Có những bạn sau khi đọc mấy bài đầu tôi biên chép về chuyện đi lại bằng xe đò ở miền Nam thời trước năm 1975 đã nhận xét hài hước rằng ai lại làm cái việc khen phò mã tốt áo thế bao giờ. Rồi còn bảo, thế ông không nhớ chính quyền miền Bắc suốt bao năm miệt thị đời sống kinh tế, xã hội ở miền Nam là phồn vinh giả tạo à. Nhớ chứ sao không. Tôi từng có hẳn một bài phân tích thành ngữ mới “Phồn vinh giả tạo” thì quên thế quái nào được.
Ông bạn tôi, thầy giáo Nguyễn Văn Vy, đồng hương, đồng môn, đồng nghiệp, chỉ mỗi chút “bất đồng” là lão học trước tôi một khóa, vào Sài Gòn trước tôi một năm, và đã đi gặp các cụ tổ tiên quá sớm. Tháng 12.1975, lão tốt nghiệp, được về quê Thủy Nguyên (Hải Phòng) hơn chục ngày rồi nhận ngay quyết định phân công công tác tít tận trong Nam, nơi đang thiếu giáo viên các môn khoa học xã hội. Tức là có mặt ở Sài Gòn chỉ sau khi đất nước thống nhất hơn nửa năm. Lão từng kể cho tôi nghe rằng, mày ạ, hồi tao mới vào đi xe đò trong này sướng vô cùng, không có cảnh chen nhau bẹp ruột, xếp hàng mòn mỏi, hành hạ hành khách như ngoài mình. Hồi tháng 1.1976, lão kể tiếp, tao đi dạy ở cơ sở Tiền Giang, không cần ra tận bến xe miền Tây, chỉ tới ngã sáu Nguyễn Tri Phương quận 5 là có xe đò ngang qua tới hốt mình. Bọn lơ xe mời mọc, thiếu điều dìu mình vào ghế, xách hộ hành lý cho mình để tận nơi không khác gì mình là… cha chúng nó (lão kể và cười hì hì). Điều khác biệt nhất của sự đi lại giữa hai miền không phải là đường sá, xe cộ, mặc dù những thứ này miền Nam hơn hẳn, mà là thái độ trọng thị con người. Một thứ văn minh, văn hóa trong đời sống, chúng mình không tìm thấy ở miền Bắc, hóa ra có ở miền Nam, mày ạ.
Điều may mắn cho ông bạn tôi là lão được hưởng chút ít cuộc sống chất lượng cao còn sót lại sau tháng 4.1975, ở thời điểm hàng hóa vật chất còn dư dả, chưa bị chính quyền mới phá nát, con người mới chưa kịp tác oai tác quái, khi xăng dầu dù đã khan dần do bị cấm vận nhưng những kho xăng khổng lồ mà đặc công, biệt động chưa kịp đánh bom vẫn còn, khi xe cộ chưa bị ông thiên lôi Đỗ Mười giơ búa quốc hữu hóa đánh những đòn chí mạng trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh. Tới lúc tôi lò dò bước lên bến Nhà Rồng tháng 4.1977 thì về cơ bản miền Nam đã đạt “chuẩn nghèo khó” như miền Bắc, những cái gọi là “phồn vinh giả tạo”, “bơ thừa sữa cặn” đã tan thành mây khói. Ngay những chuyến xe đò chở khách Hưng Long mà tôi đi Tiền Giang, sự ân cần của chủ xe, tài xế, lơ xe với khách vẫn còn, nhưng xe cộ đã bắt đầu cũ kỹ xộc xệch bởi không có phụ tùng thay thế, xăng dầu hiếm hơn nên mua vé đã phải chen chúc xếp hàng. Đã xảy ra những tranh cãi chí chóe giành chỗ, vé chợ đen, cảnh vất vưởng chầu chực ở bến xe có khi nửa ngày chưa mua được. Bóng ma sự đi lại ở miền Bắc tôi vừa thoát khỏi được ít ngày thì sau đó nó lại theo chế độ mới vào miền Nam để làm nốt công việc xóa sạch tàn dư tư bản chủ nghĩa.
Hồi còn ở miền Bắc, quê Hải Phòng, học ở Hà Nội, mỗi lần về quê nghỉ hè nghỉ tết, sự đi lại cực kỳ gian khổ. Rất nhiều lần, chỉ hơn trăm cây số, tôi phải mất gần 2 ngày, hoặc ra khỏi nhà từ sáng sớm, tối mịt mới đến nơi. Chen lấy được cái vé ô tô ở bến Nứa hoặc vé tàu lửa ở ga Hàng Cỏ là cả sự khổ nhục. Nhiều lần đi chuyến tàu điện đầu tiên trang ngày từ ga Thanh Xuân vào nội thành, tới bến Nứa xếp hàng, tận chiều không không mua được vé, lại bắt xe điện lộn về, nếu không thì phải ngủ lại bến xe. Cái vé ô tô có 1 đồng mốt cho chặng đường hơn trăm cây số, tuy nhiên không dễ gì tới tay mình. Bọn bến xe tuồn phần lớn ra ngoài cho đám phe vé, bởi chúng ăn chia với nhau. Những đứa quê gần như Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Bắc Giang… còn cố mò về, chứ nhiều đứa xa tuốt khu tư tận Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… đành chịu chết. Rất nhiều đứa sinh viên, hè không về, tết không về, cứ ở tịt lại ký túc xá, không phải không nhớ thày bu, quê hương mà chỉ đơn giản bởi không tài nào mua được vé xe, không có đủ tiền theo giá chợ đen của bọn phe. Đám chúng tôi thường bảo nhau đó là chiến tranh trong chiến tranh, người dân cực khổ đủ đường.
Lên được xe chưa hẳn đã xong. Những chiếc ô tô Thống Nhất ọp ẹp, ghế gỗ chật chội, nhà xe nhét khách còn hơn hộp cá mòi. Nếu có ghế, đã ngồi là chết dí một chỗ, chân tay bó lại như la hán chùa Tây Phương. Tôi đã có lần đứng cả trăm cây số từ bến Nứa về bến cầu Niệm, bởi ghế súp cũng không còn, vậy mà vẫn cho mình may mắn hơn biết bao người. Sức chịu đựng của con người ta trong thời bao cấp-nghèo đói thật kinh khủng, không bút nào tả nổi.
Năm 1977, tôi ra khu nhà lắp ghép gần bến Chùa Vẽ (Hải Phòng) xếp hàng mua tấm vé tàu biển để vào Nam nhận công tác. Có công lệnh nên được ưu tiên, nhưng khổ nỗi nhìn quanh ai cũng ưu tiên cả. Bác nào đã từng xếp hàng mua vé tàu khách Thống Nhất ở bến Chùa Vẽ hoặc bến Nhà Rồng (Sài Gòn) chắc chả thể nào quên cảnh hàng ngàn con người chen vai thích cánh, vã mồ hôi, mặt tái nhợt, nhích dần trong lối hai bên là dây thép gai để chờ tới lượt mình. Xưa cứ nghe tuyên truyền ấp chiến lược của Mỹ-Diệm chăng dây thép gai, chưa hề biết nó thế nào, nhưng hàng rào dây thép gai trấn áp, đe dọa, chằng chịt bủa vây con người trong thời xây dựng chủ nghĩa xã hội thì tận mắt thấy, chả thể nào quên được.
Sự đi lại ở miền Bắc, chính mình từng trải, biên sơ sơ vậy. Tới khi vào trong Nam, dưới chế độ mới, thấy cũng chẳng kém gì, có khi còn "xã hội chủ nghĩa" (đen tối) hơn, sẽ kể sau. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét