Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2023

Thói lấp liếm bao che

Thế tôi hỏi các ông các bà, nhất là lãnh đạo công an Hà Nội và báo chí:

Ba đứa bắn trộm, ăn trộm dê của người dân là công an hay cựu công an? Lúc nó bắn dê, thực hiện hành vi trộm cắp, nó là công an hay cựu công an? Tại sao chúng nó bị tước danh hiệu công an (danh hiệu công an chứ không phải quân tịch, bởi quân tịch chỉ dành cho quân đội, lão hàng xóm nhà tôi bảo báo chí đéo biết gì, cứ viết lung tung, ảnh hưởng tới danh dự của quân đội)? Bắn/trộm cắp dê nên mới bị tước. Chả nhẽ nó không vi phạm gì lại tước của nó?

Rành rành công an đi ăn trộm thì cứ nói thẳng là công an, chứ không phải cựu. Thế mới thẳng thắn, dám nhìn thẳng vào sự thật. Một khi còn vòng vo che giấu thì còn dở hơi. Ai, chứ tôi là tôi rất ghét cái thói lấp liếm ấy.

Vậy nhưng vẫn có người cãi lấy được, vẫn bênh sự lấp liếm. Đây là tôi nói một số ông bà (có nhẽ không phải dư luận viên mà là người có hiểu biết).

Vụ 3 tay công an trộm/cướp dê bị khởi tố, một số người bảo rằng chú phó giám đốc công an Hà Nội nói "cựu công an" là đúng, là chính xác, bởi 3 thằng kia đã bị tước quân tịch, khi ổng nói thì chúng nó không là công an nữa, chỉ là cựu, v.v..

Tôi định không hơi đâu cãi lại các ông bà, nhưng có thêm vài lời thế này cho rõ:

Đương sự (3 tay công an) gây vụ việc (trộm dê) trong hoàn cảnh, thời gian cụ thể, lúc chúng là công an, chứ không phải cựu (đã thôi công an), nhá. Đương công an mới dám bắn dê, chứ cựu công an đi ăn trộm, dân họ tẩn cho mất mạng chứ họ sợ gì, như tẩn bọn trộm chó vậy.

Ông Nguyễn Văn Thiệu nói "Đừng nghe những gì cộng sản nói" khi ông ta là tổng thống chứ không phải cựu tổng thống nhá. Cựu mà phát ngôn, ai thèm nghe.

Trong tiếng Việt, nhằm chỉ một ai đó mần chức trách, có những từ rất rõ ràng để phân biệt: đương, nguyên, cựu cố. Đương là đang làm, đang là ai. Nguyên là từng làm, giữ chức gì đó, danh hiệu gì đó, nhưng đã chuyển làm việc khác, chức khác. Cựu là nghỉ rồi, nghỉ hẳn, không mần chi nữa. Cố chỉ dành cho người đã chết, mà chết thì hết chuyện, khỏi bàn.
 
Bộ đội đi đánh giặc thì gọi là bộ đội, chứ làm gì có cựu bộ đội đánh giặc. Phi công Nguyễn Văn Cốc bắn rơi máy bay Mỹ khi là phi công chứ không phải cựu phi công. Dù ông ấy sau đó về hưu, rồi chết, nhưng khi kể những vụ bắn máy bay rơi của ông ấy, ta chỉ nói phi công Cốc chứ chả ai bảo cựu phi công Cốc bao giờ. Cầu thủ Pele ghi bàn thứ 1.000 lúc là cầu thủ, dù có chết rồi vẫn là cầu thủ, đéo phải cựu cầu thủ (lão hàng xóm nhà tôi bảo vậy).

Thời trước có lý (trưởng) đương và lý cựu. Đã là lý cựu rồi thì cao lắm được ra đình ngồi với các cụ chứ không còn làm gì. Không ai nói lý cựu đi thu thuế bao giờ. Cựu công an, làm chó gì còn quyền hành mà đem súng đi bắn dê. Chỉ công an mới có "quyền" đó.

Còn nếu bảo rằng đã bị tước "quân tịch" nên mới gọi là cựu, vậy tôi hỏi các ông bà, cựu chiến binh có bị tước cái gì đâu mà cũng cựu, cựu sĩ quan thì chả nhẽ bị tước hàm sĩ quan chăng?

Nếu không biết tường tận thì nên lắng nghe, còn đã biết rõ mà vẫn cố cãi cố bênh cho đám quan quyền sai nha thì chẳng đáng bàn.

Nguyễn Thông

(Tái phím: Thời ông anh tôi làm sếp Công an HN, làm gì có thứ nhố nhăng kiểu vậy, vớ vẩn là bác ấy quật chết)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét