cách được kết nạp đảng. Quỵ lụy, xun xoe, nịnh nọt, và cả hối lộ, đút lót, mua bán, vừa mất tư cách cá nhân, vừa mất tiền, chỉ để thành đảng viên, thành cán bộ.

Sau khi có ghế rồi thì tìm cách thu hồi thứ đã bỏ ra. Tiền có thể thu hồi được, nhưng nhân cách mất hẳn. Có ghế rồi, làm gì, nói gì cũng chỉ cốt bảo vệ ghế của mình. Vụ bà phó chủ tịch quận Thanh Xuân càn rỡ sau hỏa hoạn nhà máy Rạng Đông là một ví dụ. Gần như 100% vụ tham nhũng ở xứ này, thủ phạm đều là đảng viên. Tôi đố ai tìm được một người nào không phải đảng viên, cán bộ mà dính tham nhũng đấy.

Với một bộ máy như thế, dân chưa kịp hưởng sự lãnh đạo sáng suốt của họ thì đã thành nạn nhân của chính họ.

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2019

Tiếng nói người dân

Theo báo chí, ông bộ trưởng Nhạ và ông phó thủ tướng Đam vừa có nói rằng sẽ xem xét lại "ngày khai giảng" để nó trở nên đúng nghĩa hơn.

Tôi đề nghị hai ông, ngành giáo dục, cũng như chính phủ:

-Không gọi ngày khai giảng mà phải là ngày khai trường. Khai trường là mở lại hoạt động dạy và học của nhà trường sau thời gian nghỉ hè, bắt đầu một năm học mới. Khi đã coi học trò như nhân vật chính, đối tượng trọng tâm của nhà trường thì càng không thể dùng chữ khai giảng bởi như vậy chỉ đề cập đến hoạt động của riêng giáo viên. Đó là chưa nói, cụ Hồ xưa cũng luôn dùng chữ "khai trường" trong mọi văn bản của cụ. Học cụ thì học luôn đi.

-Tổ chức ngày khai trường phải làm sao thật tình cảm, để lại trong lòng học trò, nhất là học sinh lớp 1, những ấn tượng thật đẹp, thất khó quên về buổi đầu đời. Đừng lòe loẹt, hình thức, đừng bắt các cháu đội nắng đội mưa chờ quan khách, đừng bắt nghe những lời sáo rỗng tràng giang đại hải. Các quan chức tới dự được thì dự, không nhất thiết phải làm long trọng viên, thậm chí chỉ nên coi mình như một phụ huynh bình thường. Đánh trống khai trường, tốt nhất là do chính thầy hiệu trưởng thực hiện.

-Điều đặc biệt, cứ phải khai trường xong thì mới bắt đầu năm học, bỏ ngay chuyện bắt học sinh và thầy cô giáo tới trường học cả mấy tuần, sau đó mới "khai giảng", rất vô lý và tào lao, chả có ý nghĩa gì, chỉ còn mang tính hình thức vớ vẩn. Còn chọn ngày khai trường nào cho thích hợp với việc thực hiện chương trình năm học để áp dụng thống nhất trên cả nước thì nên cân nhắc, không nhất thiết cứ phải ngày 5.9.

-Ông Đam và ông Nhạ có lẽ đều đọc tác phẩm "Những tấm lòng cao cả" của nhà văn Ý Edmondo De Amicis. Cứ dựa vào đây mà quyết việc khai trường, không cần phải bàn nhiều cho rách việc.

Nguyễn Thông

Bác cả Năng (kỳ 3)

Hồi nãy có lẩn mẩn kể bác cả Năng lấy xe đạp lai (đèo) mình đi Thượng Đình. Cả hai lớp văn, văn A (lớp trưởng Lê Xuân Sang) và văn B (lớp trưởng Phạm Văn Sĩ, cả hai thủ trưởng đều sớm theo cụ Hồ), nếu tính đếm thật tỉ mỉ, may ra có độ chục chiếc xe đạp, trên tổng dân số gần trăm người. Mấy bác quân khu Thanh Hóa mặc dù là cán bộ cấp cao (lớp trưởng, lớp phó, bí thư đoàn, trưởng ban tự quản) nhưng có nhẽ dân xứ Thanh cũng nghèo, nên không mấy ai có xe. Không kể bọn con gái, vài đứa nhà khá giả cấp cho chúng ngựa sắt, còn phe đàn ông tôi liệt ra được các chủ thể “tuyên bố chủ quyền xe đạp” gồm: cụ Bùi Trọng Cường có chiếc Phượng Hoàng, cụ Nguyễn Ngọc Xuân chiếc Favorit, “thằng” Hoàng đen sở hữu chiếc xe nam cũng đen như chủ không chuông không phanh, xe này không ai dám mượn, mất mạng có ngày. Thằng Tân loe xài chiếc xe cuốc thể thao của Tiệp lốp bé tí như ngón tay, thằng Chương có một chiếc nhưng tôi không nhớ hiệu gì, hình như anh Hoàng Sĩ Chiến và anh Trần Nam Việt cũng có. Và tất nhiên trong đội ngũ địa chủ tầng lớp trên ấy có bác cả Năng.

Tôi ở cùng phòng với cụ Xuân nhưng suốt 4 năm rưỡi chưa hề mượn xe cụ lần nào. Phần vì đó là chiếc xe quý, quá đắt, màu xanh ngọc mới tinh, lỡ mất thì đền nhọc, về quê bán nhà cũng không đủ tiền đền; phần vì cụ kỹ quá, lau suốt ngày. Xe cụ Xuân để sát ngay cái tủ tường 2 ngăn dùng chung của cả phòng, cứ đi qua cụ lại lau một nhát, đi lại cụ thổi phù một nhát, bụi cũng chả còn chỗ đậu. Anh Cường còn nhận xét xe cụ Xuân lúc nào cũng bóng lộn lồn lồn. Mỗi sáng ngủ dậy, cụ lấy chiếc khăn mùi xoa phủ trên gối ra, hai tay cầm hai góc, phất một nhát, kêu phật, bao giờ đủ 4 phất 4 phật thì mới xếp vuông vắn. Tôi ở giường dưới ngước lên chứng kiến, hôm nào cũng như hôm nào, thấy mà kinh. Đố dám mở mồm mượn xe.

Thứ Hai, 2 tháng 9, 2019

Thành ngữ mới: Tư bản giãy chết (kỳ 2)

Như đã nói, đây là thứ thành ngữ mới, tồn tại trong thời gian khá dài hơn nửa thế kỷ ở nước ta, phổ biến vài chục năm trước 1975 ở miền Bắc, sau đó thêm vài chục năm nữa ở miền Nam và cả nước. Bây giờ thì ít nhắc đến. Nó là sản phẩm của tư duy cộng sản, nằm trong loạt thành ngữ mới như “bơ thừa sữa cặn”, “đế quốc sài lang”, “đời đời bền vững”, “ngăn sông cấm chợ”… (những thành ngữ này, tôi đã viết và tải lên FB cả rồi), do chính người cộng sản đẻ ra, cả trong thực tiễn lẫn lý luận.

Cần phải nói ngay rằng các đảng và tổ chức chính trị khi đứng ra giành quyền lãnh đạo luôn đề ra đường lối, chủ trương, xu thế cho đất nước và dân tộc. Nước nào cũng thế thôi. Khi nó là lý thuyết thì thường rất hay, chỉ có trải qua thực tiễn mới biết được thực chất. Vì vậy, nếu ngay từ đầu, những năm nửa đầu thế kỷ 20 mà ai đó bảo chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là xấu là dở là không tưởng sẽ bị đám đông lên án ngay. Liên Xô khi ấy là hình mẫu của xu thế cách mạng, xây dựng chủ nghĩa xã hội xong sẽ tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Họ vẽ ra bức tranh đẹp, ưu việt hơn vạn lần chủ nghĩa tư bản. Những nhà cách mạng vô sản An Nam lặn lội sang học, lôi về và truyền bá ở nước mình. Lứa chúng tôi sinh giữa thập niên 50 ở miền Bắc được nhét vào đầu biết bao lời hay ý đẹp về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, nào “thiên đường của loài người”, “mùa xuân của nhân loại”, “xu thế tất yếu của xã hội”, “làm theo năng lực, hưởng theo lao động” (trong giai đoạn xã hội chủ nghĩa), “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” (xã hội cộng sản)… Rất vớ vẩn, không làm mà cũng có ăn. Đại loại họ cứ vẽ vống lên đủ thứ tốt đẹp để lôi cuốn đám đông cần lao, bất kể hiện thực cuộc sống diễn ra hoàn toàn ngược lại. Thế mà rất nhiều người tin. Tôi cũng tin. Mà không tin cũng chả được với họ.
Ở miền Bắc những năm trước 1975, học sinh cấp 3 và sinh viên đại học đứa nào cũng biết thuật ngữ “Ai thắng ai?” nói về cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản trên toàn thế giới. Những giờ học chính trị và triết học Mác - Lênin, các thầy khẳng định chắc như đinh đóng cột phe tư bản, thực dân, đế quốc, bóc lột đang giãy chết, phe xã hội chủ nghĩa ngày càng lớn mạnh. Bọn tư sản ngày càng cùng đường, chó dại cắn càn, gây chiến tranh, nhưng sẽ không tránh khỏi bị diệt vong. Cuối bài, bao giờ các thầy hoặc báo cáo viên cũng kết luận “Sức ta là sức thanh niên/Thế ta là thế đứng trên đầu thù”, cả thầy lẫn trò đều hỉ hả.