Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 10 tháng 10, 2023

Cần biết lắng nghe và sửa sai

Cách nay 69 năm, ngày 10.10.1954, những người lính Pháp cuối cùng xếp hàng ngay ngắn rời khỏi Hà Nội, theo lối cầu Long Biên do chính họ xây dựng, để về Hải Phòng tập kết 300 ngày chờ rút hết về nước. Nay ở bãi biển Đồ Sơn vẫn còn di tích bến Nghiêng, nơi quân Pháp xuống tàu hồi hương.

Pháp rút, quân ta vào tiếp quản thủ đô Hà Nội trong sự chào đón của nhân dân. Đoàn xe chở tướng Vương Thừa Vũ - Chủ tịch Ủy ban quân chính (quân quản) Hà Nội, bác sĩ Trần Duy Hưng - Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội đã cùng bộ đội vào nội thành qua 5 cửa ô một cách hòa bình, không một tiếng súng nổ nào. Nhạc sĩ Nguyễn Thành và thi sĩ Tạ Hữu Yên viết "Khi đoàn quân tiến về mùa thu ấy/Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường". Trống vang như ngày hội lớn chứ đâu phải vào để đánh nhau. Ngày 10.10 được lịch sử gọi bằng cái tên chính xác với thực tế, “ngày tiếp quản thủ đô”. Lứa chúng tôi khi học phổ thông (từ lớp 1 tới lớp 10) sách giáo khoa và lời thầy cô, lời cán bộ đều ghi rõ, nói rõ là “ngày tiếp quản thủ đô 10.10”.

Chả hiểu do đâu, và cũng không biết từ khi nào, người ta, vốn quen xuyên tạc lịch sử, kiêu ngạo cộng sản, háo thắng, ngạo nghễ, đã đổi lát cắt lịch sử ấy thành “ngày giải phóng thủ đô”, “ngày thủ đô giải phóng”. Cả Hải Phòng cũng vậy, khi quân Pháp ở đó 300 ngày kể từ khi đình chiến để lần lượt rút về nước, người dân sống chung với những kẻ trước kia là quân xâm lược trong gần 1 năm hòa bình, không hề gây gổ. 

Làng tôi là nơi tạm trú kiểu KT3 của gần tiểu đoàn Pháp, họ đóng ở đình làng và lập doanh trại gần đó, họ khoan giếng máy lấy nước dùng, cho cả dân dùng, khi kéo nhau ra bến Nghiêng Đồ Sơn còn bàn giao đầy đủ, không phá bỏ thứ gì. Thày tôi kể, dân làng giao dịch buôn bán hàng tạp hóa với họ, họ dạy trẻ con tiếng Pháp, cho nông dân những hạt giống rau quả su hào, súp lơ, cà chua… từ Pháp gửi sang để bà con mình trồng trọt. Nói chung là chả đánh nhau, chẳng giải phóng giải phiếc gì. Nhưng rồi cũng theo trào lưu mới tự sướng/xuyên tạc lịch sử, người ta cũng gọi ngày 13.5.1955 là “ngày Hải Phòng giải phóng”, “ngày giải phóng Hải Phòng”, mỗi năm đến ngày này cứ um cả lên. Ông anh tôi có lần bảo, có đánh nhau đếch đâu mà giải mí chả phóng.

Giải phóng là gì? Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ do GS Hoàng Phê chủ biên, giải phóng là hành động làm cho được tự do, cho thoát khỏi tình trạng bị nước ngoài chiếm đóng; giải thoát con người bị kiềm chế, giam cầm. Giải phóng hoàn toàn khác sự tiếp quản, nhận những thứ được bàn giao. Cũng không thể lý sự rằng trước đó quân ta đã đánh nhau, đã chiến thắng, đã có trận Điện Biên nên Pháp bị thua, ta tiến vào thủ đô thì cũng là giải phóng. Vậy thì nên xóa những sự kiện lịch sử, như Hội nghị Geneve (Geneva), hội nghị Trung Giã ra khỏi biên niên sử dù nó có ý nghĩa lập lại hòa bình, chấm dứt đánh nhau.

Vẫn biết việc tôn trọng lịch sử khách quan và việc thực hiện ý đồ chính trị luôn chỏi nhau, luôn xung khắc, thậm chí lịch sử chịu thua trong những chặng nhất định, nhưng không thể vì thế mà cứ im lặng mãi. Hỡi các nhà viết sử mậu dịch, các vị chắc đều biết tích anh em nhà Thái Sử Bá thời Chiến quốc chép sử thế nào. Nhà viết sử chân chính, chết còn không sợ, vậy các vị sợ cái gì mà không dám lên tiếng, hay là nghề sử chỉ để ấm thân mình. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Ảnh: Bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội trở về tiếp quản thủ đô trong sự chào đón nồng nhiệt của dân chúng, dĩ nhiên không một tiếng súng, và không phải là hành vi giải phóng - Nguồn: Tư liệu internet



3 nhận xét:

  1. http://www.lethieunhon.vn/2023/10/hoi-chung-phi-ly.html

    Trả lờiXóa
  2. Năm 1950, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng Việt Nam, Chủ tịch Mao Trạch Đông và Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định viện trợ to lớn cho Việt Nam kháng chiến chống thực dân Pháp, lần lượt cử đại diện Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Trần Canh, đoàn cố vấn quân sự do đồng chí Vi Quốc Thanh dẫn đầu cũng như đoàn cố vấn chính trị do đồng chí La Quý Ba dẫn đầu sang Việt Nam hỗ trợ Việt Nam chống thực dân Pháp … Coi sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam là sự nghiệp của nhân dân Trung Quốc

    Hồi đó, quân đội Việt Nam chưa đến 30 nghìn quân, nhanh chóng tan tác trước sự càn quét và bao vây của trăm nghìn quân Pháp được trang bị máy bay và xe tăng, tuyến đường biên giới Trung – Việt đã bị cắt đứt, toàn bộ điểm dựa trong các thành thị đều mất đi, lực lượng quân đội Việt Nam ít ỏi còn bị quân Pháp chia cắt bao vây ở các khu rừng. Đứng trước nguy cơ này, là một trong những lãnh đạo chính của Hồng quân công nông, Đại tướng Trần Canh không hề hoảng sợ, trước hết chỉ huy quân đội Việt Nam phân luồng có mục đích, tấn công từ nhiều phía để quấy nhiễu vận chuyển tiếp tế, kho đạn dược của quân Pháp, quân Pháp vốn giữ khí thế dữ dội, cuối cùng ô tô, xe tăng không chạy nổi, máy bay không thể cất cánh, việc ăn, uống, trang bị vũ khí của quân Pháp đều gặp khó khăn, buộc phải từ bỏ thế tấn công mạnh mẽ, bắt đầu rút quân. Quân đội Việt Nam cũng từ chỗ nguy hiểm chuyển thành an toàn.

    Đồng chí Vi Quốc Thanh và đoàn cố vấn mới đã thay phiên sang Việt Nam. Đồng chí Vi Quốc Thanh dẫn đồng đội do mình lựa chọn không chỉ hỗ trợ quân đội Việt Nam từ chỉ huy đến tác chiến, còn hỗ trợ triển khai công tác huấn luyện, tăng cường mạnh mẽ sức chiến đấu của quân đội Việt Nam.

    Lúc đó các lãnh đạo quân đội Việt Nam lại dốc sức muốn giành quyền kiểm soát vùng châu thổ sông Hồng, bởi nơi đây phì nhiêu dồi dào tài nguyên, là nơi tập trung dân số thành phố, sau khi kiểm soát sẽ có thể chuyển vào thành phố, dễ chịu hơn so với điều kiện gian khổ trong rừng, nhưng đồng chí Vi Quốc Thanh kiên quyết phản đối, nêu ra phải quét sạch tàn quân Pháp ở vùng Tây Bắc, tiến theo phía Lào, từ nông thôn bao vây thành phố. Đề nghị của đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc không nhận được ủng hộ của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh không hiểu rõ về vị tướng này của Trung Quốc, nên không ủng hộ đồng chí Vi Quốc Thanh như Đại tướng Trần Canh.

    Lúc đó, quân Pháp đã dựng lên phòng tuyến vững chắc ở vùng châu thổ sông Hồng, chỉ cần quân đội Việt Nam tấn công vào sẽ bộc lộ vị trí của quân tấn công chủ lực, phối hợp máy bay ném bom na-pan, phản công quy mô lớn, gây thương vong nặng nề cho quân đội Việt Nam. Trước bài học đẫm máu này, Việt Nam đã nhận thấy giá trị của đồng chí Vi Quốc Thanh và đoàn cố vấnTrung Quốc, nghi ngờ giữa anh em đã bị xóa bỏ, quân đội Việt Nam nhanh chóng chấp nhận kế hoạch Tây tiến của đoàn cố vấn Trung Quốc, kiểm soát lại phần lớn khu vực Tây Bắc.

    Trận Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu

    Đồng chí Vi Quốc Thanh đề nghị quân đội Việt Nam tiếp tục tấn công quân Pháp đóng ở Lai Châu, và nhanh chóng chiến thắng và kiểm soát Lai Châu, sau đó lại bình tĩnh tiến vào Điện Biên Phủ. Quân đội Việt Nam điều phối tất cả lực lượng tinh nhuệ, kéo pháo lên đỉnh núi, bắn dữ dội vào khu vực lòng chảo của quân Pháp, kiếm soát sân bay, tiêu diệt lính dù đến chi viện, cuối cùng, quân Pháp đã bị đánh bại triệt để và đầu hàng

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồng chí nặc danh bên trên tên thật là Vi Quốc Tầu?
      Đồng chí theo chỉ thị của đồng chí Tập cho cán bộ nhân viên ngoại giao Trung Quốc: phải cho thế giới biết sức mạnh và công lao của Trung Quốc, một cường quốc hàng đầu, trong việc ổn định thế giới.
      Đến chủ tịch Hồ Chí Minh còn phải nhận sai lầm và tuân phục đồng chí Vi Quốc Thanh.
      Ghê thật!

      Xóa