Thơ thì của chồng, nhưng công tổ chức “Ký ức còn mãi” của vợ. Tất nhiên cần ghi nhận Hội Nhà văn TP.HCM, nơi bác Cao đã sống phần lớn cuộc đời hơi ngắn nhưng đầy ý nghĩa, với nhạc trưởng Bích Ngân chủ tịch hội. Chị Ngân đã mở màn với bài tưởng nhớ Đỗ Nam Cao khá xúc động, tôi thấy đôi lần chị ngừng đọc quẹt mắt. Chỉ có yêu thương kính trọng thực lòng mới vậy. Và yếu nhân nữa là nhà báo Nguyễn Thế Khoa sếp tạp chí Văn hiến. Nếu nói người bạn nào gần gũi thân nhất với bác Cao tôi, thì đó là anh Khoa. Cùng học khóa 11 văn Tổng hợp (lâu nay chỉ cần nói ngắn gọn như vậy về khoa Văn của ngôi trường danh tiếng, hầu như ai cũng hiểu), cùng vào chiến trường ngay khi luận văn tốt nghiệp chưa ráo mực, cùng lăn lộn với nhau khắp các chiến trường, từ khu 5 vào tận Tây Nam Bộ, nên họ “con chấy cắn đôi”, chia bùi sẻ ngọt, cả khổ đau và hạnh phúc. Nghe anh Khoa lôi từ ký ức cũ kỹ thời chiến tranh về bạn, ta càng hiểu hơn về con người, sự cống hiến, tài năng, đức độ của Đỗ Nam Cao.
Khi tôi tới đúng giờ (xưa nay luôn đúng giờ, trừ kẹt xe hoặc đi lạc, mà Sài Gòn chỗ nào ngày nào cũng kẹt xe) thì cái hội trường tầm trung vài trăm chỗ của tổng hành dinh Hội Liên hiệp VHNT trên đường Trần Quốc Thảo quận 3 đã chật cứng. Ngang qua sân rượu bất giác nhớ chỗ này chỗ kia Bùi Giáng, Sơn Nam, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Quang Sáng… đã túm tụm ngồi nhâm nhi sự đời. Nhác nhìn thấy nhiều đấng bậc, những bạn bè, đồng nghiệp, đàn anh đàn em với bác Cao đã tụ hội, nữ đạo diễn Xuân Phượng tuổi 94 vẫn tinh anh tươi tắn, những Phạm Quang Nghị, Thanh Thảo, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Đình Toán, Dương Trọng Dật, Lê Xuân Đố, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Thế Khoa, Huỳnh Dũng Nhân, Trịnh Thúy Mùi, Phan Xuân Biên, Thế Hiển, Bùi Anh Tấn…, có những người, thú thực lâu nay tôi không thích bởi họ… làm quan, nhưng hôm nay thấy gần gũi, hình như bác Cao làm sợi dây kết nối, xóa bỏ mọi mặc cảm, “hận thù”. Thi sĩ Đỗ Nam Cao đang trên sân khấu kia, mái tóc bung xõa như mây, nụ cười muôn thuở độ lượng chan chứa yêu thương. Chả ai có thể giận hờn nhau trong cái nhìn ấy. Tôi định nói với nhà văn Bùi Anh Tấn ngồi cạnh, khi bác Phạm Quang Nghị đang nhắc về nụ cười anh Cao, rằng bác Cao tôi, đẹp nhất là nụ cười, nhưng thấy bác Tấn mải chuyện với bạn nên đành ngập ngừng giữ lại.
Hại cụ Thanh Thảo và Nguyễn Thụy Kha làm người nghe nhớ nhất. Cụ Thảo chốt lại Đỗ Nam Cao là thi sĩ toàn tòng, chưa thấy trong làng văn chương nước ta có mấy người thờ đạo thơ sùng tín trang nghiêm đến thế. Cụ Thụy Kha đồng hương Phòng với tôi khẳng định thêm bạn Cao của bác ấy là nhà thơ chân quê hàng bậc nhất, khó kiếm trong làng thơ hiện đại xứ này. Cụ Quang Nghị kể mà như không kể, điều đáng phục đáng nể nhất của bạn Cao là cứ âm thầm phục vụ, lặng lẽ cống hiến, kín đáo làm thơ cho đời cho người, cứ náu mình ẩn mình vào chỗ khiêm tốn thiệt thòi, không bao giờ nhao ra ưỡn ngực kể công này nọ… Mỗi người một chút ký ức về bác Cao, vẽ lại chân dung một con người thật đẹp, tuyệt vời, đúng với người thực mà tôi đã biết. Đỗ Nam Cao cao lừng lững thứ thiệt chứ không phải do nghĩa tử là nghĩa tận, nói tốt về nhau khi đã khuất. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Ảnh: Ông Phạm Quang Nghị, người học khoa sử cùng khóa 11 với thi sĩ Đỗ Nam Cao (khoa văn), cùng khóa 4 trường viết văn, cùng đi B, kể về bạn mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét