Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 6 tháng 2, 2022

Mùng 5 chúc tết lão Cao

Cao lão húy Văn Dũng, tên chữ Tự Thanh. Nghe danh y, nhiều người biết, kể cả đám quan chức triều đình lẫn hạng bình dân, nhất là người có học, lại nhất là bọn võ vẽ tí Hán Nôm. Được làm đệ tử, làm truyền nhân của Cao Tự Thanh là một thứ vinh dự không phải ai muốn cũng được.

Tết con hổ đã trôi tới ngày mùng 5. Phận tha hương, cũng chả còn điều kiện tiên quyết để thực hiện nhời các cụ xưa dạy “mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy” bởi người của các mùng 1 2 3 ấy khuất núi cả rồi. Hôm trước Cao lão nhắn bảo, nếu mày không ngại dịch diếc, chiều mùng 5 lên tao chơi, không nhanh thì hết mẹ nó tết, tao phắn ra bắc đừng hòng tìm.

Ôi giời chiều mùng 5 tết ở Sài Gòn. Cái nồi gang trên bếp lửa thế nào thì nó thế ấy. Nhìn ra đường, tết nhất gì mà vắng vẻ như hồi dính dịch, có nhẽ thiên hạ ngại đi đày nắng. Lại sực nhớ mấy hôm trước bà bạn đồng môn ngụ làng cổ Đường Lâm than trên phây búc rét quá chúng mày ạ, nhìn cái cây cũng thấy buốt cóng, người cứ teo hết cả, khiến nhà cháu ái ngại hỏi thêm, bà cho tôi hỏi khí không phải, vậy ông nhà có bị sao không, teo tiếc gì không. Chả bù trong Sài thành, từ giữa tháng chạp tới giờ, không biết ai thế nào chứ nhà cháu tinh dững cửi trần, tiết kiệm được ối nước giặt quần áo. Cái xứ gì, thời tiết toàn theo kiểu một nước hai chế độ, giá mà thể chế, chính trị, xã hội, cả kinh tế nữa, cũng như thời tiết hay biết mấy. Mấy bác kiên định đi lên chủ nghĩa xã hội, tôn thờ chủ nghĩa mác lê, cứ chia cho các bác í nửa nước, tha hồ làm gì làm, không làm mà suốt ngày chỉ họp hiếc, lý luận lý liếc, chống tham nhũng tham nhiếc, tay làm hàm nhai tay quai miệng trễ, kệ, chả ai thèm để ý. Có sống trăm tuổi chiếm ghế mấy nhiệm kỳ, cũng kệ.
 
Nhà cháu cũng từng mò lên nhà Cao lão nhiều phen, lần nào cũng cảm giác xa tít. Có lúc nghĩ bậy, hay thằng này nó định hoạt động bí mật như cộng sản hồi xưa, nên mới kiếm chỗ ẩn náu vắng vẻ thế này. Lại nhớ đận lên đầu tiên, y chỉ đường, mày cứ vù qua bia Heineken, tới đường Trần Thị Cờ rẽ vào, tới chỗ cái công viên mà không phải công viên nhưng giống công viên, ngó sang ngõ đối diện chạy vào, chạy một đoạn ngó sang tay phải, thấy cái ngõ nhỏ, nghe chó sủa là tới. Giống hệt anh dân quân chỉ đường cho ông nhà văn trong truyện ngắn “Đôi mắt” của cụ Nam Cao Trần Hữu Tri năm 1948. Tìm mãi cũng ra, khi đã yên vị, nhà cháu tò mò hỏi, này mày, Trần Thị Cờ là danh nhân nào vậy, y cười, biết thế đếch nào được, có khi là bà mẹ Việt Nam anh hùng, mà trên thế giới này không đâu nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng như nước mình, hì hì.

Đã quen đường quen ngõ, lần này nhà cháu xộc thẳng vào. Chó sủa nhận ra khách. Chủ cửi trần đứng ở cửa. Hai thằng chào nhau bằng cách chạm cùi chỏ theo kiểu tân tiến trong cơn dịch chứ không bắt tay. Cũng chúc tết dăm ba câu gọi là có. Rồi nhanh chóng gọi cô đệ tử đang nhờ y chỉ bảo làm cái luận án tiến sĩ có liên quan tới Hán Nôm đem rượu ra. Lúc này thì chả 5K năm kiếc gì sất. Đủ thứ chuyện trên giời dưới bể, chữ nghĩa, đối nhân xử thế, ông này bà nọ. Y còn kể cho nhà cháu nghe chuyện hồi thầy Thảng (Nguyễn Đình Thảng) mất, rồi chuyện ông bạn thân là phó thủ tướng thỉnh thoảng ghé thăm hỏi có thiếu gì không…, chuyện mỏi mồm xong y khoe hòm rượu không khác gì ty rượu thời Pháp. Hai thằng vừa chống dịch, vừa làm nửa chai vang Pháp và trọn một gói Con mèo. Nhà cháu lôi tê lê phôn cùi bắp gọi cho hai thằng giặc Xuân Ba và Trần Quang Tửu, không đứa nào nhấc máy. Tết nhất khướt cò bợ bu chúng nó rồi, còn đâu mà tỉnh mà nghe. Lúc sắp từ nhà đi, Osin Huy Đức từ Hà Nội gọi cho, còn nghe tiếng thằng Ba mắng mình thằng khốn nạn kia, khi nào mày lên tới nhà thằng Dũng nhớ gọi cho tao nghe không. Ôi giời, tin lời ông cộng sản Ba có mà đổ thóc giống ra ăn, haha.

Nhà cháu có chút việc bận nên phải về sớm. Cao lão bảo chút nữa bọn Đoàn Lê Giang tới, nhưng đã khí muộn nên nhà cháu chào y rồi dắt xe. Y hẹn ráng gặp nhau ở Đường Lâm sau rằm nghe chửa. Biết vậy, nhưng dịch nó có cho phép không rồi mới gật được. Nghe nói chặng Hà Nội - Hải Phòng cả hai chiều căng lắm.

(Tái phím: Không có ảnh bởi hai đương sự đều cửi trần, không thể xúc phạm mắt bạn đọc được)

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét