Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 25 tháng 5, 2021

Tìm lại được thứ hơn cả tình yêu

Kính tặng các tiên sinh Phạm Chuyên, Đào Lê Bình

Thế hệ tôi sinh giữa thập niên 1950 ở nông thôn, thực thà mà nói đời sống văn hóa tinh thần rất nghèo. Phần lớn thì giờ dồn vào việc làm ruộng giúp thày bu anh chị, rồi học hành ở trường ở nhà, nếu còn tí ti thời gian lại tranh thủ đi dậm đi câu, mò cua bắt ốc. Đôi lúc chơi bời thì cũng chỉ đợi trăng lên ra đình đánh trận giả, ngo ngoe chút rảnh rỗi thì chơi bật tường ăn diêm, đánh khăng đánh đáo, trốn tìm, thả đỉa ba ba, chơi đánh vụ (con quay gỗ), chọi cỏ gà. Tuổi thơ và thanh niên cứ thế trôi, lặng lẽ, êm đềm trong sự nghèo đói thiếu thốn.

Giờ đôi lúc ngồi ngẩn ra nghĩ lại thấy đám tuổi mình sống ở làng quê thiệt thòi đủ thứ, nhất là về văn hóa, tinh thần. Hầu như không đứa nào biết chơi đàn, được học nhạc, học đàn, ghi ta hoặc đàn măng đô lin… Cùng lắm là tự tìm ống trúc, mày mò dùi chiếc sáo, âm thanh sai lạc, thổi bập bẹ sòn sòn sòn đô sòn. Ông Uy nhà tôi rất giỏi vụ chế tác nhạc cụ này. Sách truyện cũng cực thiếu, mượn được cuốn truyện hay còn hơn nhặt được tiền, chuyền nhau đọc tới nát.
 
Cũng may, bù vào phần thiếu hụt tinh thần ấy là chiếc “đài” loa kim.

Thời đó tất cả những chiếc hộp phát ra âm thanh đều có tên chung là đài. Sang trọng thì có đài radio chạy pin Orionton của Hung (Hungary), Xianmao (Trung Quốc), đài Rigonda, Melodia chạy điện to như chiếc tủ do mấy người học ở Liên Xô đem về. Hiếm và sang nhất là National của Nhật theo đường viễn dương Vosco, có khi một chiếc National vỏ da nâu 4 pin giá bằng cả mảnh vườn. Phổ biến nhất, bình dân nhất, gần như nhà nào cũng có, trừ những nhà nghèo nhất như nhà cụ Đẹn, đều mắc “đài” loa kim.

Khoảng năm 1964 - 1965 chi đó, chính quyền xã thông báo các gia đình sẽ được lắp loa truyền thanh. Loa kim là chiếc hộp bằng gỗ to gần bằng 2 hòn gạch ống bây giờ, sơn màu xanh nhạt, màng loa bằng giấy xám, bộ phận đáng kể nhất là cục nam châm và cuộn dây đồng thu truyền tín hiệu lắp trong hộp. Giá bán cho dân, tôi nhớ láng máng khoảng 5 đồng, kéo dây vào tận trong nhà, tùy nhà xa nhà gần so với trụ điện sẽ thêm vài đồng nữa, non chục bạc. Có đài, ngôi nhà nghèo tường đất mái rạ sinh sắc rộn rã hẳn lên. Chiếc loa kim là hình ảnh của cuộc sống hiện đại văn minh, rất đáng để khoe nên nhà nào cũng mời “ngài” ngự ngay chỗ trang trọng nhất trên tường, gian chính giữa. Mở cửa bước vào nhà dòm thấy ngay. Nhà tôi cũng vậy. Ông Uy anh tôi còn khéo léo đóng chiếc giá gỗ nho nhỏ đặt ngài lên cho vững. Có lần tôi lấy mấy chiếc tem nhãn tròn màu xanh đỏ ở vỏ bọc viên thuốc giun quả núi dán lên trang trí cho bắt mắt, sau nhìn ngứa mắt quá lại lột đi. Chả gì đẹp hơn khi nó đã vốn đẹp.

Chiếc loa kim thần kỳ ấy đã gắn bó với người nông dân miền Bắc gần hai chục năm trời, suốt thời chiến tranh, nghèo đói. Mấy anh chị em tôi, cả thày mẹ tôi đều yêu quý nó, coi nó như thành viên trong nhà. Có đài nhưng không phải lúc nào cũng có thể nghe như đài chạy pin Orionton, Xianmao bởi giờ giấc được cơ quan truyền thanh quy định. Thường là 5 giờ rưỡi sáng họ đóng điện, phát chương trình thể dục, 6 giờ có “Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”, “Dự báo thời tiết”… Nông dân vừa ăn cơm sáng (bữa chính) vừa nghe đài, rồi đi làm. Nhà đài cũng tắt đài, tới 11 giờ trưa mới phát lại, cũng chương trình “Đây là…”, hát vài bài, rồi lại tắt cho tới tận chiều tối. Buổi phát tối dài nhất, kéo tới tận 11 giờ đêm, kết thúc bằng “Đọc truyện đêm khuya”. Buổi này có nhiều thứ hay, ngoài thời sự như 2 buổi kia, còn có “Buổi phát thanh nông thôn”, “Khắp nơi ca hát”, “Dân ca và nhạc cổ truyền”, “Kể chuyện cảnh giác”, “Ca nhạc”, “Thiếu nhi”… Giờ nghĩ lại, nếu không có cụ loa kim ấy, đời sống người nông dân bị khép trong lũy tre làng sẽ buồn biết bao nhiêu.

Tôi một nốt nhạc cũng không biết. Cầm chiếc đàn ghi ta lóng ngóng như cầm thứ trên giời rơi xuống. Vậy nhưng, thật lạ, những bài hát công khai phổ biến hồi xưa, gần như bài nào tôi cũng biết, cũng thuộc. Lẩm nhẩm theo đài, theo cụ loa kim, chả cần son phe gì, thế mà rành hết cả lời, giai điệu nhịp điệu. Cả kho bài hát trong đầu, như Tiến lên đoàn viên, Nguyễn Bá Ngọc người thiếu niên dũng cảm, Học giỏi chăm làm cháu ngoan Bác Hồ, Đường làng em, Cùng anh tiến quân trên đường dài, Lướt sóng ra khơi, Vui mùa chiến thắng, Quảng Bình quê ta ơi, Bài ca giao thông vận tải… Và trong đám khủng khiếp đồ sộ ấy, có bài “Tiếng hát hậu phương” của nhạc sĩ Thái Cơ.

Khi nào có thời gian rỗi, tôi sẽ biên kỹ hơn về nhạc sĩ Thái Cơ, về giọng hát Kim Oanh, Tuyết Nhung, về dàn ca nhạc Đài tiếng nói Việt Nam lừng lẫy thời chống Mỹ ở miền Bắc. Ở đây chỉ nói rằng bài "Tiếng hát hậu phương”, cái tên giản dị quá dễ làm cho người ta quên, nhưng nó thấm vào đời những người nông dân, những đứa trẻ nông thôn đận chiến tranh, nó là thứ ký ức, kỷ niệm sâu lắng, chắc khừ, khó quên hẳn được.

Ấy vậy mà dòng thời gian ghê gớm cũng đủ sức xói mòn mọi thứ. Tôi suốt bao năm cứ lang thang tìm tòi săm soi dấu vết của nhạc phẩm này, nhưng khổ nỗi hồi xưa mình chỉ nghe qua loa kim, rồi bị cuốn theo dòng cầu thực mưu sinh, quên cả tên bài hát, quên người sáng tác, chỉ còn nhớ mang máng giai điệu và vài ca từ. Nhớ giai điệu mà không nhớ chính xác đôi lời đôi chữ thì lão Gu Gồ cũng đành chịu. Ấy thế mà, chẳng biết giời xui đất khiến thế nào, ăn ở hiền lành phúc đức thế nào, hôm nay gặp lại. Còn hơn cả cố nhân, hơn người tình xưa, bởi trong đó có cả quê hương làng Trà nhỏ bé nghèo khó, có gia đình, thày bu anh chị em, có tuổi thơ đã tưởng vuột mất rồi.

Nguyễn Thông
 
(Cả nhà nghe lại bài hát đi, rất tuyệt vời)

1 nhận xét: