Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

Những bài hát của một thời (28): Những cô gái quan họ

Mình chẳng biết bài hát Những cô gái quan họ có phải tác phẩm đầu tay của nhạc sĩ Phó Đức Phương không bởi chưa bao giờ nghe ông đề cập đến điều này nhưng có thể khẳng định mà chả sợ sai rằng nó là tấm thông hành cho ông bước vào làng nhạc. Sự thành công và nổi tiếng đến ngay từ sáng tác ban đầu, có lẽ ở nước ta trường hợp như Phó Đức Phương hơi hiếm.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương sinh năm 1944, người Hà Nội nhưng với bài Những cô gái quan họ đã rất nhiều người lầm tưởng ông quê Bắc Ninh. Tuy nhiên người kinh Bắc có quyền tự hào về nhạc sĩ đã viết ra bài hát hay nhất ca ngợi quê hương mình. Ông là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng khác nữa, như Tình ca trên những công trình mới, Nha Trang thu, Về quê, Hồ trên núi,  Huyền thoại hồ núi Cốc, Một thoáng Tây Hồ, Trên đỉnh Phù Vân, Chảy đi sông ơi...

Những cô gái quan họ ra đời năm 1967, có thể coi là thời kỳ ác liệt nhất của miền Bắc trong bom đạn máy bay Mỹ. Lời ca trong trẻo, giản dị cùng giai điệu thiết tha của dân ca đồng bằng Bắc bộ đã vang lên khắp chốn cùng quê. Nhiều người ngơ ngác không biết Phó Đức Phương là đứa nào mà cho ra tác phẩm nuột nà đến thế. Trên làn sóng đài Tiếng nói Việt Nam, bài hát qua sự thể hiện của tốp nữ nổi tiếng, Kim Oanh lĩnh xướng, càng làm mọi người thêm yêu quê hương quan họ và những cô gái hậu duệ thái hậu Ỷ Lan.

Bắc Ninh với mình cũng có vô số kỷ niệm dù thời gian lưu cư chẳng bao lâu. Trường đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán đợt 2 tỏa về khắp nơi. Khoa văn về Hà Bắc và Hưng Yên (đợt 1 về Đại Từ, Thái Nguyên), lần này bọn từ năm thứ 2 trở lên đi Văn Giang (Hưng Yên) còn năm thứ nhất về Yên Phong và Hiệp Hòa (Bắc Ninh, Hà Bắc). Sau tết Quý Sửu 1973 cả bầu đoàn "sư tử" thầy trò lại lục tục chuyển về Hà Nội. Bắc Ninh chỉ thoáng có mấy tháng mà nặng nghĩa nặng tình, nhất là sự đùm bọc của người nông dân với bọn sinh viên nghèo. Khi mình đã chuyển về ở nhà D2 khu đại học Ngoại ngữ gần đường tàu điện ga Thanh Xuân tháng 4.1973, anh Thuận chủ nhà còn lặn lội từ Yên Phong lên thăm mình và thằng Nguyễn Sĩ Đại (cùng ở chung nhà anh), gặp gỡ thật cảm động. Mấy chục năm qua, chính xác là hơn 40 năm, mình cũng chưa có dịp về thăm lại Yên Phong bên bờ sông Cầu, qua cái phà Đông Xuyên (nghe nói đã bắc cầu), ghé chợ Chờ, đi trên con đường đê rợp bóng tre, thăm lại những người ơn nghĩa thời khó khăn vất vả. Chả biết anh chị Thuận có khỏe, có còn không? Mình tự dặn lòng thế nào cũng phải làm một chuyến về nơi xưa cũ cho trọn nghĩa vẹn tình.

Xin cám ơn nhà sưu tầm Zanhanoi.


18.4.2012
Nguyễn Thông

 
Trên quê hương quan họ (i)
Một làn nắng (i) cũng mang điệu dân ca
Giữa mùa lúa thơm cánh cò bay đẹp như trong mộng (i)
Những cô tấm ngày xưa như vẫn còn đây trong mùa trẩy hội
A, quê hương ta biết bao nhiêu cô gái xinh đẹp đảm đang (i)
Việc nước việc nhà vẹn toàn
nắng mưa nhọc nhằn vẫn (ư) tươi duyên

Ai ngang qua Đông Hồ (i)
Một chiều nắng (i) rẽ thăm nàng Tố nữ
Ba mùa gối nhau gái hội Lim dàn quân trên đồng (i)
Lúa năm tấn vượt lên xanh ngát màu xanh trên tầm đạn thù

Đây quê hương ta gái thay trai tay súng tay cày đảm đang (i)
Giặc đến giặc không đường về, lúa xanh mùa mùa vẫn tươi xanh


Yêu quê hương quan họ (i)
Từ đồng lúa (i) đến con đò ven sông
Giữa mùa chiến công xóm làng xưa lại ngân câu hò (i)
Dẫm lên xác thù rơi ta tiếp bài ca chiêm mùa mở hội
A, quê hương ta biết bao nhiêu cô gái xinh đẹp đảm đang (i)
Việc nước việc nhà vẹn toàn
nắng mưa nhọc nhằn vẫn tươi duyên

Trên quê hương bao đời (i)
Từng ngày tháng (i) viết nên ngàn câu thơ
Sông Cầu nước xuôi đất nghìn năm dệt nên trang sử (i)
Đứng lên với đồng quê cô gái Việt Nam bao mùa trưởng thành
Đây quê hương ta gái thay trai tay súng tay cày đảm đang (i)
Giặc đến giặc không đường về lúa xanh mùa mùa vẫn tươi xanh.

11 nhận xét:

  1. Đợt sơ tán lần 2 anh Thông về đâu? Tôi nhớ năm 72 có nhiều sinh viên TH về làng tôi gặt lúa cho HTX, vớt rong, vớt bèo hoa dâu, chặt điền thanh làm phân xanh... du chỗ họ sơ tán mãi xã dưới, cách làng Nứa (Đoan bái) quê tôi gần chục cây số. Nhà tôi cũng có mấy anh chị về giúp ít việc vì là nhà chính sách (Bố tôi còn ở B chưa về). Gần trưa mấy chị lại phân công nhau nấu cơm, trước khi đi làm mẹ tôi lại đong gạo để sắn. Tôi đi học về được mấy chị kiểm tra bài. Tôi nhớ có chị Uyên học TH sử, chị ấy xinh mà thương tôi lắm. Giờ không biết chị ấy ở đâu?
    Dũng_Ninh Thuận

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dũng ơi, năm 72 khoa văn năm nhất tụi mình về thôn Sát Thượng, xã Yên Trung, huyện Yên Phong, Hà Bắc. Một vùng quê rất đẹp nhưng những năm đó rất nghèo. Người dân thì tốt vô cùng. Nhớ mãi. Từ phà Đông Xuyên theo đường đê khoảng 2 cây số là tới.
      Con gái khoa văn, khoa sử xinh lắm. Để mình hỏi lại xem Uyên giờ ở đâu.

      Xóa
  2. Bác Thông người Hà Bắc (Bắc Giang?) ạ? nghe danh bác đã lâu, cũng thường xuyên đọc bác mà không biết bác cùng quê Bắc Giang với mình! hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không, em ạ, anh người Hải Phòng, học đại học sơ tán ở Bắc Ninh, nhưng rất quý sự thẳng thắn, quyết liệt của dân Bắc Giang. Cùng học với anh có bác Nguyễn Huy Cờ, một nhà viết kịch, viết chèo, quê Bắc Giang.

      Xóa
    2. Hay cho hai từ "thẳng thắn" và "quyết liệt". Hihi, Sự thẳng thắn, quyết liệt đã mang lại cho em nhiều thứ, cũng lấy đi không ít thứ của em. Nhưng dù thế nào đi nữa, em vẫn thích được là chính mình!

      Xóa
  3. Ôi, anh Cờ tiếu lâm mà, Bắc giang nhiều người biết. Anh ấy là tác giả bộ sưu tập 426 làn điệu quan họ cổ, có tặng em 1 cuốn cách đây hơn 20 năm, giờ vẫn còn đấy.
    A Thông cùng học TH Văn với anh Cờ, năm nay anh gần 60 rồi còn gì?
    Từ phà Đông xuyên về nhà em dăm cây số nữa, nhưng từ chỗ anh sơ tán đi theo đê qua ddf Gầm lên chỗ en chỉ vài cây thôi.
    Anh hỏi thăm chị Uyên giúp em nhé.
    Thank you anh.
    Dũng_Ninh Thuận.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lúc ấy anh Cờ là cán bộ đi học, lớn tuổi hơn tụi mình nhiều (mình sinh 1955), bọn mình tôn làm đại ca.

      Xóa
  4. Ngày xưa Bác đi học mà đã gia nhập băng đảng rồi à? Nghe đến đại ca, đại cốc thấy lạnh người

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. He he, đại ca hồi ấy uy tín lắm, cả về tài lẫn đức, chả cần phải học tập và làm theo ai, chỉ noi theo đại ca là cũng đủ nên người, bác Tèo ạ.

      Xóa
  5. Hay quá!Nghe lại giọng của ca sĩ Kim Oanh hồi ấy thấy chất giọng khác hẳn các giọng của bây giờ: khỏe khoắn, trong sáng, lạc quan, yêu đời, tự nhiên...chứ không èo uột. Chỉ biết là SƯỚNG khi nghe! HiHi(MĐ). Mình cũng thích hát bài này lắm lắm. Đang ngồi ngêu ngao theo Kim Oanh đây. Cảm ơn Thông cào. Thue giãn một chút

    Trả lờiXóa
  6. Hình như tớ với cậu nghiện món ca khúc cách mạng hay sao ấy nhỉ.

    Trả lờiXóa