Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2019

BOT thực dân

Hồi nhỏ tôi được nghe câu chuyện này, người nhớn nói với nhau. Chuyện rằng Toàn quyền Pháp Paul Doumer cho xây cầu bắc qua sông Cái (tức sông Hồng, sông Thao), đoạn chảy qua Hà Nội, nối Hà thành với các tỉnh phía đông (Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng). Cầu xây xong năm 1902, cũng là lúc ngài Paul hết nhiệm kỳ trở về Pháp. Chính quyền bảo hộ lấy tên ông đặt cho cây cầu, gọi là cầu Paul Doumer. Dân gian thì gọi là cầu sông Cái, còn sau này chính quyền mới đổi là cầu Long Biên.

Đây được coi là công trình trọng điểm bậc nhất lúc bấy giờ. Hồi những năm 60, tôi còn nhớ trong sách tập đọc có bài thơ về nó, rằng "Hà Nội có cầu Long Biên/Vừa dài vừa rộng bắc qua sông Hồng/Tàu xe đi lại thong dong/Bộ hành tấp nập gánh gồng ngược xuôi". Nói gì thì nói, công trình của thực dân nhưng phục vụ quốc kế dân sinh, cho người dân chứ không phải chỉ để "phục vụ cho bọn thực dân khai thác thuộc địa" như sử của nhà nước lâu nay quy kết.

A, nói dở chuyện ông toàn quyền. Thấy bảo rằng, cầu xây xong, có nhiều quan chức cả tây lẫn ta khuyên ông Paul lập 2 cái trạm ở đầu cầu để thu tiền qua lại, bù đắp số tiền đã bỏ ra, ông Paul liền bảo, các thầy chỉ nghĩ chuyện bóp nặn dân. Cầu xây bằng ngân sách thuộc địa, do chính dân xứ này đóng góp, giờ lại đòi người ta nộp nữa, sao các thầy bất nhân thế.

Từ bấy giờ đi, không ai nhắc tới việc lập trạm "thu giá" cầu sông Cái nữa.

Những người kể cho tôi nghe chuyện này giờ đã khuất núi cả rồi.

Nguyễn Thông

1 nhận xét: