Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

Chả giải thì đừng

Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông

Mình không phải loại người ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng bởi việc nhà cả đống, làm mửa mật chả hết, hơi đâu quan tâm đến chuyện thiên hạ. Vả lại, các cụ nói, ôm rơm rặm bụng, thứ rơm này ngứa lắm, ôm vào có mà phát điên. Nhưng…

Thì cứ nói toẹt ra, kẻo bứt rứt, tự dặn mình, một lần này thôi nhé. Lần này thôi, ngắn thôi, với tinh thần xây dựng, kẻo các thế lực thù địch tưởng mình ở phe nó, nó tung tiền bạc nữ sắc…mồi chài chèo kéo, phiền phức lắm lắm.

Chả là người ta đang nói quá nhiều, bàn quá nhiều về các giải thưởng Nhà nước và Hồ Chí Minh đang được đề cử và sẽ trao năm nay. Do lùm xùm inh ỏi quá nên đáng lẽ ngày kia 2.9 trao thì phải dời lại, chưa biết đến bao giờ. Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay, chẳng biết đường nào mà lần.

Khổ nhất là cụ nhạc sĩ Phạm Tuyên. Năm nay đã 82 xuân xanh rồi, dường như chả còn mấy để ý gì thói đời trần tục nhưng đám hậu sinh nó cứ lôi ra vần vò, lật lên đè xuống. Giời ạ, khen hay chê thì cũng thế thôi, đều làm khổ người già. Cũng có lúc mình hơi giận cụ Phạm, thầm trách sao cụ không chửi chúng nó một mẻ, dứt khoát rằng tao không cần, chúng mày đừng lẵng nhẵng nữa. Nhưng người như cụ Phạm Tuyên đâu thể dùi đục chấm mắm cáy như mình, có gì cũng phải nhẹ nhàng lịch thiệp. Ngày qua ngày, lại nghe hội âm nhạc thủ đô, hội nhạc sĩ Việt Nam, Hội đồng thi đua-khen thưởng bộ VH-TT-DL đổ qua đổ lại, né như bò né, đâm phát chán, càng thương cụ nhạc sĩ già.

Sáng nay 31.8, trên tờ Thể Thao-Văn hóa có bài của Vi Tú (hình như là giọng văn nữ sĩ Vi Thùy Linh) phỏng vấn cụ Phạm bữa qua. Hai cụ cháu trao đổi nhiều, ai muốn biết thêm cứ tìm báo mà đọc. Câu trả lời sau đây của nhạc sĩ, xin các vị có chức có quyền hãy cứ coi là tuyên bố dứt khoát của cụ, bởi thưa các vị rằng, có những điều nói thẳng ra thì không hay, nó tế nhị lắm, dễ mất lòng mất mặt nhau lắm. Tôi xin trích nguyên văn lời cụ Phạm Tuyên: “Tôi không còn vui lắm. Tôi không vui vì có thể khi trao giải cho tôi người ta đã nghĩ, thôi thì trao cho ông ấy cái giải để dư luận yên đi. Ở tuổi tôi, những hư danh, giải thưởng chẳng còn ý nghĩa nữa”. Các vị ạ, đừng cố làm thêm động tác này nọ vì cụ Tuyên thì ít, vì cái sự sĩ diện hão cho cá nhân, tổ chức, đoàn thể nào đó thì nhiều. Dư luận biết cả đấy, hiểu cả đấy.

Tôi thiết nghĩ, giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh cũng như những danh hiệu nhân dân, ưu tú cho văn nghệ sĩ là rất thiêng liêng, việc xét chọn phải cực kỳ chính xác, có quy định rõ ràng, không thể tùy tiện. Công lao đóng góp của nhạc sĩ Phạm Tuyên, hầu như ai quan tâm đến nền âm nhạc cách mạng đều biết rõ, đã được khẳng định trước cả khi hình thành các giải. Sự nghiệp và tác phẩm của Phạm Tuyên mà được trao giải thưởng Hồ Chí Minh ngay từ đợt đầu rất xứng đáng. Vậy mà qua mấy lần xét, cụ đều bị văng, nay người ta lại rủ rỉ bảo rằng Phạm Tuyên xứng đáng lắm. Thế thì mấy ông bà cầm trịch mấy lần trước vô trách nhiệm à, làm sai à? Và những người được giải những lần trước có xứng đáng không khi chấm giải cho họ là những vị như vậy? Hay là chỉ là động tác chữa cháy cho yên chuyện, như cụ Tuyên thổ lộ?

Cứ tưởng đền thiêng thì sạch sẽ, ai ngờ…

31.8.2011

Nguyễn Thông

Nhớ bài thơ xưa về ngày quốc khánh

Địa linh Tam Điệp, Ninh Bình, nơi mỗi lần giặc phương bắc tràn sang lại biến thành căn cứ vững chắc của quân dân Đại Việt (ảnh Nguyễn Thông)

Hôm nay 31.8, qua ngày mai, đến ngày mốt (miền Bắc gọi là ngày kia) trúng ngày quốc khánh 2.9. Hồi nhỏ, lứa tuổi mình hầu như chả đứa oắt con nào không thuộc bài thơ này vì nó là bài học thuộc lòng trong sách giáo khoa lớp 2 (hệ 10 năm). Cứ gân cổ gào, làm gì chả thuộc. Mình nhớ bạn cùng lớp với mình là anh Hữu con bác Tư hình như mải chơi nên cứ ê a đoạn nói về ngày tháng, lẫn lộn lung tung, bị thày giáo Lập lấy thước kẻ đánh mấy nhát quắn tay. Năm 1971 anh Hữu đi bộ đội cùng đợt với anh Hiển con bác Vình vào Nam đánh Mỹ, cả hai anh đều hy sinh.

Bài thơ ấy mình vẫn nhớ như in, tiếc là quên mất tên tác giả. Nhân ngày kỷ niệm quốc khánh, biên ra đây tặng lại những người cùng thế hệ mình và các bạn yêu thơ. Cùng đọc nhé:

Ngày mùng hai tháng chín

Ngày sinh của nước ta

Tháng mười ngày mùng một

Quốc khánh nước Trung Hoa


Nước Việt Nam gan dạ

Có Trung Hoa anh hùng

Bên nhau luôn sát cánh

Tiêu diệt kẻ thù chung


Việt Nam có Bác Hồ

Trung Hoa có Bác Mao

Nhi đồng cả hai nước

Yêu hai bác như nhau.

Lời bình:

Bài thơ này chỉ dành cho trẻ con, chứ hồi ấy còn có nhiều thứ dành cho cả miền Bắc, cho tất cả mọi người, ví dụ "Mối tình hữu nghị Việt-Hoa/Vừa là đồng chí vừa là anh em" (thơ Bác Hồ), rồi ca khúc của nhạc sĩ Đỗ Nhuận "Việt Nam-Trung Hoa, núi liền núi sông liền sông, chung một biển Đông mối tình hữu nghị sáng như rạng đông...". Nói chung, quan hệ ta tàu chả có chút lăn tăn gì (mà có cũng bị giấu biệt, sau này đảng mới liệt kê ra trong cuốn sách trắng Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, năm 1979, sự thực tùm lum tóe loe). Trẻ con bị nhồi nhét ngay từ lúc tóc để chỏm về công ơn của Trung Quốc, bác Mao. Thì sách bảo thế nào, mình biết như vậy thôi.

Nhưng người lớn thì không nghe kiểu thuận nhĩ thế. Mình có ông anh con bác ruột, anh Nguyễn Quang Huy, khi đó là giáo viên cấp 2, vài năm sau là hiệu trưởng. Nghe mình học vẹt đọc ra rả, anh Huy trò chuyện với thày mình: Ông ạ, nghe chú Cào (tên gọi ở nhà của mình) học, cháu chả hiểu hữu nghị gì mà chỉ cốt chơi với nhau để đi đánh nhau, tiêu diệt kẻ thù, chả thấy làm ăn, hòa bình, chỉ rặt thích chiến tranh. Thày mình ôn tồn, chuyện cho trẻ con ấy mà. Anh Huy nhỏm lên, ông ạ, càng cho trẻ con càng phải kỹ, cứ dạy chúng nó những thứ tai ách nhố nhăng thế rồi có ngày chết.

Giờ đầu đã hai thứ tóc, mình nghiệm ra điều anh mình nói. Nhưng cũng có điều mình cảm nhận được hơi sơm sớm. Đọc câu kết bài thơ này cứ thấy buồn cười, cả hồi ấy cũng như bây giờ. Tại sao lại nhi đồng cả hai nước yêu hai bác như nhau? Có biết cái mặt bác Mao nó mồm ngang mũi dọc thế nào bao giờ đâu mà yêu với chả yêu; bác Hồ thì còn có thể yêu (dù cũng chả được nhìn thấy long nhan bao giờ) bởi đi đâu cũng gặp ảnh bác Hồ, nghe nói về bác Hồ, chứ bác Mao thì dứt khoát không là không. Hóa ra mình bé tí ti mà nghĩ già dặn ra phết.

31.8.2011

Nguyễn Thông

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Cháu đi học xa

Các cháu gái, hai đứa Hằng-Hà (gọi chị Khoắn mình là bà ngoại), một lên Hà Nội, một ra Hải Phòng, kéo nhau ra phố học cả, chỉ còn mẹ mình (chúng gọi bằng cụ) ở nhà.

Cháu đi, cụ lại thêm buồn
Cửa nhà thưa vắng, mưa nguồn nẻo xa.

Cuối tháng 8.2011


Cụ và cháu Hà

Hai chị em Hằng-Hà

Cụ và cô Ngọt (cạnh mẹ) cùng các cháu Hằng-Hà

Cụ và (từ trái qua) cô Ngọt, cháu Hằng, cháu Hà, cháu Nghĩa và mình


Cụ và con cháu (từ trái qua: Nghĩa con chị cả Khoắn, mình, cháu Hà con anh Giá (cháu Hà đang là chủ tịch Hội nhà báo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)

Mẹ mình và các bạn cùng khóa 17 khoa Ngữ văn, Tổng hợp của mình: Thu Hà, Thu Thủy, Nguyễn Thị Bé, Trần Thị Sánh

Tháng 11.2006, mẹ mình cùng các bạn đồng môn đồng khóa với mình, từ trái qua: Xuân Ba, Thu Thủy, mẹ, cháu Hà, Nguyễn Thị Bé, Trần Thị Sánh, và Thu Hà (dưới đất), còn người ngồi quá xa chỉ thò ra cái chân là anh Vũ Lệnh Năng.



Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

Lời thề khi xưa


Trong sự nghiệp, vua Quang Trung Nguyễn Huệ đã tạc vào lịch sử những công trạng hiển hách của mình; phần lập công chả có gì bàn cãi, nhưng phần lập ngôn có lẽ hơi ít, chỉ câu này là đáng kể nhất. Nếu so sánh cho vui, vị hoàng đế còn kém xa bác của mình khoản ấy.
Lời của nhà vua tuy nôm na nhưng ghi lại bản lĩnh, dấu ấn của dân tộc Việt trong một thời lịch sử hào hùng.
Ảnh này mình chụp khi lên gò Đống Đa thắp nén hương tưởng nhớ Quang Trung Nguyễn Huệ, tháng 4.2007

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

Hồi cổ




Tòa nhà này nay không còn nữa.
Ảnh chụp tháng 4.2007.
Nguyễn Thông

Thương bác Đào Lê Bình

Từ trái qua: Nguyễn Sĩ Đại, Nguyễn Doãn Tấn, Đào tiên sinh, Bùi Lan Hoa, Nguyễn Thu Thủy


Nhiều người không hiểu cặn kẽ cái tổ con tò vò, cứ giận, trách bác ấy. Thôi thì đã lĩnh trách nhiệm hộ vệ Đường tăng sang Tây Thiên thỉnh kinh thì phải múa gậy như ý chứ sao, kẻo sư phụ niệm chú, vòng kim cô thít đầu đau lắm.
Cụ Tiên Điền chả từng đúc kết:
"Đã đày vào kiếp phong trần
Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi",
vậy nên thông cảm cho bác Bình, đừng nhìn mặt báo mà đánh giá con người. Tôi cam đoan Đào tiên sinh không phải như nhiều người nghĩ trách đâu. Cụ Huấn Cao mà còn sống chắc thể nào cũng cho bác ấy hai chữ "thiên lương".

27.8.2011

"Tự thú" của một người đàn bà yêu nước


Lời chủ blog:
Tôi đã mấy lần gọi điện, hết nhẽ khuyên can, bảo chị ấy đừng có đi biểu tình nữa, mọi việc đã có đảng, chính phủ lo rồi, mình làm sao khôn hơn đảng; thôi, cứ ở nhà mà nghiên cứu, dịch sách, trông cháu cho nó lành. Tôi cũng nhờ Hương Big nói với chị ấy vài tiếng, chả gì cũng phận đàn bà với nhau. Bạn tôi (người mà tôi gọi là chị ấy nói trên), một tay nữ sĩ sừng sỏ, hàng chuyên gia số 1 về chữ cổ, rất đỗi dịu dàng tê lê phôn cho tôi, cám ơn tôi đã thay mặt nhà nước giác ngộ những người yêu nước. Bạn bảo rằng tớ chỉ mong cậu giữ được tấm lòng với đất nước như tớ, cậu đừng tự biến thành thằng Trung Quốc cư ngụ trên đất Việt nhé. Nhưng nghe lời cậu khuyên, tớ cũng ngoáy vài dòng "tự thú" này gửi cậu.
Đọc xong, tôi nghĩ nếu không lưu lại nhật ký của mình, nữ sĩ sẽ cho mình là thằng Trung Quốc thật thì sao.

Chút lòng yêu nước từ sau … xin chừa

Tôi đi biểu tình vì rất nhiều lý do:

Bởi không cầm được nước mắt khi vào những đêm mất ngủ, nhớ đến ông anh mới 17 tuổi đã ngã xuống ở chiến trường Đại Lộc, Quảng Nam trong chiến tranh chống Mỹ vào năm 1969, được đem chôn chỉ với mảnh quần đùi trên người vì quần áo phải lột ra để người sống mặc, tôi không muốn để một lần nữa, mảnh đất mà bao người VN trong đó có anh tôi hy sinh để giành lấy, lại rơi vào tay quân xâm lược.

Tôi đi bởi không thể quên tiếng khóc hờ chồng hằng đêm của người thiếu phụ sống gần nhà - vợ một sĩ quan QĐND VN hy sinh trên một cao điểm nơi biên giới vào năm 1979, khi TQ tấn công VN.

Tôi đi bởi tim tôi đau nhói trước hình ảnh những người lính Việt Nam cầm cờ đỏ sao vàng trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của VN, bị đạn trên tàu chiến Trung Quốc bắn xối xả gục chìm xuống khi không có khả năng kháng cự, cũng không thể trốn tránh vào đâu được giữa biển mênh mông nước vào năm 1988.

Tôi đi bởi nỗi phẫn uất khi thấy những người đàn ông ngư dân Việt vạm vỡ khỏe mạnh, đang đánh cá trên ngư trường quen thuộc ngàn đời của cha ông, bỗng phải bất lực ôm đầu ngồi dưới họng súng lính TQ, với lý do bị bắt vì xâm phạm chủ quyền lãnh hải Trung Hoa.

Tôi đi bởi văn hóa TQ lại đang lấn át, hàng giả hàng rởm của TQ đang tràn ngập thị trường VN… Bởi nhiều lắm những điều xấu đến từ phương Bắc.

Nỗi tức giận cứ dồn lên ứ nghẹn đã từ lâu nhưng khó bề giải tỏa, vậy nên khi biết có biểu tình chống TQ, tôi đã xuống đường. Khi hòa vào dòng người yêu nước, được nhìn những khẩu hiệu yêu nước, được nghe những tiếng hô vang với quyết tâm bảo vệ đât nước, tôi trào nước mắt và thấy lòng nhẹ nhõm.

Cũng như nhiều người khác hiện nay, tôi lúc nào cũng bận rộn, suốt ngày hết việc nọ đến việc kia vì cơm áo gạo tiền, chỉ có một chút thôi thời gian, một chút thôi tình cảm dành cho đất nước vào mấy sáng chủ nhật hiếm hoi vừa rồi, vậy mà tôi bị ngăn cản.

Lực cản đến từ nhiều phía, CA đến nhà, gia đình, bè bạn lo sợ khuyên can mắng mỏ, báo đài Hà Nội đua nhau buộc tội người biểu tình, lại còn có hẳn một ông PGS – TS kiêm nhà thơ (nghe qua mấy cái danh hiệu đã biết là đầu óc thuộc loại hổ lốn) nhân danh yêu nước chân chính để chụp mũ chúng tôi. Tất cả những điều đó khiến tôi buồn chán. Cổ nhân có câu “Có cứng mới đứng đầu gió”, tôi vốn không phải người cứng rắn.

Tối nay lại vừa bị ông bạn thân cho một bài choáng váng hết cả người. Buồn quá, thôi đành… “chút lòng yêu nước từ sau… xin chừa”[1], để nước cho mấy ông bà GS, PGS - TS kiêm nhà thơ nhà báo nhà văn nhạc sĩ họa sĩ ca sĩ v.v… yêu cho đúng cách, tôi là người dân thường, chỉ biết yêu nước bằng cách biểu tình. Giờ thấm mệt rồi, nghỉ thôi!

Đã bụng bảo dạ như vậy mà không hiểu sao cứ thấy uất nghẹn trong lòng.

Không thể chịu nổi, có lẽ sáng mai phải tìm một chỗ đất nào đó đào lấy cái lỗ mà … hô xuống đấy vậy!

Nghĩ đến đây tôi tự cho mình mơ mộng lạc quan một chút:

Biết đâu, từ cái hố ấy lại mọc lên một cây thông thẳng tắp vươn trên nền trời cao, ngày đêm reo vang trong gió:

HOÀNG SA – VIỆT NAM; TRƯỜNG SA – VIỆT NAM

BẢO VỆ MÁU THỊT VIỆT NAM – BẢO VỆ.

K.A

[1] Nhại Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du


Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

Đừng có hỏi

Đừng có hỏi tại sao tôi hay bức xúc
Đừng vội quy kết nọ kia lập trường có vấn đề
Đừng cố gán cho tôi tội tuyên truyền này khác
Đừng dò xét điều tra chuyện nọ chuyện kia

Rất đơn giản
dù các anh cố tình không muốn biết
Tôi phải chỉ ra, dẫu một lần thôi
Hãy xử sự công bằng cả dân và vua chúa
Trước pháp luật sao cho chẳng ai chịu thiệt thòi

Cô gái trẻ chưa đầy đôi mươi tát anh cảnh sát
hai cái thôi, nhận về 9 tháng tù
Anh đại úy an ninh co chân đạp mặt người yêu nước
Chẳng bộ luật nào dám hó hé đôi co

Tôi chẳng bênh cô gái
Gieo gì gặt nấy thôi
Nhưng sao người gieo-gặt
Chỉ dân đen hỡi người?

Đừng có hỏi, các anh đừng có hỏi
Mà hãy trả lời cho bức xúc của tôi.

24.8.2011
Nguyễn Thông

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

Nói phải củ cải cũng nghe

Bạn tôi vừa gửi cho tôi một bài trao đổi có liên quan đến nghề nghiệp, tôi thấy những ý kiến có lý có tình nên xin phép lưu giữ vào nhật ký của mình. Xin cám ơn tác giả Irina và người gửi.
Tôi cũng đã đọc bài của nhà báo Nguyễn Việt trên báo An ninh thủ đô, cứ buồn cười với cách lập luận yêu nước mà cũng phải đúng cách với không đúng cách. Thủ trưởng tờ báo là người quen, tôi rất kính trọng nên chả tiện bày tỏ ý kiến cá nhân mình.

Về bài “Cần thể hiện lòng yêu nước đúng cách

(thư gửi nhà báo từ một người không phải là nhà báo)

Kính gửi nhà báo Nguyễn Việt!

Nhân đọc bài viết Cần thể hiện lòng yêu nước đúng cách” của nhà báo, tôi xin phép được trao đổi với nhà báo vài suy nghĩ và tâm sự của một người không phải là nhà báo.

Thưa nhà báo!

Tôi thấy bài Cần thể hiện lòng yêu nước đúng cách phản ánh một tư tưởng của thời tập trung quan liêu, bao cấp rất rõ nét- một quan điểm và phương pháp mà Đảng và nhà nước đã phê phán và kiên quyết từ bỏ. Theo lối tư duy thô thiển và thủ cựu đó, nhà báo muốn bày tỏ rằng, mọi lối suy nghĩ, tình cảm và hành động của người dân phải chờ nhà nước ra chỉ thị hoặc chỉ đạo mới được làm. Có phải vậy không?

Nguyễn Việt ơi, tôi muốn nhắc nhà báo rằng, Đảng và nhà nước ta đang chủ trương xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh. Đã dân chủ thì người dân có quyền bày tỏ chính kiến của mình dưới nhiều hình thức, đặc biệt là chính kiến bày tỏ lòng yêu nước trong bối cảnh hiện nay. Đã Văn minh thì trước những biểu hiện văn minh như hành vi của những người tham gia biểu tình thì đại diện cho nhà nước phải có những hành động văn minh để đáp lại chứ?

Tôi đồng ý với nhà báo rằng “Ngay lúc này đây, chúng ta càng thấm thía sự đoàn kết, tỉnh táo, đồng lòng của mỗi con dân nước Việt là điều quan trọng nhất để bảo vệ, xây dựng đất nước và tôi thấy những người tham gia biểu tình đã bày tỏ tấm lòng của họ muốn cùng chính quyền bào vệ tổ quốc và toàn vẹn lãnh thổ đó thôi. Vậy mà suốt thời gian cả mười cuộc biểu tình ở Hà Nội và rất nhiều cuộc biểu tình ở Sài Gòn và các địa phương khác đã diễn ra mà không có một nhà báo nào dám đưa bất cứ một thông tin nào về họ. Có phải họ vẫn chờ lãnh đạo chỉ đạo một cách bao cấp không? Vậy mà khi nhận được cái thông báo cấm biểu tình không hợp lệ thì hàng loạt báo chính thống lại đăng ngay. Đăng vậy rồi mới mâu thuẫn chứ: người thì bảo biểu tình là biểu hiện lòng yêu nước nên nhà nước không chủ trương đàn áp, không phải người (vì cái thông báo chẳng ai ký cả) thì bảo cấm, nếu vi phạm thì “xử lý”. Cứ “sắc sắc, không không” thế này thì dân biết đằng nào mà lần. Thử hỏi đạo đức nghề nghiệp của người làm báo ở đâu? Nếu chính quyền và các nhà báo thấy những biểu hiện yêu nước đó là không đúng sao không đối thoại với họ một cách bình đẳng, hợp hiến, “dân chủ và văn minh”?

Tôi đồng ý với nhà báo rằng, chúng ta “cần phải sử dụng dư luận quốc tế đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về chủ quyền quốc gia”. Vậy tôi đã thấy những người biểu tình yêu nước đang cùng với nhà nước bày tỏ cho quốc tế thấy được lòng dân và ý nguyện quốc gia đang hòa vào một để kêu gọi sự hậu thuẫn từ phía họ. Còn việc nâng cao nhận thức của của người dân, thì…nói thật. Người dân có biết gì đâu? Các thông tin có được thông báo đầy đủ đâu? Những người bị hại chỉ biết âm thầm chịu đựng, đến lúc không chịu được thì…nói thật, ai thương họ, ai thấu hiểu cho họ thì họ bày tỏ thôi. Cái này cũng là một thiếu sót về tác nghiệp và đạo đức của người làm báo đấy. Niềm tin của người dân mất dần đi vì lẽ đó đấy.

Anh nói: Nhưng lòng yêu nước cần phải thể hiện đúng cách”. Hãy định nghĩa thế nào là đúng cách? Những dòng này của anh làm tôi nhớ lại hồi tôi còn nhỏ, vào những năm 60 của thế kỷ trước, tôi vẫn theo mẹ tôi đi biểu tình quanh Bờ hồ. Thấy mẹ mặc áo dài, tay cầm lá cờ nhỏ, tôi hỏi mẹ: đi biểu tình làm gì hả mẹ? Mẹ nói, “mình là công dân, biểu tình để thể hiện trách nhiệm với đất nước con ạ, để bày tỏ lòng yêu nước và cũng cho thế giới biết nước mình đang còn gặp nhiều khó khăn nhưng người dân vẫn đồng lòng xây dựng đất nước!”. Lúc đó tôi vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của những lời mẹ giải thích, tôi cũng chẳng hiểu mình thể hiện lòng yêu nước đúng cách hay không, nhưng thấy được gọi là người yêu nước, tôi tự hào lắm. Sau đó, tôi còn theo mẹ đi biểu tình ủng hộ đồng bào AnGiêry, ủng hộ nhân dân Cu Ba nữa. Tôi còn cùng các bạn đi nhặt giấy vụn làm kế hoạch nhỏ để làm nghĩa vụ quốc tế nữa. Về sau, lớn hơn tôi đã hiểu, biểu tình là một cách bày tỏ chính kiến của công dân, một trong những chính kiến đó là lòng yêu nước, yêu hòa bình.

Câu nói của anh “lòng yêu nước cần phải thể hiện đúng cách” cũng lại làm cho tôi nhớ lại một câu chuyện khác, khi tôi đã được học nhiều hơn, có chính kiến rõ ràng hơn. Đó là lúc chúng tôi đang học dự bị ở CHLB Nga, Liên xô (cũ) đang chuẩn bị đón tổng thống Mỹ sang thăm. Lúc bấy giờ đang là thời kỳ chiến tranh lạnh, hẳn là tình hình chính trị thời đó rất nhạy cảm. Trong chương trình liên hoan văn nghệ nhân dịp kỷ niệm ngày lễ gì đó, tôi không còn nhớ nữa, lớp tôi có tiết mục múa “cô gái vót chông”, trong đó có cảnh lính Mỹ bị dính chông, chết thảm hại. Một người trong ban tổ chức, khi duyệt đã buộc chúng tôi bỏ cảnh có lính Mỹ đi, nếu không thì không được múa điệu đó nữa. Họ lập luận, “chiến tranh đã qua rồi, nhắc lại làm gì nữa”. Chúng tôi đã phản đối rằng, vậy tại sao từ khi kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai, biết bao nhiêu năm trôi qua rồi mà hiện nay, đến năm 1973, ngoài rạp vẫn đang chiếu phim “và bình minh nơi đây yên lặng”, một bộ phim rất hay, được nhiều người hưởng ứng nói về sự khốc liệt của chiến tranh? Rằng nếu không cho diễn điệu múa đó, chúng tôi sẽ không tham gia bất cứ tiết mục nào khác nữa. Lúc bấy giờ, tất cả các bạn từ các nước khác học chung trường như: Đức, Ba Lan, Hung, Ấn Độ, Công Gô, các bạn thuộc các nước Nam Mỹ đều đồng loạt biểu tình, đòi phải cho sinh viên Việt Nam múa bài đó, nếu không họ cũng bỏ hội diễn, không tham gia luôn. Cuối cùng, Ban tổ chức phải nhượng bộ. Tôi không biết, lúc đó chúng tôi có “bày tỏ lòng yêu nước đúng cách” không, nhưng chúng tôi đã có dịp cho các bạn quốc tế biết rằng nhân dân ta yêu hòa bình nhưng nếu ai muốn xâm lược, chúng sẽ phải trả giá đắt. Hành động tự phát đó đã được bạn bè sinh viên quốc tế ủng hộ, được các bà giáo càng hiểu và yêu chúng tôi hơn. Lúc đó, chẳng ai chỉ đạo tụi tôi cả, lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc đã mách bảo đấy thôi.

Bây giờ, mặc dù không có dịp tham gia nhưng khi theo dõi những người đi biểu tình, tôi nhớ lại những cảm giác đó và lòng tràn ngập lòng tự hào như mình cũng đang cùng kề vai sát cách với họ vậy. Mỗi lần bạn tôi đi biểu tình, thấy số điện thoại của tôi hiện lên, cô ta chẳng “A lô!” gì sất, nói luôn: này, nghe nhé! Và tôi đã nghe được âm thanh hào hùng của cuộc biểu tình.

Anh nói hoàn toàn đúng, Ngay lúc này đây, chúng ta càng thấm thía sự đoàn kết, tỉnh táo, đồng lòng của mỗi con dân nước Việt là điều quan trọng nhất để bảo vệ, xây dựng đất nước. Những người đại diện cho dân, những công công bộc của dân, những người mà dân tin tưởng trao những đồng tiền thuế mà họ khó nhọc lắm mới kiếm được cần phải nhận ra điều đó. Họ cần phải đồng lòng với dân, phải tiếp nhận sự chia sẻ trách nhiệm từ người dân để bảo vệ và xây dựng đất nước chứ? Người dân đã mở lòng đến như vậy, sao những người đại diện cho dân lại đối mặt với họ đến thế? Có lẽ đó chính là lý do vì sao “thậm chí một số chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên ngành cũng có mặtvà đúng là nhiều người trong số họ vẫn nghĩ rằng việc mình tham gia bày tỏ thái độ chống hành động sai trái này của Trung Quốc là giúp ích cho Nhà nước, cho đất nước. Tôi cho rằng họ đã đúng và thực tế chứng minh là họ đã đúng. Cái gì logich thì sẽ tồn tại!

Anh, nhà báo Nguyễn Việt ơi, anh có bao giờ đặt câu hỏi vì sao người dân lại cùng các nhân sỹ trí thức tham gia biểu tình đông như thế, trật tự và ôn hòa như thế (dù nhiều người, vì nhiều nỗi niềm đã rất muốn nổi loạn) không? Tại vì người ta đã nhìn vào nhân cách và những sự đóng góp cho đất nước của những con người đang kính đó. Tại vì tự bản thân họ đã muốn làm như thế từ lâu rồi, nay có những người mà họ tin tưởng thì họ hưởng ứng thôi. Họ tham gia để bày tỏ chính kiến của mình đấy, chẳng phải họ ngây thơ về chính trị, hoặc nhận thức chưa đầy đủ hay bị ai xúi dục hay lợi dụng đâu. Tôi không phải là họ (không được dịp tham gia như họ) mà nghe câu đó cũng thấy bị xúc phạm lắm lắm! Tôi cũng lại hỏi anh, anh có biết là khi những người yêu nước đi biểu tình, có hàng chục triệu người, trong và ngoài nước, trong đó có tôi luôn dõi theo và cám ơn họ vì đã thay mình bày tỏ lòng yêu nước không? Cái nhạy cảm nghề nghiệp của anh bỏ đi đâu rồi mà không thấy? Hay anh phải chờ cấp trên chỉ đạo?

Trong số những người đi biểu tình, tôi không biết những khuôn mặt quen thuộc từng bị pháp luật xử lý về âm mưu tuyên truyền chống phá sự ổn định của đất nước, chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là ai, nhưng tôi thấy rất nhiều người được nhà nước và dân vinh danh, nhiều người là bạn bè tôi- những người đã và đang cống hiến hết sức mình cho đất nước, có một số người không phải là bạn tôi nhưng là những người tôi biết rất có nhân cách mà không ai có quyền xúc phạm. Có thể trong số đó cũng có những người đã từng “vi phạm pháp luật” vì lí do này hay khác, lúc này hay lúc khác, mà ở đây chưa bàn về cái đúng cái sai được (có đầy rẫy những điều, thể hiện sớm quá bị cho là sai, về sau lại cho là đúng. Các điều luật được hình thành từ thực tế mà!) Hãy cứ nghĩ lại coi, nhiều người đại diện cho dân, nắm luật ở trong tay mà còn bao nhiêu kẻ táng tận lương tâm cố tình làm sai luật, làm hại cho dân mà (bằng chứng sờ sờ ra đó, trên các phương tiện PTĐC kìa). Có vậy Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mới gọi được là “bầy sâu” chứ. Nhưng nói vậy chứ, lãnh đạo không phải ai cũng xấu, ai cũng là sâu, mà sâu thì cũng sâu to sâu bé, người tốt nhiều, người xấu ít thôi. Vậy luận ra, nếu trong số những người biểu tình yêu nước, có ai đó đã lỡ vi phạm pháp luật thì nhà báo nỡ lòng nào và có lý nào lại cho tất cả họ đều là xấu và lúc nào họ cũng xấu sao?

Vậy, bây giờ chúng ta trao đổi tiếp. Đã đến lúc cần phải nhận rõ những người khởi xướng và tổ chức các cuộc tụ tập đông người này. Động cơ của họ là gì?(câu này của anh đấy)

Anh nói động cơ thứ nhất của họ lợi dụng việc biểu thị thái độ yêu nước, phản đối hành động tàu Trung Quốc gây hấn trên biển vừa qua để đánh bóng cá nhân”. Lần này tôi không đồng ý với anh. Chẳng ai ngu gì mà lại đánh bóng tên tuổi của mình bằng cách như vậy cả. Anh có dám đánh bóng tên tuổi bằng cách chống đối lại thủ trưởng mình không? Cái tuồng của anh thì không rồi. Những người biểu tình cũng sợ lắm, chẳng qua vì không có cách khác tốt hơn nên người ta phải mạo hiểm mà làm vậy thôi. Những nhân sỹ trí thức ấy cũng muốn được nghỉ ngơi, được hưởng thụ sau một thời gian dài đóng góp cho đất nước chứ, những người dân thường khác họ cũng phải lo làm ăn trong thời buổi khó khăn này chứ?. Hãy mở to mắt ra mà nhìn họ kìa: những người cao tuổi, những người phụ nữ, những cô gái trẻ trung xinh đẹp, những em nhỏ còn quàng khăn đỏ…họ có chức có quyền gì đâu, họ có mưu lợi hay kiếm ăn gì được ở chỗ biểu tình mà đánh bóng tên tuổi?

Mà này, ý tưởng bày tỏ lòng yêu nước để đánh bóng cá nhân cũng lại làm cho tôi nhớ tới câu chuyện của bố tôi (tôi cứ hay nhớ tới bố mẹ vì các cụ đã khuất rồi, mà các cụ lại là những tấm gương để tôi noi theo, mong anh thông cảm). Bố tôi là con của gia đình thuộc “thành phần trung lưu”, được học hành tới nơi tới chốn nhưng lại tham gia Thanh niên cách mạng đồng chí Hội-một tổ chức tiền thân của Đảng nên bị đày ra Côn Đảo. Chắc lúc đó bố tôi và những đồng chí của ông không nghĩ rằng mình đang đánh bóng tên tuổi đâu anh ạ. Tội nghiệp cụ, còn bị nhốt vào hầm xay lúa nữa đấy! xuýt chết mấy lần. Tên tuổi thì thay đổi xoành xạch để hoạt động cách mạng thôi. Có giữ cái nào lâu đâu mà đánh bóng?

Cái anh nhà báo này, thật là khiếm khuyết trong cách ví von!

Tiếp nhé, anh bảo: Động cơ thứ hai của những kẻ khởi xướng và tụ tập những nhóm đông người vào ngày chủ nhật còn thâm độc hơn nhiều. Đó là hành vi lợi dụng biểu thị tinh thần yêu nước để vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, tạo tiền đề cho các cuộc gây rối đông người.

Rõ thật là, ai lại cố tình vi phạm pháp luật bằng cách lợi dụng biểu thị tinh thần yêu nước? Còn mệnh đề “tạo tiền đề cho các cuộc gây rối đông người” và “Đã có những ý kiến cho rằng họ muốn từ các cuộc tụ tập này biến thành “tiền đề cách mạng đường phố”. Tôi xin phép được giơ tay nêu câu hỏi: vì sao người ta lại sợ như vậy? Sao nhà báo lại tiên đoán đó là “tiền đề cách mạng đường phố”.

Hành văn cho cẩn thận, nếu không sẽ bị “chụp mũ” đấy.

Xin kính chào. Chúc nhà báo thật nhiều sức khỏe và tìm hiểu về lòng yêu nước và những người biểu tình cho rõ hơn!

Irina.


Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

Bài của bọ Lập

(Mong) bọ Lập chủ nhân blog Quê Choa đại xá khi thảo dân tự tiện xin bài này về nhật ký riêng. Để một mình đọc nhâm nhi, vậy thôi.

KÍNH MONG CÁC BÁC ĐỪNG KÍNH MONG NỮA!

Mình rất phấn khởi khi đọc một loạt ý kiến của các nhà khoa học trong buổi gặp gỡ của TBT với các bác Vusta. Ngày xưa cụ Nguyễn Văn Linh mới lên chức TBT cũng đã có cuộc gặp gỡ với anh em văn nghệ sĩ Hà Nội. Từ đó có nghị quyết o5 về văn hóa văn nghệ của BCT, một nghị quyết có tầm cao văn hóa, đầy trách nhiệm của Đảng. Tiếc thay nghị quyết đó đã bị rơi vào quên lãng, nếu không muốn nói là bị vứt vào sọt rác. Từ năm 1990 đến nay đã hai chục năm, nếu thực hiện được nghị quyết tuyệt vời đó thì văn hóa nước nhà đã bước sang một thời kì mới đầy sáng sủa rồi, có đâu tăm tối như bây giờ. Tiếc lắm thay.

Không biết sau cuộc gặp gỡ với Vusta, TBT có cho ra một nghị quyết về trí thức nước nhà như nghị quyết 05 được hay không. Chắc không. Hồi đó sau lưng cụ Nguyễn Văn Linh có cụ Trần Độ. Bây giờ sau lưng bác Nguyễn Phú Trọng có ai? No one else! Hu hu. Thời này tìm được người vừa có tài vừa có tâm vừa can trường như bác Trần Độ khác nào đáy bể mò kim.

May thay trong cuộc gặp này có bác Chu Hảo phát biểu làm mình đỡ tủi thân. Bài phát biểu “Mong Tổng Bí thư thể hiện dấu ấn cá nhân” của bác Chu Hảo có những đề xuất rất đúng tầm. Đề xuất với TBT là đề xuất như rứa chứ đừng như mấy ông văn nghệ dở hơi ngày xưa, đòi gặp TBT cho được, đến khi gặp được rồi lại đề xuất tăng lương!

Bác Nguyễn Lân Dũng đề xuất cũng hay, nhưng mình dị ứng với cái sự “kính mong” của bác NLD lắm lắm. Bác Nguyễn Lân Dũng nói: “Kính mong Tổng bí thư nói riêng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội nói chung hãy thực sự tin cậy vào đội ngũ trí thức nước nhà” . Tại sao lại phải kính mong nhỉ? Đảng- Nhà nước không biết tin cậy vào đội ngũ trí thức nước nhà thì Đảng- Nhà nước sai, Đảng-Nhà nước hỏng. Đó là việc họ phải làm nếu họ thực sự mong muốn Dân giàu nước mạnh, rứa thôi. Kính mong gì mà kính mong.

Vẫn biết các bác quen mồm nói với cấp trên như thế chứ chẳng có ý gì nhưng cái sự”kính mong” khiến người ta nhầm tưởng là người ta có quyền ban ơn mưa móc. Thêm nữa khi các bác nói vậy là thiên hạ biết ngay tư tưởng “xin cho” đã thấm vào máu các bác rồi, rất chi là nguy hiểm. Đấy là chưa muốn nói đến khi “kính mong” như vậy thì cái mùi xiểm nịnh nó bốc lên, khó chịu lắm.

Các bác đều là bậc đạo cao đức trọng mà còn “kính mong”, “tha thiết mong” thì đám dân đen như tụi tui biết ăn nói thế nào. Khéo không lại đua nhau nói thế này chăng: kính mong Bộ trưởng giáo dục đừng để giáo dục xuống cấp? Kính mong Thống đốc ngân hàng đừng làm tiền Việt mất giá? Kính mong Thủ tướng hãy chặn đứng lạm phát, đừng làm cho lạm phát tăng cao?

Không. Đó là việc họ phải làm. Nếu không làm được thì out ngay để người khác làm, chứ chẳng kinh mong kính meo gì sất.

Rứa đo rứa đo.

(Nguồn: quechoa.info)

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

Viết lúc ban trưa

Lời chân thành.
Lòng mình nghĩ thế nào, ghi ra thế ấy.
Yêu nước cần liên tục, nhưng biểu tình nên có điểm tạm dừng.
Cái gì thái quá cũng đều không hay.

Trưa chủ nhật 14.8.2011

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

Vàng mã và niềm tin

Tôi có chú em họ, nhà ở Hải Phòng, mặt tiền chợ. Sau bao năm chinh chiến, ra quân rồi nghỉ mất sức, đồng bạc trợ cấp chả bao nhiêu, sống chủ yếu dựa vào cái quán hàng nhỏ. Lúc đầu thì chè chén, thuốc lá, dăm chiếc kẹo vài cái bánh, nhặt tiền xu của thiên hạ. Rồi chẳng biết ai mách, quay sang buôn bán hàng mã. Bán đồ giả nhưng thu tiền thật, số phận mỉm cười, cuộc đời cứ thế đi lên.

Nhà nơi chợ búa, bận rộn tíu tít suốt ngày. Cả hai vợ chồng luôn chân luôn tay. Chả mấy khi dám bỏ nhà, bận hơn nuôi con mọn. Hàng đến hàng đi còn hơn công ty xuất nhập khẩu nhà nước. Thôi thì đủ loại, dương thế có gì âm phủ thứ nấy, từ món hàng vài đồng bạc lẻ đến những món tiền triệu. Thậm chí nhiều thứ khi người ta còn sống nhăn chả hình dung nó ra sao, về cõi âm lại được xài thoải mái.

Chú em bảo, dương sao âm vậy bác ạ. Em bán quanh năm nhưng mùa làm ăn là ngày rằm mùng một, lễ tết, nhất là tháng bảy mưa ngâu, cúng cô hồn. Thế thì đúng quanh năm bận bịu còn gì, sản xuất kinh doanh mà đầu ra đầu vào được vậy thì nhất, mơ ước nào hơn.

Mà lạ, càng ngày thiên hạ càng để ý đến cõi âm, trong khi trần thế có vẻ bị lơi lỏng sự quan tâm. Tôi không dám chê bai bởi mình cũng theo tục cúng ông bà, nhưng dường như xã hội đang bị thần thánh hóa thái quá. Nơi nào cũng cúng bái, nhang khói, đồng cốt. Nhan nhản hội hè cờ phướn rợp trời, cả quốc doanh lẫn dân doanh. Thành thị vái kiểu thành thị, nông thôn cúng kiểu nông thôn, càng giàu càng lạc sâu cõi mê. Nhà dân cúng bái, hóa vàng mã đã đành, giờ vàng mã khói hương vào cả cơ quan công sở (đương nhiên là của nhà nước), khấn vái sì sụp rất thành tâm. Có cơ quan, nhân viên lơi là cúng kiếng còn bị sếp la mắng, nhắc nhở. Vào tháng cô hồn, người ta mua vàng mã xe cộ nhà cửa quần áo ngựa nghẽo… chất đầy sân, khói bay ngút trời.

Lại nhớ hồi mình còn bé, quê vùng nông thôn, rất ít thấy nhà mình đốt vàng mã, mà nhiều nhà cũng thế. Mỗi dịp lễ tết, rằm tháng giêng, tháng bảy, tháng tám thường chỉ thắp hương, hoa quả tưởng nhớ ông bà tổ tiên, thương xót những linh hồn lưu lạc. Trong khói hương bài thơm thoang thoảng, chả bày vẽ gì, sao vẫn thành kính thiêng liêng lắm. Mùng một tết hoặc ngày giỗ thì có hóa vàng nhưng cũng chỉ tượng trưng, lòng thành là chính, cõi âm nào giận trách gì. Mình lại nhớ sư cụ chùa Trà Phương quê mình, một bậc cao tăng, cụ từng bảo làm gì cũng cốt ở tấm lòng, sống sao cho đạo đức, vàng mã xét cho cùng là sự lãng phí.

Mai là rằm tháng bảy, nhìn xung quanh thấy thiên hạ mua sắm hàng mã, hóa vàng chốn chốn nơi nơi, tôi băn khoăn tự hỏi: hay là người ta đang thiếu niềm tin vào cõi dương gian nên phải mượn tạm cõi âm để gửi gắm? Vậy thương lắm thay.

14 tháng bảy âm lịch, 2011

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2011

Cứ theo luật mà làm

Chỗ khuyết sẽ được lấp đầy, rùa lại è lưng mà cõng (ảnh: N.Thông)

Mấy ngày qua, dư luận sôi nổi bàn bạc, đồn đoán chuyện ai sẽ làm chủ tịch cái gọi là Ủy ban nhân dân của đô thị lớn hàng nhất nhì ba xứ mình (người ta cứ bảo hàng thứ 5 nhưng theo mình, nó phải đứng hàng 3, chỉ sau thủ đô mở rộng và Sài Gòn thôi), TP Đà Nẵng.

Chả là thành phố bên sông Hàn đang yên hàn thì ông Tô tổ chức vào công bố quyết định điều động ông Trần Văn Minh, ủy viên T.Ư đảng, đương kim chủ tịch UBND thành phố ngược ra thủ đô giữ ghế phó cho ông Tô, tức Phó ban Tổ chức T.Ư. Điều này cũng bình thường bởi là chuyện riêng của đảng, của một tổ chức chính trị xã hội, chả ai thắc mắc gì. Có lẽ ông Minh cũng tiếc cái chỗ béo bở anh hùng nhất khoảnh, theo nguyên tắc “thà làm đầu gà còn hơn làm đuôi voi” xưa nay, nhưng đã người của đảng thì phải phục tùng tổ chức, cũng giống như dân đen chịu nguyên tắc“bắt phong trần phải phong trần/cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Hãy vui sướng đi, bác Minh ạ, cứ tự an ủi thế cho nhẹ nhõm.

Ông Minh dứt áo ra đi thì ghế trống. Vị trí quan đầu thành phố (đúng ra chỉ hàng thứ 2, còn sau một ông), thị trưởng một đô thị lớn không nên bỏ trống quá lâu, dễ sinh loạn. Các hãng thông tấn, từ cỡ BBC đến thông tấn vỉa hè đều hướng sự đồn đoán vào một nhân vật tuổi trẻ (quá trẻ đằng khác) tài cao (cái này thì thời gian sẽ dần chứng minh), ông Nguyễn Xuân Anh, 36 tuổi (năm ngoái 35 thì nay 36, già thêm một tí so với kỷ lục đã được xác nhận). Ông Anh đương kim ủy viên dự khuyết T.Ư, Phó chủ tịch tỉnh, con của một ông từng rất to (người đỡ đầu cho ông số 1 Đà Nẵng bi giờ), học hành bài bản, ngoại ngữ thông thạo (chứ không phải chứng chỉ A, B đáng ngờ như một số vị), đẹp giai, vợ sắc nước hương trời… quả xứng đáng, chả mấy ai bằng chứ nói gì hơn. Riêng kẻ hèn này, có thời từng chung cơ quan với ông Xuân Anh (mình lớn tuổi hơn nên ông ấy xưng hô gọi anh xưng em rất đàng hoàng, tình cảm) thì mến phục cái đức tính thẳng thắn của ông ấy (chuyện này nếu kể ra thì hơi nhạy cảm, động chạm đến người khác, tạm gác lại đã). Nhiều người bảo, nếu không phải con cụ Chi triều đình thì đố nó dám phát ngôn văng mạng vậy, nghe cũng có lý, nhưng theo mình chưa hẳn. Bởi mình biết đó là bản tính của Xuân Anh, không phải một lần mà nhiều lần như vậy. Sự thẳng thắn, dám công khai đấu tranh với cái xấu, cái tệ hại, đó là thứ phẩm chất người lãnh đạo cần phải có, và tôi thấy Xuân Anh đã có, đậm đà đằng khác.

Năm 2008, Xuân Anh cưới vợ, cô hoa hậu Bùi Thị Diễm, tổ chức tại Cần Thơ, có mời tôi nhưng tôi ngại xa nên cáo vắng. Lúc ấy Xuân Anh đang là Phó chủ tịch quận Liên Chiểu (cái quận nổi tiếng với kho xăng của quân đội Mỹ, từng đi vào bài hát thật hào hùng “Lửa, lửa cháy ngút trời Đà Nẵng. Đêm nay Đà Nẵng đứng lên rồi. Hãy gầm lên, gầm lên nữa, pháo, pháo ơi…” mà tôi rất thích); tôi nhắn tin cám ơn tân lang và bảo “10 năm nữa VN sẽ có vị phó thủ tướng trẻ nhất từ trước đến nay”, chả biết anh chàng còn nhớ chứ bản tin ấy tôi vẫn lưu trong máy làm kỷ niệm. Nay mới 4 năm, chưa được phân nửa chặng đường, chú rể đất Cần Thơ gạo trắng nước trong giờ đã hàm trung ương, vị phó chủ tịch tỉnh, tôi đồ rằng điều mình tiên đoán chắc chẳng sai, thành hiện thực sơm sớm là đằng khác.

Thôi, lan man quá, quay lại chuyện ai sẽ thị trưởng Đà Nẵng. Hiện thành phố này có 4 vị phó thị trưởng gồm các ông Võ Duy Khương (PCT thường trực), Văn Hữu Chiến, Phùng Tấn Viết và Nguyễn Xuân Anh. Xứ sông Hàn chưa mặn mà với phụ nữ như đất Sài Gòn. Tuy nhiên chỉ nhõn ông Anh là trung ương, nếu đôn ông Khương hoặc những ông kia lên kể cũng khó. Nguyên tắc bất di bất dịch là đảng lãnh đạo. Đảng ở Đà Nẵng giờ là ông Thanh, ông Anh. Ông Thanh bí thư đã đi một nhẽ, như một ông trùm, ai làm gì nghĩ gì cũng phải báo cáo ông ấy, chả lăn tăn. Nhưng ông chủ tịch không dính trung ương lại phải báo cáo xin phép ông phó chủ tịch hàm trung ương thì lộn tùng phèo quá. Thật quá rõ đường quan lộ cho mấy vị kia có vẻ chẳng hanh thông. Tôi lại đồ rằng trường hợp ông Anh không được cất nhắc (do trẻ quá) thì ông Tô tổ chức sẽ điều một ông trung ương khác về cho trong ấm ngoài êm. Chuyện đó đối với đảng là chuyện nhỏ.

Theo luật Hội đồng nhân dân, “Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên” (điều 1); “Trong lĩnh vực xây dựng chính quyền địa phương và quản lý địa giới hành chính, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: 1. Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó chủ tịch, Ủy viên thường trực Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó chủ tịch và các thành viên khác của Ủy ban nhân dân…” (điều 17). Vậy thì dân Đà Nẵng ngoan cường một thời có dám thực hiện cái quyền mà luật trao cho mình không? Vẫn biết trung ương nếu có đưa ai về hoặc chọn ai đặt vào ghế thì cũng gói ghém vào vỏ bầu bán cho ra vẻ chính danh, và thường mũi tên đã bắn ra là cắm vào đích. Trong trường hợp cấp trên bao cấp, làm thay, chọn thay mà chính xác, đưa ra được người tài giỏi thì quá tốt, dân sông Hàn nhờ ơn mưa móc có phúc có phận. Còn ngược lại, cứ gò cứ ép buộc phải chấp thuận người nào đó mà lòng dân không ưa, không tín nhiệm thì theo tôi, Đà Nẵng, cứ luật mà làm.

Đà Nẵng hãy chứng tỏ bản lĩnh của mình. Nhé nhé.

11.8.2011

Nguyễn Thông

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

Một câu hỏi lớn, chưa lời đáp

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh nhớn tuổi hơn mình, làm báo trước mình, nghĩ và viết nhiều điều rất sâu sắc, mình kính trọng coi là bậc trưởng thượng, đàn anh. Hằng ngày gặp nhau chủ yếu vì công việc, leo vào blog thấy có nhiều điều giống nhau nhưng chả thể nói to, chỉ như lời tâm sự. Đây là một bài viết của đại huynh dạng ấy, mình giữ lại làm kỷ niệm. Blog của anh còn nhiều bài hay khác, được bổ sung mới thường xuyên, quý vị nào muốn coi có thể xem tại địa chỉ huynhngocchenh.blogspot.com.
Anh Chênh người Nam nên hay bị nhầm lẫn dấu hỏi-ngã, mình tôn trọng bản gốc nên để nguyên không sửa chữa gì.

TẠI SAO KHÔNG KIỆN CHÍNH QUYỀN TP HỒ CHÍ MINH RA TÒA?

Nghĩ đến chuyện đoàn xe của tổng thống Obama chạy ở London gây ra đôi chút cản trở lưu thông đã bị bắt phạt mà đau xót và tủi nhục trước những ứng xử của chính quyền TP HCM.
Kể từ ngày nổ ra cuộc biểu tình chống xâm lược đến nay đã qua 8 lần chủ nhật. Cứ đến ngày chủ nhật là hầu như tất cả các ngã đường dẫn vào lãnh sự quán TQ đều bị rào kín từ sáng sớm. Tất cả các quán hàng, dịch vụ, Trung tâm mua sắm Diamond Plaza, nhà văn hóa Thanh Niên...đều nhất loạt bị đóng cửa. Nơi nào mở cửa hoạt động, kinh doanh sẽ bị phạt nặng.
Khổ nổi những doanh nghiệp nơi đó hầu hết đều kinh doanh ăn uống, dịch vụ...doanh thu cao vào ngày cuối tuần. Thế nên khi buộc phải đóng cửa họ chịu tổn thất khá nhiều. Nhà văn hóa Thanh Niên, nơi tập trung vui chơi, sinh hoạt, học tập của hàng ngàn bạn trẻ vào ngày cuối tuần cũng bị cấm đoán gây ra tổn thất lớn không những cho nhà văn hóa mà còn tổn thất cho ngàn hàng bạn trẻ cần nơi học tập, vui chơi, sinh hoạt lành mạnh.
Những tổn thất vô lý đó mà người dân phải gánh chịu là vì cái gì?
Chắc chắn là vào ngày chủ nhật các quan chức TQ trong lãnh sự quán đang ngủ nghĩ, vui chơi. Chẳng lẻ người dân của chúng ta chịu tổn thất để giử yên cho những giấc ngủ trễ tràng của nhân viên LSQ TQ? Dân ta phải chịu tổn thất để cho các người đó không bị mất bửa ăn ngon do sự ồn ào của đám đông bên ngoài?
Họ cắt cáp phá hoại tàu bè của ta, họ đuổi bắt trấn lột ngư dân của ta làm ăn trên biển, đẩy bao nhiêu gia đình ngư dân vào hoàn cảnh nhà tan cửa nát điêu đứng mà dân ta đứng ra phản đối bằng vài câu biểu ngữ ôn hòa cũng không được hay sao?
Luật pháp ghi rất rõ, những quyết định của cơ quan chính quyền ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân thì sẽ bị người dân kiện ra tòa.
Chính quyền TP HCM không thấy rằng đã ra các quyết định ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân hay sao?
Cái não trạng trì trệ của chúng ta làm chúng ta cứ nghĩ rằng hể cơ quan nhà nước thì muốn làm gì thì làm, làm đúng hay sai thì cũng không ai dám nói tới. Cái não trạng trì trệ đó có trong quan chức nhà nước mà cũng có trong dân. Do vậy mà liên tục 8 ngày chủ nhật qua bị đóng cửa ngưng hoạt động...nhưng chưa có doanh nghiệp nào, người dân nào dám khởi kiện chính quyền ra tòa cả.
Thật đau đớn tủi nhục cho đất nước.
Thứ bảy, ngày 06 tháng tám năm 2011

(Nguồn: huynhngocchenh.blogspot.com)

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2011

Đường ra trận mùa này đẹp lắm


Phải nói ngay kẻo bị quy là mất quan điểm, lập trường: Ra trận để đấu với bọn Tàu cộng, bành trướng Bắc Kinh lăm le nuốt nước ta.
Trong lúc báo chí, truyền thông rụt rè, ngơ ngác trước các cuộc biểu tình yêu nước diễn ra dồn dập thì việc được người dân ưu ái "cho tham gia" vào cuộc tuần hành như thế này (xem các ảnh kèm theo) là sự ưu ái đặc biệt với báo Thanh Niên. Có người bảo rằng hay hớm gì, có người ỡm ờ rằng người ta lợi dụng báo thì có chứ chả ưu với ái. Kệ, theo tôi, chỉ "vô tình" đứng vào hàng ngũ vậy thôi, báo Thanh Niên đã vinh dự lắm lắm. Bạn tôi tị nạnh, chỉ quả này cũng gấp vạn lần quảng cáo thông thường, đã không mất tiền mà vang danh khắp chốn, trong lẫn ngoài nước.
Tôi lân la hỏi, thì thấy những người làm báo Thanh Niên không nghĩ thế, tiền bạc là cái đinh gì, nhưng họ rất tự hào. Dân có tin mình thì mới cho mình cùng đi, ai còn nghi ngờ, thử xem lại có tờ báo nào trong cuộc biểu tình yêu nước vừa qua được vinh dự ấy.
"Đường vui không đợi mùa trăng
Ta đi làm ánh sao băng giữa đời"
(Tố Hữu)
Khá khen thay cho những người làm báo Thanh Niên biết chớp lấy thời cơ, dù chưa phải nghìn vàng, nhưng đủ để nâng tầm vị thế. Và các nhà báo TN, hãy cám ơn đồng bào mình, bởi họ đã cho phép tờ báo họ yêu mến được đứng trong đội ngũ nhân dân.
Dưới đây là những tấm ảnh đầy chất lịch sử đối với báo Thanh Niên. Xin cám ơn các tay máy dũng cảm, tài năng, đầy chất nhân văn Nguyễn Lân Thắng, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Hữu Vinh, và ai đó nữa nếu nhà cháu chưa biết tên.
Ảnh chụp sáng 7.8.2011 tại thủ đô Hà Nội.




Hai blogger nổi tiếng Mẹ Nấm và Người Buôn Gió với báo Thanh Niên




Người phụ nữ đứng hàng đầu này là bạn mình, Nguyễn Thị Hương- thân mật gọi là Hương Big

8.8.2011
Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2011

Vui đáo để

Tuýt tuýt. Đồng bào chú ý làm theo hiệu lệnh nhé: Đả đảo Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa của Việt Nam. Đả đảo! Đả đảo!... (ảnh của anh Nguyễn Lân Thắng, lời Nguyễn Thông)

Hà Nội ngày 7.8.2011, bên bờ hồ Gươm.
Quanh hồ Gươm, nhân dân bàn chuyện vua Lê. Khí thế quá.
Thực hiện chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng biểu tình, í quên, cùng làm, cứ xã hội hài hòa như vầy, chả mấy chốc mà dân giàu nước mạnh, dân chủ công bằng văn minh.

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

Hương Big đi biểu tình

Hương Big ngoài cùng bên phải, người đứng cạnh là GS Nguyễn Huệ Chi, trên thềm Nhà hát Lớn Hà Nội trong cuộc biểu tình yêu nước ngày 17.7.2011.

Nguyễn Thông blog:
"Mụ" này cứ như con chim, nay đây mai đó, mới chiều thấy ở Sài Gòn, thoắt sáng sau đã từ Hà Nội phôn vào. Bạn bè cùng lớp thân ái đặt cho "mụ" biệt danh Hương Big, Hương lớn Nguyễn Thị Hương để phân biệt với một "mụ" khác cũng đáng yêu không kém (mà bọn con gái lớp mình khóa 17 Văn khoa Tổng hợp đứa nào cũng đáng yêu, nếu được cưới chúng nó thì mình xin lấy hết) là Hương con Nguyễn Thanh Hương. Đời "mụ" lớn là cả một bản tình ca lãng mạn. Mình cũng thích nó.
Bấy lâu không gặp, tình cờ thấy "mụ" ngồi trò chuyện với Nguyễn Xuân Diện trong buổi gặp mặt cà phê chủ nhật 31.7 nổi tiếng tại 36 Điện Biên Phủ, Hà Nội, mình liên lạc, Hương bảo "không biết à, tớ đi 4 cuộc biểu tình rồi, nhiều cái hay lắm". Thằng Xuân Ba mới tham gia 2 cuộc, còn Hương gấp đôi, được đấy, âm thịnh dương suy.
Hôm qua Hương meo cho mình bài (dưới đây) bảo là để đọc chơi cho biết. Mình cũng đang có mấy bài, nhưng hơi lấn cấn tí "lý do kỹ thuật" nên bài vở bỏ trống hơi lâu, bèn xin phép bà bạn cho chia sẻ bài này về blog của mình. Thích nhất là những cái tít nhớn tít nhỏ đặt theo kiểu Những người khốn khổ của Victor Hugo.
Hương bảo hai người phụ nữ xinh xinh trong bài là 2 cô con gái của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, tác giả Lá cờ thêu sáu chữ vàng. Cô em Phương Chi hiện cán bộ nghiên cứu viện Văn học. Hai chị em nhà này cũng phải mẹo mực lắm mới lẻn được vào quán cà phê này đấy. Vậy mà mình cứ nghĩ là Kim Anh nữ sĩ.
Còn đây là nguyên văn, không sửa chữa tí ti gì bởi mình tôn trọng bạn Hương.

Mấy mẩu chuyện nho nhỏ lượm được bên cái xe cứu hỏa to to vào ngày có phiên xử ông Cù Huy Hà Vũ

Những con phố hôm nay khác lạ

Mưa do ảnh hưởng từ cơn bão ngoài biển Đông vẫn kéo dài mấy ngày qua. Sáng sớm 2/8, tôi và cô bạn sà vào hàng bún vỉa hè. Ăn xong, chúng tôi lững thững đi bộ ra phố Hai Bà Trưng. Bỗng tôi nhìn thấy rất nhiều công an áo vàng, bảo vệ đeo băng đỏ trên tay và hàng tá những người mặc thường phục đứng chặn khắp các ngả đường dẫn đến Tòa án nhân dân TP Hà nội. Chúng tôi phải nghĩ mãi mới tìm được cách đánh lừa mấy chú công an trẻ để ra uống café ở một quán vỉa hè Lý Thường Kiệt. Đập vào mắt chúng tôi lúc đấy là cảnh con đường chợ Âm phủ cũ, các góc phố Lý Thường Kiệt, phố Dã Tượng đều đầy ắp công an. Bên cạnh góc đường chợ Âm phủ còn thấy một chiếc xe cứu hỏa to lù lù đang đỗ. Những con phố quanh tòa án hôm nay bỗng trở lên khác lạ, thay vào dòng người qua lại thân quen là những đốm vàng đốm xanh di chuyển, là tiếng tuýt còi và tiếng quát tháo.

Quán vỉa hè chúng tôi lựa chọn để uống café đã có đến chục khách mặc thường phục, toàn đàn ông. Khi cô chủ quán đem café ra, tôi xin phép người đàn ông ngồi bên cạnh để đặt cốc café lên cái ghế nhựa được dùng làm bàn trước mặt anh ta và tiện thể hỏi chuyện luôn xem anh ta có biết tại sao hôm nay khu vực này lại nhiều công an như vậy không? Anh ta ậm ừ: “có việc trong tòa án”. Tôi hỏi tiếp:”việc gì trong tòa án hở anh?” anh ta không trả lời. Tôi vờ vịt, anh ta ậm ừ. Thôi vậy, không hỏi nữa. Anh ta chắc không tin câu hỏi của tôi là chân thành. Còn tôi, sau vài phút quan sát tôi đã đoán được những người đang ngồi chung quán với mình là ai. Họ đang làm nhiệm vụ rất chân thành. Tôi nói với cô bạn nhưng chắc mấy anh bên cạnh đều nghe thấy hết: có mỗi ông Cù Huy Hà Vũ, một công dân yêu nước bình thường thế mà phải huy động ngần ấy lực lượng để ngăn cấm dân đến gần tòa án thì rõ hành động này là tôn vinh ông ấy thật rồi còn gì.

Ngừng lời, tôi tiếp tục nhìn ra mặt phố thì thấy một bác giai trung tuổi phóng xe máy đến, không chờ cho mấy anh công an quát bác ấy đã dừng lại quát trước:” Mưa gió thế này đứng ở đây làm gì? Về đi!” mấy anh công an bị bất ngờ chưa kịp định thần thì bác ấy quát tiếp:”Về!” xong rồi bác ấy rồ ga phóng mất hút trên đoạn đường Lý Thường Kiệt không bị cấm. Tôi và mấy người trong quán hô to :”Ô, bác giai này đâu ra mà được thế nhỉ”.

Nhổ răng không gây tê

Chúng tôi ngồi đau đáu nhìn về phía sân tòa án. Và rồi bên cạnh chúng tôi, dưới lòng đường liên tục có tiếng tuýt còi, tiếng quát tháo của các anh công an và bảo vệ mỗi khi có xe trườn tới, khi thì cái xe máy, lúc cái ô tô.

Nghe tiếng quát tháo và nạt nộ thô lỗ để xua đuổi người đi đường của bảo vệ và công an, tôi không chịu được lâu hơn bèn “tâm sự” với cô bạn nhưng cũng cốt để những người xung quanh nghe thấy: “này cậu, tớ thấy mấy anh công an này nói năng với dân thiếu lễ độ quá, nếu lực lượng công an mà thế này thì gay nhỉ! Họ nghĩ gì trong đầu mà tự cho mình quát tháo nạt nộ dân nhỉ! Không chấn chỉnh thì rồi người nhà hay họ hàng của anh công an này sẽ bị anh công an kia nạt nộ hỗn láo thôi, làm gì có nhiều gia đình làm công an cả nhà, làm gì có họ nào làm công an cả họ, mà làm công an ở tỉnh này thì lại bị công an ở tỉnh khác hành chứ chả chơi.” Cô bạn tôi tiện thể “tâm sự” lại: hồi trước tớ ra lệnh cho nhân viên của tớ cứ thấy cậu công an nào đến chữa răng thì cứ theo phương châm “nhổ răng không gây tê” cho biết thế nào là làm cho người khác đau. Cô bạn tôi là một bác sĩ giỏi, rất hiền lành và nhân hậu, ngay cả khi cô ấy nói chuyện này cũng bằng một chất giọng êm như lụa, mượt như nhung chả có ác ý gì. Cô ấy chỉ muốn kể một câu chuyện về nhân quả.

Tôi có một số bạn là công an, tôi rất quý họ và hy vọng là họ chưa bị nhổ răng mà không được gây tê.

Nói chuyện 2 người lâu cũng chán, nhất là xung quanh lại đang có rất nhiều người thú vị. Tôi quay sang anh bên cạnh rào trước đón sau: “anh cho tôi hỏi một câu nhé, nếu anh thích thì trả lời nếu anh không thích thì anh có quyền từ chối”. Anh ấy không từ chối, thế là tôi hỏi:”anh thấy thay vì quát tháo và tuýt còi inh ỏi mấy anh công an và bảo vệ kia có nên ôn tồn nói với người dân là hôm nay đoạn đường này bị cấm mời các bác các anh chị vui lòng quay lại đi đường khác hay không?” anh ấy trả lời: “thì họ đang làm nhiệm vụ mà”. Tôi lại hỏi:”à hóa ra thế ạ, công an khi làm nhiệm vụ có quyền quát ạ? Các anh công an bây giờ có biết lời dạy của bác Hồ là “đối với dân phải kính trọng lễ phép” không anh?” anh ta chưa kịp trả lời thì có anh trẻ hơn ngồi cạnh vội nói “nhưng người dân có lúc cũng chửi công an, gọi công an là thằng, là oắt con”. Tôi nói “thế để đề phòng tình huống dân phản ứng như anh vừa nói thì các anh công an cứ quát phủ đầu dân trước đi đúng không ạ?”. Im lặng. Tôi đánh giá im lặng là đồng ý và chắc anh ấy thấy tôi nói có lý. Tôi tiếp:”Chắc anh mà bị quát thế anh cũng cảm thấy bị xúc phạm nhỉ? Tôi đoán những người dân vừa bị các anh công an quát tuy không phản ứng nhưng họ sẽ giận lắm, công an không tôn trọng họ chắc họ cũng không tôn trọng công an”. Lại là những giây im lặng rồi cơn mưa ào ào trút xuống, các anh công an và bảo vệ chạy nháo nhào tìm nơi trú mưa. Tôi đưa mắt về phía sân tòa án, một chiếc xe bịt bùng nhỏ chạy từ trong sân ra cổng và trốn vào giữa làn mưa giăng mù trắng xóa.

Tôi phản ánh

Tạnh mưa và cũng đã trưa rồi, tôi và cô bạn chuẩn bị đi về thì thấy 2 người phụ nữ xinh xinh ngồi cùng quán chạy ra nói chuyện, chúng tôi nhận ra nhau vì trước đây học cùng khoa trong trường đại học. Chúng tôi hẹn nhau chiều quay lại khu vực này để uống tiếp café rồi chia tay. 2 chúng tôi đi về phố Hai Bà Trưng theo con đường Hỏa Lò. Công an và bảo vệ vẫn chốt 2 đầu của phố này. Tôi mắc bệnh hay quan sát, không để mắt yên nên tôi bị quả báo, thấy ngay một anh bảo vệ mặc áo trắng đeo băng đỏ đang trong tư thế thắt lưng quần chưa cài, đứng ngay bên cạnh tường rào tòa án và đối diện cổng vào khu tham quan di tích nhà tù Hỏa Lò. Tôi bất bình với hành vi này. Tôi chạy ngay lại quầy bán vé để kiểm chứng thì cô nhân viên bán vé nói ngay: anh giai kia vừa đái bậy cô ạ. Tôi hỏi: thế cháu có phản ứng gì khi nhìn thấy không? Cô ấy bảo: cháu kêu rất to là Ơ cái đồng chí kia’, rồi cô ấy tiếp: kinh quá cô ạ, đây là khu di tích mà họ thế đấy, anh ấy lại còn là bảo vệ chứ lị. Anh bảo vệ cứ thế nhởn nhơ chưa cài thắt lưng vội. Giời ạ, cô bạn tôi cười khanh khách chỉ vào cái bảng có mũi tên đề rất rõ: nhà vệ sinh cách 200m, bảng này cách chỗ anh bảo vệ đái bậy chỉ có mấy bước chân.

Tôi đi tìm hỏi thăm xem ai là người chỉ huy nhóm công an bảo vệ đang chốt ở phố Hỏa Lò này. Người ta chỉ cho tôi 2 anh đang đứng rất nghiêm chỉnh trong tư thế 2 tay chắp ra phía sau. Tôi lại gần và nói: xin 2 anh cho tôi phản ánh một sự việc: nhân viên dưới quyền chỉ huy của các anh có hành vi kém văn minh ảnh hưởng đến môi trường, làm xấu hình ảnh người Hà nội giữa khu di tích có nhiều khách nước ngoài thăm viếng, rồi tôi trình bày sự việc mà tôi nhìn thấy cùng lời đề nghị các anh nên giáo dục nhắc nhở nhân viên. Một trong 2 anh trao đổi với tôi và nói là các chốt khác nhau nên các anh ấy không có trách nhiệm. Tôi thất vọng quá nhưng kiên quyết không bỏ cuộc, tôi bảo phải đi hỏi thăm mãi họ mới chỉ cho tôi người chỉ huy mà các anh lại nói thế thì tôi phải phản ảnh vấn đề này với ai đây. Lúc này anh ấy mới vội an ủi tôi bằng câu: thôi được, để chúng tôi nhắc nhở. Tôi nhìn vào bảng tên anh ấy đeo trên ngực và bảo : anh Th. hứa với tôi rồi nhé. Tôi hy vọng là anh ấy giữ lời.

Kết

Tôi và vài người bạn đã tìm đến khu vực tòa án hôm 2/8, âm thầm theo dõi một phiên tòa nín lặng với lòng cảm phục đối với Cù Huy Hà Vũ. Chúng tôi không được biết những gì diễn ra bên trong phòng xử án. Làm sao biết được khi mọi ngả đường đều bị phong tỏa. Nhưng nếu ngồi nhà ngay cả những mẩu chuyện nho nhỏ bên trên tôi cũng không có để kể lại cho các bạn. Tôi tin các bạn còn biết nhiều hơn những mẩu chuyện tôi vừa kể. Mỗi người chắc đều muốn một tương lai tươi đẹp cho con cháu mình.