Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 21 tháng 9, 2023

Bác Đào Trọng Khánh

Người bạn quê gọi Zalo cho tôi báo tin bác Đào Trọng Khánh qua đời đầu chiều nay 20.9. Vậy là đại thụ đất Phòng đã ngả về cội sau những năm sống chung với thói đời, trời ban cho 84 tuổi ta. Thế hệ những con người người nhất lại càng vắng thêm.

Bác Khánh sinh năm 1940, cùng quê tôi huyện Kiến Thụy (Hải Phòng), nghệ sĩ nhân dân, đạo diễn nổi tiếng, một tên tuổi “cộm cán” đất cảng. Khi đám chúng tôi mới oe oe chào đời thì bác Khánh đã 15 tuổi, vừa học vừa làm công nhân cảng. Lúc đám oe oe học cấp 3 thì bác í đã nổi tiếng, bạn thân thiết của rất nhiều tên tuổi Hải Phòng như Nguyễn Viết Lãm, Thi Hoàng, Thanh Tùng, Đào Cảng, Nguyễn Tùng Linh, và nhất là thi bá Lưu Quang Vũ trên Hà Nội.

Nhớ đầu xuân Nhâm Thìn 2012, ngày 10.2 tây, tôi có may mắn được chen vào cuộc tụ bạ cực kỳ thú vị tại một quán ăn gần cảng ven sông Cấm. Mưa xuân lất phất giăng bụi, gió se se lạnh. Hai cây đào của quán bung hồng hết cỡ. Cuộc gặp gỡ nho nhỏ, đầm ấm, trao đổi trò chuyện thân tình. Ngoài lão tướng Phạm Chuyên tôi từng được biết, được gặp khá nhiều, quả tình tôi phải cám ơn ông bạn nghề đồng hương bởi có dịp được ngồi ngắm những nhân vật nổi tiếng, "người của công chúng" đất Phòng và cả nước, đạo diễn Đào Trọng Khánh và thi sĩ Thi Hoàng.

Cái ông đội mũ phớt đạo mạo lẫn tếu tếu kia, đã lâu tôi chỉ thấy trên hình ảnh, bữa nay lại thân tình nắm chặt tay tôi. Nhiều người, rất nhiều người biết ông, nể trọng ông, nhà đạo diễn phim tài liệu lừng danh, NSND Đào Trọng Khánh, cùng quê Kiến Thụy với tôi. Chỉ cần nghe ông nói một chập là ta như bị thôi miên, không dứt ra được. Không hẳn bởi cái duyên ăn nói của một nghệ sĩ quảng giao mà chính là sự hiểu biết gần như vô tận, sâu đậm, tinh tế thông qua cách diễn đạt cực kỳ dí dỏm, thông minh. Tôi thì thầm với bác Chuyên, anh ạ, giờ thì em hiểu hơn cái câu đúc kết của các cụ ngày xưa mà em hay a dua theo người ta phê phán "một ngày tựa mạn thuyền rồng/còn hơn muôn kiếp ở trong thuyền chài", bên bác Khánh có nửa buổi mà em tỉnh hẳn ra, giác ngộ nhiều điều, bội thu lắm thứ.

Thời điểm ấy đang cực nóng chuyện cưỡng chế ở đầm Vươn cống Rộc xã Vinh Quang huyện Tiên Lãng mà sau này người ta quen gọi là vụ Tiên Lãng. Nhấp ngụm rượu làng Vân do bạn tôi từ Hà Nội đưa về, bác Khánh dẫn câu của đức thánh Trần, các ông ạ, người đời nay phải học kỹ các cụ ngày xưa, nên lấy việc đặt mồi lửa dưới đống củi nỏ làm nguy, lấy điều kiềng canh nóng mà thổi rau nguội làm sợ. Tôi (Khánh) nhất trí với ông Chuyên, phải cách chức 3 thằng đầu trò Hải Phòng ấy ngay, để ngày nào hại ngày đó. Vụ thằng Vươn chính là cơ hội vàng để trung ương nhìn nhận và chỉnh đốn lại cái bộ máy cai trị này. Không làm, sẽ hối tiếc. Cá chép vượt vũ môn chính là lúc này đây, phải mạnh dạn dứt bỏ bọn cá làng nhàng nheo nhệch giói giếc ra thì mới có cơ lên được. Cứ bảo thằng Vươn có tội, đúng ra nó có công làm lộ bản chất thực bọn cán bộ, không biết ơn nó thì thôi, sao lại bắt tội. Đúng như ông Chuyên nói, tha thằng Vươn không có nghĩa mày không có tội, nhưng tội mày không đáng, tao bề trên, đàng hoàng tao tha cho mày. Như thế có phải ân uy không nào.

Kêu châm thêm rượu, danh sĩ Hải Phòng, đạo diễn NSND Đào Trọng Khánh nhân nói đến chuyện định hướng của đám lãnh đạo, cười phớ lớ bảo khổ nhất là các bố cứ thích cầm lái. Giá mà lái thạo, lại rành rẽ đường, thì cũng tạm cho là được đi. Chẳng hạn mấy anh em ta đòi đi Hà Nội, nói ông tài ơi cho chúng tôi đi Hà Nội nhé, nhưng các bố tài vòng vèo thế nào lại đưa tuột mẹ về Quảng Ninh. Tinh chạy lạc đường, chạy ngược chiều. Thế nhưng cứ thích cầm lái. Khổ là khổ ở chỗ ấy.
 
Bác mặn chuyện, kể cho cả đám nghe những điều chả bao giờ có trong sách giáo khoa. Vị đồng hương Kiến Thụy là cả một kho những điều thú vị. Bác còn nói về người bạn thân Lưu Quang Vũ, về tại sao cây táo lại nở hoa… trong đủ thứ chuyện bác phát sóng bữa đó. Hình như không ai kể/bàn về Lưu Quang Vũ hay bằng bác Khánh. Có nhẽ một phần họ chung lứa tuổi (hơn kém nhau tí chút), là bạn thi nhân nghèo, là tri âm tri kỷ, cùng sống thời loạn lạc. Cái tên Khánh viết hoa trong tít bài thơ “Đêm đông chí…” chính là bác Đào Trọng Khánh.

Tôi khen nịnh, bác là nghệ sĩ gộc tới giờ vẫn theo cách mạng đấy thây; chả cần học bác nào, cứ học tập và làm theo bác Khánh. Bác Khánh cười, chúng nó (đám lãnh đạo) nhầm, tớ theo cách mạng tức là theo cái lý tưởng nó theo chứ đâu có tin có theo mấy thằng rao giảng lý tưởng; cũng như người ta theo đạo Phật thì tin theo giáo lý phật tổ chứ theo đếch gì mấy lão nhà sư. Theo bọn họ nhọc lắm.

Sau bữa đó, tôi về gõ mấy dòng (gọi là thơ) tặng bác, đề là “Nhọc”.

Anh bảo rằng luẩn quẩn thế này thì nhọc lắm
Sao người ta cứ giả dối hành hạ nhau
(Em hiểu anh đang cố kìm giận dữ
Ngoài trời đang mưa, gió anh thổi phương nào?)

Anh bảo chúng nó tụng kinh niệm phật
Miệng nam mô bụng bồ dao găm
(Em thấy ly bia anh cầm cứ nâng lên đặt xuống
Uống làm sao khi tan nát cõi lòng)

Anh bảo đã đến lúc phải sổ toẹt
Cũng như người theo đạo phật mà thôi
Tin giáo lý cứu rỗi chúng sinh chứ không theo nhà sư đâu nhá
Đừng ù xọe quanh co lầm lẫn sự đời

Ta cần đi Quảng Ninh thì thằng lái xe lại chở ta về Hà Nội
Vậy thì ta xuống xe cóc cần thằng lái xe
Chân lý chỉ có con đường thẳng
Chứ sống mãi thế này nhọc lắm
Rót thêm bia.

Nguyễn Thông
 
Ảnh: Ba vị tiên chỉ, từ trái sang: NSND, đạo diễn Đào Trọng Khánh; thiếu tướng Phạm Chuyên; nhà thơ Thi Hoàng (Nguyễn Thông chụp, 10.2.2012)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét