Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Một cách dạy văn không có ở VN

Lời giới thiệu:
Bữa trước, bậc đàn anh của tôi, anh Nguyễn Khắc Nhượng- cựu Tổng thư ký tòa soạn báo Thanh Niên bảo rằng nếu anh còn làm, anh sẽ mở mục "Nhìn ra nước ngoài" trên trang giáo dục để thường xuyên giới thiệu những cái hay cái đẹp của bạn bè. Tôi xin phép anh được thực hiện điều đó trên blog này. Thiết nghĩ các nhà làm giáo dục, nhất là thầy cô giáo có thể rút được ít nhiều bài học thiết thực, bổ ích từ những câu chuyện như chuyện sau đây.
Xin cám ơn anh Nguyễn Khắc Nhượng.

Một buổi học chuyện cổ tích Cô bé Lọ lem (Cinderella)

Giờ học văn bắt đầu. Hôm nay thầy giảng bài chuyện Cô bé Lọ lem.

Trước tiên thầy gọi một học sinh lên kể chuyện Cô bé Lọ lem. Em học sinh kể xong, thầy cảm ơn rồi bắt đầu hỏi.

Thầy: Các em thích và không thích nhân vật nào trong câu chuyện vừa rồi?

Học sinh (HS): Thích Cô bé Lọ lem Cinderella ạ, và cả Hoàng tử nữa. Không thích bà mẹ kế và chị con riêng bà ấy. Cinderella tốt bụng, đáng yêu, lại xinh đẹp. Bà mẹ kế và cô chị kia đối xử tồi với Cinderella.

Thầy: Nếu vào đúng 12 giờ đêm mà Cinderella chưa kịp nhảy lên cỗ xe quả bí thì sẽ xảy ra chuyện gì?

HS: Thì Cinderella sẽ trở lại có hình dạng lọ lem bẩn thỉu như ban đầu, lại mặc bộ quần áo cũ rách rưới tồi tàn. Eo ôi, trông kinh lắm !

Thầy: Bởi vậy, các em nhất thiết phải là những người đúng giờ, nếu không thì sẽ tự gây rắc rối cho mình. Ngoài ra, các em tự nhìn lại mình mà xem, em nào cũng mặc quần áo đẹp cả. Hãy nhớ rằng chớ bao giờ ăn mặc luộm thuộm mà xuất hiện trước mặt người khác. Các em gái nghe đây: các em lại càng phải chú ý chuyện này hơn. Sau này khi lớn lên, mỗi lần hẹn gặp bạn trai mà em lại mặc luộm thuộm thì người ta có thể ngất lịm đấy (Thầy làm bộ ngất lịm, cả lớp cười ồ). Bây giờ thầy hỏi một câu khác. Nếu em là bà mẹ kế kia thì em có tìm cách ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử hay không? Các em phải trả lời hoàn toàn thật lòng đấy !

HS: (im lặng, lát sau có em giơ tay xin nói) Nếu là bà mẹ kế ấy, em cũng sẽ ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội.

Thầy: Vì sao thế ?

HS: Vì … vì em yêu con gái mình hơn, em muốn con mình trở thành hoàng hậu.

Thầy: Đúng. Vì thế chúng ta thường cho rằng các bà mẹ kế dường như đều chẳng phải là người tốt. Thật ra họ chỉ không tốt với người khác thôi, chứ lại rất tốt với con mình. Các em hiểu chưa? Họ không phải là người xấu đâu, chỉ có điều họ chưa thể yêu con người khác như con mình mà thôi. Bây giờ thầy hỏi một câu khác: bà mẹ kế không cho Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử, thậm chí khóa cửa nhốt cô bé trong nhà. Thế tại sao Cinderella vẫn có thể đi được và lại trở thành cô gái xinh đẹp nhất trong vũ hội ?

HS: Vì có cô tiên giúp ạ, cô cho Cinderella mặc quần áo đẹp, lại còn biến quả bí thành cỗ xe ngựa, biến chó và chuột thành người hầu của Cinderella.

Thầy: Đúng, các em nói rất đúng ! Các em thử nghĩ xem, nếu không có cô tiên đến giúp thì Cinderella không thể đi dự vũ hội được, phải không?

HS: Đúng ạ !

Thầy: Nếu chó và chuột không giúp thì cuối cùng Cinderella có thể về nhà được không ?

HS: Không ạ !

Thầy: Chỉ có cô tiên giúp thôi thì chưa đủ. Cho nên các em cần chú ý: Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta đều cần có sự giúp đỡ của bạn bè. Bạn của ta không nhất định là tiên là bụt, nhưng ta vẫn cần đến họ. Thầy mong các em có càng nhiều bạn càng tốt. Bây giờ, đề nghị các em thử nghĩ xem, nếu vì mẹ kế không muốn cho mình đi dự vũ hội mà Cinderella bỏ qua cơ hội ấy thì cô bé có thể trở thành vợ của hoàng tử được không ?

HS: Không ạ ! Nếu bỏ qua cơ hội ấy thì Cinderella sẽ không gặp hoàng tử, không được hoàng tử biết và yêu.

Thầy: Đúng quá rồi ! Nếu Cinderella không muốn đi dự vũ hội thì cho dù bà mẹ kế không ngăn cản đi nữa, thậm chí bà ấy còn ủng hộ Cinderella đi nữa, rốt cuộc cô bé cũng chẳng được lợi gì cả. Thế ai đã quyết định Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử ?

HS: Chính là Cinderella ạ.

Thầy: Cho nên các em ạ, dù Cinderella không còn mẹ đẻ để được yêu thương, dù bà mẹ kế không yêu cô bé, những điều ấy cũng chẳng thể ngăn cản Cinderella biết tự thương yêu chính mình. Chính vì biết tự yêu lấy mình nên cô bé mới có thể tự đi tìm cái mình muốn giành được. Giả thử có em nào cảm thấy mình chẳng được ai yêu thương cả, hoặc lại có bà mẹ kế không yêu con chồng như trường hợp của Cinderella, thì các em sẽ làm thế nào ?

HS: Phải biết yêu chính mình ạ!

Thầy: Đúng lắm! Chẳng ai có thể ngăn cản các em yêu chính bản thân mình. Nếu cảm thấy người khác không yêu mình thì em càng phải tự yêu mình gấp bội. Nếu người khác không tạo cơ hội cho em thì em cần tự tạo ra thật nhiều cơ hội. Nếu biết thực sự yêu bản thân thì các em sẽ tự tìm được cho mình mọi thứ em muốn có. Ngoài Cinderella ra, chẳng ai có thể ngăn trở cô bé đi dự vũ hội của hoàng tử, chẳng ai có thể ngăn cản cô bé trở thành hoàng hậu, đúng không ?

HS: Đúng ạ, đúng ạ !

Thầy: Bây giờ đến vấn đề cuối cùng. Câu chuyện này có chỗ nào chưa hợp lý không ?

HS: (im lặng một lát) Sau 12 giờ đêm, mọi thứ đều trở lại nguyên dạng như cũ, thế nhưng đôi giày thủy tinh của Cinderella lại không trở về chỗ cũ.

Thầy: Trời ơi! Các em thật giỏi quá! Các em thấy chưa, ngay cả nhà văn vĩ đại mà cũng có lúc sai sót đấy chứ. Cho nên sai chẳng có gì đáng sợ cả. Thầy có thể cam đoan là nếu sau này có ai trong số các em muốn trở thành nhà văn thì nhất định em đó sẽ có tác phẩm hay hơn tác giả của câu chuyện Cô bé Lọ lem! Các em có tin như thế không?

Tất cả học sinh đều hứng thú vỗ tay reo hò.


Đó là chuyện lớp học bên Mỹ, với những thầy cô yêu nghề, phân tích sâu sắc, phương pháp sống động, mang đầy nét sáng tạo và tích cực.
                                                                           Hết 

(Ghi chú: bài này anh Nguyễn Khắc Nhượng chuyển cho tôi, dịch từ tư liệu nước ngoài có tên "How an American teacher would tell the story of Cinderella").

15 nhận xét:

  1. Hãy bắt đầu nơi những người thầy
    tôi hy vọng ?
    nhưng tôi biết
    trong đội ngũ trùng điệp
    những người thày
    hiếm hoi lắm
    những người
    tôi
    có thể gửi
    niềm tin ?
    Bao người thầy chân chính
    đã bị nghiền nát
    bởi cái guồng máy này
    Hãy bắt đầu từ những người thầy
    thôi thì
    cứ thử xem ?

    Trả lờiXóa
  2. Bài này hay, sao không thấy bác Thông ghi nguồn ở đâu, hay bác tự nghĩ ra?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác đã chỉ giáo. Nhà em làm gì mà viết được những bài như thế này. Như đã nói ở trên, đây là những cái hay cái đẹp khi ta "Nhìn ra nước ngoài" mà thấy. Trang chủ đã bổ sung nguồn ở cuối bài. Xin đa tạ.

      Xóa
  3. Chuẩn. Em từng làm thế. Cảm ơn bác Nguyễn Thông

    Trả lờiXóa
  4. Cái bọn tư bản giãy chết này chủ ý đầu độc con trẻ từ khi còn tấm bé bằng cách dạy cho chúng tin vào những điều hoang đường (làm gì có cô tiên nào trên đời!) và ích kỷ (phải yêu bản thân mình!?). Làm như chúng ta mới là đúng: rèn trẻ em mơ gặp Bác Hồ, dạy trẻ em tiêu diệt không thương tiếc những kẻ mình không ưa (như Tấm dội nước sôi cho Cám chết nhăn răng và đem xác Cám làm mắm gửi cho mẹ nó ăn) để hun đúc tinh thần đấu tranh giai cấp ngay từ tấm bé, dạy trẻ em không nghĩ đến bản thân mình và những người ruột thịt, chỉ biết "còn Đảng, còn mình" - có thế mới trở thành những chủ nhân đích thực của thiên đường cộng sản chủ nghĩa được chứ!

    Trả lờiXóa
  5. Phải được tư do suy nghĩ, phát biểu ý kiến của mình để đến khi lớn lên chúng ta mới không "đồng phục tư tưởng"

    Trả lờiXóa
  6. Một giáo án khá tốt,không chỉ dạy trẻ mà còn dạy già,
    nhiều lão già như chúng tôi đây cần phải ngẫm,phải ngấm.
    Tuy nhiên,ở cái đất này,dân này,giáo án ấy khó thành hiện thực.Ví như,chuyện Tấm Cám nó có từ hồi ông cao ông cố của
    Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc.Nhưng có Bạn cũng vẫn qui kết
    là do ông Hồ thích dạy trẻ em căm thù.Tôi không phải là cái thằng khốn,ăn rồi chuyên bảo vệ cái chế độ lắm chuyện hư đốn này.Nhưng chỉ mong nói cái gì thì việc nào nó ra việc ấy.Mà tâm đã chánh ,tiếng nói của mình sẽ ít ra cũng làm giảm đi cái ác đang tồn tại dẫy đầy trong cuộc sống.
    Vì thằng nào cũng phải sợ đứa nói ngay,nói thực,nói không
    vì"xiền"!

    Trả lờiXóa
  7. Đúng là truyện "Tấm Cám" có từ thời ông cao, ông cố của cụ Nguyễn Sinh Sắc nhưng việc đưa câu truyện này vào giảng dậy trong nhà trường lại là do bọn tay sai ông Hồ thực hiện. Cứ để câu truyện ấy trôi nổi trong dân gian thì mấy em học sinh nào biết mà học tập cái ác? "Cụ" TMĐ có lẩm cẩm không đấy? Hay "cụ" là DLV của bọn nó?

    Trả lờiXóa
  8. Kho tàng văn học dân gian,tài sản văn hóa chung của dân tộc, bất cứ chế độ chính trị nào nắm quyền đều phải
    công nhận.Nó là mảng văn học truyền miệng.Có nhiều Ngoại,Nội của tôi,của Bạn,không một ngày tới trường,nửa chữ bẻ đôi không biết,vẫn kể cho con cho cháu nghe,rất lâm li,tình tiết chuyện Tấm Cám,Thánh Gióng,Sự Tích Trầu Cau...Vấn đề ở đây,theo bài viết của Bác Thông,người Thầy giáo biết vận dụng những mặt tốt,mặt tích cực,loại bỏ những mặt hạn chế của tác phẩm để giáo dục các em sống người hơn,nhân văn hơn,cảm thông và biết thương yêu con người.
    Ngành này tôi biết.Nghề này tôi biết rõ.Ngấm rõ.
    Đúng là chủ trương trước đây của CS là giáo dục nhồi nhét,nhồi sọ.Ví như,trong trận công đồn đêm trước giết 46 tên,đêm sau giết 23 tên.Tổng 2 đêm,các em cho biết ta giết được bao nhiêu tên địch?Riêng về chuyện Tấm Cám,nhiều nhà nghiên cứu cũng đã cố sửa vài ba chi tiết
    trả thù Cám và dì ghẻ nghe tàn nhẫn quá,nhưng khá gượng ép và khó tiếp nhận vì cốt truện truyền miệng kia nó đã thành thâm căn cố đế rồi.Gốc rễ là cần sự đổi mới thật sự của Ngành và cái tâm,cái tài của người Thầy.Riêng Bạn nói tôi là DLV.Điều này tôi không tranh cãi làm gì.Có chủ trang và công luận.Chỉ khuyên Bạn,hãy cẩn thận trong lời nói khi mình chưa nắm rõ con người,sự việc chính xác như thế nào.Chào Bạn.

    Trả lờiXóa
  9. Xin kể lại câu chuyện có thật 100% tại một trường điểm của Thủ đô Hà nội. Một học sinh lớp 6 hỏi 3 cô giáo trong tiết học dạy 3 môn học khác nhau (theo thứ tự thời gian) như sau: Trong tiết học môn Lịch sử về cuộc khởi nghĩa Hai bà Trưng, học sinh hỏi "Con thưa cô, khi Hai Bà nhảy xuống sông tự vẫn tại sao không có quân lính nào cứu Hai Bà?", tại tiết học môn Địa lý, học sinh đó hỏi "Tại sao múi giờ của nước mình (Việt Nam)lại khác giờ ở nước bố con đang công tác?", tương tự khi học môn Sinh Vật có câu hỏi "Tại sao cây bưởi có gai?"
    Cô giáo môn Sử (giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, đã được giải nhất một cuộc thi cấp cả nước), lườm học sinh rồi trả lời "Đúng là đồ điên". Cả lớp đồng thanh nhắc lại lời cô "Đúng là đồ điên". Cô giáo môn Địa thì nói "Hỏi vớ hỏi vẩn". Cô giáo môn Sinh trả lời "Hỏi gì mà lắm thế". Đến lần này, các bạn trong lớp ồ lên, tranh nhau mách cô rằng bạn ấy đúng là đồ điên. Cả 3 cô giáo đều không trả lời câu hỏi của học sinh.
    Ngay sau buổi học có giờ học môn Sinh, khi chờ đón con, phụ huynh học sinh đó được các bạn trong cùng lớp tranh nhau kể tội con mình về cái sự "điên" của con và các cháu còn nói thêm "Cô bảo, bạn này làm mất thì giờ của cả lớp".
    Nghe được đầu đuôi câu chuyện lý do con mình bị gán từ "điên", phụ huynh đành dặn con "Con cứ hỏi về môn học khi có thắc mắc, nhưng đừng hỏi cô mà về nhà hỏi bố mẹ nhé".
    Sau, lớp học yên ổn và học sinh đó trở nên không tham gia ý kiến trong lớp nữa mà trước đó vẫn được cô khen tích cực phát biểu trong lớp.
    Ở nước ta, phần nhiều học sinh tiểu học và trung học cơ sở khi học môn Văn thường được học bài văn mẫu và phải học thuộc, còn học các môn xã hội khác như chuyện kể trên.
    Ôi, nền giáo dục Việt Nam!!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong 3 ví dụ của bạn này thì câu hỏi môn Địa, môn Sinh hoàn toàn thuộc về kiến thức chuyên môn. Vì vậy, việc giáo viên không trả lời được phản ánh năng lực yếu kém của giáo viên đó (nếu nhiều giáo viên yếu kém như vậy thì đây là một vấn nạn của xã hội). Tuy nhiên nó không chứng tỏ điều tác giả đang cố chứng minh trong bài này là giáo viên "đàn áp", giết chết tư duy sáng tạo của học sinh.

      Tôi có thể cam đoan là thầy cô dạy Sinh, Địa cấp 2 của tôi ngày trước có thể trả lời những câu hỏi thuần túy chuyên môn như trên mà không cần phải là giáo viên dạy giỏi cấp Quận hay Tp gì hết.

      Câu hỏi môn Sử thì đúng là giáo viên đầu óc hạn hẹp, không đủ bản lĩnh để trả lời những câu hỏi "chệch hướng" so với giáo án nên phải mắng át đi để chữa thẹn. Đúng là văn hóa học đường của Việt Nam (và Á Đông) nói chung là như thế.

      Nhưng cũng không phải mọi giáo viên đều như vậy. Tôi từng "ngu dại" mang vở lên hỏi cô giáo Sử một câu cực kỳ "nhạy cảm": "Hồi hiệp định Geneva được ký, "phe ta" để lại rất nhiều cán bộ ở miền Nam nằm vùng chờ khởi nghĩa, đó có phải là hành động vi phạm HD Geneva hay không?" Trời, thế mà cô vẫn trả lời nhẹ nhàng dù câu trả lời chưa làm tôi thỏa mãn. Nhưng ít ra tôi không bị mắng là "đồ điên." Không hiểu có phải do tôi may mắn gặp được những thầy cô tốt hay không.

      Xóa
  10. Bài thật hay !
    Cảm ơn Bác Thông.



    Trả lờiXóa
  11. Đôi điều với bác Nặc danh 10:37: Xin bổ sung học sinh hỏi cô giáo môn Địa trong giờ học về múi giờ, còn giờ học môn Sinh về cây bưởi. Cũng là người chứng kiến tòan bộ câu chuyện. Để khách quan, đã xem lại bài học trong SGK môn Địa và Sinh. Câu trả lời rất đơn giản và có trong SGK lớp 6. Đó là "vì các nước có múi giờ khác nhau" và "cây có gai do phản ứng tự nhiên của những cây có mùi thơm nhằm bảo vệ cây". Riêng với cô giáo dạy Sử thì bó tay chấm com.
    Đó là cách dạy áp đặt, không phát huy tính sáng tạo của học sinh vì chính bản thân cô giáo có lối dạy học sáo mòn, tuân thủ 1 cách máy móc theo SGK mà không chịu tư duy.
    Do vậy không đồng ý với nhận định của bác và tự coi là phản hồi cuối.
    Cám ơn và chào bác.

    Trả lờiXóa
  12. Ở Việt Nam cũng có những tiết dạy như thế này, nhưng nếu có người dự giờ thì sẽ bị cho là "không đạt" vì HS "nói leo", vì không đi sâu vào phần tích nội dung và nghệ thuật của văn bản.... tóm lại là vì không theo "chuẩn" mà đã không theo chuẩn thì là không đạt, không đạt = dạy dốt!

    Trả lờiXóa
  13. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa