Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022

Chuyện xe đạp lôi từ ký ức (kỳ 3)

Xe đạp Peugeot là thương hiệu nổi tiếng của Pháp, thời Pháp còn cai trị xứ ta loại này khá phổ biến, nhưng sau 1954 mất dần. Nó là cái tên gây ấn tượng sâu đậm trong cuộc sống, giống như những năm 70 - 80 người ta gọi chung xe máy bằng cái tên Honda. Xe Pơ giô (Peugeot) là thứ bằng chứng về đẳng cấp con người trong xã hội miền Bắc trước 1975. Người ta truyền nhau câu vè như thứ kết luận chắc nịch “Đẹp giai đi bộ, không bằng mặt rỗ đi lơ”. Lơ tức là xe đạp Peugeot, mặt rỗ chỉ sự xấu trai do người đó bị bệnh đậu mùa để lại vết rỗ xấu xí trên mặt. Những năm 70 - đầu thập niên 80 còn có bài thơ “10 yêu”, mở đầu là câu “Một yêu anh có Sen kô/Hai yêu anh có Pơ giô cá vàng”. Sen kô thì ai cũng biết là đồng hồ Seiko của Nhật, một trong hai loại đồng hồ xịn và phổ biến lúc bấy giờ, loại kia là Orient, một phần do thủy thủ Vosco đi Nhật đem về, một phần mua từ miền Nam sau 1975. Nhưng Pơ giô cá vàng thì khá nhiều người hiểu sai, nhất là mấy bạn trẻ, nhà báo trẻ không sống thời đó. Pơ giô cá vàng không phải xe đạp mà là xe máy Peugeot, mặc dù xe đạp cũng có màu cá vàng. Xe máy Pơ giô có 2 màu, cá vàng và xanh da trời. Không hiểu nó từ Pháp sang bằng đường nào, có nhẽ qua ngả Hồng Kông.

Về xe đạp Pơ giô, có thêm chút ký ức này. Hồi tôi còn bé, độ 10 tuổi, mỗi lần hai anh em tôi khiêng rau cải rau muống lên bán trên chợ huyện, đi tới chỗ làng Lái (làng Cẩm La), gần trường cấp 2 Thanh Sơn (H.Kiến Thụy, HP) có một ngôi nhà xây tương đối mới, anh Uy tôi bảo đó là nhà ông Cam sũng. Ông ấy độ ngoài 40, tên Cam, nhưng từng mắc bệnh phù thũng, da mặt chảy xệ xuống nên bị đặt thành Cam sũng. Mọi người kể rằng ông là Việt kiều ở Tân đảo hồi hương năm 1962, theo lời dụ của chính phủ về xây dựng đất nước. Gia đình ông có hẳn cặp xe đạp Pơ giô mới toanh, ai thấy cũng thèm. Thời gian sau, nghe nói kẻ trộm vào thó mất một chiếc. Gia đình ấy cứ lụn bại dần, tới khi tôi học cấp 3 trường huyện, đi ngang qua ngó chỉ còn căn nhà cũ kỹ đổ nát, không thấy ông Cam sũng, chẳng thấy xe Pơ giô. Chuyện Việt kiều từ Tân đảo hoặc Thái Lan hồi hương, nhiều đoạn cười ra nước mắt. Xuân Ba có lần kể Việt kiều được chính phủ đưa về xứ Thanh, hỏi ai đăng ký ở Sầm Sơn, ai đăng ký ở Ngọc Lặc, nhiều gia đình chưa biết đất Thanh Hóa mô tê thế nào, nghe cái tên Sầm Sơn cứ nghĩ vùng núi non xa xôi, nhất loạt đòi về Ngọc Lặc, sau mới biết bé cái nhầm, nhưng hiểu ra thì đã muộn.

Nói thêm, bài “10 yêu” kia, tiếp theo là những câu “Ba yêu si téc gọn gàng/Bốn yêu hộ khẩu đàng hoàng thủ đô/Năm yêu không có bà bô/Sáu yêu Văn Điển ông bô sắp về”… Giải thích thêm, si và téc là hai loại vải may quần tây sang trọng thời bao cấp trước 1975, rất hiếm, chứ không phổ biến như kaki Nam Định hoặc chéo xanh sĩ lâm. Si là simili, téc là tergal, nếu được simili màu lông chuột thì càng oách. Chỉ có vải quần bộ đội kaki Tô Châu của Trung Quốc mới có thể đọ hai loại này. Ông bô bà bô là cách bọn trẻ ám chỉ bậc cha mẹ, thậm chí có đứa còn coi thường gọi bố mẹ là cụ khốt, lấy cái tên ông già cổ hủ trong cuốn truyện thiếu nhi “Ông già Khốt ta bít”. Văn Điển là cái nghĩa trang lớn nhất thủ đô hồi ấy. Nhà cầm quyền chia chỗ chôn cất quốc doanh do nhà nước quản lý thành 2 dạng nghĩa trang: chỗ chỉ dành cho ông to bà lớn, quan chức cấp cao là nghĩa trang Mai Dịch; chỗ cho cán bộ thấp hơn, thứ trưởng trở xuống, và dân chúng, là nghĩa trang Văn Điển. Ông bô sắp về Văn Điển thành tiêu chuẩn thứ 6.
 
Liên quan tới Văn Điển, nhớ chuyện cụ Trần Huy Liệu. Cụ là nhà cách mạng, trí thức nổi tiếng, từng dẫn đầu nhóm 3 người gồm cụ, Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận thay mặt chính quyền cách mạng vào Huế tước ấn kiếm của vua Bảo Đại, bắt vua phải thoái vị. Cụ Liệu cũng từng làm quan to, Phó chủ tịch chính phủ lâm thời (chỉ sau ông Hồ), bộ trưởng bộ tuyên truyền thời sau cách mạng tháng 8, là đàn anh của phần lớn những ông đang nắm quyền sinh quyền sát. Vậy nhưng khi cụ Liệu mất tháng 7.1969, mất trước cụ Hồ, về sau tôi có nghe kể người ta nhất quyết không cho chôn ở Mai Dịch, bắt phải đưa sang khu A bên Văn Điển. Nghe kể rằng hung hăng nhất vụ này là Lê Đức Thọ, đến nỗi Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, và cả cụ Hồ, cũng không dám ý kiến gì. Năm 1973 (hoặc 1974), tôi có đi đưa tang một cô em của bạn học cùng lớp, lúc sắp tan có tò mò sang khu A, ngó thấy mộ cụ Trần Huy Liệu, chợt ngậm ngùi về cách đồng chí trong đảng đối xử với nhau. Sau này nghe nói người ta đã sửa sai, rước cụ sang Mai Dịch, nhưng cũng chả xóa được cái tiếng xấu tiểu nhân kia. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét