Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2016

Hóa ra chẳng cần tổng biên tập

BÁ TÂN (nhà báo)

Báo chí quốc doanh hiện có hàng trăm tổng biên tập. Cấp phó còn nhiều hơn, lên đến hàng ngàn. Vượt trội về số lượng nhưng phó tổng biên tập chỉ là người giúp việc cho tổng biên tập.

Có thể khuyết phó tổng biên tập nhưng không thể thiếu tổng biên tập. Không có tổng biên tập thì khác nào con tàu viễn dương không người cầm lái. Có nhà báo lão thành, trọn đời cầm bút phục vụ sự nghiệp của đảng, khẳng định như đinh đóng cột: không có tổng biên tập, tờ báo sẽ sụp đổ.

Cả đời làm báo tôi cũng nghĩ theo kiểu”hiền lành” như vậy. Nhưng mới đây, từ thực tế của báo Lao Động, tôi ngộ ra vấn đề mà trước đó cho dù nằm mơ cả tháng cũng không gặp.

Thực tế ở báo Lao Động cho thấy: hóa ra chẳng cần tổng biên tập.

Không có tổng biên tập, báo vẫn hoạt động tốt. Phát hành đúng định kỳ, nhật báo. Nội dung vẫn sinh động, cập nhật đầy đủ những thông tin cần thiết cho bạn đọc. Số lượng phát hành không giảm… Đó là thực tế của báo Lao Động trong thời gian không có tổng biên tập.
Đã hơn một tháng báo này không có tổng biên tập. Tờ báo của Tổng liên đoàn Lao động VN hiện có 3 phó tổng biên tập. Cả 3 đều là phó, không có người nào được giao phó phụ trách, hoặc quyền tổng biên tập.

Nhiều tuần liền không có tổng biên tập nhưng báo Lao Động không những không sụp đổ mà vẫn cứ vững chãi trong làng báo quốc doanh. Làm sao che khuất được thực tế này.

Có nhiều cách lý giải, loại chém gió thì không chấp, nhưng không và không thể đánh gục được thực tế hùng hồn ở báo Lao Động. Thực ra, không ít tờ báo vẫn có thể tồn tại theo “mô hình” của báo Lao Động.

Phải thừa nhận có những tổng biên tập thuộc loại “tướng tài”. Họ biết làm, dám làm, dám chịu trách nhiệm, luôn đổi mới vì khát vọng phục vụ bạn đọc.

Sẽ là ngớ ngẩn và nhu nhược nếu không nói lên thực tế phũ phàng: có một bộ phận cầm đầu tờ báo chỉ là để đoạt phần ăn trên ngồi trốc. Họ non nớt cả về chính trị và nghiệp vụ. Họ tìm ghế bằng mua-bán, chứ không phải dựa vào đức và tài. Họ, loại cầm đầu tờ báo như vậy, mang danh hão nhưng ăn thật, bị đồng nghiệp khinh bỉ. Làng báo quốc doanh không hiếm những người đứng đầu thực chất là hàng giả, đồ dởm.

Không có tổng biên tập nhưng tờ báo vẫn hoạt động tốt. Đây là câu trả lời hùng hồn từ báo Lao Động. Cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo chí cần suy nghĩ nghiêm túc vấn đề này.

Bạn đọc chỉ quan tâm chất lượng thông tin. Tờ báo có tổng biên tập hay không, ai làm tổng biên tập, điều đó bạn đọc không cần biết.

Bá Tân




3 nhận xét:

  1. Bác Tân nói đúng một nữa thôi à? Không có TBT của đảng phân công nhưng báo vẫn chạy tốt?! thực ra tập thể đó tạm cử minh chủ cho họ rồi! thời buổi này cấp dưới giỏi, tài hơn cấp trên nhiều lắm bác Tân ạ, đảng cử là do Họ được ê kíp cơ cấu, mua, chạy, nhờ..

    Trả lờiXóa
  2. Một nhạc sĩ vĩ cầm có thể tự độc tấu, nhưng một dàn nhạc thì cần phải có một nhạc trưởng (Mác). Dĩ nhiên phải là một nhạc trưởng thực sự có tài về chuyên môn

    Trả lờiXóa
  3. Báo đại đoàn kết cũng đã từng không có tổng biên tập mấy tháng trời, báo vẫn ra đều đều , không có chuyện gì, mọi người vui vẻ sau khi tay Lập bị lột chức. Báo được lợi khỏi trả lương tổng, chi phí đủ kiểu toàn vé hạng thương gia, ks 5 sao... phong bì, nhà hàng, rượu ngoại, xăng xe …. Tốn kém rất lớn mà chẳng được cái tích sự gì… Mấy lãotổng biên tập giờ chỉ mua ghế bám ghế ngồi mát ăn bát vàng và lo kiếm chác

    Trả lờiXóa