Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

Những cô gái thời chị Ba tôi

NGÔ THỊ KIM CÚC (nhà văn, nhà báo)

    Chị Ba của tôi sinh vào nửa sau thập niên 1940, trưởng thành thời kỳ chiến tranh Việt Nam trở nên cực kỳ tàn khốc sau cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm, với sự tham chiến trực tiếp của quân đội Mỹ. Đó là thế hệ thiếu nữ mà trái tim trẻ trung và cuộc đời mới hé mở của họ đã bị dày vò tàn nhẫn. 

    Cùng với đám con trai thời loạn, họ chia sẻ bi kịch nội tâm đầy dằn vặt bi thương bởi ý thức quê hương đang bị phân ly từ những tranh chấp quốc tế, mà dù chọn chỗ đứng ở đâu thì phía đối địch bao giờ cũng vẫn là những người ruột thịt cùng nòi giống… 
    Mà đâu cần chờ tới lúc lớn. Tuổi thơ chị Ba tôi cũng đã bị chiến tranh cướp sạch bao niềm vui lẽ ra chị được hưởng ở cái làng Phú Bông nổi tiếng phong lưu với nghề canh cửi tằm tơ. Khi lệnh tản cư loan ra, cánh đàn ông lo đi làm nhiệm vụ công dân. Một mình mẹ tôi tự thu xếp con cái, nhà cửa, tài sản thu gọn trong đôi bầu sẽ gánh trên vai, chen chúc trong đoàn người tản cư chạy bộ lần vào phía nam, ngày càng rời xa quê hương bản quán. 
    Chị Bốn chưa tới 2 tuổi được đặt ngồi trong một đầu gánh, đầu bên kia là gạo mắm quần áo các thứ tối cần cho cả gia đình trên đường lưu lạc. Còn chị Ba mới lên 5, chưa tới tuổi đi học, đã phải níu theo sợi gióng của mẹ mà tự chạy trên đôi chân bé bỏng của mình. Từ Điện Bàn (Quảng Nam), đoàn người tản cư cứ tiếp tục chạy mãi vào phía nam, tới vùng “tự do” xa nhất là Bình Định, cách Quảng Nam hơn hai trăm rưỡi cây số thì đứa bé 5 tuổi là chị Ba cũng đã chạy bộ cùng mẹ chừng ấy cây số.
     Mẹ tôi kể, có lần, do chị Ba quá nhỏ không thể chạy nhanh khiến mẹ với quang gánh rất nặng trên vai cũng phải chậm chân theo chị nên rất nguy hiểm giữa đạn bom đang gầm gào. Mẹ bèn dắt chị vào ngồi dưới một bóng mát bên đường để mẹ gánh đôi bầu nặng chạy nhanh tới trước rồi sau đó sẽ quay lại đón chị. Khi gửi được gánh đồ cho người khác coi dùm, mẹ quay lại tìm chị Ba. Thấy chị vẫn thui thủi ngồi một mình bên đường, co ro cóm róm như con búp bê, mẹ đã ôm chị vào lòng trào nước mắt: “Răng con dại rứa, chịu ngồi lại một mình. Lỡ mẹ chạy luôn bỏ con lại mới răng”. 
    Chị Ba đã trả lời rất ngoan: “Tại mẹ biểu con ngồi đợi mẹ thì con cứ ngồi đợi”. Mẹ đã ôm choàng đứa con gái nhỏ mà khóc mùi mẫn vì thương xót. Bởi lẽ, từng có những cha mẹ liệu không thể nuôi nổi con cái đã tìm cách bỏ con lại bên đường cho những người thiện tâm và có điều kiện hơn đem về nuôi thay mình. Mẹ tôi ngày ấy tuổi mới 30 và chị Ba chưa tới tuổi vào trường đã tràn trề nước mắt, chia sẻ nỗi khổ nỗi đau thấm thía của những dân thường trên đường chạy loạn.
    Đời lưu dân nơi xứ người quá tạm bợ, thiếu thốn, nên sau mấy năm chịu đựng cuộc sống tản cư vô định, cha mẹ tôi phải tìm cách quay về quê cũ. Về đến quê nhà, quá đau xót phải tận mắt nhìn thấy điều kinh khủng nhất: tất cả tài sản nhiều đời ông bà gầy dựng đã bị xóa sạch sành sanh. Nhà chính nhà phụ, xưởng lớn xưởng nhỏ, tất thảy đều đã biến thành tro than. Nghề tằm tơ không còn phương hồi phục khi chiến tranh vẫn đang gầm thét một cách hung hãn. Cha mẹ không thể có công việc để làm còn chị Ba vẫn chưa biết chữ vì không được tới trường. 
    Vậy là thêm một lần, cha quyết định bỏ làng ra đi, lần này đi gần hơn, ra đất Tourane/Đà Nẵng. Khi đó gia đình đã có thêm thành viên mới sinh trên đường chạy loạn là tôi, còn chị Ba thì đã trễ tuổi vào tiểu học đến 3 năm. Song song với chuyện cày cục đi tìm việc làm kiếm sống, cha đã tự dạy cho con gái lớn để sau đó xin cho chị vào học thẳng lớp 3 trường Nữ Tiểu Học, bỏ qua hai lớp 5 và 4. Đi học trễ, lần đầu được tới trường vậy mà chị Ba học rất giỏi, nhất là hai môn toán và văn, tháng nào cũng được cô giáo phê vào sổ những lời khen ngợi khiến cha mẹ rất vui mừng. 
    Tôi lúc đó còn nhỏ xíu, nhưng trong đầu vẫn còn nhớ như in… Hai chị Ba và Bốn đều học tiếng Pháp (thời ấy, chương trình tiểu học đến lớp 3 đã có dạy tiếng Pháp), về nhà hay hỏi nhau: “Bữa ni có viết “đít-tê” (dictée) hông?” khiến tôi cứ ngạc nhiên tự hỏi, vì sao ai đi học cũng đều phải viết “đít-tê” để làm gì? Rồi hai chị đố nhau về vocabulaire, về grammaire, về récitation (ngữ vựng, văn phạm, văn vần/học thuộc lòng)… loạn cả lên. Cái đứa mù chữ đơn độc là tôi tự thấy rất thua kém, chỉ biết nghe hóng mà chẳng dám bon chen lên tiếng hỏi han gì. Khi học tiếng Pháp, hai chị đều đọc to lên, tôi vẫn còn nhớ đinh ninh: “la mère là mẹ, le pere là cha, le chien là con chó, la chat là con mèo”… 
    Ôi trời ơi, sao mà tôi hâm mộ các chị nói tiếng Tây làm vậy, cứ ngẩn ngơ nghe ngóng và cố học mót, mong sao mau tới ngày cũng lớn, cũng được đi học như hai chị. Ngoài tiếng Pháp, tôi còn nghe đi nghe lại một câu mà hai chị, dù cách nhau 3 lớp, khi học bài cũng đều đọc to giống hệt nhau khiến tôi nhớ nằm lòng. Đó là một câu trong bài Việt sử: “Làm như tằm ăn dâu, người Pháp chiếm được Nam kỳ lại lo thôn tính Bắc kỳ…”. Chỉ trong câu ngắn ấy đã có đến hai thứ khiến tôi không thể hiểu: “Tằm ăn dâu” là sao? “Thôn tính” là sao?... 
    Tới khi đi học, tôi cũng lại học đúng bài đó, trong đúng quyển sách mà hai chị đã dùng, với đúng cô giáo đã dạy các chị, tôi mới được cô giảng giải rằng: “Tằm ăn dâu” là cách con tằm gặm dần lá dâu từ một điểm bên ngoài dần vào trong, cách ăn ấy khó nhìn thấy hơn là ăn lỗ chỗ nhiều điểm cùng một lúc. Nghe cô giảng, mỗi khi về quê, có dịp vào các “buồng tằm”, nghe tiếng rào rào của tằm ăn lên, tôi lại thấy con tằm có vẻ rất khôn ngoan khi ăn mà không để ai nhận biết… 
Tuổi xuân thì của chị Ba
    Những năm tháng khó khăn đầu tiên trên đất Đà Nẵng rồi cũng trôi qua. Sinh hoạt gia đình tôi dần đi vào nền nếp. Cha tôi đã trở thành công chức làm việc ở Nha Thương cảng Đà Nẵng, còn mẹ đã có một sạp vải trong chợ Cồn. Chị Ba bé xíu ngày nào đã thành cô thiếu nữ với mái tóc thề đen nhánh xõa trùm sau lưng. Đó là loại tóc mây, với từng sợi tóc khỏe mạnh như sợi mây rừng mà chúng tôi thừa hưởng từ mẹ. Mái tóc dài này, khi đi làm, chị đã phải cắt ngắn theo quy định nghiêm ngặt của nhà máy.
    Tôi biết là chị đã lớn và chị đẹp khi buổi sáng thức giấc sớm và nhìn thấy chị thay áo để đi làm… Bộ ngực thiếu nữ tinh khiết, làn da trắng, vóc người mảnh dẻ, eo thon, chị đúng là đối tượng khiến nhiều anh làm thơ, viết nhạc… Chơi thân nhất với chị Ba là chị Điệp, cùng làm việc ở Nhà máy dệt Sicovina Hòa Thọ - Cẩm Lệ. Chị Điệp theo Thiên Chúa giáo, là huynh trưởng hướng đạo sinh, còn chị Ba là huynh trưởng Gia đình Phật tử. Khác tôn giáo có vẻ rất hay, như là cách để hai chị trao đổi vốn sống cho nhau. 
    Vào ngày Chúa Giáng sinh, năm nào chị em chúng tôi cũng hăm hở lùng sục khắp các con đường Đà Nẵng để tìm xem hang đá của nhà thờ, nhà dân nào trưng bày đẹp nhất, giống hệt như ngày Phật Đản chúng tôi cũng đi xem lễ đài của Phật tử vậy. Trong tủ sách gia đình, tôi tình cờ tìm thấy một quyển sách rất đẹp. Bìa sách là bức họa màu nước vẽ những hoa lan tím yểu điệu, còn bên trong là những bài thơ chép tay trên giấy pơ luya nhiều màu, chữ rất đẹp. Ngoài những bài thơ tự sáng tác, anh bạn của chị Ba còn chép tặng chị thơ của người khác, mà một số bài khiến tôi nhớ mãi. 
    Những bài thơ ngày ấy tôi đọc mà chưa hiểu, chỉ cảm nhận đó là một cái gì vừa đẹp lại vừa rất buồn: “Từ đó thu rồi thu lại thu/ Lòng tôi còn giá đến bao giờ/ Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ/ Người ấy cho nên vẫn hững hờ… Tôi sợ chiều thu nắng phớt mờ/ Chiều thu hoa đỏ rụng chiều thu/ Gió về lạnh lẽo chân mây vắng/ Người ấy bên sông đứng ngóng đò/ Nếu biết rằng tôi đã có chồng/ Trời ơi! người ấy có buồn không/ Có thầm nghĩ đến loài hoa vỡ/ Tựa trái tim phai tựa máu hồng?”… 
    Tôi còn nhìn thấy những dòng đề tặng rất nên thơ trên những quyển sách hay bản nhạc tiền chiến, kiểu như: “Tháng ngày mưa gió lạnh hồn trinh/ Dư âm câu hát nhạt tâm tình/ Ngồi đây viết mãi tên thần thánh/ Gặp mặt chi nhiều tiếc hiện sinh”… Ngày ấy, các anh bạn chị Ba chỉ là học sinh tú tài, vậy mà ai cũng làm thơ, chơi đàn ghi ta, viết nhạc…, chỉ bằng cách mua sách về mày mò tự học. Còn những cô gái như chị Ba tôi, sao mà thầm kín, thùy mị, nền nã… Tôi ít thấy ai trong họ cười nói ngả ngớn, ồn ào. Ngay cả khi rủ rỉ với nhau chuyện “bí ẩn” từ cô bạn nào đó mới lấy chồng kể về đêm tân hôn, họ cũng chỉ cười rúc rích, dù mặt mũi đỏ bừng lên… 
    Những buổi chiều trời đẹp, các chị áo dài thướt tha xuống phố, lượn đi lượn lại trên các con đường khu trung tâm, chọn vải, mua đồ mỹ nghệ hoặc sách, nhạc, hoặc chẳng làm gì cả, chỉ đi đi lại lại… Trong khi đó, các anh ngồi cà phê, mặt nghếch hết ra đường, người làm bộ ra vẻ nghệ sĩ với điếu thuốc trên tay tỏa khói, kẻ nghệch mặt ra một cách rất ngay thật trước vô vàn mỹ nữ không biết từ đâu lũ lượt xuất hiện như đàn bướm, tranh nhau khoe nhan sắc…
    Nhiều người trong số các anh rồi sẽ lên đường ngày nào đó, để cầm súng và rồi sẽ ngã xuống, và một số người nào đó trong các chị sẽ quấn khăn tang lên đầu nếu đã là người vợ… Còn nếu chỉ mới ngập-ngừng-yêu qua những quyển sách, bản nhạc được tặng, chỉ là thứ l’amour platonique, họ cũng sẽ đội một vành khăn tang vô hình lên tuổi trẻ thời chiến của mình… Chiến tranh vẫn đang xuyên qua mỗi ngày sống của họ, và đó là thời kỳ xung đột đỉnh cao của thập niên 1960 với quá nhiều cảm xúc từ Việt Nam lan ra toàn thế giới, một Việt Nam của cuộc chiến tranh thế kỷ…
Ngô Thị Kim Cúc 
(Theo báo điện tử Một Thế Giới, http://motthegioi.vn/chuyen-hang-ngay/nhung-co-gai-thoi-chi-ba-toi-280845.html

3 nhận xét:

  1. Tạch tạch sè, tiểu tư sản aka văn hóa đô thị miền Nam .

    Xui xẻo quá chị sinh sống ở miền Nam và "không chịu giác ngộ cách mạng" như người khác, chứ không thì như đàn chị của các bác như Nguyễn Thông, học thuộc lòng những bài hát cách mạng nên lúc nào lòng cũng "phơi phới dậy tương lai" rồi . Biết đâu còn vinh dự hy sinh cho lý tưởng cách mạng, lý tưởng Xã Hội Chủ Nghĩa của Bác Hồ vĩ đại như bao nhiêu nữ anh hùng giải phóng nữa!

    Cái đồ tư bẩn, làm tha hóa cả 1 thế hệ thanh niên đô thị miền Nam!

    Giải phóng vô đã "quét sạch" mọi thứ rác rưởi đó đi gòi, để ngày hôm nay chúng ta có thể tự hào về truyền thống đấu tranh đánh đổ chế độ dân chủ tư bẩn .

    Trả lờiXóa
  2. Em chào thầy,
    Cho phép em được gọi là Thầy, em theo dõi Blog của thầy từ rất lâu, đến hôm nay em mới có một vài lời.
    Em là con cháu sinh sau , đẻ muộn. Em kho6ngbie61t chiến tranh, chỉ nghe lờ mờ từ ba mẹ và ông bà kể lại.
    Bà em là người Sài Gòn chính gốc, bà nói ngày xưa Sài Gòn khác lắm. Phụ nữ ăn mặc đẹp, luôn toát ra một vẻ đẹp dịu dàng. Họ có một giọng nói đặc chất Nam Bộ, rắn rỏi, dứt khoát nhưng lại ngọt ngào đến lạ. Ban đêm họ có thể vào bar, họ hút thuốc, biết đến rượu bia. Nhưng ở họ, những câu nói tục, chửi thề là rất hiếm. Họ bị tư tưởng văn hóa "Tư Bẩn" ám vào, nhưng họ vẫn nhớ mình là người phụ nữ Á Đông, có thể mắng chồng nhưng ít khi gây xô xát. Rồi "Mùa xuân" nở rộ, thế hệ của Dì và Mẹ phải đi vào khu kinh tế mới, gọi là lên rừng rú chơi với khỉ. Ngày có thể trở lại vùng đất "sặc mùi Tư Bẩn" nay đã được "Thắp lên ánh sáng văn minh tiến bộ nhất của nhân loại", Dì em chỉ thở dài và nói rằng: "Ngày xưa chồng đánh thì mới dám chống lại để khỏi phải ăn đòn. Giờ thì nam nữ bình quyền, con gái không thích thì nhào vô đánh bọn con trai một cách... bình đẳng. Có những thứ trước nay chỉ giấu trong 2-3 lớp vải thì giờ các người đồng bào miền xa lại đem về đây, dán ngay trên cửa miệng và đầu những câu nói."

    Trả lờiXóa
  3. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa