Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2022

Chuyện xe đạp (kỳ 4)

Trước tháng 4 năm 1975, tất nhiên là ở miền Bắc, khi xe máy hầu như rất ít, đám Simson - Mokick từ Đức, Minsk (còn gọi là Min khơ) từ Liên Xô chưa về thì Pơ giô cá vàng là đỉnh, chỉ đứng sau Vespa (Ý). Nhớ độ năm 74 - 75 chi đó, tôi đến thư viện quốc gia trên đường Tràng Thi tìm tài liệu cho thầy Hà Minh Đức, gọi là đi thực tế, thấy trong quầy kính của Công ty Xe đạp Thống Nhất bên kia đường, phía đối diện thư viện, bày chiếc Vespa màu xanh nhạt, hình như tên đầy đủ là Vespa Piagio, đề giá 4.000 (bốn nghìn) đồng, đọc xong phát khiếp, choáng như bị say nắng. Cả Hà Nội thời đó có lẽ số lượng xe máy Vespa chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bốn nghìn đồng thì mua được mấy căn nhà, hoặc bao nhiêu là ruộng. 

Cùng cặp với Pơ giô cá vàng những năm đó còn có loại xe máy nữa là Mobylette cá xanh, giá rẻ hơn chút. Năm 1976, vợ chồng ông Giễ anh họ tôi cùng vợ chồng cô em gái ông là cô Nộm chú Lộc ở thủ đô về quê chơi, 4 người diện trên 2 chiếc xe máy, một Pơ giô cá vàng, một Mobylette cá xanh, oai có kể, trong họ ngoài làng ai thấy cũng khiếp, trợn tròn mắt. Lạ là chiếc xe nhỏ như thế mà chất lên đó 2 người, chạy hơn trăm cây số, vừa đi vừa về hơn hai trăm cây, vẫn không sao. Nhớ năm 1982, trong Sài Gòn, anh Nguyễn Bác Chính trưởng phòng hành chính trường tôi mua được chiếc xe máy Tiệp Babetta, anh khoe đã có lần chạy từ Sài Gòn tới Vũng Tàu hơn 120 cây số, nghỉ dọc đường đôi lần, mà xe vẫn không bị… cháy, thế cũng khiếp.

Những loại xe đẳng cấp khác, phải kể tới Diamant, Mifa (Đức), Favorit (Tiệp), đều đẹp cực kỳ, giá rất đắt, chỉ những tay chơi sẵn tiền mới dám sắm. Ông Tế anh họ tôi thời làm phó chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp được phân phối chiếc Favorit, năm 67 - 68 gì đó, giá hơn 400 đồng. Chạy được vài năm, lốp mòn nhẵn thín, băng bó chằng buộc đủ kiểu, chờ mãi vẫn không tới lượt được phân phối mua vỏ mới, có lúc phải xếp xó. Đã có câu ca gắn với chiếc xe đỉnh này, “Làm trai cho đáng nên trai/Có Favorit có đài Ori” (đài Ori là chiếc radio Orionton của Hungary). Cỡ chủ nhiệm hợp tác xã thì phải ráng sắm được chiếc Orionton mặc dù nó rất tốn pin, chứ đeo Xianmao của Tàu thiên hạ họ cười cho.

Khi những nghiên cứu sinh, lưu học sinh ở Liên Xô về, người nào cũng đóng thùng vài ba chiếc xe cuốc (miền Nam gọi là xe cuộc) Sputnik của Liên Xô cao lênh khênh, ghi đông khoằm khoằm, lốp nhỏ xíu. Liên Xô còn có xe Con én (lô gô khắc hình con chim én) cũng cao kều, không có xe nữ. Mua được xe Sputnik hoặc Con én, nếu cứ để nguyên đi cũng dở bởi nó quá cao mà người xứ ta phần đông lùn tịt, đạp xe phải nhón đầu ngón chân, nhiều anh chị người thấp dừng xe là ngã nếu không kịp thò chân xuống chống. Nhưng dở nhất là săm lốp mòn hỏng thì không có phụ tùng thay thế. Đúng là mấy ông XHCN tinh chơi kiểu riêng chả giống ai, cứ một mình một phách. Xe Con én hoặc Sputnik vành 680, xe Phượng Hoàng, Vĩnh Cửu vành 660, trong khi thông số kỹ thuật chuẩn phổ biến trên thế giới là 650. Vậy là lại phải đem ra những chỗ sửa xe uy tín, chuyên nghiệp để xuống khung, cắt vành, làm lại ghi đông cho hết khoằm, có chỗ còn chuyển từ xe nam sang xe nữ cho dễ đi. Công nhận thợ VN tài thật, cái gì cũng làm được.

Thời chiến tranh phá hoại xuất hiện chiếc xe con trâu (chỉ một dạng xe nam khung ngang, không có xe nữ) cũng của Liên Xô, vành dững 700, toàn bộ xe kể cả ghi đông lẫn vành sơn đen trùi trũi. Ông Huy anh tôi bảo họ sơn đen tuyền như thế để cho máy bay Mỹ khó phát hiện. Từng nghe kể có những người đi xe đạp, ghi đông và vành mạ sáng quá, hắt ánh chói lên, máy bay thấy dội bom, chết oan. Màu trắng thời ấy là thứ màu tối kỵ. Quần áo cũng phải nhuộm nâu, nhuộm xanh. Đứa nào mặc áo sơ mi trắng có khi bị chửi. Còn truyền nhau câu thơ “Ngày xưa áo trắng anh yêu/Ngày nay áo trắng mục tiêu quân thù”.

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét