Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2018

Chuyện vệ sinh (kỳ 2)

Đọc xong kỳ 1, có bạn bảo tôi, khiếp, mấy thứ tiêu hóa bài tiết tởm chết được mà cũng viết, thôi đi, viết những thứ nhẹ nhàng thơm tho có văn hóa có phải hay hơn không nào. Tôi hiểu, bạn thương mình mới nhắc nhở thế. Nhưng lòng trộm nghĩ, đời có cái hay cái dở, cái tốt cái xấu, cái thơm cái thối… Đó là những cặp phạm trù đối lập (hồi xưa học triết học, các thầy dạy vậy), mỗi thứ là phần vốn có của cuộc sống. Nên nhìn đời theo nhiều chiều, 2D hoặc 3D càng tốt. Vả lại, mình không viết, và không người nào viết, thì vài chục năm nữa chẳng ai biết đã từng xảy ra những chuyện như vậy. Ngày xưa, chế độ phong kiến quân chủ, vua là nhất, nhưng khi chép sử, ngay cả chuyện giết vua, xấu xa thế người ta cũng cứ biên cơ mà.

Khi tôi còn nhỏ, làng quê nông thôn rất nghèo. Ngay căn nhà là chỗ chui ra chui vào, nơi cả gia đình ông bà bố mẹ con cái cháu chắt tá túc sinh hoạt ngủ nghỉ ăn uống mà còn xập xệ, chả ra gì, huống hồ cái nhà vệ sinh. Bây giờ trong mỗi ngôi nhà, dù ở nông thôn, đều có phòng vệ sinh, thậm chí những nhà khá giả sang trọng mỗi phòng đều có phòng vệ sinh – toilet riêng. Người đi mua nhà, sau khi săm soi phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp, cầu thang, thường đặc biệt chú ý tới nhà vệ sinh. Nhiều anh bán nhà vẫn có kiểu hãnh diện với khách, này bác, nhà này những mấy cái toa lét cơ đấy, tha hồ dùng. Nhà vệ sinh được coi là một thứ tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá, xác định đẳng cấp của căn hộ, căn nhà. Tuy nhiên, ngày xưa, ở nông thôn, thì lại khác.

Nông thôn miền Bắc vài chục năm trước, mỗi hộ gia đình trên mảnh đất cư trú (thổ cư) thường gồm nhà chính, nhà bếp, sân, chuồng lợn, và hố xí. Hố xí còn gọi nhà xí. Chỗ góc vườn khuất, xa căn nhà chính nhất thường được chọn đặt hố xí. Đắp tường đất, lợp mái rơm rạ. Chả hiểu sao, các cụ cứ truyền cái phom xây dựng đó từ đời này qua đời khác. Giờ nghĩ lại thấy rất bất tiện. Khổ nhất là khi mưa gió, mùa đông rét mướt, trời tối, người già. Sự vệ sinh như thứ cực hình. Sau này lớn lên, tôi chả thể hiểu nổi tại sao cổ nhân từng đúc kết tứ khoái của con người là “ăn, ngủ, đụ, ỉa” mà lại khủng bố, xem nhẹ cái khoái 4 đến thế. Nếu xét về khía cạnh lạc hậu của đời sống nông thôn miền Bắc những năm 50 trở về trước thì cái hố xí là điển hình cho sự lạc hậu cùng cực, không gì cạnh tranh nổi với nó. Chính vì vậy, khi có phong trào làm hố xí 2 ngăn từ nửa đầu thập niên 60, xem như đang diễn ra cuộc cách mạng ở nông thôn, nó được ca ngợi chả khác gì mái ngói, tường xây, sân gạch biểu trưng cho chủ nghĩa xã hội.

Nhớ láng máng, khoảng năm 1965, lúc máy bay Mỹ đã đánh ra miền Bắc, nhà tôi mới mua được hơn 200 viên gạch xây cái hố xí 2 ngăn. Hồi ấy, gặp nhau, người ta hay hỏi nhau “nhà bác đã làm hố xí 2 ngăn chưa?”. Làm rồi thì hãnh diện lắm, thậm chí còn kể vanh vách nó sướng, nó tiện, hiện đại hóa như thế nào. Mấy nhà thơ cũng có thêm đề tài hố xí 2 ngăn làm đẹp cho thơ. Tôi còn nhớ ai đó đã viết câu bất hủ “Chẳng mê của cải bạc vàng/Chỉ mê nhà nàng hố xí hai ngăn”. Cũng có bản chép "Chỉ mê hố xí nhà nàng lắm phân". Nàng cũng không bằng hố xí. Có khi nàng không giận mà còn hãnh diện về sự đi trước thời đại đằng khác.

Khi tôi nhớn hơn một chút, có nghe thày tôi bảo hố xí 2 ngăn là sáng tạo của nhà khoa học Nguyễn Công Tiễu. Cụ Tiễu học chữ nho, sau học trường Pháp, đậu kỹ sư canh nông, rất giỏi, am hiểu về nông nghiệp, nông thôn, nông dân (bây giờ các nhà chính trị xứ ta bắt chước Trung Quốc gọi là tam nông). Chính cụ Tiễu chứ không phải ai khác đã nghiên cứu về cách dùng bèo hoa dâu làm phân bón ruộng. “Nếu không bèo dâu, lấy đâu ra thóc”. Phân từ bèo hoa dâu phổ biến khắp đồng trên đồng dưới ở miền Bắc, đến nỗi năm 1980 anh Phạm Tuân nhà ta bay lên vũ trụ còn đem theo bèo dâu để nghiên cứu thêm xem nó còn tác dụng gì không.

Cụ Tiễu đặc biệt nổi tiếng bởi cụ nghiên cứu, sáng tạo ra mô hình hố xí 2 ngăn. Đó là cái “lầu” nho nhỏ, phía dưới làm hầm chứa phân chia thành 2 ngăn riêng biệt, phía trên đục 2 cái lỗ để hành sự. Dùng tro bếp làm chất khử mùi, để phủ lên phân tránh ruồi muỗi. Cứ đầy một bên thì đậy lỗ lại cho phân hoai dần, dùng sang lỗ bên kia. Cứ liên tục luân chuyển như thế. Lúc nào cũng có phân ủ hoai bón ruộng. Nông dân xưa nói với nhau “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, trong thứ hạng nhì ấy thì phân bắc hàng đầu, sau mới tới phân lợn, phân trâu bò, phân xanh. Ông anh trai tôi cười bảo ở xứ ta, cứ cái gì tốt, chất lượng cao đều được coi là “bắc” (Tàu, Trung Quốc), chẳng hạn thuốc bắc, tiêu bắc, phân bắc… Hợp tác xã còn quy định mỗi vụ mỗi hộ phải góp bao nhiêu gánh phân, ký phân cho ruộng chung. Đừng tưởng quấy quá mà xong nhé, kiểm tra kỹ từng thùng, có cân kẹo đàng hoàng, vụ này không đủ ký nộp thì cho nợ lại vụ sau. Người ta hay đọc cho nhau nghe câu thơ, tương truyền của thi sĩ Xuân Diệu: “Em ơi anh bảo em này/Phân kia rồi sẽ có ngày thành cơm”. Mới nghe, khiếp chết đi được. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

5 nhận xét:

  1. Một phát minh mang tầm cỡ thế giới của VN Hố xí hai ngăn.Ở khu trong còn treo nắm que nứa ,gọi là que quẹt khu,lúc mới vào không biết sau rồi cũng quen.Ôi cảm ơn ông Thông nhiều,.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn Nặc danh 20:24 tháng 11, 2018
      Bạn có thể giải thích "que quẹt nứa" là gì không? Biêt để hình dung tầm cao của cái thiên đường của đảng ta vào thời ấy ra sao. Cảm ơn bạn nào có thể giải thích.

      Xóa
  2. Khong co giay de lau hoac chui cho nen dan ngheo phai lay nua quet hay cao cho het phan.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn Nặc danh 05:55 13 tháng 11, 2018 đã giải thích.

      Xóa
  3. Hồi xưa đói quá thì ăn c..., bây giờ tiền nhiều thì vơ vét về xây biệt thự và chết thì xây lăng!

    Trả lờiXóa