Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

Ký ức về xe đạp

Người đời có muôn vàn nỗi nhớ, nhớ tuổi thơ hoặc dòng sông tuổi thơ, nhớ về Hà Nội, nhớ mối tình đầu..., còn tôi nhớ về xe đạp. Cũng chả nên bảo cái nào sâu sắc, ý nghĩa hơn cái nào, dù xe đạp có vẻ thô thiển, không mướt mát bằng những thứ kia.

Bây giờ, con cái đòi bố mẹ mua xe, chẳng mấy đứa đòi xe đạp, ít nhất cũng phải xe máy, thậm chí xe máy tay ga đời mới. Xe đạp tầm thường lắm, đâu là cái đinh gì. Nhưng có một thời, nó là niềm ao ước của biết bao người, không dễ gì biến thành hiện thực.

Ở miền Bắc những năm 1960 - 1970, thậm chí cả vài năm sau đó, xe đạp là thứ hiếm hoi. Hồi giữa thập niên 60, làng quê tôi gần 1.500 nhân khẩu mà chỉ có lèo tèo vài chiếc. Mấy chiếc xe cũ mèm từ hồi Pháp, sau có thêm một hai chiếc xe Thống Nhất của cán bộ xã được phân phối, thêm chiếc nữa của chị nhân viên cửa hàng mậu dịch trên huyện sơ tán về. Nữ nhân viên mậu dịch hồi đó rất uy quyền, có khi còn được kính nể, trọng vọng hơn cả cán bộ huyện. Xe đạp là thứ quý hiếm, nếu có xách ra dạo vài vòng hoặc đi công chuyện thì ngay lập tức sau đó về lau lọt, chùi rửa kỹ lưỡng và... treo lên. Nể lắm, hiểu hoàn cảnh nhau lắm mới cho mượn. Cũng chả phải keo kiệt bủn xỉn gì nhưng nhỡ nó mòn nó hỏng lấy đâu phụ tùng thay. Bọn trẻ con chúng tôi nhìn người có xe đạp bằng con mắt ngưỡng mộ, với cả người lẫn xe. Cả làng hầu như không mấy người biết đi xe đạp bởi xe đâu mà tập, vả lại có tập cũng làm gì có xe mà đi. Thóc nhân khẩu đầu người mỗi vụ chỉ hơn 5 chục ký, ăn còn chả đủ, dám mơ xe. Mà trăm thứ đều trông vào hột thóc. Vả lại đi bộ quen rồi. Cả chục cây số cũng đi bộ. Tôi học cấp 3, mỗi ngày đi bộ chục cây số là chuyện thường.

Nhân dịp có ông anh họ ở ngoài Phòng (dân quen gọi nội thành Hải Phòng như vậy) về chơi, tôi mượn được chiếc xe đạp ra sân hợp tác tập. Khổ nỗi xe nam gióng ngang, chân thì ngắn, phải luồn qua khung tập lấy đà, vẹo hẳn một bên trông như làm xiếc. Ông anh họ sợ tôi bị ngã làm xước sơn xe, còn cẩn thận trải rơm lên mặt sân gạch, vì thế càng khó chạy. Phải mất mấy lần tập kiểu đó, rồi cũng biết chạy xe. Nhưng vẫn đi bộ, tập sẵn cho biết thôi.

Anh Uy anh ruột tôi là học sinh giỏi toán nổi tiếng trường huyện Kiến Thụy nên năm lớp 9 (1968) được huyện xét ưu tiên phân phối chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô, giá hơn 60 đồng, ngang tháng lương kỹ sư. Quý như vàng. Một lần tôi lấy chạy thử, táy máy làm mất chiếc mũ van (miếng nhựa nhỏ xoáy chụp trên đầu van bơm hơi), anh tôi tiếc mãi, buồn mất mấy ngày. Mà xe thiếu nhi Liên Xô vành chỉ cỡ 500, không kiếm đâu ra săm lốp, chạy mãi cắm gai cắm đinh, chiếc ruột (săm) xe vá chằng vá đụp, còn vỏ (lốp) xe thì cuốn bọc băng bó hơn cả thương binh. Năm 1969, tốt nghiệp phổ thông, anh tôi đi bộ đội, bàn giao con ngựa sắt lại cho tôi, dặn dò tỉ mỉ cẩn thận lắm, cứ như giao đứa con chứ không phải xe đạp. Chúng tôi trưởng thành, lớn lên được với đời, nhờ bố mẹ, thầy cô thì tất nhiên rồi, nhưng thực lòng, cũng phải cảm ơn anh cu thiếu nhi Liên Xô ấy nhiều lắm.

Chuyện liên quan đến xe đạp cũng lắm điều vui điều buồn. Hồi bé tôi được nghe kể ở làng có ông Biện, ông có “bộ đồ nghề đàn ông” ngoại cỡ, mỗi lần đi xe đạp phải cẩn thận bế nguyên hai hòn dái to lên, đặt ngay ngắn đã, sau mới nhấc đít ngồi vào yên, chả là sợ ngồi phải dái thì thọt dái.

Những năm đầu 60, thôn tôi có nhiều bộ đội về đóng quân. Nhà tôi ngay sát đường nên bộ đội thích ở. Trong số đó có chú tên A (Nguyễn Văn A đàng hoàng, không phải tên viết tắt) người Vĩnh Bảo. Chú A có chiếc xe đạp nữ Thống Nhất, giữ kỹ lắm, chả bao giờ tôi dám hỏi mượn. Một lần chị Khoắn tôi với bá Thơ (cùng tuổi chị tôi) đang là nữ dân quân xã, đánh liều hỏi chú A cho mượn xe để đi phố Hải Phòng chơi. Chú A thì đang thích chị tôi nhưng cũng phân vân mãi, cuối cùng cũng phải cho mượn. Hai bà nhà ta phởn chí phóng ra Phòng, chiều về mặt mũi nhăn nhó báo tin xe bị cong vành. Tôi còn nhớ chủ xe khi ấy khổ sở đau đớn như thế nào, thậm chí đến tối còn khóc thút thít bởi tiếc xe mà không dám bắt đền.

Tháng 6.1972, tôi đi thi đại học tuốt tận bên huyện Vĩnh Bảo, cách nhà gần 40 cây số. Mượn chiếc Peugeot của anh Thắng anh họ tôi là giáo viên cấp 3 trường huyện. Đến gần bến phà Khuể, một con nghé từ lề đường nhào ra, tôi tránh không kịp, cong vành. Đến khi thi xong về, tôi sợ không dám thú thực ngay nhưng anh Thắng tinh lắm, nhìn là biết ngay xe bị tai nạn dù đã nắn vành, bèn mách chú thím, tức thày bu tôi. Tôi đang đập nương bị điệu về, nằm trên cái cánh cửa, thày quất cho chục roi vào đít, không phải tội làm hỏng xe mà là tội giấu diếm, không thật thà. Năm ấy tôi 17 tuổi. Hơn 3 tháng sau, chính anh Thắng lại lấy cái xe ấy đèo tôi theo đường 5 lên tận Hà Nội để tôi nhập học trường ĐH Tổng hợp, dọc đường tránh mấy trận bom máy bay Mỹ đánh cầu Phú Lương và Lai Vu. Đi từ sáng sớm, tối mịt mới đến phố. Nghỉ nhà người quen một đêm, hôm sau anh tôi lại tất tả đạp xe 120 cây số về. Thương lắm.

Tết năm 1975, tôi mượn được chiếc xe đạp Phượng Hoàng của một ông anh họ khác, anh Trác, để ra Phòng. Chả là bu tôi bảo, con đem chục cam ngon này ra biếu bà Chi (bà thông gia tương lai) để thắp hương tết. Sáng 30 tết đi, ăn cơm ngoài đó, chiều tôi xin phép bác Chi cho con gái (tức người yêu tôi, con dâu tương lai của bu tôi) về quê đón giao thừa, ăn tết ở quê. Được đồng ý, khoảng 6 giờ chiều, hai đứa hớn hở lên xe về. Đến đường Trần Nguyên Hãn thì xe nổ lốp. Tối giao thừa, không tiệm sửa xe nào còn dọn hàng, hai đứa lang thang dắt cái xe xẹp bánh đi thất tha thất thểu. Nàng kiên nhẫn vừa đi vừa trò chuyện động viên tôi. Còn tôi thì xấu hổ, tủi thân đến mức không còn biết giấu cái mặt buồn đi đâu nữa. Đến sát cầu Niệm, tôi năn nỉ nàng quay về, còn tôi dắt cái cục sắt khốn kiếp đó qua tận thị xã Kiến An cách 7-8 cây số mới tìm ra chỗ vá. Đêm giao thừa đen như mực, đường về huyện gần hai chục cây số men sát bờ sông vắng tanh vắng ngắt không một bóng người. Tôi lầm lũi đạp xe trong giá lạnh, rét căm căm, mắt dàn da nhòe đi, chả biết là sương đêm hay nước mắt. Hơn 1 giờ đêm mới về đến nhà, lúc ấy thiên hạ đón giao thừa xong đã đi ngủ cả. Tôi kể lại đầu đuôi, cả chuyện định đưa người yêu về ăn tết. Thày tôi bảo con về đến nhà là mừng rồi, thày không trách gì con cả. Còn bu tôi nói trong tết hôm nào con ra ngoài đó xin lỗi bà Chi, con ạ, ai lại để con gái người ta vất vả, khổ sở vì mình thế bao giờ. Giờ nghĩ lại, nếu không xảy ra chuyện cái xe đạp chết tiệt thì đời tôi có lẽ cũng khác.

Năm 1975, đất nước thống nhất. Hình ảnh ấn tượng mà thân thương nhất sau ngày 30.4 là những người lính trở về. Hầu hết lính tráng đi từ nông thôn đều nghèo đói, nên biết tằn tiện, biết lo cho gia đình. Ngoài chiếc ba lô, các anh ráng đem về một con búp bê nhựa (cho con, cho em, thậm chí cho vợ hoặc người yêu bởi búp bê ở miền Bắc rất hiếm) và chiếc khung xe đạp. Mua nguyên xe thì không có tiền, đành mua chiếc khung mộc chưa sơn rồi tìm cách mua sắm phụ tùng lắp ráp dần.

Năm 1980, anh Uy tôi học ở Liên Xô gửi về cho chiếc xe Sputnik. Xe đạp Liên Xô lạ lắm, cả thế giới người ta lấy chuẩn quốc tế vành cỡ 650, riêng Liên Xô chơi cỡ 680. Nếu muốn dùng lâu dài thì phải đem ra hiệu sửa xe cắt vành, lại tốn thêm gần hai chục đồng, chứ nếu để nguyên thì sau này lốp mòn, ruột thủng, lấy đâu mà thay. Cắt bỏ thì phí. Tôi đem vào Sài Gòn nơi đang công tác, bán được 200 đồng, mua chiếc xe Thắng Lợi hết 90 đồng, còn lại để dành góp vào tiền cưới vợ.

18.7.2015
Nguyễn Thông

4 nhận xét:

  1. Những năm 1960 nhà mềnh đã có một chiếc xe đạp, Bố mềnh đi dạy hàng ngày. Cả xã mềnh chỉ ba nhà có xe đạp hi hi! lúc này bọn quan trên huyện thì có vài cái lèo tèo còn quan xã thì chưa thằng nào có! 70 năm sau bố mềnh vẫn thế còn bọn quan huyện xã thì mọi người biết đấy?

    Trả lờiXóa
  2. Dạo này đang rộ lên phong trào "xây dựng nông thôn mới" , ( từ thành phố đến NT ). Tôi nghĩ chắc họ đang miền Bắc hóa MNam , để MN trở thành MB của những năm 60 của thế kỷ trước

    Trả lờiXóa
  3. Hãy xem bài: thu phí 10 năm ròng rã ở xã Thường nga, Hà tĩnh để xây "Nông thôn mới" Thật tàn nhẫn hết chỗ nói bạn ạ!

    Trả lờiXóa
  4. Bố của Phùng Quang Hải, một sĩ quan cần kiệm liêm chính của quân đội, đại tướng PQT, đã đi "tâm tư" với Mao vào hôm qua tại bv Pompidou (TTX Đức).

    Trả lờiXóa