Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2023

Chuyện xe đạp (kỳ 5)

Nói thêm, nhà tôi cũng như nhiều nhà khác không có xe đạp bởi nhiều lý do, như không thuộc diện phân phối, không có tiền, vả lại thày bu làm được đồng nào còn để dành dụm tiết kiệm sinh sống, đóng tiền học phí cho con cái. Nhà tôi chỉ cách bãi biển Đồ Sơn gần hai chục cây số nhưng mãi tới ngoài hai mươi tuổi, khi gần tốt nghiệp đại học tôi mới biết biển Đồ Sơn mặt mũi nó thế nào. Đi bộ thì xa, mượn xe thì ngại. Lâu nay đi bộ vốn quen, gọi đùa là đi “xe căng hải” (xe hai cẳng) vài cây số là thường, thậm chí nhiều lần kéo xe cải tiến chở dưa hấu, rau cải tàu ra tận ngoài chợ An Dương ở Phòng, cuốc bộ hai chục cây số, nhưng đó là đi bán hàng, chứ tự dưng đi bộ chơi bời thì xa quá ngại quá, thà ở nhà.

Nhân dịp có ông Hiệp anh họ ở ngoài Phòng (dân quen gọi nội thành Hải Phòng như vậy) về chơi, tôi mượn được chiếc xe đạp ra sân hợp tác tập. Khổ nỗi xe nam gióng ngang, chân thì ngắn, phải luồn qua khung tập lấy đà, vẹo hẳn một bên trông như làm xiếc. Ông anh sợ tôi ngã làm xước sơn xe, còn cẩn thận trải rơm lên mặt sân gạch, vì thế càng khó chạy. Phải mất mấy lần tập kiểu đó, rồi cũng biết chạy xe. Nhưng rồi vẫn đi bộ, tập sẵn cho biết chạy thôi.

Anh Uy anh ruột tôi là học sinh giỏi toán nổi tiếng trường huyện Kiến Thụy nên năm lớp 9 (1968) được huyện xét ưu tiên phân phối chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô, giá hơn 170 đồng, ngang gần 3 tháng lương kỹ sư (hôm trước tôi viết nhầm thành 70 đồng, bác Lương Trần Khải đính chính bảo là 175 đồng cơ, bởi bác ấy cũng được mua dịp đó, 3 người 3 chiếc, chiếc còn lại của bác Nguyễn Anh Tuấn (sau là “trùm” thuốc tây đất cảng). Quý như vàng. Một lần tôi lấy chạy thử, táy máy làm mất chiếc mũ van (miếng nhựa nhỏ xoáy chụp trên đầu van bơm hơi, van jun chứ không phải van hạt gạo), anh tôi tiếc mãi, sợ xe sẽ mất hơi, buồn mất mấy ngày. Mà xe thiếu nhi Liên Xô vành chỉ cỡ 550, không kiếm đâu ra săm lốp, chạy mãi bị xóc gai cắm đinh, chiếc ruột (săm) xe vá chằng vá đụp, còn vỏ (lốp) xe thì cuốn bọc băng bó hơn cả thương binh nặng. Năm 1969, tốt nghiệp phổ thông, anh tôi đi bộ đội, bàn giao con ngựa sắt lại cho tôi, dặn dò tỉ mỉ cẩn thận lắm, cứ như giao đứa con cầu tự chứ không phải xe đạp. Tôi vào Nam, lại giao tiếp “con cầu tự” cho cô em gái. Chúng tôi trưởng thành, lớn lên được với đời, nhờ bố mẹ, thầy cô thì tất nhiên rồi, nhưng thực lòng, cũng phải cảm ơn cu cậu thiếu nhi Liên Xô ấy nhiều lắm.

Chuyện liên quan đến xe đạp cũng lắm điều vui điều buồn. Hồi bé tôi được nghe kể ở làng có ông Biện, ông có “bộ đồ nghề đàn ông” ngoại cỡ, mỗi lần đi xe đạp phải cẩn thận bế nguyên hai hòn dái to lên, đặt ngay ngắn đã, sau mới nhấc đít ngồi vào yên, chả là sợ ngồi phải dái thì thọt dái. Chú Cước học cùng lớp với tôi nhưng vai chú, cười bảo ông trời chả cho ai hoặc lấy của ai mọi thứ, được sướng lúc này thì khổ lúc khác. Nhưng chú Xích, anh ruột chú Cước thì lại bảo ông Biện bị bệnh sa đì, dái to nhưng hoạt động kém hiệu quả. Chả biết tin ai.

Những năm đầu 60, thôn tôi có nhiều bộ đội về đóng quân. Tinh lính thợ, mà lại thợ mộc. Chả là Trung Quốc đang giúp đục rỗng quả núi Chè ở xã tôi để làm hầm đặt súng đại bác chĩa ra biển, lính thợ mộc nhà ta chuyên làm khung hầm rồi giao cho họ thi công. Nhà tôi ngay sát đường nên bộ đội thích ở. Trong số đó có chú tên A (Nguyễn Văn A đàng hoàng, không phải tên viết tắt) người Vĩnh Bảo. Chú A có chiếc xe đạp nữ Thống Nhất, giữ kỹ lắm, chả bao giờ tôi dám hỏi mượn. Một lần chị Khoắn tôi với bá Thơ (cùng tuổi chị tôi) đang là nữ dân quân xã, đánh liều hỏi chú A cho mượn xe để đi phố Hải Phòng mua sắm. Chú A thì đang thích chị tôi nhưng cũng phân vân mãi, cuối cùng cũng phải cho mượn. Hai bà nhà ta phởn chí phóng ra Phòng, chiều về mặt mũi nhăn nhó báo tin xe bị đâm vào gốc cây, cong vành, đã sửa tạm. Tôi còn nhớ chủ xe khi ấy khổ sở đau đớn như thế nào, thậm chí đến tối còn khóc thút thít bởi tiếc xe mà không dám bắt đền. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét