Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2016

Chuyện đổi tiền (3)

Sau khi ăn tết Đinh Tỵ 1977, tháng 3 tôi lên Hà Nội nhận quyết định phân công công tác. Sau bao phen vất vả nhờ cậy, đã được ông Kim Toàn tổng biên tập báo Hải Phòng đồng ý nhận về, ai ngờ miền Nam đang thiếu giáo viên, tôi tới trụ sở Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp trên đường Đại Cồ Việt thì Vụ Tổ chức phát cho tờ quyết định vào Nam dạy học, tại Trường dự bị đại học TP.HCM (lúc ấy còn mang tên Trường dự bị đại học Tiền Giang, bởi tiếp quản từ Viện đại học cộng đồng Tiền Giang, gần TP.Mỹ Tho). Thế là tắt hy vọng được về Phòng gần gũi thày bu và gia đình. Vị cán bộ của Bộ dặn đi dặn lại rằng cần thu xếp đi ngay, nếu chống lệnh sẽ không bao giờ được phân công lại. Thấy tôi buồn bã thần mặt ra, bác ấy thương tình, động viên, thôi ráng vào vài ba năm rồi xin chuyển chắc được. Tôi ra đến cửa, bác còn dặn với nhớ coi kỹ tờ hướng dẫn, nhớ đổi tiền thì vào đó mới có tiền mà tiêu.

Theo quy định lúc bấy giờ, những ai nhận công việc trong Nam sẽ được đổi 100 đồng tiền Bắc lấy 90 đồng tiền Nam. Thì ra sau ngày đất nước thống nhất, miền Nam đã 1 lần đổi tiền, bỏ tiền Việt Nam cộng hòa, đang lưu hành tiền mới của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam. Tiền miền Nam giá trị cao hơn tiền Việt Nam dân chủ cộng hòa, đại loại 1 đồng tiền Bắc chỉ ăn 9 hào tiền Nam. Thày bu tôi cho hơn 100 đồng, các anh chị, họ hàng người mươi đồng, người dăm bảy đồng, tôi gom lại được gần hai trăm. Số tiền này có thể mua được chiếc xe đạp Phượng Hoàng chưa cũ lắm. Tôi ra bến tàu thủy Chùa Vẽ xếp hàng từ 2 giờ sáng tới 2 giờ chiều mới mua được cái vé hạng nhì hết 90 đồng (rất khó mua vé hạng bét 60 đồng rẻ nhất bởi phòng vé tuồn cho con phe hết, còn vé hạng nhất những 120 đồng thì dân buôn đường dài Bắc Nam chiếm cả, dù tuy đắt một tí nhưng có phòng để đồ, chứa hàng hóa). Số còn lại đem đi đổi ra tiền miền Nam.

Lần đầu tiên trong đời tôi vào nhà ngân hàng. Nhớ láng máng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Phòng nằm trên con phố chạy ra bến Bính, trông ra sông Tam Bạc. Tòa nhà xây ghép bằng đá xanh từ thời Pháp, nghe nói cuối thế kỷ 19, cao to sừng sững, tuyệt đẹp. Ông Giá anh họ tôi bảo nhà băng này tuổi còn hơn cả nhà hát thành phố. Thằng Pháp nó làm cái gì cũng đẹp cũng bền, chắc chắn, gần trăm năm vẫn còn y nguyên, ông anh tôi nhận xét. Mà công nhận đẹp thật, đá xanh chắc khừ, chả rêu riếc gì. Nền gạch bông mát rượi. Nhưng chẳng hiểu sao đứng trước nó cứ thấy sờ sợ.
Tôi rụt rè vào quầy đổi tiền. Hai nữ nhân viên đang trò chuyện, thấy tôi liền gặng làm gì. Tôi nói chị cho em đổi tiền, móc túi lấy trăm bạc ra. Đủ loại mệnh giá, cả 1 đồng, 2 đồng, 5 đồng, hình như chỉ có vài tờ 10 đồng. Hồi ấy 10 đồng là đồng bạc to tiền nhất, màu đỏ gạch, có hình bác Hồ trán cao tóc vuốt ngược ra phía sau nên dân chúng vỉa hè gọi thông tục là tờ cụ mượt. Cứ nói tờ cụ mượt là người ta hiểu ngay 10 đồng. Có nhiều người sống ở nông thôn cả đời không trông thấy tờ bạc này bởi mua bán cò con mớ rau mẻ cá thì làm gì ra 10 đồng. Thấy tôi lúng túng, một chị xem chừng đã quá quen với những trường hợp kiểu ấy, bảo đưa cả đây. Chị kia hỏi giấy tờ, công lệnh đâu. Đúng là mình ngu, hãi quá, sợ cái nhà ngân hàng quá nên quên béng việc lấy quyết định “đi đày” ra trình. Coi kỹ lưỡng, hai chị đóng con dấu nhỏ vào tờ quyết định “đã đổi tiền”, đếm đưa tôi 90 đồng. Vội lui ra bởi đằng sau còn cả đám đang đứng chờ đổi. Họ có vẻ thông thạo, cười nói oang oang. Tôi thấy họ đưa ra cả xấp tiền, dễ đến mấy trăm, chả cần giấy tờ gì, đổi cái ào, không thèm đếm. Lạ nhỉ, sao mình chỉ được đổi có 100 mà lại phải trình giấy. Đem thắc mắc về hỏi ông anh, anh Giá bảo, đám đó là con buôn, nó móc với ngân hàng rồi, đổi bao nhiêu chẳng được, đem tiền ấy vào Nam mua hàng, ra bán xong lại đổi, lời chia nhau, có thế người của ngân hàng mới có ăn chứ. Đổi như chú có mà họ chết đói.

Thì ra “thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ”, nghề nào cũng tìm ra màu mỡ, cũng xé rào được. Chỉ mấy người chân chỉ hạt bột, lương thiện là chết.

Đó là lần đổi tiền thứ 2, và là lần thứ nhất "có yếu tố nhà nước". Nhưng hai lần đổi tiền về sau mà tôi trải qua thì ghê gớm hơn nhiều. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

6 nhận xét:

  1. Đầu năm 1957 mình vào Nam, sau giải phóng mới thấy cái đường ống nước xoay vòi là có nước dùng, bất công tắc là đèn sáng cả nhà, có cái vệ sinh là lúc đầu không biết dùng..Trong khi đó quê mình nghèo kiết xác. Nhà tranh, đường đất..

    Trả lờiXóa
  2. cũng may cho "lão Thông "là được đây vào năm . nếu ở lại bắc thì giờ lão ra sao nhỉ ??? kkkkkk

    Trả lờiXóa
  3. Cái ăn, cái mặc và giờ đây là cái ở hành hạ 70% dân số VN từng ngày! Một cổ hai tròng (đảng và chính quyền) hết chịu nổi? nhưng làm Cách mạng tức là "cách cái mạng đi" CS họ rất giỏi về khủng bố vật chất và tinh thần. Triệt đường làm ăn, triệt đường giao lưu tinh thần.

    Trả lờiXóa
  4. Chú Thông chắc đã thấy rõ cả một chính sách "bần cùng hóa nhân dân để cai trị"!

    Trả lờiXóa
  5. ông này viết sai! Những năm đó trụ sở Bộ đại học và THCN còn nằm trên đường Hai Bà Trưng.

    Trả lờiXóa
  6. Ông Thông viết được nhưng cần chú ý: một số sự kiện, ngày tháng, địa điểm... nhiều khi viết sai và ...hơi quá.

    Trả lờiXóa