Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2019

Giải phóng

Trong ngôn ngữ Việt, vốn từ tiếng Việt, thì "giải phóng" là từ gốc Hán Việt.

Giải có nghĩa là hành động cởi bỏ sự trói buộc, cởi trói, chia gỡ ra, tách ra, làm cho thoát khỏi. Hành động này do chủ thể thực hiện trực tiếp chứ không nhờ vào yếu tố khách quan.

Giải sầu là cởi bỏ sự sầu muộn, giải buồn là tìm cách thoát khỏi nỗi buồn. Giải phẫu là tháo mở cơ thể ra bằng cách mổ (phẫu), giải thích là làm cho rõ nghĩa một vấn đề hoặc điều gì đó… Một cô gái hờn giận người yêu thì anh chàng phải tìm mọi cách làm nàng bớt giận, gọi là giải hờn.

“Giải phóng” là hành động cởi bỏ sự trói buộc, xiềng xích, sự đè nén để đối tượng nào đó được phóng thích, tự do, thoát khỏi sự nô dịch, chiếm đóng. Cụ học giả Đào Duy Anh trong “Hán Việt từ điển” giải thích ngắn gọn đó là “hành động mở thả ra”.

Như vậy, đã nói giải phóng tức là phải nói tới hành động mạnh mẽ để tháo buộc. Quân đội miền Bắc khi vào Nam đánh nhau được chính quyền miền Bắc gọi là quân giải phóng, tức là vào để cởi bỏ sự trói buộc cho đồng bào miền Nam dưới “ách đè nén của Mỹ ngụy”. Có tuyên truyền thế mới tạo được vẻ chính nghĩa, khiến người ta lên đường lao vào chỗ chết mà không ngần ngại. Việc kéo quân lính, xe tăng vào Sài Gòn được coi như sự giải phóng. Khi xưa Nguyễn Huệ kéo quân ra bắc, đánh nhau với giặc Thanh xâm lược, tiến vào thành Thăng Long, sau mấy trận đấu quyết liệt ở Ngọc Hồi, Đống Đa… thì vào kinh thành là giải phóng. Thi sĩ Ngô Ngọc Du viết “Một trận rồng lửa giặc tan tành/Chúng vội cướp thuyền hòng chạy trốn/Đầy thành già trẻ mặt như hoa/Chen vai thích cánh cùng nhau nói/Cố đô vẫn thuộc núi sông ta” ghi lại cảnh giải phóng thành Thăng Long thật ấn tượng.

Nhưng Hà Nội ngày 10.10.1954 thì không phải vậy. Trước đó một ngày, tên lính Pháp cuối cùng đã qua cầu Long Biên, rút khỏi thủ đô, để về Hải Phòng tập kết tại vùng 300 ngày chờ về Pháp. Quân ta tiến vào không phải đánh nhau với ai mà chỉ nhận bàn giao. Chính vì thế, cứ tới ngày 10.10 hằng năm, nhà nước cũng như bộ máy tuyên truyền dùng cụm từ "kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô” là hoàn toàn không chính xác. Hai bên đã đình chiến sau hiệp nghị Geneve, quân Pháp đã rút lui có trật tự khỏi Hà Nội, không một tiếng súng, không còn đánh nhau, bộ đội Việt Minh chỉ hành quân công khai vào tiếp quản, thì không thể gọi là giải phóng được.

Nếu chỉ nói với nhau nghe cho vui, muốn nói thế nào cũng được. Nhưng về mặt lịch sử, phải chính xác, không xuyên tạc, không làm cho méo mó.

Ngày 10.10, cách gọi chính xác nhất phải là “ngày tiếp quản thủ đô”, “ngày tiếp quản Hà Nội”. Đã qua cái thời nói lấy được để tự tô vẽ mình. Hãy trả cho sự thật và ngôn ngữ đúng thực chất của nó.

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét