Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2019

Chuyện đặc công (phần 3)

Một ông bạn tôi cười bảo mày không đi lính, càng không phải đặc công, biết đếch gì về đặc công mà kể lắm thế. Tôi chỉ còn nước cười trừ, thôi thì mình sống vào cái thời ấy, cũng chỉ do may mắn mà không bị xếp vào diện “hoặc xanh cỏ, hoặc đỏ ngực” nhưng chứng kiến nhiều, nghe nhiều, giờ tua cuộn băng ký ức lại mà biên ra, kẻo quên mất. Vả lại cũng lẩn thẩn nghĩ, bây giờ có biết bao nhiêu ông bà chẳng hề biết mặt mũi cụ Hồ mà vẫn đi thi “Học tập và làm theo” kể vanh vách bác như thế này, bác như thế nọ đó sao.

Lại nhớ hồi còn bé, tầm học lớp 6 lớp 7 gì đấy (khoảng năm 68 - 69) đội chiếu phim lưu động của huyện về sân hợp tác chiếu bộ phim “Biển lửa”. Loa oang oang thông báo “A lô, a lô, tối nay đội chiếu bóng số 2 sẽ phục vụ bà con bộ phim đặc sắc về chiến công bộ đội ta đánh sân bay Cát Bi, đốt cháy mấy chục máy bay của thực dân Pháp, mời bà con tới mua vé xem phim, a lô, a lô”. Vé giá 1 hào, ai tới sớm thì được ngồi gần màn ảnh, bệt xuống sân gạch. Không may cho đội chiếu, sẩm tối thì mưa to, đành phải hoãn sang tối hôm sau, chiếu tháo khoán, ai cũng vào được. Tôi còn nhớ, ông anh tôi và anh Tân con bác Ỷ thấy đội chiếu bóng bị hoãn thì khoái lắm, hai ông còn làm thơ tức cảnh, ông này đọc một câu trước, ông kia lại đọc tiếp một câu. Thơ rằng “Trời làm một trận mưa rào/Mấy thằng chiếu bóng xô vào dọn phim/Mưa trôi cả cây gỗ lim/Mấy thằng chiếu bóng dọn phim về chuồng”, đọc xong cười ha hả. Các ông ngâm đi ngâm lại mãi nên tôi cũng thuộc, thuộc tới bây giờ. Buồn cười nhất là câu thứ 3 của ông Tân. Thày tôi bảo thơ vớ thơ vẩn, mưa nào trôi được cả cây gỗ lim, gỗ lim ở đâu ra mà trôi. Anh Tân sau đi bộ đội, vào lính cao xạ, bị sức ép bom, về nhà một thời gian thì mất.

Lại nói về phim. Phim “Biển lửa” dựng trận đánh sân bay Cát Bi. Giờ đây hàng triệu người đến và đi ở sân bay này, chắc không mấy ai nghĩ rằng cái cảng hàng không quốc tế hoành tráng ấy từng là chiến trường dữ dội. Những người lính tinh nhuệ (thời chống Pháp chưa gọi là đặc công) đã đánh một trận ra trò, đốt máy bay Pháp cháy sáng rực trời. Trong phim có cả những hình ảnh quen thuộc như cầu Rào, mấy cái lô cốt trên đường 14 (con đường chạy từ nội thành đi Đồ Sơn hồi ấy là quốc lộ số 14), coi tới cảnh đó, tụi trẻ con reo vang trời. A, chúng mày ơi, Hải Phòng quê mình được lên phim.

Tôi cũng được nghe kể bộ đội "đặc công" đánh 2 sân bay Bạch Mai và Gia Lâm ở Hà Nội. Mãi sau mới biết, một trong những người chỉ huy trận đánh Bạch Mai và Gia Lâm lừng lẫy ấy là ông Hoàng Minh Chính. Kháng chiến chống Pháp kết thúc, ông Chính không theo đường binh nghiệp mà chuyển qua nghiên cứu. Ông học triết học ở Liên Xô, bị “dính” vào cái gọi là chủ nghĩa xét lại. Ông từng làm Viện trưởng Viện Triết học, là người cương trực và bản lĩnh. Ông quyết liệt phản đối đường lối và chính sách cai trị độc tài của cái đảng mà ông từng phục vụ. Tù tây tù ta đủ cả. Chính quyền “ta” bắt ông mấy lần, giam cầm hết năm này năm khác cũng không khuất phục được ông. Nhớ hồi năm 73 - 74, đám sinh viên chúng tôi xì xào, hết sức ngưỡng mộ hai ông Tạ Đình Đề và Hoàng Minh Chính. Họ mở tòa xử ông Đề, khi ông được trắng án, dân hoan hô rầm trời, kín đặc góc phố Lý Thường Kiệt. Nhưng với ông Chính, họ coi là nguy hiểm hơn, xử kín và giam ông trong Hỏa Lò, sau đày tuốt tận cổng trời Đồng Văn (Hà Giang), nơi từng giam các ông Nguyễn Hữu Đang, Vũ Đình Huỳnh, Vũ Thư Hiên, Bùi Ngọc Tấn. Tất nhiên, với một người từng bản lĩnh đặc công như ông Chính, nhà cầm quyền đã thất bại hoàn toàn.

Gần hai chục năm nay, tôi là hàng xóm của một ông đặc công. Ông là lính đoàn 10 đặc công rừng Sác. Chuyện ông kể về những ngày đánh giặc, lặn lội trong rừng, chống chọi với cá sấu, với rắn độc, với chất hóa học do máy bay Mỹ phun xuống, với những cuộc càn quét của quân Mỹ và quân Việt Nam cộng hòa bằng hobo (ca nô cao tốc)… nghe còn hay hơn đọc sử chiến tranh do nhà nước soạn. Ông buồn bã bảo, em ạ, anh còn sống mà ngồi đây thế này là cao số đấy. Cả đoàn 10 chết gần hết, cứ bổ sung một thời gian rồi lại ngót gần sạch, hy sinh có khi tới cả nghìn, tinh những người tài giỏi. Nhiều đồng đội không tìm thấy xác, bị vùi chìm ở khúc sông, con rạch nào, cũng chẳng biết nữa. Cứ nghĩ tới anh em lại ứa nước mắt.

Năm 1992, cả nước ồn ào vụ việc xảy ra ở làng Lạc Nhuế, tỉnh Hà Nam (Nam Hà cũ), khi người dân dưới sự dẫn dắt của một cựu binh đặc công là Trịnh Văn Khải đứng lên chống lại bộ máy cầm quyền tham nhũng bóc lột ở địa phương. Vừa mới có vài vụ phản đối ở tỉnh Thái Bình năm 1991, đảng phải loay hoay mãi mới dẹp được lửa Thái Bình nên nhà cai trị rất sợ cục than hồng Lạc Nhuế cháy lan ra cả nước. Tuy nhiên Hà Nam bị dẹp nhưng Thái Bình vài năm sau lại lan rộng ra mấy huyện, đích thân ông "bí thư thứ 2" Phạm Thế Duyệt phải về tận nơi phủ dụ, trấn an (điều này đã được Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học kể lại rất chi tiết trong báo cáo trình Thủ tướng Võ Văn Kiệt). Ở Lạc Nhuế, họ huy động cả tiểu đoàn quân đội, công an, cảnh sát cơ động vào trấn áp, vu cho ông Khải nhiều tội tày trời, vội vàng lôi ông ra xử, khép án tử hình, bắn ông. Một lính đặc công vào sinh ra tử không chết bởi tay kẻ thù mà bởi chính những viên đạn của người trước kia được anh ta đổ máu bảo vệ. Điều rất đáng tiếc là ông nhà văn Nguyễn Quang Thiều xớn xa xớn xác vội dựa vào nguồn tư liệu của... công an viết ra cái kịch bản phim "Chuyện làng Nhô" chiếu trên tivi, dù cũng nổi đình đám một thời nhưng bóp méo sự thật, chỉ làm cái loa cho nhà cầm quyền.

Những năm chiến tranh, ở miền Nam, nhất là đô thị, phe quân giải phóng có một lực lượng tinh nhuệ nhưng không gọi là đặc công mà là biệt động. Chuyện về biệt động, sau này để lịch sử phán xét. Suốt mấy chục năm sau 1975, báo chí, truyền thông, văn học, điện ảnh, sân khấu tung hô ca ngợi biệt động, nào đánh tòa đại sứ Mỹ, đánh nhà hàng Mỹ Cảnh, các khách sạn Caraven, Brink, Victory, rạp chiếu phim, khiến quân Mỹ thất điên bát đảo, thiệt hại chết không biết bao nhiêu mà kể. Về sau, nhất là những năm gần đây, dường như thấy có gì ngài ngại, “ca nhau thì lại bằng mười phụ nhau”, việc ca ngợi biệt động dần lắng xuống. Cũng phải thôi, quả mìn hay trái bom đánh vào khách sạn, nhà hàng, rạp chiếu phim… đâu phải nó có mắt chỉ tìm “quân xâm lược Mỹ” mà chừa dân thường, người vô tội ra. Thôi, tôi ngại, chả biên nữa, sắp tới “kỷ niệm 30 tháng 4” rồi.

Nguyễn Thông

1 nhận xét:

  1. Chư Thông kể chuyện xem chiếu bóng ở miền Bắc thời đó, thấy tội nghiệp cho tuổi thơ của dân ngoài đó: Trong trường học thì bị tra tấn về chính trị, ngoài xạ hội thì thiếu thốn đủ mọi thứ... dể hy sinh cho tham vọng của một lũ điên! Trong miền nam thì tuổi thơ thật là hồn nhiên, rạp cinema đầy đủ có mấy điều hoà, có rạp chiếu permanent 2 phim...., hãy xem nhứng đoạn phim về miền nam trước 1975 để thấy được sự tự do của người dân chư không phải bị kềm kẹp bởi "Mỹ Nguỵ" đâu nhé!

    Trả lờiXóa