Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2015

Những chuyện ít người biết về Nguyễn Công Khế (1)

Lời chủ trang: Nhà báo Hoàng Hải Vân (Huỳnh Kim Sánh) là một tay lão luyện, có những đóng góp đặc biệt cho báo Thanh Niên, nhất là hồi tờ báo này cực thịnh. Anh giữ cương vị Tổng thư ký tòa soạn nhiều năm, cũng là người rất gắn bó với ông Nguyễn Công Khế, cựu Tổng biên tập báo Thanh Niên, hiểu biết sâu và kỹ về ông. Anh Sánh vừa có bài viết về thủ trưởng cũ của mình, trên địa chỉ hoanghaivan.com, tôi kéo về đây để chia sẻ với bạn bè.

Những chuyện ít người biết về Nguyễn Công Khế (phần 1)
HOÀNG HẢI VÂN

Mấy năm nay tôi không viết gì trên cái blog này, cũng không quan tâm mấy đến những câu chuyện được lưu truyền trên các trang mạng, đơn giản là tôi muốn tránh xa những thị phi của người đời. Nhưng mấy hôm nay thiên hạ luận bàn quá nhiều về chuyện anh Nguyễn Công Khế nhân có một số bài viết nặc danh đăng trên một trang blog mạo danh anh để bôi xấu anh. Tôi viết những dòng này không phải để đôi co với những kẻ ném đá giấu tay, mà để chia sẻ với những người tử tế quan tâm đến tư cách của anh Khế.
 
Báo Thanh Niên là tờ báo chống tiêu cực “khét tiếng” trong làng báo Việt Nam, hơn hai mươi năm làm Tổng Biên tập, Nguyễn Công Khế không có kẻ thù mới là chuyện lạ. Nhưng xin mọi người lưu ý, Thanh Niên được lập ra không nhằm mục đích chống tiêu cực, không nhằm mục đích đánh đấm để “câu view” như từ ngữ bây giờ người ta thường nói. Nó được lập ra để đề cao những chuyện tốt lành, để bảo vệ những người yếu thế. Chống tiêu cực là để đề cao những chuyện tốt lành, chống tiêu cực là để bảo vệ những người yếu thế. Tôi không phải nói theo lý thuyết. Đó là thực tế ở Báo Thanh Niên. Làm tòa soạn nhiều năm tôi biết rõ, anh Khế chưa bao giờ chỉ đạo “đánh” người này “đánh” người kia, càng không bao giờ bảo phóng viên vạch lá tìm sâu từ bé xé ra to đối với các vụ tiêu cực. Sau khi kết thúc vụ án Năm Cam, anh Khế thường nhắc chúng tôi không động đến các nhân vật trong vụ án đó nữa. Anh bảo người ta đã thi hành án, nhiều người đã trở thành những công dân lương thiện, hãy để cho họ và người thân của họ được sống yên lành.
 
Nguyễn Công Khế có nhiều kẻ thù, nhưng phải nói cho chính xác là có nhiều người thù Nguyễn Công Khế nhưng anh không thù ai. Anh là người sòng phẳng, việc gì ra việc đó.
 
Rất nhiều khi người này người kia bị đưa tên lên báo trong những vụ sai phạm, anh Khế gọi điện mắng tôi : “Sao các ông cứ nhè bạn tôi các ông đánh mãi thế khiến nó chửi tôi”. Mắng, nhưng không bảo dừng lại không đăng, cái gì đúng thì cho đăng, anh không ngăn cản. Một số phóng viên cũng thường áy náy hỏi tòa soạn mỗi khi vụ này vụ kia có người sai phạm thân với anh Khế, tòa soạn phải tuyên bố thẳng : “Không loại trừ một ai”. Dù như vậy, cũng có vụ báo khác đăng nhưng Thanh Niên chưa đăng, khi phóng viên giải thích do vụ này có người quen với anh Khế nên ngại, lúc đó anh phải nói thẳng : “Dù là cha tôi làm sai cũng phải đưa lên báo”. Tôi biết, những người bạn “làm sai” bị Thanh Niên đưa lên báo, họ có trách anh, nhưng họ không thù anh, vẫn coi anh là bạn.
 
Nguyễn Công Khế cũng là một Tổng Biên tập “ngang ngược” trong làng báo, là cái gai trong mắt một số vị lãnh đạo lúc đó. Có thể nói Nguyễn Công Khế là người đưa tờ Thanh Niên đi đến cùng quyền tự do báo chí quy định trong Hiến Pháp. Tôi nghĩ báo chí Việt Nam tự do hơn nhiều so với những gì chúng ta nhìn nhận. Vấn đề của báo chí Việt Nam không phải là tự do hay không mà là vấn đề tự kiểm duyệt. Một Tổng Biên tập trong sạch, không lèm nhèm về tài chính, không liên kết với các phe phái, với các “mhóm lợi ích” để lũng đoạn truyền thông, không tham quyền cố vị thì mới có thể thực hiện đến cùng quyền tự do báo chí trong Hiến Pháp. Nguyễn Công Khế là một Tổng Biên tập như vậy. Thanh Niên được lập ra để làm nhiệm vụ của Trung Ương Đoàn, Trung Ương Hội LHTNVN, nhưng khởi đầu Nhà nước không hề cấp một xu kinh phí nào, đến khi anh Khế rời khỏi đây thì Thanh Niên đã có số lượng phát hành mỗi ngày hàng trăm ngàn bản, doanh thu hàng trăm tỷ đồng, đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước, nộp kinh phí ngày càng nhiều cho Trung Ương Đoàn, Trung Ương Hội và tự nuôi sống bộ máy. Tôi biết, thời anh Khế còn làm Tổng Biên tập, các cơ quan chức năng liên tục thực hiện kiểm tra, kiểm toán báo Thanh Niên, nếu anh Khế có một chút sai phạm nào về tài chính thì đã mất chức Tổng Biên tập lâu lắm rồi. Còn việc anh thôi làm Tổng Biên tập là vì lý do khác, không phải vì anh “sai phạm” gì, mà nghe nói người ta bảo anh “làm lâu lắm rồi nên phải nghỉ”.
 
Nhớ lại vụ đấu thầu Sân vận động Mỹ Đình vào năm 2001, Thanh Niên đã có một loạt bài phản đối các bộ và Chính phủ giao công trình cho nhà thầu Trung Quốc HISG, là nhà thầu có phương án thiết kế kém nhất trong ba nhà thầu, trong khi loại nhà thầu Đức Philipp Holzmann với phương án kiến trúc của KTS Hồ Thiệu Trị, một phương án không chỉ được giới chuyên môn mà cả Hội đồng xét thầu đánh giá là phương án tốt nhất, đẹp nhất, phương án này đã được tặng giải A về kiến trúc của Bộ Xây dựng. Lý do nhà thầu Trung Quốc trúng thầu là đưa giá bỏ thầu thấp hơn vài triệu USD, cái giá thấp này là do sử dụng vật liệu rẻ tiền. Việc chọn nhà thầu Trung Quốc khiến cho dư luận phẫn nộ. Thanh Niên đã phản đối rất mạnh mẽ và liên tục trên báo, thậm chí còn đăng trên trang nhất nói Chính phủ lập ra một hội đồng thẩm định để “làm bù nhìn” cho việc chọn thầu này. Một quan chức ở Văn phòng Chính phủ gọi điện cho anh Khế bảo “Thủ tướng yêu cầu Thanh Niên dừng lại, không tiếp tục đăng bài nữa”. Anh Khế trả lời ngay : “Dù có chết tôi vẫn cứ cho đăng. Nếu Thủ tướng Phan Văn Khải yêu cầu dừng đăng thì đề nghị có văn bản”. Cuối cùng thì người ta vẫn chọn nhà thầu Trung Quốc và Thủ tướng chẳng có văn bản nào yêu cầu Thanh Niên ngừng đăng. Còn nhiều việc đại loại như thế nữa, nhưng sau những việc như thế này Thủ tướng Phan Văn Khải vẫn quý mến anh Khế. (còn tiếp)

Hoàng Hải Vân

3 nhận xét:

  1. tổng biên tập lê văn nuôi và người tiền mhiem sao không thấy ai nhắc tới ? Họ cũng là một trong những công thần của nền báo chí thông tin Việt nam

    Trả lờiXóa
  2. Sao không nhắc tới HUỲNH TẤN MẪM

    Trả lờiXóa
  3. Chỗ thì vạch tội Khế chỗ thì ca ngợi thật chẳng biết
    đâu mà lần !

    Trả lờiXóa