Đó là thực tế cay đắng ở một tỉnh
nghèo dân đông còn rất nhiều khó khăn. Cũng không hẳn “mô hình” này phổ cập đại
trà tại hầu hết các tỉnh thành, quận huyện trên đất nước ta nhưng người dân có
quyền nghi ngờ ở một địa phương giàu truyền thống cách mạng, được trung ương
quan tâm chăm chút mà còn thế, vậy những nơi khác sự lạm phát, phung phí “nhân
lực cấp cao” sẽ đến mức nào. Cứ hình dung ra điều khó xử: toàn những quan là
quan, vị nào cũng ý thức được vai trò lãnh đạo chỉ đạo của mình, rốt cuộc chỉ
thiếu người thực hiện. Ở mấy cái cơ quan nói trên, thật vô phúc cho kẻ nào lọt
vào đó làm nhân viên. Từ việc công đến điều sai vặt chắc phải cõng tất. Trăm
dâu đổ đầu tằm, không làm thì ai làm. Vẫn biết quan có việc của quan, dân có việc của dân nhưng bộ máy toàn quan hoặc quan nhiều hơn dân sẽ hoạt động thế nào, chả nói ra ai cũng hiểu. Xin nhớ rằng đối tượng bị coi là lạm phát
đó đều hưởng lương ngân sách, lương cao, được nuôi bằng tiền thuế của dân, của
những con tằm.
Đức Khổng tử xưa đã phân biệt khá rạch ròi bộ máy và quan hệ trong xã hội: "không có người quân tử, lấy ai cai trị kẻ tiểu nhân. Không có kẻ tiểu nhân, lấy ai làm nuôi người quân tử". Xã hội ta hiện nay về lý thuyết không chấp nhận quan hệ quân tử - tiểu nhân nhưng trên thực tế vẫn chưa thoát khỏi quan niệm cùm trói ấy. Chỉ khác ở chỗ quân tử được mang danh cán bộ, đày tớ của nhân dân. Và khác ở chỗ nữa, có ngày quân tử sẽ chết đói vì nhìn đâu cũng chỉ tuyền quân tử, không có tiểu nhân thì lấy đâu người nuôi dưỡng họ. Đó là chưa kể nguy cơ "quan là quan thì quan quàn dân, con là dân thì dân dần quan" nếu tiểu nhân-dân bị dồn nén quá mức, bị đẩy đến bước đường cùng.