Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

Một người tốt đã ra đi


Hôm thứ bảy 7.4, vừa vào đến cơ quan, cầm tờ báo nhà lên đọc lướt, tôi giật mình trước khung đen nhỏ chia buồn. Người nằm yên lành trong khung giấy giản dị ấy là bác Ngoạn, đại tá Lê Quang Ngoạn. Tôi vội nhắn tin hỏi người đồng nghiệp đồng thời là con rể của bác, anh Trần Xuân Hòa- trưởng văn phòng Nha Trang, anh Hòa bùi ngùi xác nhận bác Ngoạn đã ra đi. Mấy bữa rồi tôi về quê Nam bộ, máy móc không, lại bận bịu nên nay mới có mấy nhời tưởng nhớ bác.

Bác Ngoạn đi sau 93 năm tại thế, kể như vậy cũng thọ lắm. Bác nguyên là Cục trưởng Cục cảnh sát bảo vệ, nhưng với tôi và gia đình tôi, bác là người thân thiết. Cũng có nhiều mối gắn bó. Chị dâu tôi là cháu bác. Anh Hòa đồng nghiệp của tôi là con rể bác. Đám hỏi và đám cưới anh Uy tôi ở Hải Phòng, bác đều thay mặt gia đình, đánh xe về dự. Những năm 80 khốn khó, mỗi lần ra bắc vào nam, tôi đều ăn dầm nằm dề nhà bác; được bác coi như con cháu trong nhà. Vào nam công tác, bác mấy lần đến thăm vợ chồng tôi và cho quà. Kỷ niệm về bác không nhiều nhưng sâu nặng, tôi chẳng thể nào quên.

Bác Ngoạn làm chức to nhưng thật giản dị, nhân hậu. Thày tôi sinh thời rất quý bác, hễ chúng tôi ở miền Nam về thăm quê thì y rằng hôm trước hôm sau thày nhắc các con nhớ lên sớm Hà Nội thăm bác Ngoạn. Bác ít tuổi hơn thày nhưng thày thường gọi một cách kính trọng là cụ Ngoạn hoặc ông Ngoạn. Hai cụ trò chuyện hợp nhau lắm, dù thày tôi chỉ là nông dân còn bác sĩ quan cao cấp. Bác nói nhỏ nhẹ, ân tình, dạy bảo con cháu bằng những điều rất giản dị. Ba người con trai của bác, anh Cương, anh Bình, anh Ý đều theo ngành công an, rất giỏi giang, giữ chức vụ cao nhưng anh nào cũng hiền lành, nhân hậu như bố. Một điều hiếm thấy.

Năm 1982, trên đường vào lại Sài Gòn, vé xe lửa quá khó khăn, mặc dù anh Bình anh Ý đã hết cách giúp đỡ, tôi vẫn phải tá túc nhà bác để chờ tàu. Dù làm cấp cao nhưng bác cũng chỉ được ở tầng trên của một căn biệt thự gần hồ bơi Tăng Bạt Hổ, mấy phòng cộng lại cũng chỉ vài chục mét vuông. Thậm chí hai anh con trai thứ còn độc thân phải ở trên cái gác lửng bé xíu chỉ để ngủ chứ không thể xoay qua trở lại. Hai bác tận dụng diện tích đất nho nhỏ dưới vườn làm cái chuồng nuôi vài con lợn nên bác gái bận bịu suốt ngày. Bác trai có tiêu chuẩn đưa rước bằng ô tô nhưng nhất quyết đi bộ, chỉ khi nào cần lắm mới sử dụng xe. Bác bảo cuộc sống còn khó khăn, còn nghèo, bớt được chút nào để lo cho dân tốt chút ấy. Thấy tôi khổ sở vì không mua được vé tàu, bác dặn Bình, Ý ráng lo sơm sớm để tôi yên tâm, nhìn tôi gầy vêu vao bác bảo chị Loan con dâu bác mua thêm thức ăn ngon hơn về “đãi khách”. Tôi không ngờ gia đình một sĩ quan cao cấp (lúc ấy bác đương chức cục phó Cục cảnh vệ) mà sống giản dị, thậm chí nghèo khó đến thế. Vậy nhưng bác rất vui, luôn động viên mọi người, nhường nhịn cho mọi người.
Lại nhớ năm đó, hai bác cháu đọc báo Nhân Dân thấy có cái tin công đoàn Đoàn Kết bên Ba Lan đấu tranh đòi quyền dân chủ, bị đàn áp cấm hoạt động, công nhân bị bắn chết, bác Ngoạn cầm tờ báo trầm ngâm mãi. Bác bảo dù công đoàn Đoàn Kết có sai gì chăng nữa thì việc bắn chết công nhân đòi quyền dân sinh dân chủ cũng rất không nên. Tình hình Ba Lan như vậy sẽ ngày càng nguy ngập. Tôi trẻ người non dạ chả hiểu bao nhiêu nhưng về sau nghiệm thấy điều bác Ngoạn nói đúng cả.

Năm 83 bác đi công tác trong Nam. Vào Sài Gòn bác tới ký túc xá vợ chồng tôi ở, leo tận tầng 5, lại còn xách theo túi xoài to. Bác bảo khi làm việc ở Cam Ranh, thấy xoài ngon nhớ ngay đến cháu, mua vào làm quà cho cháu. Vợ chồng tôi cảm động ứa nước mắt. Biết chúng tôi giáo viên nghèo đang ăn độn bo bo, tiền nong eo hẹp, thức ăn chả có gì, bác nhất quyết từ chối không ở lại ăn cơm vì không muốn các cháu phải chạy vạy, lại còn lệnh bằng được buổi tối chúng tôi phải đến dùng cơm nhà khách với bác. Quả thật chỉ những con người tràn đầy tình yêu thương mới hiểu sâu sắc và thông cảm đến thế.

Tôi có nghe anh chị tôi kể rằng các con bác dù theo nghiệp bố nhưng đều phải tự lực, tuyệt đối không được ỷ lại cậy nhờ chức vụ của bố mình. Bác bảo để các anh tự đi bằng hai chân, có thế mới nên người. Cái câu “một người làm quan, cả họ được nhờ” có thể đúng chỗ này chỗ khác nhưng với gia đình bác Ngoạn nó chẳng có giá trị gì. Càng về sau này, khi hình ảnh cao đẹp của người công an cứ mờ dần đi thì tôi lại nhớ đến bác Lê Quang Ngoạn và những người con của bác. Nếu không có những con người đậm chất người như thế, sẽ buồn biết chừng nào.

7.4.2012
Nguyễn Thông

16 nhận xét:

  1. Người như cụ Ngoạn thật là hiếm ! Giờ được mấy ai bác nhỉ !

    Trả lờiXóa
  2. Ông nội em là liệt sỹ ngành công an, nhưng bố em nhất quyết không cho vào ngành công an. Cho dù ngành CA có lời mời hẳn hoi. Sự thật này xưa thì những người làm công an là những người quá tốt

    Trả lờiXóa
  3. Đọc bài của thày em càng thấy người như cụ Ngoạn không ít, nhưng cũng không dễ kiếm. Điều quan trọng là ở một chế độ cái gì cũng lên gân, hô khẩu hiệu thì cái tốt của cụ Ngoạn nó từ chất người, từ sự thấu hiểu nhân tình, rất hiếm thấy ở quan chức. Càng buồn vì có những người đúng ra mình phải yêu thương kính trọng, thì lại chỉ biết hô khẩu hiệu, nhưng sống chả ra làm sao.

    Trả lờiXóa
  4. Hồi đó “bác” Hồ ghét Nhựt, thù Pháp, nổi lên cướp chánh quyền. Dẹp bỏ cơ hội tốt do Nhựt và Pháp trao trả độc lập, thống nhứt cho Việt Nam thời kỳ 1945 – 49. Bây giờ nông dân Nhựt làm ruộng như sau:

    http://www.youtube.com/watch?v=6THCpWDPfnQ

    Còn nông dân Việt nam của “bác” làm ruộng ra răng hỉ? Nhờ “bác” và đỉnh cao trí tuệ Hà nội mà cả nước ốm o, ăn bo bo sái hàm , thật đúng là “đỉnh cao trí tuệ loài người” !

    Nữ bs Dương quỳnh Hoa , nữ văn sĩ Dương thu Hương và nhiều người khác đã bỏ đảng ngay sau 1975. Những thành phần còn lại sao cứ bám đảng chi vậy, lại còn làm công an!

    Trả lờiXóa
  5. Chia buồn cùng đồng nghiệp Trần Xuân Hòa và phu nhân. Xin thắp một nén nhang cho cụ.

    Trả lờiXóa
  6. Bác Thông ơi, Quả đất thế mà nhỏ thật. Lê Đại Cương, con bác Ngoạn là bạn cùng khóa 4 trường Trỗi với tôi. Qua blog Trỗi tôi cũng đã gửi lời chia buồn tới Cương cùng gia đình. Đúng như nhận xét của bác thì bác Ngoạn cùng mấy người con của mình đều đã là những người công an giản dị, xứng đáng được gọi là công an nhân dân.

    Trả lờiXóa
  7. Gởi các bác tiếng nói của anh sinh du học: “Còn Cờ Đỏ Sao Vàng Thì Không Bao Giờ Có Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc”

    http://www.youtube.com/watch?v=1SDayx4VFZs

    Trả lờiXóa
  8. ÔI giời, người bằng tuổi cụ ấy ai chả thế. Bố mẹ tôi cũng như bác ấy, thế hệ sau này chúng nó mới mất dạy, khốn nạn, tham nhũng, biến chất...

    Trả lờiXóa
  9. thưa các bác ,
    tôi ra tù năm 1981 (sĩ quan chế độ cũ) , tôi nhận thấy CA thời ấy KHÔNG HỐNG HÁCH , DỮ DẰN như bây giờ . Do đc giáo dục bao nhiêu năm dưới chế độ CS , họ vẫn còn thành kiến với chúng tôi, nên chúng tôi rất thông cãm với họ ; tuy nhiên ko có hống hách hay dọa nạt chúng tôi . Thời đó , thỉnh thoảng họ thường đánh thức cã khu phố vào ban đêm đễ kiểm tra hộ khẩu .
    Đối với dân trong khu phố , các anh CA khu vực rất hòa nhã , do vẫn còn tuân thủ nghiêm nhặt các điều lịnh cũa CA . Nếu bắt gặp tội phạm (như cướp giật) quả tang , CA có thể nặng tay đánh đập , nhưng ko đến nổi chết người . Tôi rất ít nghe hay gần như không nghe trường hợp CA đánh chết ng tại đồn hay trại tạm giam như xảy ra nhan nhãn bây giờ .
    Thời đó , CA giao thông cũng đã bắt đầu làm tiền các chũ xe đò , xe chỡ khách nhưng kín đáo , không bạo và ko nhiều như bây giờ . Có lẽ bấy giờ , VN vẫn chưa có kinh tế thị trường nên SỰ CÁM DỖ CŨA ĐỒNG TIỀN MÃNH LIỆT NHƯ BÂY GIỜ . Tôi cũng ko thấy hay nghe tin CA giao thông đánh người lái xe gắn máy đổ máu - như CA giao thông bây giờ .
    Trong thời gian 13 năm ở VN trước khi đi Mỹ , tôi đã tiếp xúc rất nhiều với CA do đi làm việc , đi du lịch từ Nam chí Bắc , tôi thấy họ đối xử với dân trong một mức độ người dân chấp nhận được . KHÔNG NHƯ BÂY GIỜ .
    Lắm lúc tôi tự hỏi CA bây giờ có phải họ coi dân như KẺ THÙ không ?
    Qua việc họ trấn áp nặng tay những ng biểu tình chống TQ (đạp mạnh vào mặt) , hay đánh chết các ng bị giử tại trại tạm giam vì các tội rất nhõ nhặt như nghi ngờ ăn cắp 1 chĩ vàng , hay đánh người đỗ máu vì ko mũ bảo hiểm , v.v...
    Họ cũng đang làm khó dễ , dùng xả hội đen để trấn áp người biểu tình chống TQ (theo blog xuân diện hay nguyễn tường thụy) , v.v...

    Trả lờiXóa
  10. Thương nhớ, kính trọng bác Ngoạn, một người giản dị & nhân văn. Nhờ anh Thông gửi lời chia buồn đến gia quyến bác.

    Trả lờiXóa
  11. Cảm ơn chú đã viết những lời tốt đẹp về ông nội cháu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cháu ơi, cháu là con bố Cương hay bố Bình, Ý? Chào cháu nhé.

      Xóa
    2. Cháu là con Bố Bình chú ah.

      Xóa
  12. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  13. Xin lỗi! Mạn phép anh Thông, tôi đưa bài này VỀ ĐÂY

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn các bác. Những người như cụ Ngoạn hiếm lắm. Mình xin phép được hằng ngày vào đọc blog Trường Trỗi nhé.

      Xóa