Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

Ăn theo phó giáo sư Vương

Ăn theo, nói leo: xấu. Vẫn biết vậy. Nhưng trước một người như giáo sư phó Trần Ngọc Vương, tôi không bạch ngay ra thế, thiên hạ sẽ cười chê, bảo thấy người sang bắt quàng làm họ. Mình chưa bao giờ dám ngồi chung chiếu với bạn Vương nên cứ tự nhận rằng ăn theo tí ti cho nó lành.

Bọ Vương vừa thư cho tôi, bảo rằng Thông cào ơi, tao mới đi Harvard về, dự cuộc hội thảo quốc tế về Trần Nhân Tông. Y kể sang đó trình bày tham luận trước các học giả Mỹ và thế giới sừng sỏ nhưng vốn tiếng Anh của y chưa đủ nên cũng phải nhờ phiên dịch. Bên nhà cử hẳn một phiên dịch viên cao cấp cho riêng y. Vương than rằng chỉ riêng điều đó đã thấy quá xấu hổ. Giời ạ, Vương mà còn xấu hổ thì chúng tôi, nhiều đứa trong đám bạn đồng môn của y còn xấu hổ đến cỡ nào. Theo tôi nắm được, y thông thạo tiếng Nga, rành rẽ chữ Hán, xài tốt tiếng Pháp, tiếng Anh cũng không đến nỗi nào. Vậy mà vẫn xấu hổ. Đó là sự tự trọng của kẻ sĩ, trí thức đúng nghĩa. Tôi bảo với Vương, tao thì coi đó (có phiên dịch riêng) là sự đánh giá đúng mức tầm quan trọng của mày trong cái hội thảo khoa học ấy.

Trần Ngọc Vương là một chuyên gia về đức vua-phật hoàng Trần Nhân Tông. Hồi đầu năm ta vừa rồi, y tặng tôi và anh Trần Ngọc Hồng cuốn sách đồ sộ (không biết công trình thứ mấy của y) Thực thể Việt nhìn từ các tọa độ chữ. Sách của Vương không dễ đọc bởi vấn đề gì y cũng đào sâu, khai thác kỹ, tầng tầng lớp lớp nghĩa. Người nào nóng vội, sốt ruột, đọc nhanh đọc lướt là chả nắm được cái gì. Tôi là kẻ mê sách, từng đầu hàng trước một cuốn sách viết về phong thủy, buông xuôi trước cuốn khác là Nam hoa kinh, còn sách kinh dịch tôi biết mình mù tịt nên chả bao giờ dám xớ rớ, chỉ thỉnh thoảng ngó bài dạng phổ cập hóa Kinh dịch của bác Xuân Cang trên báo Lao Động chủ nhật mà cũng u u mơ mơ, thì thôi, không bàn. Cuốn Thực thể Việt... của Vương, đã gần 1 năm tôi chưa đọc xong, nhưng đọc kỹ, hết bài nào giật mình bài ấy. Không ngờ K17 văn Tổng hợp có kẻ bác học như vậy.

Lại nói phó Vương là chuyên gia về Trần Nhân Tông. Điều đó được chứng minh rất rõ trong nhiều bài nghiên cứu, phân tích của Vương về vị vua anh minh này. Điều hay ở chỗ y không chỉ xoáy vào con người, thời đại dĩ vãng mà luôn từ đó liên hệ với thực tại, lấy xưa rọi nay. Nhiều vị cầm quyền hiện nay đọc những điều Vương viết về Trần Nhân Tông sẽ khó chịu, thấy "một lời là một vận vào khó nghe" bởi họ nghĩ tay học giả họ Trần này nó nói móc mình, gián tiếp phê phán mình. Nhưng bậc trượng phu, kẻ anh hùng thực sự thì phải cám ơn tác giả vì rút ra được nhiều thứ bổ ích, cần thiết từ những điều y viết để soi rọi cho cuộc lãnh đạo của mình.

Gần 1 năm trước, nhớ hôm đó nhằm 18 tháng giêng, trên đường từ Hải Phòng về Hà Nội, Vương rủ tôi và anh Bùi Trọng Cường rẽ vào làng gốm Bát Tràng. Trời tối, ba anh em bắt taxi nhập làng. Vương bảo đêm nay ở đó diễn ra lễ hô thần nhập tượng cho bức tượng đức vua-phật hoàng Trần Nhân Tông. Lễ do Nguyễn Anh Tuấn phối hợp với nhà chùa tổ chức, Vương sẽ là diễn giả chính. Tôi thắc mắc sao chả thấy y chuẩn bị giấy tờ, đít-cua gì. Vường cười, chỉ vào cái đầu, ý chừng tất cả nằm trong đó rồi. Khiếp thật. Nhưng y lại bảo Tuấn mới giỏi, làm tuyền chuyện lớn, mà cái nào ra cái ấy. Y cho biết Nguyễn Anh Tuấn đang chuẩn bị dự án lập Viện Trần Nhân Tông, không phải ở Việt Nam đâu, tận Hoa Kỳ cơ, đặt tại Harvard mới kinh, chiêu mộ tinh những cây đa cây đề học thuật thế giới. Tôi và anh Cường nghe chỉ biết bái phục. Một vài tháng sau thì Viện Trần Nhân Tông ra đời, và tháng 9 vừa qua đã trao giải thưởng Trần Nhân Tông hòa giải-hòa hợp đầu tiên cho Tổng thống Thein Sein xứ Myanmar. Tôi thầm nghĩ rằng những người như Tuấn như Vương nước mình bây giờ hơi bị hiếm. Hôm qua coi tivi nghe Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị trung ương 6 nhắc lại lời răn dạy của tiền nhân "hiền tài là nguyên khí của quốc gia", mình chợt nghĩ nguyên khí lúc này hơi ít mà vẫn chưa được coi trọng lắm. Cứ xem cuộc đời Nguyễn Anh Tuấn và Trần Ngọc Vương thì chứng minh được phần nào.
Kể thêm một tí. Chờ mãi đến hơn 1 giờ đêm mà vẫn chưa diễn ra lễ hô thần nhập tượng, tôi và anh Cường bảo với Vương chúng tao buồn ngủ lắm, về trước nhé. Vương nói phải đợi giờ thiêng, "nếu chờ được thì tốt", rồi chốc nữa có xe của Tuấn đưa về. Hai anh em chúng tôi người trần mắt thịt, nào có hiểu sự cao siêu của phật pháp, cứ nằng nặc bái bai. Nửa đêm, đi bộ gần hai cây số vòng vèo trong làng, dưới mưa xuân dày đặc, mãi lâu thật lâu mới bắt được taxi. Chân cẳng mỏi rã rời. Lúc ấy mới hiểu tại sao Vương bảo rằng chờ được thì tốt. Hóa ra mình vẫn thiếu sự kính trọng, niềm tin vào sự thiêng liêng cao cả nên bị phạt là phải. Thế vẫn còn nhẹ.

Mấy hôm trước tôi đã đọc được bài tham luận của Vương trên mục Tuần Việt Nam (báo điện tử Vietnamnet). Vương bảo bản đó đã bị biên tập, ngay đoạn mở đầu đã bị xén mất một nửa, tao sẽ gửi cho mày bản đầy đủ. Nói là làm, y gửi sau đó nửa tiếng. Đây là tham luận mở màn (opening) cho cuộc hội thảo đầu tiên về Trần Nhân Tông do Trần Nhân Tông Academy tổ chức tại Harvard University tháng 9.2012. Tôi đã xin phép Vương đưa toàn văn bản tham luận này lên blog nhà để hầu những ai quan tâm, và nhất là các bạn đồng môn K17.

Bài khá dài, nhưng rất hay, chúng ta cứ chậm rãi đọc và nghiền ngẫm. Đừng vội vàng các bạn ạ.

2.10.2012
Nguyễn Thông



Trần Nhân Tông - những số thành lịch sử và những thông điệp gửi cho hậu thế
 TRẦN NGỌC VƯƠNG
            Đối với đại đa số người Việt Nam qua các thời đại từ đầu thế kỷ XIV tới nay, Trần Nhân Tông (1258 - 1308) là một cái “tên thiêng”, bao gồm nhiều kết tinh trên nhiều phương diện. Tuy phần lớn những sự đánh giá về Ngài đều được đưa ra và bảo lưu lại qua những tài liệu, thư tịch quan trọng hàng đầu, chủ yếu được viết nên sau khi Ngài đã viên tịch, theo một quán tính ứng xử văn hóa thuộc truyền thống khu vực là “cái quan định luận”, nhưng cũng trên thực tế, hầu như mọi ghi chép của người đương thời về Ngài mà cho tới nay vẫn còn lưu lại được, kể cả những ghi chép và ý kiến của những người từng là đối thủ, cũng đều đã toát lên một tinh thần chủ đạo, đó là sự tôn trọng, mến mộ hay khâm phục không giấu diếm hướng tới nhân vật lịch sử đặc biệt này.

            Nhưng đã hơn bảy trăm năm qua, kể từ thời điểm kết thúc thắng lợi rực rỡ cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông lần thứ ba, người Việt vẫn phải tiếp tục và cơ hồ dai dẳng như định mệnh, gồng mình lên chiến đấu với hết loại kẻ thù này đến loại kẻ thù khác. Ở cái xứ sở, nói theo cách của một nhà thơ, “chiến tranh như gió mùa thổi quằn quại tháng năm” như Việt Nam trong cả một lịch sử dằng dặc chưa xa, thì từ giới cầm quyền - vừa cai trị vừa lãnh đạo cộng đồng quốc gia - dân tộc – cho tới những tầng lớp bị trị thấp nhất, việc phải trả lời cho câu hỏi kiểu Hăm let “Tồn tại hay không tồn tại” cơ hồ thu gom và tiêu tán mất phần lớn năng lực sinh tồn. Một truyền thống nghiệt ngã như vậy khiến cho việc nhận thức toàn diện về các nhân vật lịch sử có tầm vóc kỳ lạ và cấu trúc nhân cách vừa phức tạp vừa tinh tế cỡ Trần Nhân Tông trở nên là một công việc cứ rơi vào tình cảnh “quy hoạch treo” cơ hồ đến vô thời hạn!

            Nhưng nhu cầu sống xứng đáng và sống có hạnh phúc, nhất là hạnh phúc được thụ hưởng những giá trị tinh thần trước hết của chính tổ tiên ông cha mình để lại đã khiến cho những người trí thức lao động trong quỹ đạo các khoa học lịch sử phải nỗ lực “rũ bụi gia phả”. Cho đến thời điểm hiện nay, có thể khẳng định rằng cuộc đời và sự nghiệp của Trần Nhân Tông đang từng bước được soi chiếu bởi một đội ngũ những người có chuyên môn. “Của báu trong nhà” (gia trung hữu bảo) đang dần phát lộ ánh sáng vượt ra xa ngoài đường biên giới quốc gia, để đến với cộng đồng khu vực, và xa hơn, cộng đồng nhân loại.

            Hôm nay, đứng ở vị trí cách tổ quốc mình đúng nửa vòng trái đất, tôi vô cùng xúc động và hân hạnh được là một trong những đại diện của giới khoa học Việt Nam, một cá thể trong cộng đồng những người tự hào rằng mình là kẻ mang dòng máu Việt trong huyết quản, với niềm hy vọng góp thêm một tiếng nói, bổ sung thêm một vài gam màu, khắc họa rõ hơn nữa chân dung của một trong những vĩ nhân, với niềm tin chắc rằng đó không chỉ là vĩ nhân của riêng cộng đồng người Việt Nam chúng tôi, mà cũng là của loài người, của thế giới rộng lớn.

            Nhận thức rằng đây là Hội thảo khoa học đầu tiên mang tầm quốc tế về Trần Nhân Tông, diễn giả không dám dài lời, xin được trình bày trong bản báo cáo này, theo lối liệt kê – thống kê thực chứng, những gì đích thực mà Trần Nhân Tông đã làm nên và để lại, trước hết như là những di sản mang giá trị lịch sử, sau là như những thông điệp, những ẩn ngữ của một thiện nghiệp, cho loài người cả hôm nay và mai sau.

I. Những công tích và giá trị mang tính lịch sử:
I.1. Một mẫu người cầm quyền lý tưởng hãy còn là hiếm hoi trong lịch sử hiện thực

Là con trưởng của vị vua thứ hai vương triều Trần (Thánh Tông), theo vương chế thời bấy giờ, Hoàng Thái Tử Trần Khâm mặc nhiên sẽ là người kế thừa vương vị.

Những tranh chấp về ngôi vị này trên thực tế từng diễn ra quyết liệt vào mấy thập kỷ đầu tiên của vương triều Trần. Như điều từng được biết tới một cách rộng rãi, người lập nên vương triều Trần đích thực lại không phải là người đảm trách lấy sứ mệnh của một Hoàng đế sáng nghiệp. Với hàng loạt những thủ đoạn, âm mưu và hành vi chính trị phức tạp nhưng đều mang tính hướng đích quyết liệt, Trần Thủ Độ dù sao cũng đáng được ghi nhận là một trong những nhà đảo chính cung đình hiếm hoi trong lịch sử đã hoàn tất đại sự của mình với ít biến cố gây đảo lộn xã hội nhất và ít đổ máu nhất.Đặt người cháu họ mới 8 tuổi lên ngai vàng, đương nhiên Trần Thủ Độ (1194 -1264) phải nắm lấy vị trí Thái sư phụ chính, thực hiện vai trò người cầm quyền tối cao trên thực tế. Sau trên dưới bốn chục năm giữ đại quyền, trong đó có tới hơn hai chục năm nhiếp chính, Trần Thủ Độ đã góp công cực lớn vào việc ổn định “trật tự nội bộ Hoàng gia”. Những biến cố lộn xộn tai tiếng nhất liên quan tới việc tranh giành quyền lực tối cao cơ hồ đều liên quan tới An Sinh Vương Trần Liễu và về cơ bản cục diện đã ngã ngũ theo hướng ổn định sau khi ông này mất (1251).Tâm ý và lối hành xử của Trần Quốc Tuấn, người con trai lẫy lừng của người từng nhăm nhe ngôi báu ấy vào những năm tháng tiếp theo đã góp phần quyết định loại bỏ sự tranh chấp âm ỉ ngôi vua giữa các cá nhân và các chi trong nội bộ hoàng tộc. 
 
Ngôi vua đến thời điểm Trần Khâm làm Hoàng thái tử vậy là không còn bị tranh giành, nhưng bản thân người được mặc định  nắm giữ ngôi vị đó thì lại từng có thời gian khá dài không muốn giữ nó. Cả chính sử lẫn các thư tịch bổ sung khác ( đặc biệt là Thánh đăng ngữ lục) đều thuật rằng  ngài từng muốn nhường ngôi cho em trai là Đức Việp, chỉ đến lúc vua cha khóc mà yêu cầu thì ngài mới nguôi ý định ấy. Ngài cũng từng lặp lại hành vi của ông nội mình, tức Trần Thái Tông, nửa đêm bỏ Hoàng thành tìm lên Yên Tử, một địa chỉ tu hành Phật giáo nổi tiếng, nơi mà về sau, khi gắn với tên tuổi của Điều Ngự Giác Hoàng Trúc Lâm đệ nhất tổ thì trở thành thánh địa!

Miễn cưỡng nhận ngôi vị mà trong mắt hết thảy người đời là tột bậc cao sang, còn trong nhận thức của người am tường chính sự cũng như theo lý luận của các học thuyết - hệ tư tưởng lưu hành lúc bấy giờ (chủ yếu là theo lý luận Nho gia và Pháp gia) thì là vị trí đòi hỏi người đảm trách cực kỳ nhiều phẩm chất, Trần Nhân Tông đã hoàn thành sứ mệnh ấy theo cách không thể xuất sắc hơn. Có thể khẳng định mà không sợ sai lầm rằng trong lịch sử các triều đại ở Việt Nam nói riêng và cả khu vực Đông Á nói chung (dĩ nhiên bao gồm cả lịch sử Trung Quốc) hiếm có một vị vua nào thực hiện bổn phận này một cách hiển hách và hoàn hảo đến vậy.

Bổn phận đầu tiên của người làm vua là bảo vệ cho được sự toàn vẹn của quốc gia, cả về chủ quyền và lãnh thổ, bảo vệ che chở được cho mọi thành viên của cộng đồng. Đối kháng thành công với mọi thế lực ngoại xâm, người làm vua mới có thể bảo vệ lợi ích riêng của vương triều một cách hữu hiệu. Không thể có một lôgic nghịch đảo: khi chủ quyền quốc gia bị triệt bỏ, lãnh thổ quốc gia bị thôn tính, thần dân của một vương triều phải quàng thêm lên vai một ách nô lệ nữa, thì không bao giờ lợi ích của triều đại đang thống trị lại có thể còn “nguyên vẹn” hay về cơ bản vẫn được bảo toàn.Tuy nhiên, cái bài học vỡ lòng, sơ đẳng ấy về chính trị lại rất thường bị giới cầm quyền ở các chính thể yếu kém học mãi mà không thuộc!

Vào thế kỷ XIII - nửa đầu thế kỷ XIV, như mọi sử gia đều am tường, quân Mông Cổ là đội quân xâm lược hùng mạnh nhất thế giới, đế chế Nguyên – Mông là đế chế rộng lớn nhất trong lịch sử nhân loại từ trước cho tới tận lúc bấy giờ, trải ra trên cả hai châu lục (Á - Âu). Vó ngựa xâm lăng của đội quân này còn sang đến tận châu Phi. Và như đã biết, chỉ ở nước Đại Việt, đội quân được coi là bách chiến bách thắng này mới phải gánh chịu thất bại. Không phải một lần, hai lần, mà là ba lần, cuộc chiến sau dữ dội hơn cuộc chiến trước, thất bại sau nặng nề hơn thất bại trước. Trần Nhân Tông làm vua được 7 năm thì xảy ra cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai, được 10 năm thì phải tiến hành cuộc chiến thứ ba. Dù rằng trong cả hai cuộc kháng chiến này, cạnh vua còn có Thượng hoàng ( Trần Thánh Tông mất năm 1290), nhưng cả về danh chính ngôn thuận cả trên thực tế phản ánh qua chính sử, Trần Nhân Tông thực sự là vị quốc chủ toàn quyền đưa ra những quyết định tối hậu. Chỉ cần nhìn vào cách xử lý mức khen thưởng đối với Đỗ Hành, người “chỉ được phong Quan nội hầu” trong khi về công trạng, đáng “được ban quốc tính” và chức vụ cao hơn, vì “khi bắt được Ô Mã Nhi không dâng lên Quan gia (tức vua) lại dâng lên Thượng hoàng” thì đủ rõ.

Như đã nói, thách thức mang tính sinh tử đối với bất cứ một nguyên thủ quốc gia nào ở mọi thời và mọi xứ sở là nạn ngoại xâm. Những quyết sách chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự và cả văn hóa nữa trong trường hợp đang diễn ra sự đối đầu thực sự giữa hai thế lực quyền lực bao giờ cũng đòi hỏi sự xác đáng và tinh tế cao độ. Từ xa xưa trong lịch sử, người Việt đã phải chịu đựng trạng thái mất cân bằng truyền kiếp trong quan hệ với các thực thể quyền lực được tạo dựng nên trên lãnh thổ của quốc gia phương Bắc, không kể đó là thực thể quyền lực gốc Hán hay thực thể quyền lực có nguồn gốc ngoại lai. Vào thời chưa tồn tại cái gọi là công pháp quốc tế, quy luật cạnh tranh sinh tồn vẫn là quy luật chủ yếu chi phối mối quan hệ giữa các thực thể quyền lực, việc giữ gìn độc lập thực thụ cho quốc gia trở nên là tiêu chuẩn đầu tiên xác định tính “chân chính” của bất cứ một vương triều nào ở Việt Nam. Tuy về mặt lý thuyết, Nho giáo có nêu lên làm chuẩn mực mối quan hệ giữa nước lớn và nước nhỏ là nước nhỏ phải biết kính sợ và tôn thờ, phục tùng nước lớn, còn nước lớn phải thương yêu, che chở nước nhỏ, nhưng phạm vi áp dụng thứ lý thuyết dường như ít nhiều “nhân bản” ấy chỉ giới hạn trong vùng văn hóa, khu vực địa chính trị Đông Á truyền thống, nơi chỉ có một nước tự nhận và trong ứng xử công khai cũng được các nước xung quanh coi là nước lớn, là triều đình duy nhất được mệnh danh là Thiên triều, cho nên lý thuyết ấy khi triển khai trong những mối quan hệ lịch sử hiện thực, thì hầu như bao giờ cũng mất gần hết ý nghĩa văn hóa chính trị, chỉ trơ lại cái lõi “tự nhiên” là “trì cường lăng nhược” (lấy mạnh hiếp yếu). Đối phó có hiệu quả với thế lực ngoại xâm từ phương Bắc từ hàng ngàn năm trước đã luôn luôn là sứ mệnh khó khăn bậc nhất của giới lãnh đạo quốc gia. Do vậy mà với ba lần đánh tan quân xâm lược Nguyên – Mông, vương triều Trần trở nên là niềm tự hào vĩnh viễn của mọi người dân Đại Việt, đặc biệt hai vị vua cha - vua con (Trần Thánh Tông - Trần Nhân Tông) hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh là anh hùng dân tộc.

Nguyên thủ của quốc gia nào dĩ nhiên cũng phải hành động trước hết vì lợi ích của quốc gia ấy. Nhà cầm quyền thực tế ở bất cứ thời đại nào, xứ sở nào cũng không thể là các nhà đạo đức thuần khiết, nhà nhân đạo chủ nghĩa “toàn tòng”, tuân thủ nghiêm nhặt những chuẩn mực trừu tượng, lý tưởng nhưng cũng siêu hình, phi thực tế. Những chủ trương và hành động thực tế của Trần Nhân Tông với tư cách là bậc quốc chủ trong mối quan hệ với các láng giềng kể cả với nhà Tống, nhà Nguyên được khai triển với rất nhiều dạng thức phong phú, nhưng điều đặc biệt cần nhấn mạnh ở đây là tất cả đều toát lên khát vọng hòa bình, hay chí ít, trong những trường hợp bất khả kháng, là ít tốn xương máu nhất, ít tổn thất sinh mạng nhất, về cả mọi phía. Cuộc hôn nhân chính trị mà ngài chủ động và kiên trì xúc tiến giữa công chúa Huyền Trân và vua Chiêm Thành Chế Mân dĩ nhiên có mục đích mở rộng cương vực của vương triều, nhưng nói theo ngôn ngữ ngày nay, là phát huy tối đa sức mạnh của “quyền lực mềm”, đưa lại lợi ích quốc gia theo một cách thức hòa bình nhất có thể.

Sau ba lần chống ngoại xâm đối đầu với cùng một kẻ thù, và đó vẫn là một kẻ thù mạnh sau cả ba lần thua, giới cầm quyền ở Đại Việt mà đứng đầu là Trần Nhân Tông càng ngày càng ý thức sâu sắc hơn nhiệm vụ làm gia tăng sức mạnh quốc gia trong thời bình, vừa để mang lại hạnh phúc và sự thịnh vượng cho cộng đồng, vừa coi đó là biện pháp quốc phòng ít tốn kém nhất. Làm thế nào để vẫn bảo đảm được lợi ích mang tính đặc quyền tối thiểu của Hoàng tộc và giới quý tộc, nhưng vẫn phải làm cho đông đảo cư dân – thần dân cảm nhận rằng mình đang được sống trong cảnh “thái bình thịnh trị”, nói cách khác, điều hòa được mối quan hệ giữa các nhóm lợi ích trên thực tế là khác biệt và vẫn trên đà nới rộng sự khác biệt, đó là một công việc không dễ dàng đối với người cầm quyền, nhất là ở vị trí quyền lực tối cao, ở vị trí quốc chủ.

Với gần ba thập kỷ làm vua rồi làm Thượng hoàng (kể cả lúc đã xuất gia thì vẫn không thôi là Thượng hoàng), nhìn lại tất cả những gì Trần Nhân Tông đã hiện thực hóa được trong cả hai ngả nội trị và ngoại giao, có thể khẳng định một lần nữa rằng Ngài là vị quốc chủ sáng giá, lỗi lạc nhất trong lịch sử quốc gia - dân tộc Việt. Theo cảm nhận của người viết bài, càng ngày càng đông đảo người Việt hoặc gốc Việt đồng tình với nhận định này.

I.2. Một trí giả anh minh, một nhà văn hóa kiệt xuất

Trong lịch sử Việt Nam từ sau thời điểm phục hưng được chủ quyền quốc gia (939), hiện tượng những người có thân phận ra đời trong hoàng gia, được quyền kế thừa ngôi vua hoặc ít nhiều có cơ hội để tranh đoạt ngôi vị đó nhưng lại thờ ơ với nó trên thực tế không phải là hiếm. Cả khi đã đăng cơ, một vài trong số họ vẫn nuôi giữ ý định rời bỏ ngôi vị. Có thể kể một số trường hợp tiêu biểu, chẳng hạn như cháu đích tôn của Ngô vương Quyền là Ngô Xương Tỷ, xuất gia tu hành ngay từ thời ông nội còn tại vị, về sau là vị Quốc sư của cả nhà Đinh và nhà Tiền Lê: Khuông Việt Đại sư Ngô Chân Lưu; Lý Nhân Tông từng hờ hững với ngôi vua để đến nỗi xảy ra vụ kỳ án Lê Văn Thịnh; Trần Thái Tông từng bỏ ngôi vua trốn triều đình lên Yên Yử quyết chí tu hành với câu nói nổi tiếng “Ta đã trút bỏ ngôi vua như trút bỏ đôi giày rách” tuy rồi lại không từ bỏ được…Sử gia nhà nho các đời sau khi chép sử triều Trần đều chung hàm ý đánh giá, rằng nhà Trần “về khoan hậu thì có thừa mà về nghiêm trọng (nghiêm khắc, trang trọng) thì không đủ”. Đương nhiên, khuynh hướng vận động chung của hệ tư tưởng xuyên suốt từ Ngô, Đinh cho tới tận triều Nguyễn vẫn là càng ngày càng thần thánh hóa, tuyệt đối hóa ngôi vua, vì thế mà nhìn chung, lịch sử càng nối dài thì sự chồng tầng theo hình kim tự tháp của kết cấu xã hội càng trở nên nặng nề, và khát vọng vươn lên địa vị tột đỉnh ở mỗi cá thể, vì thế cũng ngày càng mãnh liệt. Nhưng cuộc đời và hành trạng của Trần Nhân Tông trong thực tế lại đặt ra một số vấn đề theo một đường hướng khác. Để hiểu Ngài, hẳn rằng phải trả lời một câu hỏi đặc biệt: rằng khi ai đó đã có địa vị (thậm chí từ thuở lọt lòng) là “bề trên tự nhiên”, một vị trí độc đắc, tối thượng mà bối cảnh lịch sử - cụ thể không làm xuất hiện đối thủ tranh giành, rồi người đó lại được hưởng thụ một nền giáo dục hoàn hảo bậc nhất của thời đại mình, tự giáo dục một cách ráo riết với một tư chất bẩm sinh là phi phàm, thì rốt cuộc, người ấy có thể muốn gì và có thể làm gì với đời sống và sinh mệnh của chính mình, theo yêu cầu tối ưu hóa tồn tại?

Triết lý sống xuất hiện từ xa xưa trong nền văn hóa Trung Hoa rồi phổ cập ra toàn vùng Đông Á về mục tiêu rốt ráo của đời người là làm sao để “dự” được vào một trong ba vị trí: lập đức, lập công hay lập ngôn, gọi là “tam bất hủ”. Mẫu người cầm quyền lý tưởng theo Nho giáo là thánh vương, trên thực tế lịch sử là hiền nhân lập đức. Thánh hiền Nho gia nói chung chính là mẫu người lập đức, kết hợp nhiều ít với tiêu chí lập ngôn.Nhưng thánh hiền Nho gia không ai thực sự lập được “đại công”, hiểu theo nghĩa có một sự nghiệp chính trị nổi bật lúc sinh thời. Pháp gia không đưa ra hình mẫu mang tính lý tưởng thực thụ, vì đó là một học thuyết cai trị theo tinh thần duy lợi, thực dụng nhưng tìm ra từ các công trình mang tính lý thuyết cơ bản của các nhà tư tưởng thuộc phái này, thì mẫu người cầm quyền đáng được đề cao nhất chính là mẫu người cầm quyền có đại công. Trong lịch sử chính trị của Trung Quốc, một lịch sử chính trị có thực chất “nội Pháp ngoại Nho”, “thập đại đế vương” chính là những Hoàng đế được ghi nhận trên đường hướng này. Không ai trong số các đế vương nhờ lập ngôn mà trở nên hiển hách trong lịch sử. Phần lớn các “đại đế vương” Trung Hoa có khuyết tật trong nhân cách.

Với tất cả những dữ kiện lịch sử khả tín còn lại đến nay mà mình có thể biết, với tư cách nhà khoa học, cá nhân tôi không tìm thấy những bằng chứng để nhận xét rằng Trần Nhân Tông có thể có những tỳ vết nào đó về phương diện đức hạnh! Sử thần Nho gia về sau từng đưa ra lời đại nghị, rằng Ngài “bẩm được tinh anh thánh nhân, thần khí tươi sáng, thể chất hoàn hảo”. Dường như “luật thừa trừ” (“bỉ sắc tư phong” – được cái này thì mất cái kia) đã lảng tránh Ngài, không đụng chạm tới Ngài!

Kinh nghiệm cho thấy, để hiểu một nhân vật lịch sử ở những tầng sâu kín nhất của họ, thường cần phải xâm nhập vào những trước tác hay những di ngôn, di chúc mà họ để lại. Chả thế mà S. Freud cùng các đồ đệ đã nhất trí cho rằng nghệ thuật và những giấc mơ cung cấp cho ta hình ảnh thăng hoa của những gì các “đương sự” không hoặc chưa thể thực hiện trong đời thực. Vô số khát vọng của con người, của cả các vĩ nhân, quằn quại, giãy dụa roi rói trong các con chữ, mặc cho thể xác họ đã từ lâu tuần hoàn trong hoàn vũ. Nhưng đọc hết những trước tác mà Trần Nhân Tông để lại, lại cơ hồ không tìm thấy dấu vết của những “mộng ước chưa thành” ấy. Chỉ có thể cho rằng, Ngài đã sống một cuộc đời không còn gì đáng để có thể ước mơ cao hơn, xa hơn!

Nhận chân về tính hữu hạn của đời người trên tất cả mọi bình diện, đó không phải là một phát hiện gì mới mẻ, nhất là ở các bậc được coi là đại trí xưa nay. Nhưng kể cả các bậc đại trí cũng chỉ thường nhận ra những giới hạn sau những thể nghiệm thất bại, và cũng thường phải đợi tới độ tuổi “sang nửa bên kia” của đời người. Vào một ngày “Xuân muộn” (Xuân vãn), Trần Nhân Tông cũng thể nhận điều đó:

                        Niên thiếu hà tằng liễu sắc không
                        Nhất xuân tâm tại bách hoa trung
                        Như kim kham phá Đông hoàng diện
                        Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng

                        Tuổi trẻ chưa từng hiểu thế nào là “sắc”, “không”
                        Mỗi độ xuân về lòng để giữa trăm hoa
                        Nay khi đã khám phá ra khuôn mặt chúa xuân
                        Thì ngồi thiền trên tấm bồ đoàn nhìn hồng rụng.

Nhưng dường như sự thể nhận này ở Trần Nhân Tông không xuất lộ bởi những trải nghiệm đắng cay nào đó trong đời sống của chủ thể, và cũng chỉ vào thời khắc “muộn của mùa Xuân” chứ không là “buồn tàn thu” hay “sầu đông” ảo não. Tính chất an nhiên lộ rõ trong từng chữ.

Những bậc thánh triết Đông phương thường thường chỉ bàn về mọi lẽ một khi đã “liễu sinh tử”, tức đã thông hiểu tận cùng “căn nguyên và cơ cấu của sự sống và sự chết”. Làm chủ được “lẽ tử sinh”, với cơ hồ tất cả họ, mới xác lập được tiên đề cho việc luận đàm về mọi điều còn lại. Không chỉ Phật giáo, mà các học thuyết hay tôn giáo khác trong toàn khu vực cũng khá đồng quy trong tinh thần đó. Đứng trên lằn ranh giới của cuộc sinh tồn, chính là xác lập một tọa độ lý tưởng để có thể “quán chiếu” rốt ráo đối với mọi “ỉ eo đời thường” khác.

Nhậm ngôi cao, lập công lớn, sớm thành bậc thượng trí minh triết, Trần Nhân Tông kịp dành phần lớn cuộc đời mình để phụng sự cho cộng đồng. Khác với rất nhiều những triết nhân một khi đã tự cho mình là đấng toàn tri (omniscience) thì cũng bị ám ảnh bởi một thứ chủ nghĩa bi quan triết học, Trần Nhân Tông truyền cho đời sống một cảm xúc chí ít phải được đánh giá là lạc quan, nếu không cho rằng đó là một thái độ “ngày hằng sống, ngày hằng vui”.Tinh thần “hòa quang đồng trần”, “cư trần lạc đạo”, “tam giáo tịnh hành” … nhờ thế trở thành “phong cách sống” của rất nhiều nhân vật văn hóa - lịch sử của thời đại. Dưới triều đại của Ngài, từ quý tộc, văn nhân, võ tướng, nhân gian bách tính cho đến những người thân phận thấp kém như hoạn quan, gia nô, nô tỳ, cho cả đến tù binh, tù nhân, những nhóm dân cư do hoàn cảnh cụ thể lâm vào tình thế tha phương cầu thực hay bị hạn chế tự do, đều nhất loạt trở nên “dễ sống” hơn, vui sống hơn. Cá nhân Trần Nhân Tông, trong khi vừa tiếp tục thực thi những bổn phận “thế tục”, “hàng ngày” của mình, vừa làm nhà cầm quyền tối cao, vừa làm nhà ngoại giao kỳ đặc (cả trong những tình huống ứng xử đối nội lẫn đối ngoại), làm vị tướng song toàn, làm con hiếu thuận, làm cha nghiêm từ, làm em, làm anh độ lượng.., lại còn vừa lo nghĩ, tính toán nhiều đại sự cho nhiều thế hệ tiếp theo.

Chỉ với những gì thư tịch còn sót lại đến nay, có thể khẳng định Trần Nhân Tông là một tác giả văn chương vừa tinh tế vừa đa phong cách. Một trong những đóng góp đặc biệt của Trần Nhân Tông với tư cách tác giả văn học thể hiện ở chỗ Ngài chính là tác giả quan trọng đầu tiên còn để lại những tác phẩm lớn bằng chữ Nôm (với hai tác phẩm Cư trần lạc đạo phúĐắc thú lâm tuyền thành đạo ca), góp phần quan trọng kiến tạo nên bộ phận văn học viết bằng ngôn ngữ ghi lại tiếng nói của dân tộc.

Như nhiều học giả đã khẳng định, Thiền phái Trúc Lâm do Ngài sáng lập và trở thành Trúc Lâm đệ nhất tổ vừa kế thừa được tinh hoa của Thiền Tông nói chung, vừa kết tinh những thành tựu tu tập và quán tưởng của các hành giả bản địa, để trở thành một Thiền phái mang đậm sắc thái dân tộc mà đặc điểm hàng đầu là tinh thần nhập thế lạc quan, lại cũng vừa là nơi thể nghiệm sự kết hợp, dung hòa thêm các thành tố có nguồn gốc tôn giáo, tín ngưỡng hay học thuyết khác. Tinh thần “dung tam tế” của các bậc quốc sư từ nhiều triều đại trước đến đây mở rộng hết tầm vóc. Một trong những chứng tích có ý nghĩa nhiều mặt được truyền thông rộng rãi gần đây chính là việc đấu giá phiên bản của bức họa Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ mà bản gốc được coi là quốc bảo đang được bảo vệ và lưu trữ ở Trung Quốc.

II. Những thông điệp hướng tới tương lai
II.1. Thông điệp từ một vị quốc chủ: có thể bảo vệ độc lập cho một quốc gia, mưu cầu hạnh phúc cho một cộng đồng, vượt qua mọi hiểm họa khi tạo được một cộng đồng đoàn kết nhất trí

            Nước Đại Việt nửa sau thế kỷ XIII dưới sự trị vì của Trần Nhân Tông không phải là một quốc gia lớn xét trên hầu hết mọi tiêu chí. Kể từ thời điểm phục hồi độc lập thoát khỏi ách đô hộ phương Bắc, sau triều Lý, nhà Trần mới là vương triều thứ hai có thời gian tồn tại có thể đo bằng đơn vị thế kỷ. Chứng kiến thực tế đội quân Nguyên – Mông tiêu diệt nhà Tống, xóa sổ nhà nước Đại Lý nhập toàn bộ vùng Vân Nam vào lãnh thổ đế chế Nguyên (điều mà hàng nghìn năm các đế chế trên đất Trung Quốc, kể cả nhà Đường, không thể làm được!), rồi qua việc trao đổi các sứ đoàn, qua sự khoe khoang của các đại diện nhà Nguyên, chắc chắn vua tôi nhà Trần nắm bắt khá chính xác tiềm năng mọi mặt của thế lực xâm lược mới này. Các bộ quốc sử của Trung Quốc lẫn Việt Nam viết về giai đoạn này cung cấp vô số tư liệu cho phép người ngày nay còn có thể hình dung về một sức mạnh dường như “siêu nhiên” của cái đội quân đã từng làm mưa làm gió trên khắp hai lục địa Á – Âu đó.

            Lẽ thường, đối diện với một kẻ thù mạnh, trong hàng ngũ tầng lớp cầm quyền của quốc gia bị đe dọa xâm lược không sớm thì muộn, không nhiều thì ít sẽ xuất hiện một bộ phận hèn nhát, chỉ nhăm nhe bảo vệ lợi ích cục bộ của gia đình riêng hoặc tính mạng, tài sản cá nhân của mình. Vương triều Trần cũng không là ngoại lệ. Ngay từ cuộc xâm lăng đầu tiên của quân Nguyên – Mông đầu năm 1258, trong vương thất cũng đã xuất hiện những kẻ bạc nhược như vậy. Tới cuộc xâm lăng thứ hai của quân Nguyên năm 1285, rồi lần thứ ba ngay vài năm sau, với quyết tâm vừa báo thù rửa hận lần thất bại trước, vừa kiên quyết xóa sổ nhà nước Đại Việt, thì cái bộ phận tham sinh úy tử, quay lưng ngoảnh mặt với vận mệnh quốc gia còn tăng lên nhiều hơn.

            Vậy nhưng, hơn hẳn mọi vương triều trước đây trong lịch sử, bộ phận lãnh đạo tối cao của quốc gia mà đặc biệt là vào thời điểm Trần Nhân Tông làm vua đã vừa bày tỏ những phẩm hạnh và tinh thần trách nhiệm cá nhân theo những cách thức mạnh mẽ nhất, hào hùng nhất, lại vừa biết cách tập hợp ý chí, khát vọng và động viên sức người, sức của của mọi thành viên cộng đồng cũng theo một cách thức vừa mềm dẻo, vừa kiên quyết lại vừa cận nhân tình nhất có thể. Nếu trong lần xâm lược đầu tiên của quân Nguyên – Mông người đọc sử ngày nay nhớ mãi lời đáp khảng khái của Thái sư Trần Thủ Độ “ Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo” đè bẹp ấn tượng bi hài mà Thái úy Trần Nhật Hiệu vừa mới “trình diễn” một cách ê chề trước đó[1],  thì 27 năm sau, trong lần xâm lăng thứ hai của quân Nguyên, khi mà nhà Tống đã hoàn toàn bị tiêu diệt, đế chế Nguyên Mông đã ổn định về cơ bản, hàng loạt hoạt động nhằm cố kết nhân tâm, huy động tối đa sức người sức của của toàn thể cộng đồng lẫn nhưng biện pháp tuyên truyền khích lệ tinh thần hướng tới mọi tầng lớp cư dân đã được thực thi một cách đồng bộ và triệt để. Hội quân chư hầu bến Bình Than, Hội nghị bô lão điện Diên Hồng, hàng chữ Sát Thát trên cánh tay quân sĩ, tiếng thét kiêu hùng của Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng khi sa vào tay giặc, cho tới việc xuất hiện của vị anh hùng thiếu niên Trần Quốc Toản, người anh hùng xuất thân thôn dã Phạm Ngũ Lão, những lối ứng xử “đẹp hơn cổ tích” của những người vốn mang thân phận gia nô như Yết Kiêu, Dã Tượng, Nguyễn Địa Lô…và nhiều nữa những người, những việc đã làm nên vẻ đẹp đầy sắc thái huyền thoại của một thời kiêu hùng trong lịch sử quốc gia - dân tộc.

             Vẫn biết rằng, trong những cơn quốc nạn như thế, lũ người như Trần Ích Tắc, Trần Lộng, Trần Kiện…xuất đầu lộ diện dường như cũng là tất yếu, là “không tránh khỏi”, nhưng  chắc chắn giai điệu chủ âm của thời đại vẫn là giai điệu anh hùng ca.

            Có một Đại Việt dưới và sau thời Trần Nhân Tông đầy hào khí, hào quang và cũng đầy hạnh phúc. Tiếc rằng trạng thái đó đã không được duy trì lâu dài. Để đến hôm nay còn quá nhiều người Việt Nam mơ về đầy nuối tiếc.

            Lo toan mọi nhẽ cho quốc gia mình, cho cộng đồng mình, đề phòng những bộ tộc tuy nhỏ yếu hơn nhưng vẫn có thể nảy sinh những tham vọng về lợi ích vật chất và lãnh thổ, Trần Nhân Tông thân chinh cầm quân tiến hành những cuộc chinh phạt mang tính ngăn ngừa, răn đe, nhưng không cho thấy Ngài có tham vọng bành trướng. Việc chinh phạt Ai Lao được Ngài giải thích rõ cho triều thần:

            Vua thân đi đánh Ai Lao. Triều thần can rằng: “Giặc Hồ vừa rút, vết thương chưa lành. Đâu đã có thể dấy binh đao?”.
            Vua nói: “Chỉ có thể lúc này ra quân thôi. Vì sau khi giặc rút, ba cõi tất cho là lính tráng, ngựa chiến của ta đã chết cả, thế không thể lên nổi, sẽ có sự khinh nhờn từ bên trong, cho nên phải cất quân lớn để thị uy”.

            Nhưng mối ưu tâm lớn nhất của Trần Nhân Tông về an ninh quốc gia chủ yếu vẫn là đối với triều đình nhà Nguyên. Bằng tất cả sự mềm dẻo và uyển chuyển nhất có thể, Trần Nhân Tông đã tiến hành rất nhiều những hoạt động ngoại giao thời hậu chiến, mà mục đích hàng đầu là xác lập cho được một “đường biên giới” hòa bình, thân thiện nữa, với thế lực hùng mạnh đang làm chủ đế chế ở phương Bắc. Cảnh thái bình sau đó của quốc gia Đại Việt bên cạnh một đế chế có một đội quân thiện chiến và tham vọng lãnh thổ cơ hồ không giới hạn là một minh chứng rực rỡ của nền ngoại giao thời nhà Trần sau những võ công không tiền khoáng hậu trước chính đối thủ đó.

            Hơn bảy thế kỷ đã qua đi. Thế giới vẫn còn rất nhiều quốc gia nằm trong tình trạng “nước nhỏ dân ít, xã hội kém phát triển, kinh tế đầy khó khăn, luôn luôn bị các thế lực hùng mạnh bên ngoài chèn ép và đe dọa thôn tính”. Nước Việt Nam sau hàng thiên niên kỷ tự cường, vẫn còn đối diện với rất nhiều thách thức. Những thông điệp mà cuộc đời và sự nghiệp của Trần Nhân Tông với tư cách là đấng quốc chủ truyền lại ngày hôm nay vẫn còn nóng bỏng tính thời sự, trước hết cho mọi người Việt. Nhưng cũng chắc chắn rằng, đó còn là thông điệp cho các cộng đồng, cho những người lãnh đạo quốc gia ở các cộng đồng  khác nhau trên thế giới đang phấn đấu để đạt tới vị thế quốc gia bình đẳng và cộng đồng hạnh phúc.

            II.2.Thông điệp làm người: vẫn có thể làm một con người toàn hảo trong một thế giới chưa hoàn thiện

                        Ở ngôi vua, mà đã là đời vua thứ ba của vương triều, Trần Nhân Tông dường như vẫn coi địa vị mà mình và rồi cả con cháu mình có được chỉ là tạm bợ. Sử liệu và cả tư liệu dã sử khẳng định nhà vua ngay từ thời trẻ đã thích ăn chay, thường dùng bữa đạm bạc. Mọi nhu cầu trong đời sống hàng ngày của Trần Nhân Tông được ghi nhận là “Nhìn xem phú quý tâm tình nhưng nhưng”, “Lòng hằng nhớ giữ tôn phong nhà Thiền” (Thiền tông bản hạnh). Gần cuối đời, có lần “ ngự cung Trùng  Quang, vua (Anh Tông) đến chầu, quốc công Quốc Tuấn đi theo. Thượng hoàng nói: “Nhà ta vốn là người mạn dưới, đời đời chuộng dũng cảm, thường xăm hình rồng vào đùi. Nếp nhà theo nghề võ, nên xăm rồng vào đùi để tỏ là không quên gốc”.(Đại Việt sử ký toàn thư).

            Tuy nhiên, Ngài cũng biết rõ, rằng phú quý và đặc quyền, sự phân tầng về địa vị và thân phận là điều vẫn tiếp tục diễn ra trong triều đình theo cách không thể ngăn cản được. Nhân loại ở thời điểm ấy chưa nơi nào biết tới dân chủ và bình đẳng, chưa ở đâu có thể thực hành việc xóa bỏ mọi cách bức giữa người với người, trừ trong giáo lý Phật giáo. Được giáo dục kỹ lưỡng về nội dung các học thuyết lớn lưu hành trong khu vực đương thời, tùy theo từng hoàn cảnh và tình huống cụ thể mà Trần Nhân Tông phát huy sở học tương ứng, nhưng điểm hồi quy và sự lựa chọn cá nhân tối hậu trong hành xử của Trần Nhân Tông là Thiền.

“Phật pháp bất ly thế gian pháp” vốn là lựa chọn hành xử của cả Đại tông phái Đại thừa trong Phật giáo. Xét trên bình diện giáo lý lẫn trên bình diện tu tập, Thiền tông ở Việt Nam trong các thế kỷ VIII - XIV không có nhiều sự đổi mới hay bổ sung so với Thiền tông trong cả khu vực Đông Á. Điểm khác biệt lớn nhất nằm ở địa vị của Phật giáo nói chung, Thiền tông nói riêng trong bức tranh toàn cảnh của đời sống tinh thần xã hội.

Nhiều nhà nghiên cứu từ trước tới nay thường cho rằng vào các thế kỷ đầu của kỷ nguyên độc lập ở Việt Nam sau năm 939, Phật giáo là quốc giáo. Có lẽ đó là một sự khẳng định theo hướng đơn giản hóa, có nguy cơ khi suy diễn tiếp tục sẽ đưa lại những ngộ nhận. Tuy nhiên, việc trên dưới một nửa thiên niên kỷ Phật giáo và đội ngũ tăng lữ có vị trí kề cận ngai vàng và từng có vai trò rất quan trọng trong suốt cả 5 triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần lại là một sự thật lịch sử, và điều đó không từng xảy ra trong lịch sử chính trị của các vương triều thuộc các quốc gia Đông Á. Và đỉnh điểm của sự kết hợp Thiền tông với quyền lực chính trị tối cao trong một vương triều diễn ra chính trong thời của Trần Nhân Tông. Như đã biết, Ngài chính là vị vua duy nhất đồng thời trở nên giáo chủ, sáng lập ra hẳn một giáo phái. Chính vì thế, đời sau mới xưng tụng duy nhất một mình Ngài là Phật hoàng.

Đây không phải chuyện danh xưng, không phải là hô ngữ chỉ nhằm vinh danh một con người.

Chắc chắn rằng Trần Nhân Tông đã đủ thời gian và trí lự để đọc, nghiền ngẫm và tự mình rút ra được rất nhiều những tri thức từ các lý luận quyền lực của các học thuyết từng hiện hữu trong nền văn hóa khu vực và vô số bài học kinh nghiệm từ các bộ sử lớn của Trung Quốc và Việt Nam cho công việc làm vua của mình. Giữa các học thuyết ấy, Phật giáo cơ hồ không có lý luận về quyền lực thế tục nói chung, chỉ quan tâm đến quyền năng của những ai sau khi đã giác ngộ. Học thuyết Lão - Trang với chủ trương “vô vi nhi trị” nổi tiếng cũng chưa bao giờ trở thành cẩm nang chính trị của những người cầm quyền giàu tham vọng, nhiều lắm chỉ là lý tưởng chính trị (trong phần lớn trường hợp biến thành sáo ngữ) của những “triết nhân sầu não” trót bị / được “đặt nhầm chỗ” lên ngai vàng. Khi học thuyết này bị / được tôn giáo hóa thì sức hấp dẫn của nó về phương diện thể hiện tác động vào “cõi nhân gian” cũng lại bắt nguồn từ “cõi trên” siêu nhiên. Tập trung bàn về quyền lực cai trị và nghệ thuật cầm quyền với tư cách là những học thuyết nhập thế, cứu thế, đó là nội dung căn bản của Pháp trị và Nho thuật, trong đó Pháp gia nghiêng mạnh mẽ về thuật cai trị của nhà cầm quyền tối cao, trong khi Nho gia bàn rộng, bàn kỹ hơn về bổn phận của cả tầng lớp sĩ và bộ máy quan lại với chức năng “tả phù, hữu bật” giúp Hoàng đế đưa thiên hạ đến cảnh thái bình thịnh trị.

Không còn nguồn sử liệu đáng kể để ngày nay nhà nghiên cứu có thể hình dung, dù chỉ trên những nét đại thể, về quá trình tiếp nhận tri thức liên quan đến việc cầm quyền bính tối cao của các bậc vua chúa ở các thế kỷ X – XV nói chung, nhưng qua sử liệu về diễn biến nền chính trị thực tế, có thể nhận ra không quá khó khăn dấu ấn của các học thuyết đó. Với địa vị, tư chất và thân phận của mình, Trần Nhân Tông chắc chắn đã được đào tạo và tự mình tìm hiểu kỹ lưỡng về lý thuyết cùng những bài học về nghệ thuật cai trị từ cả nền chính trị trong nước lẫn nền chính trị khu vực. Nhiều bằng chứng cho thấy Trần Nhân Tông hiểu rất rõ và vận dụng một cách rất thuần thục, thậm chí đầy sáng tạo, nghệ thuật làm vua theo tri thức và kinh nghiệm từ các vị vua chúa nổi bật chịu ảnh hưởng của Nho gia và cả Pháp gia, nhưng với tư cách là một đấng quân vương, Ngài không phải là một trong số họ. Hoàng đế Trần Nhân Tông thực thi bổn phận đế vương (với những tiêu chí là dựa theo sự tổng kết của Nho gia và Pháp gia) của mình trên nền tảng của một thiền sư đã đắc đạo sớm, đó mới chính là đặc điểm nổi bật hàng đầu khi phục dựng lại chân dung của vị vua độc nhất vô nhị này.Và với một chân dung như vậy, Trần Nhân Tông trở nên là một điểm ngưng kết tuyệt đẹp của tâm thức lịch sử cộng đồng, một mẫu người cầm quyền lạ lẫm, kết hợp được tối đa chủ nghĩa vị tha, tinh thần “từ, bi, hỉ, xả”của nền đạo đức và cũng là sản phẩm của sự tu hành, nghiệm sinh và chứng ngộ theo Phật giáo với những phương diện tích cực lịch sử mà lý thuyết và thực tiễn cai trị của các bậc đế vương thành công nhất theo Nho giáo đã đúc kết được.

Sống trong cõi đời năm mươi năm, hai mươi năm đầu đời là hoàng trưởng tử rồi Thái tử, cũng là hai mươi năm làm một người học trò của các vị sư phó thuộc đủ các môn phái và lý thuyết, Trần Nhân Tông lên ngôi lúc vừa 20 tuổi. Ngài ở ngôi 14 năm, rồi nhường ngôi làm Thượng hoàng, tiếp đó xuất gia, tuy vẫn tham gia quyết định những công việc lớn của triều đình.Với một hành trạng như vậy, có thể nói Trần Nhân Tông hội đủ điều kiện để đi từ suy ngẫm đến việc thực hành một thứ “đạo làm người” và trong thực tế đã sống một cuộc đời hoàn hảo, tuyệt mỹ.Đối diện với những vấn đề mang tầm quan trọng hàng đầu của đời sống, của thời đại, kể cả những giới hạn vượt ra ngoài sự khắc phục của con người trong thời đại đó, Trần Nhân Tông  bằng cuộc đời mình cho thấy Ngài đã đạt tới những “đáp án” tràn đầy “sự thành thục nhân tính”. Điều quan trọng nữa là những đáp án ấy không chỉ dành cho một loại người đặc biệt nào, mà còn có thể dành cho mọi cuộc đời, mọi thân phận trong xã hội.  Thật khó hình dung một cuộc đời hoàn hảo hơn, cho dẫu thế gian này, diễn đạt theo cách của R. Tagor, mãi mãi vẫn chỉ có thể là một “thiên đường xộc xệch”!


[1] Đại Việt sử ký toàn thư :: “Thế giặc rất mạnh, vua phải lui giữ sông Thiên Mạc. …Vua ngự thuyền nhỏ đến thuyền Thái úy Trần Nhật Hiệu hỏi kế sách. Nhật Hiệu đang dựa mạn thuyền, cứ ngồi chứ không đứng dậy nổi, chỉ lấy ngón tay chấm nước viết hai chữ “ Nhập Tống” lên mạn thuyền. Vua hỏi quân Tinh Cương (là đội quân do Nhật Hiệu chỉ huy) ở đâu? Nhật Hiệu đáp “Không gọi được chúng đến”. Vua lập tức dời thuyền đến hỏi Thái sư Trần Thủ Độ. Thủ Độ trả lời: “Đầu thần chưa rơi xuống đất,xin  bệ hạ đừng lo gì khác!”.



54 nhận xét:

  1. Nhiều người nghiên cứu về Trần Nhân Tông lắm, ông Vương này chỉ có công tập hợp và tổng kết lại thôi. Không giỏi như ông Thông ca ngợi đâu.
    Đỗ Trung Khôi, Viện Sử học

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tập hợp.tổng kết cũng là nghiên cứu đấy .Ít nhất thì cũng giỏi hơn tôi vì tôi(và cũng có lẽ nhiều người )ko đủ kiên nhẫn đọc nhiều tài liệu về vị vua anh minh này . Bác Thông có lẽ ko ca ngợi bạn mình giỏi đâu.Bác phấn khởi,tự hào vì có đồng môn nghiên cứu về một vị vua lãnh đạo đất nước ba lần chiến thắng quân Nguyên xâm lược và rút ra những bài học cho những nhà trị quốc hôm nay .Tôi mong bác Vương giỏi hơn nữa để những thông tin đưa ra là gỉan dị,dễ hiểu,dễ truyền bá mà vẫn giữ được nguyên giá trị học thuật.Làm được như thế tốt biết bao .Những bài học rút ra từ lịch sử mà quần chúng hiểu,nhân dân hiểu thì các nhà trị quốc phải :-hoặc là chắc chắn hiểu - hoặc là kẻ bán nước cầu an .

      Xóa
    2. Thì ông "Khôi nguyên" Viện sử học hãy tập hợp và tổng kết về nhân vật lịch sử Đỗ duy Cống đi... Xem ông có bảo vệ và lấy được cái Thạc, Tiến Sĩ Điều không? Nếu được ông đi giảng dậy, rồi cố mà giật lấy cái danh hiệu PGS.
      Người ta qua Mỹ đọc tham luận ở hội thảo, còn ông??? Đi gặp đạo diễn điện ảnh Bùi thạc Chuyên đi, rồi nghe đạo diễn nói: Hãy lên khỏi mặt đất đã rồi tính.
      Khiếp thật! Viện sử học cơ đấy! Sắp xây bảo tàng chục ngàn tỷ rồi.., chả trách mấy ngàn con rê rô (0) điểm lịch sử là bình thường.

      Xóa
    3. công nhân cổ trắnglúc 08:23 3 tháng 10, 2012

      Nhưng có cần thiết phải đốp chát đến như vậy không bác Cù Quay?Tôi lại không đánh giá cao lắm vào những tiêu chuẩn bác nêu ở thực trạng Việt nam hiện nay:Thạc, Tiến sĩ , phó Giáo sư hay qua Mỹ đọc hội thảo về lịch sử Việt nam.Những giá trị ảo ở Việt nam này quá nhiều bác Cù quay ạ.Có điều những thông tin bác Vương viết ở đây, công bằng mà nói, là người làm công tác khoa học kỹ thuật nay chuyển qua làm kinh doanh, tôi cũng đã được biết từ thời trẻ, không mới.Bác Khôi có điều gì để nói khác thì nên viết ra.Nhận xét chỉ có thế dễ bị hiểu lầm là ganh tỵ.

      Xóa
  2. Thủ Độ trả lời: “Đầu thần chưa rơi xuống đất,xin bệ hạ đừng lo gì khác!”.
    Lãnh đạo VN hiện nay chỉ là nổi ô nhục của thế giới.
    Không biết già rồi ăn uống được bao nhiều mà lòng người tham lam quá đổi.

    Trả lờiXóa
  3. Người miền núilúc 18:36 2 tháng 10, 2012

    Lịch sử hiển hiện như Hoàng sa, Trường sa mà dân chúng em còn chẳng biết mô tê gì nữa là Trần Nhân tông với Trần dụ tông, con em đi học về hỏi : Bố ơi chữ tổ quốc không ở đầu giòng có viết hoa không? Chịu!
    Làm thế nào để dân ta phải biết sử ta? Nhẽ các bác ở bộ Học cũng Chịu?
    Có lẽ phải đề nghị Tàu và Mỹ viết hộ? Hì...hì...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi lại nghĩ:Đâu phải cái gì cũng dạy các cháu ở trường?Ở gia đình cũng quan trọng chứ bác Người miền núi.Bác bỏ chút thời gian không ngồi còm dạy cho cháu viết chính tả đúng đi bác.Trước khi bác cay độc về tình hình chính trị, về phát triễn xã hội bác cần lắm lắm nâng cao trình độ văn hóa của mình.Mình lớn rồi, đến như anh em , họ hàng nhờ còn ngại.Huống hồ việc của mình mà phải nhờ đến anh mắt xanh mũi lõ hay thằng hán gian nguyenmucar thì xấu hổ quá bác nhỉ.chúc bác thành công.

      Xóa
  4. Ầy dà... Ngộ nhận viết lun cho...
    Hôm qua lước ngộ nàm nễ quốc khánh ở Trường sa lớ , vui nắm...
    Mà sao mây người anh em chưa chúc mừng? Ầy dà ngộ giận lấy...Hề...hề..

    Trả lờiXóa
  5. Hôm nay ông Ng X Phúc tiếp đoàn đại sứ tàu, thấy vẫn nói như cũ, và các người " Bạn " ghi chép tay lia lịa, thái độ hết sức " giả vờ" hữu nghị, ru ngủ....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. GHi chép để biết được bọn Việt Nam đang nghĩ gì, có thực bụng không, nếu có sơ hở thì sẽ uốn nắn.

      Xóa
  6. "Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
    Sơn hà thiên cổ điện kim âu"
    (Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
    Non sông ngàn thuở vững âu vàng - Thơ Trần Nhân Tông).
    Trần Nhân Tông, người anh hùng của hai cuộc kháng chiến chống Nguyên- Mông (1285, 1287-1288), nhà thơ và nhà Thiền học xuất sắc trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Cám ơn học giả Ngọc Vương đã cung cấp cho bạn đọc một bài viết sắc sảo về vị MINH QUÂN này.

    Trả lờiXóa
  7. Trần Ngọc Vương lúc nào cũng khá uyên bác và tinh tế. Ô. Thông nên đăng nhiều những bài như thế này. Dù chúng kén độc giả, nhưng trang mạng của mình sẽ đa dạng hơn, đậm chất văn hóa hơn.

    Trả lờiXóa
  8. Thưa bác Thông,
    Xin post lại một ý đã gửi trên ABS; Sửa chữ ở tiêu đề, sau khi suy nghĩ lại.
    Thân mến.

    Nước Việt tồn, hưng!
    [Tiêu đề ban đầu: Chữ „được“ có vẻ … không được! :-)]

    Bài của ông Trần Ngọc Vương viết về Trần Nhân Tông là đề tài tôi rất thích; Tuy nhiên, trước khi đọc kỹ, xin nhận xét ngay là tôi thấy chữ „được“ trong câu „ … sau thời điểm PHỤC HƯNG được chủ quyền quốc gia (939) …“ dùng … không được vì YẾU quá! Chủ quyền quốc gia được khẳng định từ Vua Hùng, Hai Bà Trưng đã xác lập lại vào năm 39 và năm 939 thì giành lại. Đó là kết quả của khí lực quật cường của Tộc Việt chớ có phải may rủi đâu mà „(may ra) phục hưng được“?
    Dù sao, tôi cảm ơn tác giả và Trang nhà cho điều kiện đọc lại đề tài này.

    Kính.

    *
    (tiếp)
    Đọc (lướt) thêm 1 lần, càng thấy … sơ sài. Không biết phần tiếp thế nào?
    Bài viết nêu lên việc nhập „Nho“ và triết lý Nho giáo mà không biết rằng tộc Việt chỉ „nhập“ nó như công cụ cần thiết cho tư duy (sau này thay bằng ký tự latin cho tốt hơn). Phần sau bài nêu một số nét về đạo Phật nhưng cũng không chỉ rõ sự tiếp thu và sáng tạo rất lớn của Tiền nhân.

    Cốt tủy tinh thần Phật giáo là giác ngộ, là tri thức (Buddha, Bụt, nghĩa là „Giác giả“ được gắn thành tên của Thích-ca Mâu-ni). Nhập chữ Nho như một công cụ và tiếp thu, đào sâu tinh thần trí thức (Phật giáo) từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần là thành tựu tuyệt vời của trí tuệ Đại Việt: Từ tri thức mà bồi bổ, nâng cao Nhân, Nghĩa trong xã hội chính là nền tảng cho những thành công trong kiến quốc và vệ quốc – Những chiến công oanh liệt cho mọi thời!
    Không chỉ các vị Vua Trần; ngay Đức Trần Hưng Đạo (Trần Quốc Tuấn), khi có quyền thì không lạm, qua trách phận thì trở về nếp sống trí giả của mình.

    Bài học là: Ngày nay những vị giữ quyền quá mê chức vị và tư lợi nên xa rời con đường THỨC, GIÁC và đã làm „thoái hưng“ (hủy hoại con đường hưng thịnh) của Nước Việt.
    Các vị cần bình tâm mà suy nghĩ nhiều hơn.


    Trân trọng.

    Trả lờiXóa
  9. Nền Quân chủ Toàn trị

    Lời dẫn:
    Thưa bác Nguyễn Thông,
    Tôi post „phản hồi“ rồi đi làm việc. Trên đường đi, tôi cũng phác thảo một ý kiến trao đổi tiếp, theo một hướng khác. Trở về, tôi tìm đọc hết entry này; Xin ghi cảm nhận ban đầu.
    Đây là bài viết có giá trị nghiên cứu, tổng hợp cao. Thứ nhất, đây là tổng hợp nghiên cứu về nhân vật lịch sử cụ thể được dân tộc Việt Nam tôn vinh là Anh hùng Dân tộc trên cả hai phương diện văn hóa và chính trị; Thứ hai, nội dung nghiên cứu đáp ứng việc tìm những câu trả lời cho vấn nạn xã hội hiện tại. Đánh giá sơ lược và vội vã như một vị ở Viện sử học là thiếu tinh thần khoa học.
    Phần thứ hai là phần tôi đã đọc trên Anh Ba Sàm và góp ý sơ lược. Phần cuối phù hợp ý tưởng tôi sơ phác như đã trình bày trên. Ý kiến sau đây muốn trao đổi về phần đầu nói về vai trò và cách thức „làm nguyên thủ“ của Đức Trần Nhân Tông. (sơ lược)
    Trước tiên, xin cảm ơn tác giả Trần Ngọc Vương và anh Nguyễn Thông.


    *
    Ta thường thấy phê phán mặt trái của „độc tài, toàn trị“. Thực ra nền cai trị này có vai trò lịch sủ của nó; Và khi nói đến „vai trò lịch sử“ thì cần hiểu rằng cái có „vai trò“ ấy là một thực thể/tế lịch sử có lý và hợp lý („Cái gì có lý thì tồn tại; Cái gì tồn tại thì hợp lý“).
    Từ bộ tộc du canh du cư, tiến đến định canh định cư thì phải có lãnh thổ cố định. Vua và một vương triều là hình thành tất yếu để tập hợp trí lực cộng đồng trong công cuộc chiếm đất và giữ đất. Vai trò „quân chủ toàn trị“ là làm nhiệm vụ trong thời kỳ „hội tập văn hóa, sơ tạo văn minh“ này. Với một quốc gia ổn định, „văn hóa bản địa“ được kết tập và chuyển hóa thành các nền văn minh.
    Giải pháp cho „độc tài“ có thể ngẫm suy qua lời Đức Thánh Trần: Thời chiến thì vua, tôi một dạ, trên dưới một lòng kết lại mà đánh giặc („toàn trị“); Thời bình thì nương sức DÂN („Dân chủ“ đấy!) làm kế rễ sâu - gốc bền!

    *
    Vấn đề "Công cúa Huyền Trân" cần nhìn dưới giác độ „địa chính trị“ để thấy tầm nhìn Trần Nhân Tông chứ không đơn giản là „sức mạnh mềm“. Việt Nam là Việt Nam ngày nay có thể phác họa như sau:
    Đại Việt hình thành là quốc gia với nền văn hóa lúa nước. Nước Tàu (Hán) với di truyền văn hóa săn bắt nên đánh cướp và chiếm đất đã thành cái gọi là „máu bành trướng“. Đại Việt từng chống chọi và tồn tại trước Hán. Đến Nguyên thì họa bành trướng đã thành tột đỉnh. Trong lần „Nam tiến“ thứ 2 (?), 1 tướng là Toa Đô đã mang chiến thuyền tạo gọng kìm thú 2 đánh vào sau lưng Đại Việt và đã bị Chiêm Thành đánh bại. „Địa chính trị“, ngay từ đó cho thấy: ĐÔNG DƯƠNG LÀ MỘT CHIẾN TRƯỜNG mà lời nói „mở quốc“ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: „Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân“ là trong tầm nhìn chiến lược đó, cũng như người Pháp sau này đã xác định lại trong chiến tranh.
    Cần nhìn nhận như thế để thấy „Tầm nhìn Trần Nhân Tông“ cũng như gạt bỏ những ngụy thuyết sai lầm về lịch sử.

    Mong được trao đổi học hỏi thêm.

    Trân trọng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin trao đổi thêm với ông Văn Đức:
      1. Phần lớn Đông Bắc Á và Đông Nam Á nằm trong vùng Văn hóa lúa nước. Văn hóa săn bắt chỉ có ở dân du mục (như dân Mông Cổ chẳng hạn). Mà đâu phải chỉ dân du mục mới có "máu bành trướng"? Ông thử nhìn nhận lại các cuộc chiến tranh xâm lược từ cổ chí kim trên thế giới xem nhận định của mình có chủ quan và áp đặt không?
      2. Câu sấm của Trạng Trình dành cho ai, trong bối cảnh nào, ông thừa biết rồi. Không phải cụ có "tầm nhìn mở quốc" xa đến mức như ông tưởng tượng đâu!

      Xóa
    2. HỒI ĐÁP

      Thưa ông LR (08:04),
      Cám ơn ông đã đọc ý kiến và trao đổi lại.
      Những nhận xét trên là từ một khảo luận dài hơn về „bệnh bành trướng“, mục đích rút ra:
      Chiến tranh bành trướng là biểu tượng của dã man bán khai.
      Xin trích dẫn một đoạn (viết từ 2009 nên từ ngữ và một số ý có thể nên chỉnh sửa; Tuy nhiên ý chủ đạo vẫn trong logik khả chấp. Vấn đề Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nhà Nguyễn là một sự thực lịch sử ai cũng biết; Tôi muốn tìm cái logic xuyên chuỗi các sự kiện đó. – Thân mến.):

      Tìm hiểu tư tưởng bành trướng Trung Hoa là nhu cầu thường trực và bức thiết của người Việt; tuy nhiên điều cần nói ngay là việc tìm hiểu này không nhất thiết dẫn đến chống đối Trung Quốc. Như cách nói thông thường: sống chung với lũ (lụt) – tìm hiểu tư tưởng bành trướng của người Tàu là để sống chung/còn với cái bệnh kinh niên của loài người từ thời dã man tranh tồn cùng muông thú. Do số lượng tài liệu về Trung Quốc khá lớn và việc trình bày cần nhiều thời gian, trong phần kế tiếp (coi như sự khởi đầu) chúng tôi đi vào một số nét đại cương về tư tưởng bành trướng và một trường hợp điển hình trong lịch sử ở một địa điểm và thời gian khác.
      Với cách thức so sánh và quy chiếu, hy vọng có thể rút ra điều gì hữu ích.

      1. Quốc gia và sự bành trướng (Expantion)
      Khái niệm “bành trướng” được xác định như sau: Sự mở rộng phạm vi quyền lực quốc gia trực tiếp thông qua việc mở rộng lãnh thổ nhà nước hoặc gián tiếp qua việc thu nhận các vùng ảnh hưởng [1]Từ định nghĩa này, trước hết chúng ta buộc phải nhìn lại quá trình hình thành quốc gia nói chung trên các mặt lãnh thổ, văn hoá, v.v. để sau đó xem xét việc định hình và mở rộng nó. Xa hơn, để hiểu “cái bệnh kinh niên của loài người từ thời dã man tranh tồn cùng muông thú” [2], chúng tôi lược qua một số nét sinh hoạt của loài người.

      Con người: bản năng và văn hoá
      Con người thuộc giới động vật; lịch sử vài triệu năm của nó bắt đầu từ xứ Ethiopia châu Phi. Với não bộ khoảng một-ký-tư, nó phát triển tư duy để tồn tại. Kết quả quá trình phát triển đó, mà ngày nay chúng ta thừa hưởng, là ngôn ngữ, chữ viết cùng với các nền văn hoá, văn minh đồ sộ và đa dạng. Nhưng những bước ban đầu thì rất thô sơ. Trước hết nó phải nhận ra rằng để hái được một quả trên cao, cần có hai người công kênh nhau lên. Hành động đó, sau này, được ông Tố Hữu mô tả: Núi cao bởi có đất bồi, / Núi chê đất thấp, núi ngồi vào đâu?! Tuy nhiên ngay tại thời điểm ta đang quan sát thì dù tài tình đến đâu, Karl Marx cũng không thể bàn về giá trị thặng dư và bóc lột; và cũng chưa phải thời Nghiêu, Thuấn cho Khổng Khâu mơ suốt một đời. Để tới được các vĩ nhân này cùng với các tư tưởng và học thuyết của họ, con người phải trải qua những gian nan vất vả (nhưng có thể ít bị bệnh đau đầu như ngày nay) của thời kỳ săn bắt và hái lượm (“săn bắn” còn phải lùi lại phía sau).
      Hoạt động săn bắt và hái lượm để lại những bản năng tốt cho chúng ta như những hoạt động thể thao thi thố trong các kỳ thế vận hội và khả năng kiên trì tìm chọn mua sắm đồ của phụ nữ mà ông tổng thống Hoa Kỳ Barak Obama đang mơ: khuyến mại, kích cầu kinh tế! Nhưng nó cũng có mặt không hay là xâm lược và bành trướng. Cái làm con người thoát ra và vượt trội khỏi đời sống muông thú là khả năng hợp đoàn và giao tiếp. Hợp đoàn đưa đến việc hình thành các cộng đồng dân tộc và cuối cùng là các quốc gia (mà người viết luôn quan niệm rằng đó là đơn vị cơ sở trong sinh hoạt của cộng đồng người); còn giao tiếp là mục tiêu và kết quả hoạt động của nó. Lịch sử loài người có thể thu trong hai hình thức giao tiếp: giao tranh và giao thương. Cùng với sự tiến triển của văn minh, giao thương tăng lên mà giao tranh giảm đi vì tốn kém và đau khổ. Nghĩa là chiến tranh và bành trướng gắn liền với dã man và thiếu văn hóa; nhưng hình như loài người còn chưa chán ngán trò chơi đổ máu! Chúng ta chỉ còn hy vọng vào thời gian chăng?


      Xóa
    3. Bệnh bành trướng
      Săn bắt và hái lượm dẫn đến kết quả là chăn nuôi và trồng trọt; tất cả đều dựa vào đất và nước. Với kiến thức thô sơ thời nguyên thuỷ, con người chưa thể thâm canh mà phải quảng canh: giữ và chiếm thêm đất! Có thể tưởng tượng công việc thâm canh của tiền nhân thời tiền sử gian nan và vô phương đến chừng nào, trong khi việc giết người và chiếm đất thì cũng giống như việc giết thú và tìm hang động vậy! Bao nhiêu đế chế trước khi tàn lụi đã để lại những công trình nguy nga mong chứng tỏ sức mạnh và chứng minh cho sự trường tồn. Tất cả đều là kết quả của hành động giết người và cướp của: chiến tranh. Victor Hugo từng cảm thán: Đi sau những đội quân chiến thắng là đội quân ăn cướp! [3] Cho nên ta không lạ những ý đồ cướp chiếm đất của những thế lực thấy và tự cho mình là hùng mạnh. Đánh được người mặt đỏ như vang, / Không đánh được người mặt vàng như nghệ. Cha ông chúng ta hiểu lắm, cái tâm lý của kẻ thua cũng nguy hại như sự hung hăng của kẻ thắng.


      Xóa
    4. Thêm một điểm:

      Ý tưởng „địa chính trị“ được tạo lập để bác lại 2 luồng suy nghĩ:
      + Một thời gian rộ lên ý kiến (trên BBC) một nữ Tiến sỹ sử học viết rằng việc „mở nước“ của Đại Việt là „chiến tranh hủy diệt và cướp đất“. Tôi đặt vấn đề là việc „mở cõi“ của Việt Nam phù hợp yêu cầu sinh tồn của các tộc người về lâu dài.
      Đất nước Việt Nam, suốt giải miền Trung (Chiêm Thành cũ), mùa bão kéo dài từ cuối Hạ sang Thu bao giờ cũng tàn phá khốc liệt mùa màng và cuộc sống. Không „mở ra“ và dựa vào nhau thì các tộc người vùng này có tồn tại và phát triển lâu dài không? Chiến tranh là biện pháp tàn ác, nhưng việc „mở cõi“ mang nội dung hội nhập: Lúa Chiêm đã thành lương thực chung; Một phái đạo Phật truyền thống Chiêm Thành đã được truyền bá và phát triển ngay tại kinh đô Thăng Long (Chùa Liên Phái (?) bên đường đi Chợ Mơ); Di tích Tháp Chàm, …
      + Một số ý kiến cho rằng những tai ương xuất hiện là do „phải trả giá“.

      Chỉ khi nhìn nhận và đánh giá đúng sự kiện, con người mới đủ tự tin.

      Xin thêm một số thông tin ngắn gọn để thông trong trao đổi,
      Thân mến.

      Xóa
  10. Trần Ngọc Vương có lẽ chỉ quen với môi trường nội địa. Bản tham luận gần với người đọc trong nước hơn là ở một diễn đàn quốc tế. Kiểu nói như "của báu trong nhà" nay mới phát lộ hoàn toàn không nên đưa ra diễn đàn quốc tế. Rồi những từ như "quy hoạch treo" chỉ là những thành ngữ báo chí xô bồ trong nước, đưa vào một tham luận tầm cỡ quốc tế chỉ làm giảm giá trị. Rồi gia phả họ Trần, khách quốc tế đâu có năm vững nên mỗi cái tên Việt Nam đưa ra đều lạ lẫm với đa số người dự ở đó. Có lẽ Trần Ngọc Vương cũng xấu hổ một phần vì tham luận này.
    Đáng lý ra chỉ nên trình bày tham luận theo ngôn ngữ bình thường nhất. Nêu sự kiện và bình luận diễn giải sẽ có tác dụng tốt hơn. Điểm mấu chốt ở đây là người nghe có thể đã tìm hiểu ít nhiều về Trần Nhân Tông nhưng họ cần một tham luận có hệ thống, nhấn mạnh được những điểm mấu chốt trong cuộc đời và sự nghiệp của Ngài. Và quan trọng không kém là nên trình bày bằng một văn phong giản dị để dịch ra tiếng Anh cho dễ.
    Với kiểu viết hơi lên gân của tham luận e rằng khi chuyển sang tiếng Anh sẽ mất hết văn phong này và người nghe sẽ khó tiếp thu.
    Mộit và lời xin góp với Trần Ngọc Vương.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chia sẻ thêm

      Ý kiến của bác rất chí lý.
      + Đã có một số bài trên mạng trĩnh bày thêm về đề tài "Trần Nhân Tông". Tôi đồng ý rằng có "vốn quý" mà không biết học và làm theo thì là điều đáng xấu hổ.
      + Rhetonic là khoa rất cần cho sinh hoạt tri thức cộng đồng, mà điều này thì còn rất sơ khai ở ta. Quá nhiều người còn phải cầm giấy viết sẵn khi phát biểu.
      ...

      Thân mến.

      Xóa
    2. Bàn thêm
      Vì anh Trần Ngọc Vương làm công việc giảng dạy và đề tài "giáo dục" cũng đang được quan tâm; Nên xin thêm một ý:
      *
      Triết lý giáo dục "Học Thày không tày học Bạn" giản đơn mà sâu sắc. "Học Thày" là học phương pháp và thu gom tri thức; "Học Bạn" là tranh luận, trao đổi để tri thức sách vở, giáo đìều được cọ xát, sàng lọc.
      Hệ thống giáo dục phương Tây như ở Đức hoàn chỉnh nên một người gốc Việt như ông Phillips Rössler ra trường là "nhập cuộc" được ngay. Tôi rất chí thú khi xem những đoạn ông trả lời và đàm thoại thoải mái trong các hội nghị.
      Giáo dục Việt Nam bỏ vế sau nên chỉ có "thày đọc, trò ghi" và khi ra đời thì ... phân thành lề "Phải/vesus/Trái" duy ý chí.

      Đây cũng là sự tệ hại của việc "Có, mà không biết học và dùng".

      Thân mến.

      Xóa
  11. Lời cuối

    Xin cảm ơn bác Trang chủ Nguyễn Thông đã cho hiển thị các ý kiến.
    Tôi đọc trở lại các ý kiến thì đoán rằng "ông LR" có thể là bác Lang Rận; Xin chia sẻ sự cảm thán về câu thơ của Đức Trần Nhân Tông.
    Tôi mạo muội viết dài (ra ngoài những điều "học thuộc lòng") để tỏ rằng mình không "tưởng tượng" và được thế thì cũng hết mang tiếng "áp đặt" căn bệnh xâm lăng tệ hại của bộ phận Sovin "đại Hán" cho Nhân Dân Trung Quốc mà tôi tôn trọng, như đã trích dẫn.

    Chân thành cảm ơn,
    Kính bút.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lời Cuối Cùng

      Kính bác Trang chủ,
      Xin được viết lời cuối cùng có thể cũng là lời chào giã biệt Anh.
      Tôi không học Đại học Tổng hợp Hà Nội.
      Tôi chấm dứt bàn thảo với những vị viết cảm tính và cộc lốc; Bản thân không biết cách lý giải lại viết câu chửi VÔ VĂN HÓA là "ăn nói hàm hồ" - Khi đọc và viết mà nghĩ đến ĂN thì tầm văn hóa quá ... nên lo!

      Thân chào bác Nguyễn Thông,
      Kính mến.

      Xóa
    2. Bác Đức chả nên chấp làm gì. Người cũng có thế này thế khác, bác ạ. Mong vẫn được nghe nhưng ý kiến của bác. Chúc bác khỏe.

      Xóa
    3. Thông ạ, cậu nhu nhược lắm. Để cho một tay vớ vẩn như thế lên lớp bạn bè mình mà cậu vẫn vỗ về nó là sao? Chúng nó chê bai cậu, xem ra chẳng oan chút nào!

      Xóa
    4. Cựu SV đại học tổng hợp HN ko ăn nói hàm hồ thế đâu ???Thế cách viết Tổng Hợp HN có phải là cách viết của cựu sinh viên đại học tổng hợp Hà nội ko?
      Chỉ có điều góp ý với bác Văn Đức là chủ đề bác đưa ra quá rộng và quá dàn trải .Đọc còm của Bác tôi quên tiệt mất chủ đề vị vua anh minh mất rồi ,tôi quên luôn chủ đề hòa giải,hòa hợp mất rồi .

      Xóa
    5. helenathuy ạ, bình như bạn thì đừng bình còn hơn. Đơn giản vì bạn chẳng có một chút kiến thức nào, toàn nói leo thôi! Là bạn, tôi chọn giải pháp im lặng là thượng sách. Im để học người ta...

      Xóa
    6. Tôi không thích đôi co, và đây là lần đầu tiên. Này ngài X.T, xin ngài chính danh cho đàng hoàng, tuy nhiên tôi cũng biết ngài là ai rồi. Tôi luôn tôn trọng những ý kiến trái chiều, bởi không phải bao giờ mình cũng hay cũng đúng. Ngài mà làm lãnh đạo, tôi cầm chắc sẽ không tồn tại được một giờ, do thái độ cực đoan, kẻ cả, không thèm biết đến người khác. Chào nhé.
      Nói thêm: Gọi người khác là "tay vớ vẩn" là thái độ rất vô văn hóa. Vì vậy, tôi xin lỗi bác Văn Đức.

      Xóa
    7. Xin lĩnh ý anh Nặc danh 21h 36 và cũng mạn phép anh gọi anh như vậy bởi chẳng còn cách nào khác gọi tên anh .Em muốn học anh nhiều lắm lắm .Sao anh lại hạ cố đóng vai em .Các anh quá uyên bác nên dùng những ngôn từ quá bác học làm sao giới ít học( chẳng có chút kiến thức nào )hiểu được .Em nói leo để các anh nói với chúng em một cách dễ hiểu nhất thì chúng em mới tiếp thu lòng yêu nước,trí tuệ của các anh gìn giữ Tổ quốc được chứ .Giặc vào chúng giết tuốt có chừa những người yêu nước và thông tuệ như anh đâu

      Xóa
  12. Cái Viện Trần Nhân Tông thực ra bé tí thuộc ĐH Havard do NCS Nguyễn Anh Tuấn đề xuất rồi một số GS ở ĐH Havard, một số chính khách hồi hưu chủ trương lấy tinh thần “hòa giải yêu thương” làm phương châm với đầy dụng ý. Không nên hoảng loạn về một cái Academy kiểu hội vui vẻ như thế, mà cũng không nên cường điệu Trần Nhân Tông chỉ với ý tưởng như thế. Nhìn ông thợ Việt ngồi gò cái huy chương vàng 18k cho cái giải thưởng đầu tiên thì mới thấy nó không chuyên nghiệp tí nào.
    Còn về PGS Vương, là người thông minh sáng dạ, nhưng ông đâu có phải là chuyên gia về Trần Nhân Tông? Đâu đến mức tinh thông Hán văn như có người nhầm tưởng? Và những gì có trong bài cũng đâu có ý tưởng gì xuất sắc tới mức phải khen chê thị phi? Một bài viết hiếu hỉ là chính. Không nên ném đá, cũng đừng tâng bốc một bài viết loại hiếu hỉ như thế. Hãy bình dị như nó vốn thế, đừng có nổ để rồi lại xịt. PGS Vương có lẽ cũng không muốn thế.

    Trả lờiXóa
  13. Tôi đồng ý với ý kiến bác Đỗ Khải. Ông Vương làm nghề dạy học, cả đời chỉ đọc, nghiên cứu, dạy cho học sinh nghe về mấy ông như Trần Nhân Tông, làm gì mà không hiểu về Trần Nhân Tông. Nhưng nếu bảo ông Vương giỏi, là xuất sắc thì chưa hẳn, vì tôi đọc nhiều người viết về Trân Nhân Tông rất sâu, phân tích rõ ràng. Còn đây chỉ là bài viết mang tính hiếu hỷ, đối ngoại, lại qua ông phiên dịch nên các đại biểu ngồi nghe chưa chắc đã hiểu gì đâu. Chúng ta nên khiêm tốn, công bằng, đừng vì bạn mà tâng bốc nhau quá mức ông Thông ạ. Là người nghiên cứu sử học tôi rất biết ông Vương.
    Đỗ Trung Điến

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thưa bác Đỗ Trung Điền blog bác Thông đâu phải là tạp chí chuyên ngành?Với bài viết của PGS Vương chúng tôi đại đa số những người ưa thích trao đổi trên blog này đã dễ dàng tiếp cận được với tư tưởng của VỊ VUA ANH MINH TRẦN NHÂN TÔNG và những bài học lịch sử qua cuộc đời Người một cách phổ cập, chứ đâu phải hiếu hỷ đối ngoại như bác dậy.
      Các comment của bác Văn Đức , helenathuy nhận định đúng đấy, đề cập nhiều vấn đề, cách viết lại cô đọng , khó theo dõi.Là nhà nghiên cứu, trong xã hội cũng được xếp vào bậc trí giả rồi, mà sao tính cách của bác lại khó chịu đến thế?Có lẽ trừ bác ra , mọi người đều thấy bác Thông là người khiêm tốn, nhã nhặn.Các bài viết của bác Thông đều giản dị, trong sáng,nào có gì tỏ ra tâng bốc quá mức đâu bác Điền."Nhân vô thập toàn"nhưng đã là người trí thức thì lời ăn ,tiếng nói càng phải nên giữ bác nhỉ.

      Xóa
  14. Thư Hồi âm như LỜI XIN LỖI
    (02:01, 2012-10-04)
    Kính gửi anh Nguyễn Thông,
    Thân gửi bạn helenathuy,


    Thưa anh Thông và quý bạn,
    Tôi cảm thấy thật áy náy: Tình đồng môn, tình đồng đội là vô cùng quý giá đối với những người đi học cũng như có thời “đi bộ đội”; Để cho anh Thông có chuyện không vui với các bạn cùng lớp, trong bất cứ trường hợp nào cũng là ĐIỀU KHÔNG PHẢI CỦA TÔI.
    Xin gửi thêm ít dòng sau đây như lời xin lỗi đối với anh Thông, nhưng cũng muốn hồi đáp ý kiến bạn halenathuy.
    (* Thực tình, tôi cũng muốn gửi riêng anh Thông và Trang nhà nội dung “ý thứ 3”; Nhưng chắc sẽ trong dịp khác, dưới hình thức khác.
    * (09:53, 2012-10-04) Tôi viết xong nhưng vẫn lưỡng lự chờ. Nay được đọc ý kiến bác Thảo dân thì thấy vui và ... bạo trở lại: Xin tiếp thu ý kiến bác. Tôi nghĩ “phản hồi, trao đổi” là học hỏi, nhìn xa ra để soi dọi cái đang đọc và bàn. Thực tình nhìn lại, nếu “kể đầu” ra thì cũng nhiều “mớ” thật (nay lại còn ... “xin thêm” :-)!); “Bút sa”, có xin xóa bỏ cũng dở! - Thôi thì, xin nhấn mạnh thêm “lời xin lỗi” một lần nữa. Tôi hoàn toàn chia sẻ ý kiến bác về bác Nguyễn Thông và Trang nhà. – Thân mến.)

    Hòa giải và Cố kết

    Trong trường, khi học môn Hóa-Lý tôi có làm bài tập “keo dính kết”; Lâu rồi. Cái để lại trong tôi và giúp tôi lý giải những điều quan sát là “nguyên lý cố kết vật thể”: Các phần tử trong vật thể cố kết (Solidarity, xã hội học dùng cho “tình đoàn kết”) bởi 2 lực là cộng kết (adhesion) và cố kết (cohesion); Loại lực thứ nhất dạng cảm ứng (“âm”, “dương” hút nhau) là rất yếu, trong khi loại thứ 2 là liên kết sâu như các Atom tạo thành phân tử thì rất bền vững.
    Từ cách thức “mô phỏng học”, xem xét “tình đoàn kết” trong xã hội có thể suy diễn như sau:
    Những kết nối cảm tính như ý tưởng về quyền lợi kinh tế hay bè phái chính trị đều không bền và nhiều biến động; Trái lại, những mối liên kết dựa trên nền tảng văn hóa, nhân văn (gia đình, dân tộc, quốc gia, đồng môn, đồng khóa, ...) thì bền vững hầu như bất biến.
    Con đường “đoàn kết dân tộc” phải đi qua giai đoạn “hòa giải” để hóa giải những dị biệt, nhưng để có “cố kết” lâu dài thì chỉ có xây dựng trên nền tảng “Văn hóa và Dân tộc”. ...

    Đức Trần Nhân Tông và toàn bộ trào lưu nhân văn thời Ngài là hướng theo triết lý “đại Từ, đại Bi, đại Trí, đại Dũng”, vứt bỏ những tiểu tiết và bao dung để cố kết quốc gia, dân tộc (như hủy các thư “thông giặc”, etc.). Thời Chúa Nguyễn Hoàng cũng là thời đạo lý “Bi, Trí, Dũng” của đạo Phật được “tuyên đương” và thành tựu của Nhà Nguyễn không thể bỏ qua tác dụng của yếu tố này. ...
    Một nước “thuần thành” đạo Phật như Myanmar, yếu tố văn hóa và đạo lý chắc chắn góp phần cho chuyển đổi dân chủ ngoạn mục và nhiều hứa hẹn đối với nhân dân Myanmar. ...
    [bài mới đọc]

    Xin được rất ngắn gọn, vì không thể dài và ngắn gọn hơn cũng ... khó.

    *
    “Công Cha, Nghĩa Mẹ, Ơn Thày” là rất lớn; Tình đồng môn là cao quý cần trân trọng gìn giữ. Thành công của anh Trần Ngọc Vương là đáng quý, tôi cũng đã đọc những bài khác của anh và học hỏi được nhiều điều vì là ngoài chuyên môn của mình; Việc bác Thông vui mừng cũng là tự nhiên và cần được tôn trọng.
    Xin có ít thiển kiến kết thúc topic và thành thật xin lỗi những khiếm khuyết không cố ý tạo ra. (Mong được quý vị nhìn nhận TÌNH và Ý qua những con chữ.)

    CHUNG

    Trả lờiXóa
  15. Tôi đọc cái đầu đề "Thực thể Việt nhìn qua các tọa độ chữ" thấy chưa đến nỗi mọi, nhưng làm duyên chữ kiểu ấy hơi rợ. Ca ngợi gu TNVương là ca ngợi gu thẩm mỹ rợ đó.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mới có cái giật tít mà bác Giáo già Nghệ đã nhìn ra sự mọi rợ... thì cái nhìn của bác chỉ là đại ngôn , xảo ngữ để thể hiện sự chê bai hằn học của mình.Lạ thật bác Thông ạ, tại sao sau một khối lượng kiến thức có giá trị mà phó GS Vương và bác Văn Đức truyền tải lại xuất hiện một loạt các comment khen , chê không hề có thiện ý?Có liên quan gì đến K17
      của bác không?Nhưng rõ ràng là chẳng biểu lộ những giá trị tốt đẹp của trí thức Việt đâu.

      Xóa
  16. Phương pháp luận nào?

    Tra Google mục từ “Trần Ngọc Vương” thì có thêm nhiều thông tin để đọc. Tôi thử đọc qua một bài về “Pháp trị” thì thấy ngay câu viết ở phần đầu:
    ” ... Nếu có thể so sánh thì phải thấy rằng, Hàn Phi là ông thầy nhiều tầng của Machiavelli. Machiavelli chưa là gì cả nếu ta đọc đối chứng.”
    Không biết „đọc đối chứng“ là đọc kiểu gì? Phân tích một tác giả, một học thuyết phải gắn con người, tác phẩm vào thời đại sống của họ để rút ra những giá trị tri thức (cách làm của Marx đó!) – Dùng những chữ đao to, búa lớn mà sáo rỗng quá!

    *
    Tôi từng trao đổi riêng với một nữ Trang chủ rằng tinh thần và cách thức trao đổi ý kiến trên blog còn thiếu, yếu. Chị viết: Dân trí nay mới thế mà anh! ...
    Tôi đồng ý rằng “Trang nhà” có phần “tư riêng” của Trang chủ và ... “nhóm bạn bè”; Nhưng công cụ tiện lợi này chính là điều kiện thời đại giúp nâng cao nhìn nhận cho mỗi người, không nên đơn giản hóa và hạ thấp nó.
    Tôi tin chắc bác Thông cũng đồng ý như thế, khi bỏ nhiều công sức làm Blog mà bản thân tôi không làm nổi (đã có thử).

    Thân mến.
    “TV”-1

    Trả lờiXóa
  17. Thật thú vị khi được thấy các “sực khách” ca ngợi lên đến mây xanh nồi lẩu để quên 12 năm “Thực thể Việt nhìn từ các tọa độ chữ” của ông Vương lại là những cái mồm – lưỡi sành lẩu cỡ Ng. Tr, X. Kh., Nh. Th. với các cử tọa-bồi bàn tuyển chọn Đ. H. Th., V. Th.Kh., Ng. H, H.Th.Qu. v.v..Tôi không dám tin có nồi lẩu để tận một con giáp (1998 - 2010) mà vẫn còn xẻ ra thành hai để bán được!?

    Trả lờiXóa
  18. Một người đọc xa quêlúc 07:38 7 tháng 10, 2012

    Tôi không biết gì về Mr. Trần Ngọc Vương, nhưng công bằng mà nói, nếu Harvard mời một chuyên gia về Trần Nhân Tông mà vị đó trình ra ở đại học này một sản phẩm "trí tuệ" kiểu "Trần Nhân Tông - những số thành lịch sử và những thông điệp gửi cho hậu thế" như trên thì nó thực sự không bằng bài luận của một học sinh lớp 12 ở Mỹ. Sống ở Mỹ đã trên 30 năm tôi không tin Harvard lại hạ cấp đến mức dán nhãn Harvard cho một sản phẩm như bài trên. Chưa cần nói đến vấn đề nghiên cứu với cái gọi là "số thành" và "thông điệp" như một key word (trong khi đó ở bài trên lại gồm những hai key words), chỉ cần nhìn vào mục tài liệu tham khảo đã không cho thấy ông ta là một người làm nghiên cứu ở cấp chuyên gia rồi.

    Trả lờiXóa
  19. Người cùng khoalúc 09:56 7 tháng 10, 2012

    Ngược lại với Một người bạn xa quê, tôi lại biết anh Vương, vì học Khoa văn ĐHTHHN trước anh một khóa, tuy nhiên không phải vì đồng khoa mà thương hại anh, nhưng phải nói là thật là ngoài lòng thương hại ra thì khó còn lại cái gì sau khi đọc bài "Trần Nhân Tông - những số thành lịch sử và những thông điệp gửi cho hậu thế" - một "ái uông" được anh làm và vác đi đấm...nước người. Bài viết đó không có tý chút chất triết nào trong khi Trần Nhân Tông là một triết gia; không có chút Phật nào, trong khi Trần Nhân Tông là đấng Điều ngự Giác hoàng; không có chút sử nào trong khi Trần Nhân Tông góp công lớn làm nên sử Việt; không có chút chất thơ nào trong khi Trần Nhân Tông là một thi nhân; không một hương vị Thiền, trong khi Trần Nhân Tông là một đại Thiền sư; v.v... Chỉ còn một Trần Ngọc Vương dường như rồng rễnh, trống chếnh và phần nào đại ngôn, cho dù anh là một người tốt và có lẽ cũng sáng dạ.

    Trả lờiXóa
  20. Người họ Trầnlúc 23:59 7 tháng 10, 2012

    Trần Ngọc Vương – một người tốt đại ngôn, một bút lực èo uột.
    Ai đó đã viết Trần Ngọc Vương là người tinh tế, nhưng khi đọc thấy cái đầu đề "Trần Nhân Tông - nhiều trong một" sực mùi dầu gội Sunsilk [2 trong 1], và đặc biệt là khi thấy những tiểu mục đại ngôn cỡ "Quan chiêm một cuộc giáng trần", gây cảm giác một vị đại pháp sư đang quan sát, suy tư về thân phận, tương lai một đứa trẻ ra đời, chứ không phải một chút chít họ Trần viết về đấng tổ Điều ngự Giác hoàng nữa. Thế rồi cố đọc thêm vài dòng lại thấy một câu sặc vẻ biển hiệu Bờ Hồ kiểu: "...một cõi giác trong môi trường “xanh, sạch, đẹp”"... thì không còn gì phải băn khoăn về độ tinh tế bốc mùi của một Trần Ngọc Vương làm dáng chữ không phải lối nữa. Không hiểu tại sao một bút lực èo uột đến cỡ ấy mà lại không tự nhìn mình để xem mình là ai, nên viết về cái gì cho hợp tạng? Mà lại cố đấm ăn xôi để viết về một nhân cách như Trần Nhân Tông nhỉ?
    (PS. Không liên quan gì đến ông Vương, mới chỉ nhìn thấy ông xuất hiện nhiều trên TV, DCV, báo CAND, chưa hề gặp mặt, không tin một người nghiên cứu lại có nhiều thời gian rảnh rỗi đến thế để khắp nơi tung hoành marketing về bản thân mình, và đọc ông, thấy không nói không đành, vì thương cho những thế hệ được ông dạy dỗ).

    Trả lờiXóa
  21. Bạn Giường tầng Mễ Trìlúc 10:35 8 tháng 10, 2012



    Hình như khi đăng bài của thằng Vương và cái chapeau "Ăn theo phó giáo sư Vương" này là thằng Cào định chơi thằng Bọ Vương vậy. Khen sao được, cho dù không khiêm tốn cách mấy. Thương nó thì dẹp đi, nếu không chúng nó lại chọc vào cái GS. giáo sãi của nó thì chẳng hay gì.

    Trả lờiXóa
  22. Tất cả là thật; Mà "CHÚNG NÓ" cũng ... thực lòng!

    "TV"-1

    Trả lờiXóa
  23. Cái gì của Caesar hãy trả cho Caesarlúc 07:44 12 tháng 10, 2012

    Nếu đọc theo cách peer review (phê bình khoa học) thì đúng như Trần Nho Thìn đã nói, không chỉ “Thực thể Việt nhìn từ các tọa độ chữ” mà gần như tất cả các cuốn sách và bài viết của Trần Ngọc Vương đều amateur, mang tính nghiệp dư. Đó là điều đáng tiếc cho một học giả có tâm và có lẽ cũng "sáng dạ" như bạn Người cùng khoa đã nói. Thật tiếc thay!.

    Trả lờiXóa

  24. Nguyên văn Trần Nho Thìn khen tác phẩm “Thực thể Việt nhìn từ các tọa độ chữ” của Trần Ngọc Vương như sau:

    "Có người hỏi tôi về thể loại của công trình này. Thì thể loại chính là vấn đề độc đáo, riêng biệt của cuốn sách. Những người đọc nghiêm túc, quan tâm đến các vấn đề lớn lao của dân tộc và thời đại sẽ tìm thấy tuy tản mạn song lại rất thú vị, những kiến giải mạnh dạn và đầy suy tư của tác giả đã bộc lộ như một thiên hướng suốt khoảng ba mươi năm qua và nay vẫn giữ nguyên nhiệt tình. Những cuốn sách thuộc thể loại “qua các tọa độ chữ” này hiện ở ta không nhiều và rất đáng quan tâm".

    Thực thể Việt - vài cảm nhận ban đầu
    Trần Nho Thìn
    http://khoavanhoc.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=821:thc-th-vit-vai-cm-nhn-ban-u&catid=35:tin-tc-s-kin&Itemid=115, Tuesday, 16 November 2010 09:23

    Trả lờiXóa
  25. Khen, nhưng là khen đểu!

    Trả lờiXóa
  26. Ông Giáo trẻ Gừng cần nói cho rõ là đối tượng khen [thể loại công trình] là "đểu" hay bản thân lời khen là "khen đểu"? Riêng tôi, một chuyên gia lâm nghiệp, tuy không biết nhiều về văn chương, nhưng rất thích đọc sách nghiên cứu về khoa học xã hội và có đọc ông Vương (vì quảng cáo nhiều) thì thấy cách viết của ông Vương giống như cách phân loại gỗ của ngành lâm nghiệp: không có kiến thức sâu về gỗ, nên viết về thể loại gỗ dựa trên những mảnh vỏ cây rơi vãi trong "vỉa rừng đại ngàn" (chữ của ông TS Đinh Hoàng Thắng phát biểu với một bài viết sẵn khá công phu, trong đó có đoạn: “Hơn 500 trang sách của TS Trần Ngọc Vương quả là cả một vỉa rừng đại ngàn về tư tưởng và kinh tế-xã hội, về văn hóa và văn chương cùng với một số cây cổ thụ do ông tuyển chọn, dĩ nhiên là với các tiêu chí do ông đề ra...” khen tặng sách ông Vương)vậy. Chữ "tản mạn" của oogn Nho Thìn tôi hiểu là những mảnh vỏ cây rơi vãi trong các "vỉa rừng đại ngàn" kia.

    Trả lờiXóa
  27. Sau 15 ngày đầu tháng 10/2012 Khoa Ngữ văn ĐHTH Hà Nội cũ của mình thêm một nhân vật nữa là Mít Ướt. Định ăn theo bạn Mít Ướt và bạn PGS. Trần Ngọc Vương, nhưng rồi đều xôi hỏng, bỏng không! Thật xui xẻo!

    Trả lờiXóa
  28. Hình như học hàm của bạn Mít Ướt còn hơn bạn PGS. Vương một bậc, bạn Mít Ướt là GS kia!

    Trả lờiXóa
  29. Trần Nhân Tông - một danh hiệu cao cảlúc 23:17 25 tháng 10, 2012


    Khi thấy Sài Gòn Tiếp thị, Việt Nam Net, thongcao55.blogspot.com, v.v... rầm rộ đưa tin về bài "Trần Nhân Tông - những số thành lịch sử và những thông điệp gửi cho hậu thế" của Trần Ngọc Vương tại Tran Nhan Tong Academy, tại Đại học Harvard(?) tôi tò mò vào trang:

    http://en.trannhantongacademy.org/2012/06/23/tran-ngoc-vuong/

    thì thấy một thứ tiếng Anh thảm hại, mà ngay cả người Mỹ vô học cũng không sử dụng (hãy đọc các đầu đề bài viết ngay cả tiếng Việt cũng đã ngô nghê và việc dịch ra tiếng Anh lại bội phần ngô nghê hơn nữa của Trần Ngọc Vương dưới đây để làm chứng. Căn cứ vào trang Website này tôi nghĩ:

    1) Cái gọi là Tran Nhan Tong Academy thuộc Harvard University là bịp bợm, không có thật.

    2) Một thứ tiếng Anh như của Website trannhantongacademy.org không đời nào là tiếng Anh của người có học.

    3) Một [U]ỷ viên Hụi đồng Khoa học như Trần Ngọc Vương với các cái gọi là công trình được trưng ra bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh là một sự phỉ báng cái gọi là Tran Nhan Tong Academy.

    4) Một người có học (Cử nhân Triết, Chính trị học, Kinh tế học của một trong những Đại học danh tiếng nhất và lâu đời nhất thế giới là Oxford University), có kinh nghiệm đấu tranh và ngoại giao như bà Aung San Suu Kyi khi vào một trang mạng kiểu "trannhantongacademy.org" với một thành viên xét giải thưởng cho hai nhân vật phương diện quốc gia và có tầm vóc quốc tế như bản thân bà và ông Thein Sein thì bà ấy sẽ nghĩ ngay đây là trò lừa đảo.

    Để làm chứng, xin hãy đọc những từ tiếng Anh và tiếng Việt thậm phần ngô nghê dưới đây thì rõ tại sao Aung San Suu Kyi và Thein Sein đã chạy mất dép cái giải thưởng của ông Nguyễn Anh Tuấn, ông Trần Ngọc Vương và một số ông khác nữa (thật xấu hổ hết chỗ nói khi danh tiếng Trần Nhân Tông đã bị lạm dụng một cách ngu xuẩn như thế này!!!):

    Associate Professor, Ph. D Tran Ngoc Vuong
    Member of science council in Tran Nhan Tong Academy

    • Year of birth: 1956
    • Place of birth: Quảng Bình
    • Education: Doctor
    • Title: Associate Professor
    • Working place: Faculty of Literature
    • Time of current employment: sine 1976

    Scientific works
    Scientific articles

    1. Idealism of a viewpoint on territory (Chủ nghĩa duy tâm của một quan niệm về lãnh thổ). Philosophic magazine No 4/1980.

    2. Nguyen Trai: the embodiment of National character and bravery (Nguyễn Trãi với việc thể hiện khí phách và bản sắc dân tộc). Journal of Military Arts No 10/1980.

    3. Epic and its natures (Về thể loại trường ca và tính chất của nó); Journal of Military Arts No 2/1981.

    4. History and building the theory for transitional period in Vietnam (Tính cụ thể lịch sử với việc xây dựng lí luận cho thời kì quá độ ở Việt Nam). Journal of Philosophy No 2/1983.

    5. The rules of literatural development through an author’s works (Những đặc điểm mang tính quy luận của sự phát triển văn học nhìn nhận qua sáng tác của một tác giả); Journal of Literary No 3/1992.

    6. Limitation of the humanism in Confucian literature (Giới hạn của nội dung nhân đạo chủ nghĩa trong văn chương Nho giáo); Journal of Literary No 7/1996.

    (Còn nhiều nữa, nhưng khuôn khổ dung lượng commenting không cho phép kê hết).

    Trả lờiXóa
  30. Khi đọc comment của bạn Trần Nhân Tông - một danh hiệu cao cả23:17 Ngày 25 tháng 10 năm 2012 tôi không tin có chuyện dối trá trong vụ Tran Nhan Tong Academy ở bên Mỹ, đặc biệt là nhận xét về tiếng Anh kém cỏi của trang trannhantongacademy.org/ của Harvard (?), như đáng tiếc là điều đó lại đúng khi tôi vô tình mở một mục
    trannhantongacademy.org/2012/04/08/viet-phuong thì thấy câu dưới đây:

    “With all the respect to Royal Buddha Tran Nhan Tong, Viet Phuong – a prominent intellectual would like to share some stories inscribed in the history up to now”.

    Và tôi thực sự không hiểu những người đọc tiếng Anh người ta hiểu thế nào được cái cụm từ kỳ dị này “Royal Buddha Tran Nhan Tong”? Tôi đoán là vì người viết tiếng Anh không có bất cứ kiến thức nào về Trần Nhân Tông và về Phật giáo, và vì tiếng Anh “củ chuối” theo đúng nghĩa của từ đó nên cứ word by word Phật hoàng Trần Nhân Tông thành "Royal Buddha Tran Nhan Tong". Chỉ một chi tiết đó thôi cũng cho thấy đó thật là một Academy bịp bợm!

    Trả lờiXóa
  31. Bùi Tín - Tiền Hậu bất nhấtlúc 14:02 27 tháng 10, 2012

    Bùi Tín - Tiền Hậu bất nhất23:50 Ngày 26 tháng 10 năm 2012

    Bùi Tín tiền hậu bất nhất nên phải đính chính trên:

    http://www.voatiengviet.com/content/dinh-chinh-ve-giai-thuong-tran-nhan-tong/1522581.html

    như sau:

    Bùi Tín - Vừa qua, theo nguồn tin trên mạng của Đại Học Trân Nhân Tông thuộc Đại học Harvard – Hoa Kỳ, tôi có viết bài về lễ trao Giải thưởng Hòa Giải Trần Nhân Tông cho bà Aung San Syu Kyi và ông Thein Sein tại trụ sở Đại học Harvard ngày thứ sáu 21-9 vừa qua. Ngay sau đó có bạn trong và ngoài nước cho biết tin này có một số nội dung sai, không có thật, cần cải chính để thông tin không bị nhiễu loạn.

    Sự thật là Đại học Harvard có thư mời 2 nhân vật trên đây đến trao giải thưởng, nhưng đến giáp ngày, 2 nhân vật trên đây đã trả lời là «do chương trình hoạt động bận rộn nên không đến dự được». Do đó không có việc trao giải thưởng.

    Tuy nhiên việc vắng mặt như trên không được ban tổ chức công bố trên mạng, không cải chính bài thông tin trước đó đã được viết sẵn, nên đã gây hiểu lầm cho những người không có mặt trong buổi lễ. Tôi đã hiểu lầm, không kiểm chứng kỹ, nên đã đưa tin sai. Tôi xin đính chính và xin lỗi bạn đọc về khuyết điểm này, xin các bạn thứ lỗi.

    Ngay sau khi đưa tin trên, tôi chờ Harvard công bố ảnh về buổi lễ và phát biểu của 2 vị nhận giải – nếu có – mà không thấy, tôi cảm thấy có sự gì khác thường đã xảy ra.

    Sự thật là buổi lễ vẫn được tổ chức chiều thứ sáu 21/9 tại Harvard Faculty Club, nội dung là giới thiệu về Đại Học Trần Nhân Tông, về Giải thưởng Hòa Giải Trân Nhân Tông, công bố chính thức về Giải đầu tiên năm 2012 được quyết định trao cho 2 chính khách Miến Điện nói trên. Vì 2 vị không có mặt nên không có việc trao Giải tại buổi lễ này.

    Sự thật là có chừng hơn mươi người Việt Nam hoặc người Mỹ gốc Việt có mặt trong buổi họp, có các ông Ngô Vĩnh Long, Tạ Văn Tài, Trần Ngọc Vương, Lê Mạnh Thát, Nguyễn Anh Tuấn…Ông Trần Ngọc Vương trình bày một bản nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng của vua Trần Nhân Tông. Một vài tờ báo trong nước có nói qua đến buổi lễ này, đó là báo mạng VN Net và báo tỉnh Quảng Ninh.

    Trả lờiXóa
  32. Không biết cái Tran Nhan Tong Harvard Academy bịp bợm của Nguyễn Anh Tuấn và Lan Anh con gái Tuấn bây giờ phá sản đến đâu rồi?

    Trả lờiXóa
  33. Tôi đọc comment của mọi người và thấy rằng mọi người chưa đặt bài viết của PGS.TS Trần Ngọc Vương cũng như chính con người ông đúng chỗ.
    - Thứ nhất đây là bài đọc cho viện nghiên cứu Trần Nhân Tông nghĩa là những người đã có tri thức về Trần Nhân Tông nên việc đưa ra những cái tên như một bạn "Nặc danh" đã nói là bình thường. Tôi lấy ví dụ như bạn bán cá, và tham gia vào một buổi họp cá thì đương nhiên khi người ta nói về các loại cá và giá của nó thì bạn sẽ hiểu ngay. Nếu bạn là một ông bán gà mà lại ngồi nhầm vào chỗ bán cá thì làm sao mà hiểu được.
    - Thứ hai, đây là bài viết mang tính chất mở màn nên chất "hiếu hỉ, sunsilk" là đương nhiên như hai bạn nào đó đã nói. Cứ coi nó như là đặc trưng của thể loại đi.
    - Thứ ba, có bạn nói PGS.TS Trần Ngọc Vương cả đời chỉ dạy học, thương cho học sinh nào học ông thì tôi không đồng ý. Những sinh viên được ông đào tạo đều là những người thành đạt và đều biết ơn thầy rất nhiều. Ông không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn bồi đắp đạo đức, nhân cách cho sinh viên (cái mà ta tưởng là ta có đủ nhưng thực ra lại thiếu rất nhiều). Ngoài là một giảng viên, ông còn là người nghiên cứu đúng nghĩa. Sách, cũng như những tham luận, vấn đề mà ông nói tới thuộc vào hàng vấn đề đọc một lần hay đọc lướt thì không thể hiểu được. Tôi thấy có nhiều bạn nói không biết ông Vương, rồi chưa đọc sách của ông, vậy thì các bạn dựa vào đâu để phê phán người ta. Nếu các bạn thực sự đã biết con người này thì các bạn chỉ có kính trọng ông mà thôi. Ông là người Việt có tiếng nói về Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam được báo chính thống của Trung Quốc đưa tin, được các báo săn đón để phóng vấn đó bạn ạ!
    - Thứ tư, một số bạn chê trình độ tiếng Anh của ông nhưng tôi tin đó là phần dịch của người khác vì ông Vương không giỏi tiếng Anh, ông chỉ thông thạo tiếng Nga, Pháp và Trung Quốc (bằng chứng là ông đã đi dạy nửa năm tại đại học Bắc Kinh Trung Quốc, đi học ở Nga và Pháp). Bản thân ông cũng tự phê mình về chuyện kém tiếng Anh rồi mà.
    - Một số bạn kêu quyển sách "Thực thể Việt..." của ông. Trước tiên, tôi công nhận cách dùng từ của ông có chút bóng bẩy - đây vừa là lợi thế, vừa là hạn chế của ông. Bởi một mặt nó gây ấn tượng, mặt khác thì vì tính đa nghĩa nên dễ gây nên sự khó hiểu. Thực ra không phải ai cũng có thể tạo hình tượng cho từ đâu bạn ạ, chỉ có người nào thực sự hiểu vấn đề và hiểu về ngôn từ thì mới làm được thôi. Nếu các bạn đã đọc quyển này cũng như những công trình khác của ông thì các bạn sẽ không đưa ra những bình luận hời hợt như vậy đâu.
    Sau cùng tôi chỉ muốn nói rằng, các bạn đừng vội chê bôi hay khen ngợi người khác quá nếu chưa biết về họ như thế. Tôi biết PGS.TS Trần Ngọc Vương (không lâu nhưng chắc cũng đủ để nói về ông) và tôi nhận thấy đây là một nhà nghiên cứu uyên bác, có lương tâm, có tâm huyết, trách nhiệm đồng thời là một con người rất tốt bụng. Tôi nghĩ, một người như ông xứng đáng được mọi người tôn trọng!
    Xin cảm ơn!!!

    Trả lờiXóa