Có nhẽ đã lâu lắm, lâu lẩu lầu lâu, tên của Đinh Thế Huynh mới được nhắc lại một cách công khai, chính thức. Mà cũng chưa phải đã cởi mở hết. Trong bản tin gốc TTXVN, chỉ có chữ, hoàn toàn không thấy ảnh Huynh, ảnh về cuộc trao huy hiệu vinh dự, mà lẽ thường thì phải đủ cả. Mặc dù trong tin có câu "Phát biểu tại buổi lễ, bày tỏ sự xúc động đón nhận huy hiệu 50 năm tuổi đảng, đồng chí Đinh Thế Huynh trân trọng cảm ơn đồng chí Trần Cẩm Tú thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư trao tặng phần thưởng cao quý của Đảng...", nghĩa là Huynh vẫn khỏe, chứ không phải dạng như hôm qua, trong thông tin việc Bộ Chính trị kỷ luật mấy tay đại ca của bộ máy, có cả thành viên tứ trụ Vương Đình Huệ bị cảnh cáo, thì phần về Võ Văn Thưởng được ghi rằng "chưa xem xét, xử lý kỷ luật đồng chí Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh". Suốt bao năm, thiên hạ cứ rì rầm nhỏ to chuyện ông Huynh mất chức do bị... bệnh. Bệnh gì thì không ai biết.
Thưởng có bệnh không, cũng không ai biết. Nhớ cách nay chưa lâu, chú em quen bấm tay tôi một nhát rõ đau, thì thầm, anh có biết căn nhà năm bảy tầng bề thế hoành tráng trước mặt kia là của ai không, chiếc xe đen xịn dăm tỉ đậu ngay trên lối người đi bộ kia mà không bị công an thăm hỏi bao giờ là của ai không. Tôi cười, mày hỏi thế quá bằng thách tao thi lấy bằng tiến sĩ. Nó ghé tai, của Võ Văn Thưởng đó, sau khi bị mất chức thì công khai luôn. Chỗ ấy trên đường Trần Đình Xu quận 1. Ai cũng biết, chỉ có tôi và công an không biết. Giờ đương sự lại bị bệnh, đỡ phải bị kỷ luật cùng đom đóm.
Lứa sinh giữa thập niên 50 chúng tôi hầu như đều biết về Đinh Thế Huynh. Có nhiều đứa bạn tôi còn từng quân ngũ với Huynh ở mặt trận Quảng Trị hoặc cùng cơ quan công tác với Huynh (báo Nhân Dân). Bạn tôi, Vũ Trường Thành cùng đơn vị với Huynh hồi ở thành cổ 1972 có lần cười bảo thằng ấy thì tao lạ đéo gì. Thành còn cùng đơn vị với họa sĩ Lê Duy Ứng nổi tiếng.
Nhắc tới thành cổ Quảng Trị 1972 mùa hè đỏ lửa, giới nghệ sĩ có 2 nhân vật nổi danh gắn với nó là bác Lê Duy Ứng họa sĩ và bác phó nháy (chụp ảnh) Đoàn Công Tính. Họ cận kề ranh giới sống chết, để lại cho đời những tác phẩm chân thực.
Hồi lâu rồi, tôi đến chơi nhà Vũ Trường Thành (ở Hải Phòng), ngó thấy trên tường bức tranh sơn dầu rõ to về chiến trường Quảng Trị 1972, góc dưới có chữ ký của Lê Duy Ứng. Thành bảo lão í mới tặng tao, còn tao chỉ trả bằng mỗn tô bánh đa đỏ bà xã nấu. Tôi chả hiểu gì về tranh triếc nhưng cũng ra vẻ tấm tắc, lại còn bảo ông Ứng mà chết, mày cứ đem cái tranh này bán đấu giá, có khi tiền còn nhiều hơn bán căn nhà cấp 4 ni. Thành cười, xưa nay mày đéo nói được câu nào ra hồn nhưng lời vừa rồi thì chính xác.
Giờ thì bạn tôi mất rồi, cũng đã 3 năm, một phần do di chứng của những năm tháng chiến tranh (y là thương binh), bác Ứng thì vẫn thọ, có nhẽ đã U80, còn bức tranh trị giá căn nhà cấp 4 kia tôi cũng không biết số phận nó ra sao bởi vợ chồng bạn tôi đã chuyển nhà, thiên di cư trú mấy lần.
Thời chúng tôi sinh viên, đài báo và sân khấu rất ồn ã về vở kịch "Đôi mắt" của tác giả Vũ Dũng Minh. Nghe đâu ông này là bác sĩ, từng lăn lộn trên chiến trường. Cũng nghe người ta kể, bảo nhau rằng vai chiến sĩ Việt bị mù mắt, được mổ cứu đôi mắt lấy nguyên mẫu từ chiến sĩ Lê Duy Ứng. Ông Ứng bị thương vào mắt, không nhìn thấy gì, nhưng ông đã lấy ngón tay chấm vào máu, sờ soạng vẽ theo trí nhớ trên mảnh vải, được bức chân dung cụ Hồ. Kinh thật. Coi bức tranh có một không hai ấy, thấy cũng giông giống. Có nhẽ thời thập niên 60 hình ảnh ông cụ được treo khắp nơi, từ trong nhà dân ra hội trường ủy ban, cứ ngó mãi, ảnh lặn vào trong óc. Vả lại, vẽ cụ cũng dễ, cứ vầng trán cao, chòm râu thì thể nào chả giống ít nhiều. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét