Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

Chả nhẽ Trung Quốc là cái sọt rác?

Không biết tự bao giờ, ở xứ ta nảy nòi ra cái thói đổ thừa - nhận vơ. Mà càng ngày càng nặng, căn bệnh mạn tính đến thần y cũng phải bó tay.

Triệu chứng rõ nhất của căn bệnh là điều xấu do mình gây ra thì đổ cho người khác, và tất nhiên vơ cái tốt từ người khác vào mình, bảo của mình. Đại loại “những gì tốt đẹp của mày thì thuộc về tao, những gì xấu xa của tao thì thuộc về mày”.

Ngày nào đó, lúc dân trí còn thâm thấp, làm lãnh đạo cũng dê dễ, cách tốt nhất, phổ biến nhất là cứ đổ tất tần tật cho trời. Trời ở xa, có cãi đằng trời. Làm ăn dở hơi, kinh tế lụn bại, nông thôn xơ xác tiêu điều, nông dân đói rã họng tha phương cầu thực, chỉ thiếu điều như năm Ất Dậu 45, nhưng giờ không còn thằng Nhật phát xít để quy cho nó, vậy thì gán cho trời. Có chạy đằng trời. Ai bảo ông gây hạn hán lũ lụt. Dù năm mưa thuận gió hòa nhưng chúng tớ làm dở thì cũng cứ đổ cho ông nhé, hehe. Rồi sai bọn văn nghệ sĩ chế ra khẩu hiệu “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”, “nghiêng đồng đổ nước ra sông”… cứ nói mãi dân đen cũng hồ hởi tin theo. Nhưng có vài ba đứa đểu, chúng dám nói xấu sau lưng “mất mùa là bởi thiên tai/được mùa là tại thiên tài đảng ta”, kệ chúng nó, chịu khó gánh vác chút xíu, trời nhé. Sau này mâm cao cỗ đầy, ghế bàn vững chắc, sẽ nhớ công ơn, chả gì cũng lệnh cho Vụ thi đua khen thưởng ban cho trời cái huân chương vì góp phần che giấu.

Trải thêm nhiều mùa mưa nắng, thằng dân khôn hơn, mà trời cũng khôn hơn. Chắc trời nghĩ, bọn mày ngu dốt, làm ăn dở ngô dở ngọng, đừng khôn lỏi đổ thừa tao nhé. Ông lại cho cú lũ quét, ngập lụt, bão cấp 14, thậm chí động đất như Nhật Bản thì trắng mắt ra.

Nhưng không đổ cho trời thì biết cho ai bây giờ. A, có rồi, thằng Trung Quốc, phen này thì chết mẹ mày, con ơi. Mày có trốn sang Liên Xô ông cũng tìm bằng được lôi về bắt phải nhận.

Nhiều vụ lắm, không phải Hoàng Sa Trường Sa gì cả (ở đây không nói chuyện chính trị), nào nhà máy nhiệt điện Hải Phòng ì ạch, dự án Nhiêu Lộc Thị Nghè dở dang, xi măng lò đứng lò ngồi lạc hậu không ra được sản phẩm xi-moong mà chỉ ra đất, gây ô nhiễm môi trường hạng nặng, rồi dưa hấu miền Trung, vải thiều Lục Ngạn, khoai lang miền Nam chịu bỏ thối nơi cửa khẩu, ối giời nhiều lắm, kể ra thì có mà trúc Lam Sơn không ghi hết tội, nước Đông Hải không rửa hết mùi. Thôi thì đơn cử chuyện này làm ví dụ.

Mấy lần mình đi Bình Thuận thấy bạt ngàn những là thanh long. Hình như ở đây trên giời dưới thanh long hay sao ấy. Nhớ lần gặp ông Nguyễn Văn Thu, Phó chủ tịch tỉnh, cả lần gặp ông Huỳnh Văn Tý, Bí thư tỉnh, các ông đều rất tự hào về điều này. Mình quý hai ông bởi trong trò chuyện trao đổi thấy các ông làm quan đầu tỉnh nhưng giản dị, chân thật, nói năng thoải mái. Lãnh đạo mà được như thế cũng hiếm. Báo chí ca ngợi Bình Thuận lên ngôi vương quốc thanh long, thủ đô thanh long. Theo mấy bạn của mình ngoài đó, hiện cả tỉnh có tới 15.000ha loại đặc sản này, mỗi năm thu hoạch tròm trèm nửa triệu tấn. Đầu vào phải có đầu ra. Bán trong nước hay xuất ra nước ngoài cũng là bán. Chết nỗi làm ăn đã không có kế hoạch, lại kèm thêm chèn ép, mưu lợi cá nhân, coi thường thị trường nội địa… nên nông dân chịu khổ lây. Lúc trái được giá, người trồng bán ngay tại ruộng cũng được 15-17 ngàn đồng/ký, mấy bữa nay tụt thảm hại xuống còn 3-4 ngàn, thậm chí 1-2 ngàn. Nhiều chủ vườn nhìn trái chín mà khóc ròng. Chỉ đàn bò được phen ăn trái thanh long è ra, thèm cỏ muốn chết. Người ta họp tới họp lui bàn tìm nguyên nhân, tìm mau lối ra kẻo thanh long thối hết. Và tìm ra rồi, do Trung Quốc. Bọn Tàu thâm lắm, làm ăn tráo trở. Nó cố tình mua giá cao, đến khi mình ào ào lao theo đáp ứng thì nó dìm nó ngưng. Thế là chết đứ đừ đự. Thứ lý thuyết, quy kết đó, trường hợp vụ việc nào đúng sai chả biết, nhưng vụ thanh long này thì tôi không tin. Chính ta làm ăn dở, ta hại nhau thì có. Bằng chứng là sáng qua tôi ghé chợ mua ít trái cây cúng rằm. Tới lui hai ba chỗ, hỏi mua thanh long, giá chót cũng 15 ngàn/ký, nhiều chỗ chém sắc đến 20 ngàn. Hỏi sao thanh long đang mùa, rẻ thối mà lấy đắt thế, bảo rằng rẻ ở nơi trồng chứ đây không rẻ, muốn rẻ ra Phan Thiết mà mua. Giời ạ, cùng máu đỏ da vàng mũi tẹt mắt hai mí với nhau mà chẹt nhau đến tận hẻm. Thương lái Tàu nó không sang mua, kệ nó; nhưng thương lái Việt chả những không ra tay cứu giúp bà con mà còn siết thêm thòng lọng. Từ Bình Thuận về Sài Gòn chưa đầy 200 cây số, cứ rộng rãi tính chi phí chuyên chở, bảo quản, phân phối 1 ký thanh long thêm ngàn bạc nữa đi thì nếu chủ vườn bán 5-7 ngàn/ký, đến tay người ăn hơn chục ngàn, nhà buôn cũng lời chán rồi. Ăn dày trên mồ hôi nước mắt nông dân chả biết xấu hổ. Tôi đi guốc trong bụng các ông các bà rồi: “mày không bán cho tao thì cứ để thối chứ dân nơi khác tao phải quất giá cao. Chả có tình nghĩa, hạch toán gì ở đây cả”, đúng không.

Thật nực cười, thanh long Bình Thuận bắt bò phải xơi, còn dân Sài Gòn và những nơi khác không có mà ăn. Ta ngu ta ác nhưng ta cứ đổ cho thằng Tàu cái đã. Bọn Tàu mà biết, chắc chúng chắp tay “con cắn rơm cắn cỏ lạy các ông bà Việt Nam, các ông bà tha cho con, đừng đổ tiếng ác cho con”.

Bao giờ bọn Trung Quốc ngu dại thành tâm hối cải, nhận lỗi không phá phách chúng ông nữa, sẽ tạm tha cho mày. Ông biết còn lâu ông mới làm ăn đàng hoàng giỏi giang được, vậy thì sắp tới sẽ đổ cho thằng Mỹ. Bọn đế quốc sài lang về bản chất vẫn cứ là đế quốc sài lang. Chơi với nó có chừng mực thôi, cứ nêu cao cảnh giác cách mạng. Khi cần thì “đánh đích đáng, đánh đích đáng, bọn đế quốc Mỹ phải cho chúng nếm đòn đau”.


9.2011

Nguyễn Thông

9 nhận xét:

  1. Viết hay nhưng "tếu, giọng điệu khác hẵn các bài trước!

    Trả lờiXóa
  2. chua cay và hơi hơi bốc mùi thanh long tồn kho

    Trả lờiXóa
  3. Bác viết hay.Mình không bao giờ nhận sai,nhận dở, mà luôn kiếm 01 lý do để biện minh cho sự ngu dốt của mình.Tại sao không :"Tiên trách kỷ ,hậu trách nhân".

    Trả lờiXóa
  4. Bác "nặc danh" ạ, trung ngôn nghịch nhĩ, lời nói thật dễ mất lòng, mình chả ngại, chỉ muốn góp một tiếng nói thật để các vị có trách nhiệm tự xem lại bản thân, đúng như bác nói "tiên trách kỷ...".

    Trả lờiXóa
  5. Bác viết hay quá.
    Người Việt chúng mình cũng lắm thói hư tật xấu nhỉ?

    Trả lờiXóa
  6. Tưởng rằng chị ngã em nâng
    Ai ngờ chị ngã, em bưng miệng cười

    Người Việt ta bây giờ thay đổi nhiều quá rồi thì phải. Hay là tại... cơ chế thị trường?

    Trả lờiXóa
  7. "Mất mùa là bởi thiên tai/được mùa là tại thiên tài đảng ta”.

    Trả lờiXóa
  8. 200km ấy mất khoảng 10000đ phí vận chuyển đấy, không rẻ đâu: xăng cho petrolimex, cầu đường cho bộ xây dựng, thông đường cho bộ công an, lãi của nhà xe, công của tài xế... khối thứ bám vào đấy!

    Trả lờiXóa
  9. Một ký (giá 3.000đ) vượt 200 cây số phải cõng thêm 10.000đ nữa, tức hơn gấp 3 lần thì ghê quá, bác ạ. Nếu đem ra đến thủ đô đội lên 5-7 lần thì ai dám ăn. Lúc ấy chỉ thủ tướng mới được ăn thanh long thôi.

    Trả lờiXóa